Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN HÙNG MẠNH

0
2074

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kito hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Mục 2: ƠN HÙNG MẠNH

I. Từ ngữ

Trong bậc thang các ân huệ Thánh Linh, cấp thứ hai là ơn hùng mạnh (fortitudo), kiện toàn nhân đức cùng tên. Thực ra, nhân đức này có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ: hùng mạnh, mạnh bạo, bạo dạn, can đảm, dũng cảm, hùng dũng[1]

A. Nhân đức hùng mạnh: nghĩa tổng quát và nghĩa đặc thù

Nhân đức hùng mạnh có thể hiểu theo hai nghĩa: tổng quát và đặc thù.

1. Một cách tổng quát, ta cần có sức mạnh để thực hành mọi nhân đức, bởi vì việc thi hành bất cứ nhân đức nào cũng đều cần vượt thắng những khó khăn trở ngại.

2. Một cách đặc thù, nó ám chỉ lòng cương quyết thi hành điều tốt cam go khi đương đầu những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.[2] Sách GLCG định nghĩa nhân đức hùng mạnh như sau (số 1808):

Nhân đức giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Nó giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả sự chết, đương đầu với sự thử thách và các cuộc bách hại. Nó giúp chúng ta đi chỗ từ bỏ và hy sinh mạng sống để bảo vệ lẽ phải.

Các nhân đức họ hàng với hùng mạnh là: độ lượng, hào hiệp, nhẫn nại, kiên trì.

B. Nhân đức anh hùng

Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên nói qua khái niệm về “nhân đức anh hùng”, một thuật ngữ thường được sử dụng trong thủ tục phong thánh. Thuật ngữ này bắt nguồn từ triết gia Aristote. Ông đã mở rộng ý nghĩa của từ “anh hùng”, không chỉ giới hạn vào sự dũng cảm mà thôi, nhưng còn áp dụng cấp độ cao của việc thực hành các nhân đức. Trong quyển VII Đạo đức luận (Ethica Nicomachea), Aristote nói tới việc thực hành nhân đức “bình thường” và thực hành nhân đức “cách anh hùng”. Kẻ có nhân đức bình thường thì biết dùng lý trí để chế ngự bản năng, còn người có nhân đức anh hùng khi nào tiến tới cấp độ toàn hảo gần tới bậc thần linh. Lý luận của Aristote vẫn còn dựa theo lý trí tự nhiên, theo nghĩa là cả hai cấp độ thực hành nhân đức đều được nhìn từ phía con người. Đến khi nghiên cứu các nhân đức dưới ánh sáng mặc khải, thánh Tôma Aquinô du nhập hai cấp độ thực hành nhân đức của Aristote nhưng thay đổi viễn cảnh. Theo thánh Tôma, có hai cách thức để thực hành các nhân đức: cách thông thường, do sức cố gắng của con người; cách anh hùng, dưới tác động của ơn thánh, đặc biệt là do bảy ơn Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc thực hành các nhân đức được gọi là cách anh hùng không những vì phát sinh công hiệu phi thường mà còn vì nó do chính sức mạnh của Chúa, đến nỗi nói được rằng nó là hành động của Chúa, vì vậy mà được gọi là hoàn hảo, toàn thiện.[3] Như vậy, chúng ta thấy rằng Aristote quan niệm rằng nhân đức gọi là anh hùng vì nó trổi vượt xuất chúng, gần sát với thần linh, còn thánh Tôma giải thích tính cách thần linh do nguồn gốc của nó, nghĩa là do Thánh Linh tác động.

Quan điểm thực hành nhân đức anh hùng được đưa vào thủ tục phong thánh từ thế kỷ XVII, với việc xuất bản cuốn sách De servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione của đức thánh cha Bênêđictô XIV,[4] qua đó việc thực hành các nhân đức anh hùng được định nghĩa qua ba đặc tính: dễ dàng, lanh lẹ và vui vẻ (expedite, prompte, delectabiliter), nhất là khi gặp những hoàn cảnh khó khăn.

