BLAISE PASCAL – Khoa học – Lý trí – Huyền bí

0
1675

Năm nay kỷ niệm 400 sinh nhật của Blaise Pascal (chào đời tại Clermont Ferrand ngày 19-6-1623 và qua đời tại Paris ngày 19-8-1662 tại Paris). Tên tuổi của ông còn được nhắc đến qua các định luật vật lý và toán học. Ông cũng được biết như là một triết gia nhân sinh, cách riêng qua câu nói “Con người là một cây sậy, yếu ớt nhất trong các thụ tạo”.  Tuy nhiên, ông ít được nhìn nhận như một nhà huyền bí, thậm chí còn bị hiểu sai nữa. Khi nói rằng “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi”, ông không hiểu con tim theo nghĩa là tình cảm lãng mạn nhưng là khuynh hướng tìm về Thiên Chúa. Bài viết của giáo sư Matteo Perrini muốn trình bày “cảm nghiệm huyền bí” của ông vào đêm 23-11-1654 (được đặt tên là Đêm Lửa) và mở ra cho ông nghiệm thấy chìa khóa cho các vấn đề nhân sinh.

—————

BLAISE PASCAL

Khoa học – Lý trí – Huyền bí

Matteo Perrini

(Thời sự thần học, số 102 – tháng 11/2023, trang 143-165)

Nhập đề

I. Tiểu sử và tác phẩm

A. Tiểu sử. 1/ Tuổi thiếu thời. 2/ Cuộc cải hoán lần thứ nhất.
3/ Cuộc cải hoán huyền bí

B. Các tác phẩm

II. Cuộc hoán cải huyền bí: đêm lửa

A. Bản văn Mémorial

B. Nhận xét

C. Ý nghĩa

Kết luận

Nguồn: Matteo Perrini (1925-2007), “Blaise Pascal” in: Appunti di storia della filosofia

Cooperativa Cattolico-democratica di Cultura, https://www.ccdc.it/documento/blaise-pascal/

—————

Nhập đề

Cuộc đời của ông Pascal ngắn ngủi như một tia chớp. Ngắn ngủi nhưng hăng say. Trong quãng thời gian 39 năm (sinh tại Clermont-Ferrand ngày 19-6-1623 và qua đời tại Paris ngày 19-8-1662), ông đã biểu lộ tài năng xuất chúng trong ba lãnh vực: khoa học, triết học nhân sinh, huyền bí.

Ông nổi tiếng trong lãnh vực khoa học, để lại tên tuổi của mình trên những phát minh và định luật trong vật lý và toán học. Ông cũng để lại nhiều suy tư sâu sắc về thân phận con người, chuẩn bị cho triết học hiện sinh của Søren Kierkegaard. Ông đã trải nghiệm cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, và trở thành kẻ loan báo Tin mừng theo ngôn ngữ thời cận đại, trình bày chân lý đức tin dựa trên việc nghiên cứu điều kiện nhân sinh.

Ngay từ các lớp trung cấp, các học sinh đã biết đến những khám phá khoa học và các định luật mang tên ông. Khi làm quen với triết học, các sinh viên đã nghe nói câu nói bất hủ của ông: “Con người là một cây sậy, yếu ớt nhất của thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết tư duy” (L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la nature; mais c’est un roseau pensant). Đến tuổi biết yêu đương, các bạn trẻ chuyền tai một câu nói cũng của ông: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi” (Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît point). Tiếc rằng câu nói này đã bị hiểu sai lệch hơn cả. Ông Pascal là một nhà khoa học chính xác chứ không phải là nhà thơ lãng mạn. “Con tim” ở đây không phải là tiếng sét ái tình, nhưng ám chỉ bản năng của con người khát khao yêu mến Thiên Chúa. Niềm tin tôn giáo vượt quá những khả năng của lý trí, tuy không phải là điều phi lý. Đối với Pascal, cảm nghiệm tiếp xúc với Chúa Kitô đã giúp ông tìm được chìa khóa giúp hiểu biết giá trị của đời người. Sự hiểu biết này không dừng lại ở khía cạnh lý thuyểt nhưng được diễn tả ra đức bác ái dành cho những người nghèo khổ. Đây là một khía cạnh ít được lưu ý về Pascal, nhưng nếu không nhận ra điều đó, người ta sẽ không hiểu gì về tư tưởng của ông.

Bài này gồm hai phần. Phần thứ nhất giới thiệu sơ lược tiểu sử và các tác phẩm của Pascal. Phần thứ hai tìm hiểu cuộc hoán cải huyền bí của ông, ý nghĩa và hiệu quả của cuộc cảm nghiệm ấy.

I. Tiểu sử và các tác phẩm

Trong phần này, chúng tôi chỉ nói qua công trình khoa học, và chú trọng đến đời sống tôn giáo của ông cũng như những tác phẩm trong lãnh vực này.

A. Tiểu sử

Cuộc đời của ông có thể chia làm ba giai đoạn chính, được đánh mốc bằng hai cuộc hoán cải: lần thứ nhất vào năm 1646 và lần thứ hai vào năm 1653.

1/ Tuổi thiếu thời

Blaise Pascal chào đời tại Clermont-Ferrand năm 1623, trong một gia đình thuộc hạng tiểu quý tộc. Khi bà vợ qua đời lúc cậu bé mới lên ba tuổi, ông thân sinh  Étienne, một thẩm phán, quyết ở vậy để nuôi ba đứa con thơ: Blaise còn một chị Gilberte và một em gái Jacqueline. Blaise sớm được cha giáo dục, luôn gắng vươn lên, và luôn tìm cho ra lý lẽ đầu đuôi của vấn đề.

