Bài giảng Lễ thánh Tôma năm 2023

0
1087

Phan Tấn Thành

Năm nay có một kỷ niệm đặc biệt của thánh Tôma, đó là 700 năm được ĐTC Gioan XXII tuyên thánh tại Avignon ngày 14/7/1323. Tôi xin trình bày 4 điểm. 1/ Trước hết, chúng ta hãy coi đó như một chuyện thời sự, bởi vì có rất nhiều chi tiết rất thú vị. 2/ Sang phần thứ hai, khi giới thiệu chân dung của thánh nhân, tôi muốn nêu bật khía cạnh nhân bản của con người Tôma. 3/ Thứ ba, hôm nay, phụng vụ cũng kính nhớ thánh Raymunđô Penafort, bổn mạng các nhà giáo luật. Nhiều người đã biết đến tương quan giữa Tôma và Albertô, nhưng chắc là ít người biết đến tương quan giữa Tôma với Raymunđô, đặc biệt trong việc đối thoại với các tôn giáo. 4/ Cuối cùng, dòng Đaminh Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 250 năm thánh Vinh sơn Liêm tuẫn đạo. Chúng ta sẽ cố gắng liên kết ngài với thánh Tôma và Raymunđô. Thông thường các bài giảng lễ chỉ nên giới hạn trong vòng 10 phút, nhưng hôm nay có 4 lý do đặc biệt cho nên xin phép được nhân lên gấp bốn.

I. Việc tuyên thánh cho Tôma Aquino

Có rất nhiều chuyện thú vị chung quanh biến cố này. Trước hết là đối với cuộc đời của thánh Tôma, có 3 kỷ niệm gắn liền nhau: năm nay (2023) là kỷ niệm 700 năm phong thánh; năm tới (2024) là kỷ niệm 750 sinh nhật về trời; và năm tiếp theo (2025) là 800 năm chào đời. Như vậy là cuộc đời được đánh dấu bằng những con số 50: sống 50 tuổi; được phong thánh 50 năm sau đó. (Thực ra chỉ có 49 nhưng tính tròn 50 cho dễ nhớ). Dù sao, chung quanh việc tuyên thánh cho Tôma có nhiều chi tiết mà có lẽ ít người biết[2].

Thứ nhất là có nhiều người chống lại việc phong thánh. Chống lại không phải vì có vấn nạn về đời sống đức độ của người, nhưng mà bởi vì người rơi vào lạc giáo, nghĩa là rối đạo. Số là vào thời ấy triết học Aristote mới được du nhập vào châu Âu qua các bản chú giải Ảrap, cách riêng là ông Averroes, mà nhiều luận đề không hợp với đạo lý cổ truyền, chẳng hạn ông bị tố cáo là chủ trương chỉ có một linh hồn duy nhất cho toàn thể nhân loại. Ba năm sau khi Tôma qua đời ngày 7/3/1277, đức cha Etienne Tempier, giám mục Paris, đã thảo ra danh mục 219 luận đề bị coi là nguy hiểm cho đức tin, trong đó có 11 luận đề phản ánh tư tưởng của Tôma. Không lâu sau, ngày 18/3/1277, đến lượt Tổng giám mục Cantebury là Robert Kilwarby OP, công bố danh sách kết án vài luận đề của Tôma (trong đó có unitas formae substantialis). Chưa hết, Guillaume de la Mare, thuộc dòng Phan-sinh, đã xuất bản một quyển Correctorium, khoảng năm 1279, vạch ra những sai lầm của Tôma, được tóm lại trong 118 điều. Thậm chí tổng hội của dòng Phan-sinh họp ở Strasbourg năm 1282 cấm các tu sĩ đọc sách Summa. (Những ai cần nghiên cứu thì phải được tẩy não trước bằng quyển Correctorium).

