Javier Sesé
(Trích trong Thời sự Thần học, Số 76 (tháng 5/2017), trang 55-86)
Có nhiều cách trình bày bảy “ân huệ Thánh Linh”. Thánh Tôma liên kết bảy ân huệ với bảy nhân đức (xem phụ lục ở cuối). Tác giả bài này[1] trình bày thứ tự theo sự tiến triển trên đường nên thánh từ lúc khởi đầu cho đến chóp đỉnh: kính sợ (xa tránh tội lỗi), sùng hiếu (cầu nguyện), minh luận (phân định các giá trị của loài thụ tạo), hùng mạnh (kiên trì trong nỗ lực nên thánh), chỉ bảo (nhận ra ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể), thâm hiểu (chiêm ngắm thực tại thần linh), cao minh (kết hiệp thần bí).
1. Một con đường nên thánh do Thánh Linh hướng dẫn
Từ lâu đời, truyền thống thần học và tâm linh Kitô giáo đã nêu bật vai trò của bảy ân huệ Thánh Linh trong việc thánh hóa linh hồn. Như chúng ta đã biết, thuật ngữ “những ân huệ Thánh Linh” có thể hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm tất cả mọi ân huệ do Chúa ban. Theo một nghĩa chuyên môn, những ân huệ được hiểu về bảy “xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo sự thúc đẩy của Thánh Linh…”.[2]
Ở đây chúng tôi không muốn bàn về những vấn đề thần học liên quan đến bản chất của các ân huệ, tương quan giữa ân huệ với nhân đức, về con số bảy, vv. Bài này muốn giới hạn vào khía cạnh thần học tâm linh, tìm hiểu vai trò của các ân huệ Thánh Linh trong con đường nên thánh, dựa theo đạo lý của các thánh và các bậc thầy tâm linh. Đời sống tâm linh ví như một hành trình, một cuộc thăng tiến. Trên cuộc hành trình nên thánh này, Thiên Chúa giữ vai trò sáng khởi và kích hoạt, nhưng cũng đòi hỏi sự hợp tác của con người. Thái độ ngoan ngoãn của con người dưới sự dìu dắt của vị Thầy nội tâm là một yếu tố tất yếu của việc nên thánh. Như sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã nói, Thiên Chúa đã ban bảy ân huệ nhằm giúp chúng ta nên ngoan ngoãn hơn với những thúc giục của Ngài; và đó chính là sự kiện toàn các nhân đức. Một linh hồn tăng trưởng nên đường thánh thiện trong mức độ ngoan ngoãn hơn với tác động của Thánh Linh, nghĩa là để cho những “xu hướng” đâm rễ sâu hơn.
Mặt khác, việc liệt kê bảy ân huệ của Thánh Linh, dựa trên đoạn văn Isaia 11,1-3,[3] vốn được truyền thống thần học tâm linh nhìn như bảy cấp độ tác động của Thánh Linh: ơn cao minh là chóp đỉnh của một tiến trình khởi đi từ ơn kính sợ.[4] Chúng ta có thể lấy thánh Augustinô làm thí dụ:
“Khi ngôn sứ Isaia đề cập đến bảy ân huệ Thánh Linh, ông bắt đầu từ ơn cao minh để tới ơn kính sợ Chúa, tựa như khởi đi từ chỗ cao nhất xuống với chúng ta để dạy chúng ta đi lên. Ông khởi đi từ điểm mà chúng ta phải đến, và ông đến điểm mà chúng ta khởi đầu. Thật vậy, ông nói ‘Thần khí Thiên Chúa đáp xuống trên Người, Thần khí cao minh và thâm hiểu, Thần khí chỉ giáo và hùng mạnh, Thần khí thâm hiểu và sùng mộ, Thần khí kính sợ Thiên Chúa’ (Is 11,2-3). Cũng như Ngôi Lời khi nhập thể đã đi xuống từ cao minh cho đến kính sợ, không phải vì để tự sụt giảm, nhưng là để dạy dỗ chúng ta; một cách tương tự như vậy, chúng ta cũng phải vươn mình lên, từ kính sợ cho đến cao minh, không phải bằng cách tự tôn nhưng nhờ sự tiến triển, xét vì ‘kính sợ là khởi đầu của cao minh’ (Cn 1,7) (…) Như thế, cao minh được đặt ở hàng đầu vì là ánh sáng của linh hồn, và thứ hai là thâm hiểu, ra như để trả lời cho người hỏi: phải đi từ đâu để tới cao minh? Ông đáp: từ thâm hiểu. Và để đạt tới thâm hiểu? Từ chỉ giáo. Và để đạt tới chỉ giáo? Từ hùng mạnh. Và để đạt tới hùng mạnh? Từ minh luận. Và để đạt tới minh luận? Từ sùng hiếu. Và để đạt tới sùng hiếu? Từ kính sợ. Vậy, phải đi từ kính sợ cho đến cao minh, xét vì ‘kính sợ Chúa là khởi đầu của cao minh’ (Cn 1,7)”.[5]
Ở đây chúng tôi muốn trình bày tác động tiệm tiến của Thánh Linh qua bảy ân huệ. Đoạn văn sách Châm ngôn được thánh Augustinô trích dẫn hai lần, kèm theo cách liệt kê các ân huệ “từ trên cao đi xuống” của Isaia là cội nguồn cho các tác giả bênh vực học thuyết về tác động tiệm tiến của Thánh Linh trong linh hồn qua sự can thiệp của bảy ân huệ. Tuy nhiên, cần phải minh định ngay từ đầu rằng đây chỉ là một “mô hình” để hiểu rõ tiến trình nên thánh, chứ không cố ý vạch ra một cái khung sườn cố định của bảy chặng tiến triển. Các mô hình khác (tựa như ba giai đoạn – thanh luyện, chiếu sáng, kết hợp) cũng không chủ trương ấn định một sự phân chia cứng nhắc. Tác động của Thánh Linh rất phong phú và đa dạng trong hàng triệu linh hồn thuộc mọi thời đại; do đó không thể nào đóng khung hoặc phân loại cách cứng nhắc. Tuy vậy, tác động của Thiên Chúa cũng đi theo một tiến trình nào đó, mà ta có thể trình bày vài nét tổng quát trong đời sống Kitô hữu.
Cách riêng, bảy ân huệ giữ một vai trò quan trọng từ lúc khởi đầu cho tới khi kết thúc con đường nên thánh, cũng tương tự như các nhân đức, các bí tích, việc cầu nguyện, vv. Mỗi chặng đều có sự tham gia của các yếu tố ấy. Tuy vậy, xem ra trong những bước đầu, ơn kính sợ Thiên Chúa cần được làm nổi bật hơn; còn ơn cao minh thường đến chiếm ngự trong các linh hồn đã tiến triển trong đức mến. Dù nói gì đi nữa, việc suy niệm về mỗi khía cạnh của mỗi ân huệ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tác động của Thánh Linh trong linh hồn, và cố gắng trở nên ngoan ngoãn hơn đối với các sự thúc giục của Ngài.
2. Ơn kính sợ Thiên Chúa và việc chiến đấu chống lại tội lỗi
Thánh thiện có nghĩa là thanh khiết, trong trắng, sạch mọi vết nhơ (ngoài những hàm ý khác nữa). Thánh thiện và tội lỗi đối chọi với nhau triệt để. Thế nhưng, đừng kể đối với Đức Giêsu và Mẹ Maria, tội lỗi là một thực tại hiện diện trong cuộc đời của mọi nhân sinh, và tất cả chúng ta đều phải đối diện với nó. Không vị thánh nào đã đạt đến trình độ không thể nào phạm tội nữa. Kể cả những vị kể lại cho chúng ta cảm nghiệm kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa đến nỗi ra như đã được biến đổi nên giống như Ngài, thế mà họ vẫn ý thức rằng đó là một đặc ân và bất cứ lúc nào họ cũng có thể rơi vào vực thẳm tội lỗi[6]. Hẳn nhiên, đối với những linh hồn thánh thiện, đã được tình yêu Chúa chiếm đoạt, việc chiến đấu chống lại tội lỗi, cách riêng chống lại các tội trọng, là một điều thứ yếu. Còn bước đầu của những ai quyết tâm theo Chúa thì cần phải trải qua một cuộc hoán cải, thanh luyện nội tâm, dốc lòng loại bỏ tội lỗi ra khỏi cuộc đời của mình, cương quyết giải thoát mình khỏi khuynh hướng nghiêng về sự xấu, ngõ hầu có thể quy hướng trí tuệ, ước muốn và cảm giác, về với Thiên Chúa như là cứu cánh duy nhất của cuộc đời.
Các sách bàn về đời sống tâm linh chứa đựng nhiều lời khuyên răn, đề nghị cụ thể trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi và các dục vọng, các chước cám dỗ. Trong số những phương thế đó, cần phải nêu bật sự ngoan ngoãn tuân theo Thánh Linh, được biểu lộ cách riêng qua thần khí kính sợ Thiên Chúa.
