Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN THÂM HIỂU

0
1465

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Mục 6: ƠN THÂM HIỂU

Như đã nói trong mục trước, xét về từ ngữ, hai ân huệ thứ năm (scientia) và thứ sáu (intellectus) không khác nhau bao nhiêu, khiến cho việc dịch thuật không được thống nhất. Thiết tưởng không phải là thừa khi ôn lại vài khái niệm liên quan đến từ ngữ.

I. Từ ngữ

Trong tiếng La tinh, ơn thứ sáu được gọi là intellectus. Danh từ này có thể được hiểu về quan năng, hoặc về hành vi. Hiểu theo quan năng, ta có thể dịch là “trí hiểu, trí tuệ” (Intellect trong tiếng Anh và Intelligence tiếng Pháp); hiểu như hành vi, ta có thể dịch là “hiểu” và được diễn tả bằng một động từ (comprendre tiếng Pháp, understand tiếng Anh). Một tính từ có họ hàng là intelligent (thông minh, sáng trí). Có lẽ vì thế mà bản dịch Sách GLCG của Ủy ban Giáo lý Đức tin chuyển gọi ơn huệ này là “thông minh”.

Trong tiếng La tinh, động từ intelligere được giải thích dựa theo tầm nguyên – ghép bởi hai từ “intus” và “legere”-, có nghĩa là: đọc bên trong, đọc thấu suốt. Đôi khi nó cũng ám chỉ sự nắm bắt vấn đề cách trực tiếp, không cần phải lý luận dài dòng (trực giác, intuition, insight). Đây là đặc trưng của tri thức nơi các loài thiêng liêng (chẳng hạn như các thiên thần), khác với loài người chúng ta, phải lý luận lâu dài (ratio discursiva) mới đi đến kết luận.

Triết học và thần học còn đưa ra một thứ phân biệt khác nữa trong các hành vi của trí tuệ. Trong tiến trình khám phá chân lý, con người phải vận dụng nhiều động tác: khởi đi từ các nguyên lý hiển minh, ta dùng những lý luận để phân tích đối chiếu, và khám phá ra các chân lý mới. Khi đã tìm thấy chân lý rồi, lý trí có thể an nghỉ, thưởng thức kết quả của công trình làm việc của mình. Một cách tương tự như vậy, trong đời sống cầu nguyện, ta dùng lý trí để “suy niệm” (meditatio) các chân lý mặc khải; tiến trình kết thúc với việc “thưởng thức” chân lý ấy, được đặt tên là “chiêm ngắm” (contemplatio).

II. Bản chất

A. Khái niệm

1. Kinh thánh

Như đã nói trong mục trước, Kinh thánh không phân biệt rõ rệt giữa “biết” và “hiểu” như các nhà thần học khi xác định bản chất của ơn “minh luận” và “thâm hiểu”. Tuy nhiên, khi đọc Kinh thánh, chúng ta nhận ra được giới hạn của lý trí con người đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Lý trí coi như mù tịt khi đối diện với thực tại thần linh. Sự hiểu biết các thực tại này là do mặc khải, mà con người cần chấp nhận bằng đức tin. Mặt khác, Tân ước nói đến những cấp độ khác nhau của đức tin: đức tin yếu ớt (Mt 8,26; 14,31) hay đức tin vững mạnh (Mt 15,28), đức tin non nớt hay đức tin trưởng thành. Thánh Phaolô đã khẩn xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu được tăng trưởng trong đức tin, biết nhận ra những chiều cao sâu của mầu nhiệm (Ep 1,15-19).

2. Thần học

Dựa trên những tiền đề ấy, thần học đã nói đến vai trò của ơn thâm hiểu đối với đức tin như sau:

Ơn thâm hiểu là một ân huệ Thánh Linh nhờ đó trí tuệ con người có khả năng nắm bắt các chân lý đức tin và các chân lý tự nhiên nhằm đến cứu cánh siêu nhiên tối hậu.

– Vai trò chính yếu của ơn thâm hiểu là kiện toàn đức tin, giúp nó hiểu được các chân lý mặc khải, về Thiên Chúa, về con người, về nguồn gốc và cứu cánh mọi vật. Các tác giả thần bí (thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá) đồng hóa với ơn chiêm niệm thiên phú (contemplación infusa).

