Bốn Môn Đệ Vô Danh Trong Tin Mừng Gioan

0
814


Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.

 

DẪN NHẬP

“Vô danh” (anonymous)ở đây hiểu theo nghĩa “không biết tên riêng”. Theo bản văn Tin Mừng Gio-an hiện nay, độc giả không biết tên riêng của một số môn đệ Đức Giê-su. Trong Tin Mừng Gio-an, “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” là một môn đệ vô danh, bản văn còn cho biết những môn đệ vô danh khác nữa. Có thể nói đến bốn môn đệ vô danh trong Tin Mừng Gio-an:

1) Một trong hai môn đệ ở 1,40.

2) Một môn đệ khác ở 18,15.

3) Một trong hai môn đệ ở 21,2.

4) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến (13,23; 19,26; 20,2; 21,7.20).

Phần trình bày sau đây sẽ trích dẫn các nơi những môn đệ vô danh này xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an. Sau đó sẽ bàn đôi nét về người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

I. MỘT TRONG HAI MÔN ĐỆ Ở 1,35-40

Ga 1,35-41 kể về hai môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đi theo Đức Giê-su, đây là hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su theo Tin Mừng Gio-an:

1,35 Hôm sau, Gio-an lại đứng với hai người trong các môn đệ của ông ấy. 36 Và chăm chú nhìn Đức Giê-su đang đi qua, ông ấy nói: “Đây là Chiên của Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ của ông ấy nghe nói thế, họ đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo, Người nói với họ: “Các anh tìm gì?” Họ nói với Người: “Thưa Ráp-bi – nghĩa là thưa Thầy –, Thầy ở lại ở đâu?” 39 Người nói với họ: “Hãy đến và hãy xem.” Vậy họ đã đến và đã xem nơi Người ở lại, và họ ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. 40 An-rê, anh của Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe Gio-an và đi theo Người. 41 Trước hết, ông ấy tìm gặp em mình là Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” – nghĩa là Đấng Ki-tô.

Theo tiến trình câu chuyện, đoạn văn 1,35-39 trình bày hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su xuất phát từ nhóm môn đệ của Gio-an Tẩy giả. Hai môn đệ này đã đến và xem nơi Đức Giê-su ở và họ đã ở lại với Người. Trình thuật 1,35-39 không quan tâm đến tên của hai môn đệ này. Trong phần tiếp theo (1,40-41), môn đệ An-rê được nêu tên, nhằm chuẩn bị giới thiệu Si-môn Phê-rô, vì An-rê và Phê-rô là anh em với nhau. Như thế, một trong haimôn đệ đầu tiên theo Đức Giê-su, không được nêu tên trong bản văn.

Có nhiều giả thuyết về danh tánh người môn đệ vô danh ở 1,35-40. Chẳng hạn, một số tác giả đồng hóa môn đệ vô danh ở 1,37 với môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Xem các tác giả:É. COTHENET, “Le quatrième évangile”, trong M.-É.BOISMARD; É.COTHENET,La tradition johannique,1977, p. 288;É.DELEBECQUE,Évangile de Jean, Texte traduit et annoté,(CRB 23), Paris, J. Gabalda et Cie, 1987, p. 13;R. E. BROWN,La communauté du disciple bien-aimé,1994, p. 35;F. J. MOLONEY,The Gospel of John,1998, p. 7.

Một số tác giả khác từ chối đồnghóamôn đệ vô danh ở 1,35-39 với môn đệ Đức Giê-su yêu mến, vì bản văn 1,35-41 không có những yếu tố cho phép đồnghóahai nhân vật này với nhau. Nhằm tôn trọng bản văn, chúng tôi xem người môn đệ không được nêu tên ở 1,35-40 là môn đệ vô danh.Không thể đồng hóa môn đệ vô danh ở 1,37 với  “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” vì môn đệ này chỉ bắt đầu xuất hiện trong Tin Mừng ở ch. 13 với những vai trò khác với môn đệ vô danh ở 1,37. Một môn đệ vô danh khác trong Tin Mừng xuất hiện ở 18,15.

