Ánh Sáng Và Bóng Tối Trong Kinh Thánh

0
2635


Sr. M. Luce chuyển ngữ từ P. Gironi, “Luce/Tenebre”,

trong Nuovo Dizionario di Teologia Biblica

(P. Rossano – G. Ravasi – A. Girlanda), San Paolo, Milano 1988, tr. 857-863.

***

Nếu ánh sáng là đề tài nền tảng trong các cuộc nghiên cứu tôn giáo và trong các lãnh vực tìm hiểu biểu tượng học của văn hoá văn minh thế giới thì Ánh sáng cũng trải dài trong suốt măc khải của Thánh Kinh. Thật vậy, Thánh Kinh mở ra với ánh sáng của công cuộc tạo dựng (St 1-2) và khép lại trong ánh quang của cuộc sáng thế và thành thánh Giêrusalem mới (Kh chương 21; 2Pr 3, 13). Giữa hai đầu cực này có thể tìm thấy in dấu những bản văn và những ý nghĩa khác đan chen lẫn nhau, diễn tả và trương rộng đề tài ánh sáng qua ngữ nghĩa học. Đó là: sự sống, hạnh phúc, cứu độ, hòa bình, phúc lành, sự hiện diện của Chúa, ngày của Chúa.

Bên cạnh đề tài ánh sáng luôn có nghĩa tích cực, Thánh kinh triển khai đề tài bóng tối luôn mang nghĩa tiêu cực. Vì thế bóng tối được thu nhận với tất cả khía cạnh phức hợp của hạn từ này, và quan niệm quy chiếu vào tất cả những thực tại đối lập với biểu tượng ánh sáng. Cặp từ tương phản Anh sáng/Bóng tối được triển khai đặc biệt trong các bản văn của Ngôi sứ Isaia 56-66, trong Tin mừng Gioan và một vài đoạn khác của thư Phaolô.

I. ÁNH SÁNG TRONG TRÌNH THUẬT SÁNG TẠO

Trình thuật sáng tạo theo truyền thống Tư tế (St 1, 1 – 2, 4a) gán cho ánh sáng lời chúc phúc đầu tiên của Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ: “Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp” (St 1, 4).

Vì thế ánh sáng trở thành thực tại hướng dẫn và soi chiếu toàn bộ công trình tạo dựng của Người: Trời cao, biển cả, đất đai, cây cỏ, trăng sao, chim chóc, cá biển, xúc vật, con người, tất cả đều được sinh ra trong ánh sáng. Chính vì vai trò này, cho nên trong tâm thức của con người, ánh sáng được nối kết mật thiết với sự sống (Br 3, 20; Tv 49, 20; G 3, 16.20): con người chào đời trong ánh sáng, tìm kiếm ánh sáng, bước đi trong ánh sáng, chạy trốn khỏi bóng tối, hoàn thành những hoạt động của ánh sáng, trở thành con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày. Số phận của con người được định mệnh qua biểu tượng của ánh sáng và bóng tối, nghĩa là đến với sự sống hay là đi vào cõi tiêu diệt. Cuộc sống của con người trên trần thế phải đảm nhận những cuộc đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối, nơi đó những chọn lựa nền tảng được diễn tả qua hình ảnh sống động của bóng tối (tội lỗi và cái chết) và của ánh sáng (ơn cứu độ và sự sống). Đây là giai đoạn đầu tiên của suy tư tôn giáo: ánh sáng diễn tả ý nghĩa mà nó vượt lên trên thực tại trực tiếp của nó, vì nó mở ra với các nhân tố và những thực tại sâu thẳm nhất cho cuộc sống và chiều kích tôn giáo của con người.

Những trình thuật thời các tổ phụ (St 12-50) có thể được truy nguyên đến giai đoạn đầu tiên này, trong đó ánh sáng được trình bày qua những hình ảnh bao hàm ý nghĩa rộng hơn như: thị kiến (15, 1; 16, 13; 18 1tt; 28, 10-22; 32, 31; 46, 2), giấc mơ (20, 3; 26, 24; 31, 24); cầu vồng (9, 14; cf. Ed 1, 28), trời đầy sao (11, 5; 28, 12-13), lửa bốc cháy và thiêu rụi (15, 17; Xh 24, 17)…Tất cả những yếu tố này được đọc và hiểu trong bức tranh thần khải, nghĩa là sự mặc khải hay là sự tỏ hiện của Thiên Chúa cho con người. Thánh Kinh rất thích diễn tả cảnh vực thần linh này bằng những biểu tượng của ánh sáng.