Dĩ nhiên là anh em Đaminh đã phản pháo chứ không thể khoanh tay ngồi yên, và kể từ tổng hội  Milano năm 1278, đã truyền cho anh em phải trân trọng ý kiến của Tôma. Dần dần các tổng hội kế tiếp đã buộc anh em phải xếp hàng sau lưng Tôma, nghĩa là chấp nhận đạo lý Tôma như là của Dòng. Trong bối cảnh căng thẳng như vậy mà  vụ án phong thánh diễn ra. Trên thực tế, điều may mắn là ĐTC Gioan XXII đích thân can thiệp vào vụ án. Thủ tục điều tra khởi sự từ năm 1318, với hai phiên toà thâu thập nhân chứng tại Napoli (từ 21/7 đến 18/9 năm 1319, với 42 nhân chứng) và Fossanova (từ 10 đến 20/11/1321, với 112 nhân chứng). Một người có công đôn đốc hồ sơ phong thánh là Guglielmo de Tocco, lo việc thu thập các chứng tích liên quan đến đời sống và phép lạ của Tôma. Cuộc phong thánh diễn ra tại Avignon vào hai ngày 14/7/1823 (tại dinh giáo hoàng) và ngày 18/7/1323 tại nhà thờ chánh tòa. Một điều kiện để được phong thánh là phải có phép lạ. Hồ sơ kể ra 300 phép lạ, và sắc chiếu phong thánh chỉ trích trích lại 9 phép lạ. Điều này sửa lại tục truyền cho rằng thánh Tôma không làm phép lạ nào, bởi vì mỗi articuli của sách Summa đã là một phép lạ rồi (quod tot fecerat miracula quot scripserat articulos) Câu nói này là của Jean Gerson. Có điều là các sinh viên Đaminh hầu như không bao giờ khấn thánh Tôma phù hộ trước các kỳ thi.

II. Ý nghĩa của việc phong thánh

Chắc là anh chị em đã từng được nghe lời khen  rằng Tôma là “người thánh thiện nhất trong những nhà thông thái, và thông thái nhất trong các bậc thánh thiện”. Cách đây 100 năm, để kỷ niệm 600 năm lễ tuyên thánh cho Tôma, ĐTC Piô XI đã ban hành thông điệp Studiorum ducem (ngày 29/6/1923), trong đó ngài ca ngợi các nhân đức bác ái, khiết tịnh , khó nghèo, khiêm nhường, cầu nguyện, cao minh. Nên biết là thánh nhân được tặng các tước hiệu là  “tiến sĩ phổ quát” (doctor communis) từ năm 1317, “tiến sĩ thiên thần” (doctor angelicus, năm 1459)  không những vì sự hiểu biết cao siêu giống các thiên thần mà còn vì nhân đức khiết tịnh như các thiên thần, “tiến sĩ Hội thánh” (doctor Ecclesiae) ngày 15/4/1567. Mới đây (13/9/1980), ĐTC Gioan Phaolo II còn tặng danh hiệu là tiến sĩ nhân bản (doctor humanitatis). Tôi xin phép dừng lại giây lát ở tước hiệu này. Thánh Tôma được ca ngợi nhiều về đời sống thánh thiện kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng ít khi được biết như là con người. Điều này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Trước hết là về thể lý. Người có một thân xác to lớn;  chuyện này hầu như ai ai cũng biết; nhưng có lẽ ít ai ngờ tới sức dẻo dai của người. Tôi muốn nói cách riêng đến khả năng đi bộ của người. Thực vậy, suốt đời, người đã  vượt qua 15000 km (Napoli- Roma- Cologne- Paris – Roma – Paris -Napoli),  đó là chưa kể những lần đi tham dự tỉnh hội. Nếu tính khoảng cách giữa Sàigòn và Hànội là 1700 km, thì tương đương với 8 lần đi và về[3]. Trong phòng này, chắc đã có nhiều người cầm sẵn trên tay vé máy bay về Hà Nội ăn Tết, nhưng vào thời đó, luật dòng Đaminh buộc các anh em phải đi bộ (chứ không được đi xe hay cỡi ngựa) mỗi khi đi giảng hoặc đi dạy học.  Về điểm này thì chúng ta chịu thua, nhưng chúng ta có thể bắt chước con người Tôma dưới khía cạnh khác, đó là thực hành các “nhân đức nhân bản”. Chúng ta biết rằng thường các nhân đức thường được chia thành hai loại lớn, đó là ba nhân đức hướng Chúa (đối thần) và bốn nhận đức nhân bản (luân lý). Nhưng đặc biệt khi nói đến các nhân đức nhân bản ở đây, tôi muốn hiểu về các nhân đức được bàn trong Summa Theologica II-II các quaestiones 81-120, gồm 9 nhân đức: thờ phượng, hiếu thảo, kính trọng, biết ơn, nghiêm trị, thành thực, hòa nhã, hào phóng, công minh. Có người  gọi đó là “các nhân đức xã hội”, cần thiết để duy trì các mối tương giao xã hội được tốt đẹp, từ trong gia đình ra tới làng nước. Tôi thích nhất là nhân đức hòa nhã (affabilitas), hay có thể nói là “dễ thương”, giúp chúng ta biết dùng lời lẽ và hành động để tỏ ra là ngưới dễ thương, nhã nhặn, lịch thiệp, niềm nở trong cách đối xử. Nó vừa liên quan đến đức bác ái vừa liên quan đến đức công bình (các quaestiones 114-116)[4].