II. “NGƯỜI MÔN ĐỆ KHÁC” (18,15)

Sau khi “cơ đội và viên chỉ huy cùng các thuộc hạ của những người Do Thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại” (18,12), những gì xảy ra tiếp theo được Tin Mừng Gio-an thuật lại ở 18,13-16. Trong đoạn văn này, tác giả nói đến “một môn đệ khác” ở 18,15-16.

18,13 Trước tiên, họ dẫn Người đến với Kha-nan. Ông ấy là nhạc phụ của Cai-pha, người làm thượng tế năm đó. 14 Cai-pha là người đã đề nghị với những người Do Thái rằng: “Tốt hơn nên để một người chết thay cho dân.” 15 Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác (allos mathêtês) đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này (ho mathêtês ekeinos) biết vị thượng tế, ông ấy cùng với Đức Giê-su vào trong sân dinh thượng tế. 16 Còn Phê-rô đứng bên cổng, ở phía ngoài. Vậy người môn đệ khác (ho mathêtês ho allos), người quen biết vị thượng tế, nói với chị giữ cổng và dẫn Phê-rô vào.

Điều lạ là “người môn đệ khác” ở 18,15-16 xuất hiện trong bối cảnh Đức Giê-su vừa bị bắt. Đức Giê-su bị dẫn đi như một phạm nhân và tất cả các môn đệ khác bỏ chạy, còn Phê-rô thì theo Người xa xa, và vì sợ hãi ông đã không ngần ngại chối Thầy. Khác với tâm trạng của tất cả các môn đệ khác đang lo âu sợ hãi, “người môn đệ khác” ở 18,15 như đang ở trong một thế giới khác. Người môn đệ này ra vào dinh thượng tế không gặp khó khăn hay trở ngại gì. Hơn nữa môn đệ này còn nói với chị giữ cổng và dẫn Phê-rô vào dinh, nghĩa là các gia nhân cũng biết người môn đệ này là người quen của vị thượng tế. Quan hệ thân quen với vị thượng tế là điều bản văn nhấn mạnh vì được nói đến hai lần trong hai câu 18,15-16: “Người quen biết vị thượng tế.

Theo mạch văn, trước hết “người môn đệ khác” cùng đi với Phê-rô, kế đến một mình môn đệ này đi vào dinh, Phê-rô ở ngoài dinh. Sau đó, người môn đệ này đi ra dẫn Phê-rô vào dinh cùng với mình. Làm được điều này là do “quen biết vị thượng tế”. Đây là đặc điểm của “người môn đệ khác”. Một lần duy nhất trong Tin Mừng thứ tư, tác giả cho biết: Đức Giê-su có một môn đệ quen biết vị thượng tế (18,15-16).

Một số tác giả dựa vào kiểu nói: “Người môn đệ khác” (allos mathêtês), cũng dùng cho “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” ở 20,2-8, để đồng hóa “môn đệ khác” ở 18,15-16 với “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng thứ tư. Tác giả M. Hengel tóm kết vấn đề như sau: “Việc đồng hóa ‘người môn đệ khác’ này với người môn đệ được yêu (hoặc Gio-an) được các Giáo Phụ Hy-lạp coi là đương nhiên trong cách chú giải của các ngài, và ở một giai đoạn rất sớm, một mạo từ xác định được thêm vào cụm từ không rõ ràng: ‘Người môn đệ khác’ để làm rõ hơn (cf. 20,2-8). Dẫu vậy, vấn đề [‘người môn đệ khác’ ở 18,15-16] có phải là môn đệ được yêu hay không vẫn là vấn đề đang tranh cãi, nhưng đại đa số các nhà chú giải, khởi đầu với các Giáo Phụ đã có lý để hướng tới việc đồng hóa này” (M. HENGEL,The Johannine Question,1989, p. 78-79).

