Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN CAO MINH

0
1669

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Mục 7: ƠN CAO MINH

Trong các ơn huệ Thánh Linh, “cao minh” được đặt ở chóp đỉnh, không những bởi vì nó kiện toàn đức mến là cốt lõi của sự trọn lành, nhưng còn vì nó đưa linh hồn đến chỗ kết hiệp với Thiên Chúa, sự kết hiệp được đặt tên là “huyền bí”, cho phép nếm hưởng trước hạnh phúc vĩnh cửu ở trần gian này. Cũng giống như các mục trước đây, chúng ta bắt đầu với việc giải thích các từ ngữ.

I. Từ ngữ

Trong tiếng La tinh, ơn huệ thứ bảy được gọi là sapientia (Hy lạp: sophia; Pháp: sagesse; Anh: wisdom). Đây là một từ ngữ khá quen thuộc trong Kinh thánh, bởi vì được đặt tên không những cho một tác phẩm mà thậm chí cho cả một thể văn. Sapientia còn là một ưu phẩm của Thiên Chúa, và trong Tân ước, thánh Phaolô gọi Đức Kitô là “Sapientia Dei” (Sophia Theou 1 Cr 1,20).[1] Từ này thường được dịch là “khôn ngoan”; tuy nhiên, “khôn ngoan” cũng được dùng để dịch danh từ prudentia, một nhân đức dạy chúng ta cách thức cư xử phù hợp với lý trí.[2] Để tránh trùng hợp, chúng tôi đề nghị dịch sapientia là “cao minh”, ám chỉ sự “sáng suốt vượt trội”, tuy rằng nó vẫn chưa diễn tả bản chất của ơn huệ này, như sẽ nói dưới đây.

Bên Đông phương, cũng có những khái niệm tương tự, chẳng hạn: “tuệ” (thông tuệ), “huệ” (trí huệ), “ngộ” (giác ngộ), “minh triết” (Philosophia theo nguyên ngữ Hy lạp có nghĩa là yêu mến sophia. Trong ngôn ngữ thường ngày, bên cạnh từ “cao minh”, chúng ta cũng gặp thấy nhiều thuật ngữ tương đương: “thượng trí, uyên thâm, bác học, thông thái, minh mẫn”… Những từ ngữ này muốn nói lên một kiến thức rộng rãi, đặc biệt một sự từng trải chuyên môn trong một lãnh vực nào đó, thấu hiểu vấn đề đến tận nguồn tận ngọn.

II. Bản chất

Như vừa nói trên đây, trong Kinh thánh, sapientia (cao minh) không chỉ là tên đặt cho một tác phẩm mà còn cho cả một thể văn của Cựu ước (bao gồm các sách Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Khôn ngoan, Huấn ca). Ý nghĩa của từ ngữ này rất súc tích. Tuy nhiên, khi bàn về ơn huệ Thánh Linh, thần học Kitô giáo giới hạn vào lãnh vực tu đức, hoặc nói chính xác hơn, vào cấp bậc huyền bí trong hành trình con người tiến đến kết hiệp với Thiên Chúa. Theo quan điểm bình dân, trước khi bắt đầu một việc gì, chúng ta cầu xin Thánh Linh đến soi sáng, hướng dẫn, hay nói tắt, xin ban ơn “khôn ngoan”. Nếu hiểu như vậy, thì ơn khôn ngoan tương ứng với ơn “chỉ giáo” (consilium) hoặc cùng lắm là ơn “minh luận” (scientia) để biết nhận ra vấn đề. Còn ơn “cao minh” đang bàn mang một ý nghĩa đặc biệt, thậm chí khác với ý nghĩa quen được hiểu trong Kinh thánh nữa.

A. Khái niệm

1. Kinh thánh

Kinh thánh đề cập đến Cao minh dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Có thứ cao minh thủ đắc do kinh nghiệm và có thứ cao minh được ban từ trời cao. Trong Cựu ước, vua Salomon là điển hình của một nhân vật cao minh, cách riêng bởi vì nhà vua đã xin và đã được ơn Chúa ban thần khí cao minh (Kn 7,7-14). Nên nhớ là đức cao minh không chỉ giới hạn vào các kiến thức uyên bác, nhưng quan trọng hơn cả là nếp sống theo luật của Chúa.

Trong Tân ước, đừng kể sự đối chọi giữa người “khôn” và người “dại” (x. Mt 7,24-27; 25,2), ta còn thấy sự đối chọi giữa hai thứ cao minh: một thứ cao minh thật và một thứ cao minh giả (hoặc: cao minh “theo thế gian”, “theo xác phàm”). Trong thư gửi Rôma, thánh Phaolô phân biệt giữa cái cao minh “theo thần khí” và cái cao minh “theo xác thịt” (x. Rm 8,5). Cao minh theo thần khí là công hiệu Thánh Linh, nhờ đó tâm trí con người được đổi mới, ngõ hầu có khả năng phân định đâu là ý Chúa, điều gì là tốt đẹp, đẹp lòng Chúa (Rm 12,2). Cao minh theo xác thịt là xu hướng chiều theo tội lỗi, không tuân theo luật Chúa (Rm 8,7-8).

Trong thư thứ nhất gửi Côrintô, thánh tông đồ lại đối chọi giữa “cao minh của thập giá” với “cao minh của thế gian”. Thiên Chúa đã mặc khải sự cao minh nơi thập giá của Đức Kitô, là một điều mà thế gian coi là điên rồ (1Cr 1,21-25). Duy chỉ những con người “thần khí” mới có thể khám phá sự cao minh ấy. “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thánh Linh vì cho đó là điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thánh Linh mới có thể xét đoán” (1Cr 2,14).

