Mt 26,14-27,66: Cuộc Thương Khó Của Đức Giêsu (2)

0
1337


Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

14. Mt 27,11-26 – Đức Giêsu bị kết án; dân Do thái lãnh trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu

Bản văn này có ba phân đoạn:

a) Các câu 11-14: Đức Giêsu bị hỏi cung bỡi Philatô, nhân vật chính. Vấn đề duy nhất: Đức Giêsu có phải là “Vua dân Do Thái” không. Câu 12 nói đến vai trò năng động của các nhà lãnh đạo Do Thái nhằm kết tội Đức Giêsu, nhưng Philatô không bao giờ ngỏ lời trực tiếp với họ cả. Tuy nhiên, lại chính là những gương mặt phụ thuộc này đã tạo ra sự chuyển biến các các biến cố.

b) Các câu 15-23: Philatô vẫn là diễn viên có quyền tối thượng, còn Đức Giêsu không còn vai trò tích cực nào nữa. Bây giờ chính đám đông đối thoại với Philatô. Câu hỏi quyết định là: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây?” (c. 17; x. c. 21). Thế rồi các dung mạo phụ thuộc là các nhà lãnh đạo Do Thái (c. 18), vợ quan Philatô (c. 19) lại xuất hiện để tác động lên Philatô. Đến c. 20, các nhà lãnh đạo trở thành chủ động, gây ảnh hưởng dứt điểm lên dân chúng. Đến khi tổng trấn hỏi là phải đối cử với Đức Giêsu thế nào, chính dân chúng trả lời ông hai lần: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (cc. 22-23: staurôthêtô).

c) Các câu 24-26: cao điểm và kết luận. C. 24 và c. 25 như là một bức tranh bộ đôi. Philatô phủ nhận mọi trách nhiềuệm, còn dân chúng nhận lấy mọi trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu. Cuối cùng Philatô đã chiều theo ý họ.

Bản văn này nhắc nhớ tới cuộc xử trước Thượng Hội Đồng ở 26,59-66. Vị thẩm phán hỏi về lý lịch của Đức Giêsu (26,63; 27,22), và Người khẳng định cách gián tiếp (26,24; 27,11) hoặc im lặng (26,62-63; 27,12-13) dù người ta tố cáo thế nào (26,62; 27,13). Cả hai phiên tòa kết thúc bằng lời tuyên bố có tội và cuộc hành hạ (26,67-68; 27,26-31). Mt 27,24-25 không những nhắc đến 27,4, mà cả 23,35-36.

Bản văn này còn gợi đến phần đầu của TM Mt (ch. 2). Cả hai nơi đều nói đến “Vua dân Do Thái” (2,2; 27,11). Tại cả hai nơi, chính là dân ngoại (các hiền sĩ và vợ Philatô) đã nhờ một giấc mộng mà tuyên bố về sự thật. Tại cả hai nơi, “cả thành Giêrusalem” cùng với “các thượng tế và các kinh sư trong dân” (x. 2,3-4). Ở đầu, Đức Giêsu thoát nạn, còn các anh hài Bêlem bị giết thế vào chỗ của Người (2,16-18). Còn ở đây, Đức Giêsu không thoát được nữa. Chu kỳ truyện Đức Giêsu đã khép kín.

Đức Giêsu bị điệu đến tòa tổng trấn. Tức khắc quan Philatô hỏi Người có phải là “Vua dân Do Thái” không (c. 11). Câu này sẽ có thể đưa đến chỗ bị kết án là phạm thượng đối vối hoàng đế Rôma. Thế nhưng quan đã không kết án gì cả. Đức Giêsu trả lời như ở 26,64: “Chính ngài nói đó”. Câu trả lời này vừa là một khẳng định vừa là một cách giữ khoảng cách với Philatô: nếu câu hỏi của quan có màu sắc chính trị, thì câu trả lời của Đức Giêsu là một câu phủ định. Đến đây, tác giả nhắc qua các kỳ mục và thượng tế, và ghi nhận Đức Giêsu không trả lời họ khiến ta nhờ lại 26,62-63. Sự thinh lặng của Người là sự thinh lặng của người công chính bị kết tội, hoặc của Người Tôi Trung của Đức Chúa (x. Tv 38,14-15; 39,10; Is 53,7).

Câu hỏi của ông Philatô: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” nêu bật sự thinh lặng của Đức Giêsu, một sự thinh lặng lạ lùng của một người rõ ràng không hề bận tâm đến việc cứu lấy mạng sống mình trước mặt quan tòa. Thái độ này khiến ông “ngạc nhiên” (thaumazein), một phản ứng tích cực. Dù sao, Philatô biết rõ rằng sự thinh lặng của Đức Giêsu không hề có nghĩa là Người nhận tội và như thế, Người không phải là một tên nổi loạn làm chính trị.

Đến đây tổng trấn vận dụng một tập tục: cho phép dân chúng xin tha một tù nhân. Lúc đó, có một người tù “khét tiếng” (episêmos, “biết rõ, trổi vượt, nổi tiếng”) là Barabbas (có nghĩa là “con của Abba”). Philatô cũng không nói với các kỳ mục và thượng tế. Ông cũng không cho dân chúng chọn bất cứ tù nhân nào, mà yêu cầu họ chọn ngay một trong hai người này: “Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô?” (27,17). Philatô đã tinh tế sắp xếp như thế, vì ông biết giới lãnh đạo đã nộp Đức Giêsu chỉ vì ghen tị (27,18; x. 9,33-34; 12,23-24; 21,15-16): đoàn dân đã từng hoan hô Đức Giêsu khi Người vào Thành thánh (21,9), một đoàn dân mà giới lãnh đạo sợ họ phản đối (26,5), sẽ có cơ may bảo vệ Đức Giêsu.

Ông đang ngồi xử án thì vợ ông cho người đến nói về giấc chiêm bao và xin ông đừng nhúng tay vào vụ này (x. các giấc chiêm bao: Mt 1,20; 2,12-13.19.22). Cũng như ở 2,1-12 và 15,21-28, một người ngoại lại thấy rõ trong khi một vị vua Do Thái và các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thì bị mù. Bà vợ Philatô can thiệp như là chứng nhân thứ hai về sự vô tội của Đức Giêsu. Chứng nhân thứ nhất là Giuđa (27,4). Tuy nhiên, tin nhắn của bà đã không thể xoay chuyển dòng trôi của các biến cố. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Do Thái ra sức xúi giục đám đông đòi tha Baraba và xử tử Đức Giêsu.

Sau những thông tin đó, Philatô lại xuất hiện với câu hỏi ở c. 17. Lần này ông nhận được câu trả lời rõ ràng: Baraba phải được phóng thích. Tổng trấn hỏi, đám đông quyết định. Giới lãnh đạo Do Thái không cần xuất hiện nữa. Philatô hỏi tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?” Đám đông trả lời: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (cc. 21-22). “Tất cả” (mọi người, c. 22) đều trả lời; tiếng “không” của dân chúng dành cho Đấng Mêsia thật rõ ràng. “Tất cả/mọi người” (pantas, c. 22) đi trước “toàn dân” (pas [h]ô laos) ở c. 25. Một lần nữa, Philatô lại nêu vấn nạn, bởi vì Đức Giêsu không làm điều gì gian ác cả (c. 23). Như thế, ông đồng ý với ý kiến của vợ. Tuy nhiên, ông đã không dùng quyền imperium để bảo vệ người vô tội. Ông đã tính toán sai và tự rơi vào bẫy. Bởi vì dân chúng muốn ông thả Baraba, ông nghĩ là ông phải kết án Đức Giêsu. Dĩ nhiên, ông đâu có bị chèn ép thật sự. Ông không hề hỏi dân chúng là ông phải làm gì với Đức Giêsu. Không một ai có thể ngăn cản ông, là tổng trấn Rôma, thả cả người tù thứ hai, mà ông tin là vô tội. Nhưng ông đã không làm việc này. Bài tường thuật được kết cấu theo cách khiến độc giả không tức khắc nhận ra là Philatô lúc này không bị buộc phải hành động như ông đang làm. Thay vì thế, độc giả lại có cảm tưởng là Philatô xoay chuyển quyết định sang cho dân chúng và bây giờ ông phải làm điều họ muốn. Và điều dân chúng muốn cũng quá rõ: “Họ càng la to : “Đóng đinh nó vào thập giá !”” (c. 23). Vị toàn quyền tên là Philatô, mà tác giả Mt cố ý gọi là “tổng trấn” (hêgemôn), nay trở thành đấu thủ “dự bị”.

