HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ – Kỳ III

0
541

HUYỀN BÍ KITÔ GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ

Juan Martin Velasco

Tác giả là một linh mục giáo phận Madrid (1934-2020), giáo sư khoa hiện tượng luận tôn giáo tại đại học Salamanca, và đã xuất bản nhiều sách về thần học huyền bí, (nổi tiếng nhất là El fenómeno místico. Estudio comparado, Trotta, Madrid, 2009). Bài viết này được đọc trong buổi thuyết trình tại Hội nghị “A Experiência Mística Cristã” tại Fatima từ ngày 17 đến 19 tháng 10 năm 2014, với tựa đề:  La mística cristiana. Existencia. Rasgos característicos. Algunas figuras actuales.

http://www.carmelitas.pt/teresadejesus/ficheiros/multimedia/Cong2014_02_ExpMisticaCrista_JuanMartinVelasco.pdf

Kỳ III:

VI. Thời hiện đại: 1/ Huyền bí “đêm tối” trước sự vắng lặng của Thiên Chúa. 2/ Huyền bí “mở mắt” nhận ra những người nghèo.
Kết luận.  Những đặc trưng của huyền bí Kitô giáo.
Phụ thêm: Việc phân loại huyền bí Kitô giáo.

—————–

VI. Vài hình thức huyền bí Kitô giáo thời nay

Thuật ngữ “sự tàn lụi của huyền bí” đã được vài học giả đặt tên cho tình trạng tâm linh và tôn giáo tại Âu châu kể từ thế kỷ XVIII. Điều này có thể gây cảm tưởng là huyền bí đã tan biến do cuộc khủng hoảng tôn giáo thời cận đại, hậu quả của phong trào thế-tục-hóa chi phối xã hội cũng như con người. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Một đàng, người ta thấy xuất hiện nhiều hiện tượng mang tên là thần bí ở bên ngoài các tôn giáo, và thậm chí ngay cả những “huyền bí vô thần” [1].

Riêng trong đạo Công giáo, không thiếu những dữ kiện cho phép khẳng định sự tồn tại của huyền bí vào thời đại hôm nay. Chúng ta có thể kể ra vài nhân vật: Elizabeth de la Trinité, Thérèse de Lisieux, Charles de Foucauld, Edith Stein, Thomas Merton, Simone Weil, Dorothy Day, Pierre Teilhard de Chardin, Etty Hillesum, Madeleine Delbrel, Mẹ Teresa de Calcuita  và nhiều người khác.

Sau khi chấp nhận sự hiện hữu của các nhà huyền bí Kitô giáo vào thời nay, chúng tôi muốn nêu lên một vài nét độc đáo. Trải qua lịch sử, chúng ta thấy các nhà huyền bí mang đậm các sắc thái của thời đại và văn hóa mà họ đang sống. Những người thời nay cũng không phải là một ngoại lệ. Họ phản ánh những hoàn cảnh lịch sử, những cuộc xáo trộn của thời cuộc. Tôi chỉ muốn vạch ra hai điểm xem ra quan trọng hơn cả: một là “sự che khuất Thiên Chúa” xem ra dẫn đến một cuộc “khủng hoảng Thiên Chúa”; hai là sự xuất hiện trong suốt thể ký XX, những hình thức quy mô của sự dữ, xuất hiện qua cảnh bất công đang chế ngự trên xã hội tiến tới chỗ toàn cầu hóa, khiến cho bao đám người rơi vào cảnh nghèo đói, cùng cực.

Hai sự kiện này đã đưa đến một đàng là sự xuất hiện của những “huyền bí đêm tối”, và đàng khác là những “huyền bí mở mắt” nhận ra sự đói nghèo hoặc “huyền bí cảm thông” những nạn nhân nghèo đói và tìm cách đáp ứng. Tôi muốn trình bày một vài thí dụ của hai khuynh hướng ấy.

1/ Huyền bí đêm tối trong một thời đại Thiên Chúa bị che khuất

Một trường hợp điển hình hơn cả của hình thức này hẳn là thánh Thérèse Lisieux. Hai đoạn văn trích từ Lịch sử một tâm hồn cho phép tóm lại cốt yếu của cảm nghiệm huyền bí mà chúng ta đang bàn. Đoạn văn thứ nhất diễn tả cảnh đêm tối dày đặc mà chị đã trải qua trong những tháng cuối cùng của cuộc đời. Đoạn thứ hai biểu lộ phản ứng tuyệt vời và độc đáo của chị khi khám phá cảnh vô thần mà tình trạng đêm tối mang lại [2].

