SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 11: PHẠM TỘI DO CỐ Ý THÌ NẶNG HƠN PHẠM TỘI DO ĐAM MÊ

0
335

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 11: PHẠM TỘI DO CỐ Ý THÌ NẶNG HƠN PHẠM TỘI DO ĐAM MÊ

Theo Gióp (34,26), một tội lỗi phạm có toan tính thì đáng bị trừng phạt nặng nề hơn: “Như phường tội lỗi, chúng bị Người bạt tai giữa thanh thiên bạch nhật, vì chúng đã chủ trương lìa bỏ Người ”. Hình phạt được gia tăng do sự trầm trọng của lỗi phạm. Vì vậy, tội lỗi trở nên trầm trọng hơn khi được thực hiện có chủ ý, nghĩa là do một sự tính toán lệch lạc.

Một tội phạm do cố ý thì nặng nề hơn một tội phạm đam mê vì ba lý do:

  1. Thứ nhất, vì tội chủ yếu cốt tại hành động của ý chí, nên khi các yếu tố khác đều như nhau, tội càng có sự tham gia của ý chí nhiều thì càng nặng nề hơn. Khi một tội phạm do cố ý, thì sự chuyển động của tội lỗi thuộc về ý chí nhiều hơn, sau đó ý chí sẽ tự chuyển mình sang điều xấu hơn là khi một tội phạm do đam mê, ra như bị thúc đẩy từ bên ngoài. Vì vậy, tội lỗi trở nên trầm trọng hơn do sự cố ý, và càng gia tăng do ác ý, trong khi tội phạm do đam mê sẽ được giảm nhẹ nếu sự đam mê trở nên quá mạnh mẽ.
  2. Thứ hai, bởi vì sự đam mê xúi giục ý muốn phạm tội sẽ sớm qua đi, để con người ăn năn tội lỗi và sớm quay trở lại với những ý hướng tốt đẹp của mình; trong khi tâm trạng thúc đẩy con người phạm tội theo ác ý thì sẽ phạm tội lâu bền. Vì lý do này, ông Aristôt so sánh người hung ác phạm tội cố ý với một người mắc một căn bệnh mãn tính, còn người phạm tội do đam mê thì được ví như người bị bệnh từng cơn.
  3. Thứ ba, bởi vì ai phạm tội cố ý thì bị lệch lạc so với cứu cánh, là nguyên lý trong các vấn đề hành động; và do đó, sự suy nhược này còn nguy hiểm hơn trường hợp người phạm tội do đam mê, bởi vì họ vẫn hướng tới cứu cánh tốt đẹp, mặc dù ý định của họ bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng của đam mê. Thế nhưng, sự lệch lạc về nguyên lý là điều tồi tệ hơn. Vì vậy, rõ ràng là tội phạm do cố ý thì nặng nề hơn tội phạm do đam mê.

Sự thôi thúc của đam mê thì giống như một khiếm khuyết nằm ngoài ý chí; còn, do tập quán, ý chí lại thiên về như là từ bên trong.

Dĩ nhiên, ai phạm tội do đam mê thì có lựa chọn phạm tội, nhưng họ phạm tội không phải do lựa chọn, bởi vì quyết định của họ không phải là nguyên lý của tội lỗi; bởi vì do đam mê người ấy lựa chọn điều mà họ sẽ không chọn nếu không bị đam mê kích động. Mặt khác, người phạm tội do cố ý sẽ tự mình chọn điều xấu và do đó, sự lựa chọn mà người ấy có toàn quyền kiểm soát, là nguyên lý cho tội lỗi của họ; và vì lý do này mà người ta cho rằng người đó đã phạm tội do quyết định hay lựa chọn.

(Summa Theol. I-II, q. 78, a. 4)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here