Bản Chất Của Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo Về Xã Hội

0
536


Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

 

Với khái niệm như thế, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội mang bản chất và đặc tính sau: Giáo huấn Xã hội không phải là một ý thức hệ, một lý thuyết xã hội hay một hệ thống kinh tế thuần tuý mà là quan điểm của Thần học, đặc biệt thần học luân lý, đựơc áp dụng vào lãnh vực xã hội.

Vì thế, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội không chủ trương đưa ra những giải pháp kỹ thuật cho vấn đề chậm tiến và cũng chẳng đề xuất các chương trình xã hội hay chính trị cụ thể. Sâu xa hơn, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng.

1. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO MANG BẢN CHẤT THẦN HỌC

Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội là một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, một thiên chức vừa trần thế vừa siêu việt; mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng.

Bởi đó, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội mang bản chất thần học, chính xác là thần học luân lý, vì đó là giáo huấn nhằm hương dẫn cách cư xử của con người. Phải tìm giáo huấn này ở chỗ giao tiếp giữa đời sống và lương tâm Kitô hữu với thế giới thật, tức là toàn bộ mối quan hệ phức tạp, đa chiều và toàn diện của đời sống cá nhân cũng như tập thể.

Giáo huấn này phản ảnh ba cấp độ của Thần học Luân lý : cấp nền tảng là các động cơ; cấp hướng dẫn là các chuẩn mực cho đời sống trong xã hội; cấp quyết định là lương tâm, được mời gọi đưa các chuẩn mực khách quan và tổng quát vào các tình huống xã hội đặc thù. Ba cấp độ này cũng ngầm vạch ra phương pháp riêng và cơ cấu nhận thức đặc trưng của Giáo huấn Xã hội Công giáo.

Cũng như mọi ngành Thần học khác Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống Giáo Hội. Từ nguồn ấy, xuất phát từ trên cao, Giáo Hội rút ra ánh sáng và cảm hứng để hiểu, để phê phán và để hướng dẫn các kinh nghiệm của con người cũng như lịch sử. Trước tiên và trên hết là kế hoạch của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo, và cách riêng, đối với đời sống và định mệnh của con người, đã được Chúa mời gọi hiệp thông với Ba Ngôi

2. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO THỂ HIỆN TÍNH LIÊN ĐỚI

Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội sẽ tận dụng các đóng góp của mọi ngành kiến thức, bất kể chúng xuất phát từ nguồn gốc nào, và Giáo huấn này mang chiều hướng liên ngành rất quan trọng. “Để đưa chân lý duy nhất về con người hội nhập tốt hơn vào các bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị luôn thay đổi, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội tìm cách đối thoại với các bộ môn khác nhau có liên quan đến con người. Giáo Huấn này tiếp thu những gì các bộ môn ấy đóng góp”. Giáo huấn Xã hội tận dụng những đóng góp quan trọng của triết học cũng như những đóng góp mang tính mô tả của các khoa học nhân văn.

3. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO BIỂU HIỆN HUẤN QUYỀN

Giáo huấn Xã hội thuộc về Giáo Hội vì Giáo Hội là chủ thể thiết lập, phổ biến và giảng dạy Giáo huấn ấy. Đó không phải là đặc quyền của riêng một bộ phận nào trong Giáo Hội mà là của toàn thể cộng đồng; nó là cách biểu hiện đường lối Giáo Hội hiểu xã hội và cho biết lập trường của Giáo Hội liên quan đến các cơ chế xã hội và những thay đổi trong xã hội. Toàn thể cộng đồng Giáo Hội – từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân – đều tham dự vào việc hình thành Giáo huấn ấy, mỗi người tuỳ theo nhiệm vụ, đoàn sủng và thừa tác vụ của mình trong Giáo Hội. Trong Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội có Huấn Quyền làm việc cùng với tất cả những thành viên làm nên Huấn Quyền dưới những hình thức khác nhau. Quan trọng hơn hết là Huấn Quyền phổ quát của vị Giáo hoàng và Công đồng: đây là Huấn Quyền xác định đường hướng và đánh dấu sự tiến triển của Giáo Huấn xã hội. Các Giám mục địa phương sẽ làm cho Giáo huấn ấy có được nội dung chính xác, thông dịch và áp dụng Giáo Huấn ấy trong những tình hình cụ thể và đặc thù của các địa phương khác nhau. Giáo huấn Xã hội của các Giám mục là những đóng góp và lực đẩy hữu hiệu cho Huấn Quyền của Đức Giáo hoàng Roma. Bao lâu còn là một phần trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bấy lâu Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội sẽ có cùng phẩm giá và thẩm quyền như giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Đây đúng là Huấn Quyền đích thực, buộc các tín hữu phải gắn bó.

4. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HƯỚNG ĐẾN MỘT XÃ HỘI CÓ CÔNG LÝ VÀ TÌNH YÊU

Đối tượng của Giáo huấn Xã hội Công giáo về cơ bản đó là con người được mời gọi hưởng ơn cứu độ, và con người ấy được Đức Kitô trao cho Giáo Hội chăm sóc và chịu trách nhiệm. Thông qua Giáo huấn Xã hội, Giáo Hội tỏ rõ sự quan tâm của mình đối với đời sống con người trong xã hội, đồng thời ý thức rằng chất lượng của đời sống xã hội ấy – nghĩa là chất lượng của những mối quan hệ công bằng và yêu thương, dệt thành xã hội – tuỳ thuộc một cách quyết định vào việc con người được bảo vệ và thăng tiến thế nào, vì cộng đồng ra đời là từ những con người ấy. Thật vậy, phẩm giá và quyền lợi của con người đang bị đưa ra đánh cược trong xã hội, và hoà bình trong các quan hệ giữa người với người và giữa các cộng đồng với nhau cũng đang lâm vào tình cảnh này. Đó chính là những điều thiện hảo mà cộng đồng xã hội phải theo đuổi và bảo đảm. Nhìn trong viễn tượng này, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội không chỉ có nhiệm vụ công bố, mà còn có nhiệm vụ tố giác.

Trước tiên, Giáo huấn này chính là sự công bố những điều Giáo Hội đang có như của riêng mình: đó là một “cái nhìn về con người và về các việc làm của con người trong toàn bộ vấn đề”. Giáo Hội làm việc này không chỉ trên bình diện các nguyên tắc mà cả trong thực hành cụ thể. Với Giáo huấn Xã hội của mình, Giáo Hội không hề muốn tìm cách cơ cấu hoá hay tổ chức xã hội, mà chỉ kêu gọi, hướng dẫn và đào tạo các lương tâm.

Giáo huấn Xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố giác mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố giác, Giáo huấn Xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém. Một phần lớn Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội được yêu cầu và được quyết định bởi các vấn đề quan trọng của xã hội, và công bằng xã hội chính là giải đáp thích hợp cho các vấn đề ấy. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội chỉ ra cho chúng ta thấy con đường để một xã hội đã được hoà giải đi theo và sống hài hoà nhờ công bằng và yêu thương, một xã hội đang tham dự vào lịch sử nhưng lại chuẩn bị và tiên báo một “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).

5. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO: MỘT THÔNG ĐIỆP PHỔ QUÁT

Chủ thể đầu tiên tiếp nhận Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội chính là cộng đồng Giáo Hội với tất cả mọi thành viên, vì ai ai cũng có những trách nhiệm xã hội cần phải chu toàn. Thông qua Giáo huấn Xã hội này, lương tâm mọi người được kêu gọi hãy nhìn nhận và chu toàn các bổn phận công bằng và bác ái trong xã hội. Giáo huấn này chính là ánh sáng của luân lý đích thực soi sáng cho mọi người tìm ra những sự đáp trả thích hợp tuỳ theo ơn gọi và tác vụ của mỗi Kitô hữu. Trong khi thi hành công cuộc Phúc Âm hoá, tức là giảng dạy, huấn giáo và đào tạo mà giáo huấn này gợi ý, mỗi Kitô hữu sẽ tiếp nhận Giáo huấn Xã hội Công giáo tuỳ theo thẩm quyền chuyên môn, đoàn sủng, chức vụ và sứ mạng công bố của mình. Giáo huấn Xã hội này cũng hàm chứa những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội, tức là những bổn phận chính trị, kinh tế và hành chính – những bổn phận mang bản chất trần thế – vốn thuộc về người tín hữu giáo dân chứ không thuộc về các linh mục hay tu sĩ. Những bổn phận ấy thuộc về hàng giáo dân một cách hết sức đặc biệt vì thân phận trần thế của bậc sống và vì bản chất trần thế của ơn gọi mà họ đang theo đuổi. Khi thi hành các trách nhiệm ấy, người tín hữu giáo dân đã đưa Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội vào thực hành, và như thế, giúp hoàn thành sứ mạng trần thế của Giáo Hội.