“Xem ra đêm tối, qua giọng nói của các người tội lỗi, đã chế nhạo tôi: Này, ngươi mơ ước sẽ chiếm đoạt được Đấng tạo dựng muôn kỳ quan. Ngươi tưởng rằng một ngày kia ngươi sẽ thoát khỏi sương mù đang bao phủ: Tiến lên! Tiến lên! Hãy vui lên đi bởi vì cái chết sẽ mang lại cho ngươi không phải là điều mà ngươi hy vọng, nhưng là một đêm tối còn dày đặc hơn nữa, đêm tối của hư vô” [3]. Trong vụ án phong thánh, một nữ tu đã khai rằng mình đã nghe Thérèse thốt lên: “Ước chi người ta biết được tôi đang bị chìm đắm trong đêm tối như thế nào! Tôi không tin đời sống vĩnh cửu. Xem ra sau cuộc đời này chẳng còn gì nữa hết […]. Tôi chỉ còn có tình yêu” [4].

Đoạn văn thứ hai trước hết cho thấy rằng khi trải qua đêm tối chị khám phá rằng có những người chẳng có niềm tin nào, một điều mà chị vốn nghĩ rằng không thể nào có được: “Trong những ngày vui tươi của mùa Phục sinh, Chúa Giêsu cho tôi hiểu rằng thực sự có những linh hồn sống mà không có niềm tin”. Ngoài ra đoạn văn cũng cho thấy phản ứng của chị trước điều khám phá ấy: “Lạy Chúa, người con của Chúa đã hiểu được ánh sáng của Chúa. Nó xin Chúa tha thứ cho những người anh em của nó. Trong suốt thời gian mà Chúa không cho nó hồng ân ấy, nó cứ cam lòng ăn tấm bánh đó, và không muốn đứng lên đi ra khỏi cái bàn đầy đắng cay ấy, nơi mà những tội nhân khốn cùng đang ăn, cho đến ngày mà Chúa đã ấn định. Tại sao nó không thể thay mặt cho họ, thay mặt cho những anh em của nó để thưa lên: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, bởi vì chúng con là những tội nhân khốn cùng”.

Trong một bối cảnh khác, Dietrich Bonnhoeffer cũng có thể được coi như chứng nhân của cảm nghiệm về Thiên Chúa trong đêm tối. E. Bethge, người bạn và người viết tiểu sử của ông, đã viết lại rằng con người Bonhoeffer có thể tóm lại trong ba lời: Kitô hữu, thần học gia, con người thời đại. Về điều kiện Kitô hữu, qua những đoạn văn tựa như là “Giá của ân sủng”, ông cho thấy rằng tin vào Đức Giêsu Kitô có nghĩa là đi theo Người. Hiểu như vậy, đức tin không phải chỉ là “một hành vi nội tâm” gắn bó giả tạo với Đức Kitô. Đức tin cần được diễn tả ra cuộc sống. Qua những bức thư viết trong tù, sau này được xuất bản dưới tựa đề Kháng cự và suy phục, ông đã cho thấy tâm trạng của người tín hữu sống giữa khung cảnh tục hóa của thời đại. Để đáp lại tình trạng ấy, Bonhoeffer nghĩ rằng đã đến lúc mà người Kitô hữu phải sống trên đời như là không có Thiên Chúa etsi Deus non daretur, nghĩa là chấp nhận bầu khí văn hóa và xã hội mà chế độ tục hóa đặt ra. Công thức mà ông đề ra không có nghĩa là loại trừ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của cuộc đời, nhưng là “sống trước mặt Thiên Chúa và với Thiên Chúa”, nghĩa là sống như người tín hữu nhưng “không có Thiên Chúa”, nghĩa là không có Thiên Chúa của một đạo coi Ngài như là phương dược để giải quyết những sự dữ vượt quá sự giải thích và khả năng của con người, như nguyên nhân đệ nhất cho các nguyên nhân khác, như chìa khóa để ổn định xã hội. Bonhoeffer chủ trương phải sống theo đức tin
“người công chính sống nhờ đức tin”, lấy đức tin để dám tự do đảm nhận trách nhiệm trước cuộc đời trong tất cả mọi khía cạnh căn bản[5].

