Bao nhiêu lần các sách Tân ước nói đến Đức Mẹ cầu nguyện?
———–
Các Kitô hữu vốn quen dâng những lời cầu nguyện lên Đức Mẹ. Mặt khác, Đức Maria cũng là gương mẫu cầu nguyện cho chúng ta. Tân ước nói gì về việc cầu nguyện của Đức Mẹ? Tân ước ghi lại bao nhiêu lời cầu nguyện của Người? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.
Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên ôn lại khái niệm về cầu nguyện. Một định nghĩa khá cổ điển về cầu nguyện (được gán cho thánh Gioan Đamascô) là “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”, và sách giáo lý Rôma còn bổ túc thêm: “để thờ lạy, tạ ơn, đền tội và xin ơn”. “Cầu nguyện” thì rộng nghĩa hơn là “đọc kinh”, bởi vì cầu nguyện tiên vàn là tâm tình ở trong lòng, và không phải lúc nào cũng có thể phát biểu thành lời nói. Vì thế câu hỏi “Tân ước ghi lại bao nhiêu lời cầu nguyện của Đức Mẹ” thì hẹp hơn là câu hỏi “Tân ước nói gì về việc cầu nguyện của Người”, bởi vì có những lời lần Người thinh lặng suy niệm Lời Chúa trong lòng, nhưng không phát biểu ra lời.
Nhưng chúng ta hãy bắt đầu từ cái hẹp trước đã, rồi từ đó sẽ mở rộng viễn tượng thêm. Tân ước ghi lại bao nhiêu kinh nguyện của Đức Mẹ?
Đến đây, chúng ta lại phải thêm một sự phân biệt nữa. Như vừa nói, cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa; các kinh nguyện là những lời chúng ta thưa chuyện với Chúa. Thế nhưng trong trường hợp của Đức Maria, chúng ta không chỉ hiểu Thiên Chúa như là Chúa Cha trên trời, mà kể cả với Đức Giêsu nữa. Vì thế, có những câu nói thoạt tiên chỉ là câu chuyện đối thoại giữa hai mẹ con, nhưng nếu xét kỹ hơn, thì quả là một lời cầu nguyện. Vì thế có nhiều cách để trả lời câu hỏi: “Tân ước ghi lại bao nhiêu kinh nguyện của Đức Maria?”. Thường người ta chỉ trích lại bài ca Magnificat và xem đó là kinh nguyện duy nhất của Người trong Tin mừng. Nhưng nói như thế thì hơi hẹp. Có người mở rộng tầm nhìn, và khẳng định rằng trong Tân ước, tất cả những lời nói của Đức Maria đều là lời cầu nguyện hết, dù là lời nói với Thiên Chúa hoặc với Chúa Giêsu hay đối đáp với thiên sứ Gabriel.
Tân ước ghi lại bao nhiêu lời nói của Đức Maria?
Không nhiều lắm đâu! Đức Mẹ là người ít nói. Tân ước chỉ ghi lại 7 câu nói trong Tin mừng của Luca và trong Tin mừng của Gioan. Chúng ta bắt đầu với Tin mừng Luca trước. Trong trình thuật Truyền tin, Luca ghi lại 2 câu nói của Mẹ: 1/ : “Chuyện ấy xảy ra thế nào được, bởi vì tôi không biết người nam?” (Lc 1,34). 2/ “Này tôi lã nữ tì của Thiên Chúa, xin lời của Ngài được xảy ra nơi tôi” (Lc 1,38). 3/ Khi Đức Mẹ đi thăm bà Elizabeth, thì Luca nói rằng Người chào hỏi bà chị họ, nhưng không mô tả nội dung (Lc 1,40). 4/ Cũng tại nhà của bà Elizabeth, Đức Maria đã xướng bài chúc tụng Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1,46-55). 5/ Lời thứ 5, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu khi gặp lại trong đền thờ: “Con ơi, tại sao con làm như vậy? Này cha và mẹ đang cực lòng đi tìm con” (Lc 2,48). Hai lời nói cuối cùng được ghi lại nơi Tin mừng thứ bốn, tại tiệc cưới Cana: 6/ “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) và 7/ “Thầy bảo sao thì cứ làm như vậy” (Ga 2,5).