Thực ra, việc đồng hóa “môn đệ khác” ở 18,15-16 với “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” gặp không ít khó khăn. Làm thế nào có thể dung hoà giữa “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” ở sát bên cạnh Người trong bữa tiệc ly, và “người môn đệ khác” quen biết vị thượng tế, tự do ra vào dinh thượng tế ngay trong đêm Đức Giê-su bị bắt?Chúng tôi thuận theo lập trường củaÉ. Cothenet vàR. Schnackenburgvề “người môn đệ khác” như sau:

“Ở 18,15, vấn đề là ‘một môn đệ khác’ dẫn Phê-rô vào trong dinh Kha-nan, bởi vì môn đệ này ‘quen biết vị thượng tế’. Nhiều tác giả dựa vào quan hệ giữa người môn đệ này [môn đệ Đức Giê-su yêu mến] với Phê-rô (cf. 13,23-25) nghĩ [môn đệ khác ở 18,15] là ‘môn đệ Đức Giê-su yêu mến’. Nhưng bản văn không nói rõ điều này. Đàng khác, người ta biết rằng Đức Giê-su có những người ủng hộ mình cách kín đáo ở Giê-ru-sa-lem, ngay cả trong Thượng Hội Đồng, như Giô-xếp, người A-ri-ma-thê và Ni-cô-đê-mô (19,38-39; cf. 3,1; 7,50): Một trong số họ có thể đã can thiệp trong trường hợp này [18,15-16]”(É. COTHENET, “Le quatrième évangile”, dans M.-É.BOISMARD; É.COTHENET,La tradition johannique,1977, p. 285).

R. Schnackenburg cũng cho rằng: “Người môn đệ khác” ở 18,15 là một người ở Giê-ru-sa-lem như trường hợp Ni-cô-đê-mô hay Giô-xếp người A-ri-ma-thê. R. Schnackenburg viết: “Cách đọc chính xác, không có mạo từ trước cụm từ ‘một môn đệ khác’ có thể phải thừa nhận rằng: Đó chỉ là một môn đệ nào đó không biết tên. Vì lẽ tất cả các nơi khác, tác giả Tin Mừng đều nói rõ: Người môn đệ được yêu (19,26) hay ám chỉ người môn đệ này (20,2, ‘người môn đệ khác, là người Đức Giê-su yêu mến’), nên điều này càng dễ chấp nhận hơn. Thực vậy, chúng ta có thể biết đến một người khác ở Giê-ru-sa-lem, người quen biết vị thượng tế, là người thuộc nhóm những người đi theo Đức Giê-su. Cùng với anh và Ni-cô-đê-mô, Giô-xếp người A-ri-ma-thê, tóm tắt các môn đệ ở Giu-đê–Giê-ru-sa-lem (7,3), La-da-rô và chị em anh ấy ở Bê-ta-ni-a, tổng cộng lại là một nhóm người không phải là không đáng kể.Họ xuất hiện trong phạm vi những người theo Đức Giê-su trong (in) và gần (near) thủ đô [Giê-ru-sa-lem]”(R.SCHNACKENBURG, “Excursus eighteen: The Disciple whom Jesus Loved”, in Id.,The Gospel According to St. John,Commentary on Chapters 13–21,vol. III, 1982, p. 386).

Những nhận định trên không phải là mới, vì từ năm 1959, F.-M.Braun đã cho rằng không thể đồng hóa “người môn đệ khác” ở 18,15 với Gio-an, con ông Dê-bê-đê.Người môn đệ khác này là một trong những người có địa vị (des notables) đã tin vào Đức Giê-su (xem F.-M.BRAUN,Jean le théologien et son évangile dans l’Église ancienne,t. I, Paris, Gabalda, 1959, p. 307-308).

Với những nhận định trên chúng tôi nghĩ rằng: Để tôn trọng dữ liệu của bản văn, nên xem “người môn đệ khác” ở 18,15-16 là một môn đệ vô danh, quen biết vị thượng tế, đó không phải là môn đệ Đức Giê-su yêu mến vì không có những yếu tố trong bản văn cho phép đồnghóa“người môn đệ khác” ở 18,15-16 với “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng. Tin Mừng còn nhắc đến một môn đệ vô danh thứ ba ở 21,2.