Không thiếu những dấu hiệu cho thấy ý thức về sự tăm tối đã trở thành bầu khí bao trùm đời sống đức tin của nhiều tín hữu trong thế kỷ XX. Dorothee Solle đã trưng dẫn Edith Stein và tác phẩm Khoa học thập giá, trong đó sự bất hạnh của tha nhân đã biến thành một lối sống Kitô giáo ở bên lề những hình thức hữu hình của Giáo hội; hoặc là Reinhold Schneider trong điều kiện của một “tín đồ Kitô giáo sống đức tin của tối tăm trong một thời gian không có niềm an ủi”. Một đoạn của Gustave Thibon trong quyền hồi ký Au soir de ma vie (Vào xế chiều của cuộc đời) cho thấy kinh nghiệm về bầu khí tối tăm mà nhiều tín hữu thời nay phải trải qua: “Lúc đầu, Thiên Chúa đối với tôi là một nhân vật và luật pháp; tiếp đó, là ánh sáng và tình yêu; cuối cùng, là vắng mặt và đên tối. Tôi muốn chết giữa đêm trường tối tăm, phủ đầy đen tối, mà chẳng biết sau đó sẽ có hừng đông hay không”.

Một thí dụ khác của huyền bí đêm tối vào thời nay là Mẹ Têrêsa Calcutta. Việc xuất bản các bức thư gửi các cha linh hướng đã cho thấy những cách diễn tả sự tối tăm của đức tin sánh ví được với những đại biểu của huyền bí đêm tối [6], trong đó chúng ta gặp thấy các hình ảnh “tối tăm”, “lạnh lẽo”, “cô tịch”, “trống rỗng”, cùng với những tâm trạng: vắng mặt, bỏ rơi, hấp hối, ruồng bỏ Thiên Chúa, vân vân. Xin trưng dẫn một đoạn: “Người ta nói với tôi rằng Thiên Chúa gọi tôi, thế nhưng trên thực tế, sự tối tăm, lạnh lẽo và trống rỗng thì quá lớn khiến cho không có gì chuyển động, không có gì hứng khởi […] Trong linh hồn, tôi cảm thấy nỗi đau xót kinh khủng của sự mất mát: Thiên Chúa không thương tôi, Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa, thực sự chẳng có Thiên Chúa”.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng về Thiên Chúa, sự tăng gia những chứng từ của các tín hữu giữa đêm tối vào thời nay, những lý do đưa đến sự lu mờ của Thiên Chúa trong xã hội hiện đại xem ra chứng tỏ rằng một đàng vào thời nay vẫn có các nhà huyền bí, nhưng đàng khác xem ra sự huyền bí được cảm nghiệm như là sự đau khổ vì thiếu vắng Thiên Chúa, tương tự như cảm nghiệm về đêm tối của các nhà huyền bí trong quá khứ. Như vậy, có thể nói được rằng các nhà huyền bí Kitô giáo trong thế kỷ XXI sẽ phải học hỏi việc “chịu đựng Thiên Chúa”[7]

2/ “Huyền bí mở mắt” nhận ra sự đói nghèo trên thế giới và cảm thông với các nạn nhân.

Thiết tưởng không cần trưng dẫn ra đây những con số thống kê khủng khiếp về tình trạng nghèo đói trên thế giới. Chúng tôi chỉ muốn nhắc đến phản ứng của vài nhà huyền bí đối với tình trạng đó, và đưa ý thức ấy vào trong cảm nghiệm huyền bí của mình.

Mối tương quan giữa việc biết và mến Chúa với lòng yêu thương và giúp đỡ những người khốn cùng luôn hiện diện trong truyền thống Kinh thánh và Kitô giáo, và không có nhà huyền bí Kitô giáo mà không đề cập đến điều đó. Chỉ cần lướt qua Cựu ước và Tân ước thì đủ rõ: “Hãy bênh vực người hèn yếu và nghèo túng và mọi sự sẽ tốt đẹp với người. Như thế là ngươi đã hiểu biết ta”. Đó là lời tuyên bố của ngôn sứ Giêrêmia như là “sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 22,16). “Ai không yêu thương thì không hiểu biết Thiên Chúa”. Thánh Gioan đã viết như thế trong thư thứ nhất (1Ga 4,8). Thánh Gioan Thánh Giá đã vọng lại sứ điệp ấy khi khẳng định mạnh mẽ rằng: “Kẻ không yêu thương người anh em là ghét Thiên Chúa” [8].