Nhưng mà đâu phải tất cả bảy lời ấy là lời cầu nguyện đâu?
Thoạt tiên, xem ra nhiều câu nói chẳng có gì giống lời cầu nguyện hết. Tuy nhiên, có tác giả đã phân tích và cho thấy tất cả đều có thể coi là lời cầu nguyện. Như đã nói, cầu nguyện là đàm đạo với Thiên Chúa. Trong cuộc Truyền tin, Đức Mẹ bộc lộ những phản ứng của mình trước tiếng gọi của Chúa, và kết thúc bằng sự phó thác. Những lời đối đáp với Chúa Giêsu khi gặp lại trong đền thờ cũng nói lên tâm tình băn khoăn trước kế hoạch khó hiểu của Thiên Chúa; những lời này có lẽ không bộc lộ sự trách móc cho bằng sự bàng hoàng đau đớn, cách riêng khi nhớ lại lời tiên báo của ông Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng. Hai câu nói trong Tin mừng Gioan là những lời chuyển cầu. Dĩ nhiên, kinh Magnificat là một kinh nguyện tạ ơn long trọng, mà Giáo hội cũng nhận làm kinh nguyện của mình trong phụng vụ mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại với khái niệm về cầu nguyện đã nói lúc nãy. Trước khi phát biểu thành lời, cầu nguyện là một tâm tình bên trong của con người đi tìm Thiên Chúa hoặc để đáp lại tiếng Chúa. Dưới khía cạnh này, Tân ước cung cấp cho chúng ta rất nhiều dữ liệu về đời sống cầu nguyện của Mẹ Maria. Luca trình bày cho chúng ta thấy rằng Người là khuôn mẫu của việc lắng nghe và suy niệm lời Chúa trong tâm hồn. Thánh sử đã lặp lại nhận xét hai lần trong chương 2. Trước biến cố giáng sinh tại Belem, sau khi nghe các mục đồng thuật lại những mạc khải mà thiên sứ đã tỏ cho họ về hài nhi Giêsu, Mẹ Maria đã ghi nhận và suy đi nghĩ lại trong lòng (câu 19). Rồi sau khi đã gặp lại cậu Giêsu trong đền thờ và trở về Nazareth, Mẹ Maria lại ghi nhớ những điều này trong trái tim (số 51). Câu này ở cuối chương 2, ra như tổng kết tất cả những chuyện đã xảy ra từ hồi truyền tin, đến khi giáng sinh, rồi dâng con trong đền thờ với lời tiên báo của ông Simeon, và chuyện lạc con trong đền thờ: Đức Maria đối chiếu các việc này với nhau, và sẽ kéo dài sang những biến cố sau này nữa. Theo nhiều tác giả, chuyện lạc mất con trong đền thờ ba ngày tiên báo cuộc tử nạn của Chúa Giêsu sau này: thời gian tương ứng với giai đoạn ba ngày an táng trong mộ. Và Chúa Giêsu đã cho biết rằng phúc thật của Đức Maria không phải ở chỗ cưu mang sinh hạ, nhưng là ở chỗ lắng nghe Lời Chúa và mang ra thực hành.
Đức Maria chỉ là mẫu gương của việc suy gẫm Lời Chúa mà thôi hay sao?