Philatô thấy rằng không thể thay đổi ý muốn của dân chúng; giống như các nhà lãnh đạo Do Thái, ông muốn tránh một vụ ồn ào. Ông lấy nước rửa tay trước mặt mọi người. Đây không phải là nghi thức thanh tẩy một người có tội, mà là nghi thức của Kinh Thánh nhằm miễn cho mình khỏi chịu trách nhiệm về việc đổ máu người nào (x. Đnl 21,1-9). Dĩ nhiên ông không nại đến Thiên Chúa; ông chỉ long trọng tuyên bố ông “vô can trong vụ đổ máu” Đức Giêsu.

Chúng ta thấy ở trong Kinh Thánh có những sự cố tương tự: 2 Sm 3,28; Mt 27,4. Với cùng một kiểu diễn tả của các thượng tế (“Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!”; Mt 27,4), Philatô đẩy trách nhiệm đổ máu sang cho dân chúng: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (27,24). Sau Giuđa (c. 4) và vợ ông (c. 19), Philatô là người thứ ba làm chứng rằng Đức Giêsu vô tội, không những cho các nhà lãnh đạo Do Thái và dân chúng, mà còn cho cả độc giả hôm nay nữa. Nhưng như thế Philatô có vô can không? Khi liên kết c. 4 với c. 24 (như kiểu “đóng khung”), tác giả đã đặt Philatô vào cùng một chuỗi với Giuđa và các thượng tế rồi. Ông giống như một người trong họ, cho dù ông cố gắng náu mình đàng sau trò nghi thức rửa tay va tránh đồng lõa trong tội ác đối với Đức Giêsu.

Tác giả ghi nhận toàn dân (laos) đáp lại nghi thức rửa tay của Philatô nhằm tránh trách nhiệm. Chúng ta có thể lấy làm lạ là ở c. 24, tác giả nói đến “đám đông” (ochlos), còn ở đây là “dân” (laos). Trong Bản LXX cũng như trong Mt, laos có nghĩa là “dân Thiên Chúa, Israel”, còn ochlos là một đám người đông đảo. Có những tác giả cho rằng laos tương đương với ochlos. Có những tác giả khác thì bảo rằng toàn thể dân Thiên Chúa chọn hôm ấy đã sát cánh với giới lãnh đạo để nói “không” với Đức Giêsu. Hẳn là tác giả Mt không có ý nói là toàn dân Thiên Cúa, tức từng cá nhân người Israel, vào ngày hôm đó đã kết án Đức Giêsu. Nhưng ngài muốn gợi ý là hoạt cảnh này phác ra những gì sẽ trở nên rất rõ sau Phục Sinh: tiếng “không” của “toàn thể” dân Israel.

Vậy, ngược lại với Philatô, dân chúng lãnh lấy trách nhiệm giết Đức Giêsu. Họ cũng dùng những lời có âm vang Kinh Thánh: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (x. công thức: St 31,16; Xh 17,3; nội dung: 2 Sm 3,28-29; 1 V 2,32-33). Họ đã chấp nhận trách nhiệm dối với cái chết của Đức Giêsu và cả hình phạt của Thiên Chúa sẽ xảy ra khi thành Giêrusalem bị tàn phá.

Philatô đã làm những gì dân chúng yêu cầu. Ông phóng thích Baraba và cho đánh đòn Đức Giêsu, như bước đầu của án tử hình. Không thấy có việc tuyên án. Không phải là luật không buộc làm. Không phải là tác giả Mt lờ đi để khỏi gán cho Philatô cái tội tày trời. Chỉ là vì bây giờ vị tổng trấn chỉ còn là một cái “bung xung”, chỉ biết làm những gì dân chúng yêu cầu. Ông “trao” (động từ paradidômi xuất hiện lần cuối cùng trong Mt) Đức Giêsu vào chặng cuối, đóng đinh vào thập giá.

15. Mt 27,27-31 – Đức Giêsu bị đánh đòn và chế nhạo

Đoạn văn này có cấu trúc đồng tâm như sau:

27 Trong dinh, lính tập trung (synêgagon) cả cơ đội lại quanh Đức Giêsu.

28 Chúng lột áo Người ra (ekdysantes), khoác cho Người một tấm áo choàng (chlamys).

29a Đặt một vương miện gai trên đầu (epi tês kephalês) và trao cho một cây sậy (kalamos).

29b Chế nhạo (enepaixan) Đức Giêsu và tôn vinh Đức Vua dân Do Thái (basileus tôn Ioudaiôn).

30 Lấy cây sậy (kalamos) mà đập vào đầu Người (eis tên kephalên).

31a Sau khi chế giễu (hote enepaixan), chúng lột (exedysan) áo choàng (chlamys), và cho Người mặc áo lại.

31b Điệu (apêgagon) Người đi đóng đinh.

Trung tâm của bản văn là cuộc tôn vinh nhằm chế nhạo “Đức Vua dân Do Thái”. Những người duy nhất làm một chuyện gì đó trong toàn bản văn là những người lính. Tên mà họ gọi Đức Giêsu (“Vua dân Do Thái”) tương ứng với lời kết án của Philatô (27,11) cũng như cảnh chế nhạo sau phiên xử trước Thượng Hội Đồng với tên gọi “Kitô” tương ứng với câu hỏi của thượng tế (26,68; x. c. 63). Hai cảnh chế nhạo liên hệ với nhau bằng việc khạc nhổ (26,67; 27.30).

Lính tráng của Philatô chịu trách nhiệm về Đức Giêsu. Họ đưa Người “vào trong dinh (praitôrion)”, có lẽ là vào sân trong của dinh Hêrôđê. Hẳn là tác giả phóng đại khi nói tập trung cả “cơ đội” (speira) lại, bởi vì một speira là một phần mười một binh đoàn (legion), tức khoảng 500-600 người. Họ chế nhạo và hành hạ Đức Giêsu. Trước hết, họ lột áo và trao cho Người ba vật mô phỏng các biểu hiệu của một vị vua Cận Đông: áo choàng (chlamys) đỏ tươi thay vì hoàng bào màu đỏ tía, một vương miện bằng gai thay vì một vương miện vòng nguyệt quế bằng vàng, và một cây sậy làm gậy thay vì một vương trượng bằng gỗ hay vàng. Sau đó, họ quỳ gối chúc tụng chế nhạo vị vua ăn mặc như thế. Từ ngữ “chế nhạo” được dùng ở đây (c. 19b), ở cc. 31 và 41; ở 20,19, khi tiên báo về cuộc Thương Khó, Đức Giêsu cũng đã báo trước rằng Người sẽ bị nhạo báng: Người là vị vua bị khinh miệt thậm tệ.

Các biểu hiệu vương quyền có thể được dùng theo những mục đích khác. Ở c. 30, lính tráng khạc nhổ vào Người, như các nhà lãnh đạo Do Thái đã làm ở 26,67. Như thế, cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại đều tích cực và độc ác tham gia vào việc hành hạ và giết Đức Giêsu. Rồi lính lấy cây gậy liên tục đập (vì thế tác giả dùng etypton, thì vị hoàn của động từ typtô, “đập”) lên đầu Người. Người bị đau nhiều, vì trên đầu có vòng gai.

Trò nhạo báng thô bạo đã chấm dứt. Đức Giêsu phải trả áo choàng lại, và nhận lại áo của Người. Con đường lên Đồi Sọ bắt đầu.

Toàn cảnh vừa rồi được bao trùm trong sự mỉa mai. Vua Giêsu mặc bộ áo của thằng khùng và bị biến thành trò hề lố bịch. Khác với TM Mc, Mt cho thấy cuộc “tôn vinh báng bổ” chưa phải là kết thúc. Thái độ phục tùng giả dối ở c. 29b tràn ra thành bạo lực ở c. 30, còn “vương trượng” biến thành cây gậy để đánh đập. Độc giả “sống” cảnh này thế nào? Phải chăng vương quyền của Con Thiên Chúa vẫn sáng chói ở đây như ở 26,64? Hoặc đã đến lúc vương quyền ấy bị che phủ hoàn toàn?

16. Mt 27,32-38 – Đường thập giá và đóng đinh

Các bản văn nói về các chặng đường đi lên Đồi Sọ rất vắn tắt, chứ không chi tiết như Đàng Thánh Giá. Chúng ta chỉ có giai thoại ông Simôn và các phụ nữ Giêrusalem khóc than.