Nếu như vậy thì đâu là điều mới mẻ trong linh đạo và huyền bí thời nay liên quan đến cảnh nghèo đói? Đâu là điều khác biệt giữ huyền bí Kitô giáo thời nay với những thời buổi khác trong lịch sử? Thưa rằng ở chỗ là thực trạng những người nghèo và mối tình ưu tiên dành cho họ đã trở thành một yếu tố của việc hiểu biết và thực hiện cảm nghiệm về Thiên Chúa và để gặp gỡ Ngài. Một khi đã nhận ra thực trạng người nghèo với cặp mắt đức tin, thì ý thức về sự nghèo khó không chỉ dừng lại việc thực hành lòng từ bí bác ái đối với họ, vốn đã là điều răn của luân lý, nhưng còn đạt đến một chiều kích hướng thần kết hợp việc sống đạo với cảm nghiệm về Thiên Chúa. Như vậy, mối tương quan với người nghèo trở thành nhân tố của việc thực hiện cảm nghiệm về Thiên Chúa, và cảm nghiệm này biến thành “huyền bí mở mắt” nhìn đến tất cả những người cần đến tình yêu và giúp đỡ, hoặc là “huyền bí cảm thông với hết mọi nạn nhân”.

Ta không nên đối chọi huyền bí mở mắt nhìn nỗi thống khổ của tha nhân với huyền bí đến với Thiên Chúa qua con đường thuần túy chiêm niệm. Trong cả hai con đường, Thiên Chúa mà nhà huyền bí gặp gỡ không phải là Đấng làm thỏa mãn những ước mong của con người, nhưng là Đấng Thiện Hảo mà con người phải uốn nắn các ước mong của mình. Vì thế, trước khi đạt đến sự cảm nghiệm kết hiệp, các nhà huyền bí chiêm niệm phải trải qua một cuộc thanh luyện dữ dằn khoét rỗng những mơ ước của mình, để giúp cho họ đừng lẫn lộn giữa Thiên-Chúa-của-mọi-sự-tốt-lành với những-sự-tốt-lành-của-Thiên-Chúa. Trong huyền bí mở mắt trước các nỗi khổ của tha nhân, thì công cụ thanh luyện là sự nâng đỡ người nghèo cách vô vị lợi như là một yêu sách của tình yêu Kitô giáo. Sự nâng đỡ người nghèo, người bị áp bức, người bị loại trừ cũng mang lại một công hiệu thanh luyện tương tự như những cách thanh luyện trong huyền bí cổ điển”[9].

Có nhiều khuôn mặt gương mẫu trong hình thức huyền bí mở mắt vào thời nay. Tôi chỉ xin tóm lược vào một vài thí dụ.

a) Mối tình ưu tiên dành cho người nghèo và cảm nghiệm về Thiên Chúa: Linh đạo của thần học giải phóng.

Thần học giải phóng là sự biểu lộ rõ rệt nhất trong Giáo hội ngày nay về nhận thức của Kitô giáo đứng trước cảnh nghèo đói và thái độ đáp ứng. Vì thế những tác giả nổi tiếng nhất của thần học giải phóng (G. Gutiérrez, S. Galilea, J. Sobrino, C. Maccisse, J. Lois, vân vân) đã soạn ra những tổng hợp linh đạo Kitô giáo, nghĩa thực hiện đời sống theo Thánh Linh khởi đi từ việc ý thức sự hiện hữu của những người nghèo và những thách đố đặt ra cho suy tư thần học. Trong tác phẩm Beber en su propio pozo (Uống tận nguồn nước)[10] cha Gutierrez đã cống hiến một tổng hợp đặc sắc về linh đạo ấy. Sự suy tư của cha khởi đi từ hai biến cố: sự xâm nhập vào Đức Kitô vào lịch sử và kêu gọi đi theo Người; sự xâm nhập của những người nghèo và thách đố các Kitô hữu. Linh đạo Kitô giáo được mô tả như là “đi theo tinh thần của Đức Kitô”. Để được như vậy, cần phải “gặp gỡ Đức Kitô, sống theo Thần khí”. Việc sống và đi theo diễn ra trong một khung cảnh lịch sử. Đây là một đặc điểm khác của linh đạo giải phóng. Thế mà tình trạng tại châu Mỹ Latinh được đánh dấu bởi sự xâm nhập rộng lớn của những người nghèo dưới nhiều hình thái bi thảm của nó. Việc nhận ra tình trạng nghèo túng toàn diện đòi hỏi một sự đáp trả toàn diện của những người có ý thức. Sự nghèo đói không chỉ là vấn đề vật chất, kinh tế hoặc chính trị. Nó mang một chiều kích tâm linh, tôn giáo và ảnh hưởng đến mối tương quan với Thiên Chúa. Chính vì thế sự xâm nhập của những người nghèo trở thành môi giới cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Bởi vậy việc theo chân Đức Giêsu ngày nay đòi hỏi phải kết nạp những người nghèo trong tương quan với Người, cùng đi với họ, hòa mình với họ.