– Để hiểu rõ bản chất của ơn huệ này, chúng ta hãy so sánh nó với hai ơn có tương quan gần gũi: ơn chỉ giáo và ơn cao minh. Ơn thâm hiểu được ví như một thứ trực giác, thông suốt các chân lý đức tin; vai trò của nó là thâm hiểu; còn ơn cao minh thì thêm vai trò phán đoán các chân lý siêu nhiên; ơn minh luận liên quan đến việc phán đoán các thực tại thụ tạo. Sau cùng, trong phạm vi trí tuệ, ơn chỉ giáo liên quan đến việc áp dụng vào các hoàn cảnh cụ thể.

B. Sự cần thiết

Đức tin là một nhân đức được Chúa ban cho ta để chấp nhận những điều Chúa mặc khải. Nhưng đức tin tác động nơi con người theo thể thức của con người, nghĩa là qua đường lối suy luận diễn dịch, và vì thế còn bất toàn.

Ơn thâm hiểu giúp cho con người được “nhìn thấy” chân lý đức tin một cách trực giác, đạt đến “đức tin tinh ròng” hoặc đức tin “chiêm ngắm”, gắn bó với chân lý cách trực tiếp, không còn qua trình tự suy diễn nữa.

C. Công hiệu

Ơn thâm hiểu dẫn con người vào trạng thái huyền bí. Nhờ ơn thâm hiểu, các thánh gắn bó chặt chẽ với các chân lý đức tin, không còn phải do dự hay nghi nan nữa. Ta có thể kể ra 6 công hiệu như sau:[1]

  1. Ơn thâm hiểu giúp chúng ta nhìn thấy những điều ẩn tàng ở dưới những hình thức bên ngoài. Nhờ ơn này, các nhà huyền bí nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh thể. Các ngài khao khát rước Chúa, tựa như con người cần đến lương thực để sống. Các ngài ngây ngất trước nhà tạm đặt Mình Thánh: các ngài không còn phải đọc kinh hay nguyện gẫm gì nữa, nhưng chiêm ngắm Người yêu đang hiện diện, như bác nông dân đã trả lời cho thánh Gioan, cha sở xứ Ars.
  2. Ơn thâm hiểu mở trí cho ta hiểu ý nghĩa của Kinh thánh, giống như Chúa Kitô phục sinh đã mở trí cho các môn đệ (Lc 24,45). Nhiều vị thánh đã khám phá một lý tưởng sống nơi vài đoạn văn Sách thánh, chẳng hạn thánh Têrêsa Giêsu “Tình thương Chúa, đời đời con ca ngợi” (Tv 89,1), thánh Têrêsa Hài đồng “Ai là kẻ bé nhỏ hãy đến cùng Ta” (Cn 9,4); thánh Elizabeth Chúa Ba ngôi “Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời” (Ep 1,6). Đối với các ngài, Kinh thánh trở thành câu chuyện tình yêu của Chúa Giêsu.
  3. Ơn thâm hiểu giúp cho linh hồn hiểu biết ý nghĩa huyền nhiệm của các hình ảnh và dụ ngôn trong Kinh thánh. Thánh Phaolô đã nhận ra hòn đá trào ra nước để cho dân Israel thỏa cơn khát chính là Đức Kitô (1Cr 10,4). Cũng như nhiều nhà thần học thời Trung cổ, thánh Gioan Thánh Giá khám phá ra những nghĩa huyền bí, luân lý, cánh chung của những hình ảnh và sự kiện của Cựu ước và Tân ước: tất cả đều có liên hệ đến đời sống ân sủng hoặc huyền bí của linh hồn. Đây là nguồn gốc của việc đọc Sách Thánh “trong thần khí”, nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa mà Thánh Linh muốn bày tỏ (sensus spiritualis), chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa văn chương.[2]
  4. Ơn thâm hiểu khám phá ra những thực tại thiêng liêng đàng sau những dấu chỉ của phụng vụ và bí tích. Phụng vụ Kitô giáo sử dụng rất nhiều biểu tượng và dấu chỉ mà đối với người tham dự hời hợt xem ra vô ý nghĩa, nhưng các nhà huyền bí tỏ ra lòng tôn kính sốt sắng vì họ nhìn thấy các thực tại cao siêu hàm chứa trong đó.
  5. Một công hiệu của ơn thâm hiểu dành cho các nhà thần học chiêm niệm là khám phá ra những hiệu quả ám tàng trong các nguyên nhân. Nhờ ơn Thánh Linh, họ nhận ra những hệ luận của một chân lý đức tin, chẳng hạn như Đức Kitô Trung gian, Đức Maria là Mẹ của Giáo hội, và nhất là những ưu phẩm phong phú của Thiên Chúa tuy dù bản tính của Ngài là đơn thuần.
  6. Đối lại, ơn minh luận cũng có thể khám phá nguyên nhân đàng sau các hậu quả. Linh hồn nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa đàng sau tất cả mọi biến cố lịch sử, mọi sự kiện: tất cả đều nằm trong một kế hoạch nhiệm mầu của Ngài (Ep 2,4).

