Bài thuyết giảng thứ hai, Mùa Chay 2021, của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa

0
1416

(Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/266613.htm)

Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 5 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ hai tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?” – Chúa Giêsu Kitô là người thật.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An, 07/03/2021

——————-

Sự trỗi dậy của tư tưởng hiện đại bắt nguồn từ thời Khai sáng và được mô tả tiêu biểu qua châm ngôn về cách sống “etsi Deus non dámtur”, nghĩa là sống như thể Chúa không tồn tại. Mục sư Dietrich Bonhoeffer đã tiếp thu câu châm ngôn này để cố gắng tạo cho nó một hàm ý Kitô giáo tích cực. Trong ý định của ông, đó không phải là sự nhượng bộ chủ nghĩa vô thần, mà là một kế hoạch cho đời sống tâm linh: hãy làm nhiệm vụ của mình ngay cả khi Chúa có vẻ như xa xăm; nói cách khác, chúng ta không biến Thiên Chúa thành một Thần sửa chữa – Đấng luôn sẵn sàng đến giải cứu bất cứ nơi nào con người gặp thất bại.

Ngay cả trong phiên bản này, câu châm ngôn vẫn còn gây tranh cãi và đã bị chỉ trích một cách đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta quan tâm đến nó vì một lý do hoàn toàn khác. Giáo hội có nguy cơ diệt vong khi sống như “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như thể Chúa Kitô không tồn tại. Đó là giả định mà thế giới và các phương tiện truyền thông nói về Giáo hội mọi lúc. Mối quan tâm của họ tập trung vào lịch sử của Giáo Hội (trên hết là một lịch sử tiêu cực, không phải là một lịch sử thánh thiện), tổ chức của Giáo Hội, quan điểm của Giáo Hội về các vấn đề hiện tại, các sự kiện nội bộ và những câu chuyện phiếm về Giáo Hội. Chúa Giêsu, nếu có được nhắc đến đi nữa, thì thỉnh thoảng mới được đề cập đến. Một đề xuất đã được đưa ra ở Ý cách đây nhiều năm – và vẫn đang được áp dụng ở một số quốc gia – đó là về một liên minh có thể có giữa những người tin và những người vô thần dựa trên các quyền dân sự và đạo đức chung, dựa trên căn cội Kitô Giáo của nền văn hóa của chúng ta, v.v. Nói cách khác, một thỏa thuận như vậy không dựa trên những gì đã xảy ra trên thế giới khi Chúa Kitô đến, nhưng dựa trên những gì xảy ra sau đó, sau Ngài.

Một mục tiêu khác – và đáng tiếc là không thể tránh khỏi – là sự kiện Chúa Kitô không đóng vai trò nào trong ba cuộc đối thoại sống động nhất được thực hiện giữa Giáo hội và thế giới. Ngài không được đề cập đến trong cuộc đối thoại giữa đức tin và triết học, bởi vì đối tượng của triết học là các khái niệm siêu hình, chứ không phải là các thực thể lịch sử, như con người của Đức Giêsu thành Nazareth; Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại với khoa học, nơi mà người ta chỉ có thể thảo luận về sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa và một “thiết kế thông minh” bên dưới sự tiến hóa; cuối cùng, Ngài cũng không tham gia vào cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, nơi mà người ta đặt trọng tâm là những gì các tôn giáo có thể làm cùng nhau, nhân danh Chúa, vì lợi ích của nhân loại.

Ngay cả trong các mối quan tâm công bằng nhất về việc đáp ứng các nhu cầu và thách thức khiêu khích của lịch sử và văn hóa, tất cả chúng ta, bao gồm cả chúng ta là những người tin Chúa, phải đối mặt với nguy cơ diệt vong khi hành xử “etsi Christus non dámtur”, nghĩa là như có thể nói về Giáo hội trong khi loại trừ Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Tôi đã bị ấn tượng sâu sắc bởi những lời của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 25 tháng 11 năm ngoái. Ngài nói – và qua nhịp điệu trong giọng nói của ngài, bạn có thể nói rằng chủ đề này đã khiến ngài vô cùng xúc động:

Chúng ta tìm thấy ở đây [trong Tông đồ Công vụ 2:42] bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống Giáo Hội: trước hết là lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ; thứ hai là việc bảo vệ sự hiệp thông lẫn nhau; thứ ba, là việc bẻ bánh; và thứ tư, là lời cầu nguyện. Những đặc điểm này nhắc nhở chúng ta rằng sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa nếu Giáo Hội vẫn được kết hợp vững chắc với Chúa Kitô, nghĩa là trong cộng đoàn, trong Lời của Người, trong Bí tích Thánh Thể và trong lời cầu nguyện. Đó là cách chúng ta kết hợp mình với Chúa Kitô. Việc rao giảng và dạy giáo lý làm chứng cho những lời nói và hành động của Thầy chúng ta; sự tìm kiếm liên tục cho tình hiệp thông huynh đệ che chắn chúng ta khỏi sự ích kỷ giữa chúng ta với nhau. Chúa sẽ không bao giờ vắng mặt; đó thực sự là Người trong Bí tích Thánh Thể. Người sống và bước đi với các chi tiết cụ thể; việc bẻ bánh làm viên mãn bí tích về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Và cuối cùng, cầu nguyện, là không gian đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Mọi thứ trong Giáo hội phát triển bên ngoài “tọa độ” này đều thiếu nền tảng.

Như có thể thấy, theo lời của Đức Giáo Hoàng, bốn tọa độ của Giáo hội được giản lược chỉ còn một: đó là neo vào Chúa Kitô. Tất cả những điều này đã khiến tôi muốn dành những suy niệm Mùa Chay này cho con người của Chúa Giêsu Kitô. Chính cá nhân tôi là người đầu tiên phải vượt qua một sự phản đối có thể xảy ra. Nhìn lướt qua mục lục các tài liệu của Công đồng Vatican II, dưới mục ‘Chúa Giêsu Kitô’, hoặc lướt nhanh qua các tài liệu của Đức Giáo Hoàng trong vài năm qua cho chúng ta biết nhiều điều hơn những gì chúng ta có thể nói trong những bài suy niệm Mùa Chay ngắn ngủi này. Vậy thì việc chọn đề tài này có ích gì? Vấn đề là ở đây chúng ta sẽ nói về một mình Chúa Giêsu Kitô, như thể chỉ có một mình Ngài tồn tại và chỉ đáng để đề cập đến một mình Ngài mà thôi (mà suy cho cùng, đó là chân lý!).

Chúng ta có thể làm điều đó vì chúng ta không bị ép buộc, như trong trường hợp Huấn quyền là phải giải quyết các vấn đề khác như các vấn đề mục vụ, luân lý, xã hội, môi trường, cũng như những thách thức do đại dịch gây ra ngày nay. Sẽ là hoàn toàn sai nếu chúng ta chỉ làm những gì chúng ta làm ở đây, nhưng cũng sai không kém nếu chúng ta không bao giờ làm điều này. Từ kinh nghiệm của tôi với truyền hình, tôi đã học được một điều. Có nhiều cách khác nhau để tạo khung hình cho một đối tượng: một ‘cảnh quay rộng’, khi người nói được đóng khung với mọi thứ khác xung quanh anh ta và ‘cận cảnh’, khi chỉ người nói được nhìn thấy và cuối cùng, cái gọi là ‘cận cảnh cực độ’, khi chỉ khuôn mặt của người nói hoặc thậm chí đôi mắt của họ được đưa lên phim. Trong những bài suy niệm này, chúng tôi đề xuất, với sự giúp đỡ của Chúa, hãy quay ‘cận cảnh cực độ’ để tập chú vào con người của Chúa Giêsu Kitô.

