Các Bước Tìm Hiểu Một Đoạn Văn Kinh Thánh

0
997


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

Dẫn nhập

Tài liệu của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng về Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, năm 1993 (Bản dịch tiếng Việt: Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, 2004, 156 tr.), đã trình bày tổng quát về các phương pháp đọc Kinh Thánh, đồng thời cho biết những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mỗi phương pháp. Cuốn sách Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội nói đến 12 lối giải thích Kinh Thánh. Như thế, có nhiều phương pháp đọc Kinh Thánh. Trong tập sách trên, Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng dành cho “Phương pháp phê bình lịch sử” một vị trí quan trọng, bởi vì phương pháp này được trình bày đầu tiên và chi tiết hơn các lối tiếp cận khác. Kế đến là “Các phương pháp mới để phân tích văn chương” (tr. 35-53).

Nói chung, có thể xếp tất cả các phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh thành hai loại: Tiếp cận lịch đại (approche diachronique) và tiếp cận đồng đại (approche synchronique).

Tiếp cận lịch đại đứng đầu với phương pháp phê bình lịch sử. Phương pháp này cố gắng tìm hiểu những gợi ý lịch sử trong bản văn, hay đưa ra những giả thuyết về các giai đoạn hình thành bản văn. Nhờ đó, hiểu được phần nào bản văn nói về điều gì.

Tiếp cận đồng đại được áp dụng trong các phương pháp phân tích văn chương, gồm các loại phân tích sau: (1) Phân tích tu từ học (analyse rhétorique). (2) Phân tích thuật chuyện (analyse narrative). (3) Phân tích cấu trúc (analyse structurelle). (4) Phân tích ký hiệu (analyse sémiotique). Những lối tiếp cận trên đều phân tích bản văn theo hướng đồng đại với những điểm nhấn khác nhau so với tiếp cận lịch đại. Nghĩa là thay vì chú trọng tìm hiểu xem “Bản văn nói về ĐIỀU GÌ” (CE DONT il parle) như trong phương pháp phê bình lịch sử (tiếp cận lịch đại), các lối phân tích văn chương (tiếp cận đồng đại) chú trọng tìm hiểu xem “Bản văn NÓI GÌ” (CE QU’il dit) và “NÓI NHƯ THẾ NÀO” (COMMENT il le dit).

Bài viết này sẽ trình bày sơ lược về (I) hai lối phân tích: “Phân tích thuật chuyện” và “phân tích cấu trúc”. Kế tiếp là phần trình bày (II) các bước chuẩn bị: Phân đoạn, bối cảnh, cấu trúc và quan sát các yếu tố: nhân vật, thời gian, không gian trong bản văn. Sau cùng là (III) gợi ý kết quả phân tích một số đoạn văn trong Tin Mừng Gio-an.

I. PHÂN TÍCH THUẬT CHUYỆN VÀ CẤU TRÚC

Đứng trước sự hạn chế của phương pháp phê bình lịch sử theo hướng lịch đại (diachronie), phần lớn giới nghiên cứu Kinh Thánh ngày nay lựa chọn áp dụng các phương pháp phân tích văn chương theo hướng đồng đại (synchronie). Hai lối tiếp cận bản văn phổ biến hiện nay là (1) Phân tích thuật chuyện (analyse narrative) và (2) Phân tích cấu trúc (analyse structurelle). Những phương pháp phân tích văn chương này có nhiều lợi điểm. Có thể nêu lên một số điểm tích cực:

(1) Phân tích thuật chuyện và cấu trúc dựa trên bản văn. Độc giả có thể dựa vào bản văn để kiểm chứng xem phân tích có sức thuyết phục hay không.

(2) Phân tích thuật chuyện và cấu trúc nhắm đến ý nghĩa của bản văn, đi tìm thông điệp của bản văn dành cho độc giả. Thông điệp này có thể là một lời khích lệ, động viên độc giả, có thể là một lời mời gọi hay là lời chất vấn dành cho độc giả. Như thế, ý nghĩa của bản văn tác động đến cuộc sống của độc giả. Nghĩa là bản văn có khả năng mang lại sức sống cho độc giả và làm cho cuộc đời độc giả có ý nghĩa hơn.