“Đang đi ra” (c. 32). Chúng ta hiểu là đi ra ngoài thành, chứ không phải ra khỏi dinh, bởi vì các cuộc hành hình thường được thực hiện ở bên ngoài thành. Tác giả không nói rõ là Đức Giêsu vác cả cây thập giá, hay là chỉ vác thanh ngang. Đến mỗ nào đó, họ “gặp một người Kyrênê, tên là Simôn”, tình cờ. Hẳn ông là một người Do Thái, quê Kyrênê là thành có một phần tư dân cư là Do Thái. Bọn lính bắt vác thập giá của Đức Giêsu hẳn là vì Người đã kiệt sức. Không biết ông Simôn có sẵn sàng vác thập giá chăng, và hẳn đây là thanh ngang. Các độc giả có thể nhớ đến lời Đức Giêsu ở 16,24: ai muốn làm môn đệ Người, “hãy vác thập giá mình mà theo”. Thế nhưng có những chi tiết không đi với nhau: ở đây là thập giá của Đức Giêsu, còn ở kia là chính thập giá của người môn đệ. Ở đây ông Simôn bị ép vác thập giá, còn ở kia là đời môn đệ tự do chọn lấy.

Khi đến Gôngôtha, tiếng A-ram có nghĩa là “Đồi Sọ”, họ cho Đức Giêsu “uống rượu pha mật đắng” (c. 34). Mc nói đến thứ rượu có những chất làm giảm đau; Mt thì nghĩ đến Tv 68 LXX: Đức Giêsu hoàn tất Thánh vịnh này khi bị hành hạ, bị chế nhạo và phải uống rượu đắng.

Cuộc đóng đinh của Đức Giêsu được nhắc đến vắn tắt, không hề nhắc đến những chi tiết thê thảm độc dữ. Tác giả quan tâm đến việc quân lính chia nhau áo xống của Người, vỉ khiến ngài nhớ đến Tv 21,19 LXX (rõ hơn cả trong Mc 15,24). Mục đích của ngài ở đây cũng như ở những chỗ khác khi ngài nhắc đến Tv 22 (LXX 21) là cho thấy rằng những đau khổ của Đức Giêsu đều đã được tiên báo trong Kinh Thánh, được Lời Thiên Chúa yểm trợ. Bản án được treo trên thập giá khiến độc giả nhớ lại câu hỏi của Philatô (27,11) và trò chế nhạo của bọn lính (27,29), và biết rằng đây là chuyện của người Rôma. Họ vẫn biết vương quyền thật sự của Đức Giêsu nằm ở đâu (x. 2,1-12) dù Người đã vào thành Giêrusalem như một vị vua nghèo hèn (basileus prays) theo Dacaria (21,5), để rồi ngày nào đó sẽ xét xử muôn dân (Mt 25,34.40).

Đến đây, “hai tên cướp (lêstai)” được nhắc đến lần đầu tiên, có thể là những tên gian phi, hay là thành viên của Nhóm Nhiệt thành. Đức Giêsu được đóng đinh ở giữa, hẳn đây là một ám chỉ kín đáo đến vương quyền của Người, một ngày kia sẽ ngự tòa với con nhà Dêbêđê bên phải và bên trái (x. 20,21.23). tuy nhiên, hình ảnh “Đức Vua Israel” bị đóng đinh giữa hai tên cướp lại đưa đến một trận chế nhạo khác.

17. Mt 27,39-44 – Chế nhạo Con Thiên Chúa

Trong khi giai thoại trước tường thuật các biến cố rất ngắn ngủi, bản văn này lại cung cấp nhiều chi tiết. Hai lần chế nhạo đầu (cc. 39-40.41-43) được cấu trúc tương tự. Trước tiên những kẻ chế nhạo được giới thiệu, rồi những điều họ nói được tường thuật. Cả hai lần, Đức Giêsu đều bị thách thức xuống khỏi thập giá (katabêthi [katabatô] apo tou staurou); cả hai lần, Người đều bị chế nhạo như là Con Thiên Chúa; cả hai lần, Người đều bị thách là cứu lấy chính mình (sôzô + đại từ phản thân). Lần chế nhạo này nhắc đến lý do khiến Đức Giêsu bị tòa án Do Thái xét xử (x. c. 40: 26,61.63). Lần chế nhạo thứ hai, dài hơn, do các nhà lãnh đạo Do Thái, thì có khoảng cách: họ không trực tiếp nói với Người. Ở c. 43, khi chế nhạo Đức Giêsu, chính các nhà lãnh đạo đã dùng Tv 21,9 LXX để nói ra những gì tác giả muốn nói với các độc giả. Lần chế nhạo thứ hai nêu lý do của phiên tòa Rôma (x. c. 42: 27,11). Về lần chế nhạo thứ ba, do những tên cướp cùng bị đóng đinh, chúng ta không có chi tiết nào.

“Kẻ qua người lại đều nhục mạ (eblasphêmoun) Người và lắc đầu” (c. 39). Blasphêmein có thể là “nói phạm thượng” hay là “nói điều xấu về”. Tuy nhiên, từ ngữ này khiến nhớ lại cuộc xử trước Thượng Hội Đồng: tại đấy, Con Thiên Chúa và vị Thẩm Phán thế giới là Đức Giêsu bị kết tội nói phạm thượng (eblasphêmêsen; 26,65). Và giờ đây các đối thủ đang “nói phạm thượng” đến Người! Trong Kinh Thánh, “lắc đầu” là cử chỉ tiêu biểu của việc “làm trò cười” Có nhiều bản văn nói tới cử chỉ này (x. Ac 2,15; Is 37,22; Tv 109,25), nhưng rõ ràng tác giả khai thác đặc biệt Tv 21 LXX (Tv 21,8; x. 21,7 LXX: oneidos [c. 44]; 21,9.22 LXX: sôzô [cc. 40-41]; 21,9.21 LXX: ryomai [c. 43]).

Họ nhắc lại nhưng phóng đại lời Đức Giêsu nói về Đền Thờ (x. 26,61) và chế nhạo Người đã tự cho mình là Con Thiên Chúa (x. 26,63-64). Vì Người đã cho rằng Người có quyền lực lớn lao, thì hãy xuống khỏi thập giá. Chắc chắn Người có thể xin Cha Người phái mười hai cơ binh thiên thần, có thể phá hủy và xây lại Đền Thờ (26,53.61), thì cũng có thể xuống khỏi thập giá, nhưng Người đã dạy môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất” (16,25). Nếu bây giời Người không xuống khỏi thập giá, thì Người qua được trắc nghiệm của giáo huấn Người. Độc giả cũng không thể không nhớ lại lời của Satan ở đầu Tin Mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (4,3.6). Truyện phép rửa và cám dỗ (3,17; 4,3.6) và 27,40.43.54 là một đóng khung. Như thế đến cuối hành trình của Người, những đối thủ Do Thái của Người đã nhận lấy vai trò của Satan, và thế là Đức Giêsu lại trải nghiệm cuộc cám dỗ cuối cùng của Satan. Người đã chống lại được và đã chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa. Người là Đấng ngay khi phải chết vẫn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa và thay vì tự cứu lấy mình thì để mặc việc ấy vào tay Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu chịu đóng đinh không cần trả lời các chế nhạo của các đối thủ.

Pha chế nhạo thứ hai dài nhất và quan trọng nhất. Bây giờ các nhà lãnh đạo Do Thái (thượng tế, kinh sư, kỳ mục) lại xuất hiện để tấn công Đức Giêsu lần cuối trước khi Người tắt thở. Cũng như trong lần tiên báo đầu tiên về Thương Khó (16,21), ba nhóm này đều được nhắc tới, họ chế nhạo một cách tinh vi. Họ không nói trực tiếp với Đức Giêsu, cũng không nói với nhau như trong Mc (15,21); họ nói công khai, với mọi người, và trên hết, nói với các độc giả: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình”. Quả thật, Đức Giêsu đã cứu nhiều người (x. 8,25; 9,27; 14,30). Những phép lạ chữa lành đủ loại cho hiểu rằng Người mới là Đấng sẽ “cứu thoát” Israel (1,21). Thế rồi chẳng phải do đức tin, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Vua Israel”, theo Philatô (27,11) và theo bản án trên thập giá (27,37). Rõ ràng họ bắt tay với người Rôma để tiêu diệt Đức Giêsu.

Họ tiếp tục dùng lời lẽ của quân vô đạo mà chế diễu Đức Giêsu (c. 43; x. Tv 21,9 LXX). Lời lẽ của họ bây giờ còn gian xảo hơn c. 42, vì họ nói cả về Thiên Chúa: “Hắn cậy vào Thiên Chúa”. Họ càng chứng tỏ họ có đầu óc vô đạo khi nhắc lại lời Đức Giêsu khẳng định Người là “Con Thiên Chúa”. Câu Kn 2,18 rất giống với Mt 27,43. Hẳn tác giả Mt có nghĩ tới Kn 2,5 nói về người công chính là con Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” theo một nghĩa hoàn toàn khác (x. 3,17; 11,27; 14,33; x. 16,16; 17,5).