Thật vậy, duy chỉ Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi, và duy chỉ Thiên Chúa mới có thể giúp đỡ linh hồn cách hữu hiệu để tránh xa nguy cơ tội lỗi. Sự sợ hãi tội lỗi và những hệ quả của nó (hình phạt và những thiệt hại cho bản thân và cho tha nhân) có thể giúp ích, nhưng thường chỉ ngắn hạn. Hơn nữa, nếu ta tỏ ra sợ hãi Thiên Chúa vì là Đấng thưởng phạt công minh, thì sẽ rơi vào nguy cơ bóp méo hình ảnh chân thực về Thiên Chúa là Cha, Tình yêu và Từ Ái: đó là những ưu phẩm gắn liền với đức công minh chính trực của Ngài.
Ân huệ kính sợ cho ta nhìn thấy Thiên Chúa dưới một viễn tượng khác, đó là Tình yêu. Các tác giả tu đức đã muốn nêu bật rằng đây là một lòng kính sợ của con cái, chứ không phải sợ hãi của người nô lệ.
Đành rằng trong ân huệ này cũng có một nét sợ hãi của nô lệ, theo nghĩa là sợ rằng mình sẽ phạm tội, mình sẽ chiều theo ma quỷ, mình sẽ bị thế gian quyến rũ. Đó là lý do tại sao thánh Tôma liên kết ân huệ này với đức tiết độ.[7] Tuy nhiên, ân huệ này giúp cho chúng ta hiểu biết cái tệ hại của tội lỗi là xúc phạm đến Cha nhân hậu, đánh mất tình thương của Chúa, vô ân bạc nghĩa với Cha. Chính nỗi sợ xúc phạm đến Cha khiến cho tội nhân thống hối; chính nỗi sợ đánh mất tình thương sẽ khiến ta tránh xa mọi cơ hội phạm tội.
Người con hoang đàng trong dụ ngôn hẳn đã nghiệm thấy gánh nặng tội lỗi và những hệ quả (kể cả thể chất) của nó; tuy nhiên, động lực khiến anh ta hối hận là hình ảnh âu yếm của người cha mà anh đã khinh thường. Anh đã để cho lòng kính sợ con thảo thúc giục đi gặp tình yêu của cha: “Tôi sẽ trỗi dậy và đi về với cha tôi và thưa rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha. Con không đáng gọi là đứa con của cha nữa; xin cha hãy xử như một nhân công thôi. Và anh đã đứng lên, về với cha. Khi thấy đứa con từ xa, người cha đã xúc động chạy tới, ôm lấy cổ nó và hôn thắm thiết” (Lc 15,18-20).
Như vậy, bản chất của ân huệ này là lòng kính sợ như con cái, phát xuất từ tình yêu. Chính vì thế mà thánh Tôma liên kết nó với đức hy vọng (đức cậy).[8] Hy vọng có nghĩa là ước ao và tín thác: cả hai khía cạnh ấy được củng cố nhờ hình ảnh của Chúa Cha yêu thương lân tuất, của trái tim cứu chuộc của Chúa Kitô, của Thần khí yêu thương và trắc ẩn: một Thiên Chúa đáng yêu và mạnh mẽ như vậy ắt là gợi lên lòng ước ao và tin tưởng.
Cùng với đức tiết độ và hy vọng, ơn kính sợ cũng có mối liên kết đặc biệt với đức khiêm nhường,[9] là một nhân đức quan trọng trong những bước đầu của đời sống Kitô hữu. Thật vậy, đức khiêm nhường là nền tảng không thể thiếu trong con đường nên thánh; và ơn kính sợ đào sâu nền móng này trong linh hồn. Thánh Têrêsa Giêsu đã nói: “Thiên Chúa là chân lý tối cao, và khiêm nhường là đi trong chân lý, nhìn nhận rằng mình chỉ là hèn hạ và hư không, chứ tự mình chẳng có gì tốt đẹp; ai không hiểu như vậy là đi trong dối trá”.[10] Ơn kính sợ soi sáng cho ta biết chân lý đó, tức là có một khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo.
Một bậc thầy về đức khiêm nhường, thánh Biển Đức, đã viết như sau: “Bậc thứ nhất của đức khiêm nhường hệ tại luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Thiên Chúa, không bao giờ được quên ngài, hãy luôn nhớ lại điều Chúa truyền, luôn ghi khắc trong tâm khảm những hình phạt hỏa ngục dành cho các tội, và phần thưởng trọng hậu dành cho những kẻ kính sợ Chúa. Sau khi đã tránh lánh mọi tội lỗi và nết xấu, kiểm soát các tư tưởng, lời nói, hành động, đường đi nước bước, bạn hãy trói buộc những đòi hỏi của xác thịt. Bạn hãy nhớ rằng Thiên Chúa từ trời cao luôn nhìn đến bạn, Ngài thấy tất cả mọi hành động của bạn, các thiên sứ của Ngài luôn theo dõi bạn. Theo như ngôn sứ dạy, Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng của bạn: “Chúa lục soát trái tim và ruột gan của chúng ta” (Tv 7,10) và “Chúa thấu hiểu mọi tư tưởng của phàm nhân”’ (Ps 93,11); và “Từ xa, Chúa đã biết điều con tưởng nghĩ”, và “Ý tưởng của con người sẽ tỏ hiện trước mặt Chúa”.[11]
Đồng thời, ơn kính sợ giúp cho chúng ta vượt qua vực thẳm ngăn cách giữa thụ tạo với Thiên Chúa, nhờ sự tín thác vào Tình thương của Chúa, chứ không dựa vào bản thân mình. Đó là đức khiêm nhường đích thực của người Kitô hữu: khi nhận biết mình chỉ là hư vô, sẽ dạn dĩ lao mình vào cánh tay của Đấng là Tất cả. Từ đó, ta nhận ra giá trị đặc biệt của ơn kính sợ vào một vài hành vi hoặc một vài thời điểm của cuộc đời: lúc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, khi ăn năn thống hối, khi tự nguyện thi hành việc hãm mình đền tội, khi linh hồn trải qua những cuộc thanh luyện thụ động,.v.v… Một cách nào đó, các linh hồn thánh thiện cần đến ân huệ này khi gặp cảnh khô khan, nguội lạnh, bị bỏ rơi, mà Chúa thường dùng để rèn luyện linh hồn. Đó là những thời khắc “duy trì hy vọng vào lúc không còn gì để hy vọng” (x. Rm 4,18).
Điều này giải thích lý do vì sao Đức Giêsu, tuy hoàn toàn không có tội lỗi, mà vẫn có ân huệ này và đã sử dụng nó; đặc biệt khi đối diện với những cơn cám dỗ của ma quỷ trên sa mạc, khi hấp hối trong vườn và khi chịu treo trên thập giá. Lời cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu được, xin cất xa cái chén này đi, song đừng làm theo ý của con mà là theo ý của Cha” (Lc 22,42); “Lạy Chúa Trời con, lạy Chúa Trời con, tại sao Ngài bỏ con?” (Mt 27,46), cùng với “Lạy Cha, con xin ký thác tinh thần của con cho Cha” (Lc 23,46). Những lời nguyện ấy là thí dụ về ơn kính sợ Thiên Chúa tác động trong một linh hồn thánh thiện, bằng cách củng cố niềm tin tưởng và phó thác vào Ngài.
Dù Mẹ Maria không mắc tội nào, nhưng cảm thấy xao xuyến trong tâm hồn khi nghe thiên sứ truyền tin, hoặc sự đồng cảm với đau khổ thể lý và tinh thần của Con mình khi đứng dưới chân thập giá, cho thấy sự can thiệp mãnh liệt của ơn kính sợ Chúa.
3. Ơn sùng hiếu và đời sống cầu nguyện
Linh hồn càng tránh xa tội lỗi thì càng xích lại gần Thiên Chúa; hay nói đúng hơn: chính sự tăng trưởng trong tình mến Chúa đã thanh luyện linh hồn và củng cố các xu hướng. Linh hồn cần phải bắt đầu một đời sống cầu nguyện chân chính, duy trì tình thân với Chúa.
Việc cầu nguyện, ít là việc đọc kinh ngoài miệng, đã xuất hiện trong đời sống của người tín hữu ngay từ những tiếng bập bẹ của em bé được rửa tội, hoặc ngay từ những bước đầu tiên của cuộc hoán cải. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm đi theo Đức Kitô mà con người bắt đầu khám phá sự phong phú của kinh nguyện phụng vụ, những công thức cầu nguyện cổ truyền, việc suy gẫm hoặc tâm niệm. Chính vào lúc đó mà ơn sùng hiếu dần dấn thay thế ơn kính sợ.
Xét như một nhân đức nhân bản, sự thảo hiếu là một đức tính của tương quan giữa con cái với cha mẹ. Khi nói đến sự thảo hiếu với Thiên Chúa, chúng ta muốn nhấn mạnh đến tinh thần nhiệt thành, âu yếm, cần kèm theo việc cầu nguyện và các việc đạo đức khác; nhờ vậy mà tránh được thói đọc kinh máy móc, hình thức.