Giáo huấn Xã hội Công giáo còn có mục tiêu phổ quát. Ánh sáng của Tin Mừng mà Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội soi chiếu trên xã hội sẽ soi sáng cho hết mọi người; mỗi lương tâm và trí óc con người được ở trong tư thế thuận lợi để nắm bắt được chiều sâu của ý nghĩa và các giá trị của con người diễn tả trong Giáo huấn ấy, cũng như sẽ khám phá tiềm năng nhân loại và khả năng nhân bản hoá chứa đựng trong các chuẩn mực hành động của Giáo Huấn ấy. Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội được gửi tới mọi dân tộc – nhân danh nhân loại, và phẩm giá con người, vừa duy nhất vừa độc đáo, nhân danh sự chăm sóc loài người và việc thăng tiến xã hội – và được gửi tới cho từng người nhân danh Thiên Chúa duy nhất, vừa là Đấng Tạo Hoá vừa là cứu cánh cuối cùng của con người. Giáo huấn Xã hội này đúng là một giáo huấn công khai gửi cho mọi người thiện chí, và thật vậy, nó đã được tiếp nhận không phải chỉ bởi thành viên các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác, mà còn bởi các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác và cả bởi những người không thuộc về tập thể tôn giáo nào.

6. GIÁO HUẤN XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO: MỘT TẦM NHÌN LUÔN VƯƠN TỚI

Giáo huấn Xã hội Công giáo luôn được ánh sáng ngàn đời của Tin Mừng hướng dẫn và luôn quan tâm tới sự tiến hoá của xã hội, nên nó có đặc điểm là vừa liên tục vừa đổi mới. Trước hết, Giáo huấn ấy chứng tỏ có một sự liên tục khi nó luôn tham chiếu các giá trị phổ quát rút ra từ mạc khải và bản tính con người. Chính vì lý do này mà Giáo huấn Xã hội Công giáo không lệ thuộc các nền văn hoá, các ý thức hệ hay các chính kiến khác nhau; đó là một giáo huấn bền vững “trước sau như một xét theo cảm hứng căn bản, xét theo “các nguyên tắc suy tư”, “các tiêu chuẩn phê phán”, “các chỉ dẫn cơ bản để hành động”, và trên hết, xét theo mối liên hệ hết sức quan trọng của Giáo huấn ấy với Tin Mừng của Chúa”.

Đàng khác, khi thường xuyên hướng tới lịch sử và tham gia vào các biến cố đã xảy ra trong lịch sử như thế, Giáo huấn Xã hội Công giáo chứng tỏ mình có khả năng đổi mới liên tục. Vững vàng trong các nguyên tắc không có nghĩa là phải trở thành một hệ thống giáo huấn cứng nhắc, mà là một Huấn Quyền có thể cởi mở với các điều mới, nhưng vẫn không vì thế mà thay đổi bản chất. Đó là một giáo huấn “được thích nghi một cách hết sức cần thiết và đúng lúc dựa trên những thay đổi trong những hoàn cảnh lịch sử và dựa trên chuỗi sự kiện diễn ra không bao giờ ngừng, làm thành khung cảnh sống của con người và xã hội”.

Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội được giới thiệu như một “địa chỉ làm việc”, tại đó công việc vẫn đang tiến hành, chân lý ngàn đời vẫn đang thâm nhập và lan toả vào các hoàn cảnh mới, chỉ ra những con đường dẫn tới công lý và hoà bình. Đức tin không có ý định giam hãm các thực tại chính trị và xã hội luôn thay đổi trong một khuôn khổ đóng kín. Trái lại, đức tin là chất men tạo ra sự đổi mới và sáng tạo. Giáo huấn này luôn lấy đó làm điểm xuất phát, rồi “triển khai thêm thông qua suy nghĩ được áp dụng vào các tình thế luôn thay đổi của thế giới, dưới lực đẩy của Tin Mừng là nguồn của sự đổi mới”.

Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội không tự nhốt mình cũng không trốn tránh, mà luôn luôn cởi mở, vươn ra ngoài và hướng tới con người, vì định mệnh cứu độ của con người cũng chính là lý do tồn tại của Giáo Hội. Giáo Hội ở giữa con người như một bức tranh sống động của Người Mục Tử Tốt Lành, đang tìm kiếm con người và gặp được con người tại nơi con người ở, tức là trong hoàn cảnh hiện sinh và lịch sử của chính cuộc sống con người. Chính tại chỗ đó mà Giáo Hội trở thành điểm cho con người tiếp xúc được Tin Mừng, tiếp xúc được thông điệp giải phóng và hoà giải, công lý và hoà bình.