Các Dòng Tu – vấn Đề 13

0
444


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 13

CÁC DÒNG TU

(đ. 573 §2, 607 §2)

 

A. Dòng Tu và Giáo Hội

Đời sống tu trì là một thành phần của Giáo Hội: điều này vẫn được khẳng định từ xưa đến nay, nhưng vấn đề mà thần học tranh luận là phải hiều thế nào về bản chất của thành phần này. Công Đồng Vatican II chỉ nói rằng: “Hàng ngũ được cấu thành bởi việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, tuy không nằm trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng chắc chắn là thuộc về sức sống và sự thánh thiện của Giáo Hội”.[1] Điều luật 573 §2 nêu rõ: “Các tín hữu được thánh hiến như vậy “được liên kết cách đặc biệt với Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội”.[2]

Vị trí các Dòng Tu liên quan đến bản chất xã hội của Giáo Hội, và dựa trên quyền lợi của các tín hữu được thành lập những hiệp hội với cơ chế pháp định (đ. 298). Bởi vậy dễ thấy rằng, “Dòng Tu là một hội” (Institutum religiosum est societas: đ. 607 §2). Để hiểu rõ điều này, nên biết rằng, trong thời gian tu chính Bộ Giáo Luật 1983, mục bàn về các Dòng Tu đã có nhiều lần thay đổi vị trí trong quyển Hai bàn về Dân Thiên Chúa. Năm 1980, người ta thấy các Dòng Tu được đặt ở phần thứ ba, sau khi đã nói về các tín hữu, hàng giáo phẩm, các hiệp hội. Ngày nay, các Hội Dòng vẫn còn đặt ở phần thứ ba, nhưng chỉ dành riêng cho các Dòng Tu dưới tựa đề “Các Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ”.[3]

B. Thẩm quyền châu phê Dòng Tu

Đối với Dòng Tu, đừng kể những gì luật chung đã quy định về các hiệp hội, Giáo Hội còn bày tỏ một mối quan tâm đặc biệt hơn. Ngoài ý định tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, đời sống tu trì còn cần phải thực hiện bằng sự gia nhập một Hội Dòng mang những đặc điểm sau đây:

– Được thiết lập bởi nhà chức trách có thẩm quyền.[4] Hành vi thiết lập bằng một nghị định ban cấp sự hiện hữu pháp định.[5]

– Một lối sống được đánh dấu bởi những lời khấn công và một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn.[6]

– Bản Hiến Pháp riêng của mỗi Dòng, cũng cần được phê chuẩn bởi cơ quan có thẩm trong Giáo Hội. Bản Hiến Pháp này nói lên đặc sắc của Dòng trong sứ mạng của Giáo Hội.

Hiểu như vậy, các Dòng Tu lệ thuộc chặt chẽ vào phẩm trật Giáo Hội.

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 43

[2] Ibid., số 44

[3] Phần bàn về các hiệp hội được chuyển sang phần thứ nhất của quyển Hai của Bộ Giáo Luật 1983

[4] Thẩm quyền này tùy từng trường hợp: Giám mục Giáo phận hoặc Tòa Thánh

[5] Xem thêm điều này ở vấn đề 18

[6] Xem thêm ở vấn đề 22 và 35