Qua những kiểu đối chọi này, thánh Phaolô muốn cho thấy rằng tiêu chuẩn mới của sự cao minh là ánh sáng của Thánh Linh, giúp chúng ta đánh giá mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính ông đã mang áp dụng điều ấy cho bản thân mình. Thực vậy, điều mà người đời cho là thiệt thòi thì ông cho là có lợi, vì Đức Kitô; ngược lại, điều mà người đời cho là lợi lộc thì ông coi là rác rưởi (x. Pl 3, 7-8); nhờ biết nương tựa vào quyền năng Đức Kitô mà ông dám quả quyết: “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).

Một cách tương tự như vậy, thánh Giacôbê cũng đối chọi giữa “cao minh của thế gian” và “cao minh từ trời”. Sự cao minh của thế gian mang lại tranh chấp, ghen tương, chua chát (Gc 4,13-16). Trái lại, “đức cao minh Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiền hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình” (Gc 4,17).

Bên trên những sự đối chọi ấy, Tân ước còn đề cao một khuôn mẫu mới của cao minh, đó là Đức Kitô: Người được đồng hóa với Đấng Cao minh. Trong tự ngôn của Tin mừng thứ bốn, thánh Gioan trình bày Đức Kitô như là Lời đã hiện hữu từ muôn thuở bên cạnh Thiên Chúa, đã hợp tác vào việc tạo dựng vũ trụ, đã cư ngụ giữa loài người. Tư tưởng tương tự cũng gặp thấy nơi thư Côlôsê (1,15), thư gửi Hípri (1,3). Thánh Phaolô không ngần ngại gọi Đức Kitô là “Đức Cao minh của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Nơi Đức Kitô, Đấng Cao minh của Thiên Chúa làm người, chúng ta gặp được đức cao minh trọn hảo. Qua các hành động, Người dạy chúng ta rằng đức cao minh đích thực ở chỗ biết đặt mình phục vụ tha nhân, bất luận bạn hay thù, vì lòng mến Chúa Cha. Qua cái chết trên thập giá, Người chứng tỏ rằng đức cao minh đích thực dẫn tới chỗ trao hiến thân mình cho phần rỗi nhân loại, để tuân hành chương trình của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, dưới cặp mắt người đời, một kiểu cao minh như vậy là thái quá hoặc dại dột! Khi tỏ bày cho các môn đệ biết ý định phải lên Giêrusalem để chịu khổ hình và hy sinh, thì ông Phêrô đã “trách rằng: Chúa ơi, đừng làm như thế! Điều ấy không thể nào xảy ra được”. Thế nhưng, Người đã quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, cút đi! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, bởi vì tư tưởng của ngươi không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người” (Mt 16,22-23).

2. Thần học

Khi bàn đến cao minh như ân huệ Thánh Thần, thần học muốn nghiên cứu cách riêng đến việc “biết Chúa”, bằng cách đối chiếu với những cách “biết” khác nhau, cũng như bằng cách đối chiếu với đức tin và đức mến, chi phối trí tuệ và ý muốn của con người.

a) Những cách hiểu biết

Trong số bảy ân huệ Thánh Linh, bốn ân huệ chi phối sự hiểu biết, và dễ gây lẫn lộn khi dịch thuật: chỉ giáo (consilium), minh luận (scientia), thâm hiểu (intellectus), cao minh (sapientia). Ơn chỉ giáo mang tính thực hành, biết cách ứng xử cụ thể (thuộc đức khôn ngoan). Ơn minh luận thuộc về đức tin, biết đánh giá mọi vật dưới ánh sáng vĩnh cửu. Ơn thâm hiểu cũng thuộc về đức tin, nhưng liên quan đến các mầu nhiệm mặc khải. Ơn cao minh nhắm đến Thiên Chúa, chân lý đệ nhất, nguyên ủy của đức tin, nhưng còn hơn thế nữa, nhắm đến sự kết hợp với Thiên Chúa, đối tượng của đức mến.

Nói cách khác, biết những chuyện thường thức là một chuyện, biết những mầu nhiệm mặc khải là chuyện khác. Biết theo trí tuệ là một chuyện, biết theo cảm nghiệm là chuyện khác.

b) Định nghĩa

Cao minh có thể định nghĩa như sau:

Cao minh là ân huệ Thánh Linh, nhờ đó chúng ta nhận định chính xác về Thiên Chúa và những thực tại thần linh dựa trên những nguyên nhân cao siêu nhất, và nhờ đó chúng ta cảm nghiệm ngọt ngào những thực tại ấy.

Dựa theo đạo lý của thánh Tôma (Summa Theologiae II-II, q.45), ơn cao minh có những đặc trưng sau đây:

– Ơn này được liên kết với đức mến (khác với hai ơn minh luận và thâm hiểu liên hết với đức tin).

– Tuy nhiên, đối tượng của ơn cao minh là các chân lý thuộc về Thiên Chúa. Vì thế nó nằm trong lãnh vực tri thức hơn là trong lãnh vực tâm tình (như vậy, nó khác với ơn kính sợ và ơn hiếu thảo).

– Mặt khác, ơn cao minh không dừng lại ở cấp độ hiểu biết lý thuyết nhưng còn dẫn tới cảm nghiệm kết hợp với Thiên Chúa. Trong tiếng La tinh, người ta diễn tả qua cách truy nguyên của từ “sapientia” bởi động từ “sápere” (nếm hưởng, thưởng thức).