Khác với các tôn giáo cổ, trong các trình thuật tạo dựng, ánh sáng và bóng tối được trình bày không giống như sức mạnh hay nguyên lý thần linh được đặt đối kháng với một Thiên Chúa duy nhất mà dân Israel tin tưởng, nhưng chúng được coi là những thụ tạo của Người. Chúng không tự luân phiên chuyển đổi nhưng là do Thiên Chúa điều khiển vận hành (St 1, 3. 18; Br 3, 33-35) và trở thành biểu tượng của tất cả những gì là tích cực hoặc tiêu cực trải khắp thế giới. Anh sáng là biểu tượng của ơn cứu độ mà Kinh thánh diễn tả qua những hình ảnh của các cuộc chiến thắng (Xh 14, 24; 2V 19, 35; Is 17, 14; Tv 46, 6), sự chiến thắng của quyền hạn và công bình (Xp 3, 5; Tv 37, 6; Os 6, 5; Is 59, 9) của sự chữa lành (Tv 56, 14; Is 58, 8; các phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người mù), sự tỏa sáng từ dung nhan rạng ngời của Chúa (Ds 6, 25; Tv 4, 7; 36, 10; 89, 16). Trái lại, bóng tối nói đến tất cả những gì không phải là sự cứu độ và giải thoát, mà trọng tâm của nó là tội lỗi của con người (Hc 23, 25-26) như: đêm tối, thời của tội ác (G 24, 13tt; Ga 3, 20; Ep 5, 11), biểu tượng của sự lo lắng, xao xuyến, sợ hãi và phát xét chung cục của Thiên Chúa, mà chỉ có quyền năng của Ngài mới biến đổi những nét tiêu cực của bóng tối thành ánh sáng cứu độ (Is 8, 23 – 9,1; 10, 17; 42, 16; 58, 8-10; Mk 7,8; 2Cr 4, 6).

II. ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG XUẤT HÀNH

Với việc Thiên Chúa mạc khải tên của Người cho Mosê (Jhwh: Xh 3, 24) chúng ta bước sang giai đoạn thứ hai mở rộng ngữ nghĩa học của hạn từ ánh sáng. Hai bản văn Thập điều (Xh 20, 2-17; Đnl 5, 6-22), đưa ra mệnh lệnh cấm các người Israel không được kêu tên Chúa mà Người đã mạc khải. Vì thế Ngài ban cho mỗi người những yếu tố phong phú và ý nghĩa biểu tượng trong thế giới này để làm trung gian diễn tả danh tánh và thực tại của Người; ánh sáng ở giữa muôn biểu tượng đó. Các truyền thống Xuất hành từ đó cho ra đời và triển khai từ ngữ Thánh Kinh về Thiên Chúa, xây dựng trên biểu tượng của ánh sáng: Thiên Chúa là “cột lửa” (Xh 13, 21-22; 14, 24; Ds 14, 14; Nkm 9, 12. 19; Kn 18, 3), Ngài là Đấng “mặc khải và nói từ sấm chớp và lửa” (Xh 3, 2; 13, 21; 19, 18; 40, 38; Ds 9, 15; Đnl 1, 33; 4, 12. 33; 5, 22), Ngài “cất đi ánh sáng khỏi kẻ thù của Israel” (Xh 14, 20), “làm cho mặt trời tối sầm lại” (Xh 19, 16-20), “bắt mặt trời dừng lại” (Gs 10, 12-13), “toả ánh tôn nhan, ban phúc lành và ơn cứu độ” cho dân Người (Ds 6, 24-27).

Qua biểu tượng và từ vựng của ánh sáng và bóng tối, truyền thống Xuất hành trình bày tính cách của Chúa là “đứng về phía” Israel (theo ý nghĩa của tên Jhwh trong Xh 3, 14). Truyền thống Giavít mô tả sự can dự của Chúa vào những sự kiện và biến cố của dân tộc qua hình ảnh “cột mây và cột lửa”:

“Đức Chúa đi đàng trước họ, ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy” (Xh 13, 21-22).

