Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.
Có nhiều phương pháp để tìm hiểu một đoạn văn Kinh Thánh, trong đó ba cách tiếp cận bản văn phổ biến hiện nay:
1) Phân tích phê bình lịch sử (l’analyse historico-critique).
2) Phân tích cấu trúc (l’analyse structurale).
3) Phân tích thuật chuyện (l’analyse narrative).
Mỗi phương pháp phân tích khai thác những khía cạnh khác nhau của bản văn. Phần sau đây sẽ trình bày tóm tắt mục đích và sự khác nhau của mỗi lối tiếp cận bản văn. Mỗi phương pháp đặt ra cho bản văn những câu hỏi khác nhau, đoạn văn ngắn dùng làm ví dụ là Mc 1,29-31. (Xem D. Marguerat; Y. BOURQUIN, Pour lire les récits bibliques, Initiation à l’analyse narrative, Paris – Genève, Le Cerf – Labor et Fides, 2004 (3e édition), p. 9-11). Trước khi trình bày sơ lược ba phương pháp và áp dụng vào một đoạn văn cụ thể, cần giải thích vắn tắt về khái niệm “tác giả thực sự” và “tác giả tiềm ẩn”.
I. “TÁC GIẢ THỰC SỰ” VÀ “TÁC GIẢ TIỀM ẨN”
Ngày nay, người ta thường phân biệt hai loại tác giả: “tác giả thực sự” (auteur réel) và “tác giả tiềm ẩn” (auteur implicite, potentiel, virtuel).
“Tác giả thực sự” (auteur réel) có thể là cá nhân hay tập thể. Đó là nhân vật lịch sử đã viết ra bản văn. Việc tìm hiểu “tác giả thực sự” (nhân vật lịch sử) thuộc lãnh vực nghiên cứu sử học. Khi người đọc (độc giả qua mọi thời đại) đi tìm ý nghĩa bản văn, thì “tác giả thực sự” vượt ra ngoài sự nắm bắt của người đọc, bởi vì độc giả chỉ có trong tay bản văn mà thôi. Để tránh đi vào lãnh vực lịch sử (rất phức tạp và thường tranh luận), ngày nay người ta chú trọng đến: “tác giả tiềm ẩn”.
“Tác giả tiềm ẩn” (auteur implicite) là tác giả được xây dựng lên từ bản văn, nghĩa là khi đọc bản văn, người đọc có thể xây dựng từ bản văn một hình ảnh về tác giả, nhờ những chi tiết trong bản văn. Tác giả này gọi là “tác giả tiềm ẩn”. Người đọc có thể nhận ra những đặc tính riêng của “tác giả tiềm ẩn” qua kiểu hành văn, qua những hình ảnh và cách dùng từ ngữ trong bản văn. “Tác giả tiềm ẩn” thể hiện phong cách của mình qua cách hành văn, qua cách trình bày và sắp xếp câu chuyện.
Vì những đặc tính của “tác giả tiềm ẩn” được rút ra từ bản văn, nên việc phân biệt giữa “tác giả tiềm ẩn” và “tác giả thực sự” (nhân vật lịch sử) là quan trọng khi tìm hiểu ý nghĩa bản văn. Sự phân biệt này giúp người đọc ý thức giới hạn của mình khi nói đến “tác giả thực sự”. Nếu không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, người đọc chỉ có thể nói đến “tác giả tiềm ẩn” (với những đặc điểm trong bản văn), nghĩa là độc giả không đủ thẩm quyền nói về “tác giả thực sự”. Thông thường, mục đích của độc giả không phải là nghiên cứu lịch sử mà là tìm hiểu ý nghĩa đoạn văn mình đang đọc.
Có thể nói khái quát rằng: “tác giả thực sự” là đối tượng tìm hiểu của phương pháp phê bình lịch sử. Ngược lại, “phân tích cấu trúc” và “phân tích thuật chuyện” không quan tâm nhiều đến “tác giả thực sự” mà chú trọng đến “tác giả tiềm ẩn”, bởi vì mục đích của hai lối tiếp cận này là tìm hiểu ý nghĩa bản văn, bằng cách dựa vào chính nội dung câu chuyện được thuật lại.