Nói cách khác, ơn cao minh cho con người được hưởng một cảm nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa. Sự hiểu biết này là một ơn huệ, không do truy tầm học hỏi, nhưng là do ơn thánh. Người có cảm nghiệm như vậy “hiểu biết” về Thiên Chúa cách trực tiếp, chứ không qua suy luận hoặc được nghe kể lại. Họ có thể nói như vịnh gia “hãy nếm xem Chúa ngọt ngào biết mấy” (Tv 34,9). Họ ngây ngất vì những hoan lạc thần linh. Dĩ nhiên, chỉ linh hồn nào rất thuần thục với tác động của Chúa, đã thấm nhuần tinh thần của Chúa thì mới có khả năng đạt đến tình thân mật say đắm này, có khả năng làm cho linh hồn được mãn nguyện. Và sự thân mật này đương nhiên là hướng đến Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh Têrêsa và thánh Gioan Thánh giá đều khẳng định. Ơn cao minh của Thánh Linh khác hẳn với cao minh tự nhiên, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết:

Đấng mà lúc còn ở trên dương thế đã có lần hân hoan thốt lên ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì đã giấu kín những điều này khỏi những kẻ thông minh thượng trí mà lại tỏ lộ cho những kẻ bé nhỏ’ thì đã tỏ lòng thương xót của Người cho tôi. Bởi vì Người đã hạ mình xuống với tôi là kẻ yếu ớt và bé nhỏ, để bí mật dạy cho tôi những điều thuộc tình yêu của Người. Giả như những nhà thông thái đã suốt đời miệt mài học hỏi có đến hỏi tôi, thì chắc là họ sẽ thất kinh khi thấy một cô bé 14 tuổi mà lại biết được những bí nhiệm của sự trọn lành, những bí nhiệm mà họ không tài nào khám phá nhờ kiến thức của mình, bởi vì chỉ những người nghèo khó theo thần khí thì mới có thể thủ đắc các điều bí nhiệm ấy.[3]

Cô bé khiêm tốn ấy đã nhận được ơn cao minh và nay được tuyên phong Tiến sĩ Hội thánh.

Ơn cao minh cho con người được tham dự vào chính sự Cao minh của Thiên Chúa, và qua đó, tham dự vào tất cả các ưu phẩm của Ngài. Như vậy, trong Thần khí Cao minh, thánh nhân sẽ gặp lại tất cả nội dung của hành trình siêu nhiên đã trải qua từ đầu đến bây giờ. Chân phước Gioan Ruusbroec cắt nghĩa như sau:

Nhờ ân huệ thứ bảy, thần khí cao minh xâm nhập vào linh hồn, mang lại sự thông tuệ và ngon ngọt thiêng liêng. Ơn cao minh là nền tảng và nguồn gốc của tất cả mọi ân huệ và nhân đức. Nhờ ân huệ này, mỗi người thưởng thức sự ngon ngọt của những cố gắng suốt đời, mà tình thương của Chúa đã ban. Ân huệ này là môi giới thắm thiết nhất giữa Thiên Chúa với con người, giữa nghỉ ngơi và hoạt động, giữa thời gian và vĩnh cửu.[4]

Những do dự vào thời đầu của đời sống trọn lành đã bị đẩy xa, nhờ sự tuôn đổ các ân huệ Thánh Linh. Ôn lại hành trình đó, thánh Bênađô đã ca ngợi hoa trái của ơn cao minh như sau: “Hồi đó, linh hồn còn ươn ái vì chểnh mảng, bị lường gạt chạy theo những thói tọc mạch xấu xa, bị buộc trói bởi những dục tình, bị nhốt trong những nết xấu, bị thương tích vì những tội lỗi. Thế nhưng nhờ cuộc toàn thắng của ơn cao minh, ơn kính sợ đánh thức linh hồn, ơn sùng hiếu vỗ về, ơn minh luận mở mắt cho thấy tình trạng điêu tàn, ơn hùng mạnh vực linh hồn trỗi dậy, ơn chỉ giáo cởi dây buộc trói, ơn thâm hiểu lôi ra khỏi tù ngục, và ơn cao minh dọn tiệc, cho linh hồn được bổ dưỡng và thưởng thức những lương thực mỹ vị”.[5] Nhờ ân huệ này, linh hồn được thông phần vào sự Cao minh và Tình yêu của Chúa, và được biến đổi hoàn toàn: từ nhận thức sự khốn nạn của mình đến lòng yêu mến Chúa; từ những kinh cầu nguyện ngoài miệng đến sự chiêm ngắm; từ chỗ lãnh nhận một Bí tích đến chỗ đồng lao cộng tác với Chúa Kitô.

B. Sự cần thiết

Ơn cao minh giúp cho đức mến đạt đến sự phát triển đến tột độ. Bản tính của đức mến là hướng đến sự hợp nhất với Thiên Chúa. Tuy là một nhân đức hướng Chúa, nhưng lòng mến này vẫn còn được thực hiện theo cách thế của con người, với những hạn chế của bản tính con người. Vì thế, linh hồn cần được trợ giúp để có thể mến Chúa theo cách thế thần linh.