(3) Dữ liệu để phân tích là chính bản văn, vì thế phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vừa tầm tay của mọi người. Chỉ cần đọc kỹ bản văn Kinh Thánh và áp dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc là có thể đọc ra được ý nghĩa của bản văn. Ý nghĩa này liên quan thiết thực đến cuộc sống của độc giả trong từng hoàn cảnh cụ thể.

II. CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ PHÂN TÍCH ĐOẠN VĂN

Để bắt đầu phân tích một đoạn văn, điều quan trọng cần làm trước là đọc kỹ và chú ý quan sát bản văn. Giai đoạn chuẩn bị này gồm các bước: (1) Phân đoạn, nghĩa là cho biết lý do tại sao lại chọn đoạn văn như thế để phân tích; (2) Đặt đoạn văn vào bối cảnh văn chương của nó. (3) Tìm hiểu cấu trúc của đoạn văn. (4) Quan sát các yếu tố: Nhân vật, thời gian và không gian trong bản văn. Trong quá trình thực hiện các bước trên cần ghi nhận những điểm lạ lùng, khó hiểu và bất hợp lý (nếu có) trong câu chuyện. Những quan sát này sẽ giúp phân tích bản văn cách hiệu quả, hầu tìm ra thông điệp của bản văn dành cho độc giả.

1. Phân đoạn

Sau khi chọn một đoạn văn để phân tích, bước chuẩn bị thứ nhất là lý giải phân đoạn của đoạn văn ấy. Câu hỏi đặt ra: Tại sao lại bắt đầu đọc đoạn văn ở câu này và kết thúc ở câu kia? Tại sao không chọn đoạn văn ngắn hơn hay dài hơn để đọc? Những dấu hiệu nào trong bản văn cho phép nói rằng: Đoạn văn được chọn để phân tích là một đơn vị văn chương tương đối độc lập và có ý nghĩa?

Phân đoạn một đoạn văn đóng vai trò quan trọng, vì nó có thể làm thay đổi ý nghĩa của đoạn văn. Nếu phân đoạn không đúng sẽ làm cho đoạn văn trở nên khó hiểu vì chưa đầy đủ các yếu tố để phân tích. Chẳng hạn, nếu chọn dụ ngôn “Nói và làm của hai người con” trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 21,28-32) là một đoạn văn độc lập để phân tích là chưa hợp lý. Bởi vì đoạn văn này bắt đầu như sau: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho’…” (Mt 21,28). Khi bắt đầu đoạn văn như thế, độc giả sẽ không biết ai đang nói và nói với ai. Cần mở rộng đoạn văn này về phía trước mới có thể biết tại sao lại có dụ ngôn này. Như thế, dụ ngôn “Nói và làm của hai người con” (Mt 21,28-32) là một tiểu đoạn của một đoạn văn lớn hơn (Mt 21,23-46). (Xem bài viết: “Phương pháp đọc Kinh Thánh: Bối cảnh và cấu trúc Mt 21,28-32”).

Về trình thuật Ni-cô-đê-mô trong Tin Mừng Gio-an, độc giả cũng không thể bắt đầu câu chuyện Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giê-su ban đêm ở Ga 3,1. Thực vậy, khi đọc Ga 3,1-2a: “ 1 Có một người trong những người Pha-ri-sêu, tên ông ấy là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của những người Do Thái. 2a Ông này đến gặp Người ban đêm và nói với Người:…”, độc giả sẽ không biết Ni-cô-đê-mô đến gặp ai và nói với ai, bởi vì 3,2a dùng đại từ ngôi thứ ba số ít “Người”. Cần đọc lên phía trước để biết nhân vật này là ai.