Trong hành vi cuối cùng của cuộc chiến đầy bi thảm giữa một bên là Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát dân Israel, trưởng tử của Ngài (Xh 4, 22) ra khỏi Aicập, và một bên là vua Pharaon, Kinh thánh đối lập ánh sáng với bóng tối, nước và gió chạm trán với nhau trong một cuộc đọ sức tay đôi của vũ trụ, và Thiên Chúa đã chiến thắng:

“Cột mây bỏ phía trước mà chen vào giữa hàng ngũ Ai cập và hàng ngũ Israel. Bên kia cột mây mịt mù, bên này mây lại sáng soi đêm tối” (Xh 14, 20).

Truyền thống Êlôhít mô tả sự hiện diện của Thiên Chúa qua “đám mây tối tăm” hay chỉ đơn giản là “đám mây”. Trong khi đó truyền thống Tư tế liên kết vinh quang của Thiên Chúa với áng mây sáng rực, “ngọn lửa bốc cháy” (Xh 16, 10; 19, 16tt; 24, 15b-17; cf. Dt 12, 19). Từ các từ ngữ của truyền thống Xuất hành, các tác giả trong Israel xưa cảm hứng nên truyền thống midras về lịch sử Kinh Thánh trong sách Khôn ngoan 10-19.

III. ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG TRUYỀN THỐNG NGÔN SỨ

Trong toàn bộ văn chương và tác phẩm của các ngôn sứ, chúng ta có thể thu tập được cách đọc, cách hiểu các biểu tượng của ánh sáng và bóng tối. Trước hết, biểu tượng ánh sáng được áp dụng cho cộng đoàn: cộng đồng dân Chúa là ánh sáng, trong khi các dân tôc khác phải lầm lũi bước đi trong bóng tối, trong bóng đêm của sự chết (Is 9, 2tt; 42, 6; 49, 6; 50, 10; 60, 2). Các bản văn ngôn sứ chứa đựng những lời sấm cứu độ hoặc là lời lên án cộng đồng Israel vì sự trung tín hoặc bất trung với Chúa. Cộng đoàn này là ánh sáng, cho nên phải “bước đi trong ánh sáng”, “truyền bá ánh sáng” cho mọi dân tộc (Is 50, 10; 60, 3). Đối với những người Israel bất trung, các ngôn sứ loan báo ngày xét xử của Thiên Chúa là sẽ “biến ánh sáng thành bóng tối” (Am 5, 18-20; Is 3, 10; 59, 9; Gr 13, 16).

Trong truyền thống ngôn sứ, biểu tượng ánh sáng và bóng tối hiện diện đặc biệt trong cách diễn tả Ngày của Chúa (Is 24-27; Dc 9, 14; Am 5, 18. 20; Ge 2, 2-5, Kb 18; Kb 3, 10-11; Xp 1, 15; Ml 3, 19-20). Đây là đề tài phần lớn được trình bày dưới thể văn khải huyền, trong đó hành động của Chúa là can thiệp để sự trừng phạt hoặc để cứu độ. Trong sự can thiệp này Thiên Chúa trang bị khí cụ bằng những trận chiến vũ trụ của ánh sáng và bóng tối. Bóng tối biểu tượng cho sự trừng phạt:

“Ngày đó sẽ là tối tăm chứ không phải ánh sáng” (Sp 1, 15; Am 5, 18; …)

“Ngày tối tăm u ám, ngày mây mù tối đen” (Ge 2, 2; Dc 14, 7)

Ngày của lửa nghiền nát, của những vận hành trăng sao là nguồn ánh sáng (Is 24, 23; Ge 2, 10; 3, 30, 31; 4, 15; Am 8, 9…). Còn ánh sáng tượng trưng cho ơn cứu độ được mô tả với hình ảnh của hừng đông, mặt trời mọc (Ml 3, 20), cuộc chiến thắng trên âm phủ (Hs 13, 14), trên sự chết và tối tăm: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước” (Is 25, 7-8; 60, 1-3; 26, 19).

Cũng vậy ơn cứu độ được mô tả bằng cuộc chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối và sự biến chuyển từ bóng tối thành ánh sáng. Is 56-66 được đọc theo hướng này, Trong viễn tượng ấy, hai bài thánh ca của Luca: Benedictus (Lc 1, 68-79) và Nunc dimittis (Lc 2, 29-32) cụ thể và nhân cách hoá biểu tượng ánh sáng trong con người của đấng Mêsia Giêsu. Toàn dân Isarael và các dân tộc bước đi tiến về ánh sáng Cứu độ (Is 9, 2tt; Mt 4, 13-16; Ga 8, 12).