C. Công hiệu

1. Ơn cao minh ban cho các thánh một cảm quan siêu nhiên, nhờ đó họ xét đoán mọi vật theo quan điểm của Thiên Chúa: từ những việc nhỏ trong cuộc đời cá nhân cho đến những biến cố của thế giới. Các ngài nhận ra bàn tay của Thiên Chúa trong mọi sự, kể cả những sự lăng mạ sỉ nhục, bởi vì họ không dừng lại ở các nguyên nhân đệ nhị (bàn tay của con người) nhưng khám phá ra hồng ân của Thiên Chúa qua sự kiện đó. Đối với các ngài, bất cứ điều gì dẫn đến Thiên Chúa đều là tốt. Thánh Louis Gonzaga quen đặt câu hỏi: “Điều này có giá trị gì đưa tôi đến vĩnh hằng không?”. Nơi thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi ta có thể thấy một công hiệu của ơn cao minh. Thánh nữ đã được dẫn vào sự chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi, và các vị đã đặt nơi cư ngụ trong linh hồn của thánh nữ. Từ đỉnh cao ấy, thánh nữ phán đoán các diễn biến trên đời. Những thử thách, đau khổ không còn làm cho chị xao xuyến nữa bởi vì chị dường như đã đi vào cõi vĩnh phúc rồi.

2. Linh hồn được dẫn vào sự kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ơn cao minh ban cho linh hồn được nếm hưởng ở dưới thế sự hưởng kiến vĩnh hằng mai hậu. Ơn minh luận giúp cho linh hồn đánh giá các thụ tạo dưới nhãn giới đức tin, còn ơn cao minh đưa linh hồn vào chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa: các chân lý đức tin (các ưu phẩm, công cuộc tạo dựng và cứu chuộc) được nhìn trong chính bản tính của Thiên Chúa. Đây là điều mà các nhà thần bí của Giáo hội Đông phương nói về sự “thần hóa”: linh hồn được chia sẻ vào sự hiểu biết và yêu mến của Thiên Chúa.

3. Linh hồn sống đức mến đến mức độ anh hùng. Nhờ ơn cao minh, ngọn lửa yêu mến đạt đến cực điểm. Các thánh yêu mến Thiên Chúa với tình yêu thuần khiết, yêu mến chỉ vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành, chứ không vì một lý do phàm tục nào hết. Dĩ nhiên các ngài vẫn còn trông mong được về trời, không phải như phần thưởng dành cho công trạng, nhưng là để có thể yêu mến Thiên Chúa đậm đà, không còn bị gián đoạn nữa. Ân sủng đã chiếm hữu tâm hồn các ngài, không còn chỗ cho tình yêu vị kỷ nữa. Các ngài cũng yêu mến tha nhân bằng tình yêu phản chiếu từ Thiên Chúa, sẵn sàng từ bỏ bản thân để giúp đỡ người đồng loại, đặc biệt là để lo cho phần rỗi của họ. Cuộc sống của các ngài biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

4. Một khi đức ái đã được nên trọn hảo, các nhân đức khác cũng đạt được sự thành toàn. Tuy nhiên, cuộc đời của các thánh cũng phản chiếu sự đa dạng phong phú của ơn huệ Thánh Linh. Mỗi vị thánh có một cá tính riêng biệt, và cũng nổi bật tư cách nơi điểm cá biệt ấy.

III. Chân phúc tương ứng: xây dựng hòa bình

Noi theo thánh Augustinô, thánh Tôma liên kết ơn này với chân phúc thứ bảy: “Phúc cho kẻ xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9). Tại sao cao minh được liên kết với hòa bình? Thánh Tôma đưa hai lý do giải thích.[6]

– Một đàng, nhờ ơn cao minh, linh hồn được sống trong trật tự với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân. Vì thế họ được hưởng an bình. Thực vậy, hòa bình được định nghĩa là “sự yên tĩnh của trật tự” (tranquillitas ordinis).

– Đàng khác, họ trở thành con Thiên Chúa, bởi vì được trở nên giống với Quý tử của Chúa Cha là Đức Giêsu, Đấng Cao minh hằng hữu.

Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta nên trở về với tư tưởng Kinh thánh về hòa bình, rồi sau đó chúng ta sẽ móc nối với ân huệ cao minh.

1. Hòa bình theo Kinh thánh

Bản văn của Tin mừng Mátthêu nói đến chân phúc của người “xây dựng hòa bình”, hoặc “kiến tạo hòa bình” (pacifici). Đây không phải là kẻ hiền hòa (không gây xích mích với ai), nhưng là kẻ yêu chuộng và theo đuổi hòa bình. Theo thánh Augustinô, hòa bình là kết quả của công lý. Vì thế kẻ xây dựng hòa bình đôi khi cũng phải tranh đấu để vãn hồi hoặc để duy trì hòa bình, dù được hiểu về hòa bình bên ngoài hoặc bên trong. Trong tiếng Việt, chúng ta thường phân biệt “hòa bình” ở bên ngoài (mang tính xã hội), còn “bình an” bên trong (mang tính nội tâm). Cả hai đều hàm chứa trong một từ ngữ duy nhất bên các ngôn ngữ Tây phương: shalom, irene, pax, peace, paix.

Sự liên kết giữa công lý và hòa bình giữa các dân tộc đã được nói trong Cựu ước. Theo nghĩa đó, hòa bình vừa là một viễn tượng trong tương lai hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa, vừa là một hiện tại cần phải đảm nhận nhân danh Thiên Chúa (x. Isaia chương 6). Mặc dầu được gọi là “Đức Chúa các đạo binh”, nhưng ngài là “Đức Chúa của hòa bình” (Tl 6,24), Ngài ưa và ban hòa bình: “Lạy Chúa, Ngài sẽ xếp đặt cho chúng con được an bình; mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con” (Is 26,12).

