Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,
Giáo sư bộ môn Luân Lý: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Trung Tâm Học Vấn Đaminh.
(Viết theo Richard M. Gula SS., trong tác phẩm nhan đề Reason Informed by Faith, 1989, Nxb. PauliSt. Press, New York trg. 20-40 và trg. 301-306).
Trong chương này trước tiên chúng ta nói đến những hình thức thần học luân lý từ Công đồng Trentô đến Công đồng Vaticanô II. Kế đến chúng ta bàn đến vài sự kiện chính yếu nói lên điểm đặc trưng trong việc canh tân thần học luân lý từ thời Công đồng Vaticanô II. Cuối cùng ta đưa ra bối cảnh tổng quát trong đó thần học luân lý với những phương pháp chính được triển khai cho đến ngày nay để giúp có được quyết định luân lý.
I. HẬU CẢNH LỊCH SỬ : TỪ THỜI CÔNG ĐỒNG TRENTÔ ĐẾN VATICANÔ II
Thần học luân lý xuất hiện như một bộ môn phân biệt hẳn với những bộ môn thần học khác từ sau Công đồng Trentô (1545-1563). Công đồng này chống lại sự cải cách của anh em Tin Lành. Điều ưu tiên lúc bấy giờ là suy tư về những vấn đề thực dụng trong đời sống của người Kitô hữu. Nói chung suy tư này hội nhập cách bình thường vào dòng suy tư rộng lớn hơn về những mầu nhiệm đức tin: đó là nền thần học của các Giáo Phụ và bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô.
a. Tuy nhiên những tập sách Cáo giải chỉ nam vào buổi đầu của thời Trung cổ (TK VI-IX) đã đi trệch khỏi chiều hướng nêu trên. Những loại sách vừa kể không phải là công trình suy tư thần học cho đúng nghĩa, nên không có ảnh hưởng gì đến việc phát triển tương lai cho nền thần học luân lý. Trước hết chúng chỉ là danh sách các loại tội điển hình kèm theo việc đền tội tương xứng. Loại sách chỉ nam này được coi như những sách cẩm nang cho các vị giải tội vào thời việc xưng tội riêng, cá nhân, và thường xuyên nổi bật lên. Như thế chúng có ảnh hưởng trên việc hình thành một viễn tượng thần học luân lý nhắm đến những hành vi cá nhân và coi đời sống luân lý như là một vấn đề tránh không phạm tội và hướng việc suy tư về việc phân tích các loại tội dưới nhiều hình thức khác nhau.
b. Vào thời này trong tư thế tự bảo vệ chống lại cuộc cải cách của anh em Tin lành, Công đồng Trentô tìm cách cung cấp những đường lối rõ ràng, phân biệt học thuyết công giáo với sự phản kháng của anh em Tin lành. Để đảm bảo sự liên tục trong việc giảng dạy học thuyết cách rõ ràng và kiên định, Công đồng đã thiết lập hệ thống chủng viện để huấn luyện các linh mục. Kết quả là thần học công giáo chuyển từ đại học sang chủng viện và bị ảnh hưởng rất mạnh bởi chương trình mục vụ huấn luyện các linh mục.
Cho nên trong chủng viện việc giảng dạy luân lý liên hệ cách chặt chẽ với Giáo luật và luật chữ đỏ trong phụng vụ. Những bộ môn này cùng chia sẻ vấn đề chung đó là xác định những hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn và những cách ứng xử được phép hay bị cấm trong những trạng thái khác nhau của cuộc sống. Nó cũng xác định những việc sám hối tương xứng với những sự vi phạm luật.
– Như thế trong Công đồng Trentô đặt điểm nhấn mạnh trong thần học luân lý dựa theo nhu cầu huấn luyện các linh mục tương lai thành những vị giải tội. Vì thế vấn đề thực hành mà các vị giải tội phải giải quyết đó là hối nhân có phạm tội hay không. Cho nên điểm nhắm trước tiên của thần học luân lý là xác định tình trạng có tội hay không của hành động và những nguyên tắc nhằm giải quyết cho đúng các trường hợp.
Với những mục đích như thế, những sách cẩm nang cho các vị giải tội nhanh chóng trở thành những thủ bản thần học luân lý. Những sách thủ bản như thế đáp ứng nhu cầu của các linh mục là những người đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện lương tâm và đóng vai trò phán quyết mức độ tội lỗi của hành vi nhân linh. Kết quả là giọng điệu của những sách giáo khoa như thế mang âm hưởng duy tối thiểu và giải nghi. Chúng cố gắng xác định những giới hạn do luật hay nguyên tắc đề ra cho phép hay cấm chỉ. Vấn đề chúng lưu tâm là khám phá ra những luật lệ thích hợp cho từng hoàn cảnh và đánh giá những mức ràng buộc trong các hoàn cảnh. Câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là : “Tôi đang làm gì? Điều đó có được phép hay không? Tôi có thể đi xa tới đâu?”. Chính điều này gây ra ấn tượng sống với những giới hạn của lề luật là điều mà đời sống luân lý của người Kitô hữu phải xoay quanh.