III. MÔN ĐỆ VÔ DANH Ở 21,2

Môn đệ vô danh thứ ba là một trong hai môn đệ ở Ga 21,2. Ga  21 mở đầu trình thuật Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ bên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a như sau:

21,1 Sau những điều đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Si-môn Phê-rô, Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các con ông Dê-bê-đê và hai người khác thuộc nhóm môn đệ của Người, các ông đang ở với nhau. 3 Si-môn Phê-rô nói với họ: “Tôi đi đánh cá.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Họ ra đi và lên thuyền, trong đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Trong nhóm môn đệ kể ra ở 21,2, có người môn đệ Đức Giê-su yêu mến, vì người môn đệ này được nói đến ở 21,7: “Người môn đệ – người Đức Giê-su yêu mến – nói với Phê-rô: “Chúa đó.” Theo tác giả R. Brown, R. Schanckenburg và một số tác giả khác, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến phải là một trong “hai môn đệ khác” nói đến ở Ga 21,2 (xemM.-É. BOISMARD, “Le disciple que Jésus aimait d’après Jn 21,1ss et 1,35ss”,RB105/1 (1998) p. 78).

Nếu như “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” là một trong hai môn đệ không được nêu tên ở 21,2, thì môn đệ còn lại là môn đệ vô danh, độc giả không biết tên người môn đệ này. Bản văn không cho biết người môn đệ vô danh ở 21,2 có phải là người môn đệ không được nên tên ở 1,35-40 hay không. Môn đệ vô danh ở 21,2 có mặt trong nhóm các môn đệ đi đánh cá và bản văn không cho biết gì thêm về người môn đệ này.

IV. NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU YÊU MẾN

Người môn đệ vô danh thứ tư trong Tin Mừng Gio-an là “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.Tên gọi này xuất hiện 5 lần trong Tin Mừng thứ tư (13,23; 19,26; 20,2; 21,7.20). Người môn đệ này xuất hiện lần đầu tiên trong bữa tiệc ly (13,1-32). Trong 5 lần xuất hiện, 4 lần môn đệ này hiện diện với Phê-rô, 1 lần khác chỉ một mình môn đệ này đứng dưới chân thập giá (19,26). Sau đây là năm chỗ người môn đệ  Đức Giê-su yêu mến xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an.

1. Trong bữa tiệc ly

Sau những lời dạy của Đức Giê-su về ý nghĩa việc Người rửa chân cho các môn đệ, Ga 13,21-27 kể về môn đệ Đức Giê-su yêu mến như sau:

13,21 Nói những điều đóxong,Đức Giê-su xao xuyến trong tâm thần.Người làm chứng và nói: “A-men, a-men, Thầynói choanh em:Mộtngườitrong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23Có một người trong các môn đệ của Người (ek tôn mathêtôn) đang dùng bữa,tựavào lòng Đức Giê-su, đó là người Đức Giê-su yêu mến (hon êgapa ho Iêsous).24Vậy Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy hỏi xem Thầy nói về ai. 25 Ông này nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su nói với Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” 26 Đức Giê-su trả lời: “Kẻ đó là người mà chính Thầy chấm miếng bánh và trao cho.” Rồi Người chấm miếng bánh [cầm lấy và] trao cho Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Và khi nhận miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào ông ấy.Đức Giê-su nói với ông ấy: “Anh làm gìthìlàm mau đi.”

Trong đoạn văn văn này, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến có vị trí đặc biệt thân tình với Đức Giê-su: “Tựavào lòng Đức Giê-su”. Trong khi Phê-rô là nhân vật không hiểu Đức Giê-su trong đoạn văn 13,1-32, thì người môn đệ này đặt câu hỏi và Đức Giê-su trả lời, như thể Thầy trò biết rõ về nhau.