Dù sao, chúng ta cũng đừng nên quên rằng bao lâu còn sống trên đời này, chúng ta vẫn còn đi trong bức màn của đức tin, chúng ta mới chỉ nhìn thấy Thiên Chúa cách lờ mờ như trong một bức gương (x. 1 Cr 13,12). Tuy vậy, theo thánh Tôma Aquinô, nhờ ơn thâm hiểu, cặp mắt tinh thần được thanh luyện để có thể nhìn thấy Thiên Chúa cách nào đó[3].

Nhờ ơn thâm hiểu, linh hồn đạt được một thứ “bản năng đức tin” (instinctus fidei), và để cho đức tin hướng dẫn tất cả mọi phán đoán và hành động của mình. Họ có thể nói như thánh Phaolô: “người công chính sống nhờ đức tin” (Rm 1,17).

III. Chân phúc tương ứng: con tim thanh sạch

Tương ứng với ơn thâm hiểu là chân phúc dành cho “những người có con tim trong sạch, bởi vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

1. Trong văn hóa hiện đại, trái tim là biểu tượng của tình yêu. Khi muốn bày tỏ tình yêu đối với ai, thì người ta trao tặng cho nhau hình của trái tim. Tuy nhiên, đó là phong tục của Tây phương chứ không phải của Kinh thánh. Kinh thánh được viết trong khung cảnh văn hóa miền Cận đông, cho nên đã sử dụng những ngôn ngữ và biểu tượng khác, và xem ra khá gần gũi với văn hóa Việt Nam. Trong tiếng Việt, con tim (tâm) là cơ quan suy tư chứ không phải là cơ quan cảm xúc, chẳng hạn như khi nói “hồi tâm”, nghĩa là trở về với con tim để mà đắn đo cân nhắc, hoặc“tâm niệm” có nghĩa là tưởng nghĩ ở trong tim. Trong Kinh thánh, trái tim được coi như là trung tâm của con người. Chính nơi đây, con người suy tư, xét đoán, quyết định mọi hành vi. Trái tim tương đương với “lương tâm” trong luân lý hiện đại. Như vậy, trái tim không phải là biểu tượng của tình yêu cho bằng biểu tượng của trí tuệ phán đoán và của ý chí. Vì thế không lạ gì mà người nào quen lắng nghe tiếng nói của con tim thì được gọi là có đời sống “nội tâm” dồi dào. Đây là còn ở trên bình diện tâm lý, xét tới những hành vi của con người. Kinh thánh còn đi xa hơn nữa, bởi vì con người được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trong viễn tượng này, trái tim là nơi mà con người đối diện gặp gỡ với Chúa, để mà tuân phục hay là chống cưỡng Thiên Chúa. Từ đó mà ta gặp thấy những thành ngữ: trái tim ngoan ngoãn, hay là trái tim chai đá; trái tim gần Chúa hay là trái tim xa Chúa!

Vào cuối thời Cựu ước, ngôn sứ Giêrêmia (Gr 31,33) đã loan báo một đặc trưng của giao ước mới ở chỗ Thiên Chúa sẽ trao cho con người một lề luật không phải là khắc trên tấm bia đá, nhưng là khắc trong con tim. Dưới chế độ giao ước mới, con người sẽ tuân hành luật Chúa không phải như kiểu chấp hành bộ hình luật của Nhà Nước (sợ bị hình phạt)! Không, con người sẽ tuân hành luật lệ của Thiên Chúa cách tự nguyện, với xác tín nội tâm. Vì thế không lạ gì mà Chúa Giêsu thường kêu gọi con người hãy trở về với trái tim của mình. Con người cần phải thờ phượng Chúa trong trái tim, chứ không phải ngoài môi mép! Chúa Giêsu đã lặp lại lời cảnh giác của Isaia như vậy (Mc 7,6: Is 29,13). Chính con tim là nơi đo lường tính cách luân lý của các hành vi. Thí dụ như trong bài giảng trên núi, khi mà Người cảnh cáo về những tội ngoại tình phạm ngay từ trong con tim (tâm tư) rồi (Mt 5,27). Từ con tim mà nảy ra những tư tưởng tâm tư làm hoen ố con người, chứ không phải qua những sự đụng chạm bên ngoài (Mt 15,19).