Năm 1631, ông Etienne dọn nhà lên Paris, và quen thân với nhiều nhà khoa học như Gilles Personne de Roberval và Girard Desargues. Năm 1640, khi lên 17 tuổi, cậu Blaise đã viết khảo luận về hình chóp (Essai pour les Coniques), giữa sự ngạc nhiên của Desargues. Cùng năm ấy, cậu theo cha về Rouen, nơi ông được bổ làm quan chức thuế vụ. Để giúp cha dễ tính tiền thuế, cậu sáng chế ra máy tính sau hai năm nghiên cứu (1642), và hoàn tất năm 1652.

2/ Cuộc hoán cải lần thứ nhất (1646)

Vào tháng giêng năm 1646, ông Etienne bị trượt ngã trên đường đóng băng, và bị gãy xương hông. Ông mời hai bác sĩ thời danh lúc ấy là anh em Deschamp (Deslandes và de La Bouteillerie) đến chữa bệnh ngay tại nhà mình. Nhờ hai người này, không những ông được lành bệnh mà còn bị quyến rũ đi theo thuyết Jansénisme mà các bác sĩ truyền bá.

Ông Etienne đưa các con đến viếng thăm tu viện Port-Royal năm 1648. Port-Royal nguyên là một đan viện Xitô năm ở phía Đông Nam Versailles, nhưng đã sa sút, và được phục hưng vào năm 1609 nhờ chị Angélique Arnaud.  Cuộc viếng thăm này được coi như cuộc hoán cải lần thứ nhất của Blaise Pascal: anh ngả theo thần học Jansénisme. Dù sao cũng nên biết là trong thời gian này Blaise vẫn tiếp tục các hoạt động về khoa học, với việc xuất bản các tác phẩm liên quan đến khoảng không (chẳng hạn như Expériences nouvelles touchant le vide, và thực hiện lại cuộc thử nghiệm của Torricelli) cũng như phép tính xác suất.

Năm 1647, gia đình Pascal trở lại Paris. Tại đây ông gặp Descartes, nhưng hai người có những quan điểm khác nhau về lý luận khoa học. Năm 1651, thân phụ qua đời. Không còn bị bố ngăn cản nữa, cô em Jacqueline gia nhập tu viện Port-Royal. Blaise không còn ai để tâm sự, nên tìm giải khuây trong đời sống ăn chơi, tuy vẫn không bỏ rơi công cuộc nghiên cứu toán học. Thời gian từ năm 1647 đến năm 1654 được đặt tên là “thế tục” (période mondaine) trong cuộc đời của Pascal. Ông đã làm quen với nhiều học giả nổi tiếng như Antoine Gombaud, Damien Mitton, cũng như những người quý tộc như Duc de Roannez, Chevalier Mère nhờ đó ông khám phá một chiều kích mới của cuộc đời: thế giới không phải là bài toán hình học mà thôi nhưng còn có giao lưu tình nghĩa nữa. Mặt khác, việc nghiên cứu các tác phẩm của hai triết gia Montaigne (1533-1592) và Epictetus (k.55-130) đã khiến ông suy tư nhiều về ý nghĩa của kiếp sống: con người là một mầu nhiệm cho chính mình, vừa cao cả vừa khốn cùng. Từ tháng 12 năm 1653, ông cảm thấy chán ngán chuyện ăn chơi, và quyết tâm đổi đời.  Nghe theo lời khuyên của cha Antoine Singlin (ở Port-Royal), ông dành nhiều thời giờ vào việc cầu nguyện.

3/ Cuộc hoán cải lần thứ hai: 23/11/1654

Vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, đang khi đọc Kinh thánh và cầu nguyện, ông đã trải nghiệm suốt hai giờ đồng hồ niềm vui vì được kết hiệp với Thiên Chúa, và sự xác tín phải đi theo “những con đường mà Tin mừng đã dạy”. Ông run rẩy ghi lại cảm nghiệm này trên một tờ giấy và chỉ giữ riêng cho mình. Sau đó, ông chép lại trên một tờ giấy da (pergamena). Trong suốt tám năm trường, nghĩa là kể từ “đêm lửa” ấy cho đến khi qua đời, ông ghim tờ đó bên trong áo khoác, để ghi nhớ những lời Chúa đã linh ứng và những quyết tâm của mình. Vài bữa sau khi ông qua đời, một gia nhân khám phá bản văn đó, và sau này được đặt tên là Mémorial (Hồi ký), như một biến cố luôn khắc cốt ghi tâm. Chúng tôi sẽ trở lại với biến cố này trong phần thứ hai.

Tháng giêng năm 1655 ông trải qua hai tuần lễ tại Port-Royal, và gặp linh mục Louis-Isaac Lemaistre de Sacy, tuyên úy các nữ tu. Cuộc đối thoại đã nảy ra ý tưởng sẽ viết cuốn sách Bênh vực Kitô giáo (Apologie de la religion chrétienne), khởi đi từ điều kiện nhân sinh. Ông dung hòa hai thái cực: sự cao cả của con người trước khi sa ngã (tìm thấy nơi Epitectus), và tình trạng khốn cùng hiện nay (theo Montaigne). Kitô giáo có khả năng dung hợp hai thái cực đó.