II. Bản chất

A. Khái niệm

Trước hết, chúng ta nói qua “sức mạnh của Thiên Chúa” trong Kinh thánh, kế đó chúng ta sẽ bàn đến ơn hùng mạnh.

1. Kinh thánh

Trong Cựu ước, các tín hữu ý thức rằng Thiên Chúa là sức mạnh vô biên vô địch, như là Đá tảng; Ngài cũng có khả năng thông đạt cho các tín hữu sức mạnh của Ngài. “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con, Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ” (Tv 18,2-3). “Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi, lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người. Tôi đã được Người thương trợ giúp, nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người. Chúa là sức mạnh cho dân Chúa, là thành trì cứu độ cho đấng Người đã xức dầu tấn phong” (Tv 28,7-8).

Những ai tin vào Chúa sẽ gặp nhiều thử thách trên đời, nhưng họ được nâng đỡ nhờ sức mạnh của Thánh Linh: “Nhờ đức tin, các vị này đã chinh phục các nước, thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khóa miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm, lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ (…) Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng sự sống lại tốt đẹp hơn. Có những người phải chịu roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ. Thế gian chẳng xứng với họ!” (Hr 11,32-38).

Đó là nói về đời sống các tín hữu trong Cựu ước; về điểm này, Tân ước cũng không khác mấy. Thật vậy, các môn đệ của Chúa Giêsu cần được Thánh Linh ban sức mạnh bởi vì họ không thuộc về thế gian cho nên sẽ bị thế gian bắt bớ. Họ đã được chính Chúa nhắc nhở về điều ấy (Mt 5,11; Ga 15, 18-21). “Những ai muốn trung thành với Đức Kitô đều phải chịu đựng nhiều cuộc bách hại” (2Tm 3,12). Sách Khải huyền (chương 13) đã mô tả cuộc chiến đấu giữa những người muốn theo Chúa Kitô với những kẻ thờ lạy Con Thú. Dĩ nhiên, cuối cùng các Kitô hữu sẽ thắng, nhưng phải trải qua những cuộc bách hại và từ đạo.

Ngoài những cuộc chiến đấu với thế gian, các tín hữu còn phải chiến đấu với xác thịt và ma quỷ: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng” (Ep 6,12). Vì thế, tất cả các tín hữu cần phải liên lỉ nài xin sức mạnh của Thánh Linh, cầu xin cho mình cũng như cho anh chị em của mình, như thánh tông đồ đã làm: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện và kêu xin Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần khí ban cho… Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả” (Cl 1,9.11).

Nếu sức mạnh của người Kitô hữu không nằm ở nơi mình nhưng là nơi Chúa, thì sức mạnh tinh thần của họ sẽ tăng thêm, xét rằng khi biết sức mình yếu đuối, họ chỉ nương tựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nhìn nhận như vậy: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo, vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10). “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm tất cả” (Pl 4,13).

Cũng nên thêm rằng trong Tân ước, sức mạnh của Thiên Chúa được đồng hóa với Thánh Linh: các tông đồ nhận lãnh sức mạnh bởi Thánh Linh để làm chứng nhân cho Tin mừng (x. Lc 24, 49; Cv 1,8). Thánh Linh được ví như “ngón tay của Thiên Chúa” (Lc 11,20: Mt 12,28).

2. Thần học: ơn hùng mạnh

Chúng ta tạm định nghĩa ân huệ hùng mạnh như sau:

Hùng mạnh là một ân huệ do Thánh Linh thúc đẩy, nhằm tăng cường cho linh hồn có sức mạnh thực hành các nhân đức anh hùng, với lòng tin tưởng sắt đá sẽ vượt qua tất cả mọi gian nguy và khó khăn trên đời này.