Các sách ngôn sứ cũng sử dụng các từ ngữ nói về Thiên Chúa mà các truyền thống Xuất hành đã xây dựng và định thức chung quanh biểu tượng ánh sáng và bóng tối, để diễn tả thần khải và sự can dự cách tích cực của Ngài vào lịch sử dân tộc:

“Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ thổi tù và, Người sẽ tiến đi trong gió bão phương nam” (Dc 9, 14); “Đi trước dân là khối lửa thiêu; theo sau chúng là hỏa hào bốc cháy” (Ge 2, 3); “Chúa rực rỡ khác nào ánh sáng, mở đôi tay toả chiếu hào quang” (Kb 3, 4).

IV. ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG TRUYỀN THỐNG KHÔN NGOAN

Truyền thống khôn ngoan không giới hạn vào một thời kỳ của lịch sử Thánh Kinh, nhưng trải dài toàn bộ Sách Thánh. Ta có thể tiếp cận với các đề tài ánh sáng và bóng tối trong nhiều quyển Thánh Kinh nhờ việc đọc lại các sách “khôn ngoan”. Trong các bài khôn ngoan về việc tạo dựng, ánh sáng và bóng tối được đặt dưới quyền của Thiên Chúa Tạo thành (G 26, 10; Đn 3, 72; Is 45, 7; Br 3, 33-35). Sau khi có ánh sáng và bóng tối thì ngày và đêm xuất hiện (St 1, 3tt; Tv 74, 16).

Từ ý nghĩa biểu tượng nguyên thuỷ đó mà truyền thống Khôn ngoan có thêm những ý nghĩa bao hàm khác: ánh sáng là biểu tượng của sự tốt lành, của sự sống và hạnh phúc (G 30, 26; cf. Is 59, 9; Gr 8, 15). Trái lại, bóng tối tượng trưng cho nguy hiểm, bệnh hoạn, đau khổ và chết chóc (Kn 17, 2; G 3, 16. 20; 12, 26-25; 17, 12; 18, 18; Cn 20, 4; Tv 18, 28; 23, 4; 58, 9). Chính lối sống của con người được quyết định qua biểu tượng ánh sáng (Cn 4, 18; cf. Is 58, 8.10), và bóng tối (Cn 4, 19; G 18, 5-6; 24, 13. 16). Các thực tại chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa (như Luật, Lời và sự khôn ngoan) được diễn tả với các từ ngữ của ánh sáng (Kn 7, 10. 19. 26. 29; Cn 4, 18-19; Gv 2, 13; Tv 18,29; 119, 105; G 29, 3; Đn 2, 22).

Theo tiếng Hipri, từ gốc ‘ôr (ánh sáng) cũng có chung một gốc với từ tôrah mà trong các sách khôn ngoan nó trương rộng ý nghĩa, vượt lên trên ý nghĩa thông thường và đơn giản của “luật”. Tôrah là lời dạy bảo, sự chiếu sáng, ánh sáng, sự sống, cứu độ, con đường, công chính, quyền lợi, khôn ngoan (Tv 19, 9; 27,1; Cn 6, 23; Kn 5, 6; Hc 50, 29). Thánh vịnh 118 cổ điển là bài hát đẹp nhất về luật Chúa, trong đó sự khôn ngoan và lời Chúa được diễn ta như là “đèn và ánh sáng” dẫn bước con người, để từ đó cộng đoàn Kitô hữu có thể hát lên tên của Đức Giêsu là “ánh sáng thật soi chiếu mỗi người” (Ga 1, 9; cf.. 8, 12; 9, 1-39; 12. 35. 46; 1Ga 2, 8-11; Mt 17, 2; Lc 1, 78; 2Cr 4, 6) thay thế các từ luật/ánh sáng (huấn lệnh, giới răn, mệnh lệnh).

V. ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG TÂN ƯỚC

Trong các bản văn Tin mừng, lời rao giảng của Đức Giêsu có rất nhiều ý nghĩa quy chiếu về đề tài ánh sáng và bóng tối, cho phép ngài tiếp tục dòng suy tư của truyền thống Cựu ước. Vì thế trong Tân ước, ánh sáng và bóng tối cũng có nhiều tiềm năng ý nghĩa biểu tượng và phản ánh sự áp dụng ý nghĩa đó. Nhưng khác với Cựu ước, nơi ánh sáng là hình bóng tiên báo biến cố Mêsia tương lai, và ở đó Thiên Chúa không bao giờ bị giản lược gọi là “ánh sáng” (nguyên nhân là do môi trường dân ngoại gán những vinh quang thần thánh cho các thiên thể), thì trong Tân ước, từ ánh sáng được dùng để mô tả biến cố cứu độ nơi Đức Kitô, con người của Ngài và điều kiệm mới của các môn đệ. Tất cả những đề tài Kinh thánh về ánh sáng bây giờ được thực hiện trong Đức Kitô một cách duy nhất và chung cuộc: tất cả độ dày của biểu tượng, hiện sinh mà đề tài ánh sáng gói ghém và nói lên, đều tập trung và gặp nhau nơi con người của Đức Giêsu. Ngài xuất hiện giữa trần gian là: “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1, 78-79).

Thật vậy, cuộc giáng sinh của Ngài được trình bày như cuộc chiến thắng của ánh sáng/ơn cứu độ (Lc 2, 9), định mệnh của Ngài là “ánh sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Khi định nghĩa Đức Giêsu là ánh sáng “thật” (Ga 1, 9), Tin Mừng thứ tư nhấn đến tính cách duy nhất, chung cuộc, xác thực của Ngài (đối lập với cái sai), và đích thật (đối lập với hình bóng, bản mẫu). Và chỉ có tính từ “thật” (alethinos) mới diễn tả đầy đủ ý nghĩa thần học Gioan (6, 32. 55).

Đối với Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cũng là ánh sáng, là con cái của ánh sáng, con người chúng ta phải ở trong ánh sáng và phải chiếu tỏa ánh sáng ra bên ngoài (Mt 5, 14-16; Ga 9, 4-5). Các hành vi sâu thẳm nhất của Ngài bộc lộ ra bên ngoài trong ánh sáng (Ga 1, 7-8), và ơn gọi chính yếu của Ngài thực hiện trong ánh sáng (Ga 12, 35-36). Qua các phép lạ chữa người mù được sáng, Ngài hoàn tất thời gian chờ đợi Đấng Mêsia: Thiên Chúa là Đấng dựng nên ánh sáng và bóng tối (Is 45, 7), thì Đức Giêsu, Người trở thành Đấng chăn dắt dân Chúa, như thời xuất hành Người đồng hành với họ bằng “cột mây và cột lửa” (Xh 24, 16; Is 40, 3), làm cho người mù bước đi trên đường phố (Is 42, 16) với ánh sáng mới. Cũng như tại nguồn gốc của bóng tối mà biểu tượng của nó là sự mù loà, thì có sự bất tín, cứng lòng (Mc 4, 11-12; Ga 9, 1-42; Is 6, 9-10) thì cũng vậy, tại nền tảng của ánh sáng thì có đức tin. Vì thế trong các phép lạ cho người mù được sáng, các động từ như “chữa trị”, “hồi phục thị giác”, “lại nhìn thấy” không còn giới hạn vào việc chữa lành phần xác, mà trở thành từ đồng nghĩa của “ơn cứu độ”. Chúng không còn thuộc về từ vựng y khoa và khoa học nữa, nhưng biến chuyển thành từ ngữ của ánh sáng và cứu độ, mà duy chỉ mình Chúa mới có thể ban cho con người (Mc 10, 52; Ga 9, 39).

Các bản văn Tin mừng cũng trình bày một cái nhìn kịch tính về thế giới và con người khi tiếp xúc với Đức Giêsu ánh sáng. Một bên khi con người tiếp nhận ơn cứu độ mà Đấng Mêsia mang lại, thì Tin mừng diễn tả bằng từ ngữ ánh sáng; bên kia khi con người từ chối ơn cứu độ, thì Tin mừng trinh bày bằng biểu tượng bóng tối. Kịch tính nằm ở chỗ con người tự do yêu thích bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3, 19; 1Ga 1, 6-7; 2, 8-11); nó có thể bước đi trong tối tăm và làm hại đến căn tính của Chúa là ánh sáng và tình yêu (Ga 1, 9; 9, 5; cf. Ga 1, 5.7; 4, 8. 16) thành một ông chúa dắt kẻ mù lăn cù xuống hố (Mt 15, 14b; Lc 6, 39), một ông chúa dẫn đến bóng đêm, đen tối, mịt mùng và chết chóc (Ga 9, 1-43; cf. Tv 49, 15).

