SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 21: SỰ THIẾU HY VỌNG

0
111

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 21: SỰ THIẾU HY VỌNG[1]

I

Sự vô tín xuất phát từ việc con người không tin vào chân lý của Thiên Chúa; sự thù ghét Thiên Chúa phát sinh từ ý muốn của con người chống lại sự tốt lành của Thiên Chúa; còn sự thiếu hy vọng hệ tại việc không còn hy vọng được chia sẻ sự tốt lành của Thiên Chúa. Từ đó, thật rõ ràng rằng, sự vô tín và sự thù ghét Thiên Chúa là chống lại Thiên Chúa xét trong chính bản tính của Ngài, trong khi sự thiếu hy vọng là chống lại Thiên Chúa xét như là sự thiện thần linh mà chúng ta được thông phần. Vậy nên, tự nó, việc không tin chân lý của Thiên Chúa, hoặc việc ghét Thiên Chúa là một tội nặng nề hơn là việc không hy vọng sẽ nhận được sự vinh quang từ Người.

Tuy nhiên, xét về phía chúng ta, nếu so sánh sự thiếu hy vọng với hai tội trên, thì sự thiếu hy vọng nguy hiểm hơn, bởi vì niềm hy vọng kéo chúng ta ra khỏi sự dữ và thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những điều thật sự tốt đẹp, cho nên khi rời bỏ hy vọng, con người buông thả theo các nết xấu và xa lánh việc thực hành các nhân đức. Vì vậy, có lời trong sách Châm ngôn (24,10): “Ngày khốn quẫn mà để mất tinh thần, sức lực con ắt sẽ bị suy giảm”. Sách Chú giải bình luận: “Không có gì đáng ghét hơn sự tuyệt vọng, vì người mắc phải nó sẽ mất đi sự kiên định cả trong những cuộc chiến hàng ngày của cuộc sống và điều tệ hơn là trong cuộc chiến đức tin.” Thánh Isiđôrô cũng tuyên bố: “Phạm tội là giết chết linh hồn, nhưng tuyệt vọng là rơi vào địa ngục”

(De Summo Bono, lib. II, cap. 14).

II

Người ta có thể thiếu hy vọng đạt được hạnh phúc bằng hai cách. Một là bởi vì họ không coi nó là một điều thiện cam go khó đạt được; hai là bởi vì họ cho rằng không thể nào đạt được nó, do mình hoặc do người khác.

Điều khiến cho những thiện ích thiêng liêng không còn thu hút đối với chúng ta nữa là bởi vì tình cảm của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tình yêu dành cho những thú vui nhục thể, trong đó thú vui tình dục chiếm vị trí hàng đầu; vì tình yêu dành cho những thú vui đó khiến con người chán ghét những điều thiêng liêng, coi như là những điều quá cam go. Dưới phương diện này, sự thiếu hy vọng được gây ra bởi tội dâm dục.

Mặt khác, người nào cho rằng một điều thiện cam go khó có thể đạt được do chính mình hoặc bởi người khác, là tại họ nhút nhát quá mức. Khi bị não trạng này chế ngự, họ thâm tín sẽ không bao giờ có thể đạt được bất kỳ điều tốt đẹp nào. Và vì lười biếng là nỗi buồn làm suy sụp tinh thần, theo cách này, sự tuyệt vọng sinh ra từ sự lười biếng và ham muốn.

Trên thực tế, niềm hy vọng xem ra bắt nguồn từ việc suy gẫm các ân huệ của Thiên Chúa và nhất là mầu nhiệm nhập thể. Nhưng ngay cả việc lơ là suy gẫm các ân huệ của Thiên Chúa này phát sinh từ sự lười biếng. Khi một người bị ảnh hưởng bởi một niềm đam mê nào đó, họ chỉ bận tâm đến những điều liên quan đến niềm đam mê đó. Cũng vậy, một người tràn ngập đau khổ thì khó nghĩ đến những điều lớn lao và vui tươi mà chỉ nghĩ đến những điều buồn bã; họ cần một cố gắng lớn lao thì mới thoát khỏi những chuyện buồn phiền.

(Summa Theol. II-II, q. 20, aa. 3-4)

———————————–

[1] Chú thích của người dịch: “Thiếu hy vọng” trong nguyên bản latinh là desperatio: có thể dịch là thiếu hy vọng, thất vọng, tuyệt vọng. – “Vô tín” có nghĩa là không chấp nhận đức tin (infidelitas)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here