Mục đích của chúng ta không phải là hộ giáo, nhưng là linh đạo. Nói cách khác, chúng ta không nói để thuyết phục những người khác, những người không tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, nhưng để làm cho Ngài có thể trở nên ngày càng thực sự là Chúa của cuộc đời chúng ta, là điểm quy chiếu toàn diện của chúng ta, đến độ cảm nhận được, giống như người Tông đồ, ‘được Chúa Kitô chiếm hữu’ (Pl 3:12) và có thể nói với Người – ít nhất là như một ước muốn – ‘đối với tôi sự sống là Đức Kitô’ (Pl 1:21). Vì vậy, câu hỏi đi kèm với chúng ta sẽ không phải là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong thế giới và trong Giáo hội?’, mà là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong cuộc đời tôi?’ Hơn nữa, đây sẽ là cách tốt nhất để khơi dậy sự quan tâm của người khác đối với Chúa Kitô, đó là cách truyền giáo hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta muốn nói đến Chúa Kitô nào? Thực sự có nhiều ‘Chúa Kitô’ khác nhau: có Chúa Kitô của các sử gia, của các nhà thần học, của các nhà thơ, và thậm chí là Chúa Kitô của những người vô thần. Chúng ta muốn nói về Chúa Kitô của các Phúc âm và của Giáo hội, chính xác hơn là về Chúa Kitô của tín điều Công Giáo được xác định bởi Công đồng Chalcedon năm 451. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghe lại định nghĩa đó, ít nhất là trong một phần của văn bản gốc:

Theo gương các Giáo phụ thánh, chúng ta đồng tâm nhất trí dạy bảo và tuyên xưng một và cùng một Chúa Con: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất.

Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh của một tam giác tín lý về Chúa Kitô: hai cạnh là nhân tính và thần tính của Chúa Kitô và đỉnh là sự hợp nhất của chính bản thể của Ngài.

Đạo lý Kitô học không có ý định là một bản tóm tắt tất cả các dữ liệu Kinh thánh, như một dạng sản phẩm chưng cất chứa vô số các tuyên bố về Chúa Kitô có thể được đọc trong Tân Ước, bằng cách rút gọn chúng thành những công thức đơn giản và khô khan: ‘hai bản tính, một hữu thể’. Làm như vậy, thì tín lý ấy sẽ bị giản lược một cách khủng khiếp và thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, trường hợp này không phải như thế. Hội thánh tin và rao giảng về Chúa Giêsu Kitô tất cả những gì Tân ước nói về Ngài, không có bất kỳ sự thiếu sót nào. Qua các tín điều, Giáo hội chỉ cố gắng phác thảo một khung tham chiếu, để soạn thảo một loại ‘luật cơ bản’ mà bất kỳ tuyên bố nào về Chúa Kitô đều phải tuân theo. Tất cả những gì được nói về Chúa Kitô bây giờ phải tôn trọng sự thật chắc chắn và không thể chối cãi đó: sự thật rằng Ngài đồng thời là Thiên Chúa và là con người; hay nói rõ hơn, là trong cùng một hữu thể.

Các tín lý là ‘cấu trúc mở’ (Bernhard Lonergan), sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều mới lạ và những thực tại chân chính mà mỗi thời đại khám phá ra trong Lời Chúa. Các tín lý sẵn sàng phát triển từ bên trong, với điều kiện là chúng luôn tiến hành ‘theo cùng một ý nghĩa và theo cùng một hướng’. Có nghĩa là cách giải thích được đưa ra trong một thời đại không được mâu thuẫn với cách giải thích của thời đại trước đó. Do đó, tiếp cận Chúa Kitô bằng con đường tín lý không có nghĩa là lặp đi lặp lại những điều tương tự một cách mệt mỏi, hay chỉ thay đổi cách diễn đạt. Nó có nghĩa là đọc Kinh thánh trong Truyền thống, với con mắt của Giáo hội, tức là đọc Kinh thánh theo một cách thức cổ xưa và luôn mới mẻ.

Chúa Kitô, một nhân tính hoàn hảo

Chúng ta hãy xem tất cả những điều này có ý nghĩa gì, nếu chúng ta áp dụng điều đó vào tín điều về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô, đó là ‘cận cảnh cực độ’ mà chúng ta muốn sử dụng để trình bày Chúa Giêsu trong bài suy niệm hôm nay.

Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu trên dương thế, không ai nghĩ đến việc đặt câu hỏi về thực tại nhân tính của Chúa Kitô, Ngài thực sự là một người như những người khác. Khi Tân Ước đề cập đến nhân tính của Chúa Kitô, mối quan tâm của Tân Ước tập trung nhiều hơn vào sự thánh khiết của nhân tính này hơn là sự thật hay thực tại của nhân tính ấy, nghĩa là sự hoàn hảo hơn là sự hoàn chỉnh về phương diện bản thể học.

Vào thời của Công đồng Chalcedon, khái niệm này về Chúa Kitô không thay đổi, nhưng trọng tâm không còn như cũ. Để chống lại lạc thuyết Huyễn Ảnh [Doceism – xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 2, chủ trương đời sống nhân tính của Chúa Giêsu tại trần gian, nhất là đau khổ và sự chết của ngài chỉ là huyễn ảnh mà thôi, không có thật – chú thích của người dịch], Giáo hội phải xác nhận rằng Chúa Kitô đã có một thân xác con người thật; cũng như chống lại lạc giáo Apollinarian cho rằng Chúa Kitô cũng có linh hồn con người như chúng ta, và sau đó, vào thế kỷ thứ bảy, Giáo hội sẽ phải chiến đấu chống lại lạc thuyết Nhất Chí (Monothelite), và khẳng định rằng Chúa Kitô cũng có ý chí, và do đó là một con người tự do thực sự. Do những dị giáo mà chúng ta vừa đề cập đến, tất cả sự quan tâm đến Chúa Kitô với tư cách là một ‘con người’ đã chuyển từ vấn đề về tính mới mẻ và sự thánh thiện của nhân tính này, sang vấn đề về sự hoàn thiện hay sự viên mãn về bản thể học.

Như tôi đã nói, Tân Ước không quan tâm nhiều đến việc tuyên bố rằng Chúa Giêsu là một người ‘đích thực’, cho bằng việc Ngài là một nhân loại ‘mới’. Thánh Phaolô định nghĩa Chúa Giêsu là ‘Adong cuối cùng’ (eschatos), tức là ‘con người tối thượng’ (xem 1 Cor 15: 45ss; Rm 5:14). Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta nhân loại mới, nhân loại ‘được tạo dựng theo đường lối Thiên Chúa trong sự công chính và thánh thiện của chân lý’ (Ep 4; 24; x. Cl 3,10). Chúa Giêsu Kitô là ‘Đấng Thánh của Thiên Chúa’: đây là Đấng mà Người được long trọng tuyên xưng trong hai thời khắc của cuộc đời trần thế (Lc 4:34; Ga 6:69). Chúa Giêsu không phải là con người giống như những con người khác, giống như con người mà tất cả những con người khác phải giống. Ngài là người duy nhất trong số những người mà các nhà triết học Hy Lạp thường nói một cách tổng quát về nhân loại: Ngài là ‘thước đo của vạn vật’!

Một khi thực tế về tín lý và bản thể học về nhân tính hoàn hảo của Chúa Kitô đã được bảo đảm, ngày nay chúng ta có thể một lần nữa đề cao ý niệm cơ bản này trong Kinh thánh. Chúng ta cũng phải làm như vậy vì một lý do khác. Ngày nay, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một con người, như những người ủng hộ thuyết Huyễn Ảnh và những người khác là những kẻ đã phủ nhận nhân tính đầy đủ của Chúa Kitô. Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng lạ lùng và đáng kinh ngạc: nhân tính ‘thật’ của Chúa Kitô đang được âm thầm khẳng định như một sự thay thế cho thần tính của Ngài, như một kiểu phản công. Đây là một cuộc thi chung để xác định ai đi xa nhất trong việc khẳng định nhân tính ‘trọn vẹn’ của Chúa Giêsu thành Nagiarét, bằng cách đi xa đến mức khẳng định rằng ngài không chỉ đau khổ, thống khổ và bị cám dỗ, mà còn có cả những hoài nghi và thậm chí cả khả năng phạm sai lầm.