– Kết quả của chiều hướng này là sự phát triển dẫn đến một nền thần học luân lý độc lập và tự đủ cho chính mình. Thần học luân lý trở thành biệt lập với các bộ môn thần học khác và nhận thức về luân lý bị qui nạp thành việc nhận thức lề luật (của Chúa, tự nhiên, của Giáo hội, dân sự). Nói gọn lại, nền thần học luân lý cổ điển của Công giáo đâm rễ trong quan điểm không thay đổi về trật tự tự nhiên khách quan có thể được lý trí nhận biết cách rộng rãi. Đây là cách nhìn cổ điển.
– Khuynh hướng duy luật trong thần học luân lý gây hậu quả làm hạn chế cách nghiêm trọng những viễn tượng luân lý và những tư duy luân lý. Thí dụ Lý trí, tự nhiên, lề luật đóng vai trò ưu việt trong khi những vấn đề sinh tử khác trong thần học luân lý như tính cách luân lý hay đời sống các nhân đức chỉ được bàn tới cách hời hợt. Ngoài ra khuynh hướng duy luật này đặt vấn đề thái quá với sự chắc chắn tuyệt đối về luân lý. Điều này dẫn đến thiết lập một hệ thống những nguyên tắc trừu tượng đưa đến những kết luận rõ ràng thế chỗ cho việc phán đoán của lương tâm.
– Cho nên thần học luân lý của công giáo trước thời Vaticanô II phản ánh khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, chỉ quy về hành vi, hướng về luật lệ cộng với ý thức về tội. Thí dụ một bộ sách giáo khoa về luân lý được coi như tiêu chuẩn đúng dùng trong các chủng viện ngay thời Công đồng Vaticanô II là bộ Noldin- Schmitt thì 80% vấn đề là bàn về hành vi, luật và tội lỗi, chỉ có 20% vấn đề là bàn về bản thân con người, luân lý và các nhân đức.
* Chính tình trạng vừa nêu trên là hậu quả trực tiếp dẫn đến việc canh tân trong thần học luân lý do Vaticanô II đề xướng và kêu gọi. Vào chính thời Công đồng này người ta đã phản ứng tỏ ra không hài lòng đối với nền luân lý công giáo lúc bấy giờ và càng ngày càng cho rằng luân lý còn nhiều vấn đề phải đề cập chứ không phải chỉ giới hạn trong những điều mà các sách thủ bản nói đến mà thôi. Cho nên cần phải có sự thay đổi ngay.
II. SỰ CANH TÂN THẦN HỌC LUÂN LÝ
1. Thay đổi mục tiêu
a. Thần học luân lý cần được chuyển đổi từ một môn học dành cho các vị giải tội sang việc hiểu biết mang tính phê bình về đức tin đối với đời sống Kitô hữu. Nghĩa là luân lý không thể đứng ngoài, nhưng phải hội nhập vào những mầu nhiệm lớnlao của đức tin. Lý do là mang tiếng thần học luân lý, nhưng những suy tư trong thần học luân lý lúc bấy giờ chỉ là những suy tư thuần lý về bản chất con người và quá cách biệt với những mầu nhiệm đức tin, nên thực ra chẳng có chất thần học tí nào cả. Vì thế để cho xứng đáng mang danh Kitô giáo, thì việc canh tân thần học luân lý phải hội nhập với sự mạc khải và với những mầu nhiệm đức tin theo lời kêu gọi của Hiến chế Gaudium et Spes số 11 như sau: “Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải quyết hoàn toàn nhân bản”.
Khi đề cập tới việc “đức tin lấy ánh sáng mới”, bản dịch Vaticanô II của GHHV thánh Piô X đã chú thích như sau: Sống theo đức tin không phải là quay lưng tránh né trước các vấn đề nhân loại. Trái lại, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có được quan điểm toàn diện về con người (không biết ơn kêu gọi siêu nhiên của con người làm sao có thể biết được chính con người). Nên chỉ nhờ đức tin, chúng ta mới có thể tìm thấy những giải đáp thực sự có tính nhân loại vì đức tin giúp ta coi trọng con người về mọi phương diện. Dĩ nhiên ở đây không nói tới một đức tin trong lý thuyết, chẳng ảnh hưởng gì đến các việc thường nhật.