Tác giả TM chỉ nhắc đến pha chế nhạo thứ ba, vì cũng một nội dung như thế. Cả những tên cướp cũng chế nhạo Người. Không hề có tình liên đới nào trong đau khổ (khác Lc 23,40-43). Trong cuộc cám dỗ cuối cùng, Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không có một ai trong dân Israel đứng về phía Người.

18. Mt 27,45-50 – Đức Giêsu từ trần

Câu 45 là mở đầu cho biến cố trung tâm, cái chết của Đức Giêsu. Bóng tối bao phủ mắt đất trong vòng ba giờ. Sau đó, Đức Giêsu kêu lẩn thứ nhất ở c. 46, lần thứ hai  ở c. 50, cả hai lần đều “lớn tiếng” (phônê megalê), rồi tắt thở liền. Trong cc. 47-49, giữa hai tiếng kêu lớn, tác giả cho thấy dân chúng đứng đó không hiểu, lại còn chế nhạo nữa, chi tiết này được đóng khung bởi các quy chiếu về Êlia (cc. 47.49). Lần cho uống thứ hai là trung tâm (c. 48). Sôsôn (“cứu”; c. 49) là phân từ tương lai duy nhất trong Mt, nhằm nhắc lại các lời chế nhạo ở cc. 40-42.

Tác giả không giải thích “ý nghĩa” của giờ thứ sáu, tức giữa trưa, hay của hiện tượng bóng tối bao trùm cả mặt đất trong vòng ba giờ, như Lc 23,45. Dù sao, bóng tối vào lúc này không phải là một hiện tượng thiên nhiên, mà là do Thiên Chúa can thiệp. “Đất” (gê) theo cách dùng của Mt có nghĩa là “trái đất”; nếu ngài muốn nêu ý nghĩa “vùng, miền” (= Giuđê), thì ngài sẽ kết nối thêm một thuộc tính (x. 2,6.20-21; 4,15; 9,26.31; 10,15; 11,24; trừ 5,5; 23,35).

Cùng với thánh Anbéctô Cả, nhiều học giả hiểu “bóng tối” là khởi đầu những việc diệu kỳ Đức Kitô thực hiện trên thập giá. Nếu vậy, “bóng tối” thuộc về chuỗi những việc lạ lùng xảy ra sau khi Đức Giêsu tắt thở (màn trướng Đền Thờ xé đôi, động đất, người chết sống lại, và cả tiếng kêu lớn cuối cùng của Người nữa). Tuy nhiên, cách giải thích này không vững, bởi vì ở c. 51, có sự thay đổi giọng văn bằng từ kai idou, “Và này!” hoặc “Thế rồi, đây!”, báo cho biết có điều gì mới đang bắt đầu. Tác giả phân biệt rõ ràng giữa những gì xảy ra trước khi Đức Giêsu tắt thở và những gì xảy ra ngay sau đó. Phải chăng “bóng tối” là một dấu chỉ về nỗi buồn của trời cao (x. Am 5,18; 8,9-10; Ge 2,2; 3,15; Xp 1,15; Is 13,10-11; Gr 15,9)? Hay đây chính là mặt trời che mặt đi vì tủi nhục, không muốn nhìn xem điều đang xảy ra? Cứ đứng tại bình diện tường thuật, có thể giải thích được. Vào giờ thứ sau, trời ra tối tăm. Không có lời giải thích nào cả. Tối tăm toàn diện, không thoát được. Bóng tối bao trùm cả thế giới. Không có chuyện gì xảy ra cả trong vòng ba giờ (có những đoạn song song: Kh 8,1; 2 Edr 7,30-31). Vũ trụ im hơi lặng tiếng. Câu 45 y như thể là một khoảng không. Hẳn là có chuyện kinh thiên động địa sắp xảy ra?

Sau ba giờ, bóng tối kết thúc, còn truyện cái chết của Con Thiên Chúa vẫn tiếp diễn. Vào khoảng giờ thứ chín (= 3g chiều), Đức Giêsu kêu một tiếng lớn. Tác giả không ghi thời gian chính xác; ngài không hề quan tâm đến một thời gian biểu mang tính khải huyền, cũng như đã chẳng ghi lại thời gian đóng đinh, là giờ thứ ba, như Mc 15,25. Chúng ta cũng không được giải thích “tiếng kêu lớn” (phônê megalê), một thuật ngữ của Kinh Thánh (x. St 27,34; 1 Sm 28,12 LXX; Gđt 4,9; 7,23; Is 36,13; Ed 11,13), là Thiên Chúa lên tiếng xét xử hoặc thậm chí tiếng kêu xét xử của vị Thẩm Phán Thế giới, là Con Người. Dựa theo ngữ cảnh, đây là tiếng kêu của một người đang cầu nguyện (x. Tv 17,7 LXX; 21,3.6.24 LXX; 68,4 LXX; Ed 11,13. Anaboaô thường được dùng trong Bản LXX để nói về việc cầu nguyện lớn tiếng). Nội dung của lời cầu nguyện là Tv 22,2, tiếng kêu phó thác của Đức Giêsu.

Câu 46 vẫn gây ra nhiều vấn nạn.: Đức Giêsu bày tỏ lòng tin tưởng vào Thiên Chúa hay là diễn tả sự thất vọng? Theo quan điểm thứ nhất, các nhà chú giải cho rằng Tv 22 đưa đến kết thúc là lời ca ngợi ở cc. 23-32. Cứ cho đi là tác giả nghĩ đến toàn thể hay phần lớn Tv 22, các câu trích lại chỉ nói đến hoàn cảnh eo hẹp của Đức Giêsu (Mt 27,35: Tv 22,19; cc. 21-29.39: x. Tv 22,8; c. 43: x. Tv 22,9; c. 46: Tv 22,2), chứ không có chỗ nào trong bản văn gợi ý là phải nghĩ đến Tv 22,23-32. Hơn nữa, c. 46 là đỉnh cao của một chuỗi sự cố: Trước tiên, Đức Giêsu bị các môn đệ (26,56), rồi bị cả Phêrô (26,69-75) bỏ rơi; cuối cùng, Người hoàn toàn cô đơn ở giữa đám kẻ thù, và bây giờ dường như bị cả Thiên Chúa bỏ rơi. Sự tiệm tiến trong tường thuật như thế dường như không cho phép hiểu là Đức Giêsu bày tỏ sự tin tưởng?

Vậy với Tv 22,2, chúng ta nghe ra tiếng than của Đức Giêsu, vì cảm thấy bọ Thiên Chúa bỏ rơi, đang kêu lên với Thiên Chúa của Người bằng những lời lẽ của thánh vịnh. Bóng tối bên trong và bóng tối bên ngoài tương ứng với nhau trong cc. 45-46. Trong tình trạng tối tăm hoàn toàn này, không còn có thể thấy được gì về uy quyền của Đức Giêsu, lúc này ý thức  về giờ của Người và về chương trình của Thiên Chúa trong các biến cố (x. 26,2.18.45). Đức Giêsu kêu lên nỗi đau đớn và cảm nhận bị bỏ rơi, Người kêu to, chứ không cam chịu theo ý muốn của Thiên Chúa. Ở đây, nỗi đau không được thắng vượt hay chấp nhận bên trong; đơn giản, nó đang ở đó, rất đau đớn và tăm tối, y như bóng tối chung quanh Người.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ kêu vào bóng tối vô danh; Người kêu to, hầu như với giọng kết án nữa, với Thiên Chúa. Mặc dù không thấy Thiên Chúa (bóng tối nuốt trửng mọi sự), ở đây không còn có một ai để Người quay về trong tình trạng bị bỏ rơi ngoài Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, Đức Giêsu thưa với Thiên Chúa trực tiếp (ngôi thứ hai). Người không dùng lời lẽ của Người, nhưng ngôn ngữ cầu nguyện có sẵn của Kinh Thánh.

Nội dung lời kêu của Đức Giêsu (“Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”) như thế nào? Từ êli tương ứng với bản văn Híp-ri của Tv 22,2, nhưng nó cũng có thể là kiểu nói Híp-ri trong ngôn ngữ A-ram. Lema thì đúng là từ A-ram (chứ không phải là lama của Mc). Còn sabachthani thì chắc chắn là A-ram. Vậy bản văn Tv 22,2 trong Mt không phải là bản phóng tác từ bản văn Híp-ri, nhưng là bản văn A-ram được chuyển tự đúng đắn. Có thể tác giả Mt đã thay đổi bản văn Mc vì ngài muốn cho thấy rõ làm thế nào người ta lại có thể làm lời cầu nguyện này với lời gọi ông Êlia hoặc bởi vì ngài nghĩ rằng tiếng kêu tương ứng sát hơn với bản văn Tv 22,2 A-ram mà ngài đã quen. Bản văn Hy Lạp lại không hoàn toàn theo bản LXX.

Đức Giêsu không nhận được một câu trả lời nào từ phía Thiên Chúa, nhưng rất có thể Thiên Chúa trả lời qua những người đang đứng đó. Họ ghi nhận rằng thế này: “Hắn ta (houtos, “tên này”, có thể hàm ý khinh bỉ) gọi ông Êlia!”. Rõ ràng họ nghĩ đến Êlia không như một dung mạo cánh chung, nhưng như một đấng trợ giúp trong những hoàn cảnh khó khăn, theo kiểu hiểu đạo đức bình dân. Còn đối với các độc giả đã quen lời Tv, để hiểu được tiếng kêu của Đức Giêsu, đây là một sự bóp méo nhạo báng ác độc. Như thế, Đấng chịu đóng đinh bị nhạo báng lần cuối cùng. Những kẻ nhạo báng này hẳn là người Do Thái chứ không phải là đám lính, vì họ đã quen với nền đạo đức Do Thái bình dân. Rồi, một người đã đi thấm đầy giấm vào miếng bọt biển buộc vào đầu cây sậy mà đưa lên cho Đức Giêsu; nếu người này là lính, hẳn đã dùng mũi giáo mà đâm vào miếng bọt biển cho tiện. Có lẽ  nhóm còn lại tiếp tục nhạo báng.

Như thế, khác với Mc, tác giả Mt phân biệt giữa người cho Đức Giêsu thứ gì đó mà uống (c. 48) với những người khác tiếp tục nhạo báng (c. 49). Phải chăng người kia đã làm một việc tốt? Trong Mc, đấy cũng là một cách nhạo báng ác độc. Câu trả lời một phần tuy thuộc cách giải thích động từ aphei, “khoan đã/bỏ đi”, một phần tùy vào cách hiểu oxoi là “giấm/rượu”. Nếu chúng ta hiểu aphei theo nghĩa cổ điển như là một mệnh lệnh cách độc lập (“bỏ đi, dừng lại đi”), thì có vẻ những người chế nhạo khác ở c. 49 muốn cản bạn họ làm một việc tốt. Nếu hiểu động từ này theo nghĩa sau này như là một từ để mời hoặc lưu ý  không có nghĩa độc lập (“thế thì…, xem nào…”), thì những người chế nhạo khác đang ủng hộ bạn của họ. Nghĩa sau này có lý hơn vừa do phương diện ngữ học vừa do ý nghĩa thực tế của từ ngữ oxos. Oxoi có thể là một thứ rượu chua rẻ tiền hoặc “giấm”. Nếu có nghĩa là rượu chua, thì việc cho Đức Giêsu uống vừa nhắm giải khát vừa nhắm kéo dài sự sống cho Người. Hợp lý hơn nên cho rằng tác giả muốn nhắc độc giả nhớ đến Tv 68,22 LXX (đã được gợi đến ở c. 34), từ đó ngài rút ra ý là “giấm”. Như vậy, việc đưa giám cho Đức Giêsu uống là đề hành hạ Người, tương tự ở c. 34. Và như vậy, ở c. 49, các đồng bạn của người kia không ngăn cản anh ta làm một việc tốt, nhưng đang hỗ trợ trò nhạo báng của anh ta. Những người này, cũng như những người ở cc. 40.42, chẳng hề nghĩ rằng Êlia thật sự có thể “cứu” được Đức Giêsu.

Như vậy, Đức Giêsu hoàn toàn cô đơn, bị cả Thiên Chúa lẫn loài người bỏ rơi. Không giống như trong Lc và Ga, trong Mt, không có một người tốt lành nào đứng bên thập giá của Người.

Thế là sang c. 50, Người kêu một tiếng lớn thứ hai, rồi “trút linh hồn”. Nhiều nhà chú giải cho rằng đây là một tiếng kêu không lời và là một tiếng kêu chiến thắng (Gioan Kim Khẩu, Ambrôsiô, Tôma Aquinô). Trong thực tế, tác giả nhấn trên những điểm khác. Tiếng kêu cuối cùng của Đức Giêsu không hề biện minh cho tư tưởng về phán xét, chiến thắng, thời đại mới đang đến. Người “lại (palin) kêu một tiếng lớn (phônê megalê)” đưa trở lại với c. 46, còn “kêu” (kraxas) nhắc lại Tv 22 (x. Tv 22,3.6 LXX). Như thế, tác giả Mt đã hiểu tiếng kêu cuối cùng của Đức Giêsu rõ ràng như tiếng kêu thứ hai để cầu nguyện, tức không nhất thiết là không lời. Và như thế, tác giả chỉ đơn giản nói rằng Đức Giêsu kêu lên Thiên Chúa một lần nữa, rồi chết.

19. Mt 27,51-54 – Thiên Chúa trả lời cho các chết của Đức Giêsu

Kai idou, “Và này!” hoặc “Thế rồi, đây!” cho thấy một phần mới được mở ra. Kế đó trong cc. 51-52 với giọng văn hoàn toàn khác hẳn phần trước, một chuỗi biến cố được kể nhanh mà không được giải thích, có năm câu ngắn với chủ ngữ ở đầu và động từ ở thì aorist thái bị động. Chuỗi các biến cố của cc. 51-52 được kết lại ở c. 53 bằng một câu dài hơn chứa hai động từ chính được đưa vào bằng một phân từ. Câu 53 không đưa ra một chủ từ mới, nhưng cung cấp thêm chi tiết, điều này chứng tỏ câu kết này (nói về người chết) là câu quan trọng hơn cả, và năm câu kia dẫn đến kết luận này như tới một cao điểm. Các câu nhỏ được liên kết với nhau bằng những từ móc nối (“rung” [seiô] / “động đất” [seismos], cc. 51.54; “rung, vỡ” [schizô], c. 51 hai lần; “mồ mả”” [mnêmeion], cc. 52-53; “trỗi dậy” [egeirô] / “trỗi dậy” [egersis], cc. 52-53; “nhiều xác/người” [polys], cc. 52-53; “thánh” [hagios], cc. 52-53. Câu 54 có vai trò như một lời hoan hô các phép lạ trước (cc. 51-53). Tham gia vào việc hoan hô này, không chỉ có viên đại đội trưởng, mà còn có những người của ông.

Có những điểm liên kết chặt chẽ bản văn này với truyện Phục Sinh ở 28,1-10, khiến ta hiểu đây là một bản văn báo trước Phục Sinh: “trỗi dậy” (egeirô/egersis) của cc. 52-53 đưa đến 28,6-7; “mồ mả” (mnêmeion) của cc. 52-53 đưa đến 28,8; “rung / động đất” (seiô / seismos) đưa đến 28,2.4; và ngữ căn “sợ: (phob-) ở c. 54 đưa đến 28,4-5.8.10. Bởi vì các biến cố được mô tả  ở cc. 51-53 đã xảy đến bất ngờ và bột phát, hợp lý là không có những liên kết với các phân đoạn trước, ngoại trừ đối với những người lính ở c. 54 (x. c. 36)

Các biến cố xảy ra dồn dập. Trước hết, “bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (c. 51). Trong Đền Thờ, không chỉ có một bức màn trướng duy nhất, nhưng ở đây tác giả chỉ nói đến “bức màn trướng” (to katapetasma). Thường ở Đền Thờ, có một tấm màn phân cách Gian Cực Thánh, nơi mà chi thầy thượng tế được vào Ngày Xá Tội, với phần còn lại của Đền Thờ (x. Xh 26,31-35; Lv 16,2) và tấm màn ở cổng chính ngăn cách Sân Israel với tòa nhà Đền Thờ (x. Xh 26,36-37; 38,18). Nếu là tấm màn che Gian Cực Thánh, thì sẽ giải thích theo hướng phụng tự: Gian Cực Thánh lâu nay không ai thấy được, nay mở ra cho mọi người. Nếu là tấm màn ở ngoài, thì sẽ giải thích như là một dấu chỉ về thảm họa đã từng được Đức Giêsu tiên báo (23,37–24,2; x. 26,61; 27,25). Đây là tấm màn duy nhất thấy được và công chúng có thể đến đó mà nhìn thấy những gì đã xảy ra. Lại có những bản văn liên kết cửa chính Đền Thờ với những dấu chỉ vế thảm họa loan báo cuộc tàn phá Đền Thờ. Cả hai tấm màn đều có thể được giải thích theo hai cách trên, bởi vì việc tàn phá Đền Thờ có nghĩa là chấm dứt nền phụng tự.

Đối với các độc giả đã biết lời Đức Giêsu tiên báo về việc tàn phá Đền Thờ (23,38–24,2) và biết rằng Người có quyền phá hủy Đền Thờ và trong ba ngày thì xây lại (26,61), mặc dù Người đã không làm, họ thiên hơn về cách giải thích theo hướng Đền Thờ bị phá hủy. Chính Thiên Chúa đang bắt đầu cho những gì Đức Giêsu tiên báo xảy ra: thái bị động “bị xé ra” (eschisthê, aor. pass. của động từ schizô, “xé ra”) cho hiểu là Thiên Chúa hành động. Tấm màn bị xé rách hoàn toàn, từ trên xuống dưới, thành hai, nên không thể chắp nối lại được: nó bị phá hủy hoàn toàn bởi một sự can thiệp của Thiên Chúa. Cũng có thể quan niệm biến cố này là cách diễn tả một lời than van (x. St 37,29.34; 2 V 2,12): chính Thiên Chúa thương khóc cái chết của Đức Giêsu bằng cách xé “áo” của nhà Người.

“Đất rung đá vỡ” (c. 51b), đây cũng là những thái bị động để nói rằng Thiên Chúa đang hành động: eseisthê, aor. pass. seiô, “rung”; eschisthêsan, aor. pass. schizô. Trong Kinh Thánh, động đất là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra; động đất thuộc về việc Thiên Chúa tỏ mình ra vào thời cánh chung, vào lúc phán xét chung (x. chẳng hạn Is 5,25; 24,18; Ed 37,7 LXX; Ge 2,10; 3,16; Nk 1,5-6; Kg 2,6; Xp 14,5). Với sự cố màn trường Đền Thờ bị xé toang thành hai, độc giả nghĩ đến một phán xét của Thiên Chúa; với những hiện tượng đất rung đá vỡ, tức một trận động đất siêu nhiên, tư tưởng ấy được đào sâu thêm: chính Thiên Chúa sẽ xuất hiện. Với lại, nếu đá đã vỡ ra trong một trận động đất dữ dội, thì mồ mả phải mở ra, và người chết có thể trỗi dậy (c. 52).

Các hiện tượng ở c. 52 cũng được mô tả bằng thái bị động thay tên Thiên Chúa: aneôchthêsan, aor. pass. anoigô, “mở ra”; êgerthêsan, aor. pass. egeirô, “trỗi dậy”. Chính Thiên Chúa mở các huyệt và cho các thánh trỗi dậy. Theo ngữ cảnh và trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “thánh” đồng nghĩa với “công chính”. Từ Aben đến Dacaria (x. 23,35), con số các vị này rất đông. Phải chăng đây là khởi đầu của cuộc phục sinh cánh chung, khi đó mọi người công chính sẽ sống lại? Tuy nhiên, bản văn không nói đến một cuộc phục sinh toàn diện những người công chính, mà là “xác” của “nhiều” vị thánh. Vậy, đây quả là việc Thiên Chúa làm, nhưng không phải là cuộc phục sinh mọi người công chính vào thời cánh chung; cùng lắm, có thể cho rằng đây là dấu chỉ của thời cuối cùng.

Câu 53 xác nhận rằng không nên giải thích việc nhiều xác thánh trỗi dậy theo hướng trực tiếp và một chiều là biến cố khải huyền cánh chung. Bởi vì sau khi sống lại, thay vì được trải nghiệm niềm vui của cuộc sống cuối cùng với Thiên Chúa, các ngài đi vào Giêrusalem, mà đây là là nơi Đức Giêsu Phục sinh không đi vào! Giêrusalem đã từng ném đá và giết các ngôn sứ và những đại diện của Thiên Chúa , nên sắp bị Thiên Chúa trừng phạt (23,37-39). Đối với các độc giả, “thành thánh” (hagia polis) Giêrusalem là thành đã gây ra cái chết cho Đức Giêsu, vì “toàn dân” đã sẵn sàng cho máu của Người đổ xuống trên họ và trên con cháu họ (27,25). Vậy các thánh đã qua đời nay hiện ra tại Giêrusalem và hiện ra với nhiều người là dấu chỉ cho thấy cuộc phán xét của Thiên Chúa sắp xảy ra. Vậy đây là một điềm báo không có gì tốt lành cho dân thành Giêrusalem.

Bây giờ, không những viên sĩ quan ngoại giáo mà cả những người lính dưới quyền ông đã phản ứng như một dàn đồng ca trước trận động đất và những sự cố đi kèm theo. Khác với Mc 15,39, phản ứng của họ không phát xuất từ cái chết của Đức Giêsu mà là từ những gì xảy ra sau cái chết của Người. Dựa vào văn cảnh, có thể nói lời “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (c. 54) đầy ắp ý nghĩa của một lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Đáng lưu ý là các người lính ngoại giáo phản ứng rất khác với những người Do Thái chế nhạo ở cc. 39-44. Trong khi những kẻ nhạo báng yêu cầu người bị đóng đinh nhận mình là Con Thiên Chúa hãy chứng thực điều đó bằng khả năng quyền lực của chính mình, những người lính ngoại giáo lại dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm mà nói rằng Đức Giêsu thật là Con Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều này chỉ được chứng thực bởi chính Thiên Chúa mà thôi. Dù có bị những kẻ nhạo báng thách thức, Đức Giêsu từ chối bày tỏ bất cứ quyền lực gì, Người chứng thực điều đó chỉ bằng sự vâng phục. Chỉ duy Thiên Chúa mới có thể mạc khải Đức Giêsu chính là Con của Người, và ở đây là tuyên xưng của những người lính đang đáp lại mạc khải ấy. Việc những người lính ngoại giáo nhắc lại lời tuyên xưng của các môn đệ ở 14,33 và 16,16 cho thấy lệnh truyền của Đức Giêsu đang được thực hiện: Tin Mừng phải đến với muôn dân (28,19-20). Và đây là mặt khác của cuộc phán xét của Thiên Chúa trên Israel.

20. Mt 27,55-56 – Các phụ nữ tại chân thập giá

Đoạn văn ngắn ngủi này tách biệt khỏi c. 54, vì các bà “đứng nhìn từ đàng xa”. Các bà được nhắc đến ở đây để làm cầu nối đưa tới câu truyện an táng (27,61) và Phục sinh (28,1-10).

Quang cảnh các phụ nữ “đứng nhìn từ đàng xa” cho hiểu là Đức Giêsu không bị mọi môn đệ bỏ rơi, cho dù trước khi xảy ra cuộc đóng đinh, tác giả Mt chỉ nói đến các đối thủ của Người đang chế nhạo Người là kẻ bị mọi người bỏ rơi. Lời nhắc đến các phụ nữ ở đây là một niềm an ủi, một tin mừng. “Từ đàng xa” (apo makrothen) do thận trọng hay là vì chưa dấn thân hẳn (trường hợp Phêrô ở 26,58)? Bản văn không xác định ở đây. Chúng ta phải chờ đọc tiếp.

Ba phụ nữ được xác định (c. 56): bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxếp, và bà mẹ các con ông Dêbêđê. Bà Maria Mácđala đóng một vai trò chìa khóa trong cả bốn Tin Mừng (x. Mc 16,1tt; Lc 8,2; 24,10; Ga 20,11-18). Còn bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxếp hẳn được các độc giả Mt biết rõ do hai người con. Chắc chắn bà không phải là mẹ Đức Giêsu, cho dù theo 13,55, Người có “anh em” là Giacôbê và Giôxếp; nếu không, hẳn bà này đã được gọi là “mẹ Đức Giêsu”. Phải chăng bà là mẹ của ông Giacôbê con ông Anphê theo Mt 10,3? Chúng ta không rõ. Còn người phụ nữ thứ ba, mẹ các con ông Dêbêđê là Gioan và Giacôbê, chúng ta đã gặp ở 20,20. Đi từ ghi nhận “các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilê”, ta hiểu bà này gần gũi với Nhóm Mười Hai. Vì sao bà lại thế chỗ bà Salômê ở Mc 15,40? Phải chăng Mt không còn biết gì về người phụ nữ mà Mc gọi là Salômê, nên ngài đã thay thế bằng tên một bà mà ngài biết rõ, giống như ở 27,32, ngài không nhắc đến tên của các con ông Simôn Kyrênê? Hay là bởi vì ngài biết rằng mẹ của các con ông Dêbêđê được gọi là Salômê, nên ngài chỉ xác định thêm?