Vì vậy, tín điều về Chúa Giêsu là ‘người thật’ đã trở thành một chân lý bị coi thường đến mức không làm ai bận tâm hay khó chịu, hoặc thậm chí còn tệ hơn, điều đó đã trở thành một chân lý nguy hiểm được dùng để biện minh thay vì phê phán tư tưởng thế tục. Khẳng định nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô ngày nay giống như bắn cá trong thùng.

Sự thánh khiết của Chúa Kitô

Do đó, chúng ta hãy dành thời gian còn lại để chiêm ngưỡng (đây là một từ ngữ rất đúng) sự thánh khiết của Chúa Kitô và để mình bị lóa mắt bởi điều đó, trước khi rút ra bất kỳ hậu quả thực tế nào. Đây là ‘cận cảnh cực độ’ đầu tiên về Chúa Giêsu mà chúng ta muốn sử dụng trong bài suy niệm này: để bản thân mình bị mê hoặc bởi vẻ đẹp vô hạn của Chúa Kitô, là ‘người đẹp trai nhất trong số các chàng trai của nhân loại’.

Quan sát các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, hay một suy diễn siêu hình, nhưng đó là sự thánh thiện đích thực, được sống qua từng khoảnh khắc và trong những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống. Để nêu một ví dụ, các Mối Phúc không chỉ là một kế hoạch sống đẹp đẽ mà Chúa Giêsu phác thảo cho người khác; đó là chính cuộc sống của Người và kinh nghiệm của Người khi được mạc khải cho các môn đệ, bằng cách kêu gọi họ tiếp cận với cùng một bầu khí thánh thiện. Các Mối Phúc là bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu.

Ngài dạy những gì chính Ngài thực thi; đó là lý do tại sao Người có thể nói: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11:29). Người nói rằng người ta phải tha thứ cho kẻ thù của họ, nhưng chính Người còn đi xa hơn khi tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Người bằng câu ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm’ (Lc 23:34). Trên thực tế, không phải một tình tiết này hay một chi tiết nọ giúp nêu lên sự thánh thiện của Chúa Giêsu, mà là mọi việc làm, và mọi lời do miệng Ngài phán ra.

Bên cạnh yếu tố tích cực của sự vâng phục trọn vẹn và liên tục theo thánh ý Chúa Cha, sự thánh khiết của Chúa Kitô cũng cho thấy một yếu tố ‘tiêu cực’, đó là sự thiếu sót tuyệt đối của bất kỳ tội lỗi nào, ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ Chúa Giêsu chất vấn các đối thủ của Người (Ga 8:46). Về điểm này, tất cả các chứng tá của các Tông đồ đều đồng thanh khẳng định: Ngài ‘không biết đến tội lỗi’ (2 Cr 5:21); ‘Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối’(1 Pt 2:22); ‘Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4:15); ‘Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân’(Dt 7:26). Thánh Gioan, trong bức thư đầu tiên của mình, không mệt mỏi khi tuyên bố rằng ‘Người trong sáng… trong Người không có tội lỗi..; Người là Đấng công chính’ (1 Ga 3: 3-7).

Lương tâm của Chúa Giêsu là một viên pha lê trong suốt. Ở đó tuyệt đối không chấp nhận tội lỗi, cũng không có nỗi hối tiếc phải cầu xin sự tha thứ trước mặt Chúa hay con người. Ở đó luôn luôn ngự trị sự xác tín thanh thản của chân lý, công chính, và đức hạnh, là điều không giống như giả định của con người về công bình. Không một nhân vật nào khác trong lịch sử dám nói điều tương tự như thế về họ.