Những tâm tình vừa kể đòi hỏi nhiều nỗ lực cá nhân cũng như thực tập các nhân đức, cùng với sự trợ giúp của ân sủng. Tuy nhiên, để thực hành đức thảo hiếu[12] cách hoàn hảo, ta cần đến ơn sùng hiếu của Thánh Linh, bởi vì chỉ duy Thánh Linh của tình yêu, là hoa trái của tình phụ tử giữa Cha và Con trong nội tại Tam vị, mới có thể truyền đạt cho chúng ta những bí ẩn của mối tình thân mật của Thiên Chúa, và ban cho chúng ta được yêu mến Thiên Chúa giống như Ngài đã thương yêu chúng ta. Ơn sùng hiếu giúp chúng ta hiểu biết, quý mến tình yêu ấy, và áp dụng vào cuộc đời, cũng như ban cho chúng ta khả năng biểu lộ tình yêu của Chúa ra bên ngoài. Thánh Gioan Kim Khẩu đã giải thích điều đó khi chú giải lời của thánh Phaolô “Nếu không có Thánh Linh, không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” (1Cr 12,3):
Nếu không có Thánh Linh, chúng ta không thể cầu khẩn Đức Giêsu như là Chúa. Nếu không có Thánh Linh, chúng ta không thể cầu nguyện với lòng tin tưởng. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta nói rằng ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’. Nếu không có Thánh Linh, chúng ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tại sao lại nói như thế? Bởi vì thánh tông đồ đã dạy: ‘Vì đã là con cái, Thiên Chúa phái Thần khí của Con Ngài xuống tâm hồn chúng ta để thốt lên: Cha ơi (Gl 4,6). Vì thế, khi bạn kêu cầu Thiên Chúa là Cha, bạn hãy nhớ rằng chính Thánh Linh đã đánh động linh hồn bạn và ban cho bạn lời cầu xin ấy.[13]
Ơn sùng hiếu trở nên đắc lực khi chúng ta tham dự các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể; khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh; khi đọc kinh Mân côi và các việc đạo đức kính Đức Mẹ; khi dành thời giờ để suy niệm; khi xét mình,.v.v… Nói tắt, trong tất cả mọi hình thức cầu nguyện, như Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã viết ở số 2672: “Thánh Linh đã xức dầu toàn thân chúng ta, là Vị Thầy nội tâm của việc cầu nguyện. Ngài đã gợi lên truyền thống sống động của việc cầu nguyện. Đành rằng có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng cũng một Thánh Linh đang tác động trong mọi người và với mọi người”.
Hơn nữa, linh ân sùng hiếu giúp chúng ta biết hòa hợp giữa cầu nguyện cá nhân với cầu nguyện phụng vụ, cầu nguyện chung và cầu nguyện tư, và thấm nhuần chiều kích Hội Thánh trong mọi lời nguyện. Thánh nữ Edith Stein đã giải thích như sau: “đừng đối chọi các hình thức cầu nguyện riêng tư như là lòng sùng đạo ‘chủ quan’, đối lại phụng vụ như là hình thức ‘khách quan’ của lời cầu nguyện của Hội Thánh. Bất cứ lời nguyện chân chính nào cũng phát sinh một điều gì đó trong Hội Thánh, và chính Hội Thánh cầu nguyện trong mỗi linh hồn, bởi vì Thánh Linh, Đấng ngự trong linh hồn cũng là Đấng chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời rên siết khôn tả (Rm 8,26). Đó là lời cầu nguyện chân chính, bởi vì ‘không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu nếu không có Thánh Linh (1Cr 1,3)”.[14]
Lòng hiếu thảo con cái cũng thông phần cách nào đó vào lòng hiếu thảo phụ mẫu. Người con tốt cũng học cách trở nên người cha tốt, và như vậy, trở nên người anh em tốt. Kẻ nào để cho Thánh Linh sùng hiếu hướng dẫn thì không chỉ đi sâu vào những tâm tình hiếu thảo của Chúa Con, mà còn đi sâu vào những tâm tình hiền phụ của Chúa Cha. Như thế, ơn sùng hiếu cũng chuyển thông những đặc tính của mối tình người tín hữu đối với Thiên Chúa sang những mối tình đối với các con cái của Chúa, với những tâm tình không những của người anh cả mà thậm chí của một người cha: yêu thương tha nhân giống như người cha (hoặc mẹ). Đó là hệ quả của đức mến dưới sự hướng dẫn của Thần Khí tình yêu và sùng hiếu.[15]
Cách riêng, kinh Lạy Cha, khuôn mẫu của kinh nguyện Kitô giáo, đã nối kết chặt chẽ hai chiều kích của lòng sùng hiếu, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, qua một cách thức diễn đạt là lòng thương xót: “Xin tha tội cho chúng con cũng như chúng con cũng tha thứ cho những ai lỗi phạm đến mình”. Chính Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một tấm gương sùng hiếu sâu xa, dưới sự thúc đẩy của Thánh Linh, khi Người rút lui vào nơi cô tịch để đàm đạo thân mật của Chúa Cha, khi Người thực hành luật ngày Sabat, khi lên đền thờ cầu nguyện,.v.v…; và dĩ nhiên, khi Người mở rộng tâm hồn đi gặp gỡ người con, người em, người bạn đang cần đến. Thần khí sùng hiếu cũng rực sáng nơi Đức Maria lúc cầu nguyện, lúc đón nhận lời truyền tin của thiên sứ, lúc hòa đồng tâm tình của Con mình để gặp gỡ, an ủi, khích lệ đồng bào của mình. Vì thế thánh Bonaventura thốt lên: “Ôi, chúng ta có một bà mẹ đạo đức biết mấy! Chúng ta hãy họa đời mình theo gương Mẹ, và bắt chước lòng sùng mộ của Mẹ. Mẹ cảm thông với các linh hồn đến độ sẵn lòng chịu khổ vì họ. Theo gương mẹ, chúng ta hãy vui lòng đóng đinh thân xác của ta để cứu lấy linh hồn mình”.[16]
4. Ơn hiểu biết các thực tại thần linh
Các ơn kính sợ và sùng hiếu đã đưa người tín hữu vào con đường cầu nguyện và thân tình với Chúa, cũng như những con đường chiến đấu nội tại và thực hành nhân đức. Tuy nhiên, người tín hữu là một kẻ lữ hành, còn sống trên trần thế; họ phụng sự Thiên Chúa trong một khung cảnh xã hội, gia đình, nghề nghiệp, văn hóa nhất định, kể cả những người đáp lại tiếng Chúa gọi, đã khước từ một vài khía cạnh của cuộc sống giữa thế gian hầu làm chứng sự cao cả của những giá trị thần linh. Điều kiện cá biệt của mỗi người cũng như vị trí của họ trong thế giới là điều đã được Thiên Chúa an bài xếp đặt, thậm chí đôi khi được xem như một ơn gọi đặc biệt để cho họ nên thánh, dĩ nhiên là sau khi đã thanh lọc khỏi những ảnh hưởng tội lỗi nhờ ơn kính sợ. Nhằm giúp chúng ta nên thánh trong môi trường sinh sống cụ thể, Thánh Linh cung cấp cho ta ơn minh luận.[17]
Thật vậy, nhờ đức tin, người tín hữu không những hiểu biết Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Ngài, mà còn hiểu biết thực tại nhân sinh và vũ trụ nhìn dưới tương quan với Thiên Chúa. Đức tin là một ngọn đèn chiếu soi những ngóc ngách ẩn kín của đời sống, bằng cách mở ra những ý nghĩa sâu xa của nó. Ánh sáng của đức tin rất mãnh liệt, nhưng đồng thời cũng rất huyền nhiệm, bởi vì nó không dựa trên phúc kiến, hoặc sự hiển minh của lý trí, nhưng dựa trên việc gắn bó với Lời Chúa nhập thể là Đức Giêsu Kitô. Sau này trong chốn vĩnh cửu, chúng ta sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa nhãn tiền và sẽ hiểu thấu những huyền bí của con người và vũ trụ. Tuy vậy, ra như tiên báo cho ánh sáng hằng cửu ấy, Thánh Linh là Thần Khí sự thật ban cho chúng ta những ánh sáng để tăng cường năng lực cho đức tin. Một trong những ánh sáng ấy là ơn “minh luận”, khác với các ơn thâm hiểu và cao minh, bởi vì mục tiêu không phải là soi sáng cho chúng ta về chính Thiên Chúa, nhưng là về con người và về thế giới.
Thánh Tôma giải thích bản chất của ân huệ này như sau: “Liên quan đến các chân lý phải tin, có hai điều cần thiết về phía chúng ta. Một là trí hiểu cần phải thấu suốt các chân lý ấy; đó là vai trò của ơn thâm hiểu. Hai là con người phải xét đoán các chân lý ấy một cách đúng đắn, ngõ hầu chấp nhận chúng và đánh tan những sự sai lầm trái nghịch. Sự xét đoán này liên quan đến ơn cao minh trong phạm vi thuộc về những chuyện thần linh; liên quan đến ơn minh luận trong phạm vi thuộc về những vật thụ tạo, và liên quan đến ơn chỉ giáo, khi phải áp dụng vào các hành vi cá biệt”.[18]
Có thể ví ơn minh luận như một luồng sáng thần linh chiếu xuống trái đất. Nhờ ân huệ này, người tín hữu được Thánh Linh hướng dẫn trong những thực tại trần thế, nghĩa là một đàng họ đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về giá trị của chúng dưới viễn ảnh của đức tin, đàng khác, nhờ ánh sáng đó, họ có thể cải biến các hoạt động nhân sinh trở nên thánh thiện.