2. Tuy nhiên, khi tuyên bố “phúc thay những ai có con tim trong sạch, vì họ sẽ được thấy mặt Chúa”, thì có lẽ con tim trong sạch không có đối lại với “tà dâm” cho bằng “tà tâm”. Con tim trong sạch ám chỉ những con người thành thật, khiêm tốn; đối lại với hạng người dối trá, gian xảo, quỷ quyệt. Thật ra, tư tưởng “trái tim trong trắng” đã gặp thấy trong Cựu ước rồi. Chúng ta đọc thấy trong thánh vịnh 24 câu 3-4: “Ai được lên núi Chúa? Ai được trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối”. Kẻ tay sạch lòng thanh: bàn tay không ô uế, trái tim trong trắng, không lỗi công bằng. Trong thánh vịnh 51, (câu 12,19), vua Đavit xin Chúa đổi mới con tim, biến đổi cho nó nên trong trắng, thay thế cho con tim chai đá, ngoan cố. Theo hướng đó, “con tim trong trắng” trong Tin mừng được hiểu về con tim của những kẻ bé nhỏ, khiêm tốn, đối lại với con tim đã vẩn đục, đen tối vì những tư tưởng kiêu căng, hám danh, ích kỷ. Thiên Chúa chỉ tỏ lộ mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé nhỏ, chứ không phải với những kẻ thông thái theo quan điểm thế gian (Mt 11,25). Tư tưởng này đã được gặp thấy nơi Isaia (66,2) rồi: Thiên Chúa đoái nhìn những kẻ bé nhỏ, những người nghèo khổ, những người có tâm hồn tan nát.

3. Ơn thâm hiểu mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của đầu óc đứng trước những thực tại thần linh. Chúng ta hãy khước từ hình ảnh về Thiên Chúa dựa theo lối suy tư của chúng ta, để chấp nhận Thiên Chúa như chính Ngài. Điều này giả thiết một sự “thanh luyện đức tin” mà các nhà huyền bí thường nói đến. Thực vậy, chúng ta thường gắn liền ý tưởng về Thiên Chúa với một hình thức mà ta thủ đắc được nhờ truyền thống, hoặc do học hỏi, hoặc do kinh nghiệm. Đến khi Thần khí thanh luyện tâm trí ta khỏi những hình thức ấy, chúng ta cảm thấy choáng váng. Trước đây, chúng ta tưởng rằng những hình thức ấy là ánh sáng, nhờ đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa; bây giờ, những “ánh sáng” đó bị tước đoạt, để lại một khoảng trống trong tâm trí chúng ta. Đó là “đêm tối đức tin”. Đừng kể những cảm nghiệm về đêm tối mà thánh Gioan Thánh giá kể lại, người ta cũng thường trưng dẫn thánh Tôma Aquinô như một gương mẫu điển hình. Theo các sử gia, sáu tháng trước khi qua đời, thánh nhân đã được hưởng một thị kiến (ngày 6/12/1273). Kể từ hôm đó, ngài ngưng việc viết sách. Dù anh em hoặc bề trên năn nỉ xin tiếp tục, ngài lắc đầu trả lời: “Tôi không thể viết được nữa, tất cả đều là rơm rác!”

Tóm lại, khi giải thích chân phúc “phúc cho ai có trái tim trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”, ta có thể phân biệt hai vế: một bên là tâm tình chuẩn bị; bên kia là phần thưởng.

  1. Xét về sự chuẩn bị, có thể nói đến hai thứ trong sạch:

– trong sạch của con tim: con người được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi và tình cảm rối loạn, nhờ việc thực tập các nhân đức và nhờ các ân huệ liên quan đến tâm tình.

– trong sạch trong tâm trí: con người được thanh luyện khỏi những hình ảnh khả giác và khỏi những sai lầm trái nghịch đức tin. Đây là hệ luận của ơn thâm hiểu.

  1. Xét về phần thưởng là “nhìn thấy Thiên Chúa”, ta cũng cần phân biệt hai cách thức:

– Nhìn thấy Thiên Chúa cách hoàn hảo: chỉ có ở trên trời, với ơn phúc kiến (visio beatifica).[4]

– Nhìn thấy Thiên Chúa cách bất toàn ở trên đời này: đây là công hiệu của ơn thâm hiểu, khi chúng ta biết được Thiên Chúa một cách khác biệt với sự hiểu biết tự nhiên, và với cách thức vượt xa sự hiểu biết đức tin.