2. Hiện diện dưới chân thập giá

Tin Mừng Gio-an thuật lại những gì xảy ra dưới chân thập giá ở 19,25-27 như sau:

19,25 Vậy đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu của Ngườichị của thân mẫu Người, Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát và Ma-ri-a Mác-đa-la. 26Khi Đức Giê-su thấy thân mẫu và môn đệ (ton mathêtên) đứng bên cạnh,môn đệNgười yêu mến (hon êgapa) –, Người nói với thân mẫu: “Thưa bà, đây là con của bà.”27Rồi Ngườinói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Và kể từ giờ đó, người môn đệ đón nhậnmẹvề nhà mình.

Đây là biến cố rất đặc biệt dành cho “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”. Khi mà không một môn đệ nào khác được nói đến, thì môn đệ Đức Giê-su yêu mến đứng bên cạnh thân mẫu Đức Giê-su dưới chân thập giá. Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến môn đệ nào trong Nhóm Mười Hai có mặt dưới chân thập giá. Hơn nữa, Tin Mừng Gio-an đề cao vai trò làm chứng của người môn đệ này về những gì xảy ra khi Đức Giê-su tắt thở (19,25-35). Tác giả nhấn mạnh lời chứng của người môn đệ này ở 19,35: “Người đã xem thấy, đã làm chứng, và lời chứng của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin.” “Người đã xem thấy, đã làm chứng” ở đây chính là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chứ không phải là ai khác.

3. Sáng sớm ngày Đức Giê-su Phục Sinh

Mở đầu những gì xảy ra sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần được thuật lại ở 20,1-3:

20,1 Vào ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, bà thấy tảng đá đã bị lấy ra khỏi mộ. 2 Bà liền chạy đến với Si-môn Phê-rô và người môn đệ khác (ton allon mathêtên)người Đức Giê-su thương mến (hon ephilei ho Iêsous)–, bànói với các ông: “Người ta đã lấy Chúa khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu.” 3 Vậy Phê-rô và người môn đệ khác (ho allos mathêtês) đi ra và họ đi đến mộ,…

Trong đoạn văn này, hai lần “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” được gọi là “người môn đệ khác” (ho allos mathêtês). Khi kết thúc trình thuật ở 20,8-9, tác giả cho biết lòng tin của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến: “Ông ấy đã thấy và đã tin” (20,8), còn lòng tin của Phê-rô không được nói đến trong đoạn văn 20,1-10.

4. Đánh cá ở biển hồ Ti-bê-ri-a

Sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, Người hiện ra với các môn đệ khi các ông đánh cá ở biển hồ Ti-bê-ri-a. Câu chuyện xảy ra ở 21,4-7:

21,4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó là Đức Giê-su. 5 Đức Giê-su nói với các ông: “Này các con, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời Người: “Không.” 6 Người nói với các ông: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, và anh em sẽ tìm thấy.” Vậy các ông thảlưới,và rồi không sao kéo lên nổi vì đầy cá. 7 Người môn đệ (ho mathêtês) – người Đức Giê-su yêu mến (ekeinos hon êgapa ho Iêsous) – nói với Phê-rô: “Chúa đó.”Si-môn Phê-rô vừa nghe nói: “Chúa đó,” vội khoác áo vào, vì đang ở trần rồi ông ấy nhảy xuống biển.

Trong đoạn văn này, người môn đệ Đức Giê-su yêu mến là người đầu tiên trong nhóm nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh đang đứng trên bãi biển. Bản văn đề cao tương quan mật thiết của người môn đệ này với Đức Giê-su qua sự nhận biết Thầy từ xa và trước nhất.