Đặc trưng của ơn hùng mạnh là nó không chỉ củng cố nhân đức hùng mạnh mà thôi, nhưng còn trợ giúp tất cả mọi nhân đức. Trên đây, chúng tôi đã nói rằng đức hùng mạnh có thể hiểu theo nghĩa tổng quát hoặc theo nghĩa đặc thù. Khi đề cập đến ân huệ Thánh Linh, chúng ta hiểu “hùng mạnh” theo nghĩa tổng quát, nghĩa là bao hàm tất cả mọi nhân đức khi phải thực hành “tới mức anh hùng”.

– Ơn Chúa Thánh Thần đến trợ giúp con người khi phải thực hiện những hành vi phi thường, hoặc vì là những công việc khó khăn, hoặc vì đương đầu với những tổn thất nặng nề, hoặc vì phải chịu đựng những khổ hình kinh khủng. Tuy rằng nhân đức anh hùng đã giúp chúng ta vượt thắng những khó khăn, nhưng phần nào còn nằm trong tầm khả năng của con người; ân huệ Thánh Linh can thiệp khi chúng ta cần đến lòng tin tưởng sắt đá vào quyền năng Thiên Chúa để đương đầu với những khó khăn ấy. Nói cách khác, sự khác biệt căn bản giữa “nhân đức” và “ân huệ” nằm ở quyền năng của con người hoặc của Thiên Chúa. Ân huệ mang đến cho ta lòng tin tưởng có thể đương đầu mọi gian nguy và lướt thắng “Cậy sức Ngài, con tấn công bọn giặc, nhờ ơn Ngài là Thiên Chúa của con, con vượt thành vượt lũy” (Tv 18,30).

– Ngoài sự khác biệt về quyền năng, ân huệ còn khác biệt với nhân đức xét về đối tượng. Ân huệ bao trùm tất cả mọi khó khăn gặp phải trên đường nên thánh, không chỉ những khó khăn từ bên ngoài mà cả từ bên trong nữa.

– Hậu quả là ân huệ hùng mạnh mang lại cho con người sự chắc chắn nắm được phần thắng và đạt tới mục tiêu, vì nhờ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Thật ra, đôi khi nhân đức hùng mạnh phải chịu giới hạn trong hoạt động, bởi vì nó chỉ dựa trên những tính toán khôn ngoan tự nhiên. Ân huệ mở ra cho tâm trí những viễn tượng mới, khiến cho con người dám dấn thân vào lãnh vực mà dưới cái nhìn bình thường, có thể bị coi là điên rồ. Nhờ có ân huệ Thánh Linh, các thánh dám làm những việc “anh hùng” mà thế gian cho rằng liều lĩnh, dại dột. Thế nhưng đường lối của Thiên Chúa đâu có giống như đường lối của con người?

B. Sự cần thiết

Ơn hùng mạnh cần thiết cho nhân đức hùng mạnh cũng như cho tất cả mọi nhân đức.

1. Cần thiết cho nhân đức hùng mạnh. Như vừa nói, tuy nhân đức hùng mạnh cần thiết cho đời sống luân lý, nhưng xét vì còn lệ thuộc vào khả năng con người cho nên nó gặp nhiều giới hạn. Ân huệ đến hỗ trợ nhân đức dưới nhiều hình thức: củng cố ý chí, thúc đẩy cảm xúc và thậm chí đôi khi tăng cường sức mạnh thể chất nữa. Nhờ có ơn hùng mạnh, biết bao nhiêu người, thuộc mọi thành phần xã hội, đã mạnh dạn và kiên cường thi hành các nghĩa vụ của người Kitô hữu giữa bao hiểm nguy trên đời.