Các bà sẽ tái xuất hiện (27,61; 28,1-10). Đến sáng Phục sinh, các bà sẽ là những nhân vật chính đón nhận sứ điệp của hoạt động cứu độ của Thiên Chúa. Còn đang ẩn mình trong bóng tối của thập giá, các bà phác ra khởi đầu của một câu truyện về hành động của Thiên Chúa, hành động này sẽ tỏ hiện vào sáng Phục sinh trong ánh sáng chan hòa. Theo nghĩa này, các bà là những người của Thiên Chúa mang niềm hy vọng.

21. Mt 27,57-61 – Đức Giêsu được an táng

Bài tường thuật việc ông Giôxếp Arimathê an táng Đức Giêsu được soạn ngắn ở cc. 57-60. Ngoại trừ c. 58b, trong cả đoạn, ông là chủ ngữ duy nhất hành động. Đến cuối c. 60, ông lại biến mất. Có những từ “móc” tạo một cầu nối giữa cuộc đóng đinh và truyện Phục Sinh (“mộ”, mnêmeion: 27,52-53; 28,8; “xác”, sôma: 27,52.58.59; “(núi) đá”, petra: 27,51.60; “(tảng) đá”, lithos: 27,66; 28,2.

Bản văn kết thúc bằng một ghi chú rời ra, nói về các phụ nữ, với giọng văn tương tự c. 55. Các bà không có gì phải làm trong việc an táng Đức Giêsu; các bà chỉ có việc ở gần bên. Câu này cũng chuẩn bị cho truyện Phục Sinh.

Ông Giôxếp, sinh tại Arimathê, một người giàu có và là một môn đệ của Đức Giêsu. Arimathê được cho rằng ở gần Lod (Diospolis) về phía tây Giuđê, dường như cũng được gọi là “Armathem”. Mc 15,43 ghi nhận ông là một “thành viên có thế giá của hội đồng”. Nhưng vào thời Mt, cái hố ngăn cách giữa các môn đệ Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái lớn đến nỗi ngài không còn có thể tưởng tượng ra được là một thành viện của Thượng Hội Đồng lại thân thiện với Đức Giêsu (trong Mt, không có lời khen nhà thông luật của Mc 12,34, mà là câu Mt 22,34). Vì thế, người Do Thái đạo đức thành viên của Thượng Hội Đồng vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa (Mc 15,43) đã biến thành một môn đệ của Đức Giêsu. Thế thì ít ra có một môn đệ đã không bỏ Đức Giêsu. Ông là một người giàu: thế thì nếu được Thiên Chúa giúp đỡ, không phải là không thể tìm ra đường chui qua lỗ kim (x. Mt 19,24-26).

Ông đến vào lúc “chiều tối” (opsia): chúng ta không biết chính xác giờ nào. Tuy nhiên, đến c. 62, chúng ta sẽ thấy là tác giả Mt đồng ý với tác giả Mc 15,42. Ông gặp quan Philatô và xin thi hài Đức Giêsu. Hẳn là những người giàu có dễ gặp tổng trấn hơn. Với lại chúng ta biết rằng tuy Philatô yếu ớt và lưỡng lự, lúc này không phải là ông không có hảo ý đối với Đức Giêsu. Đàng khác, có khi thi hài của các tử tội được người Rôma trả về cho gia đình hoặc bạn bè để chôn cất, nếu như không còn gì phải đáng ngại về mặt chính trị. Philatôi đã đồng ý vớ ông Giôxếp mà không cần điều tra gì thêm (x. Mc 15,44-45).

Trong bản văn Mt, không có nói đến việc ông Giôxếp “hạ xác” (kathelôn) như Mc 15,46, phải chăng lính Rôma đã hạ thi hài xuống, và Giôxếp chỉ việc nhận lấy? Ga 19,31-32 cũng giả thiết là lính đã hạ Đức Giêsu khỏi thập giá. Cũng lạ là không có việc tắm xác, mà đối với người Do Thái, dây là việc quan trọng nhất phải làm cho một thi hài. Cũng không có chỗ nào nói đến việc tẩm liệm, ướp thuốc thơm. Sau khi người phụ nữ vô danh ở Bêtania đã làm một cử chỉ báo trước việc này (26,12), thì việc này không cần nữa. Tác giả chỉ nói rằng Giôxếp bọc thi hài vào trong một “tấm vải gai (sindôn) sạch” (27,59). Sindôn có thể là tên loại vải, hoặc hình dạng chữ nhật của tấm vải. Vào thời ấy, các thi hài thường được mặc cho một chiếc áo dài bằng vải gai. Động từ entylissô (“gói, bọc”) không phù hợp với thói tục đó, vì làm ta nghĩ đến một tấm vải. “Sạch” hẳn là vì không có vết hoen ố, do chưa bao giờ được dùng.

Ông Giôxếp đặt Đức Giêsu vào “ngôi mộ mới, được đục sẵn trong núi đá, dành cho ông” (c. 60). Chúng ta không biết chi tiết nào khác, ngoài tảng đá to được ông lăn ra mà lấp cửa mộ. Dựa vào Mc 16,5 với cái thế thiên sứ ngồi và Ga 20,5-7, ở ngoài có thể thấy được khăn liệm, có thể suy ra là mới an táng Đức Giêsu là một mặt phẳng dài hoặc một cái máng, chứ không phải là một cái hốc nhỏ đục trên tường để đẩy thi hài vào. Cần ghi nhận là Đức Giêsu được an táng theo cách danh giá. Người không bị chôn cất cách vô danh trong nghĩa địa Do Thái dành cho những tên gian phi hay chỉ được chôn trong một nghĩa địa dành cho người nghèo. Ở đây, Người được an táng theo cách cao quý, trân trọng. Dù nhiều điều không được nói đến (tắm, xức dầu, than khóc), không hề có dấu gì chứng tỏ là có sự vội vã vì sắp bắt đầu ngày sabát. Do đó, ấn tượng vẫn là Đức Giêsu được an táng với tất cả sự tôn kính dành cho Người.

Rồi ông Giôxếp lại biến mất khỏi bài tường thuật (c. 61). Hai trong ba phụ nữ đã được nhắc đến ở cc. 55-56 ở lại: bà Maria Mácđala và bà “Maria khác”, tức mẹ của ông Giacôbê và Giôxếp. Các bà không góp phần vào việc an táng. Các bà cũng không cần làm người chứng về vị trí của ngôi mộ như trong Mc 15,47, bởi vì bây giờ Đức Giêsu được mai táng không phải trong bất cứ ngôi mộ nào, nhưng là trong ngôi mộ gia đình của bạn đồng môn là ông Giôxếp, nên vị trí ngôi mộ được biết rõ. Thế thì tại sao lại nhắc đến các phụ nữ? Tác giả chỉ nói rằng họ “ngồi đối diện” (kathêmenai apenanti) với ngôi mộ. Họ có mặt để làm gạch nối với truyện Phục Sinh: bây giờ các bà biết rằng trong mộ, thi hài của Đức Giêsu đang được đặt ở đó, để rồi đến sáng ngày thứ nhất trong tuần, các bà sẽ là những người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ trống và gặp Đức Giêsu phục sinh (28,1-10), và sẽ thành những người đi loan báo sự Phục Sinh cho các môn đệ (28,10-11). Vậy các bà sống trước “cuộc canh thức Vượt Qua” mà nay các chúng ta cử hành. Ngôi mộ là con dấu đóng trên cuộc đời trần thế của Đức Giêsu; nhưng câu truyện từ đây sẽ bắt đầu lại cho một diễn tiến mới.

22. Mt 27,62-66 – Mồ được canh giữ

Phân đoạn này tường thuật những gì xảy ra tại dinh Philatô và tại mộ Đức Giêsu vào ngày sau khi an táng Đức Giêsu, nghĩa là kể lại cách các thượng tế, với phép của Philatô, đã niêm phong ngôi mộ và đã đặt tại đó một toán lính canh.

Tác giả Mt kể cho biết các thượng tế và người Pharisêu đã quy tụ (synagesthai) đến dinh Philatô vào ngày hôm sau việc chuẩn bị ngày sabát. Vào lần thứ nhất (26,3), họ đã quyết định bắt và giết Đức Giêsu; vào lần thứ hai (26,57), họ đã yêu cầu kết an Người tử hình; bây giờ họ muốn đảm bảo là thi hài của Người được giữ yên trong mộ. Sẽ đến một lần thứ tư (28,12), khi đó họ bảo lính tráng cứ phao tin thất thiệt là thi hài của Đức Giêsu đã bị đánh cắp. Tất cả nỗ lực của họ đều tập trung vào một Giêsu đã chết. Cùng với các thượng tế, nhóm Pharisêu tỏ ra là những đối thủ chống phá quyết liệt nhất cả bản thân lẫn công trình của Đức Giêsu.