II. BẢN VĂN Mc 1, 29-31
29 Ra khỏi hội đường, lập tức Người (Đức Giê-su) đến nhà Si-môn và An-rê, cùng với Gia-cô-bê và Gio-an. 30 Mẹ vợ của Si-môn nằm liệt vì cảm sốt, tức khắc họ nói với Người về bà. 31 Đến gần, Người cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt đã rời khỏi bà và bà phục vụ họ.
III. BA PHƯƠNG PHÁP – BA CÁCH ĐẶT CÂU HỎI
Phần sau sẽ trình bày mối bận tâm của ba phương pháp: “Phê bình lịch sử”, “Phân tích cấu trúc” và “Phân tích thuật chuyện”. Khi áp dụng vào một đoạn văn cụ thể, chẳng hạn Mc 1,29-31, các phương pháp khác nhau sẽ đặt ra những câu hỏi khác nhau cho bản văn.
1. Phê bình lịch sử (historico-critique)
Phương pháp phê bình lịch sử quan tâm đến thế giới đằng sau bản văn (le monde historique derrière le texte). Mục đích của phương pháp này nhằm xây dựng lại thực tế lịch sử nhờ bản văn và thử tìm xem ý định của “tác giả thực sự” muốn nói gì. Phương pháp này xem bản văn như là một tài liệu lịch sử.
Những câu hỏi đặt ra cho đoạn văn Mc 1, 29-31:
(1). Có thể nói gì về biến cố lịch sử kể lại trong bản văn?
(2). Bản văn được viết trong hoàn cảnh lịch sử nào?
(3). Làm thế nào truyền thống (truyền khẩu hay chữ viết) về câu chuyện này đến được với tác giả thực sự?
(4). “Tác giả thực sự” đã hiểu bản văn như thế nào và muốn nói với “độc giả thực sự” vào những năm 60 – 70 điều gì?
2. Phân tích cấu trúc (analyse structurale)
Phương pháp “phê bình lịch sử” chú ý đến những thông tin lịch sử trong bản văn, trong khi “phân tích cấu trúc” (analyse structurale) chú trọng đến chính bản văn. Phân tích cấu trúc coi trọng việc quan sát ngôn ngữ trong bản văn và cách thức xây dựng bản văn với nguyên tắc: Ý nghĩa của bản văn ở trong bản văn (không dựa vào các dữ liệu ngoài bản văn). Phân tích cấu trúc để ý đến “thế giới bản văn” (le monde du texte) và ít quan tâm đến “thế giới lịch sử” (le monde historique) đằng sau bản văn.
Những câu hỏi đặt ra cho trình thuật Đức Giê-su chữa lành bà mẹ vợ của Phê-rô ở Mc 1, 29-31:
(1). Đâu là từ ngữ và các ý tưởng xuất hiện trong bản văn?
(2). Từ ngữ và ý tưởng ấy tiến triển và nối kết với nhau như thế nào?
(3). Bản văn được xây dựng và cấu trúc theo cách nào: Cấu trúc đồng tâm, cấu trúc song song hay cấu trúc theo ý tưởng?
(4). Yếu tố thời gian và không gian được trình bày ra sao?
(5). Sự chuyển đổi từ trạng thái “nằm” trên giường của bà mẹ vợ Phê-rô, đến trạng thái được Đức Giê-su “đỡ dậy”, rồi tiếp đến là hành động “đứng lên” và “phục vụ” có ý nghĩa gì?
(6). Việc Đức Giê-su “đến gần” và cơn sốt “ra đi” gợi lên điều gì cho độc giả?
(7). Điều gì được nói đến, được nhấn mạnh trong bản văn, điều gì không được nói đến?