2. Cần thiết cho tất cả mọi nhân đức (tựa như kiên nhẫn, khiêm nhường, khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục…). Điều này thường được gọi là thực hành “các nhân đức anh hùng”, nghĩa là với nghị lực, nhanh nhẹn và bền vững. Thậm chí, ơn hùng mạnh đôi khi cũng cần thiết ngõ hầu duy trì tình trạng ân sủng, đứng trước những cơn cám dỗ thình lình xảy đến, khiến ta không kịp chuẩn bị đối phó, hoặc quá sức chịu đựng của ta bởi vì cuộc kháng cự sẽ kèm theo sự mất mát danh dự và kể cả tài sản. Trong hoàn cảnh ấy, người tín hữu chỉ còn biết trông chờ ơn Thánh Linh chứ không thể dựa trên sức mạnh của mình được. Sự cần thiết của ơn hùng mạnh không chỉ cảm thấy vào đôi lúc gặp nguy nan nhưng nói được là suốt đời, bởi vì trót cuộc sống là cuộc trường kỳ kháng chiến (G 7,1), và chính thánh Phaolô đã hơn một lần tự thú: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội” (Rm 7,15.21-23). Hình ảnh giao tranh chiến đấu xuất hiện nhiều lần trong các thư thánh Phaolô, chẳng hạn trong thư Êphêsô (6,10-17). Dựa theo dụ ngôn về những kẻ thù của hạt giống Lời Chúa (x. Mt 13,18-23; 26,41), các bậc tôn sư đời đan tu nói đến việc chiến đấu chống lại ba kẻ thù: xác thịt (những đam mê), thế gian, ma quỷ. Dù nói gì đi nữa, các “kẻ thù” ấy nằm ngay bên trong chính con tim của chúng ta, chứ chẳng phải ở đâu xa lạ, đó là chưa nói đến những bệnh tật thể lý hoặc tâm linh. Để có thể trung thành với luật Chúa, chúng ta cần đến sức mạnh của chính Chúa.

C. Công hiệu

Chúng ta có thể nhận thấy những công hiệu của ơn hùng mạnh, cách riêng nơi cuộc đời của các vị thánh, những người đã thực hiện các nhân đức đến mức anh hùng.

1. Ơn hùng mạnh mang lại cho ta nghị lực để thực hành nhân đức. Nhờ sức mạnh ấy, linh hồn không nản chí tháo lui trong việc phục vụ Chúa. Các thánh không phải là những con người mình đồng da sắt: họ cũng cảm thấy sức nặng của thời tiết nóng lạnh, thân thể suy yếu, nhưng họ cứ tiếp tục tiến tới, nhờ sức mạnh siêu nhiên. Thánh Têrêsa Giêsu (Avila) đã viết: “Tôi thấy cần ý chí cương quyết đạt đến sự trọn lành, không chịu lui bước trước bất cứ trở ngại nào, dù xảy đến sự cố nào đi nữa, dù gặp phải những lẩm bẩm kêu ca, thậm chí dù phải chết hoặc trời đất có sụp đổ đi nữa.”[5]

2. Tiêu hủy tính uể oải trong việc phục vụ Chúa. Tính uể oải (trễ nải, ươn ái) làm tê liệt sự tiến triển trong đường trọn lành: những con người như vậy cảm thấy không có nghị lực để thực hành nhân đức; họ muốn buông xuôi vì cứ phải thi hành những công việc đều đều từ ngày qua ngày nọ, và chẳng bao lâu, họ “treo binh giáp”. Ta cần có sức mạnh siêu nhiên để chiến thắng tính ươn lười, uể oải trong việc phụng thờ Chúa.