Đầu tháng giêng năm 1656 ông trở lại Port Royal, và quen biết linh mục Antoine Arnauld, và nhận lời mời của vị này để tham gia vào cuộc tranh luận giữa nhóm Jansénisme với Dòng Tên. Trong khoảng thời gian 14 tháng, ông viết 18 lá thư gửi một người bạn ở tỉnh (Provinciales) dưới bút hiệu Louis de Montalte (Lettres écrites par Louis de Montalte à un provincial de ses amis et au RR. PP. Jesuites sur le sujet de la morale et de la politique de ces pères). Từ lá thư số 5 đến số 16, mục tiêu nhắm tới “Luân lý Dòng Tên”, tượng trưng nơi thuyết của Luis de Molina. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt, không những bởi những người ủng hộ Jansénisme mà còn từ phía những người vốn kình địch với Dòng Tên.

Từ năm 1657, ông thu thập tài liệu để viết cuốn sách bảo vệ Kitô giáo (Apologie de la religion chrétienne), giới thiệu chân lý Kitô giáo khởi đi từ những vấn đề hiện sinh của con người. Đồng thời ông cũng tiếp tục xuất bản những tập sách về phép chứng minh toán học (De l’esprit géométrique).

Đặc biệt từ năm 1660, ông bắt đầu cầm bút thảo ra những ghi chú, châm ngôn mà ông đã nghiền ngẫm để viết cuốn bảo vệ Kitô giáo. Sau khi ông qua đời, những ghi chú này sẽ được sắp xếp và xuất bản dưới tựa đề “Những tư tưởng” (Pensées).

Năm 1661 và 1662, ông thiết kế với Duc de Roannez một hệ thống chuyên chở công cộng  (carrosses à cinq sols), mở đầu cho các xe bus sau này.

Từ năm 1662, sức khỏe của ông suy giảm. Pascal trải qua cuộc “hoán cải lần thứ ba”, theo nhận định của Romano Guardini[1]. Ông nghiệm ra một lối nhìn khác về chân lý. Cho đến nay, ông tìm cách để làm cho chân lý được chiến thắng (hiểu ngậm là đè bẹp đối phương). Nhưng đó không phải là nhiệm vụ của chúng ta; chúng ta chỉ được mời gọi để chiến đấu cho chân lý mà thôi. Chân lý mà không có bác ái thì không phải là Thiên Chúa. Từ đây, ông dành nhiều thời giờ cho công tác bái ái. Ông tiếp đón một gia đình nghèo về nhà mình. Đến khi có một em bé của gia đình ấy mắc bệnh đầu mùa (là bệnh dễ lây nhiễm) thì thay vì đuổi họ đi, ông đã nhường ngôi nhà của mình cho họ, và đến trọ ở nhà bà chị Gilberte.

Đến đầu tháng 7, bệnh tình trở nên trầm trọng. Ông xin rước Mình Thánh Chúa. Nhưng cha xứ, theo ý kiến của các bác sĩ, chỉ ban bí tích giải tội chứ không trao Mình Thánh Chúa bởi vì cho rằng chưa đến nguy tử. Đến ngày 17 tháng 8, sức khỏe suy sụp: cha Paul Beurrier cho ông rước lễ. Ngày 19 tháng 8, ông trút hơi thở cuối cùng. Những lời cuối cùng là “Xin Chúa đừng bỏ rơi con mãi mãi” (Que Dieu ne m’abandonne jamais).

B. Tác phẩm

Như đã nói trên đây, chúng tôi chỉ dừng lại ở các tác phẩm mang tính cách tôn giáo. Nhiều cuốn sách được phát hành sau khi ông qua đời, hoặc trọn vẹn nguyên tác, hay sắp xếp các bản nháp rời rạc.

– Bản văn quan trọng nhất được đặt tên là Mémorial (Hồi ký) ghi lại cảm nghiệm huyền bí của “đêm lửa” (23 tháng 11 năm 1654). Nhưng đó chỉ là một tờ giấy chứ không phải là một tập sách, và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1740.

Le Mystère de Jésus. Suy gẫm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, bắt đầu viết từ năm 1655; nhưng chưa hoàn tất. Sau ấy được in chung vào quyển Pensées.

– Apologie de la religion chrétienne (Biện hộ Kitô giáo). Kể từ năm 1657, Pascal đọc và suy gẫm Kinh thánh và thu thập tài liệu để thảo một cuốn sách trình bày chân lý Kitô giáo dựa theo những vấn đề hiện sinh của con người. Chưa hoàn tất. Sau này sẽ được in chung với cuốn Pensées

– Provinciales (1656-57). Như đã nói trên đây, tập sách này thu gom 18 lá thư mà ông Pascal viết nhằm bênh vực đạo lý của nhóm Jansénistes chống lại thần học của Dòng Tên.

Để hiểu nội dung cuộc tranh luận này, cần đặt trong bối cảnh của những cuộc tranh luận thần học về mối tương quan giữa ân sủng Thiên Chúa và tự do của con người. Cuộc tranh luận này đã diễn ra từ thời các giáo phụ giữa thánh Augustinô (đề cao ân sủng) và Pelagiô (đề cao tự do). Vào thời Cải Cách Tin Lành, phía Luther và Calvin đề cao vai trò của ân sủng đến nỗi phủ nhận giá trị của công trạng con người. Calvin cũng đề cao ân sủng đến nỗi hạn chế con số người được cứu độ (chỉ dành cho một ít người được tiền định). Từ đó, những ai bênh vực ân sủng dễ bị ghép là theo Tin Lành, còn ai bênh vực tự do thì bị tố cáo là rơi vào lạc thuyết Pelagiô. Chuyện tranh luận không chỉ nằm trong bình diện lý thuyết nhưng mang theo nhiều hậu quả luân lý. Phe chủ trương tôn trọng tự do có nguy cơ sống buông thả; phe đối lập cảnh giác phải sống khắc khổ để được cứu độ.