Công đồng còn nhấn mạnh trực tiếp đến thần học luân lý trong Sắc lệnh đào tạo các linh mục số 16: “Phải đặc biệt chú ý cải thiện môn luân lý thần học, với lối trình bày mang tính khoa học và thấm nhuần giáo lý Kinh thánh nhiều hơn, sẽ minh giải vẻ cao đẹp của ơn thiên triệu tín hữu trong Chúa Kitô, cũng như nhiệm vụ của họ phải mưu cầu lợi ích cho đời sống thế giới trong đức ái”.
b. Ta có thể nói những tác giả có ảnh hưởng đến chiều hướng canh tân về luân lý của Công đồng đó là:
Emile Mersch với ý niệm về luân lý dựa trên khái niệm thân thể mầu nhiệm (x. Morale et Corps Mystique. Paris Nxb DB 1937)
Gérard Gilleman đặt tình yêu vào ngay trung tâm đời sống luân lý với tác phẩm The Primacy of Charity in moral Theology dịch từ bản pháp ngữ của Nxb DB và Cil. Paris 1952.
Fritz Tillman nhấn mạnh đến việc bắt chước Đức Giêsu trong tác phẩm The Master call, Nxb Helicon, Battimore, 1960 được dịch từ tiếng Đức.
Đặc biệt là Bernard Häring với tác phẩm La loi du Christ. được dịch từ bản tiếng Đức xuất bản năm 1960. Ngài là người có công rất lớn dẫn đến tinh thần canh tân luân lý trong Công đồng: thần học luân lý phải quay trở về với cội nguồn là Kinh thánh và hội nhập lại với các mầu nhiệm đức tin.
Nhờ việc khai đường của Häring bắt đầu từ giữa năm 1950 mà thần học luân lý hiện nay mới nói nhiều đến những chủ đề giao ước, ơn gọi, tính hữu trách, hoán cải, việc làm môn đệ Chúa và bắt chước Đức Kitô.
c. Nói gọn lại, khuynh hướng canh tân nhắm đến ơn gọi toàn diện của con người sống đáp trả lại việc Thiên Chúa tự hiệp thông với chúng ta trong thế giới tạo vật, trong lịch sử và một cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Như thế, thần học luân lý liên quan đến việc Thiên Chúa ban tặng tình yêu của Ngài, chính điều này cho phép ta là ai và làm cái gì. Với chiều hướng đó thì vấn đề giá trị là trước tiên, kế đến mới là vấn đề lề luật. Ở đây giá trị nền tảng là giá trị con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên khi thăng tiến và bảo vệ hạnh phúc, thiện ích của con người là ta đáp lời đối với sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Với đường hướng như thế, thần học luân lý trở thành vấn đề thăng tiến các mối liên hệ tích cực của con người với nhau, chính những mối liên hệ này cho phép những điều mà người ta sở hữu và những điều người khác đem lại cho mình được triển nở với khả năng tối đa. Việc canh tân nhắm đến ý thức xã hội nhiều hơn là khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa trước đây.
Vì vậy, câu hỏi “Tôi làm gì?” chưa đủ, ta còn phải đặt câu hỏi: “Tôi phải trở thành loại người như thế nào ? Việc làm nào có ảnh hưởng đến tôi ?”
Tinh thần canh tân nói đến phẩm chất của tính cách luân lý và những mối liên hệ của con người hơn là những hành vi biệt lập. Sống luân lý là vấn đề làm sao cho có được những giá trị thăng tiến tính cách luân lý tích cực và cuộc sống với những mối liên hệ cơ bản.
2. Thay đổi cách nhìn về thế giới
a. Ta thường thấy căn nguyên của những bất đồng, không hiểu nhau trong luân lý thường nằm ở chỗ người ta xung đột về quan điểm hay về cách nhìn vấn đề. Theo Bernard Lonergan cho rằng đặc điểm của sự thay đổi này đi từ cách nhìn cổ điển đến cách nhìn được đánh dấu bởi “nhận thức lịch sử”. Kỷ nguyên ánh sáng đã ghi dấu sự khởi đầu này, với sự phát triển của khoa học thực nghiệm. Người ta đặt nghi vấn đối với hệ thống khái niệm về yếu tính với những khái niệm trừu tượng và phổ quát. Sự thay đổi cách nhìn của khuynh hướng này đã tác động và điều này được phản ánh trong nền thần học của Vaticanô II trở về sau.
– Cách nhìn cổ điển coi thế giới như một sản phẩm hoàn tất.