3. Làm cho con người trở nên dạn dĩ bất khuất trước những đối phương. Ta có thể nhận thấy điều này rõ rệt nơi các thánh tông đồ. Khi thấy Thầy mình bị bắt, họ bỏ trốn hết, thậm chí ông Phêrô còn chối lay lảy là không biết đến ông Giêsu, tuy dù trước đó ông thề là dù chết cũng sẽ không bỏ Thầy! Thế nhưng, vào lễ Ngũ tuần, tình hình đã lật ngược lại. Các tông đồ không còn sợ hãi nữa. Họ bất chấp lệnh cấm của Thượng hội đồng Do thái không được rao giảng danh ông Giêsu, và khẳng khái tuyên bố: “Phải tuân theo Thiên Chúa hơn tuân theo loài người” (Cv 5,29). Họ bị đánh đòn, bị tống ngục, nhưng họ vẫn vui chịu đau khổ vì danh Giêsu (Cv 5,41). Tất cả đều tuyên xưng Thầy mình và sẵn sàng chịu chết. Trước đây, ông Phêrô rụt rè vì lời tố giác của một cô gái, thì giờ đây đã sẵn sáng chịu chết với một khổ hình giống như Thầy mình; theo lưu truyền, ông bị đóng đinh vào thập giá, đầu chúi xuống đất.

Lịch sử còn để lại tấm gương hùng mạnh của bao nhiêu vị thánh tử đạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần ghi nhận sự mạnh mẽ của thánh Catarina Siena, một thiếu nữ 30 tuổi, dám lên đường từ Ý sang Avignon để yêu cầu đức thánh cha trở lại nhiệm sở của mình ở Rôma, hoặc của thánh Têresa Avila khi đứng ra cải tổ dòng Cát Minh. Các ngài cứ thẳng tiến, bất chấp những lời dị nghị dèm pha: họ đã nhận được sức mạnh của Thánh Linh và dám làm những chuyện xem ra điên rồ như vậy.

4. Vui vẻ chịu đựng những đau đớn. Khi gặp những nghịch cảnh, nếu ta biết chịu đựng cách nhẫn nhục thì đã đáng khâm phục rồi. Nhưng các thánh còn chấp nhận chúng cách vui tươi nữa. Các ngài đã chọn lựa “sự điên rồ của thập giá” qua những cuộc hành khổ thân xác, hoặc qua việc hoan hỉ chịu đựng các bệnh tật trên thân xác. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói rằng: “Mọi đau khổ đã trở thành ngọt ngào đối với tôi.”[6]

5. Giúp cho linh hồn thực hiện đức “anh hùng bé nhỏ”. Ngoài những dịp phải thực hiện đức anh hùng phi thường (như trường hợp bắt đạo), cuộc đời chúng ta cần ân huệ của Thánh Linh để sống “anh hùng” khi thi hành việc bổn phận hàng ngày, trung thành ngay cả trong những tình tiết của công việc.

III. Chân phúc tương ứng: đói khát sự công chính

Dựa theo thánh Augustinô, thánh Tôma liên kết ơn hùng mạnh với chân phúc dành cho những kẻ đói khát sự công chính, bởi vì sự hùng mạnh liên quan đến những điều cam go khó khăn, và việc khao khát nên thánh cách mãnh liệt quả là một điều cam go và khó khăn:[7]Phúc cho ai khát khao sự công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6).

