SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – CHỦ ĐỀ THANH LUYỆN – BÀI 4: NHỮNG YẾU ĐUỐI CỦA TỘI LỖI

0
322

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ 2: ĐỜI SỐNG THANH LUYỆN

BÀI 4: NHỮNG YẾU ĐUỐI CỦA TỘI LỖI

Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động” (Ga 5,2-3).

Trong đoạn văn này, thánh Gioan mô tả những yếu đuối của tội lỗi.

  1. Về tư thế, những kẻ tội lỗi nằm la liệt vì còn bám víu vào những sự trần thế. Vì bất cứ ai nằm la liệt, đều bám chặt vào mặt đất. “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Người công chính hay thánh thiện không nằm bẹp trong tội lỗi, nhưng vươn mình đứng vững vì hướng về những sự trên trời. “Bọn chúng”, tức là những kẻ tội lỗi, “đều quỵ xuống té nhào” (Tv 20,9).
  2. Về số lượng, thì họ rất nhiều. Vì thế thánh Gioan nói: “một đám đông lớn”. Sách Giảng viên (1,15) viết: “Những gì đã cong, uốn làm sao nổi, con số những người ngu si thì không đếm xuể”. Tương tự như vậy, thánh Mátthêu đã nhấn mạnh: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7,13).
  3. Về tâm trạng của những người bệnh tật về tâm linh, thánh Gioan đề cập đến bốn hoàn cảnh mà con người phải gánh chịu vì tội lỗi:

(a) Con người, do việc khuất phục trước những đam mê tội lỗi, đã đưa đến bệnh tật, và do đó thánh Gioan nói đến “người đau ốm, quằn quại”. Vì thế ông Cicêro gọi những đam mê của linh hồn là bệnh tật, tựa như sự giận dữ và dục vọng. Vì thế, vịnh gia (6,3) than van rằng: “Lạy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức rã rời”.

(b) Do sự khống chế và chiến thắng của các đam mê đối với con người, lý trí trở nên mù quáng qua việc đồng loã với tội lỗi. Về vấn đề này, thánh Gioan nói đến “sự mù quáng”, tức là bị mù bởi tội lỗi, theo lời sách Khôn ngoan (2,21): “Vì ác độc mà chúng ra mù quáng”, và Thánh vịnh (57,9) nói. “Lửa rơi từ cao , nghĩa là lửa của giận dữ và dục vọng, và họ không còn thấy mặt trời nữa.

(c)  Con người vì tội lỗi mà ra yếu đuối và mù quáng, cho nên không đứng vững trong việc làm, ra như què quặt. Do đó, trong sách Châm ngôn (11,18) có nói: “Kẻ ác thì làm điều không bền và đối với họ, thánh Gioan gọi là “kẻ què” như sách các Vua (1 V 18,21) đã nói. “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ?”.

(d)  Vì thế, người bệnh về tâm linh thì mù quáng về lý trí, làm việc không vững vàng, trở nên khô khan trong tình cảm, bởi vì họ đánh mất hoàn toàn lòng ái mộ thiết tha những sự trên trời, “dầu của lòng sốt sắng” đã khô cằn trong họ, mất đi điều mà vua Đavit đã nguyện xin trong thánh vịnh (62,6): “Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63,5).  Thánh Gioan gọi họ là bất toại, giống như tình trạng khô héo được đề cập trong thánh vịnh (21,26): “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào” (Tv 21,16).

Một số người bị sự yếu đuối của tội lỗi tác động đến nỗi họ không thể chờ đợi cho đến khi nước động: họ ngủ yên trong tội lỗi của mình như sách Khôn ngoan (14,22) nói: “đang khi phải sống trong cuộc chiến khốc liệt vì u mê, họ gọi những tai hoạ đó là hoà bình”. Sách Châm ngôn (2,14) cũng phải thốt lên về họ: “Chúng hả hê khi phạm điều ác, thích thú khi làm điều tồi tệ xấu xa” (Cn 2,4). Lý do là vì họ không ghét tội lỗi, cũng không phạm tội vì ngu dốt hay yếu đuối, mà vì ác tâm nào đó.

Trái lại, những người bệnh tật về tâm linh mà không phạm tội ác ý hay không ở yên trong tội lỗi của mình, thì chờ đợi trong hy vọng nước sẽ động (ân sủng của Thiên Chúa). Do đó, thánh Gioan cũng nói đến những người “chờ nước động”. Probatica là một hồ nước nơi phép lạ được thực hiện. Điều này được miêu tả rõ ràng trong Sách Thánh: “Thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi” (Ga 5,4).

(Chú giải Tin mừng Gioan, chương V)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here