Chúng ta đừng lầm tưởng ân huệ này với tri thức thiên phú. Ân huệ này không giúp ta hiểu biết uyên thâm hơn về toán học, khoa học, lịch sử, vv., nhưng giúp ta nhận ra ý nghĩa cuối cùng của chúng ở nơi Thiên Chúa và nhờ đó dấn thân vào việc nghiên cứu hoặc công tác với một tinh thần mới. Ơn minh luận cung cấp cho chúng ta một chìa khóa để biết sống hài hòa giữa chiêm niệm và hoạt động, nhờ đó chúng ta tìm gặp Chúa không chỉ bằng cách dành ra những thời khắc cầu nguyện hàn huyên với Ngài, nhưng còn quy hướng tất cả mọi hoạt động về với Ngài, thực hành tất cả mọi việc như là cách thức biểu lộ tình yêu đối với Ngài. Nói tắt, nó giúp chúng ta trở nên những con người “chiêm niệm trong hoạt động” (contemplativus in actione).
Để đạt được điều này, dĩ nhiên là cần phải thanh luyện tâm hồn cũng như đã làm quen với việc cầu nguyện. Vì thế, mặc dù ơn minh luận được ban cho người Kitô hữu cùng với đức tin và ân sủng, nhưng nó phát sinh công hiệu khi nào linh hồn đã được các ơn kính sợ và sùng hiếu chuẩn bị để sống hòa hợp theo ý Chúa. Đối lại, ơn minh luận cũng giúp cho việc thanh luyện linh hồn khi vạch cho biết điều gì là tốt hoặc xấu trong đời mình và trong thế gian. Như thánh Bonaventura đã giải thích, ơn minh luận mang lại cho ta sự hiểu biết của các thánh nhân, một sự hiểu biết để phân biệt cái thiêng và cái phàm, để khỏi bị mắc lừa vào cái hào nhoáng hão huyền của thế gian.[19]
Trong cuộc đời tại thế của Đức Giêsu, ơn minh luận đã biểu hiện rất nhiều lần, hay nói đúng hơn cả cuộc đời của Người là một “khảo luận” về ân huệ này, nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa qua những thực tại nhân sinh, nơi gia đình, công việc làm, sự giao tiếp với tha nhân, lúc nghỉ ngơi và thư giãn, vv. Chúng ta cũng có thể hiểu một cách tương tự nơi cuộc đời của Đức Maria, như một phụ nữ, một người vợ, một người mẹ, một quản gia. Thánh Elizabeth Chúa Ba ngôi viết: “Mẹ đã tận tụy với mọi công việc bổn phận mà vẫn duy trì tâm hồn bình an. Mẹ thánh hóa cả những công việc tầm thường nhất, bởi vì Mẹ luôn ở trong tư thế của kẻ thờ phượng Thiên Chúa trong tất cả mọi hành động”.[20]
5. Ơn hùng mạnh trong cuộc chiến đấu khổ hạnh
Nhờ các ơn kính sợ, sùng hiếu và minh luận, người tín hữu đã quyết tâm chống lại tội lỗi, tìm cách sống thân mật với Chúa Giêsu và quy hướng tất cả mọi hoạt động về với Chúa. Tuy nhiên, con đường nên thánh đâu có dễ dàng, bởi vì nó gồm nhiều đòi hỏi nói được là anh hùng; con đường đi theo tiếng Chúa kèm theo nhiều cam go, nỗ lực, hy sinh, dấn thân.
Bản tính con người vốn đã được trang điểm với những đức tính tốt. Nơi người Kitô hữu, nó lại càng được củng cố nhờ ân sủng và các nhân đức để hướng về Thiên Chúa là cứu cánh đích thực của cuộc đời, bằng cách thực hành lòng mến Chúa yêu người. Tuy nhiên, chỉ nơi Thiên Chúa ta mới tìm được nguồn sức mạnh, như thánh Bonaventura nhận xét: “Sự hùng mạnh bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguyên ủy vững chắc, kiên cường; Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của vạn vật, bởi vì không có gì mạnh mẽ và quyền năng nếu không dựa vào nguyên ủy đệ nhất. Nhờ sức mạnh của Thiên Chúa mà con người trở nên an toàn và vững mạnh”.[21]
Vì thế, chỉ có ai nhận được sức mạnh của Thánh Linh mới có khả năng đương đầu với những cuộc chiến đấu nội tâm, vượt qua những ngăn trở trên đường nên thánh, bắt tay vào những dự án tông đồ táo bạo. Nhờ ơn hùng mạnh, con người nhận được tác động mãnh liệt của Thánh Linh để thực hiện những công trình mà sức mình không thể nào làm nổi.
Trên con đường này, chân phước Gioan Juan Ruusbroec đã liên kết ơn hùng mạnh với ơn minh luận: “Nếu ai muốn đến gần Thiên Chúa và tình nguyện phục vụ ngài suốt đời thì cần phải tìm ra cánh cửa giải thích ý nghĩa của tất cả mọi công việc. Nhờ vậy, họ mới nắm bắt ý nghĩa của cuộc đời, của những công việc, và tiến vào đời sống nội tâm. Thiên Chúa sẽ ban cho họ ân huệ thứ bốn, tức là minh luận, nhờ vậy, họ làm chủ được những niềm vui nỗi buồn, những lợi lộc hoặc mất mát, tất cả mọi ngăn trở chướng ngại. Như vậy, họ được tự do và thoát khỏi mọi mối dây ràng buộc với thụ tạo”.[22]
Ta nên ghi nhận vị trí của ơn này trong hàng ngũ của bảy ân huệ: nó được xếp ở giữa lộ trình nên thánh. Ta có thể ví nó với lứa tuổi trung niên trong cuộc đời. Vào giai đoạn này, họ cần đến ơn hùng mạnh, nghĩa là kiên nhẫn, bền chí trong việc chiến đấu chống lại các khuyết điểm, cũng như chấp nhận chung sống lâu năm với những người khác tính nết trong cộng đoàn. Ơn hùng mạnh nâng đỡ họ trong những công việc tuy nhỏ bé hoặc âm thầm, nhưng kéo dài từ năm nay qua năm khác. Cũng vậy, ơn hùng mạnh cũng trở nên cần thiết để khỏi dừng lại hoặc bỏ cuộc trên đường nên thánh, chống lại một thái độ buông xuôi do mệt mỏi chán nản, hoặc vì thấy cô độc lội dòng nước ngược.
Dù sao, ơn hùng mạnh không chỉ cần thiết cho những người đã trải qua nửa chặng đường, mà cũng cần thiết kể cả cho những người mới bắt đầu: họ cần có sức mạnh phi thường để có thể hoán cải và thay đổi nếp sống để đi theo tiếng Chúa gọi. Ơn hùng mạnh cũng vẫn còn cần thiết vào lúc cuối đời, như chúng ta có dịp chứng kiến nơi các vị thánh khi phải đối diện với những hoàn cảnh cam go, mà nếu không có sức mạnh phi thường của Chúa thì không tài nào vượt qua nổi. Chúng ta nghĩ cách riêng đến các thánh tử đạo, một thực tại vẫn còn diễn ra vào thời buổi hôm nay.
Từ những điều vừa nói, có lẽ hùng mạnh là ân huệ phổ thông nhất trong cuộc đời người Kitô hữu. Bất cứ vào giai đoạn nào trên cuộc đời, ta cũng cần đến sức mạnh của Chúa. Trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, chúng ta gặp thấy những lúc mà ơn hùng mạnh biểu lộ đặc biệt, dĩ nhiên đứng hàng đầu là thập giá. Mỗi khi suy ngắm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu và cái chết trên thập giá, tâm hồn chúng ta rộn lên những niềm xót xa, muốn chia sẻ những nỗi đau của Người và của thân mẫu đứng bên cạnh. Tuy nhiên, chúng ta đừng bỏ qua ơn hùng mạnh mà Thánh Linh đã ban cho Người, ngõ hầu cương quyết hoàn tất chương trình của Chúa Cha. Người đã can trường khi phải đương đầu với sự chống đối của nhóm Pharisêu, Người đã kiên trì khi chịu đựng tính nông nổi của các môn đệ, Người tiếp tục thi hành sứ mạng bất chấp sự lãnh đạm của đám đông.
Nơi Đức Maria, thánh Bonaventura đã ca ngợi những hoa trái mà ơn hùng mạnh mang lại bằng những lời như sau: “Ôi Trinh nữ, con biết nói gì về đức hùng mạnh nơi Mẹ. Nhờ ơn hùng mạnh ấy mà chúng con có thể đạt đến nước trời: ơn hùng mạnh mà Mẹ đã lãnh nhận lúc Ngôi Lời nhập thể, ơn hùng mạnh mà Mẹ đã trả để cứu chuộc nhân loại, ơn hùng mạnh mà Mẹ đã thủ đắc khi đạt đến vinh quang trên trời. Mẹ đã được ơn hùng mạnh; nhờ ơn ấy mà mẹ đã nên thánh thiện, sùng mộ, can trường”.[23]
6. Thần Khí cố vấn
Linh hồn nào trung thành với ân sủng và tiến bước trên đường nên thánh sẽ được nhân đức khôn ngoan và ánh sáng đức tin dẫn dắt trong lối đi. Thêm vào đó, truyền thống tâm linh ngàn đời của Hội Thánh là một kho tàng phong phú để học biết cách cư xử cho mình hoặc chỉ bảo người khác.