5. Số Phận của môn đệ Đức Giê-su yêu mến

Tác giả kết thúc sách Tin Mừng bằng cách đặt song song số phận của Phê-rô và số phận của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Câu chuyện xảy ra ở 21,18-24. Sau khi trao quyền chăn dắt đàn chiên (21,15-17), Đức Giê-su nói với Phê-rô:

21,18 A-men, a-men, Thầy nói cho anh: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng và đi đến nơi anhmuốn. Nhưng khi đã về già, anh sẽ dang tay của anh ra, và người khác sẽ thắt lưng anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn.” 19 Người nói điều đó để cho biết bằng cái chết nào ông ấy sẽ tôn vinh Thiên Chúa.Nói xong điều đó, Người bảo ông: “Anh hãy theo Thầy.” 20 Phê-rô quay lại, thấy môn đệ (ton mathêtên)người Đức Giê-su yêu mến (hon êgapa ho Iêsous)đi theo sau; ông này là người, trong bữa ăn tối, đã nghiêng mình vào ngực của Người và nói: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21 Khi thấy người này, Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giê-su nói với ông ấy: “Nếu Thầy muốn anh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Thầy.” 23 Vậy có lời đồn giữa anh em là người môn đệ ấy không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông ấy là “Anh ấy không chết”, mà là “Giả như Thầy muốnanh ấy ở lại cho tới khi Thầy đến [, thì việc gì đến anh?]”24 Chính môn đệ này là người làm chứng về những điều đó vàngười đã viết những điều này,và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

Đoạn văn này cho biết Phê-rô sẽ chết để tôn vinh Thiên Chúa, còn môn đệ Đức Giê-su yêu mến sẽ ở lại cho đến khi Đức Giê-su đến. Không phải người môn đệ này không chết về thể lý, nhưng Đức Giê-su muốn nhấn mạnh việc người môn đệ này ở lại mãi trong lời chứng, được thuật lại trong sách Tin Mừng. Bao lâu sách Tin Mừng còn được đọc thì bấy lâu người môn đệ này vẫn còn ở lại nơi độc giả.

V. ĐÔI NÉT VỀ NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU YÊU MẾN

Trong 5 đoạn văn “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” xuất hiện trên đây, có những nơi trình thuật nói gọn: “Người môn đệ” (ho mathêtes), xuất hiện 3 lần (19,27; 21,23.34) hay “môn đệ khác” (ho allos mathêtês), xuất hiện 4 lần (20,2.3.4.8). Trong mạch văn, những cách gọi trên ám chỉ rõ ràng đến “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, không thể lẫn lộn với các môn đệ vô danh khác. Trong tên gọi môn đệ Đức Giê-su yêu mến, có 4 lần dùng động từ “agapaô” (yêu mến) ở 13,23; 19,26; 21,7.20 và 1 lần dùng động từ “phileô” (thương mến) ở 20,2.

Về danh xưng “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, người ta thường gọi môn đệ này là “môn đệ được yêu” (le disciple bien-aimé, the beloved disciple), hay gọi là “môn đệ Chúa yêu”. Tuy nhiên, những cách gọi tắt này che khuất nét độc đáo văn chương của bản văn. Thực vậy, trong 5 lần người môn đệ này xuất hiện trong Tin Mừng Gio-an như đã trình bày, 1 lần ở 19,26 hiểu ngầm tên của Đức Giê-su: “môn đệ Người yêu mến” (hon agapa), còn 4 lần khác đều có tên của Đức Giê-su (ho Iêsous) trong tên gọi “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”. “Đức Giê-su” là chủ từ của động từ “yêu mến” (agapaô – phileô). Tên của Đức Giê-su (ho Iêsous) là điểm độc đáo trong danh xưng “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”.

Thật vậy, nếu gọi người môn đệ này là “môn đệ được yêu” thì chưa nói rõ là được ai yêu. Nếu gọi là “môn đệ Chúa yêu” thì cũng không chính xác, vì bản văn không dùng từ “Chúa” (ho kurios) nhưng dùng tên gọi Đức Giê-su (ho Iêsous). Thiết nghĩ nên gọi cách đầy đủ người môn đệ này là “môn đệ Đức Giê-su yêu mến”, vì tên gọi này có ý nghĩa thần học quan trọng. Về phía Đức Giê-su, tên gọi này xác định rõ tình yêu của Đức Giê-su dành cho môn đệ này. Về phía người môn đệ, chính tình yêu của Đức Giê-su làm nên tên gọi của mình. Tình yêu của Đức Giê-su là căn tính của người môn đệ này. Nói cách khác, người môn đệ này hiện hữu, sống và tồn tại nhờ tình yêu của Đức Giê-su.