Trong Tân ước, đối với Thiên Chúa, hòa bình là một danh xưng khác của tình yêu: “Hòa bình (bình an) của Thiên Chúa là hòa bình vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu… Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn hòa bình sẽ ở với anh em” (Pl 4,7 và 9). Chúa Giêsu đã giải thích cho các môn đệ Người yêu thương họ đến mức nào: “Thầy để lại hòa bình cho anh em; Thầy ban hòa bình của Thầy cho anh em; không theo kiểu thế gian đâu. Tâm hồn anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Mặt khác, hòa bình là điều phải chinh phục chứ không chỉ mơ ước: “Tôi đến không phải để đem hòa bình, nhưng để đem gươm đao” (Mt 10,34).

Các thư của thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô đã thực hiện hòa bình ngay bản thân của mình: hòa bình có nghĩa là hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại; hòa bình có nghĩa là xích lại gần nhau, yêu thương nhau, xóa bỏ thù hằn chia rẽ. “Đức Kitô là hòa bình của chúng ta. Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin mừng hòa bình, hòa bình cho anh em là những kẻ ở xa và hòa bình cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 4,14-18).

Đức Kitô mang lại hòa bình bởi vì Người mang lại tình yêu của Thiên Chúa đến trần gian. Người đã lay động cách giải thích Luật của các luật sĩ Do thái: thay vì “mắt đền mắt, răng đền răng” dựa theo bản năng tự nhiên, Người dạy các môn đệ hãy noi gương Cha trên trời. Người ghét tội lỗi, nhưng dạy các môn đệ hãy yêu thương những người lỗi lầm.

Hòa bình của Đức Kitô dựa trên tình yêu. Vì thế, nó gây ra những tranh chấp với những quan điểm khác về hòa bình. Các luật sĩ không chấp nhận lối giải thích của Người, và họ tìm cách loại trừ Người. Đế quốc Rôma không chấp nhận các Kitô hữu tiên khởi, vì họ quan niệm hòa bình dựa trên quyền lực; các Kitô hữu bị giết “vì xây dựng hòa bình”, họ đòi hỏi tôn trọng một trật tự cao hơn là trật tự mà đế quốc muốn áp đặt.

Khi suy nghĩ về giáo huấn hòa bình của Phúc âm, thánh Augustinô phát biểu rằng: hòa bình là sự yên tĩnh của trật tự (Pax omnium rerum, tranquillitas ordinis, De civitate Dei, 19,13,1). Điều này giả thiết sự tôn trọng trật tự do Thiên Chúa đã thiết định, trật tự của luật luân lý. Nói khác đi, hòa bình đòi hỏi sự tôn trọng “công lý” (opus iustitiae pax: Is 32,17), hoặc “chân lý”. Một yếu tố nữa không kém quan trọng là: hòa bình là ân huệ của Thiên Chúa (x. Ds 6,26), chứ không chỉ là kết quả của nỗ lực từ phía con người.

2. Hòa bình và đời sống tâm linh

Trong khi các vị lãnh đạo Giáo hội và quốc gia chú trọng đến hòa bình xã hội, các đan sĩ tập luyện để được hòa bình trong tâm hồn. Điều này hàm ngụ một cuộc chiến khốc liệt để tái lập trật tự nội tại: chiến đấu chống lại những xáo trộn của đam mê, muốn nổi dậy chống lại luật Thiên Chúa. Các đan sĩ cũng không quên rằng cuộc chiến thắng không chỉ tùy thuộc vào nỗ lực của cá nhân, nhưng cần đến sự trợ lực của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, sự chiến đấu bao hàm nhiều gian truân đau khổ. Nhưng khi nhận được sự hỗ trợ của Thiên Chúa, họ cảm thấy hân hoan và bình an. Họ chạy tìm kiếm bình an để được ở gần với Thiên Chúa. Tuy nhiên, bao lâu còn sống trên đời này, bình an là kết quả của một cuộc chiến đấu không ngơi. Bình an là phần thưởng mà Chúa dành cho ta, sau những cuộc chiến đấu để trung thành với luật Chúa. Đồng thời, bình an cũng là sức mạnh giúp cho ta tiếp tục cuộc chiến đấu.

Ý thức như vậy, người đan sĩ sống trong tâm tình khiêm tốn, nương dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, phó thác để cho Chúa dẫn dắt. Người đan sĩ tập sống thân mật với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.

3. Chân phúc dành cho kẻ xây dựng hòa bình

Trong khung cảnh của đời sống nội tâm, hòa bình (bình an) là một mục tiêu phải nhắm tới. Ta cần đi tìm hòa bình với Thiên Chúa bằng cách tôn trọng trật tự mà Ngài đã thiết lập. Con đường dẫn đến hòa bình là sự hoán cải nội tâm, sự từ bỏ chính mình. Nếu muốn sống hòa bình với tha nhân, ta cần phải tạo ra hòa bình trong tâm hồn của mình. Một khi tìm được hòa bình trong tâm hồn, nghĩa là được chia sẻ hòa bình với Thiên Chúa, ta mới có thể chiếu tỏa hòa bình ra bên ngoài, trong tương quan xã hội.

