SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 13: TỘI THÊM NẶNG DO ĐỊA VỊ LUÂN LÝ HOẶC XÃ HỘI CỦA NGƯỜI PHẠM TỘI

0
59

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 13: TỘI THÊM NẶNG DO ĐỊA VỊ LUÂN LÝ HOẶC XÃ HỘI CỦA NGƯỜI PHẠM TỘI

Chúng ta nên phân biệt hai thứ tội.  Một là tội vì tình cờ do sự yếu đuối của bản tính nhân loại. Những tội như thế ít quy trách cho những ai đang tiến tới đàng nhân đức, vì dù rằng con người yếu đuối khó tránh khỏi những tội này nhưng họ ít lơ là hơn trong việc kiểm soát những tội lỗi đó. Hai là những tội phạm do sự dụng tâm cố ý. Những tội này càng nặng hơn ở những người có địa vị cao hơn. Điều này được giải thích bằng bốn lý do sau:

1/ Một là vì một người có địa vị cao hơn, chẳng hạn như người vượt trội về tri thức và đức hạnh, thì có thể dễ dàng chống lại tội lỗi hơn. Do đó, Chúa chúng ta đã nói: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều” (Lc 12,47).

2/ Hai là vì đó là sự vô ơn. Mọi điều tốt lành mà con người có được đều là ân huệ từ Thiên Chúa, vậy nên con người sẽ là kẻ vô ơn khi phạm tội. Và như thế, bất kỳ địa vị nào, ngay cả những điều tốt đẹp thuộc thế gian, cũng đều làm tội thêm nặng như sách Khôn ngoan đã nói: “Kẻ quyền cao chức trọng sẽ bị trừng phạt nặng hơn” (Kn 6,7).

3/ Ba là vì hành vi tội lỗi thì đặc biệt không xứng hợp với địa vị của người phạm tội, chẳng hạn như khi một ông hoàng lỗi phạm đức công bình đang khi ông được bổ nhiệm làm người bảo vệ công lý, hoặc một linh mục phạm tội gian dâm đang khi ngài đã hứa sống khiết tịnh.

4/ Bốn là vì gây gương xấu hoặc tai tiếng, như thánh Grêgôriô nói: “Tội lỗi gây ra nhiều tai tiếng khi người lỗi phạm là kẻ chức cao quyền trọng. Tội của những ‘ông lớn’ thì được nhiều người biết hơn, và gây ra nhiều bất bình phẫn nộ”.

Nhưng nếu Chúa phạt mấy “ông lớn” nhiều hơn vì cùng một tội, thì đó không phải là chuyện thiên vị, bởi vì chính địa vị lớn lao của họ đã khiến cho tội trở thành nặng hơn.

(Summa Theol. I-II, q. 73, a. 10)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here