Thánh Tôma áp dụng ngay cho đời sống của mình, một cuộc đời truy tầm chân lý, xét về thực hành cũng như xét về thái độ. Nhân đức hòa nhã là một tên gọi tương đương với “đối thoại” ngày nay. Chúng ta biết phương pháp sư phạm của thánh Tôma. Vào thời đó, giáo sư không thao thao giảng bài, rồi sinh viên ngồi dưới ghi chép từng lời, từng chữ như bây giờ. Không, phương pháp áp dụng trong đại học thời đó là quaestio disputata, nghĩa là tranh luận. Khi gặp bất cứ vấn đề nào (kể cả vấn đề sự hiện hữu của Thiên Chúa), các sinh viên được chia làm hai nhóm; một nhóm phải tìm hết những luận cứ để bênh vực, và một nhóm tìm hết những luận cứ để chống đối. Ông thầy đứng ở giữa để phân giải. Đó là phương pháp áp dụng trong sách Summa Theologica cũng như loạt 18 cuốn sách Quaestiones disputatae[5]. Nhưng quan trọng hơn cả là tinh thần đối thoại. Trong các tác phẩm của mình, Tôma không bao giờ phê bình nặng nề một  ý kiến nào; ngược lại, cố gắng đi tìm thấy một khía cạnh nào đó của chân lý trong các học thuyết. Cả cuộc đời Tôma là một cuộc truy tầm chân lý qua việc tìm hiểu đối thoại với Kinh thánh, các giáo phụ, các triết gia[6]. Điều này đưa chúng ta qua phần thứ ba.

III. Thánh Tôma và thánh Raymunđô

Như đã nói ở đầu, chúng ta đã biết khá nhiều về tương quan giữa Tôma và Albertô (k.1206-1280), một mối tương quan tốt đẹp giữa hai thầy trò: Albertô đã giúp Tôma làm quen với Dionysio Areopagita và nhất là với Aristote. Thầy Alberto lớn hơn trò độ 20 tuổi, nhưng trò qua đời trước thầy, và chính thầy phải đi bảo vệ tư tưởng của trò mình đang bị tấn công.

Tương quan giữa Tôma với Raymunđô thì khác. Tôma sống chưa được 50 tuổi đời, còn Raymunđô thì sống tròn 100 tuổi. Tôma qua đời năm 1274, Raymunđô qua đời năm 1275. Thế nhưng, Tôma được phong thánh năm 1323 (50 năm) còn Raymunđô phải đến năm 1601, nghĩa là 326 năm mới được tôn lên bàn thờ. Theo chiều hướng này, chúng ta sẽ nêu lên những sự khác biệt giữa hai bên, rồi kế đó, những điểm tương đồng, đến mức hai bên hợp tác với nhau trong cùng một kế hoạch[7].