Dưới một khía cạnh nào đó, chân phúc dành cho kẻ kiến tạo hòa bình gói ghém một nghịch lý: phải chiến đấu để được hưởng hòa bình. Tuy nhiên, nếu ta đặt hòa bình trong tương quan với tình yêu, công lý và chân lý, thì điều nghịch lý ấy được sáng tỏ. Đức Kitô là người đầu tiên đã thực hành chân phúc ấy: Người mang lại hòa bình cho nhân loại qua đau khổ Thập giá: Người tái lập trật tự đã bị xáo trộn do tội lỗi của con người. Mặt khác, hòa bình mà Người nhận được do tình yêu của Chúa Cha đã mang lại nghị lực để Người đương đầu với đau khổ của Thập giá. Người là Con Thiên Chúa và trở thành con của loài người, để mở đường cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa, một khi để cho tình yêu và trật tự công lý chinh phục tâm hồn. Đó là lý do vì sao những người xây dựng hòa bình được kể làm con cái Thiên Chúa.

Ơn cao minh đưa chúng ta đến kết hiệp với Thiên Chúa, nhờ hoàn toàn tuân theo ý Chúa dưới tác động của Thánh Linh. Sự hợp nhất với Thiên Chúa mang lại cho ta sự bình an và biến chúng ta thực sự thành con cái Thiên Chúa. Nhờ ơn cao minh, linh hồn nhìn tất cả mọi vật theo ánh sáng của Thiên Chúa. Được tình yêu của Chúa, linh hồn cũng muốn trở thành khí cụ hòa bình của Thiên Chúa. Đó là sứ mạng của các tín hữu, được các giáo phụ đối chiếu với các tông đồ: sau khi đã lên núi Tabor và được phúc chứng kiến Chúa hiển dung, họ cùng xuống núi với Thầy, tiến đến núi Calvariô để chu toàn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

IV. Thực hành

A. Tiêu cực

Trên đây, chúng ta đã thấy Tân ước đối chọi giữa cao minh theo xác thịt và cao minh theo tinh thần (1Cr 3,1), cao minh theo thế gian và cao minh của Thập giá (1Cr 1,24-25).

Thần học tu đức tóm lại những nết xấu trái nghịch với ơn cao minh vào tội “khờ dại” (stultitia),[7] bởi vì nó khóa cửa tâm hồn, không thể hưởng nếm sự cao minh và tình yêu của Thiên Chúa. Sự khờ dại là một thuật ngữ lấy từ Tân ước, và có thể xảy ra trên nhiều lãnh vực.

a) Sách Tin mừng Luca (12,16-21) thuật lại dụ ngôn về một người phú hộ đã tự mãn sau một vụ thu hoạch dồi dào. Thế nhưng Chúa lại nói với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẽ về tay ai?”. Người ngốc là kẻ chỉ nghĩ đến những tiện ích đời này (tiền tài, danh vọng, địa vị), mà bỏ quên Thiên Chúa.

b) Thánh Luca cũng kể lại một lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với hai môn đệ trên đường đi Emmaus: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24,25). Họ bị trách là mê muội, bởi vì họ không chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa biểu lộ qua thập giá.

c) Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng được cảnh giác trở thành ngu dại nếu họ xây nhà trên cát (Mt 7,26), khi họ nghe lời của Chúa mà không mang ra thực hành. Lời khiển trách không chỉ nhằm tới cá nhân mà cũng có thể nhằm tới cộng đoàn: họ xây nhà trên cát khi không mang ra thực hành những tiêu chuẩn mà thánh Mátthêu đã ghi lại ở chương 18.

B. Tích cực

Cao minh là một ơn huệ cao nhất của Thánh Linh, nhờ đó chúng ta được đưa vào chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe vài vị thánh tường thuật lại cảm nghiệm kết hiệp đó. Tuy vậy, cũng như đối với các ân huệ khác, chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn để Thánh Linh dễ dàng tác động.

1. Cố gắng nhìn mọi vật dưới nhãn quan của Thiên Chúa. Ơn cao minh đưa linh hồn vào sự hiểu biết đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tập dần để đi theo hướng đó. Trên thực tế, đa số chúng ta đều mắc bệnh cận thị, chỉ đánh giá sự vật theo tính toán tự nhiên. Bởi thế nếu muốn bay lên cao, ta hãy chắp cánh, bằng cách suy xét sâu xa hơn những biến cố trên đời. Kể cả qua những chuyện xem ra tiêu cực hoặc bất lợi đối với ta, Thiên Chúa vẫn có thể thực hiện kế hoạch của Ngài. Chúng ta hãy nhớ lại sự tích của ông Giuse trong Cựu ước. Ông đã bị anh em bán cho thương gia Ai cập vì lòng ghen tức; nhưng ông đã nhận ra sự xếp đặt của Thiên Chúa để cứu ông, gia đình và dân tộc (St 50,20).

2. Chống lại sự khôn ngoan của thế gian. Trong thư thứ nhất gửi Côrintô, thánh Phaolô đã đối chọi giữa sự khôn ngoan và điên rồ của thế gian, cũng như sự khôn ngoan và điên rồ của Thiên Chúa: những kẻ khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa thì bị coi là điên rồ trước mặt thế gian, đang khi những gì mà thế gian coi là khôn ngoan thì Thiên Chúa cho là điên dại (1Cr 3,19). Quy tắc để phán đoán là cứu cánh tối hậu của cuộc đời: điều gì giúp ta đạt đến cứu cánh ấy thì mới thực sự đáng gọi là khôn ngoan.

Thánh Giacobê tông đồ (3,15) đã vạch cho thấy những đặc điểm của khôn ngoan giả trá: đó là khôn ngoan của “thế gian” (chỉ biết bám víu vào của cải vật chất), “động vật” (những người chỉ tìm thỏa mãn khoái lạc nhục dục), “ma quỷ” (chạy theo danh vọng). Còn sự khôn ngoan Chúa ban làm cho con người “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt” (3,17).