IV. Thực hành

A. Tiêu cực

Thánh Tôma nói đến hai tật xấu trái nghịch với ơn thâm hiểu: sự mù quáng thiêng liêng (caecitas spiritualis) và sự cùn nhụt cảm thức (obtusitas sensus):[5] cái thứ nhất hoàn toàn thiếu cách nhìn thiêng liêng (mù lòa); cái thứ hai thì giảm bớt năng lực của nó (cận thị).

Cả hai đều bắt nguồn từ những tội xác thịt (dâm dục và tham ăn): không có gì làm suy giảm trí tuệ (kể cả trên bình diện tự nhiên) như là thú đam mê vật chất trái nghịch với nó. Vì thế, tật dâm dục sinh ra sự mù quáng thiêng liêng, hầu như loại trừ sự hiểu biết và quý trọng những giá trị thiêng liêng; tật tham ăn gây ra sự cùn nhụt cảm quan thiêng liêng.

Người ta có thể rơi vào bệnh mù quáng tâm trí khi quá mê theo những thú vui trần tục, không thể nào tập trung vào việc suy gẫm các chân lý vĩnh cửu, chấp nhận những đường lối của Thiên Chúa mà thường bị thế gian xem là điên rồ.

Khi đọc Tin mừng, chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách các tông đồ vì “chậm hiểu”, bởi vì họ quen với lập luận theo thói đời, chẳng hạn như thích quyền chức danh vọng. Họ mong mỏi Thầy mình được vinh quang hiển hách, ngõ hầu họ cũng được làm quan hầu cận (Mt 20,22-27). Dĩ nhiên, họ không thể nào chấp nhận cái chết của Thầy mình trên thập giá (Mc 8,33). Đó là lý do của sự “chậm hiểu” của hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 26,25), và thậm chí của các tông đồ vào lúc từ biệt Chúa về trời (Cv 1,6).

B. Tích cực

Một lần nữa, cần nhắc lại rằng, đối với ân huệ Thánh Linh, chúng ta chỉ có thể chuẩn bị tâm hồn để đón nhận, chứ không thể tập tành như là đối với các nhân đức.

  1. Sống đức tin, thực hành đức tin trong điều kiện thông thường. Đây là cách chuẩn bị để Thánh Linh đến hỗ trợ bằng ơn thâm hiểu. Việc học hỏi đạo lý đức tin cũng nằm trong chương trình này.
  2. Thanh tịnh hồn xác. Bởi vì ơn thâm hiểu tương ứng với chân phúc dành cho những kẻ có con tim trong sạch. Duy chỉ có con tim trong trắng mới được nhìn thấy Chúa. Các nhà huyền bí đồng ý rằng để con tim được trong sạch, linh hồn cần phải trải qua một cuộc thanh luyện, như đã nói trên đây.
  3. Hồi tâm để lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo. Cố gắng luôn luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, dù bận rộn giữa trăm công ngàn việc.
  4. Trung thành với ơn thánh. “Đừng làm buồn Chúa Thánh Linh” (Ep 4,30), khi khước từ những hy sinh mà Ngài yêu cầu. Ngoan ngoãn tuân theo những gì Ngài thúc giục, tuy rằng đôi khi xem ra quá sức; hãy tâm niệm rằng “Tôi có thể làm tất cả nhờ Đấng ban sức cho tôi” (Pl 4,1).
  5. Cầu xin chính Chúa Thánh Linh: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”, “Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa ban sức mạnh Thánh Thần cho chúng con, để chúng con hằng nhận ra thánh ý và sống sao cho đẹp lòng Chúa suốt đời” (Lời nguyện thứ hai sau CN VII Phục sinh). Chúng ta hãy kết hợp lời cầu cùng với Mẹ Maria (Cv 1,14), Đấng luôn suy gẫm Lời Chúa trong lòng (Lc 2,19.51), để tìm hiểu kế hoạch của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng cầu xin cho các tín hữu “được am tường thánh ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần khí ban cho” nhờ vậy, họ “sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn” (Cl 1,9-10).

————————————

[1] X. Summa Theologiae II-II, q.8, a.1.

[2] Xem Đức thánh cha Bêneđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 37-38.

[3] “In hac etiam vita, purgato oculo per donum intellectus, Deus quodammodo videri potest” (Summa Theologiae I-II, q.69 a.2 ad 3).

[4] X. ĐSTL XIV (Niềm hy vọng hồng phúc), trang 179-182; 192-193.

[5] Summa Theologiae, II-II, q.15.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here