Trong những khác biệt, thì như vừa nói, Raymunđô lớn hơn Tôma gần nửa thế kỷ. Raymunđô đến học luật ở Bologna năm 1210 và tốt nghiệp năm 1218. Có lẽ ông không quen biết thánh Đaminh (1170-1221). Sau khi hồi hương, Raymunđô được cử làm kinh sĩ nhà thờ chính tòa, rồi gia nhập Dòng Giảng thuyết năm 1222. Vào năm 1230, cha được ĐTC Grêgoriô IX gọi sang Roma để tu chính giáo luật, và đã hoàn thành sau 4 năm (Bộ Decretales được ban hành năm1234). Đến năm 1238, cha được bầu làm bề trên tổng quyền, nhưng chỉ 2 năm sau, cha xin từ chức. Trong một thời gian ngắn ngủi như vậy, cha để lại một công trình lớn, đó là tu chính hiến pháp của dòng, đặc biệt nhấn mạnh đến việc học. Sau đó cha trở về Barcelona.  Cha là một con người có đầu óc thực tiễn, áp dụng các nguyên tắc vào đời sống cụ thể. Cha là tác giả ba bộ sách Summa: Summa de iure canonico, một thứ nhập môn giáo luật , Summa de  poenitentia (hay Summa de casibus poenitentiae) và kim chỉ nam bí tích giải tội, và Summa de matrimonio. Vào những năm cuối đời cha cổ động thiết lập các trường học ngoại ngữ (tiếng Hipri và tiếng A-rap), tại Barcelona, Murcia. nhằm đi truyền giáo cho người Islam, thậm chí mở học viện ngay tại Tunis và Maroc.

Tôma vào dòng năm 1244, sau khi Raymunđô đã từ chức. Khác với Raymunđô là con người có tài cai quản và đầu óc thực tiễn, Tôma là con người suy tư lý thuyết. Nhưng cha Raymunđô đã nhờ Tôma viết cuốn Summa contra gentiles, để giúp các nhà truyền giáo biết cách trả lời cho những vấn nạn của đạo Do thái và đạo Islam. Hai người có cơ hội để hợp tác. Theo thánh Tôma, muốn đi truyền giáo thì không những phải học ngôn ngữ của nơi mình đến mà còn phải nghiên cứu tôn giáo của họ, và dĩ nhiên là phải nắm vững đạo lý đức tin Kitô giáo[8]. Điều này đưa tôi đến phần cuối cùng của bài giảng.

IV. Hội nhập văn hóa

Năm nay, tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam mừng 250 năm tuẫn giáo của thánh Vinh Sơn Liêm. Một truyền thuyết cho rằng ngài là tác giả cuốn “Hội đồng tứ giáo”, cuộc đối thoại giữa Kitô giáo với ba tôn giáo cổ truyền Nho-Phật-Lão. Mặc dù truyền thuyết này không có nền tảng lịch sử, nhưng tôi thấy có điều đáng lưu ý[9]. Ngay từ đầu cuốn sách, một vấn nạn được đưa ra là Kitô giáo là đạo du nhập từ bên Tây. Để trả lời, đại diện cho Kitô giáo nhấn mạnh rằng Tam giáo đâu phải là tôn giáo bản địa, nhưng được du nhập từ bên Trung Hoa và Ấn độ. Điều đáng tiếc là cho đến ngày nay, nhiều người Công giáo vẫn còn mang mặc cảm là đạo mình là của Tây phương, chưa cho thấy Kitô giáo là thành phần của văn hóa Việt Nam. Tôi không muốn nói đến chữ quốc ngữ mà thôi mà ngay cả cách tính lịch hằng tuần (7 ngày) cũng là do ảnh hưởng Kitô giáo. Hơn thế nữa, năm nay kỷ niệm 10 năm ban hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (ngày 28/11/2013), với điều 4 viết như sau: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Xin quý vị hãy bình tĩnh, đừng vội nổi nóng! Tôi muốn lưu ý hai điều thôi. 1/ Thứ nhất, Đảng Cộng Sản không hề mang mặc cảm là nhập từ Tây phương, như người ta vốn gán cho Kitô giáo. 2/ Thứ hai, lý tưởng (chứ không phải ý thức hệ) Cộng sản bắt nguồn từ Kitô giáo. Chúng ta hãy nhớ lại những chương đầu của Sách Tông đồ công vụ khi mô tả đời sống cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2402) tóm lại trong nguyên tắc “Các tài nguyên được dành cho tất cả mọi người”. Đó là một chân lý Kitô giáo, nhưng tiếc rằng chúng ta rụt rè không dám đem ra thực hành.