( Theo nguyên tắc thì chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời, mọi cái đều có sẵn cả rồi. Người ta chỉ cần nhìn thế giới để khám phá ra trật tự của nó bởi vì việc kiểm tra bám chặt vào những nguyên tắc bất biến của trật tự luân lý. Điều này có nghĩa những nguyên tắc tự nhiên và bất biến có giá trị mãi mãi. Chúng đem lại mức độ chắc chắn cao cho những kết luận được diễn dịch từ chúng.
( Từ đó đời sống luân lý chỉ là sao lại trật tự đã có sẵn trong thế giới và học sống theo đó. Sự ổn định được coi như nhân đức chủ yếu, còn sự thay đổi bị coi như là nết xấu. Những từ ngữ như “trừu tượng”, “phổ quát”, “vĩnh cửu”, “tất yếu”, “yếu tính” hay “cố định” là những thuật ngữ rất được ưa chuộng trong cách nhìn cổ điển này. thần học luân lý chỉ cần đưa ra những nguyên lý ngàn đời với những áp dụng khác nhau trước những vấn đề mới hay trước những vấn nạn nảy sinh. Người ta rất miễn cưỡng khi phải chấp nhận những thay đổi.
– Còn cách nhìn hiện đại mang tính nhận thức lịch sử nhìn mỗi vật như là một phần của một toàn thể cần phải khám phá.
Vì thế cuộc sống là việc tiến hành một tiến trình hiểu biết tăng dần. Việc tư duy trong những điều kiện phát triển là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Cách nhìn nhận lịch sử quan niệm con người đang tiến gần hơn đến chân lý. Quan điểm này nhìn nhận mọi tri thức đều bị điều kiện hóa bởi thời gian và không gian, việc tự nhận thức bị giới hạn, và việc nắm bắt thực tế cũng giới hạn. Cho nên những thuật ngữ “đặc trưng”, “cá biệt”, “thay đổi” là những từ ngữ đặc thù của lối nhìn này. Cho nên thay đổi, phát triển hay xét lại không phải là dấu hiệu bất toàn nhưng là những cách thế để đến với sự thật. Người ta tin tưởng rằng dù mình sở hữu sự thật cách tiệm tiến, nhưng không có lang thang, chẳng có định hướng. Sự thật có thể được nắm bắt một cách chắc chắn nào đó cho phép chúng ta có được chỗ đặt chân trong cuộc hành trình trước khi chúng ta tiến đến những khám phá mới.
Sự nhận thức mang tính lịch sử nhìn nhận nhân loại vừa là sản phẩm của lịch sử và là người kiến tạo lịch sử. Cho nên không nên tuyệt đối hoá một nền văn hóa đặc thù nào hay một thời điểm đặc biệt nào trong lịch sử như kẻ nắm bắt toàn vẹn chân lý. Cách nhìn hiện nay không chấp nhận việc thuần túy lập lại những công thức của những thời khác đối với thời đại mới với những dân tộc mới và kinh nghiệm mới. Khuynh hướng này dùng phương pháp quy nạp coi trọng những khác biệt trong các kinh nghiệm dựa trên những sự khác nhau về lịch sử và văn hóa. Vì vậy, thần học luân lý phản ánh kinh nghiệm sống động của cộng đoàn Kitô giáo, và chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh riêng của chúng. Vì lý do trên, vào những thời điểm phức tạp, khuynh hướng này lại cảm thấy khó khăn hơn khuynh hướng cổ điển trong việc đạt đến sự chắc chắn tuyệt đối là cái loại bỏ khả năng sai lầm.
– Ta có thể đưa ra dưới đây một bản đối chiếu những dự kiện nổi bật của hai lối nhìn chúng ta vừa đề cập ở trên.
