Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 78
CÁC BỀ TRÊN
GIẢI NHIỆM – THUYÊN CHUYỂN – TỪ CHỨC – BÃI CHỨC
(đ. 624 §3; 184-196)
Điều 184 §l quy định: “Một chức vụ trong Giáo Hội có thể bị mất do mãn thời gian quy định, do đến hạn tuổi luật định, do từ chức, do thuyên chuyển, do giải nhiệm và do bãi chức”.
Nếu chức vụ của Bề trên kết thúc khi mãn nhiệm kỳ, thì sự chấm dứt khi chưa hết nhiệm kỳ phải tuân theo một những luật lệ chặt chẽ. Điều 624 §3 nhắc lại điều này đối với hai trường hợp giải nhiệm và thuyên chuyển: “Đang khi tại chức, các Bề trên có thể bị giải nhiệm hoặc thuyên chuyển qua một chức vụ khác vì những lý do mà luật riêng đã quy định”.
A. Giải nhiệm và Thuyên chuyển
Giải nhiệm là hành vi mà Bề trên có thẩm quyền sử dụng để cắt chức một Bề trên dưới quyền mình trong thời gian vị này tại nhiệm. Còn thuyên chuyển là chỉ định giữ một chức vụ khác khi còn đang tại nhiệm kỳ: như vậy, ngài mất một chức vụ này để nhận một chức vụ khác.
Luật riêng phải chỉ rõ những lý do cho phép thi hành những hành vi ấy. Thật vậy, cần phải đáp ứng hai đòi hỏi: một đàng, cần có thể cai quản hữu hiệu, chẳng hạn như đương đầu với những tình hình căng thẳng, đáp ứng những trường hợp khẩn trương; đàng khác, tránh sự độc đoán có thể gây ra một tình hình bất ổn hoặc dẫn tới một sự thiên vị cá nhân.
Những lý do có thể đưa vào luật riêng có thể là: một sự căng thẳng nghiêm trọng trong một cộng đoàn, rơi vào tình trạng mất khả năng về thể lý, cần có người đảm nhận một chức vụ quan trọng tại một nơi khác của Dòng hoặc của Tỉnh Dòng,… Trên nguyên tắc, vị Bề trên có quyền cắt đặt hoặc chuẩn thì cũng có thẩm quyền giải nhiệm hoặc thuyên chuyển. Dầu sao phải tuân giữ luật riêng. Chỉ mình Tòa Thánh (không kể Tổng Tu Nghị) có thẩm quyền giải nhiệm vị Bề trên Tổng Quyền, kể cả Bề trên Tổng Quyền của một Tu Hội thuộc quyền Giáo phận (theo thiển ý của chúng tôi).
Hành vi giải nhiệm hoặc thuyên chuyển phải được thực hiện trên văn thư (đ. 190 §3; 193 §4).
B. Từ chức
Trong Giáo Luật không đề cập đến việc từ chức trong mục nói về các Bề trên, nhưng không thể bỏ qua vấn đề này. Ai từ chức thì phải hành động cách hoàn toàn tự do. Vì thế, phải tránh làm áp lực để bắt buộc từ chức. Nếu có lý do cần thiết, thì tốt hơn là nên cho giải nhiệm.
Sự từ chức phải đệ lên Bề trên có thẩm quyền giữ trách nhiệm bổ nhiệm chức vụchấp nhận hoặc từ chối việc từ chức này. Việc từ chức phải được thực hiện bằng văn bản, hoặc trước mặt hai người làm chứng (đ. 189 §2).
Nhà chức trách có thẩm quyền sẽ cân nhắc các lý do nêu ra. “Nhà chức trách không chấp nhận một sự từ chức không dựa trên một lý do chính đáng hoặc cân xứng” (đ. 189 §2). Nếu đơn xin từ chức không được chấp nhận trong vòng 3 tháng, thì đơn đó không còn giá trị nữa; nếu cần, sẽ phải làm một đơn khác.
Duy chỉ Tòa Thánh mới có quyền chấp nhận đơn từ chức của Bề trên Tổng Quyền của một Dòng Giáo hoàng.
C. Bãi chức
Bãi chức hay truất chức là một biện pháp có tính cách hình sự; đây là một điều khác biệt với việc giải nhiệm. Vì thế, việc bãi chức giả thiết một tội phạm được ấn định trong luật riêng, và phải được tiến hành dựa theo một thủ tục, trong đó Bề trên bị cáo có thể tự biện hộ (đ. 196).