Tình trạng hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi – và không chấp nhận tội lỗi – như thế không được kết nối với một hành động hay câu nói nào trong Tin Mừng, tính lịch sử của điều đó có thể bị nghi ngờ, nhưng toàn bộ Tin Mừng đều toát lên điều đó. Đó là một lối sống được phản ánh trong mọi thứ. Bạn có thể nhìn vào góc xa nhất của các sách Phúc âm và kết quả luôn giống nhau. Ý tưởng về một con người đặc biệt thánh thiện và gương mẫu là chưa đủ. Ý tưởng này sẽ mâu thuẫn với lối sống đó. Sự tự tin như thế, sự bác bỏ tội lỗi như vậy, như ta có thể nhận thấy nơi Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ cho thấy một con người phi thường, nhưng phi thường về mặt kiêu hãnh, chứ không phải về sự thánh thiện. Nhận thức về bản chất đó có thể là tội lỗi lớn nhất từng phạm phải, lớn hơn cả tội lỗi của Lucifer, nhưng cũng có thể là một sự thật tuyệt đối. Sự phục sinh của Chúa Kitô cung cấp bằng chứng cụ thể rằng đó là một chân lý tuyệt đối.

‘Được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô’

Bây giờ chúng ta chuyển sang xem xét sự thánh khiết của Chúa Kitô có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Và ở đây chúng ta ngay lập tức bắt gặp một số tin tốt lành. Quả thật có một số tin mừng, một lời công bố hân hoan, cũng liên quan đến sự thánh khiết của Chúa Kitô. Không liên quan quá nhiều đến thực tại Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, hay chúng ta cũng được tiền định để trở nên thánh khiết và vô nhiễm. Không, điều bất ngờ hạnh phúc là Chúa Giêsu thông truyền, ban cho, trao tặng cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài cách nhưng không! Nghĩa là sự thánh thiện của ngài cũng là của chúng ta. Thậm chí hơn thế nữa: rằng chính Ngài là sự thánh thiện của chúng ta

Mỗi bậc cha mẹ trên đời này đều có thể trao cho con cái những gì họ có, nhưng không thể trao cho con họ những gì họ là. Nếu họ là nghệ sĩ, nhà khoa học, hay thậm chí là thánh, không nhất thiết con cái của họ cũng là nghệ sĩ, nhà khoa học hay thánh nhân. Cha mẹ có thể dạy chúng những kỹ năng đó hoặc cho chúng một tấm gương, nhưng vô phương mà truyền lại cho chúng như một kiểu thừa kế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, trong Phép Rửa của chúng ta, không chỉ ban cho những gì Người có, mà ban cả những gì Người là. Ngài là thánh và làm cho chúng ta nên thánh; Ngài là Con của Thiên Chúa và làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.

Công đồng Vatican II cũng nói điều đó:

‘Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh’ (Hiến chế tín lý Lumen gentium, 40).

Sự thánh thiện của Kitô hữu, trước khi là một nghĩa vụ, là một ân sủng.

Chúng ta sẽ làm gì để đón nhận món quà này và biến nó thành một trải nghiệm được sống cụ thể, chứ không chỉ được tin tưởng? Câu trả lời cơ bản đầu tiên là đức tin. Không chỉ là bất kỳ đức tin nào, mà là đức tin mà qua đó chúng ta tự làm nên điều mà Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta. Một đức tin táo bạo đã chắp cánh mới cho đời sống Kitô của chúng ta. Thánh Phaolô đã viết:

Đức Kitô Giêsu đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, là Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, phù hợp với lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa. (1Cr 1, 30-31).

Những gì Chúa Kitô đã trở thành ‘cho chúng ta’ – sự công bình, sự thánh hoá và ơn cứu chuộc – thuộc về chúng ta; thuộc về chúng ta nhiều hơn là nếu chúng ta đã tự làm những điều đó! Như bậc thầy vĩ đại của Byzantine, Cabasilas đã nói: ‘Vì chúng ta không còn thuộc về chính chúng ta nữa, mà thuộc về Chúa Kitô, Đấng đã mua lại chúng ta với giá cao, thì những gì thuộc về Chúa Kitô cũng thuộc về chúng ta hơn những gì đến từ chúng ta.’ Về vấn đề này, tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi lặp lại những gì Thánh Bernard đã viết:

Thật vậy, tôi vững dạ lấy làm của mình [trong nguyên tác, tôi chiếm đoạt!] những gì tôi thiếu từ ruột của Chúa, bởi vì chúng tràn đầy lòng thương xót. […] Vì vậy, công lao của tôi là lòng nhân từ của Chúa. Chắc chắn công lao của tôi sẽ không được mong muốn cho đến khi Chúa muốn vì lòng thương xót. Nếu sự nhân từ của Chúa nhiều, tôi cũng rất vĩ đại về công lao của mình. […] Liệu tôi cũng sẽ được hát về sự công chính của mình chứ? ‘Lạy Chúa, chỉ mình Ngài chính trực công minh’. (x. Tv 71:16). Sự công chính ấy cũng thực sự là của tôi; vì Ngài là Đấng đã làm cho tôi trở nên công chính (xem 1 Cor 1:30 ).

Chúng ta không được thối chí trong việc thực hiện, hoặc đổi mới, kiểu ‘đảo chính’ do thánh Bernard khuyến nghị. Đó thật là một sự trơ tráo thánh thiện!

Thánh Phaolô thường kêu gọi các Kitô hữu ‘từ bỏ cái tôi cũ kỹ’ và ‘mặc lấy Chúa Kitô’. Hình ảnh cởi bỏ và mặc quần áo không chỉ cho thấy một hoạt động khổ hạnh, bao gồm việc vứt bỏ ‘quần áo’ hoặc ‘thói quen’ nào đó và thay thế chúng bằng những thứ khác, đó là loại bỏ các tính hư nết xấu và đạt cho được các nhân đức. Hoạt động đó trước hết được thực hiện bằng đức tin. Trong giây phút cầu nguyện, trong Mùa Chay này, ta có thể ngồi trước Thánh Giá và với một hành động đức tin, giao nộp cho Người tất cả tội lỗi của ta, những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của ta, khi ta lột và ném vào lửa những bộ quần áo bẩn thỉu của ta; rồi ta lại mặc lấy sự công bình mà Chúa Kitô đã mua cho ta. Người làm như thế, như người thu thuế trong đền thờ, sẽ nói: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!’ và người ấy khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính (x. Lc 18: 13-14).

Một số Giáo phụ đã tóm lược bí mật lớn lao này của đời sống Kitô hữu trong một hình ảnh. Các ngài nói: Hãy tưởng tượng rằng một trận đấu hào hùng vừa diễn ra trong sân vận động. Một người đàn ông dũng cảm đã phải đối mặt với tên bạo chúa tàn ác đang nô dịch thành phố với những vất vả và đau khổ to lớn và đã chiến thắng được hắn. Bạn đã ở trên khán đài, bạn không chiến đấu, hay làm việc nặng nhọc hay chịu bất kỳ vết thương nào. Tuy nhiên, nếu bạn ngưỡng mộ con người dũng cảm kia, nếu bạn vui mừng với anh ta về chiến thắng của anh, nếu bạn dệt vương miện hoa cho anh ta, nếu bạn hò hét kích động đám đông ủng hộ anh ta, nếu bạn cúi đầu vui mừng trước người chiến thắng, bạn hãy hôn đầu anh ấy và bạn bắt tay phải anh ấy; tắt một điều, nếu bạn phát cuồng vì anh ta đến mức coi chiến thắng của anh ta là của riêng bạn, thì tôi nói với bạn rằng bạn nhất định sẽ có phần của mình đối với giải thưởng của người chiến thắng.