Đến thời kỳ đang bàn, nảy sinh học thuyết Jansenismus, mang tên của ông Cornelius Jansen (1585-1638), một giáo sư thần học tại Louvain và giám mục Ypres. Hai năm sau khi ngài đã từ trần (năm 1640), người ta cho ấn hành quyển Augustinus, một quyển sách mà cha dày công nghiên cứu[2]. Lập tức nhiều cuộc phản đối đã nổi lên, cách riêng để chống lại hai điểm : a/ không thể nào cưỡng lại được ân sủng ; b/ chỉ một thiểu số người sẽ được cứu rỗi. Ngày 31/5/1653, đức thánh cha Innocentê X tuyên bố 5 điểm sai lầm trong sách Augustinus (Denzinger-Schoenmetzer nn.2001-2007). Có lẽ chủ trương của Jansen sẽ không gây nên nhiều sóng gió nếu nó không được sự hậu thuẫn của một số nhân vật tiếng tăm, bắt đầu với linh mục Saint-Cyran một người bạn của Jansen, (biệt hiệu của Jean Duvergier de Hauranne) tuyên úy cho nữ đan viện Xitô tại Port-Royal. Lúc đó bề trên của đan viện Port-Royal là chị Angélique Arnauld (1591-1661), một người theo khuynh hướng cải tổ đời tu. Chẳng bao lâu, một nhóm người trí thức đã đến lập nghiệp chung quanh đan viện, và họp thành một nhóm cầu nguyện mang tên là Solitaires hoặc Messieurs de Port-Royal. cổ động một nếp sống khắc khổ nhiệm nhặt. Đồng thời cha cũng đem phổ biến học thuyết của cha Jansen, với một chủ trương luân lý khắt khe. Điều này đã gây ra đụng độ với Dòng Tên, và nhất là cha dám chỉ trích chính sách của Tể tướng Richelieu. Năm 1638, cha bị Richelieu tống ngục và chỉ được giải thóat sau khi ông qua đời năm 1643. Tiếc rằng cách đó không lâu cha cũng sang bên kia thế giới. Vai trò điều khiển nhóm Port Royal được chuyển sang linh mục Antoine Arnauld (1612-1694, bào đệ của viện mẫu Angélique). Vị linh mục này đã thuyết phục Pascal đứng về phía mình.

Tác giả tập sách này lúc đầu mang biệt hiệu Louis de Montalte, và từ năm 1659, được nhận là của Pascal. Quyển Provinciales được coi là kiệt tác của văn xuôi tiếng Pháp. Dưới khía cạnh đạo lý, các nhà phê bình đã xét lại vấn đề: ông Pascal đã đi theo đạo lý đến mức nào, và tại sao ông không tiếp tục viết tiếp nữa[3].

– Pensées (1657-58). Đây là tác phẩm được nhiều người biết đến hơn cả. Vào những năm cuối đời, Pascal đã viết nhiều suy tư, ghi chú. Khi ông qua đời, người ta gom góp các mảnh ấy (hơn một ngàn), xếp đặt theo đề tài, và xuất bản thành sách. Ấn bản đầu tiên ra đời năm 1669, do các thân hữu Jansenistes (Antoine và Nicole Arnauld) mang tựa đề Pensées de M. Pascal sur la religion, et sur quelques autres sujets (Những ý tuởng của M. Pascal về tôn giáo, và về một số chủ đề khác). Mãi đến thế kỷ XIX, Victor Cousin nhận thấy cần phải soạn một ấn bản đầy đủ hơn, bởi vì còn đến một nửa các tài liệu chưa được công bố (thư gửi Hàn lâm viện Pháp năm 1831). Trong chiều hướng đó, lần lượt ra đời nhiều ấn bản được cải tiến hơn vào năm 1844 (chủ biên Armand Prosper Faugère), rồi năm 1897 (Léon Brunschvicg, xếp đặt cách hệ thống hơn), năm 1931 (Jacques Chevalier), 1947-1951 (Louis Lafuma).  Mỗi ấn bản xếp đặt các tư tưởng theo một thứ tự riêng. Vì thế khi trích dẫn, người ta phải kèm theo nhà xuất bản. Ấn bản của Brunschvicg (viết tắt B) thường được quy chiếu nhiều nhất. Tông thư của ĐTC Phanxicô trích dẫn theo Lafuma.

Phần nổi bật nhất là 28 chương viết để bảo về Kitô giáo (Cuốn sách Apologie nói trên đây. Theo dự án cuốn sách được chia làm hai phần. 1/ Phần thứ nhất trình bày sự khốn cùng của con người không có Thiên Chúa (với những khái niệm nói lên nhiều nghịch lý cuộc đời). 2/ Phần thứ hai trình bày hạnh phúc của con người với Thiên Chúa.

II. Cuộc hoán cải huyền bí

Như đã nói trên, đây là một biến cố ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của ông, diễn ra đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, được ghi lại trong Mémorial và được đặt tên là “Đêm Lửa”. Trước hết, chúng ta hãy xem bản văn, sau đó sẽ phân tích nội dung.