Tuy nhiên, bởi vì sự thánh thiện thì bao la và cuộc sống thân mật với Thiên Chúa cũng lắm huyền nhiệm, đó là chưa kể những tình huống đa dạng của các linh hồn, cho nên việc kinh nghiệm thâu thái do học hỏi không đủ. Một lần nữa, Thánh Linh đến giúp đỡ chúng ta nhờ các ân huệ. Ơn chỉ giáo[24] không chỉ là một lời khuyên trong lúc hoang mang do dự; nó là sự tham dự vào chính Thần Khí cố vấn, ra như đọc thấy chính quyển sách về cảm nghiệm nội tâm của Đức Kitô. Tuy vậy, đọc được quyển sách ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng; việc chấp nhận và tuân theo các lời khuyên của Chúa rất khó khăn.
Cũng như các ân huệ khác, ơn chỉ giáo được ban cho các tín hữu ngay từ những chặng đầu của đường nên thánh. Thế nhưng, tới chặng thứ năm đang bàn, nghĩa là sau khi đã quen thuộc với đường hướng dẫn dắt của Thánh Linh, chúng ta vẫn thấy bỡ ngỡ trước những chiều hướng sâu thẳm của sự thánh thiện. Chúng ta cần ơn chỉ giáo để luôn luôn biết nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Linh: nó giúp ta luôn tỉnh táo để nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm của linh hồn, nó giúp ta nhận ra tiếng Chúa giữa những sự kiện xem ra thường thức; nó giúp chúng ta thực hành những lời khuyên lơn ấy.
Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn còn sống trên trần gian, nghĩa là vẫn còn tiếp tục hành trình đức tin, một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm khi đi theo những thúc giục của Thánh Linh; những linh hồn càng thánh thiện thì Thiên Chúa càng đòi hỏi nhiều hơn. Thánh Gioan Thánh giá đã diễn tả cảm nghiệm ấy như sau: “Tôi càng lên cao, quang cảnh càng mù mịt, và cuộc mạo hiểm diễn ra hoàn toàn trong tăm tối; thế nhưng, vì được tình yêu ném đi, cho nên tôi đã nhắm mắt nhảy theo, nhảy cao đến nỗi bắt được con mồi”.[25] Linh hồn liều lĩnh nhảy vào bóng tối, nhưng linh hồn càng quảng đại bao nhiêu thì Thiên Chúa càng ban ơn bấy nhiêu.
Ơn chỉ giáo càng trở thành quan trọng hơn nữa trong công tác tông đồ và hướng dẫn những linh hồn khác. Khi bắt tay vào công tác này, cần phải xác tín rằng mình chỉ là dụng cụ trong tay Chúa: chỉ Thánh Linh mới có khả năng khuyên bảo và điều khiển những người khác. Đó là điều mà thánh Inhaxiô Loyola đã nhắc nhở các vị linh hướng: chỉ duy Thánh Linh mới có thể khuyên bảo và điều khiển người khác. Vị linh hướng càng cố gắng tìm kiếm ý Chúa thì Chúa càng thông đạt mình bằng cách cho họ lửa tình yêu ngõ hầu có khả năng thi hành công tác đúng đắn.[26]
Thánh Gioan Thánh Giá cũng nhắn nhủ tương tự như vậy: các cha linh hướng hãy ý thức rằng Thánh Linh mới thực là vị chủ động trong việc hướng dẫn các linh hồn; các vịlinh hướng không phải là tác nhân mà chỉ là những khí cụ để giúp các linh hồn đi theo tiếng của Chúa. Vị linh hướng không được phép bắt ép linh hồn đi theo đường lối của mình, nhưng là đi theo đường lối của Chúa. Nếu không biết phải làm gì, thì cứ để họ yên chứ đừng quấy rầy họ.[27]
Ở đây, chúng ta chỉ còn là tiếng vọng của Thiên Chúa, mặc dù là tiếng vọng có ý thức và trách nhiệm mà Thánh Linh muốn dùng để tác động trên các linh hồn. Thánh Basiliô đã diễn tả bằng những lời ý vị như sau: “Khi được một tia sáng chiếu xuống, các thân thể sáng chói và tỏa ánh sáng ra chung quanh mình. Một cách tương tự như vậy, các linh hồn chất chứa Thánh Linh cũng sẽ được Ngài soi sáng và chuyển thông ân sủng cho những người khác”.[28]
Nhờ kết hiệp với Ngôi Lời, Đức Giêsu đã có đầy đủ khôn ngoan của nhân tính và thiên tính. Tuy vậy, Người luôn luôn để cho Thánh Linh dẫn dắt, đến nỗi nói được là Thánh Linh luôn soi sáng và hướng dẫn từng đường đi nước bước của Người. Thánh Bênađô đã tóm lại tác động của năm ân huệ đầu tiên của Thánh Linh trong công cuộc cứu độ của Đức Giêsu bằng những lời sau đây: “Người phục tùng Chúa Cha nhờ ơn kính sợ, Người cảm thông với nhân loại nhờ ơn sùng hiếu; nhờ ơn minh luận, Người biết phân định để giải quyết những vụ tranh tụng. Nhờ ơn hùng mạnh, Người toàn thắng ma quỷ, và nhờ ơn chỉ giáo, Người chọn lựa phương thế tuyệt vời nhất để thắng ma quỷ”.[29]
Đức Maria, qua những lời xem ra đơn giản: “Hãy làm tất cả những gì Người bảo” (Ga 2,5), đã tỏ ra những lời khuyên khôn ngoan của Thánh Linh, Đấng đã ngự trong lòng Mẹ từ lúc đầu thai vô nhiễm nguyên tội.
7. Ơn thâm hiểu các mầu nhiệm Thiên Chúa
Với ơn thâm hiểu (intellectus; có nơi dịch là “thông minh”), chúng ta bước sang lãnh vực chiêm niệm, nghĩa là đi vào chặng huyền bí. Đây là một thế giới đầy hấp dẫn đối với những ai đã có cảm nghiệm, nhưng thật là khó khăn và tế nhị khi phải trình bày bằng ngôn từ. Chúng ta đã đạt đến ngưỡng cửa của sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa. Điều này không phải là cái gì khác thường, hiếm hoi, nhưng nó nằm trong ơn gọi “thông thường” của người Kitô hữu, như sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (số 2014) đã khẳng định:
“Sự tiến triển tâm linh hướng đến việc kết hợp ngày càng thắm thiết với Đức Kitô nhờ các Bí tích – tức là các nhiệm tích – và trong Người, kết hợp với Thiên Chúa Tam vị. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta đến kết hợp thân thiết với Ngài, mặc dù các đặc sủng hoặc những dấu lạ phi thường của đời sống huyền bí chỉ được ban cho vài người, ngõ hầu làm rõ hơn hồng ân ban không cho tất cả mọi người”.
Ơn thâm hiểu có liên quan đến các mầu nhiệm thần linh, mở ra cho chúng ta con đường chiêm niệm và kết hợp với Thiên Chúa, với tột đỉnh là ơn cao minh. Nhờ đức tin, chúng ta đã biết và chấp nhận các mầu nhiệm ấy rồi; tuy nhiên ánh sáng của đức tin bị chi phối bởi giới hạn của trí tuệ con người. Vì thế Thần khí của chân lý đến giúp đỡ chúng ta, và nhờ ơn thâm hiểu, mở cho chúng ta cánh cửa của mầu nhiệm thần linh.