Để hiểu rõ vấn đề hơn, nên nói qua ý nghĩa của sự “công chính” theo Kinh thánh. Danh từ iustitia có thể dịch ra tiếng Việt bằng ba danh từ khác nhau: công lý, công chính, công bình. (Nếu là tính từ iustus thì còn có thể thêm: công minh, công thẳng, thanh liêm, chính trực). Ba từ ấy tuy có liên hệ với nhau, nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa: “công lý” được hiểu về một lý tưởng khách thể: cái gì là đúng; “công bình” bao hàm mối tương quan với tha nhân trong xã hội; “công chính” nói đến tương quan của con người đối với Thiên Chúa.[8] Ở đây, thiết tưởng nên hiểu về sự “công chính”, nghĩa là tình trạng của con người trước mặt Thiên Chúa. Do tội lỗi, con người đã trở nên “bất chính”, nhưng Thiên Chúa đã thương ban ơn công chính cho chúng ta nhờ Đức Kitô. Ơn công chính này không chỉ thanh luyện chúng ta khỏi tội lỗi mà còn biến đổi chúng ta thành thụ tạo mới, trở nên con cái Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh, và đã ban cho chúng ta ơn thánh sủng ngõ hầu chúng ta có khả năng yêu mến Ngài “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực”. Đó chính là niềm khát khao nên thánh, cũng như niềm khát khao hợp tác với công cuộc thánh hóa nhân loại. Quả thật là một dự án vĩ đại, dành cho những “người hùng”: nó gây ra nơi họ một sự “đói khát” mãnh liệt. Phàm ai đã đói thì tìm cách để làm thỏa mãn cơn đói; một khi đã được no rồi thì thấy thỏa thích; nhưng chẳng mấy chốc lại cảm thấy đói. Từ chỗ phân tích bản năng tự nhiên, ta có thể chuyển sang ý nghĩa tinh thần, và tìm thấy mẫu gương nơi chính các bậc thầy của chúng ta.

Đức Giêsu để lại cho ta mẫu gương hùng mạnh ấy. Người “đói” muốn thực hiện ý định cứu độ của Thiên Chúa; ý định ấy trở nên lương thực của Người (Ga 4,34; x.Hr 10,5). Ý muốn của Thiên Chúa cũng là “chén” mà Người sẵn sàng uống (Ga 18,11) và cũng muốn cho các môn đệ được chia sẻ (Mc 10,38). Đó là ý nghĩa mà Người thốt lên trên thập giá “Tôi khát” (Ga 19, 28): khát khao cho sự thánh thiện của Thiên Chúa được thực hiện nhờ hy lễ của Người. Và Người đã chu toàn điều đó khi thốt lên trước khi chết: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,29).

Lòng khao khát phục vụ kế hoạch cứu độ đã thúc đẩy thánh Phaolô dấn thân vào việc loan báo Tin mừng, bất chấp những gian truân: “Lòng mến Chúa Kitô thúc đẩy tôi” (2Cr 5,14). Đó cũng là động lực của bao nhiêu vị thánh, nhờ ơn hùng mạnh, đã có lòng ước ao mãnh liệt muốn làm những công việc lớn lao hoặc muốn chịu đau khổ vì Chúa.

IV. Thực hành

Cũng như đối với ơn kính sợ, chúng ta có thể nói đến khía cạnh tiêu cực (nết xấu đối nghịch) và tích cực (những phương thế)

A. Tiêu cực

1. Theo thánh Grêgôriô, đối nghịch với ơn hùng mạnh là tính nhu nhược, thường đi đôi với tính nhút nhát, bắt nguồn từ chỗ thích tiện nghi, không dám thực hiện những việc lớn để làm vinh danh Chúa, hoặc trốn tránh đau khổ.[9]

2. Khi bàn về những nết xấu trái ngược với nhân đức hùng mạnh, thánh Tôma nói đến khuyết điểm vì bất cập và vì thái quá.

– Khuyết điểm vì bất cập là tính “nhát sợ: trốn chạy trước những nguy hiểm, để rồi từ bỏ làm điều tốt mà lý trí truyền phải làm.

– Khuyết điểm vì thái quá là “gan lì” và “liều lĩnh”. Kẻ gan lì không tránh những nguy hiểm khi có thể và cần phải tránh. Kẻ liều lĩnh khinh thường những quy tắc khôn ngoan khi đương đầu với hiểm nguy.[10]

B. Tích cực

Như đã nêu lên trước đây, chúng ta không thể vun trồng thực tập ơn Chúa Thánh Linh, nhưng chúng ta chỉ có thể tạo ra môi trường thuận tiện để cho ngài dễ hoạt động nơi ta.