Tuy nhiên, còn hơn thế nữa: giả sử người chiến thắng của bạn không cần giải thưởng mà anh ta giành được cho chính mình, nhưng mong muốn, hơn bất cứ điều gì khác, được thấy người ủng hộ của anh ta được vinh danh và coi giải thưởng trong cuộc chiến của anh ta là vương miện của bạn anh ta, thì trong trường hợp đó lẽ nào người ủng hộ viên của anh ấy lại không giành được vương miện, mặc dù người ấy không gặp khó khăn hay bị thương? Họ chắc chắn sẽ giành được nó! Những Giáo phụ này nói điều tương tự cũng xảy ra giữa Chúa Kitô và chúng ta. Chúa Kitô là người dũng cảm, trên thập tự giá đã chiến thắng bạo chúa vĩ đại của thế giới và ban cho chúng ta sự sống một lần nữa. Chúng ta được yêu cầu đừng là những ‘khán giả’ thờ ơ trước nỗi đau và tình yêu như vậy. Như thánh Gioan Kim Khẩu viết:

Kiếm của chúng ta không dính máu, chúng ta không tham gia vào cuộc chiến, chúng ta không bị thương, chúng ta thậm chí không nhìn thấy trận chiến, và này chúng ta giành được chiến thắng. Cuộc chiến là của riêng anh ấy, vương miện là của riêng chúng ta. Và vì chúng ta cũng đã chiến thắng, chúng ta hãy bắt chước những gì người lính làm trong những trường hợp này: với giọng nói vui mừng, chúng ta hãy ca ngợi chiến thắng của Chúa, chúng ta hãy hát những bài thánh ca ngợi khen Chúa.

Tất nhiên, đây không phải là kết thúc của câu chuyện. Từ chỗ đoạt được chúng ta cần chuyển sang bắt chước. Bản văn nói trên của Công đồng Vaticanô II về sự thánh thiện như một hồng ân đã tiếp tục nói rằng:

‘Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống “xứng đáng như những vị thánh” (Eph 5:3) và mặc lấy “lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương” (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22)’.

Tuy chúng ta còn rất nhiều cơ hội khác để nghe về bổn phận noi gương Chúa Giêsu Kitô và nuôi dưỡng các nhân đức, dừng lại ở chỗ nhắc đến một lần thôi là thích hợp. Một lý do khác là, nếu không thực hiện bước nhảy vọt ban đầu trong đức tin, để mở ra cho chúng ta ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không tiến xa đến thế trong con đường bắt chước. Như thánh Grêgôriô Cả đã nói: ‘Bạn không đi từ nhân đức đến đức tin nhưng từ đức tin đến các nhân đức’.

Nếu chúng ta thực sự không muốn chia tay mà không có ít nhất một giải pháp thực tế nhỏ nào, thì đây là một giải pháp hữu ích. Sự thánh khiết của Chúa Giêsu bao gồm việc luôn làm những gì làm hài lòng Chúa Cha. Người nói: ‘Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người’ (Ga 8:29). Chúng ta hãy thử tự hỏi bản thân mình thường xuyên nhất có thể, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào và trả lời rằng: ‘Điều gì làm đẹp lòng Chúa Giêsu trong trường hợp hiện tại?’, và hãy làm điều đó ngay lập tức. Biết được ý muốn của Chúa Giêsu xem ra dễ hơn là biết theo nghĩa trừu tượng ‘thánh ý của Thiên Chúa’ là gì (mặc dù hai ý muốn trên thực tế trùng khớp). Để biết ý muốn của Chúa Giêsu, chúng ta không phải làm gì khác ngoài việc ghi nhớ những gì Ngài nói trong Phúc Âm. Chúa Thánh Thần ở đó, sẵn sàng nhắc nhở chúng ta.

———————

1. http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_2020.11.25_udienza-generale.html.

2. x. Milan Machovec, Gesú per gli atei, Cittadella Editrice, Assisi 1973.

3.Denzinger – Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, nr. 301-302.

4.N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, IV, 6 (PG 150, 613).

5.Bernard of Claivaux, Bài giảng về Diễm Tình Ca, 61, 4-5 (PL 183, 1072).

6 x. Côlôsêô 3: 9; Rm 13:14; Ga-la-ti 3:27; E4: 24.

7. x. N. Cabasilas, Cuộc sống trong Chúa Kitô, 5 (PG 150, 516 s.).

8. Thánh Gioan Kim Khẩu, De coemeterio et de cruce (PG, 49, 396).

9. Thánh Gregorio Magno, Omelie su Ezechiele, II, 7 (PL 76, 1018).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here