Đoạn văn trước Ga 3,1 là Ga 2,23-25 sẽ cho độc giả biết nhân vật ấy là Đức Giê-su. Người thuật chuyện kể ở Ga 2,23-25 như sau: “23 Trong lúc Người ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, nhiều kẻ đã tin vào danh của Người khi thấy các dấu lạ mà Người đã làm. 24 Nhưng Đức Giê-su, chính Người không tin họ, vì Người biết tất cả, 25 và Người không cần có ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì nơi con người.” Đoạn văn này cho biết tên của Đức Giê-su (2,24), đồng thời dẫn vào đề tài “biết” trong đoạn văn tiếp theo (3,1-12). Đề tài “biết – không biết” sẽ được triển khai trong trình thuật Ni-cô-đê-mô trao đổi với Đức Giê-su (3,1-12). Như thế, cần đọc trình thuật Ni-cô-đê-mô đến gặp Đức Giê-su từ câu 2,24 thì mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu chuyện.

Trong một đoạn văn, lại có nhiều đơn vị văn chương nhỏ hơn. Có thể chọn phân tích một vài đơn vị văn chương trong một đoạn văn. Nhưng vẫn cần tìm ra giới hạn của một đoạn văn tương đối độc lập và có ý nghĩa trước khi tìm hiểu các đơn vị văn chương nhỏ hơn. Bước tiếp theo là đặt đoạn văn vào bối cảnh văn chương của đoạn văn ấy.

2. Bối cảnh văn chương

Sau khi lý giải việc phân đoạn, độc giả đã có một đoạn văn tương đối độc lập để phân tích. Bước tiếp theo là quan sát bối cảnh văn chương của đoạn văn ấy. Nghĩa là tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra trước đoạn văn được chọn và điều gì tiếp diễn sau đoạn văn ấy. Có thể trả lời các câu hỏi: Đoạn văn đứng trước và đoạn văn kế sau có liên hệ gì với đoạn văn được chọn hay không? Đoạn văn được chọn để phân tích thuộc phần nào của sách Tin Mừng và đề tài chính của phần này là gì?

Cần phân biệt bối cảnh văn chương với bối cảnh lịch sử. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc không chú trọng đến bối cảnh lịch sử, vì dữ liệu lịch sử vượt ra khỏi giới hạn của bản văn. Phân tích thuật chuyện và cấu trúc tập trung vào bối cảnh văn chương của đoạn văn. Nghĩa là bối cảnh của câu chuyện qua những tình tiết được kể trong bản văn.

Việc đặt một đoạn văn vào bối cảnh văn chương của nó đã định hướng phần nào cách hiểu đoạn văn ấy. Tìm hiểu bối cảnh văn chương, góp phần làm cho những kết luận độc giả rút ra sau khi phân tích sẽ không xa lạ với mạch văn. (Xem bài viết: “Phương pháp đọc Kinh Thánh: Bối cảnh và cấu trúc Mt 21,28-32”). Sau khi đặt đoạn văn sẽ phân tích vào bối cảnh văn chương rộng lớn hơn, bước tiếp theo là quan sát chính bản văn đã chọn để xem đoạn văn ấy được cấu trúc như thế nào.

3. Cấu trúc đoạn văn

Xem bài viết: “Phương pháp đọc KT: Cấu trúc một đoạn văn”.

4. Quan sát nhân vật, thời gian và không gian

Xem bài viết: Tìm hiểu “cấu trúc”, “nhân vật”, “thời gian” và “không gian” trong Ga 13,1-32: Giờ đã đến, Giờ yêu thương đến cùng, rửa chân và Giu-đa nộp Thầy.

III. GỢI Ý PHÂN TÍCH MỘT SỐ ĐOẠN VĂN

Sau khi đã dành thời gian thích hợp để quan sát kỹ bản văn qua các bước như trên: (1) Giới hạn đoạn văn, (2) Bối cảnh văn chương, (3) Cấu trúc, (4) Quan sát các yếu tố: nhân vật, thời gian và không gian, độc giả có thể phân tích các đề tài gợi ra trong bản văn. Nhờ các bước chuẩn bị, độc giả đã có thể trả lời được những câu hỏi: Câu chuyện nói về đề tài gì? Các ý tưởng được trình bày như thế nào? Các chi tiết được sắp xếp ra sao? Bản văn sử dụng từ ngữ nào? Đâu là ý tưởng được nhấn mạnh? Điều gì bản văn nói tới và điều gì bản văn không nói tới? v.v…

Dựa vào các bước chuẩn bị, độc giả có thể chọn phân tích những ý tưởng ưa thích trong bản văn. Khi dành thời gian để quan sát kỹ bản văn qua những bước chuẩn bị trên đây, độc giả có thể khám phá ra những điều mới mẻ và thú vị trong bản văn, nhất là độc giả có thể nhận ra thông điệp của bản văn dành cho độc giả trong từng hoàn cảnh riêng của mình.