A. Bản văn

“Năm ơn thánh 1654.
Thứ Hai, 23 tháng 11, ngày lễ Thánh Clêmentê, Giáo Hoàng Tử Đạo, và các vị thánh khác trong Tử Đạo thư.
Vọng lễ Thánh Chrysôgônô, Tử đạo và các thánh khác.
Từ khoảng 10 giờ 30 đêm cho đến 12 giờ 30 đêm.
LỬA
‘Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob’, chứ không phải
của các triết gia và học giả.
Chắc chắn. Chắc chắn. Tâm tình. Hân hoan. Bình an.
Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.
Deum meum et Deum vestrum.
(Thiên Chúa của Thầy và Thiên Chúa của anh em).
“Thiên Chúa của Thầy sẽ là Thiên Chúa của con”.

Bỏ quên thế giới và mọi sự ngoại trừ Thiên Chúa.
Chỉ có thể tìm thấy Ngài qua những con đường được giảng dạy trong Tin Mừng.
Sự vĩ đại của linh hồn con người.
“Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, còn con, con đã biết Cha”.
Hân hoan, hân hoan, hân hoan, giọt lệ hân hoan.
Tôi đã tự cắt đứt khỏi Ngài.

Dereliquerunt me fontem aquae vivae
(Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh).
Lạy Thiên Chúa của con, Chúa sẽ bỏ con ư?
Đừng để con bị cắt đứt khỏi Chúa bao giờ!
“Sự sống đời đời là thế này: đó là họ nhận biết Cha, là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô”
Chúa Giêsu Kitô!
Chúa Giêsu Kitô!
Tôi đã cắt đứt khỏi Người, tôi đã trốn tránh Người, khước từ Người, đóng đinh Người.
Đừng bao giờ để con cắt đứt khỏi Người nữa!
Chỉ có thể giữ được Người bằng những con đường được giảng dạy trong Tin Mừng.
Từ bỏ dịu ngọt và hoàn toàn.
Hòan toàn tùng phục Chúa Giêsu Kitô và vị linh hướng của tôi.
Hân hoan mãi mãi đổi lấy một ngày cố gắng dưới đất.
Non obliviscar semones tuos (Con sẽ không quên lời Chúa dạy). Amen

L’an de grâce 1654,

Lundi, 23 novembre, jour de saint Clément, pape et martyr, et autres au martyrologe.
Veille de saint Chrysogone, martyr, et autres,
Depuis environ dix heures et demie du soir jusques environ minuit et demi,

FEU.

« DIEU d’Abraham, DIEU d’Isaac, DIEU de Jacob »
non des philosophes et des savants.
Certitude. Certitude. Sentiment. Joie. Paix.
DIEU de Jésus-Christ.
Deum meum et Deum vestrum.
« Ton DIEU sera mon Dieu. »
Oubli du monde et de tout, hormis DIEU.
Il ne se trouve que par les voies enseignées dans l’Évangile.
Grandeur de l’âme humaine.
« Père juste, le monde ne t’a point connu, mais je t’ai connu. »
Joie, joie, joie, pleurs de joie.
Je m’en suis séparé:
Dereliquerunt me fontem aquae vivae.
« Mon Dieu, me quitterez-vous ? »
Que je n’en sois pas séparé éternellement.
« Cette est la vie éternelle, qu’ils te connaissent seul vrai Dieu, et celui que tu as envoyé, Jésus-Christ. »
Jésus-Christ.
Jésus-Christ.
Je m’en suis séparé; je l’ai fui, renoncé, crucifié.
Que je n’en sois jamais séparé.
Il ne se conserve que par les voies enseignées dans l’Évangile:
Renonciation totale et douce.
Soumission totale à Jésus-Christ et à mon directeur.
Éternellement en joie pour un jour d’exercice sur la terre.
Non obliviscar sermones tuos. Amen.

B. Nhận xét

Đây là một ghi chú đơn giản, nhưng với giá trị vô song, bởi vì là chứng tá của một biến cố đã làm thay đổi tận căn cuộc đời Pascal. Ông đã ghi lại chính xác ngày giờ xảy ra biến cố này: ngày thứ hai, 23 tháng 11 năm 1654, vào khoảng giữa 10 giờ rưỡi và 12 giờ rưỡi. Đây không phải là một bản văn lạnh lùng, nhưng mang một ngọn lửa nóng bừng. Lời lẽ xuất phát từ một tiếng nói bên trong, thâm sâu và sốt mến hơn là những lời lẽ tìm cách diễn đạt. Nói đúng ra, các lời lẽ này chỉ là những nét chấm phá ghi lại một cuộc suy niệm. Pascal cảm thấy một cơn xúc động mãnh liệt, và ông muốn viết ra giẩy để khỏi quên.

Bản văn nguyên thủy được một gia nhân tìm thấy sau khi ông qua đời, được “khâu” vào bên trong áo veste của ông. Hẳn là ông muốn mang luôn trong mình để nhắc nhớ đức tin của mình vào Chúa Kitô và giữ vững những điều mình đã quyết tâm. Ông giữ kín bản văn, không tiết lộ cho ai biết, ngay cả với cô em Jacqueline, bởi vì đây là một bí mật giữa Thiên Chúa với ông.

Các bản văn Kinh thánh được trưng dẫn cho thấy rằng ông đã nghiền ngẫm Lời Chúa, kèm theo những suy niệm và đối thoại. Những đoạn văn ấy cũng cho thấy bối cảnh và hành trình cảm nghiệm của ông.

