Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 28
CÁC ĐAN VIỆN TỰ LẬP
THIẾT LẬP – TƯ CÁC PHÁP LÝ – BÃI BỎ
(đ. 609 §2; 613; 614; 615; 616 §3 và §4)
Các nhà của một Hội Dòng sẽ được thiết lập do cơ quan có thẩm quyền chiếu theo Hiến Pháp, sau khi được sự ưng thuận bằng văn thư của Đức Giám mục Giáo phận.[1] Để thiết lập một nữ Đan viện, còn cần phải có phép của Tông Tòa nữa. Luật không đòi hỏi phép của Tông Tòa đối với việc thiết lập một Đan viện của các đan sĩ nam hoặc một nhà tự trị (sui juris) của các Dòng Kinh Sĩ.
Một nhà của các Dòng Kinh Sĩ hoặc của các đan tu nam, dưới quyền cai quản và trông coi của vị Bề trên riêng, thì đương nhiên là một nhà tự trị (sui juris), trừ khi Hiến Pháp quy định cách khác. Bề trên của một nhà sui juris là Bề Trên Cao Cấp, chiếu theo luật.
Quyền bính tại các Đan viện nam hoặc nữ là một đặc điểm của luật đan tu, cũng như quyền bính tại các nhà của các Dòng Kinh Sĩ là một đặc điểm của luật kinh sĩ. Khoản “trừ khi Hiến Pháp quy định cách khác” của điều 613 nhằm để bỏ ngỏ cho các Đan viện hoặc các nhà kinh sĩ có một quyền bính trung ương. Điều này thực tế đã xảy ra đối với một vài Dòng nữ đan sĩ.
Nếu một Đan viện sui juris không có Bề trên nào khác ngoài vị Bề trên nhà của mình, và cũng chẳng liên kết với một Dòng khác để cho Bề trên Dòng này có một quyền hành nào đối với Đan viện được Hiến Pháp xác định, thì Đan viện sẽ được ủy thác cho sự trông coi đặc biệt của Đức Giám mục Giáo phận, chiếu theo quy tắc của Giáo Luật.
Về điểm này, Bộ Giáo Luật hiện hành tỏ ra trung thành với truyền thống cổ điển hơn là bộ luật cũ 1917, cho nên đã phân biệt nhiều trạng huống:
– Các Đan viện tự trị nhưng là thành phần của một Dòng: các Bề trên Dòng có thực quyền đối với các Đan viện.
– Các Đan viện coi như “biệt lập” về pháp lý: cho dù là thành phần của một Dòng đi nữa, nhưng các Bề trên của Dòng này không có thực quyền đối với các Đan viện.
Chỉ các Đan viện thuộc loại thứ hai mới được ủy thác cho sự trông coi đặc biệt của Đức Giám mục Giáo phận. Giáo Luật có kê khai một vài lãnh vực, nhưng ở đây chúng ta không liệt kê tất cả danh sách đầy mà chỉ đan cử một vài thí dụ mà thôi. Tại các Đan viện này, Đức Giám Mục sẽ chủ tọa việc bầu cử Bề trên, kinh lý theo Giáo Luật, thừa nhận việc chuẩn các lời khấn tạm. Quyền hành của Đức Giám mục Giáo phận đối với các Đan viện biệt lập này là một sự bổ sung cho Bề trên cấp cao hơn mà Đan viện không có.
Quy chế các Đan viện biệt lập về pháp lý và tùy thuộc quyền Đức Giám mục Giáo phận, được áp dụng cho các Đan viện nam cũng như các Đan viện nữ. Tuy nhiên, đại đa số các Đan viện nam được tổ chức thành những “Chi Dòng đan tu” (congrégations monastiques), cho nên rất ít Đan viện nam tuân theo quy chế dành cho Đan viện biệt lập về pháp lý. Trái lại, đa số các Đan viện nữ chỉ được tổ chức thành những “liên hiệp” (fédérations) chứ không họp thành “Chi Dòng đan tu”. Các liên hiệp không đả động đến quyền hành của Đức Giám mục Giáo phận; vì thế các Đan viện nữ thường là các Đan viện biệt lập về pháp lý, vì thế họ lệ thuộc vào quyền Đức Giám mục Giáo phận, nhiều hơn là Đan viện nam.
“Các nữ Đan viện được kết nạp với một dòng nam thì vẫn duy trì lối sống và cai quản riêng chiếu theo Hiến Pháp. Các quyền lợi và các nghĩa vụ hỗ tương cần được xác định thế nào để việc kết nạp này có thể mang lại thiện ích cho cả đôi bên” (đ. 614).
Tóm lại, xét theo phương diện tự trị, nói được là có ba loại nữ Đan viện:
A- Các nữ đan sĩ thuộc những Dòng Đan tu có một quyền bính trung ương. Các Đan viện này không thuộc loại tự trị.
B- Các Đan viện tự trị nhưng được đặt dưới quyền của Bề Trên Cao Cấp của một Dòng (xem đ. 615). Bên Pháp, đây là trường hợp các nữ Đan viện Xitô (Cisterciennes).
C- Các Đan viện tự trị và biệt lập về pháp lý (đ. 615). Bên Pháp, đó là trường hợp các Đan viện Carmêlô, Clara, Thăm viếng, Đaminh.
Có những Đan viện loại A và loại C được kết nạp với một Dòng nam (như các nữ tu Carmêlô) và những Đan viện không kết nạp (như các nữ tu Thăm viếng).
Việc bãi bỏ một Đan viện và một nhà tự trị thuộc thẩm quyền của Tổng Tu Nghị, trừ khi Hiến Pháp quy định cách nào khác, sau khi đã tham khảo ý kiến của Đức Giám mục Giáo phận, chiếu theo điều 616 §l.
Việc bãi bỏ một nữ Đan viện tự trị được dành cho thẩm quyền của Tông Tòa, nhưng phải tuân giữ các quy định của Hiến Pháp trong việc định đoạt các tài sản.
Như vậy việc dẹp bỏ một nữ Đan viện nữ thuộc loại B và loại C thuộc thẩm quyền của Tông Tòa. Còn việc dẹp bỏ một nữ Đan viện thuộc loại A thì được chi phối bởi điều 616 §l.[2]
[1]Xem vấn đề 25.
[2]Xem vấn đề 27.