Việc lắng nghe Lời Chúa là thái độ căn bản của con người trước mặt Thiên Chúa. Thái độ này sẽ phát sinh ra một chuỗi những tâm tình khác, đã được nói trên đây trong định nghĩa về sự cầu nguyện. Chúng ta có thể thấy trong buổi Truyền tin một phản ứng khá tự nhiên của việc đáp lại tiếng gọi của Chúa, đó là: thuận nhận làm theo ý Chúa, được phát biểu qua tiếng Fiat xin vâng. Tâm tình này bao hàm ý định hiến dâng nữa. Tiếp đó, trong bài ca Magnificat, tâm tình nổi bật nhất là tạ ơn. Tạ ơn không chỉ vì những ân huệ cá nhân mà Chúa đã ban cho Mẹ mà còn về những hồng ân mà Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ, dành cho dân tộc Israel cũng như dành cho tất cả những con người thấp cổ bé miệng. Trong lịch sử thần học, đã có những tác giả sánh ví kinh Magnificat với kinh nguyện Tạ ơn trong Thánh lễ, với những phần tạ ơn, chúc tụng, chuyển cầu. Nhưng cũng có người so sánh như bài ca giải phóng. Khi bước sang Tin mừng thứ tư, chúng ta nhận thấy một tâm tình khác nơi trình thuật về tiệc cưới tại Cana. Đức Maria ngỏ lời với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi”. Đây không chỉ là nhận xét tinh tế của một người nội trợ quán xuyến chuyện cơm nước, nhưng nhất là một lời chuyển cầu. Mẹ xin Chúa Giêsu can thiệp để giúp đỡ đôi tân hôn. Lời kế tiếp nói với gia nhân: “hãy làm tất cả những gì mà Người bảo” thoạt tiên chỉ là một lời dặn dò, nhưng các nhà chú giải Kinh thánh đã vạch ra ý nghĩa thâm sâu của nó khi đối chiếu với những lời của dân tộc Israel thưa với ông Mosê trên núi Horep, được ghi lại trong sách Xuất hành, chương 19 câu 8: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì mà Giavê dạy bảo”. Như vậy, Đức Maria ra như giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với dân của Ngài. Trong câu nói trước (“Họ hết rượu rồi”), Mẹ thay mặt dân để ngỏ lời với Chúa; bây giờ thì Mẹ quay về phía dân để mời gọi họ hãy đón nhận ý Chúa. Vai trò môi giới của Đức Maria sẽ còn được hiện rõ hơn dưới chân thánh giá, khi Chúa Giêsu uỷ thác người môn đệ yêu dấu cho Mẹ, và ký thác Mẹ cho người môn đệ.
Ngoài hai sách Tin mừng Luca và Gioan, còn có chỗ nào trong Tân ước nói đến Đức Maria cầu nguyện nữa không?
Còn một đoạn văn khá quan trọng ở chương mở đầu sách Tông đồ công vụ. Tác giả cho chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ trở về Giêrusalem; họ lên lầu trên, đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với các phụ nữ, và bà Maria, thân mẫu của Đức Giêsu. Thoạt tiên, Đức Maria hiện diện như một người môn đệ giữa những môn đệ khác. Kỳ thực, sự hiện diện này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Người hiện diện giữa cộng đoàn Hội thánh như là ký ức sống động về Chúa Giêsu. Mẹ kể lại cho các môn đệ những kỷ niệm về Chúa mà Mẹ đã nghiền ngẫm trong suốt hơn ba mươi năm qua. Những kỷ niệm này cần được đối chiếu với tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng vừa nhắc nhở cho các môn đệ các lời nói và việc làm của Chúa, vừa giúp họ đào sâu thêm ý nghĩa của những biến cố ấy. Mặt khác, Đức Maria cùng cầu nguyện với cộng đồng Hội thánh. Đây là nền tảng cho những kinh nguyện mà Hội thánh dâng lên Thiên Chúa cùng với Mẹ Maria. Như đã nói trên đây, mỗi ngày Hội thánh hát bài Magnificat trong giờ Kinh Chiều: Hội thánh chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa bằng những lời của Mẹ Maria. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến kinh Mân côi, qua lời kinh Kính mừng, Hội thánh cùng suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô với cặp mắt và con tim của Mẹ Maria. Và Hội thánh cũng chắc chắn rằng Mẹ Maria cũng cầu nguyện cho Hội thánh xét như cộng đồng và xét như từng cá nhân, bởi vì mỗi người là môn đệ được Chúa Giêsu ký thác cho Mẹ chăm sóc. Mẹ cũng muốn chúng ta học theo gương của Mẹ trong việc đó nhận ý Chúa, và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy. Thiết tưởng chúng ta nên đọc lại vài đoạn quan trọng của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Ở số 2679, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đặt nền tảng của những lời cầu nguyện mà các tín hữu dâng lên Đức Mẹ dựa trên chính mẫu gương cầu nguyện của Người. Đề tài “các lời cầu nguyện của Mẹ Maria” ở các số 2617-2619. Cầu nguyện là thinh lặng, lắng nghe; là đón nhận, vâng phục; là dâng hiến, là dấn thân; là xác tín và trông chờ.