1) Đoạn văn thứ nhất, trích từ sách Xuất hành (3,6), gợi lại quang cảnh của bụi gai cháy lửa. Thiên Chúa đã kêu gọi ông Môsê: “Ta là Thiên Chúa của tổ phụ ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob”.

LỬA, danh từ duy nhất trong bản văn được viết hoa, là chính Thiên Chúa và là dấu hiệu của sự hiển diện của Ngài: lửa của núi Sinai, lửa của đám mây trên sa mạc, lửa của lễ Ngu Tuần. Đối lại, Pascal nhận ra rằng vị Thiên Chúa sống động đã đi vào lịch sử và của mỗi người, Đấng có một danh xưng và kêu gọi, Ngài không phải là Thiên Chúa của các triết gia (đệ nhất nguyên nhân, nguyên ủy muôn vật), nhưng là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng mà Dức Giêsu nói đến như là “Cha của Thầy và Cha của anh em”.

2) Câu trích dẫn Kinh thánh thứ hai Deum meum et Deum vestrum (Ga 20,17) nhắc đến những lời của Chúa Giêsu khi hiện ra với bà Maria Mađalena. Chúa Giêsu phục sinh, Đấng hằng sống đã liên kết chúng ta với Người trong mối tương quan phụ tử liên kết Người với Chúa Cha: “Thầy đi lên cùng Cha của Thầy và Cha của anh anh em, Thiên Chúa của Thầy và Thiên Chúa của anh em”. “Thiên Chúa của Ngài sẽ là Thiên Chúa của con”, câu này gợi lại câu nói của bà Rút (1,16), người phụ nữ thuộc dân tộc Moab, được tiếp nhận vào dân Thiên Chúa, và sẽ không có Chúa nào khác ngoài Giavê. Bà Rút nói với ông Noemi: “Chúa của ngài sẽ là Chúa của tôi”. Ông Pascal cũng rời bỏ một quê hương cho đến nay là của mình, tức là thế gian, để đi vào một quê hương khác. Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa của Thầy và Thiên Chúa của anh em”. Ông thưa lại: “Thưa Ngài, Thiên Chúa của ngài sẽ là Thiên Chúa của con”.

3) Các đoạn văn Kinh thánh được kết nối với nhau theo một lý luận của con tim, vượt lên trên thứ tự của lịch sử. Thốt lên những lời này, từ đáy con tim, là chấp nhận: “Bỏ quên thế giới và mọi sự, ngoại trừ Thiên Chúa”. Thánh Gioan đã cung cấp cho ông Pascal sự đối chọi ấy: “Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, còn con, con đã biết Cha” (Ga 17,25). Chúa Giêsu cầu nguyện cho các tông đồ mà Người sai đi vào một thế giới cắt đứt với Tin mừng: “Họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Những lời mà ông Pascal ghi lại nằm ở cuối lời nguyện tư tế. Thánh Gioan viết tiếp: “Những người này biết rằng Cha đã sai con” (Ga 17,25). Pascal không trưng dẫn câu tiếp theo: “Con đã tỏ cho họ biết Danh của Cha… ngõ hầu tình yêu mà Cha dành cho con được ở trong họ và con ở trong họ” (Ga 17,26). Những “giọt lệ hân hoan” cho thấy rằng ông hiện đang sống mầu nhiệm dưỡng tử trong Chúa Giêsu.

Nhưng chính niềm hân hoan đã gợi lên trong ông nỗi lo sợ một sự “cắt đửt” mới, một sự bất trung mới có thể dẫn đến sự cắt đứt vĩnh viễn. “Dereliquerunt me fontem aquae vivae” (Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh) (Gr 2,13). Ông đã biết Thiên Chúa hằng sống, nhưng ông đã từ bỏ Ngài. Cũng giống như dân Israel đã xa lìa Giavê, ông cũng đã xa lìa Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con đã xa lìa Chúa … Chúa có bỏ con không?”. Lời này nhắc đến thánh vịnh 118 “Con muốn tuân giữ mệnh lệnh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi” (Tv 118,8). Ông hối hận vì đã bỏ Chúa, ông sợ rằng Chúa sẽ bỏ ông. Vì thế ông nhắc lại hai lần: “Đừng để con bị cắt đứt khỏi Chúa bao giờ! … Đừng bao giờ để con cắt đứt khỏi Người nữa!” Đây là lời van nài khẩn khoản của Pascal ngỏ với Chúa Kitô đã tìm lại được. “Đừng bao giờ” nghĩa là phải chết mãi mãi. Lời này được dùng để móc nối với chủ đề đối nghịch, tức là sự sống đời đời: “Sự sống đời đời là thế này: đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Nhận biết có nghĩa là hiện diện, cảm nghiệm, yêu mến. Một lần nữa, ông lại nhắc đến lời nguyện tư tế.

Chúa Giêsu Kitô, Chúa Giêsu Kitô. Những lời này dùng để chuyển tiếp từ sự hoán cải và cuộc gặp gỡ Đức Kitô đến những điều quyết tâm. Câu kết lặp lại những điều đã nói trên đây, với đôi chút thay đổi. Bây giờ đã đến lúc phải “giữ”, chứ không được quên. Ông lại trích dẫn thánh vịnh 118 một lần nữa: “Con sẽ mãi mãi không quên lời của Chúa” (Tv 118,6).

Pascal đã được nuôi dưỡng, đào tạo nhờ suy gẫm Kinh thánh. Không lạ gì mà ông tìm thấy cách tự phát những câu văn trong Kinh thánh phản ánh cảm nghiệm của mình. Ông không đi tìm các đoạn văn: chính các đoạn văn trào lên, diễn tả tâm trạng của ông, cũng giống như trong kinh Magnificat của Đức Maria.