3. Phân tích thuật chuyện (analyse narrative)
Phân tích thuật chuyện chú trọng tương tác giữa “tác giả tiềm ẩn” và “độc giả tiềm ẩn”. Người kể câu chuyện được gọi là “người thuật chuyện” (người viết câu chuyện) cho “người nghe” (người đọc bản văn). Khi kể câu chuyện, “người thuật chuyện” muốn chuyển tải một thông điệp nào đó cho người đọc qua trình thuật. Như thế, mục đích của việc đọc bản văn là hiểu được sứ điệp của bản văn.
Với đoạn văn cụ thể Mc 1, 29-31, câu hỏi đặt ra:
(1). Cách thức tác giả kể chuyện dẫn đưa người đọc đến cách hiểu câu chuyện theo hướng nào?
(2). Tác giả tiềm ẩn muốn nói với người đọc tiềm ẩn điều gì qua câu chuyện?
(3). Điều tác giả muốn nói được chuyển tải bằng các tình tiết nào?
(4). Trong Mc 1,29-31, các nhân vật đi vào câu chuyện ra sao? Tại sao Đức Giê-su lại xuất hiện sau cùng?
(5). Từ việc các môn đệ báo cho Đức Giê-su biết, đến hiệu quả việc chữa lành: sự phục vụ có ý nghĩa gì?
KẾT LUẬN
Xác định mục tiêu khác nhau của các phương pháp khác nhau như trên giúp độc giả xác định hướng đi trước khi đọc bản văn Kinh Thánh. Ngược lại, chỉ cần nghe câu hỏi cũng có thể biết phần nào câu hỏi ấy thuộc loại phương pháp nào.
Nếu độc giả muốn tìm hiểu lịch sử thì áp dụng phương pháp “phê bình lịch sử”. Phương pháp này đạt tới thời hoàng kim vào những thập niên 1960, 1970, nhưng hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Thực vậy, những kết luận dựa trên lịch sử thường rất phức tạp và gây tranh cãi trong chi tiết, bởi vì có nhiều lập trường khác nhau dẫn đến nhiều cách giải thích khác nhau. Trong những thập niên vừa qua, phương pháp phê bình lịch sử đã “bị đem ra đặt vấn đề”. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng nhận định: “Đúng vào lúc phương pháp khoa học phổ biến nhất, tức là phương pháp ‘phê bình lịch sử’, đang được áp dụng trong khoa chú giải, kể cả chú giải công giáo, thì phương pháp này lại bị đem ra đặt vấn đề” (Ủy Ban Kinh ThÁNH GiÁo HoÀng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, tr. 31).
Ngày nay, có nhiều cố gắng đưa Kinh Thánh trở lại mục đích ban đầu: Bản văn Kinh Thánh là một thông điệp mặc khải, nhằm giáo huấn cộng đoàn và giúp độc giả sống ý nghĩa của bản văn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc đọc Kinh Thánh có khả năng nuôi dưỡng đời sống tâm linh của độc giả. Các lối tiếp cận cấu trúc và thuật chuyện có thể giúp độc giả thực hiện điều này. Hai lối tiếp cận này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong việc học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Những kết quả nghiên cứu của “phân tích cấu trúc” và “phân tích thuật chuyện” có sức thuyết phục vì tập trung vào bản văn và lập luận dựa trên bản văn. Thay vì đi tìm lịch sử trong bản văn, xu hướng học hỏi Kinh Thánh ngày nay chú trọng đến việc đi tìm ý nghĩa của bản văn, tìm cách hiểu thông điệp mặc khải trong bản văn để được sống và được nuôi dưỡng.
Vào thập niêm 1980 đã xảy ra xung đột giữa các phương pháp tìm hiểu Kinh Thánh. Nhưng ngày nay, người ta thường nói đến sự bổ túc giữa các phương pháp. Mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Cần áp dụng các phương pháp cách uyển chuyển và sáng tạo. Điều quan trọng là áp dụng phương pháp thế nào để việc tìm hiểu bản văn Kinh Thánh trở thành bổ ích, hấp dẫn, phong phú và thú vị./.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP.