Bài giảng thánh lễ Bế mạc Năm Thánh Dòng – Tu viện Mân Côi

0
1316

Sự thinh lặng của thánh Đaminh (8-1-2022)

Giuse Phan Tấn Thành

Năm ngoái, tôi được hân hạnh mở màn năm thánh Đaminh với đề tài: “Tình huynh đệ”. Trong suốt năm qua, tôi đã chia sẻ với anh em về nhiều đề tài: “Chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh”, “Thánh Đaminh, sử ký và thánh kỳ”, “Ẩn sủng giảng thuyết và giảng thuyết ân sủng”. Mỗi bài dài hơn kém 30-45 phút. Hôm nay, tôi lại được mời để chia sẻ nhân dịp kết thúc kỷ niệm 800 năm tạ thế. Lần này thì xin nói ngắn thôi, về đề tài là “sự thinh lặng của thánh Đaminh”. Dĩ nhiên, thinh lặng là phải nói ít, bởi vì nói nhiều là làm mất thinh lặng rồi.

Tuy nhiên, xin đừng vội hiểu thinh lặng theo vật lý (nói ít lời, nói nhỏ nhẹ, đừng gây tiếng động ồn ào), bởi vì nó còn có nghĩa huyền nhiệm nữa. Người ta kể lại rằng có một đan sĩ kia đến khoe với Chúa rằng mình đã tập luyện thinh lặng tuyệt đối, đã có thể làm chủ được miệng lưỡi. Chúa nói với anh ấy: “Được rồi, ta sẽ thử xem người có thực sự biết thinh lặng không”. Chúa đưa anh ta vào nhà thờ, và đưa anh lên chỗ đặt tượng lòng Chúa thương xót, nơi mà nhiều tín hữu thường đến cầu khẩn. Chúa đòi anh phải giữ thinh lặng, không được lên tiếng. Dĩ nhiên là đan sĩ chấp nhận, bởi vì chuyện đó dễ như chơi. Thế rồi Chúa rút lui.

Không bao lâu, một doanh nhân đến khấn hứa xin cho được làm ăn thành đạt.Trước khi ra về, anh phủ phục trước tượng, và chẳng may làm rơi cái ví tiền, mà không biết. Đan sĩ định nhắc nhở, nhưng nhớ lại lời cam kết với Chúa, cho nên làm thinh. Một lát sau, có một ông nhà nghèo đến khấn vái, xin cho đủ tiền mua cơm gạo cho con cái. Chợt nhìn thấy ví tiền, anh ta mừng quá, nghĩ rằng của Trời ban, cho nên bỏ vào túi và hí hửng ra về. Người đan sĩ thấy sốt ruột, đinh can thiệp, nhưng nhớ lại lời cam kết với Chúa, cho nên tiếp tục làm thinh. Thê rồi, một anh sinh viên vào nhà thờ khấn vái xin cho chuyến lên đường thi cử được tốt đẹp. Anh còn đang cầu nguyện, thì ông doanh nhân trở lại nhà thờ, có ông công an đi kèm. Theo ông phú hộ, anh sinh viên này đã ăn cắp ví tiến khi ông đến nhà thờ. Và công an đòi đưa ta về trạm gác để điều tra. Đến đây đan sĩ không cầm mình được nữa, bèn bước ra khỏi tòa của mình, để đến bênh vực cho anh sinh viên vô tội, giải thích cho doanh nhân và công an biết ai là thủ phạm tội trộm cắp. Thế là anh sinh viên thoát nạn.

Đến trưa, Chúa Giêsu bước vào nhà thờ và hỏi đan sĩ: “Con đã hứa với Ta là sẽ không lên tiếng, vậy mà con đâu có giữ lời?” Đan sĩ tự biện hộ: “Nhưng mà, thưa Chúa, con phải bênh vực lẽ công bình chứ, chẳng lẽ để cho anh sinh viên bị bắt oan à?”. Chúa Giêsu nói với đan sĩ: “Tính con còn nông nổi lắm! Ông doanh nhân kia đâu mất bao nhiêu tiền, nhưng đã giúp cho người nghèo nuôi sống gia đình. Còn chàng sinh viên, nếu bị bắt oan, thì sẽ có dịp thanh minh; nhưng vì phải vào sở cảnh sát cho nên lỡ chuyến xe. Con biết không, chuyến xe đã gặp tai nạn, và anh sinh viên đã chết. Con đã biết giá trị của sự thinh lặng chưa? Đường lối của Chúa khác với tính toàn của con người xa lắm!