C. Ý nghĩa

Đoạn văn thuật lại cảm nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá nhân, sống động với Thiên Chúa sống động: Thiên Chúa của hai Giao ước, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa là AI ĐÓ đang đến, đang chất vấn. Ngài có một danh xưng, một khuôn mặt. Pascal cảm thấy rất bức xúc bởi vì mình đã xa rời Ngài trong quá khứ. Ông cầu xin, van nài đừng bao giờ xa rời Ngài nữa trong tương lai, trong cõi vĩnh viễn; ông cam kết “đi theo những con đường của Tin mừng”.

Một vài thuật ngữ (Thiên Chúa của các triết gia và các học giả; sự vĩ đại của linh hồn; sự chắc chắn, đối lại với nghi ngờ) có thể gây cảm tưởng rằng ông Pascal đang trải qua một cuộc khủng hoảng trí thức, và ông đã vươn từ sự hiểu biết Thiên Chúa của các triết gia đến chỗ nhận biết Thiên Chúa của mặc khải Kitô giáo. Không phải thế đâu: cuộc khủng hoảng của ông không giống như của một triết gia thất vọng, nhưng là của một Kitô hữu nguội lạnh, đã tìm gặp lại Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, và lo sợ sẽ xa rời Ngài.

Đây là một thảm kịch nằm bên trong đời sống đức tin. Nói đúng ra, Pascal không học biết (như là một kiến thức mới) điều mà trước đây mình chưa biết; nhưng đây là một tia sáng chiếu lên trên điều mà mình đã biết, một ánh sáng đốt nóng ý muốn. Ông đã cảm nghiệm trong thâm tâm, nơi mà trí tuệ trở nên ngọn lửa, nơi mà ý muốn trở nên trực giác như tình yêu, rằng Thiên Chúa là Đấng dạy dỗ và cứu độ, Thiên Chúa đi tìm kiếm linh hồn con người, Thiên Chúa đi tìm ông còn hơn là ông đi tìm Ngài (x. Thánh Augustinô). Ngài là AI ĐÓ; Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Đức Giêsu Kitô, chính CHÚA GIÊSU KITÔ.

Đây là sự “chắc chắn” mà ông muốn nói, sự chắc chắn đến từ con tim được nung đốt bởi tình yêu. Ông đã bị chinh phục: Chúa Giêsu Kitô trở nên tất cả cuộc đời của ông. Ông đã bị Thiên Chúa thu hút, và điều xác tín này trở thành nguồn hân hoan và bình an. Do đó sự mới mẻ không nằm ở nội dung ý tưởng, nhưng ở một cách thức mới. Cho đến lúc đó, ông chưa biết Chúa theo “cách thức này”. Sự mới mẻ không nằm ở chỗ hiểu biết Thiên Chúa, nhưng là ở chỗ nhận ra rằng mình đã được Thiên Chúa đến trước và chinh phục, nhận ra sự hiện diện rực rỡ của Ngài, trở thành cuộc gặp gỡ Đấng hằng sống, khiến cho cuộc đời của ông được biến đổi.  Một kết quả cụ thể là ông đã từ bỏ hết mọi sự.

Có thể gọi đây là một cảm nghiệm “huyền bí” được không? Có lẽ là không thể và cũng chẳng cần trả lời. Điều chắc chắn là đối với Pascal, đây là một cảm nghiệm sâu xa đã làm thay đổi tất cả phần còn lại của cuộc đời ông. Một cảm nghiệm mang tính cách sâu đậm và đột nhiện, không thể nào so sánh với những gì trước đó, được miêu tả với biểu tượng của lửa. Biến cố đêm 23 tháng 11 năm 1654 phân chia cuộc đời của ông làm hai phần: trước đó và sau đó.

Cảm nghiệm này đã gợi ý cho ông biên soạn tác phẩm Mầu nhiệm Chúa Giêsu vào đầu năm 1655, và giúp ông định nghĩa ba “trật tự”: trật tự của thân thể (tượng trưng nơi quyền lực của Alêxandrê Đại đế), của tinh thần tức là lý trí  (tượng trưng ông Archimède), của trái tim hay bác ái (tượng trưng nơi Đức Kitô), diễn tả ba trải nghiệm của cuộc đời. Trật tự tự nhiên của thân thể ở dưới cùng. Trật tự tinh thần thì cao hơn vạn lần. Khoa học nghiên cứu hai trật tự này. Ở trên cả hai trật tự là mệnh lệnh mến Chúa yêu người. Trật tự bác ái này còn cao hơn vạn vạn lần.

Cuộc sống con người được thành tựu nhờ những bình diện cần phải vượt qua: có một sự chuyển tiếp (đôi khi là nhảy vọt), từ bình diện này sang bình diện khác, ở bên trên và sáng sủa hơn nhiều. Ta có thể phân biệt ba chặng trong cuộc đời của ông: chặng của vật lý và toán học; rồi khi ở Paris, nhờ tiếp xúc với Roannez, de Méré và de Mitton cũng như nhờ đọc Montaigne, ông cảm ứng với những vấn đề của con người. Tuy vậy, thời kỳ thế tục này không kéo dài. Ông sớm khám phá ra trật tự cao hơn của bác ái. Cái chết của thân phụ, ơn gọi của cô em Jacqueline và nhất là nỗi bức xúc vì nếp sống thế tục để lại sự trống rỗng trong linh hồn, khiến cho niềm kiêu hãnh của nhà khoa học và và danh giá của con người liêm chính bị lung lay. Tâm trạng này dẫn đến cuộc khủng hoảng nội tâm, và nhờ huyền nhiệm của đêm 23 tháng 11, Chúa Kitô đã tỏ hiện cho ông như thực tại cao nhất của các thực tại.