Các thánh đã đi theo con đường khôn ngoan của thập giá, con đường của từ bỏ, khiêm hạ. Đây không phải là một sự lựa chọn của đương sự, mà đôi khi cũng do chính Chúa đã xếp đặt. Thánh nữ Margarita Maria Alacoque đã chịu đựng nhiều hiểu lầm về phía giáo quyền vì những mặc khải mà mình nhận được. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort cũng vậy. Ngược lên dòng lịch sử, ta đã gặp thấy kinh nghiệm tương tự nơi thánh Phaolô như người đã kể lại trong thư gửi Côrinto: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,7-9).

3. Đừng bám víu vào những gì mà thế gian coi trọng, dù đó là những điều tốt. Khoa học, nghệ thuật, văn hóa, sự tiến bộ… là những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá bám víu vào đó, thì sẽ có nguy cơ xao lãng các thực tại thần linh. Thậm chí việc say mê học hỏi thánh khoa cũng có thể trở thành nguy hiểm nếu nó khiến cho đời sống tâm linh bị tê liệt, khi miệt mài với sinh hoạt trí thức mà bỏ bê việc cầu nguyện. Hãy nhớ lời Chúa dạy, về điều duy nhất cần bận tâm (Lc 10,42), kẻo rơi vào sự cám dỗ là lo làm việc của Chúa mà bỏ quên chính Chúa! Biết đâu đó chỉ là cái nhãn hiệu để đi tìm cách xây dựng thành công thỏa mãn theo sở thích cá nhân, chứ thực sự không phải là phụng sự Thiên Chúa.

4. Đừng bám víu vào những an ủi thiêng liêng, nhưng hãy tìm đến Thiên Chúa qua các sự an ủi. Thiên Chúa muốn cho chúng ta bám chặt vào Ngài, và bỏ rơi các thụ tạo khác, kể cả những an ủi mà đôi khi ta nhận được lúc cầu nguyện. Dĩ nhiên, những sự an ủi đó rất quan trọng cho sự tiến bộ thiêng liêng, nhưng chúng chỉ là động lực thúc đẩy chúng ta đến với Chúa. Chúng ta không được đi tìm sự an ủi như là cứu cánh tối hậu của việc cầu nguyện, bởi vì chúng sẽ trở thành chướng ngại vật cho sự kết hợp với Chúa. Vì vậy, chúng ta cần sẵn sàng phụng sự Chúa lúc gặp tối tăm cũng như khi được ánh sáng, khi gặp khô khan cũng như khi được an ủi. Cần phải đi tìm Thiên Chúa của mọi an ủi, chứ không phải tìm những an ủi của Thiên Chúa (x. Ga 6,26: “Các ông đi tìm tôi không phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”). Như đã nói trên đây, các vị thánh huyền bí đã trải qua con đường cao minh của Thập giá. Chúng ta cũng đã nói đến cuộc thanh luyện được gọi là “đêm tối của đức tin”: qua chứng từ của thánh Gioan Thánh Giá, cũng như của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, và gần đây, của thánh Têrêsa Calcutta, chúng ta được biết các ngài cảm thấy sự kết hiệp với Thiên Chúa mặc dù có cảm giác như Ngài hoàn toàn vắng lặng: đêm tối dày đặc, đường hầm kinh rợn.[8]

Kết luận

Chúng ta đã rảo qua bảy ân huệ Thánh Linh, được thánh Tôma trình bày như một cuộc thăng tiến từ những cấp đầu tiên cho đến chóp đỉnh. Chúng ta khởi đi từ ơn Kính sợ cho đến chóp đỉnh là ơn Cao minh, dựa trên tư tưởng của Kinh thánh: “kính sợ là khởi điểm của cao minh”. Ơn Hùng mạnh giúp chúng ta nghị lực bước lên, đương đầu với những khó khăn của nghĩa vụ. Nhờ ơn Sùng hiếu, chúng ta nếm hưởng lòng lân tuất của Thiên Chúa là Cha và ca tụng Ngài với tình con thảo; ơn Chỉ bảo thông phần vào sự hiểu biết thánh ý Chúa. Ơn Minh luận đưa chúng ta vào đời sống các nhân đức hướng Chúa, dẫn đưa tâm trí đi từ những thụ tạo lên tới Cội nguồn vạn vật. Ơn Thâm hiểu giúp chúng ta thấm nhập các mầu nhiệm đức tin đến sự kết hiệp với Thiên Chúa là Đấng mặc khải các mầu nhiệm. Sau cùng, ơn Cao minh ra như vén lên tấm màn đức tin để chúng ta được tiếp xúc với Thiên Chúa Ba Ngôi, nguyên ủy và cùng đích muôn vật.

Sau một cái nhìn tổng quát như vậy, xin được thêm hai ghi chú: một về phía Thánh Linh, một về phía con người.

A. Về phía Thánh Linh

Thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại những điều đã nói ở dẫn nhập vào các ơn huệ. Thần học về bảy ân huệ đặt nền trên đoạn văn Isaia (11,2), đề cập đến các thần khí của Đấng Mêsia, được các giáo phụ mở rộng ra cho các tín hữu là những chi thể của Đức Kitô. Việc phân phối bảy ơn huệ với bảy nhân đức được hoàn thành do các tác giả thời Trung cổ, đặc biệt nơi thánh Tôma Aquinô. Thứ tự xếp đặt các ân huệ dựa theo thứ tự của các nhân đức xếp theo các quan năng của con người, đi từ các nhân đức điều khiển tình cảm đến các nhân đức điều khiển lý trí, và sau cùng là ba nhân đức hướng Chúa. Dựa theo mô hình đó, các ân huệ được phân phối thứ tự cao thấp, nhưng chúng ta đừng quên rằng mỗi ân huệ đều thuộc về hàng cao cấp, bổ sung cho các nhân đức. Việc thực hành các nhân đức được sánh với giai đoạn tu đức, còn các ân huệ Thánh Linh tương ứng với giai đoạn huyền bí. Mặt khác, cũng như các nhân đức liên kết với nhau thành một chuỗi liên hoàn, thì các ân huệ cũng liên kết với nhau. Sự phân tích từng ân huệ theo bản tính mang tính cách học thuật, chứ trên thực tế, không thể nào tách rời ra được. Nói cho cùng, tất cả các ân huệ Thánh Linh là những “tác động của Thánh Linh” nhằm biến đổi chúng ta thành những thánh nhân, những “con người hoạt động theo thần khí”. Mặt khác, không phải tất cả các con người thần khí đều lãnh đồng đều tất cả bảy ân huệ. Thần khí hoạt động nơi mỗi người một cách khác nhau: có người nổi bật về ân huệ này, có người nổi bật về ân huệ khác; thậm chí một ân huệ có thể phát sinh hai công hiệu trái nghịch nhau, chẳng hạn như ơn minh luận có thể khiến cho người này “khinh chê thế gian” nhưng lại khiến cho người khác “say mê vẻ đẹp của vũ trụ”. Ngoài ra, mặc dù trong thủ tục phong thánh, Giáo hội đòi hỏi các “tôi tớ Chúa” phải thực hiện các “nhân đức cách anh hùng” (nghĩa là dưới tác động của ân huệ Thánh Linh), nhưng không phải là tất cả đều có đầy đủ tất cả bảy ân huệ Thánh Linh, lại càng không có chuyện phải đạt đến ơn cao minh đến độ chiêm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa! Đó là chưa muốn nói đến các vị thánh được ơn cao minh không rút vào nơi thanh vắng để hàn huyên với Thiên Chúa, nhưng họ lên đường đi phục vụ Nước Chúa (Thí dụ như thánh Têrêsa Avila hoặc Catarina Siena).

B. Về phía con người

Khi đề cập đến mỗi ân huệ, chúng tôi đã nói qua phần thực hành, với những điểm tiêu cực (các nết xấu trái nghịch cần loại trừ) và tích cực (những chuẩn bị để Thánh Linh can thiệp). Để tổng kết, chúng ta cũng có thể nói đến những phương thế chung để đón nhận các ân huệ của Thánh Linh, đó là:

1. Một cách tiêu cực: tránh các tội, kể cả các tội nhẹ, bởi vì đó là những điều làm cho Thánh Linh phải buồn (x. Ep 4,30)

2. Một cách tích cực

Đây không có nghĩa là “thực tập các ân huệ” (như khi thực hành các nhân đức), nhưng là chuẩn bị “môi trường” để Thánh Linh tác động. Trong số những điều chuẩn bị, có thể kể:

– Ước ao nên thánh. Chúa muốn cho chúng ta nên thánh (1Tx 4,3). Sự thánh thiện là ơn cao quý nhất mà chúng ta phải khao khát (1Cr 12,31).

– Khẩn nài Thánh Linh, chủ động của công cuộc thánh hóa. Chúng ta cần Ngài đến trợ giúp, bởi vì chúng ta yếu hèn, không biết cách cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 8, 26).

– Đón tiếp Thánh Linh, vị thượng khách của linh hồn, qua việc tập trung vào đời sống nội tâm, nơi cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi sự chú ý, hồi tâm, quý trọng thinh lặng.

– Thực hành các nhân đức, chuẩn bị cơ sở cho tác động của các ân huệ Thánh Linh. Tất cả các nhân đức đều cần thiết. Mỗi trường phái tâm linh nhấn mạnh đến một nhân đức đặc biệt, thí dụ nhân đức khiêm nhường theo thánh Biển Đức, nhân đức khó nghèo nơi thánh Phanxicô Assisi, nhân đức tin tưởng phó thác nơi thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

– Ngoan ngoãn trung thành với những ơn hiện sủng, những lời thúc giục mà Thánh Linh không ngừng nhắn nhủ chúng ta, giúp tiến tới trên đường trọn lành. “Đừng để ơn Chúa ban trở nên vô hiệu” (2Cr 6,1). Điều này đòi hỏi sự quảng đại, giống như thánh Têrêsa Hài đồng đã nói: “Tôi không hề khước từ điều gì với Thiên Chúa”.

—————————–

[1] Nên biết là Tân ước áp dụng những đặc tính của Đức Khôn ngoan trong Cựu ước cho Đức Kitô. Tuy nhiên, cũng có những đoạn văn áp dụng cho Thánh Linh. Điều này cũng thường xảy ra trong lịch sử Kitô giáo.

[2] X. ĐSTL XII, trang 77-78.

[3] Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Thủ bản A, 49.

[4] Chân phước Gioan Ruusbroec, Bodas del alma, libro II, cap. 71

[5] Thánh Bênarđô, Sermones varios, XIV, 7.

[6] Summa Theogiae, II-II, q.45, a.6.

[7] Summa Theologiae, II-II, q.46.

[8] X. ĐSTL XI (Thần học đức tin), trang 326-337.

SHARE
Previous articleMỤC VỤ ĐÔ THỊ
Next articleThánh Antôn Pađua

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here