Cùng với thánh nữ Catarina Siena, chúng ta có thể ca ngợi những nét cao đẹp của ân huệ này như sau: “Ngài là lửa luôn luôn thiêu đốt và không hề tàn lụi; Ngài là lửa thiêu đốt tính tự ái của linh hồn; Ngài là lửa làm chảy mọi băng giá; Ngài soi sáng, và nhờ ánh sáng của Ngài mà chúng con nhận biết Chân lý; Ngài là Ánh sáng vượt trên mọi ánh sáng, mang lại ánh sáng siêu nhiên cho cặp mắt trí tuệ, do sự dồi dào và hoàn hảo của nó mà ánh sáng của đức tin được soi tỏ. Trong đức tin ấy con nhận biết rằng, linh hồn con có sự sống, và nhờ ánh sáng này mà linh hồn con đón nhận Ngài là Sự sáng muôn thuở”.[30]
Tuy nhiên, đây chưa phải là ánh sáng của phúc kiến, cũng không phải là sự sáng của những lý lẽ biện chứng đâu; chúng ta vẫn còn sống trong giai đoạn đức tin. Vì thế, sự chiêm ngưỡng của ơn thâm hiểu vẫn còn mang đậm nét tối tăm, hay nói theo ngôn ngữ của thánh Gioan Thánh giá, vẫn còn “đêm tối”, tuy là đêm tối dẫn đưa ta đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe thánh nhân diễn tả thực tại xem ra nghịch lý ấy:
“Đêm tối tăm ấy là sự chiêm ngắm trong đó linh hồn ước ao nhìn thấy những điều ấy. Gọi là đêm tối, bởi vì sự chiêm ngắm ấy tối tăm; vì thế cũng được đặt tên là Thần học huyền bí, có nghĩa là sự cao minh huyền nhiệm, bí ẩn của Thiên Chúa, trong đó, không có lời nói ồn ào, không có cảm giác thể chất hoặc thiêng liêng; trong nơi thinh lặng và yên tĩnh, Thiên Chúa dạy cho linh hồn một cách bí ẩn huyền nhiệm, bằng cách thức mà chính linh hồn cũng chẳng biết. Vài tác giả gọi đó là hiểu mà như không hiểu, bởi vì nó không diễn ra nơi trí tuệ chủ động (bằng các thể thức, hình ảnh, ý niệm) nhưng là nơi trí tuệ thụ động, có nghĩa là trí tuệ không còn dùng hình ảnh nào nữa”.[31]
Do đó, đặc trưng của ơn thâm hiểu là trực kiến (intuitus); như vậy nó đồng nghĩa với chiêm ngắm theo quan niệm của thánh Tôma Aquinô.[32] Thánh nhân cũng mô tả ơn thâm hiểu như là “trực giác chân lý” (“simplex intuitu veritatis”), đọc được cốt lõi, hiểu biết sâu xa.[33] Do đó, sự thâm hiểu chiêm ngắm là một sự trực kiến Chân lý thần linh, cách đơn thuần nhưng lại sâu thẳm và nhất là trìu mến. Thật vậy, kẻ chiêm ngắm không dừng lại ở nhìn ngắm mà còn trầm trồ, thán phục, thỏa mãn về điều mình thấy, yêu mến điều mình thấy. Ơn thâm hiểu đưa ta tới ngưỡng cửa của sự kết hợp yêu mến với Thiên Chúa, như thánh Gioan Thánh giá đã viết: “Chúa đã dạy cho tôi một thứ tri thức dịu ngọt. Tri thức dịu ngọt ở đây là thần học huyền bí, tức là sự hiểu biết huyền nhiệm về Thiên Chúa, mà các thánh gọi là chiêm ngắm. Tri thức dịu ngọt bởi vì là hiểu biết nhờ yêu mến. Yêu mến là thầy của hiểu biết và làm cho nó trở thành dịu ngọt. Vì nó được Thiên Chúa ban cho trí tuệ cho nên gọi là tri thức, và dịu ngọt bởi vì nó được cảm nhận bằng yêu mến”.[34]
Hẳn nhiên, đời sống Kitô hữu đã có đôi chút chiêm ngắm (hoặc “tri thức dịu ngọt”) ngay từ đầu, và ân huệ này vẫn âm thầm soi sáng việc tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa, hé mở cho thấy hình ảnh hấp dẫn của Thiên Chúa để gợi lên lòng yêu mến. Tuy nhiên chỉ khi nào linh hồn đã xa lánh tội lỗi nhờ lòng kính sợ Chúa, đã được Thánh Linh tăng cường và hướng dẫn, đã làm quen với ngôn ngữ của Thiên Chúa và đời sống siêu nhiên, thì lúc ấy ơn thâm hiểu mới tỏ hiện rạng rỡ; lúc ấy đời sống chiêm ngắm bắt đầu chiếm hữu linh hồn: hoặc nhờ đời sống cầu nguyện do ơn sùng hiếu kích động, hoặc giữa các hoạt động do ơn minh luận soi sáng và quy hướng về Chúa.
Nói đến ơn thâm hiểu ở nơi Đức Giêsu là đụng đến mầu nhiệm khôn tả của Đấng là Ngôi Lời làm người. Dù vậy, ta có thể nói được rằng nhân tính của Người cũng đã được ân huệ này tác động, dường như bắt cầu giữa trí tuệ con người nơi Đức Giêsu với Ngôi Lời: Người luôn chiêm ngắm Lời Thiên Chúa và biểu lộ bằng lời nói và cuộc sống. Còn về Đức Maria thì chúng ta hãy nghĩ đến thái độ hồi tâm và chiêm ngắm, luôn gẫm suy và cân nhắc trong lòng những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi bản thân mình (x. Lc 2,19).
8. Ơn cao minh và sự kết hiệp tình yêu với Thiên Chúa Tam vị
Như chúng tôi đã áp dụng trong những chặng trước đây, một khi đã tới tột đỉnh của đời sống siêu nhiên do Thánh Linh hướng dẫn, ta chỉ còn cách dựa vào những vị đã có cảm nghiệm này để nhờ họ dìu dắt chúng ta. Thánh Têresa Giêsu đã diễn tả cảm nghiệm huyền bí của mình như sau:
“Thiên Chúa nhân lành đã muốn cất đi những cái vảy của con mắt, ngõ hầu linh hồn có thể thấy và hiểu đôi chút về điều mà ơn Chúa thực hiện, tuy dù theo một cách thức lạ kỳ. Khi đã được đưa vào căn hộ này, linh hồn khám phá ra Thiên Chúa Ba Ngôi, qua một thị kiến của trí tuệ, trong một đám cháy, giống như một đám mây sáng chói chiếu vào tinh thần của họ. Ba Ngôi tỏ hiện như ba vị khác biệt, nhưng linh hồn nhận được một đặc niệm để chỉ nhận biết cả ba vị đều là một bản thể duy nhất, một quyền lực duy nhất, một tri thức duy nhất và một Thiên Chúa duy nhất. Điều mà đức tin dạy phải tin, thì giờ đây linh hồn thấy ra như tận mắt, tuy rằng không phải là cặp mắt của thân xác cũng chẳng phải là cặp mắt của linh hồn, bởi vì đây không phải là cái nhìn do tưởng tượng.
Thế là Ba ngôi thông đạt mình cho linh hồn, nói chuyện với linh hồn, và cho linh hồn hiểu được những lời mà Chúa Giêsu nói trong Phúc âm, đó là Người và Chúa Cha và Thánh Linh sẽ đến ngự trong linh hồn yêu mến Người và tuân giữ các giới răn. Chúa ơi, giữa cái nghe và tin những lời ấy với cái hiểu được chân lý theo cách thức vừa kể, thật khác xa nhau một trời một vực. Và linh hồn càng ngày càng thêm ngạc nhiên, bởi vì xem ra Ba ngôi Thiên Chúa sẽ không bao giờ rời bỏ linh hồn nữa. Linh hồn thấy Ba ngôi ngự trong thâm tâm của mình, theo như kiểu vừa nói, và cảm thấy các vị hội ngộ trong phần sâu xa nhất của mình, như trong vực thẳm mà không biết dùng lời nào diễn tả nổi”.[35]
Trong bản văn trên đây, thật không dễ phân biệt được tác động của ơn cao minh[36] với ơn thâm hiểu. Có lẽ thánh Têreêsa không bận tâm với các từ ngữ chính xác của thần học cho nên xem ra coi cả hai đều là một. Tuy nhiên, theo thiển ý, trong đoạn thứ nhất, “thấy” và “hiểu” có thể áp dụng cho ơn thâm hiểu, còn các hạn từ “thông đạt” và “hội ngộ” trong đoạn thứ hai thì có thể áp dụng cho ơn cao minh. Thật vậy, không thể nào hiểu nổi sự thâm hiểu chiêm niệm nếu không có tình yêu, còn cao minh phát sinh trực tiếp từ tình yêu: đây là một sự hiểu biết của tình yêu và bởi tình yêu. Nhờ ơn cao minh, ra như Thánh Linh thực hiện cuộc kết nạp giữa việc biết Chúa và mến Chúa; lý do là bởi vì ơn cao minh phát xuất từ chốn cao sâu nhất, từ chốn vượt quá khả năng hiểu biết và ước muốn của chúng ta. Quả vậy, Thiên Chúa vừa là Đấng cao siêu nhất vừa là Đấng thâm sâu nhất trong tâm hồn chúng ta.[37]
Dĩ nhiên, chỉ linh hồn nào rất thuần thục với tác động của Chúa, đã thấm nhuần tinh thần của Chúa thì mới có khả năng đạt đến tình thân mật say đắm này có khả năng làm cho linh hồn được mãn nguyện. Và sự thân mật này đương nhiên là hướng đến Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh Têrêsa và thánh Gioan Thánh giá đều khẳng định. Thánh Josemaría Escrivá giải thích như thế này: “Linh hồn cần phải phân biệt và thờ lạy từng Ngôi vị của Thiên Chúa. Đây là một sự khám phá đời sống siêu nhiên, tựa như một em bé khi bắt đầu mở mắt chào đời được tiếp xúc với cuộc sống. Linh hồn đàm đạo âu yếm với Chúa Cha và với Chúa Con và với Thánh Linh. Linh hồn dễ dàng suy phục tác động của Thánh Linh, và Ngài trao ban mình cách phong phú, với những ân huệ và nhân đức thiên phú… Lời nói không thể nào diễn tả nổi; trí tuệ an nghỉ. Linh hồn không dùng lý lẽ suy luận nữa, mà chỉ ngắm nhìn. Và linh hồn bật lên hát bài ca mới, vì nó cảm thấy mình được Thiên Chúa đoái đến, yêu thương không ngơi”.[38]
Ơn cao minh của Thánh Linh khác hẳn với cao minh tự nhiên, như thánh Têresa Hài đồng Giêsu đã viết: “Đấng mà lúc còn ở trên dương thế đã có lần hân hoan thốt lên ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì đã giấu kín những điều này khỏi những kẻ thông minh thượng trí mà lại tỏ lộ cho những kẻ bé nhỏ’ thì đã tỏ lòng thương xót của Người cho tôi. Bởi vì Người đã hạ mình xuống với tôi là kẻ yếu ớt và bé nhỏ, để bí mật dạy cho tôi những điều thuộc tình yêu của Người. Giả như những nhà thông thái đã suốt đời miệt mài học hỏi có đến hỏi tôi, thì chắc là họ sẽ thất kinh khi thấy một cô bé 14 tuổi mà lại biết được những bí nhiệm của sự trọn lành, những bí nhiệm mà họ không tài nào khám phá nhờ kiến thức của mình, bởi vì chỉ những người nghèo khó theo thần khí thì mới có thể thủ đắc các điều bí nhiệm ấy”.[39] Cô bé khiêm tốn ấy đã nhận được ơn cao minh và nay được tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh.