1. Thi hành chu đáo nghĩa vụ của mình, bất chấp mọi trở ngại. Có những việc anh hùng hoàn toàn vượt tầm mức của chúng ta, nhưng cũng có những việc mà – nhờ ơn Chúa giúp – chúng ta có thể làm được hơn nữa. Đành rằng việc thực hành nhân đức anh hùng như các thánh là một ân huệ Thánh Linh, nhưng thường Ngài không tác động nơi ta khi thấy ta lười biếng ủy mị. Vì thế, thái độ đầu tiên về phía chúng ta là cố gắng làm điều gì nằm trong tầm tay của mình.

2. Đừng xin Chúa cất bỏ thánh giá, nhưng chỉ xin Ngài ban sức mạnh để có thể vác thánh giá. Các thánh đã nhận được ơn hùng mạnh để đương đầu với những nghịch cảnh và khó khăn trên đường tiến tới đỉnh trọn lành. Do đó, nếu vừa gặp phải một nghịch cảnh trái ý mà Chúa quan phòng gửi đến thì chúng ta liền kêu ca và xin Ngài cất đi. Chúng ta đừng xin Chúa cất khỏi những thánh giá, nhưng hãy xin Chúa ban sức mạnh để vác thánh giá. Sớm muộn gì Ngài cũng đến ban thưởng cho chúng ta.

3. Thực hành khổ chế tự nguyện. Người nào đã dầm mưa giãi nắng thì dễ đối kháng với thời tiết khắc nghiệt; người đã quen chịu cực chịu khổ thì dần dần không sợ sệt những khổ đau. Thậm chí họ còn dám thách thức đối phương để có cơ hội rèn luyện khả năng chiến đấu của mình. Ngày nay chúng ta không dồi dào sức lực thể xác và tinh thần để thực hành những thứ khổ chế như các vị tu hành thời xưa, nhưng chúng ta không thiếu những cơ hội để thi hành khổ chế tự nguyện: giữ thinh lặng khi cảm thấy ngứa miệng muốn nói; không kêu ca lẩm bẩm khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc thức ăn không hợp khẩu vị; tỏ ra ân cần đối với những người khó tính khó nết; chấp nhận những chỉ trích, phản đối. Đó là những hành vi nhỏ bé mà có thể làm được kể cả khi thấy mình nhỏ bé yếu hèn. Thánh Têrêsa Hài đồng vui thích vì thấy mình hèn kém vô dụng, nhờ vậy mình biết hoàn toàn phó thác cho Chúa hơn.

4. Tìm thấy nguồn sức mạnh nơi bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là lương thực thần thiêng mang lại sức mạnh cho linh hồn. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng chúng ta hãy rời bàn thánh với sức mạnh của sư tử để đâm đầu vào những việc anh hùng làm tôn vinh Thiên Chúa.[11] Lý do là tại vì chúng đã được tiếp xúc với Chúa Kitô là sư tử của nhà Giuđa (Kh 5,5), và Người muốn truyền đạt cho chúng ta sức mạnh thần linh của Người nơi bí tích thần lương này.

—————————————————

[1] X. ĐSTL XII, trang 174.

[2] X. ĐSTL XII, trang 188-189.

[3] Summa Theologiae, I-II, q.54, a.3.

[4] Đây là cuốn cẩm nang viết khi còn làm hồng y (1734-1738), trong đó “nhân đức anh hùng” được định nghĩa như sau: “ille virtutis gradus, perfectio, seu fulgor et excellentia, qua facit ut homo circa materiam illius virtutis supra communem aliorum hominum operandi modum operetur, et in hoc Deo similis est” (III, 21, 10).

[5] Thánh Têrêsa, Đường trọn lành, 21,2.

[6] X. Novissima verba, ngày 29 tháng năm.

[7] Summa Theologiae, II-II, q.139.

[8] X. ĐSTL XII, trang 108-109.

[9] X. Morales c.49: ML 75,593.

[10] ĐSTL XII, trang 194-197.

[11] In Joannem homiliae 61, 3: MG 59,260.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here