NÉT ĐẶC TRƯNG | CÁCH NHÌN CỔ ĐIỂN |
CÁCH NHÌN HIỆN ĐẠI |
Đặc điểm | * Nhìn thế giới như một thực tại hoàn tất, cố định vĩnh viễn. | * Nhìn thế giới như một thực tại năng động, tiến triển xuyên qua sự phát triển lịch sử. |
* Thế giới được đánh dấu bởi sự hài hoà của một trật tự khách quan. | * Thế giới được đánh dấu bởi sự phát triển tăng dần và sự đổi thay. | |
* Nói về thế giới với những từ ngữ về yếu tính, sử dụng những khái niệm trừu tượng và phổ quát. | * Nói về thế giới với những thuật ngữ mang nét cá biệt, dùng những khái niệm cụ thể và lịch sử. | |
Phương pháp | * Bắt đầu với điều trừu tượng và rút ra những nguyên lý từ những yếu tính phổ quát. | * Bắt đầu với kinh nghiệm và rút ra những nguyên tắc từ những kinh nghiệm tích lũy. |
* Chủ yếu là diễn dịch | * Chủ yếu là quy nạp. | |
* Những kết luận sẽ vẫn giống nhau. | * Một số kết luận sẽ thay đổi khi điều thực nghiệm hiển nhiên thay đổi. | |
* Những kết luận luôn luôn bảo đảm với điều kiện logic diễn dịch phải chính xác. | * Nhường chỗ cho điều chưa hoàn tất, có thể sai lầm, mở ngỏ cho việc xét lại; các kết luận chính xác khi sự hiển nhiên khá chính xác cho phép. | |
Thần học luân lý và cuộc sống luân lý. |
* Tách khỏi cụ thể để giải quyết vấn đề trong lãnh vực trừu tượng và phổ quát. | * Giải quyết các vấn đề theo hướng đặc thù cụ thể của thời điểm lịch sử. |
* Liên hệ với những điều phổ quát của tình trạng con người bằng cách rút ra những nguyên lý từ bản chất tự nhiên của con người. | * Liên hệ với con người lịch sử trong những hoàn cảnh đặc thù lịch sử. | |
* Tuân phục quyền bính và các quy luật được thiết lập từ trước. | * Việc công thức hóa các chuẩn mực bị điều kiện hóa bởi lịch sử. | |
* Nhấn mạnh đến bổn phận và nghĩa vụ để mô phỏng trật tự đã được thiết lập. | * Nhấn mạnh đến tính hữu trách và những hành động phù hợp với thời gian đổi thay. | |
* Thiếu hội nhập vào những mầu nhiệm lớn của đức tin và vào những định hướng Kinh thánh mang tính phê bình. | * Hội nhập đầy đủ hơn với những mầu nhiệm đức tin và sử dụng Kinh thánh mang tính phê bình (critical use of Bible). | |
Lợi điểm | * Rõ ràng, đơn giản, chắc chắn trong cách nhìn về thực tại và trong những kết luận về điều phải làm. | * Tôn trọng tính duy nhất của con người và những nét đặc biệt của hoàn cảnh lịch sử. Nhấn mạnh đời sống luân lý như chưa hoàn tất và cần đến sự hoán cải. |
Bất lợi | * Thiên về độc đoán theo nghĩa đòi hỏi phải có những câu trả lời phù hợp với mọi thời đại. | * Thiên về tương đối theo nghĩa mọi sự đều bị điều kiện hóa |
* Thiên về giáo điều theo nghĩa đó là tiếng nói cuối cùng. | * Thiên về phi luật (antinomian) theo nghĩa mọi luật lệ đều tương đối |
b. – Sự thay đổi cách nhìn nêu trên được phản ánh trong nền thần học của Vaticanô II mà Hiến chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes là một thí dụ điển hình. Hiến chế nói đến việc “đọc ra những dấu chỉ thời đại” với một sự khả tín nào đó, bởi vì Hiến chế này nhìn nhận : “Từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp và mới mẻ đòi hỏi phải có những phân tích và tổng hợp mới” (số 5). Điểm nền tảng mà Hiến chế chấp nhận ở đây là thái độ sẵn sàng trước những đổi thay, kêu gọi Giáo hội phải trải qua những cuộc canh tân liên tục, tiến hành những cuộc đối thoại như phương thế giảng dạy và học tập, tập trung vào việc hoán cải trong đời sống luân lý và hướng tới việc công thức hóa lại những nguyên tắc đã tồn tại từ lâu, vì thân phận của Giáo hội là một dân tộc lữ hành của Chúa.
– Giáo hội thừa nhận việc nhận thức lịch sử có vai trò của nó trong những giáo huấn chính thức của mình. Thí dụ Thông điệp Divino Afflante Spiritu (1943) được coi như tài liệu hiến chương cho vấn đề này. Kế đến là huấn thị của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh “The historical Truth of Gospel” (1964) và gần hơn là Hiến chế Dei Verbum bàn về Mạc khải (1965) cũng nằm trong chiều hướng này. Những tài liệu này nhìn nhận Kinh thánh chứa đựng Lời Chúa, nhưng Lời Chúa lại được diễn tả bằng những lời giới hạn của con người vào những thời kỳ khác nhau. Những điều kiện giới hạn này cũng ảnh đến cách trình bày của Kinh thánh.
Năm 1971, trong Thông điệp Octogesima Advenius (thường được gọi cách bình dân là Thông điệp Kêu gọi hành động), ĐGH Phaolô VI đã nói: “Đứng trước những tình huống thay đổi rộng lớn, việc phát biểu một sứ điệp thuần nhất (unified) và đưa ra một giải pháp có giá trị phổ quát là điều khó khăn đối với chúng tôi” (số 4).
