Các Điều Luật Bổ Sung – Vấn Đề 16

0
767


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 16

CÁC LUẬT BỔ SUNG

(đ. 587 §4)

 

“Luật riêng” của một Dòng, ngoài Hiến Pháp và Tu Luật cổ điển,[1] còn gồm nhiều văn bản quy phạm khác. Những bản văn này không cần được duyệt y bởi thẩm quyền Giáo Hội, vì thế dễ sửa đổi hơn. Chiếu theo điều 587 §4, những quy luật khác, do thẩm quyền của Dòng, sẽ được gom lại trong những quyển luật khác, có thể được tùy nghi duyệt xét lại cho thích hợp với các đòi hỏi mỗi nơi và mỗi thời.

Các văn bản quy phạm thường được biểu quyết bởi Tổng Tu Nghị, nhưng có thể được ban hành do cơ quan khác có thẩm quyền, chẳng hạn như Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Cố Vấn của ngài. Hiến Pháp nên xác định rõ những thủ tục này.

A. Cần bao nhiêu quyển luật bổ sung?

Bộ Giáo Luật đặt “luật bổ sung” ở số nhiều, để cửa mở cho nhiều chọn lựa. Đối với các Dòng nhỏ, một quyển luật bổ sung thì đã đủ. Những Dòng khác, do tầm cỡ lớn hoặc do tổ chức phức tạp, cảm thấy cần nhiều quyển luật bổ sung, mỗi quyển cho một lãnh vực.

Các Dòng được tự do đặt tên cho các quyển luật bổ sung, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong Tự sắc “Ecclesiae sanctae”: “Những quy tắc tương ứng với thời buổi hiện nay sẽ được đặt trong các bản văn bổ sung, gọi là kim-chỉ-nam, tục lệ hay tên gọi nào khác”.[2]

B. Nội dung của quyển luật bổ sung ra sao?

Những vấn đề sau đây nên đặt trong quyển luật bổ sung chứ đừng đặt trong Hiến Pháp.

– Những gì có thể sẽ thay đổi theo thời cuộc.

– Những gì có thể được thích nghi với các hoàn cảnh và những nhu cầu mới.

– Những gì rõ ràng là thứ yếu, chứ không liên quan đến bản chất của Dòng.

– Những luật lệ thuần túy kỹ thuật mà bất cứ tổ chức xã hội nào cũng phải tuân theo để điều hành tốt.

Như vậy, phải chăng quyển luật bổ sung chỉ mang tính chất pháp lý thực hành chứ không có gì tâm linh và luân lý? Chắc chắn là không phải thế. Các Dòng được tự do soạn thảo một quyển luật bổ sung hoặc thuần túy pháp lý thực hành, hoặc vừa có nét tâm linh vừa có nét thực hành.

Tuy nhiên thiết tưởng không nên phát biểu những điều khoản tâm linh của bản Hiến Pháp bằng những lối diễn tả khác, bởi vì những sự lặp lại như thế vừa vô ích vừa có thể gây hoang mang, và làm giảm giá trị của bản Hiến Pháp.

C. Phải xếp đặt Hiến Pháp và luật bổ sung như thế nào?

Có nhiều giải pháp khác nhau, và mỗi Dòng sẽ chọn lựa cách thức thích hợp.

1/. Hiến Pháp và quyển luật bổ sung là hai cuốn sách tách rời nhau.

2/. Hiến Pháp và quyển luật bổ sung được in thành một cuốn sách, trong đó phần thứ nhất là Hiến Pháp, và phần thứ hai là luật bổ sung.

3/. Trong cùng một cuốn sách, mỗi chương của quyển luật bổ sung sẽ đặt tiếp sau chương của Hiến Pháp bàn về cùng chủ đề.

4/. Các quy tắc của quyển luật bổ sung được in nghiêng hoặc cỡ chữ nhỏ ở trong cùng một chương của Hiến Pháp.

D. Ngoài quyển luật bổ sung có giá trị cho toàn Dòng, có thể có những quyển luật riêng dành cho mỗi Tỉnh Dòng không?

Đương nhiên rồi! Tuy nhiên, nhằm duy trì sự thống nhất trong Dòng, Hiến Pháp phải dự trù cách rõ ràng:

– Những lãnh vực nào mà các Tỉnh Dòng có thể có những luật lệ riêng?

– Ai có thẩm quyền ban hành các luật lệ đó?

Đừng nên gia tăng các luật lệ riêng, và các luật lệ này chỉ quy định những điểm thực hành, và những quy tắc pháp lý kém quan trọng.

 

 


[1] Ví dụ như: Tu luật Thánh Augustino, Tu luật Thánh Basilio,…

[2] Đức Giáo Hoàng Phaolo VI, Tự sắc “Ecclesiae sanctae”, II.14