Chính các thượng tế đã nộp Đức Giêsu cho Philatô để đạt được cái chết cho Người (27,1t). Kể từ đó, tất cả những gì liên hệ đến Đức Giêsu đều tùy thuộc quyết định của Philatô, như ta đã thấy qua việc Giuse Arimathê xin thi hai Đức Giêsu (27,57). Còn các thượng tế và các người Pharisêu tìm cách đảm bảo là thi hài của Đức Giêsu vẫn còn trong mộ. Họ xin Philatô giữ sao cho ngôi mộ không bị xâm hại cho đến ngày thứ ba.

Lời thỉnh cầu của họ dựa trên một cái nhìn về quá khứ, nghĩa là về các lời tiên bào của Đức Giêsu là Người sẽ sống lại, và cũng dựa trên một cái nhìn về tương lai, nghĩa là về lời các môn đệ Đức Giêsu loan báo Thầy đã sống lại. Họ vẫn nhớ tất cả các thông tin về cuộc phục sinh của Đức Giêsu, àm họ coi là lừa dối dân chúng . theo họ lý luận, nền tảng duy nhất cho các sứ điệp ấy rất có thể là một cuộc cưới xác. Do đó họ ra sức ngăn chặn cuộc trọm xác này. Chi tiết lính canh mộ cũng cho hiểu là sự dữ đang thắng thế: Đức Giêsu dường như hoàn toàn thất bại; nhà giải phóng đã bị khóa miệng và nay được an táng trong mồ rồi.

Khi thưa với Philatô bằng danh hiệu “ngài” (kyrie; chỉ có ở đây) họ đã công nhận ông là người làm chủ hoàn cảnh và có quyền lấy một quyết định (keleuson, “xin quan lớn truyền”); họ không quan tâm đến chuyện có một “Chúa” khác.

Họ không nói tên Giêsu ra, nhưng gọi Người bằng một tên khinh bỉ: “tên bịp bợm ấy” (ekeinos ho planos) (x. Mt 24,11; Ga 7,12.47) và nhắc lại một lời Người đã nói khi còn sống. Mặc dù đã đưa được Người đến cái chết, họ vẫn còn sợ những hậu quả của lời Người giảng dạy. Họ nói đến “trỗi dậy vào ngày thứ ba”. Chúng ta không rõ họ ghi nhận điều này vào dịp nào (còn các môn đệ: 16,21; 17,23; 20,19). Họ xin Philatô lấy một quyết định liên hệ đến ba điểm phải tránh: việc các môn đệ di chuyển thi hài Đức Giêsu; loan báo cho dân chúng rằng Đức Giêsu đã sống lại; chuyện bịp cuối cùng này sẽ tệ hại hơn chuyện trước. Đây là các hậu quả dây chuyền. Ta hiểu các thượng tế đang tự giới thiệu như là những người bảo vệ chân lý và che chở dân chúng. Chúng ta ghi nhận là ở đầu và ở cuối chương nói về cái chết của Đức Giêsu, chúng ta gặp các thượng tế bên cạnh Philatô. Vả hai lần, Philatô đều để mặc cho các thượng tế lấy các biện pháp (x. 27,24 và 27,65). Lần này, Philatô giao cho họ cho một toán lính. Ông đổ hết trách nhiệm lên họ: “theo cách các ngươi biết”. Đây cũng là những biện pháp con người lấy đối lập với quyền năng của Thiên Chúa. Và họ đã làm hai việc:  niêm phong mộ và cắt lính canh (c. 66).

+ Kết luận

Bài tường thuật cuộc Thương khó của Đức Giêsu đã được mỗi tác giả Tin Mừng viết lại theo bút pháp riêng. Độc giả bắt gặp được ở đấy các đau khổ, thể lý và luân lý, của Đấng Cứu thế, nhưng đấy không phải là ý nhắm của các ngài. Ngược lại, các ngài gỡ Đức Giêsu khỏi mọi nỗi lo lắng, sợ hãi, quay quắt, ngờ vực, khi cho ta thấy Người làm chủ tình hình với một uy quyền tối cao. Mt cũng cho thấy Đức Giêsu chiến đấu không phải là với sự yếu đuối của một con người, nhưng với sự sáng suốtvà sức mạnh của một Thiên Chúa. Trong những đau đớn cùng cực của cuộc đóng đinh, không một tiếng rên rỉ, tiếng thét gào thốt ra trên môi miệng Người. Quả thật, tác giả có nhắc lại các giờ phút cuối cùng của một cuộc tử đạo, nhưng đầy tính cách thần linh; ngài không nhắm gợi lên sự thương cảm, nhưng là sự thán phục và tin tưởng nơi Người. Cho dù bị kết án tử hình, Đức Giêsu vẫn là Đấng Cứu thế, Con Người, Đức Chúa (26,22.64; 27,43). Thay vì gặp mặt đối mặt với Đức Kitô lịch sử, khiêm nhường và đau khổ, độc giả lại tiếp cận với Chúa Kitô Phục Sinh.

Cuộc Thương Khó cho thấy sự hạ mình thẳm sâu của Đức Kitô, nhưng cũng là bằng chứng về lòng vâng phục tối cao của Người với Chúa Cha. Đây không phải là một thất bại, mà là một chiến thắng. Tại đây, chúng ta gặp vấn đề của các cộng đoàn tiên khởi: không phải là làm cho người ta chấp nhận cuộc Thương Khó của Đấng Cứu thế, mà là chấp nhận tình trạng hiện tại của Người là Đức Chúa vinh quang, mặc dù có kết cục nhục nhã.

III.- GỢI Ý SUY NIỆM

1. Đức Giêsu không thiếu kín đáo mà tố giác Giuđa; Người nhắc nhở, để ông có thể xét lại và quay lại, nhưng ông không nói gì cả: ông lưỡng lự hoặc ông không muốn quay lại. Để soi sáng và trấn an các môn đệ và có lẽ cũng để cố gắng kéo Giuđa trở về thêm một lần nữa, Đức Giêsu nhận định và tình hình: đây không phải là chuyện không may do người môn đệ phản bội, nhưng là điều nằm trong chương trình của Chúa Cha. Số phận của Đức Giêsu do Chúa Cha quyết định, nhưng điều này không xóa đi hay giảm thiểu trách nhiệm của kẻ phản bội: “Thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (26,24).

2. Với sự giúp đỡ của Philatô, các đối thủ của Đức Giêsu đã khử trừ được Người. Cái chết của Đức Giêsu đã kết thúc ảnh hưởng của Người trên dân chúng. Đối với dân chúng, Người là một tên lừa bịp (27,63); đối với Thiên Chúa, Người là một kẻ nói phạm thượng (26,65). Kiểu nói “tên bịp bợm ấy” tổng hợp cách giới lãnh đạo Do Thái đánh giá công trình của Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều vẫn còn đó và sẽ có thể tiếp tục gây ảnh hưởng trên dân chúng, đó là các lời Người đã nói và các môn đệ của Người.

3. Trong tiệc Thánh Thể, như trong tiệc Vượt Qua xưa kia, tín hữu không được chỉ ở tư thế khán giả, nhưng phải cảm thấy mình được lôi kéo can dự vào trực tiếp. Thánh Lễ cũng tái diễn lễ Vượt Qua, nên người tham dự không chỉ tưởng niệm cuộc giải phóng của một đoàn dân xa lạ, nhưng sống biến cố giải phóng chính mình.

4. Các môn đệ đã hoàn toàn thất bại khi ở trong Vườn Ôliu với Đức Giêsu. Họ không canh thức nổi với Người (c. 38); họ ngủ. Trong Kinh Thánh, giấc ngủ đồng nghĩa với cái chết, sự bất động, sự tê cứng. Ít ra các trinh nữ quên mang dầu cũng cìn thú nhận thiếu sót của mình; ở đây các môn đệ nói được một lời cáo lỗi. “Mắt họ nặng trĩu” (c.43), nhưng như thế có nghĩa là họ hoàn toàn quên, hoàn toàn ở ngoài tấn bi kịch lớn nhất mà họ đang chứng kiến: Đức Giêsu đi vào cuộc Thương Khó của Người, nhưng cộng đoàn đã không đi theo Người.