Câu chuyện này dẫn chúng ta vào sự thinh lặng của thánh Đaminh. Thật là một nghịch lý thì chúng ta đề cập đến sự thinh lặng của vị sáng lập Dòng Giảng. Thực ra, rất ít khi chúng ta thấy các bức họa vẽ thánh Đaminh đi giảng; nhưng có rất nhiều bức họa nổi tiếng (chẳng hạn như Beato Angelico) cho chúng ta thấy Người đang nghiền ngẫm Sách thánh, hay quỳ gối cầu nguyện. Thánh Antoninô đã chẳng nói rằng: “silentium pater praedicatorum” (thinh lặng là cha của các nhà giảng thuyết) đó sao? Tuy nhiên, chúng ta đừng giới hạn sự thinh lặng vào khía cạnh vật chất, nhưng hãy đi xa hơn nữa, sự thinh lặng huyền bí. Và chúng ta có thể nói đến ba thứ thinh lặng nơi thánh Đaminh: thinh lặng với Chúa, thinh lặng với anh em, thinh lặng với thế giới.

1/ Thinh lặng với Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ hiểu về thứ thinh lặng khi cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa, nhưng là chấp nhận sự thinh lặng của Thiên Chúa. Đường lối của Thiên Chúa không giống như chúng ta nghĩ. Chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời thánh Đaminh. Cuộc đời của ngài ngắn ngủi, hơn kém 50 năm, trong đó ngài đã trải qua 30 năm ẩn dật ở quê nhà, 14 năm hoạt động âm thầm ở Fanjeaux (xem ra chẳng có kết quả bao nhiêu), và chỉ dành 6 năm cuối đời cho việc thiết lập dòng Anh em giảng thuyết. Khác với chúng ta, bởi vì chúng ta muốn thấy kết quả việc làm ngay trước mắt, hay muốn nổ sớm, trở thành một ngôi sao được các fan ngưỡng mộ.

2/ Thinh lặng với anh em. Cha Đaminh ra đi mà không để lại văn phẩm nào hết. Ngài chẳng viết một bản luật nào. Hiến pháp tiên khởi là do cha cùng với anh em soạn ra. Ngài đã để cho cái TÔI của mình xóa nhòa trong cái CHÚNG TÔI. Dòng Giảng thuyết là công trình của tập thể, chứ không phải của cá nhân vị tổ phụ. Thật là bài học đáng quý vào thời mà người ta đề cao tính “đồng nghị” (hay hiệp hành), nhưng chẳng ai chịu nghe ai cả.

3/ Thinh lặng với thế giới. Điểm thứ ba phần nào móc nối với điểm thứ nhất. Những năm làm việc âm thầm chỉnh là thời gian thánh Đaminh lắng nghe tiếng nói của thời đại. Con người đang khát khao trở về với đời sống Tin mừng, và đó là lý do giải thích tại sao phái Albigeois và Vaudois thu hút nhiều tín đồ. Thánh Đaminh muốn cho anh em mình sống tinh thần nghèo khó của Phúc âm, chứ không hùa theo những đường lối hoành tráng của Giáo hội đương thời. Mặt khác xã hội thời đó đang chuyển từ nông thôn lên thành thị, thích tự do, tranh luận, tham gia tại các đại học. Thánh Đaminh đưa vào hiến pháp của dòng các thể chế của bàn luận, học hỏi, tham gia, giống như ở các đại học, chứ không theo chế độ gia trưởng cổ truyền.

Như đã nói, tôi không muốn dài dòng khi bàn về sự thinh lặng. Hôm nay, chúng ta khép lại kỷ niệm 800 năm tạ thể của thánh Đaminh. Một câu hỏi đương nhiên được đặt lên: chúng ta đã làm gì trong năm qua? Người bi quan sẽ tră lời: Chẳng làm được gì cả, bao nhiêu kế hoạch đã lên đều bi COVID chặn hết; kể cả việc cử hành lễ bế mạc hôm nay. Nhưng tôi muốn đánh giá cách tích cực hơn. Đúng là năm qua là năm của COVID, xưa nay chưa từng có, và Sách Hiến pháp và Chỉ thị cũng chẳng dạy chúng ta biết phải làm gì. Thế mà anh em đã biến tu viện thành nơi tiếp tế lương thực cho đồng bào. Lương thực do người khác cung cấp. Chúng ta chỉ làm vai trò đóng gói và trung chuyển. Đó là một hình ảnh sống động của lý tưởng dòng Giảng thuyết: chúng ta rao truyền ân sủng, nhưng ân sủng không phải là do chúng ta làm ra; chúng ta chỉ chuyển thông. Cầu xin cho chúng ta biết tiếp tục con đường ấy, con đường của thính lặng trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em và trước mặt thế giới. Chúng ta chỉ là tiếng nói; tiếng nói phải nhường chỗ cho Lời lớn lên, như thánh Gioan Tẩy giả đã nhìn nhận (Ga 3,30). Giờ đây, chúng ta tiếp tục Thánh lễ Tạ ơn vì Chúa đã thương gọi chúng ta đi theo con đường của thánh Đaminh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here