Kết luận. Khi chiêm ngưỡng bức chân dung của thánh Tôma, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc tạ ơn Chúa vì sự khôn ngoan thánh thiện của ngài, nhưng chúng ta cũng cố gắng thực hành vài nhân đức nằm trong tay chúng ta, chẳng hạn như các nhân đức nhân bản. Thánh Tôma là mẫu gương truy tầm chân lý. Điều này hàm chứa nhiều ý nghĩa. Xét trên khía cạnh nhân bản, có thể nói rằng ta cần phải khám phá nơi người khác điều hay điều tốt, chứ đừng chỉ nhìn đến cái khuyết điểm của họ. Ngoài ra, truy tầm chân lý có nghĩa là đi tìm chân lý khách quan (veritas rei) chứ đừng dừng lại ở cái cảm xúc mau qua. Thánh Tôma không viết hồi ký: đây là điều khác với thánh Augustinô, hoặc Inhaxiô Loyola. Có một chi tiết rất thú vị mà tôi học được khi chuẩn bị bài chia sẻ hôm nay, đó là thánh Tôma, trong số cả mấy chục tác phẩm, chỉ nhắc đến thánh Đaminh một lần trong một bài giảng, đi kèm theo thánh Phanxicô (chủ nhật thứ IX sau bát nhật lễ Chúa Ba Ngôi). Thánh Tôma say mê lý tưởng của Dòng và đã để lại những trang bất hủ về lý tưởng của Dòng Anh em Giảng thuyết (chẳng hạn châm ngôn Contemplata aliis tradere), nhưng lại không nhắc đến vị lập dòng. Ngài mê chân lý của Dòng chứ không bị thu hút bởi cá nhân lãnh tụ[10]. Về điểm này, tôi thấy thánh Tôma rất giống với ĐTC Bênêđictô XVI mà chúng ta mới cử hành lễ an táng hôm kia (05/01/2023). Vào cuối đời, khi Chúa Giêsu hiện ra với Tôma, và hỏi người muốn gì, thánh nhân trả lời: “con chỉ muốn một mình Chúa” (Nonnisi te, Domine). ĐTC Bêneđictô XVI, ngay trong bài giảng lễ nhậm chức giáo hoàng, cũng nói như vậy. Giáo hội có nhiệm vụ rao giảng Đức Kitô, chứ không phải rao giảng chính mình, chiếu ánh sáng của Đức Kitô chứ không phải ánh sáng của mình, chiều theo sở thích của mình, tìm kiếm thành công, danh tiếng cho mình.

Kính thưa anh chị em, chúng ta đang cử hành Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể. Hãy để Người điều khiển tư tưởng, tâm trí và hoạt động của chúng ta.

——————

[2] Xc. Jean Pierre Torrell, Saint Thomas Aquinas. Vol. I The person and his work, revised edition, The Catholic University of America Press, Washington D.C. 2005, p.296-326.

[3] Xc. Torrell, op.cit. p.280.

[4] Carlo De Marchi, L’affabilitas nei rapporti sociali. Studio comparativo sulla socievolezza e il buonumore in Tommaso d’Aquino, Thomas More e Francesco di Sales, Luận án STD, PUSC, Roma 2009.

[5] Xc. Torrell, op.cit., p.334-337

[6] Leo Elders, Il dialogo in san Tommaso, in: “Doctor communis”, n.1, n.s. Citta del Vaticano 2000, p.154-174

[7] Pedro Ribes Montané, San Ramón de Penyafort y los estudios eclesiasticos, in: “ Analecta sacra tarraconensia”, Nº 48, 1975, p.48-85.

[8] Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này (còn mang tên là Liber ve veritate fidei contra errores infidelium), xc. Torrell, op.cit., p.104-116.

[9] Xc. Phan Tấn Thành, Hội đồng tứ giáo, trong “Thời sự thần học” số 62 (tháng 11/2013), trang 158-160

[10] Gilles Emery, Saint Thomas, disciple de Dominique? https://www.revue-sources.org/thomas-daquin-disciple-de-dominique/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here