Điều bản văn muốn trao vào tay độc giả có thể là một lời động viên trong hoàn cảnh khó khăn, một lời khích lệ, hay một lời mời gọi sám hối và vững tin vào Đức Giê-su. Như thế, câu chuyện thuật lại trong Kinh Thánh không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà câu chuyện ấy có khả năng biến đổi cuộc đời độc giả và làm cho độc giả tìm được của ăn đích thực. Đọc Kinh Thánh với tinh thần tôn trọng bản văn và để Lời Chúa nói với mình, độc giả sẽ tìm được lương thực không hư nát. Đó là “Lời sự sống”, “bánh sự sống” và “nước sự sống” cho cuộc đời này.

Những minh họa trên đây đã không phân tích hoàn chỉnh một đoạn văn mà chỉ đưa ra những ví dụ ở nhiều đoạn văn khác nhau để trình bày phương pháp đọc Kinh Thánh. Những kết quả đạt được nhờ phân tích thuật chuyện và cấu trúc ba đoạn văn trên được tóm tắt dưới đây.

1. Ga 6,1-71

Ga 6 là một chương rất đặc thù theo kiểu trình bày thần học Tin Mừng Gio-an (Xem “Ga 6,22-71: ‘Thánh Thể’, lý trí và đức tin” trong Phân tích thuật chuyện và cấu trúc, tr. 110-146). Ga 6 gồm hai dấu lạ (Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều và đi trên mặt Biển Hồ) kèm theo một diễn từ, vừa để giải thích dấu lạ, vừa triển khai thần học liên quan đến nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su. Ga 6 không chỉ gợi ý về bí tích Thánh Thể, mà nhấn mạnh đến ba đề tài tranh luận vào thời Đức Giê-su, cũng như gợi đến tranh luận vào thời cộng đoàn Gio-an cuối thế kỷ I và còn tiếp diễn đến ngày nay. Ba câu hỏi tranh luận:

(1) Ai có khả năng ban bánh bởi trời (6,30-36)?

(2) Tại sao Đức Giê-su là con ông Giu-se mà lại là Đấng từ trời xuống (6,41-42)?

Làm thế nào Đức Giê-su có thể ban sự sống bằng thịt và máu của Người, nghĩa là bằng sự chết của Người?

Đây là những tranh luận qua mọi thời đại dành cho những người chưa tin, cũng như dành cho những người đã tin. Cụ thể là sau khi thấy dấu lạ và nghe diễn từ nhiều môn đệ đã thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai có thể nghe nổi?” (6,60) và nhiều môn đệ đã bỏ đi không làm môn đệ Đức Giê-su nữa (6,66). Độc giả trả lời thế nào về ba câu hỏi trên?

2. Ga 11,1-54

Đoạn văn Ga 11,1-54 thường có tựa đề là “Anh La-da-rô sống lại”, nhưng việc La-da-rô sống lại chỉ được kể lại trong 4 câu (11,41-44), phần còn lại của đoạn văn (50 câu) nói về hai cái chết: Cái chết của La-da-rô (11,1-40) và cái chết của Đức Giê-su (11,47-54). Thực vậy, Thượng Hội Đồng Do Thái quyết định giết Đức Giê-su trong đoạn văn 11,47-54. Hơn nữa, La-da-rô được Đức Giê-su làm cho sống lại ở 11,43, nhưng anh ấy lại phải đối diện với cái chết ở ngay chương sau đó (12,10-11). Người thuật chuyện cho biết: “10 Các thượng tế quyết định giết cả La-da-rô, 11 vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ đi và tin vào Đức Giê-su” (12,10-11).