Ơn cao minh cho con người được tham dự vào chính sự Cao minh của Chúa, và qua đó, tham dự vào tất cả các ưu phẩm của Ngài. Như vậy, trong Thần khí Cao minh, thánh nhân sẽ gặp lại tất cả nội dung của hành trình siêu nhiên đã trải qua từ đầu đến bây giờ. Chân phước Gioan Ruusbroec cắt nghĩa như sau: “Nhờ ân huệ thứ bảy, thần khí cao minh xâm nhập vào linh hồn, mang lại sự thông tuệ và ngon ngọt thiêng liêng. Ơn cao minh là nền tảng và nguồn gốc của tất cả mọi ân huệ và nhân đức. Nhờ ân huệ này, mỗi người thưởng thức sự ngon ngọt của những cố gắng suốt đời, mà tình thương của Chúa đã ban. Ân huệ này là môi giới thắm thiết nhất giữa Thiên Chúa với con người, giữa nghỉ ngơi và hoạt động, giữa thời gian và vĩnh cửu”.[40]
Những do dự vào thời đầu của đời sống trọn lành đã bị tống xa, nhờ sự tuôn đổ các ân huệ Thánh Linh. Ôn lại hành trình đó, thánh Bênađô đã ca ngợi hoa trái của ơn cao minh như sau: “Hồi đó, linh hồn còn ươn ái vì chểnh mảng, bị lường gạt chạy theo những thói tọc mạch xấu xa, bị buộc trói bởi những dục tình, bị nhốt trong những nết xấu, bị thương tích vì những tội lỗi. Thế nhưng nhờ cuộc toàn thắng của ơn cao minh, ơn kính sợ đánh thức linh hồn, ơn sùng hiếu vỗ về, ơn minh luận mở mắt cho thấy tình trạng điêu tàn, ơn hùng mạnh vực linh hồn trỗi dậy, ơn chỉ giáo cởi dây buộc trói, ơn thâm hiểu lôi ra khỏi tù ngục, và ơn cao minh dọn tiệc, cho linh hồn được bổ dưỡng và thưởng thức những lương thực mỹ vị”.[41] Nhờ ân huệ này, linh hồn được thông phần vào sự Cao minh và Tình yêu của Chúa, và được biến đổi hoàn toàn: từ nhận thức sự khốn nạn của mình đến lòng yêu mến Chúa; từ những kinh cầu nguyện ngoài miệng đến sự chiêm ngắm; từ chỗ lãnh nhận một Bí tích đến chỗ đồng lao cộng tác với Chúa Kitô.
Trong một cuộc đối thoại với thánh nữ Catarina Siena về bí tích Thánh Thể, Chúa Cha nói như sau:
“Cha chính là cái giường và cái bàn cho họ (những người trọn lành). Món ăn là Ngôi Lời dịu hiền đầy tình thương của Cha. Quả vậy, chính trong Ngôi Lời vinh hiển mà họ thật sự được thưởng thức lương thực mà Ngôi Lời đã muốn ban cho họ. Chính Ngài trở nên của ăn nuôi họ, thịt và máu của Ngài, vừa là Thiên Chúa vừa là người thật. Thức ăn này, các con sẽ nhận được nơi nhiệm tích bàn thờ. Cha đã lập nên Bí tích này và lòng nhân hậu của Cha đã ban cho các con trong thời gian các con là những lữ khách, ngõ hầu các con không ngã quỵ trên đường vì kiệt sức, và các con không đánh mất kỷ niệm của Máu thánh đã đổ ra vì các con, với một tình thương nồng nhiệt dường ấy. Để bồi dưỡng các con và mang lại niềm vui cho các con trên đường đời, Thánh Linh, là tình yêu của Cha, đã làm người giúp bàn, dọn cho cho các con các ân huệ và ân sủng, đi lui đi tới, thâu lượm những ước nguyện nồng nàn của con cái Cha, rồi mang lại phần thưởng dành cho các hy sinh của họ nhờ đức ái của Cha, bằng cách làm cho linh hồn họ hưởng nếm và thưởng thức sự ngọt ngào tình yêu của Cha. Như vậy, Cha là bàn tiệc, Con Cha là thức ăn, người giúp bàn là Thánh Linh, Đấng phát xuất từ Cha và Con”.[42]
Về tác dụng của ân huệ này đối với công ăn việc làm trong đời sống thường nhật, chúng ta hãy nghe thánh Josemaría Escrivá: “Linh hồn bước vào cuộc sống thân mật với Chúa, nhìn ngắm Chúa không biết mỏi mệt. Trong khi chúng ta vẫn cố gắng chu toàn những công tác của bổn phận, trong những giới hạn của con người, nhưng linh hồn muốn vụt thoát, giống như cục sắt bị hút bởi nam châm. Linh hồn muốn yêu mến Chúa Giêsu cách hữu hiệu hơn, với một bước nhảy vọt”.[43]
Tóm lại, ơn cao minh là chính sự “hòa điệu” với Thiên Chúa:[44] linh hồn say mê yêu mến Thiên Chúa không những càng ngày càng tăng tiến trong tình thân mật với Ba ngôi, mà còn chiếu tỏa tình yêu ấy ra suốt cuộc đời và cho những người lân cận.
Thiết tưởng không cần phải nói đến sự hiện diện của ơn cao minh nơi Đức Kitô là chính Đấng Cao minh, luôn luôn hòa hợp với Chúa Cha, chiêm ngắm và yêu mến kết hợp với Chúa Cha. Đối với Mẹ Maria, phụng vụ đôi khi áp dụng vài đoạn Kinh thánh đề cập đến đức cao minh thần linh, bởi vì Mẹ là Thân mẫu, là Ngai tòa của Người (Sedes Sapientiae).
Chúng ta đã rảo qua hành trình tâm linh với bản ân huệ, từ ơn kính sợ Chúa cho đến đức cao minh. Để kết thúc, chúng tôi xin mượn những lời của thánh Edith Stein để ghi lại những dấu mốc của hành trình ấy:
“Ơn kính sợ làm nổi bật vẻ uy nghi của Thiên Chúa và nêu bật khoảng cách ngàn trùng giữ sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự bất toàn của chúng ta. Đức sùng hiếu làm nổi bật tình phụ tử nơi Thiên Chúa, đưa chúng ta đến việc chiêm ngắm Ngài với tình yêu con thảo. Nơi đức khôn ngoan (chỉ giáo), người ta thấy rõ hơn vai trò của sự phân định, nhận ra điều gì thích hợp nhất trong mỗi hoàn cảnh đặc thù. Nơi ơn hùng mạnh (…) tinh thần của con người hoạt động cách ngoan ngoãn thích thú điều mà Thánh Linh thúc giục (…). Nhờ ơn minh luận, ánh sáng của Thánh Linh cho phép nhìn thấy rõ ràng tất cả vạn vật, bản chất nội tại của chúng và tương quan của chúng đối với trật tự vĩnh cửu. Sau cùng, nhờ ơn thâm hiểu, Thánh Linh ban cho ta được tiến vào chiều sâu thẳm thần linh, và khai mở cho chúng ta hiểu biết chân lý mặc khải. Ở chóp đỉnh, tức là ơn cao minh, Thánh Linh kết hợp chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi, và cho phép ta đến tận nguồn mạch vĩnh cửu của vạn vật, từ đó trào ra suối của tình yêu và hiểu biết, nòng cốt của mọi hành động của Thiên Chúa”.[45]
***
PHỤ THÊM
Tương quan giữa các nhân đức, ân huệ, hoa trái Thánh Linh, các chân phúc
Dựa theo các giáo phụ Ambrosiô, Augustinô, thần học thời Trung cổ đã liên kết các ân huệ Thánh Linh với các nhân đức, các hoa trái và các chân phúc. Điều này cho thấy sự nhất quán giữa các nguyên tắc chi phối cuộc đời Kitô hữu. Cách riêng, đạo lý này được thánh Tôma Aquinô trình bày cách hệ thống trong Summa Theologiae I-II, q.68-70.