Hơn nữa, tên gọi đầy đủ “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” gợi đến tình yêu của Đức Giê-su dành cho tất cả các môn đệ khác theo thần học Tin Mừng thứ tư. Thật vậy, mở đầu phần thứ hai sách Tin Mừng (Ga 13–21) người thuật chuyện cho biết: Đức Giê-su đã yêu mến những kẻ thuộc về mình và Người yêu mến họ đến cùng (13,1). Đến 15,13, Đức Giê-su khẳng định: “Tình yêu cao cả này thì chưa ai có, đó là người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu của mình” (15,13). Đức Giê-su yêu mến các môn đệ đến nỗi hy sinh mạng sống mình vì họ.

Như thế, tình yêu Đức Giê-su dành cho “môn đệ Người yêu mến” được đặt trong bối cảnh tình yêu của Người dành cho tất cả những kẻ thuộc về Người. Tên gọi đầy đủ: “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” làm nổi bật tình yêu của Người dành cho tất cả các môn đệ khác. Nói cách khác, tình yêu của Đức Giê-su dành cho tất cả các môn đệ được cụ thểhóanơi môn đệ Người yêu mến.

Theo thần học Tin Mừng thứ tư, người đọc qua mọi thời đại được mời gọi đồng hoá với người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.Mọi người tin đều được Đức Giê-su yêu mến và được mời gọi bước vào tương quan tình yêu và nhận biết thầy như “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trong Tin Mừng thứ tư. Như thế, người môn đệ này là một nhân vật biểu tượng để mọi người nổ lực trở thành người môn đệ Đức Giê-su yêu mến như người môn đệ này.

Đồng thời, Tin Mừng thứ tư nói về nhân vật “môn đệ Đức Giê-su yêu mến” như là một nhân vật lịch sử. Chính môn đệ này là một chứng nhân có uy thế đối với cộng đoàn, vì người môn đệ này đã hiện diện dưới chân thập giá và là người đã làm chứng về những gì đã thấy và đã nghe (19,35; 21,24).

KẾT LUẬN

Tóm lại, có thể nói đến bốn môn đệ vô danh trong Tin Mừng thứ tư: (1) Môn đệ không được nêu tên trong hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su (1,35-39). (2) Môn đệ vô danh quen biết vị thượng tế, môn đệ này đã dẫn Phê-rô vào dinh Kha-nan trong đêm Đức Giê-su bị bắt (18,15-16). (3) Một trong hai môn đệ vô danh ở 21,2. (4) Môn đệ Đức Giê-su yêu mến là môn đệ vô danh và có vai trò đặc biệt trong Tin Mừng Gio-an.

“Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” trổi vượt trên tất cả các môn đệ khác về năm lãnh vực:

–  TÌNH YÊU. Chính tình yêu của Đức Giê-su làm nên tên gọi của người môn đệ này, và người môn đệ này cũng bày tỏ tình yêu dành cho Đức Giê-su.

–  LÒNG TRUNG TÍN. Người môn đệ này can đảm hiện diện dưới chân thập giá.

–  LÒNG TIN. Sau khi thấy ngôi mộ trống, người môn đệ này “đã thấy và đã tin” dù chưa thấy Đức Giê-su Phục Sinh.

–  SỰ HIỂU BIẾT. Người môn đệ này là người trước tiên trong nhóm các môn đệ nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a.

–  LÀM CHỨNG. Lời chứng có uy tín của người môn đệ này bảo đảm tính xác thực của nội dung mặc khải trong sách Tin Mừng.

Với tất cả những đặc tính trổi vượt trên, Tin Mừng Gio-an mời gọi độc giả qua mọi thời đại hãy sống và hãy đi vào tương quan với Đức Giê-su như người môn đệ này. Bài viết“Tông đồ Gio-an” trong Tin Mừng Nhất Lãm và “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư” cũng đã trình bày phần nào về người môn đệ rất đặc biệt này trong Tin Mừng thứ tư./.