Trong luân lý, y học cũng có tầm hoạt động của việc nhận thức lịch sử. Tuyên ngôn của Giáo hội về an tử cho thấy chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này.Tuyên ngôn này muốn duy trì nội dung giáo huấn được chứa đựng trong nguyên tắc phân biệt giữa việc trị liệu theo phương thế thông thường hay đặc biệt nhưng thừa nhận trong thứ ngôn ngữ này có sự mơ hồ và không thỏa đáng. Tài liệu gợi ý một công thức mới cho nội dung giáo huấn với ngôn ngữ dùng phương tiện “cân xứng và không cân xứng” (proprotionate và disproprotionate).
c. Nhưng ở một vài lãnh vực quan trọng khác, giáo huấn của Giáo hội dường như lại thiên về quan điểm cổ điển hơn là quan điểm hiện đại.
– Trong lãnh vực luân lý tính dục chẳng hạn với Tuyên ngôn về luân lý tính dục “Persona Humana” (1975) phản ánh quan điểm cổ điển khi nhấn mạnh đến những điều vĩnh cửu và bất biến như : “Dĩ nhiên, trong lịch sử của nền văn minh, nhiều điều kiện cụ thể và những nhu cầu của đời sống con người đã thay đổi và còn tiếp tục đổi thay. Nhưng mọi tiến triển của luân lý và mọi kiểu sống phải được gìn giữ với những giới hạn bắt buộc bởi nguyên tắc bất biến dựa trên những thành tố và những mối liên hệ của con người, những thành tố và những mối liên hệ này vượt hẳn lên trên những điều bất tất của lịch sử” (số 3).
– Cũng một cung cách như thế, Thánh bộ Đức tin trong huấn thị Donum Vitae năm 1987 bàn về việc tôn trọng sự sống mới sinh nơi con người và về phẩm giá của việc tạo sinh với chủ đích trả lời vài câu hỏi mang tính thời sự cũng không nhất quán theo hẳn khuynh hướng nhận thức lịch sử cho dù là ở phần nhập đề Huấn thị này nhìn nhận những tiến bộ của khoa y sinh học mà Giáo hội phải lưu ý đến trong lập trường luân lý của mình (số 1). Nhưng đến những phần kế tiếp sau thì nội dung lại phản ánh quan điểm cổ điển với phương pháp diễn dịch như cũ và quan điểm luân lý lệ thuộc vào trật tự luân lý cố định và phi – tương quan. Cho nên lập trường về nhũng kỹ thuật chuyên biệt được suy diễn “theo các luật lệ đã được ghi tạc trong chính hữu thể của người nam và người nữ” (số 4). Khuynh hướng này hiển nhiên nằm trong thái độ phê phán việc cho phép thụ tinh đồng hợp (homologous) “trong ống nghiệm không”: “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF và chuyển phôi ET phải bị phê phán vì chính nó, và không thể dựa vào toàn bộ đời sống vợ chồng hoặc vào những hành vi giao hợp trước hay sau khi dùng phương pháp, mà bảo rằng cuối cùng chúng có thể đựợc coi là hợp pháp” (số 5).
d. – Tiến hành việc xét lại nền thần học luân lý hiện nay là một nỗ lực kết hợp chặt chẽ với một phương cách mạch lạc những điểm đặc trưng và lợi điểm của lối nhìn nhận thức lịch sử; trong khi vẫn không bỏ qua những giá trị bền vững của lối nhìn cổ điển. Thần học luân lý hiện nay muốn duy trì tính rõ ràng, tính kiên định (trước sau như một), và sự minh bạch của lối nhìn cổ điển; nhưng cùng lúc cũng tôn trọng sự tự do của con người, tính độc nhất của tình huống luân lý mang tính lịch sử, đặc tính chưa hoàn thành của đời sống luân lý được lối nhìn nhận thức lịch sử coi là có giá trị.
– Theo nhận định của Richard P. Mc Brien thì mối tương quan giữa hai lối nhìn này thuộc diện căng thẳng mang tính biện chứng. Và ông cho là có lẽ có sự khác biệt không thể hòa giải được giữa hai lối nhìn này:
Những người theo khuynh hướng cổ điển cho rằng người ta có thể biết và diễn đạt chân lý tuyệt đối theo những phương cách tự bản chất không bị ảnh hưởng bởi những giới hạn thông thường của thân phận con người. Bởi vì ngay từ nguyên tắc, họ chối bỏ lập luận cho rằng sự nhận thức và diễn đạt chân lý bị điều kiện hóa bởi lịch sử, cho nên thần học luân lý không thể chỉ theo một mình lối nhìn cổ điển này mà thôi trong việc trình bày những lập trường luân lý. Cách chung lối nhìn cổ điển lãnh đạm với khoa học xã hội về kiến thức và những khám phá của những bộ môn khoa học thực nghiệm, cũng như tác động của kinh nghiệm trên ý nghĩa và giới hạn của việc giảng dạy luân lý với sự diễn đạt chính xác. (x. Catholicism, Vol. 2, Nxb. Winston, 1980).