Nhân đức | Ân huệ | Hoa trái | Chân phúc |
TIN | Thâm hiểu Minh luận |
Trung tín | “Trái tim trong trắng…” “Khóc lóc” |
HY VỌNG | Kính sợ Chúa | Khiêm nhu Tiết dục Khiết tịnh |
“Khó nghèo trong thần khí “ |
YÊU MẾN | Cao minh | Bác ái Hoan lạc Bình an |
“Yêu chuộng hòa bình” |
KHÔN NGOAN | Chỉ giáo | Nhân từ Từ tâm |
“Xót thương “ |
CÔNG BÌNH | Sùng hiếu | Hiền hòa | “Hiền lành” |
HÙNG MẠNH | Hùng mạnh | Kiên nhẫn Quảng đại |
“Đói khát sự công chính” |
TIẾT ĐỘ | Kính sợ Chúa | Khiêm nhu Tiết dục Khiết tịnh |
“Nghèo khó trong thần khí” |
Chân phúc “những kẻ chịu bách hại” bao gồm và củng cố tất cả (I-II, q.69,a.3, ad 5m).
[1]Tác giả là giáo sư thần học tại đại học Navarra (Tây Ban Nha). Nguồn: “Los dones del Espiritu santo y el camino hacia la santidad”, in: Scripta Theologica 30(1998/2), 531-557. Chúng tôi rút gọn vài đoạn trích dẫn tư tưởng các thánh. Lưu ý việc dịch thuật. Theo nghĩa đen “dona” có thể dịch là: món quà, quà tặng, tặng phẩm, hồng ân. Ở đây chúng tôi dịch là “ân huệ”. Tên gọi của mỗi ân huệ cũng có thể chuyển dịch sang nhiều từ khác nhau trong Việt ngữ. Thí dụ, theo bản dịch Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo của Ủy ban Giáo lý Đức tin, bảy ân huệ là: “Khôn ngoan, Thông minh, Biết lo liệu, Can đảm, Hiểu biết, Đạo đức, Kinh sợ Thiên Chúa”. Nhóm Giờ Kinh Phụng vụ dịch đoạn văn Isaia 11, 9 là: “Khôn ngoan, minh mẫn, mưu lược, dũng mãnh, hiểu biết, kính sợ”. Trong bài này, chúng tôi sẽ dùng các từ ngữ như sau: Cao minh, Thâm hiểu, Minh luận, Hùng mạnh, Chỉ giáo, Sùng hiếu, Kính sợ.
[2]Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1830-1831.
[3]Nguyên bản Hipri của Is 11,9 chỉ liệt kê 6 đặc tính của vị vua Mêsia tương lai, như đã thấy trong chú thích trên đây. Tuy nhiên, bản dịch LXX đã thêm “hiếu thảo” để tránh lặp lại hai lần “kính sợ Chúa”. Bản Vulgata cũng theo hướng đó, vì thế con số ân huệ lên đến 7.
[4]Một tác giả đã nghiên cứu sâu xa đạo lý của thánh Tôma về bảy ân huệ Thánh Linh là cha M.M. Philippon, Les dons du Saint-Esprit, De Brouwer, Paris 1964.Về lịch sử của vấn đề, xin coi: J. De Blic, Pour l’histoire de la théologie des dons, en “Revue d’Ascétique et de Mystique” 22 (1946) 117-179.
[5]T. Augustinô, Sermo 347, 2. Trong tác phẩm De sermone Domini in monte, thánh nhân liên kết các ân huệ với các chân phúc, cũng được xếp theo cấp bậc (Libro I, 4, 11). T. Tôma Aquinô và T. Bonaventura và nhiều tác giả khác cũng liên kết các nhân đức, các ân huệ với các chân phúc.
[6]X. T. Têresa Giêsu, Moradas VII, 4, 3.
[7]X. T. Tôma Aq., Summa Theologiae II-II, q. 141, a. 1, ad 3. Có một sự tiến triển tư tưởng nơi thánh Tôma. Trong quyển chú giải Sententiae, ơn kính sợ được liên kết với đức tiết độ (In III Sent., d. 34, qq. 1-2), còn trong sách Summa, ân huệ này được liên kết với đức hy vọng, như sẽ nói sau đây.
[8]X. T. TômaAq., Summa Theologiae II-II, q. 19.
[9]X.T. Tôma Aq., In III Sent., d. 34, q. 2, a. 1.
[10]T. Têrexa Giêsu, Moradas VI, 10, 7.
[11]T. Biển Đức, Tu luật, 7.
[12]Chú thích của người dịch: Trong tiếng Latinh, pietas có nhiều nghĩa: hiếu thảo, trắc ẩn, sùng mộ, đạo đức. Ở đây tùy theo mạch văn, chúng tôi dịch là “đức thảo hiếu”, “lòng mộ đạo”, “ơn sùng hiếu”.
[13]T. Gioan Kim Khẩu, Sermo I de Sancta Pentecoste, nn. 3-4 (PG 50, 457).
[14]T. Edith Stein, “La oración de la Iglesia”, in:Los caminos del silencio interior, Madrid 1988, p. 82.
[15]T. Edith Stein, “El misterio de la Nochebuena”, in:Los caminos del silencio interior, Madrid 1988, pp. 51-52
[16]T. Bonaventura, Collationes de septem donis Spiritus Sancti VI, 21.
[17]Lưu ý về việc dịch thuật. Tên gọi của ân huệ này là scientia, có nghĩa là: sự hiểu biết, kiến thức. Ở đây chúng tôi dịch là “minh luận”, bởi vì bản chất của nó vừa là soi sáng (minh) vừa là phân định (luận) giá trị của các thụ tạo dưới viễn ảnh Thiên Chúa.
[18]T. Tôma Aq., Summa Theologiae II-II, q. 8, a. 6; xem thêm q. 9.
[19]T. Bonaventura, Collationes de septem donis Spiritus Sancti IV, 21.
[20]T. Elizabeth de la Trinidad, El cielo en la tierra, día décimo
[21]T. Bonaventura, Collationes de septem donis Spiritus Sancti V, 5.
[22]Gioan Ruusbroec (1293-1381), Tiệc cưới của linh hồn II, 66.
[23]T. Bonaventura, Collationes de septem donis Spiritus Sancti, VI, 5.
[24]Chú thích của người dịch: Trong tiếng Latinh, Consilium có nghĩa là: lời khuyên; vì thế ân huệ này cũng có thể dịch là “biết lo liệu”, tư vấn, tham vấn, khuyên bảo.
[25]T. Gioan Thánh giá, Poesías 6, 2.
[26]T. Inhaxiô Loyola, Ejercicios Espirituales, Anotación 15ª.
[27]T. Gioan Thánh giá, Llama de amor viva, 3, 3.
[28]T. Basiliô, De Spíritu Santo, 9, 23.
[29]T.Bênađô, In Annuntiatione Dominica, sermo III, 2.
[30]T. Catarina Siena, Đối thoại, chương 167.
[31]T. Gioan Thánh giá, Cántico espiritual, 39, 12.
[32]T. Tôma Aq., Summa Theologiae II-II, q. 180, aa. 1 y 3
[33]Đây là một thứ giải thích tầm nguyên của từ intellectus trong tiếng Latinh: intelligere bởi intus legere (đọc thấu tận bên trong). X. Summa Theologiae II-II, q. 8, a. 1.
[34]T. Gioan Thánh Giá, Cántico espiritual, 27,5.
[35]T. Têresa Giêsu, Castillo interior, Moradas VII, 1, 6-7.
[36]Lưu ý về việc dịch thuật. Sapientia (hoặc Wisdom trong tiếng Anh) quen được dịch là “khôn ngoan”; nhưng vì không muốn lẫn lộn với nhân đức khôn ngoan (prudentia), một nhân đức mang tính thực hành cụ thể (và được tăng cường nhờ ơn Chỉ giáo đã nói trên đây), cho nên chúng tôi dùng từ “Cao minh”, sát với bản chất của nó hơn. Cũng có người dịch là “Thông tuệ”.
[37]Nói theo ngôn ngữ của thánh Augustinô, “intimior intimo meo” (Confessiones III, 6, 11),
[38]T. Josemaría Escrivá De Balaguer, Amigos de Dios, 306-307.
[39] T. Têrêsa Hài đồng Giêsu, Thủ bản A, 49.
[40]Chân phước Gioan Ruusbroec, Bodas del alma, libro II, cap. 71
[41]T. Bênađô, Sermones varios, XIV, 7.
[42]T. Catarina Siena, Đối thoại , 78.
[43]T. Josemaría Escrivá De Balaguer, Amigos de Dios, 296
[44]Trong tiếng Latinh, thánh Tôma Aquinô gọi là «connaturalitas» (Summa Theologiae II-II, q. 45, a. 2).
[45]T. Edith Stein, “Sancta discretio”, in: Los caminos del silencio interior, Madrid 1988, pp. 96-97.