Bản Quyền Địa Phương – Vấn Đề 66

0
652


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 66

BẢN QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

(đ. 585 §2)

 

Theo giáo luật, Bản quyền địa phương (hoặc: Bản quyền sở tại: Ordinarius loci) bao gồm, ngoài Đức Giáo Hoàng ra, các Giám mục Giáo phận cũng như những vị đứng đầu một Giáo Hội địa phương, dù chỉ là lâm thời (chẳng hạn như Giám quản Tông Tòa, Giám quản Giáo phận), hoặc một cộng đồng được điều 368 coi là tương đương với một Giáo phận (hạt Giám chức tòng thổ, hạt Viện phụ tòng thổ, hạt Đại diện Tông Tòa, hạt Giám quản Tông Tòa có tính ổn định), và các vị giữ quyền hành pháp thông thường trong các đơn vị đó, nghĩa là các Tổng đại diện, các Đại diện Giám mục (x. đ.134).

Những gì giáo luật dành đích danh cho Giám mục Giáo phận trong lãnh vực hành pháp (thí dụ cho phép sống ngoại vi, hoặc cho rời bỏ Dòng, đ. 686 §l và 691 §2), thì phải coi là chỉ dành riêng cho ngài và những vị được đồng hóa với ngài, chứ không được hiểu về Tổng đại diện hoặc Đại diện Giám mục nếu không có ủy nhiệm đặc biệt (đ. 134 §3).

Trong tương quan giữa các tu sĩ với hàng giáo phẩm (đừng kể với Đức Giáo Hoàng, được coi là Bề trên cao cấp của tất cả các tu sĩ và do đó ngài có thể ra lệnh cho các tu sĩ nhân danh đức vâng lời chiếu theo đ. 590 §2), nguyên tắc chi phối là: “sự tự trị chínhđáng, nhất là trong lãnh vực cai quản”, nhờ đó mỗi Hội Dòng trong Giáo Hội được sống theo kỷ luật riêng của mình theo điều 578 (x. đ. 586).[1]

Như vậy, trong sự tôn trọng các luật lệ của Giáo Hội, tất cả những gì liên quan đến sự tuyển chọn các ơn gọi, thâu nhận vào Hội Dòng (kể cả các Dòng Giáo phận), bổ nhiệm vào các chức vụ trong nội bộ, cũng như việc phân phối các tu sĩ trong các tu viện: tất cả những việc này không thuộc thẩm quyền của Bản quyền, nhưng được dành riêng cho Bề trên trong Dòng chiếu theo Hiến Pháp.

Quyền tự trị này phải được các Bản quyền sở tại tôn trọng và bảo vệ (đ. 586 §2).

Ở đây không cần nói thêm về những gì đã được triển khai ở nhiều chỗ khác của tập tài liệu này liên quan đến các tương quan giữa Bản quyền địa phương và các Hội Dòng. Nên tham chiếu những gì đã nói về việc thành lập một nhà, về sự thay đổi mục tiêu cũng như về sự bãi bỏ một nhà,[2] về việc tông đồ của các tu sĩ,[3] về việc phụng tự công.[4]

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến điều 1302 §3 liên quan đến tài sản được trao tín thác (hoặc khi còn sống hay theo di chúc) cho một tu sĩ với chủ ý dành cho một nơi, một Giáo phận hoặc những dân cư ở Giáo phận, hoặc để giúp cho một “cơ sở từ thiện” của một nơi hoặc một Giáo phận: Bản quyền địa phương phải được thông báo, và chính ngài là người có đủ tư cách để cho phép đầu tư các tài sản đó, hoặc để giám sát việc thi hành các nghĩa vụ liên quan đến các tài sản đó.

 

 


[1] Để hiểu tầm quan trọng của nguyên tắc này, xem thêm vấn đề 6.

[2] Xem thêm các vấn đề 25 và 27.

[3] Xem thêm các vấn đề 46 và 51.

[4] Xem thêm các vấn đề 42 và 46.