Như thế, việc La-da-rô sống lại có ý nghĩa gì? Tại sao Đấng có quyền làm cho La-da-rô sống lại từ cõi chết lại không thể làm cho mình khỏi chết? Tại sao Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại mà không làm cho các môn đệ của Người hay làm cho người tin được sống lại thể lý? Khi phân tích bản văn Ga 11,1-54 theo phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc, độc giả nhận ra rằng:

Việc La-da-rô bị bệnh, chết rồi được sống lại là một dấu lạ (dấu chỉ). Đức Giê-su thực hiện dấu lạ đó để nói về sự chết và sự sống lại của chính Người, đồng thời nói về sự chết và sự sống của người tin qua mọi thời đại. Niềm tin và niềm hy vọng lớn lao dành cho độc giả liên quan đến sự sống và sự chết đã được Đức Giê-su mặc khải ở 11,25-26, khi Người nói với Mác-ta: “25 Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống, 26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, muôn đời sẽ không chết.” Độc giả có dám tin và sống lời này không? Như thế, tựa đề đầy đủ của đoạn văn Ga 11,1-54 liên quan đến ba nhân vật: Chết và sống của La-da-rô, chết và sống của Đức Giê-su, chết và sống của người tin.

3. Ga 18,28–19,16a

Đoạn văn Ga 18,28–19,16a độc đáo và thú vị trong cách diễn tả đề tài “vương quyền của Đức Giê-su”. Người ta thường đặt tựa đề cho đoạn văn này là “Đức Giê-su bị kết án tử hình” hay “Phi-la-tô xét xử Đức Giê-su”. Nhưng cả hai tựa đề này ngược với điều bản văn muốn diễn tả. Không chỗ nào trong bản văn nói về lời tuyên án của Phi-la-tô dành cho Đức Giê-su. Ngược lại, chính Đức Giê-su kết tội những kẻ chống đối và kết tội Phi-la-tô. Đức Giê-su nói với Phi-la-tô: “Ông không có quyền gì đối với Tôi, nếu nó không được ban cho ông từ trên, vì điều này, kẻ nộp Tôi cho ông có tội lớn hơn” (19,11). Những kẻ nộp Đức Giê-su và kể cả Phi-la-tô đều là những người có tội, nhưng tội của những kẻ chống đối thì lớn hơn. Thực ra, đoạn văn Ga 18,28–19,16a trình bày cho độc giả ba sự thật:

(1) Sự thật về những kẻ chống đối Đức Giê-su.

(2) Sự thật về Phi-la-tô.

(3) Sự thật về Đức Giê-su.

Ba sự thật này được xây dựng trên đề tài trọng tâm: “Vương quyền của Đức Giê-su”. Người là Vua và Người đang thi hành quyền xét xử trong lúc Người không có một chút quyền hành trần thế nào. Có thể tóm kết đề tài sự thật trong bản văn như sau:

(1) Trước hết là sự thật về những kẻ chống đối (những người Do Thái, các thượng tế và các thuộc hạ). Họ đã quyết định giết Đức Giê-su và tìm mọi lý do để giết chết Người. Họ đã đạt được mục đích nhưng phải trả giá bằng chính niềm tin của họ. Họ đã tuyên xưng Xê-da là vua của họ thay vì Thiên Chúa (19,15).

(2) Kế đến là sự thật về Phi-la-tô. Ông ấy là người không dám đối diện với sự thật, không dám làm công việc xét xử theo sự thật. Phi-la-tô không thuộc về sự thật và không thi hành quyền theo sự thật. Cuối cùng Phi-la-tô không xét xử Đức Giê-su mà trao Đức Giê-su cho những kẻ chống đối để Người bị đóng đinh vào thập giá. Phi-la-tô đã sợ thất sủng với Xê-da (19,12).