Nhưng đồng thời thần học luân lý hiện nay cũng không thể chỉ theo một mình khuynh hướng nhận thức lịch sử, bởi vì khuynh hướng này đánh giá thấp khả năng của những chuẩn mực luân lý hoàn chỉnh (well established), không tin những chuẩn mực này có thể cung cấp tính liên tục và ổn định cho đời sống luân lý và đi ngược lại những xu hướng thiên về chủ nghĩa cá thể (subjectivism) và thuyết tương đối trong những vấn đề luân lý.
* Thần học luân lý công giáo ngày nay tôn trọng tính liên tục của truyền thống và tính bất liên tục của kinh nghiệm con người.
3. Thay đổi trong phương pháp
Phương pháp của thần học hiện nay được phản ánh trong Hiến chế Gaudium et Spes với phần dẫn nhập : cứu xét nhu cầu khẩn thiết của thời đại hiện nay “dưới ánh sáng của Tin mừng và kinh nghiệm của con người” (số 46). Sự nhận định trên chạm nhẹ đến hướng của tập tài liệu ủng hộ khuynh hướng nhận thức lịch sử và phương pháp qui nạp trong thần học. Ta có thể dùng cách đối chiếu tương phản để thấy rõ sự thay đổi này.
a. Theo cách nhìn cổ điển thì những nguyên tắc trừu tượng của bản tính con người và của hành vi luân lý tạo nên nền tảng cho giáo huấn luân lý thành phổ quát và không có luật trừ. Lối nhìn này chỉ nhường chỗ rất ít cho việc bàn đến sự khai triển lịch sử, những điều phức tạp của cuộc sống con người hay thử áp dụng những chuẩn mực luân lý cho những tình huống luân lý khác nhau và phức tạp.
b. Đang khi đó lối nhìn nhận thức lịch sử của thần học luân lý hiện nay lại ủng hộ phương pháp thực nghiệm và qui nạp. Điều này không có nghĩa phương pháp diễn dịch không có chỗ đứng trong thần học luân lý hiện nay, vì nó vẫn còn có vai trò của nó. Nhưng thần học luân lý bây giờ thích khởi đầu với những điểm đặc thù lịch sử, những điều cụ thể và những đổi thay. Người ta không sẵn lòng đưa ra những kết luận độc lập với việc nghiên cứu về con người và những phức tạp trong cuộc sống con người. Điều này đòi hỏi những vấn đề lớn liên quan đến những chiều kích phát triển, cá vị, và xã hội của những kinh nghiệm sống. Để đi đến những kinh nghiệm này, những môn khoa học xã hội phải tạo nên một phần không thể thiếu trong việc suy tư về những vấn đề luân lý phức tạp.
– Phương pháp qui nạp cũng bao hàm việc hiểu biết và sử dụng những chuẩn mực luân lý. Những chuẩn mực này tiêu chuẩn hóa những phán đoán về loại người mà chúng ta phải trở thành và về điều mà chúng ta phải làm. Nhưng bởi vì phương pháp qui nạp lưu ý đến những điều cụ thể và mang tính lịch sử, cho nên chúng ta không còn có thể trông mong những chuẩn mực về cách ứng xử đọc ra hết mọi thứ từ trước được.
+ Phương pháp này giúp ta tránh được việc đòi hỏi sự chắc chắn tuyệt đối ở nơi chúng ta không thể có được điều đó.
+ Nó buộc chúng ta phải khiêm tốn hơn trong những đòi hỏi luân lý thăm dò trong những quyết định luân lý, mở ngỏ trước sự xét lại lập trường của mình nếu sự hiển nhiên cho phép điều đó.
– Một hàm ý khác nữa của phương pháp này đó là đòi thần học luân lý, bằng phương cách phê phán, phải lưu tâm đến những đóng góp của những môn khoa học thực nghiệm và của những chứng từ của những người thiện tâm.
Trong những vấn đề luân lý, kinh nghiệm là một nguồn mạch chắc chắn cho kiến thức luân lý về điều thiện ích của con người và cũng là nguồn mạch chắc chắn cho việc xác định những phán đoán luân lý. Điều này có nghĩa ta phải lưu tâm hơn tới kinh nghiệm của cộng đoàn luân lý và những hậu quả của những điều giúp đỡ hay cản trở việc phát triển toàn vẹn của đời sống con người trong tiến trình đưa ra những công thức và giải thích trong giáo huấn luân lý.