Như vậy, trong cuộc đời của Pascal đã có ba trải nghiệm, dù chỉ tương ứng một phần nào với ba trật tự nói trên (các khoa học tự nhiên và khoa học con người được đặt chung vào ổ trí tuệ), nhưng ông đã hiểu biết trật tự của sự sang trọng thế gian (nghĩa là cuộc sống huy hoàng của các vua chúa, của tiền tài, của quyền lực), nhất là ông đã sống trật tự của trí tuệ (như một nhà khoa học và người thế tục) và trật tự của bác ái. Mỗi trật tự mang theo sự cao cả và giá trị riêng của mình, nhưng trật tự của bác ái vượt lên trên hai trật tự kia cách vô hạn. Và đêm 23 tháng 11 đã đưa Pascal đến chỗ nhận ra sự thật ấy.

Đối với Pascal, kể từ nay, tất cả những phần còn lại của thế giới và của con người cần phải tìm gặp một tổng hợp mới, vô cùng cao cả hơn, được gây ra bởi sự xâm nhập của Chúa Giêsu Kitô vào lịch sử nhân loại và lịch sử của đời ông: “Chúa Giêsu Kitô, chẳng có tài sản và chẳng có biểu hiện gì bên ngoài của khoa học, Người thuộc về trật tự của sự thánh thiện. Người không đưa ra khám phá nào (trật tự trí tuệ), Người không cai trị (theo kiểu vua chúa trần gian: trật tự thân thể), nhưng mà Người khiêm tốn, nhẫn nhục, thánh thiện đối với Thiên Chúa, kinh khủng đối với ma quỷ, không có tội lỗi nào. Ôi, Ngài dã đến trong vẻ huy hoàng rực rỡ biết bao, dưới những mắt của con tim nhìn thấy đức khôn ngoan!”

Những lời của Hồi ký đã được chứng thực trong cái chết của ông. Sáu tháng cuối đời đã thời kỳ đau đớn dữ dội. Ông tập trung vào việc cầu nguyện và khổ chế. Ông bán hết tài sản, phân phát tiền bạc cho người nghèo, và đến tá túc ở nhà bà chị. Ông đã thực hiện đúng việc “hoàn toàn suy phục Chúa Giêsu Kitô” như đã ông đã viết.

Sau hết, ông đã xin rước Mình Thánh Chúa. Thoạt tiên, ông bị khước từ. Ông yêu cầu ít là được đưa một người nghèo vào nhà minh như là đại diện Chúa Kitô: ước nguyện này không thể thực hiện được. Ông xin được mang đến bệnh viện những kẻ nan y để được chết ở giữa những người nghèo. Các bác sĩ khước từ vì lý do sức khỏe. Cuối cùng, vào ngày chót của cuộc đời, một linh mục đã mang đến Của Ăn Đàng. Ông đã lãnh nhận Thánh Thể giữa hai cơn khủng hoảng. Ông đã tắt thở 24 giờ sau, ngày 19 tháng 8 năm 1662, với 39 tuổi đời.

Kết luận

Dưới một góc độ nào đó, cuộc đời của Pascal là một cuộc “đi lên” (lên núi), khởi đi từ trật tự hữu hình đến trật tự vô hình, từ khoa học thực nghiệm, đến triết học và huyền bí. Ông đã khám phá ra Đức Kitô và đã cam kết gắn bó với Người, sống chết với Người. Ông chấp nhận những đau khổ để được kết hiệp với Người. Đồng thời, ta cũng có thể nói đến một cuộc “đi xuống” (theo nghĩa như là xuống núi) sau khi đã hội ngộ với Thiên Chúa. Ông muốn phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo, bởi vì ông nhận ra rằng chân lý mà không có bác ái thì không phải là Thiên Chúa. Tuy nhiên, thiết tưởng còn một khía cạnh khác của bác ái mà ít người để ý, đó là “bác ái trí tuệ”. Ông vận dụng các tài năng triết học và khoa học của mình để loan báo Tin mừng, để lôi kéo mọi người đến với Đức Kitô. Ông muốn trình bày Đức Kitô như là chìa khóa nơi mà con người gặp thấy giải đáp cho những băn khoăn nhân sinh của mình. Nơi Đức Kitô, con người hiểu được những nghịch lý của thân phận của mình, vừa cao quý vừa khốn cùng. Đó là đường hướng “hộ giáo” mà ông chỉ mới phác thảo và được sắp xếp lại sau khi ông qua đời trong tập sách “Tư tưởng” nổi tiếng của ông. Nói cách khác, ông không muốn chỉ giữ lại Đức Kitô cho riêng mình, nhưng còn muốn chia sẻ cảm nghiệm của mình cho tha nhân nữa.

—————

[1] Romano Guardini, Pascal, Morcelliana, Brescia 1952, p.248.

[2] Tựa đề đầy đủ là : Augustinus, seu doctrina s. Augustini de humanae naturae sanitate, aegritudine, medicina adversus Pelagianos et Massilienses.

[3] Xc. Maurice Blondel, Le jansénisme et l’antijansénisme de Pascal, in «Revue de métaphysique et de morale» 1923.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here