(3) Sau cùng là Sự thật về Đức Giê-su. Bản văn làm lộ ra Đức Giê-su thực sự là Vua. Cho dù vương quốc của Người không thuộc về thế gian này, nhưng Người thi hành quyền phán quyết trong thế gian này. Người đã tuyên bố ai là kẻ có tội (19,11). Người được đặt ngồi trên toà, nơi vị thẩm phán tuyên bố lời xét xử. Vương quyền của Đức Giê-su được trình bày cách mạnh mẽ và rõ ràng, không mập mờ dị nghĩa, bởi vì vương quyền đích thực của Đức Giê-su được bày tỏ trong lúc Người không có một chút quyền bính trần thế nào cả.

Yếu tố thời gian trong đoạn văn cũng đáng được chú ý. Đoạn văn Ga 18,28–19,16a bắt đầu lúc tờ mờ sáng (18,28) và kết thúc vào giờ thứ sáu (19,14) tức là 12 giờ trưa. Giữa thanh thiên bạch nhật mọi sự thật trong lòng con người được bản văn làm lộ ra. Như thế, câu chuyện mời gọi độc giả đón nhận vương quyền của Đức Giê-su, đứng về phía sự thật để lắng nghe giáo huấn của Người, từ đó dám sống theo sự thật và làm theo sự thật.

Kết luận

Đọc qua phần trình bày trên đây, độc giả có thể nghĩ phương pháp đọc Kinh Thánh này phức tạp và mất nhiều thời gian. Thực ra, đây là cách đọc đơn giản, giúp độc giả hiểu được ý nghĩa của bản văn. Đơn giản vì ý nghĩa của bản văn ở ngay trong bản văn, chỉ cần biết cách tìm ra ý nghĩa của nó. Bước đầu áp dụng phương pháp sẽ thấy xa lạ nhưng với thời gian, độc giả sẽ thấy phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc là cách đọc có khả năng làm cho độc giả được nuôi dưỡng, được biến đổi và được sống nhờ Lời sự sống Đức Giê-su ban tặng. Tất cả đều dựa trên bản văn, độc giả không cần phải có kiến thức cao siêu về Kinh Thánh hay về lịch sử. Chỉ cần biết cách quan sát và phân tích, từ đó độc giả sẽ thấy mỗi đoạn văn là một viên ngọc quý được chôn dấu trong lớp vỏ bên ngoài là câu chuyện. Độc giả sẽ nhận ra Kinh Thánh thực sự là một kho tàng đang chờ được khám phá. Nhờ kho tàng ấy, cuộc đời của độc giả thêm phong phú và thú vị.

Khi áp dụng phương pháp độc giả có thể thấy phức tạp, nhưng nếu nhìn nhận rằng: Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa mặc khải cho con người, Lời này vừa bí ẩn, vừa hấp dẫn, vừa lôi cuốn, thì độc giả đã có bước khởi đầu đúng hướng. Với thời gian, đôc giả sẽ dần dần biết cách áp dụng phương pháp cách uyển chuyển và sáng tạo để khám phá những nét hay nét đẹp của bản văn. Không nên nghĩ là đã hiểu được bản văn, và như thế không cần tìm hiểu gì thêm nữa. Ngược lại, hãy đọc kỹ câu chuyện với tinh thần tôn trọng bản văn.

Có thể nói, điều thú vị nhất khi học hỏi Kinh Thánh không chỉ là để biết, để hiểu, mà là để sống với Lời mặc khải, để chiêm ngắm nét hay nét đẹp, nét độc đáo trong bản văn. Nhờ đó Lời mặc khải sẽ làm cho người đọc “được sống”, đồng thời, người đọc cũng thổi sinh khí vào Kinh Thánh và làm cho bản văn “có sinh khí”. Bởi vì một cuốn sách trên kệ sách là một cuốn sách đang chờ người đọc. Cuốn sách chỉ thực sự phát huy tác dụng của nó khi nằm trong tay người đọc. Vấn đề còn lại là đọc như thế nào để hiểu được ý nghĩa của câu chuyện. Bài viết này trình bày vắn tắt về xu hướng học hỏi và tìm hiểu Kinh Thánh ngày nay, với hy vọng giúp mọi người tìm được niềm vui và thú vị khi đến với Lời Chúa./.