Việc nại đến những dữ liệu thực nghiệm và những chứng từ của những người thiện tâm sẽ làm dịu đi sự khắt khe của một vài diễn đạt và làm yếu đi những đòi hỏi những áp dụng chắc chắn và phổ quát. Thí dụ như ngày xưa với một vài vấn đề chúng ta phê phán rõ ràng về mặt luân lý (thủ dâm, ngừa thai, làm tuyệt sinh, tự do tôn giáo, hay cho vay lãi nặng) thì bây giờ được nhìn như những thực tế phức tạp hơn là cách diễn đạt trước đây được người ta chấp nhận.
– Hơn nữa, phương pháp qui nạp khích lệ tiến trình học hỏi giáo huấn tiến đến chân lý. Những kết luận của phương pháp này không đòi hỏi: phải tuyệt đối chắc chắn và không bị sai lầm, nhưng nó chấp nhận những giới hạn của những kết luận. Điều này đặt nền tảng trên sự kiện có thể có những điều hiển nhiên và hiểu biết giới hạn. Những sai sót lại là những phương tiện để hiểu biết trọn vẹn hơn. Phương pháp qui nạp không đòi hỏi giải quyết hoàn toàn vấn đề hay đóng lại cuộc tranh luận, nhưng nó luôn hướng mở tới những kinh nghiệm và hiểu biết mới.
Những kết luận chỉ là những bảng tóm lược thử nghiệm, không dứt khoát về tình trạng hiện tại của vấn đề mà thôi. Cho nên vào cuối cuộc thảo luận và sau khi cố gắng cách lương thiện để có một lập trường chính thức mà lại có những ý kiến bất đồng, thì những ý kiến này tự bản thân chúng lại trở thành những dữ kiện mới để giải thích và đánh giá để có được cốt lõi của sự thật.
III. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIÚP CÓ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH LUÂN LÝ
Ngoài hai lối nhìn cổ điển và hiện đại khi đề cập đến
vấn đề luân lý nói chung, có lẽ còn ba phương pháp chính giúp chúng ta sắp xếp những dữ kiện của kinh nghiệm luân lý để có được những quyết định luân lý. Chính vì thế ở đây ta nói đến những phương pháp, dưới góc độ thực dụng, giúp ta có được những chọn lựa và quyết định mang tính luân lý.
Theo cách phân loại của H. Richard Niebuhr trong tác phẩm The Responsible Self, Nxb. Harper and Row, New York, 1963, có ba phương pháp với ba lập trường khác biệt nhau:
1. Lập trường nghĩa vụ học (Deontological position)
Chữ Deontology phát xuất từ tiếng Hy lạp: Deon có nghĩa là bổn phận, nghĩa vụ. Theo Niebuhr thì đây là phong cách “Người công dân”, tự nhận thức về các giới răn và quy luật.
Trường phái này tìm cách thiết lập luật lệ, bổn phận, điều đúng hay nghĩa vụ trên nền tảng những khía cạnh nội tại của hành vi hơn là những hậu quả của chúng.
Người ta tự đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì?” và trả lời câu hỏi: “Bổn phận tôi là gì?”. Theo truyền thống Thần học luân lý Công giáo cách chung tự nền tảng đã đồng hóa với khuynh hướng này khi thực hiện những quyết định luân lý.
2. Lập trường cứu cánh học (Teleological position)
Chữ Teleology phát xuất từ tiếng Hy lạp: Telos có nghĩa là mục đích. Theo Niebuhr thì đây là phong thái “Người xây dựng” (Man-the-builder), là người xây dựng một cái gì với mục đích.
Trường phái này trước tiên có liên hệ với việc xác định hành động nào nhắm đến mục đích nào. Người ta tự đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì?” và trả lời câu hỏi “Mục đích tôi là gì?”
3. Lập trường tính hữu trách (Responsibility position)
Theo Niebuhr đây là phong thái “Người trả lời” (Man-Answerer). Cùng với câu tự hỏi: “Tôi phải làm gì?” là câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra?”. Với lối nhìn này thì điều đúng phải tốt làm nó phải hài hòa với bối cảnh tương quan.
Theo quan niệm này thì luật lệ, bổn phận vẫn tiếp tục có tầm quan trọng trong đời sống luân lý, nhưng chúng không thể nào bị tách ra khỏi mối liên hệ với tha nhân, với thế giới và với Thiên Chúa.