Trong các Tin mừng Nhất lãm, “bóng tối bên ngoài” chỉ đến trạng thái của sự trừng phạt của những người từ chối và chống lại lời mời gọi và ơn cứu độ của Chúa một cách hoàn toàn tự do, thì bị loại ra khỏi vương quốc. Tin mừng Mt 6, 22-23 và Lc 11, 34-35 trình bày tình huống bi ai của những người bị mất ánh sáng bên trong tâm hồn và ánh sáng đó bị biến thành bóng tối. Hậu quả của nó thật là bi đát đối với cuộc sống của người tín hữu: sự biến đổi này là dấu cho thấy sự đổ vỡ thiêng liêng và lương tâm u tối, sự hư hoại của toàn bộ cuộc sống và tinh thần, mất đi khả năng truyền thông với thế giới ánh sáng của Thiên Chúa và với dân của người quy tụ trong ánh sáng cứu độ của Đấng Mêsia (cf. 2Cr 6, 14: “Làm sao ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối?”).

Cũng như Cựu ước, các bản văn Tân ước cảm hứng từ thể văn khải huyền (xem Diễn từ cánh chung của Mt 24-25; Mc 13; Lc 21 và đặc biệt là trong sách Khải huyền: 4, 5; 7, 16; 8, 5-12; 9, 1tt; 12; 16, 17tt; 20-21) các biến cố cuối cùng được gắn với khung cảnh của một cuộc chiến đấu ác liệt giữa ánh sáng và bóng tối, lôi kéo con người và cả thế giới vào trong đó: mặt trời, trăng sao, tinh tú, biển cả, các hiện tượng khí quyển và khi tượng học làm kinh hoàng toàn thể trái đất. Đằng sau cuộc chiến vĩ đại của vũ trụ, Tân ước cũng cho thấy sự chiến thắng của Thiên Chúa, sự khải hoàn chói lọi làm rạng rỡ dung nhan Ngài và chiếu giãi ánh hào quang “trời mới đất mới” (Kh 21, 1; 2Pr 3, 13).

1). Tác phẩm của Gioan

Con người Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Ngôi Lời là trung tâm của Tin mừng thứ tư và thư thứ nhất Gioan. Ơn cứu độ mà Ngài công bố và trao ban cho con người và thế giới được diễn tả trong từ ngữ của ánh sáng và sự sống (Ga 1, 4; 8, 12; 1Ga 1, 5; 5, 12). Trái lại, đối nghịch và từ chối ơn cứu độ được diễn ta qua các từ ngữ bóng tối, gian dối, mù loà, chết chóc, đêm đen (Ga 1, 9; 3, 19; 9, 4; 13, 30; 1Ga 1, 5-11; 3, 14b). Vì thế ánh sáng và bóng tối không có ý nghĩa đơn giản vật lý nhưng mang ý nghĩa tôn giáo và thần học sâu sắc. Ánh sáng là biểu tượng cho chính Thiên Chúa và cho điều mà Người thực hiện qua Đức Giêsu; trái lại bóng tối là toàn bộ những giá trị sai trái, những ý thức hệ, những hệ thống, tổ chức bị nhiễm lây bởi tội lỗi, làm cho con người co cụm, đóng kín trước sự quan tâm và chương trình cứu độ của Người.

Trong Tin mừng Gioan, biểu tượng ánh sáng có ý nghĩa Kitô học (Christological) (1, 9: “Ngôi Lời là ánh sáng thật”; 8, 12: “Tôi là ánh sáng thế gian”. Trong thư Gioan, ánh sáng có ý nghĩa thần học (theological) (1, 5: Thiên Chúa là ánh sáng”). Trong Tin mừng, lời đáp trả của con người đối với ánh sáng được cụ thể hóa bằng đức tin (9, 4. 39. 41; 12, 45) còn thư thứ nhất cụ thể hoá lời đáp trả bằng tình yêu (2, 9-11: “Ai yêu anh em mình thì ở trong ánh sáng”). Trong Tin mừng, sự khước từ ánh sáng thì được gọi là bóng tối (1, 5; 3, 19-20) con thư thứ nhất gọi là sự chết (3, 14tt). Trong cả hai văn phẩm, ý tưởng về sự phán xét đều nối kết chặt chẽ với “ánh sáng”. Sự phán xét của Thiên Chúa đã tỏ bày trong thế giới này rồi, không phải trong cách thức dứt khoát chung cuộc, nhưng trong viễn tượng dẫn những ai còn ở trong bóng tối cứng lòng đến với ánh sáng đức tin.

Trong Ga 3, 19-21, cuộc phán xét được đặt vào cái khung đối lập giữa ánh sáng và bóng tối: Bóng tối bao gồm quyền lực của tối tăm, gian ác, quyết định cho tội lỗi và cho tất cả những gì không phải là Chúa; bóng tối tượng trưng cho cái chết, án phạt và hư mất. Đức Giêsu ánh sáng đến trần gian để giải thoát con người khỏi quyền lực của bóng tối: giải thoát hay cứu vớt là sự chuyển dịch từ phạm vi của bóng tối sang không gian của ánh sáng, của sự sống, đức tin và tình yêu (Gv 12, 46; Cl 1, 13). Khi quyết định sống cho Chúa, con người bước đi hướng về ơn cứu độ cánh chung cách dứt khoát (Ga 8, 12; 12, 46); khi thích chọn bóng tối thay vì ánh sáng, con người hướng cuộc sống tại thế về sự diệt vong. Thật vậy, điều kiện luân lý này trở thành nạng nề làm cho nó khó đón nhận mạc khải của Đức Giêsu. Chính mặc khải của Người chỉ cho nó hướng đi đích thực, sống tương quan với Chúa và với tha nhân trong cuộc đời tại thế (1Ga 1, 5-11).

2). Thư thánh Phaolô

Thánh Phaolô cũng trình bày giáo lý của ngài với cặp từ tương phản ánh sáng/ bóng tối. Ngài khuyên nhủ các tín hữu “hãy bước đi trong ánh sáng” và là “con cái của ánh sáng” (1Tx 5, 5), “mặc lấy khí giới của sự sáng” và “loại bỏ những việc làm đen tối” (Rm 13, 12). Lời khuyến dụ này mang nét linh đạo của cộng đồng Qumran. 1QM chứa đựng những cuộn da nói về “Chiến tranh của những người con ánh sáng chống lại người con của bóng tối”,trong đó những thành viên của cộng đoàn Qumran được gọi là những “người con của ánh sáng” bị những người con của bóng tối (dân ngoại, Israel bất trung) chống đối. Cuộc giao tranh này có chiều kích lịch sử thời gian và cánh chung. Tuy nhiên trong cuộc giao chiến quyết định, chiến thắng sẽ thuộc về những “người con của ánh sáng”.

Các thư của thánh Phaolô cũng triển khai ý nghĩa biểu tượng của những cặp tương phản ngày/đêm (Rm 13, 12-13); thức/ngủ (Ep 5, 14); hoa trái của ánh sáng/công việc vô ích của bóng tối (Ep 5, 9-11); là bóng tối/là ánh sáng (Ep 5, 8). Ở trong ánh sáng có nghĩa là “được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm” (Cl 1, 13; Ep 2, 2), “được Đức Kitô chiếu sáng” (Ep 5, 14; 2Cr 4, 6), “là ánh sáng trong Chúa” ( Ep 5, 8). Trái lại, ở trong bóng tối có nghĩa là ở trong những lầm lỗi, tội tình, gian ác, thế gian, dưới quyền lực của Satan hay của Bêlia (2Cr 6, 14-15; Rm 2, 19; 13, 12; 1Tx 5, 4-7). Phúc lành mà cha ông Israel ngày xưa truyền lại cho con cháu là niềm hi vọng Đấng Mêsia đến viếng thăm nhân trần và lời hứa ban ơn cứu độ, thì nay được thực hiện cách viên mãn trong con người của Đức Giêsu, khuôn mẫu và hình bóng của sự chúc lành (1Cr 10, 1-11).

Theo Phaolô, người Kitô hữu “không còn bước đi trong bóng tối nữa” nhưng có một đích nhắm là ánh sáng của Đức Kitô (Ep 5, 14; 2Cr 4, 6). Ngày xưa Israel đã không thể thực hiện được điều đó chỉ nhờ Lề luật, nhưng bây giờ Thiên Chúa đã thực hiện nơi con người của Đức Giêsu: trong Ngài “Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1, 13).