Cảm nghiệm về Thiên Chúa, trung tâm của linh đạo Kitô giáo, không thể nào diễn ra ở bên lề thực trạng nghèo khó, và được kiểm chứng bằng cách đối phó với thực trạng ấy. Thiên Chúa yêu thích sự sống, và sự nghèo đói kết án nó bằng cái chết bất công, cho nên cảm nghiệm về Thiên Chúa tùy thuộc vào việc đáp trả sự kiện nghèo đói. Nên biết rằng, nếu cảm nghiệm về Thiên Chúa tùy thuộc vào việc đáp ứng người nghèo, thì cũng nhờ cảm nghiệm về Thiên Chúa mà ta có thể thực sự gặp gỡ người nghèo. “Khởi đi từ chương 25 của Matthêu, ta hiểu được rằng việc gặp gỡ người nghèo là bước bắt buộc để gặp gỡ chính Đức Kitô. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ người nghèo một cách chân thành và trọn vẹn đòi hỏi phải trải qua cảm nghiệm về tình yêu ban không của Thiên Chúa. Có như vậy ta mới đến với tha nhân mà không bị ám ảnh bởi ước muốn chế ngự, sử dụng. Nếu thiếu thái độ mở lòng với Thiên Chúa, đặt niềm hy vọng hoàn toàn nơi Chúa, thì không thể nào thực sự dấn thân phục vụ những người nghèo khổ, những người bị áp bức”. “Trong cử chỉ hướng đến tha nhân, đặc biệt là hướng đến người nghèo, chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, nhưng đồng thời, cuộc gặp gỡ Đức Kitô giúp cho tình liên đới với người nghèo trở nên sâu đậm và chân chính hơn”[11].

Những suy tư vừa rồi rất phù hợp với Tin mừng. Gustavo Gutierrez rất nhạy cảm với nỗi đau khổ của người nghèo và với việc che khuất Thiên Chúa kèm theo. Kết quả của ý thức ấy được diễn tả nơi suy niệm về sách Gióp: Nói về Thiên Chúa từ nỗi đau khổ của kẻ vô tội [12], trong đó tác giả viết như sau: “đi ra khỏi thế giới của mình và đi vào thế giới của người nghèo bao hàm bước vào con đường ban không, chứ không chỉ là con đường công lý. Mặt khác mọi lời ngôn sứ khởi sự bằng một cuộc gặp gỡ Đức Kitô và tình thương vô vị lợi của Người. Vì thế cả hai ngôn ngữ, ngôn sứ và chiêm niệm, đều cần thiết; tuy nhiên chúng cần thiết trong tầm mức mà chúng móc nối với nhau và trở thành một mối”[13].

b) “Đức tin trở nên hiện thực nhờ tình yêu” (Gl 5,6): cảm nghiệm về Thiên Chúa và phục vụ những người cùng khốn nhất nơi mẹ Têrêsa Calcutta

Trên đây chúng tôi đã nhắc đến Mẹ Têrêsa như một thí dụ của huyền bí đêm tối. Tuy nhiên, có lẽ nét nổi bật nhất của đời sống nội tâm của mẹ là mối dây chặt chẽ liên kết chiều kích Kitô của đời sống nội tâm với sự dấn thân phục vụ người nghèo. Lý do cúa mối liên kết ấy nằm ở chỗ khám phá Đức Kitô khó nghèo nơi những người nghèo khổ cực. Mẹ viết: “Chúa Giêsu biến thành kẻ đói”. Đó là điều mà mẹ gọi là Tin mừng tóm gọn trong năm ngón tay: “Các ngươi đã làm cho ta” (Mt 25,40). “Đức Giêsu đang đói tình yêu của chúng ta và cơn đói của Người là cơn đói của những người nghèo của chúng ta”. Đức tin đã đưa mẹ đến chỗ nhìn thấy nơi người nghèo “sự ngụy trang bi đát của Thiên Chúa”, và hiến mình cho Thiên Chúa bằng việc hiến mình cho những người nghèo, bởi vì lòng yêu mến Chúa đi đôi với lòng yêu mến những người nghèo. Trong những lá thư gửi cho các vị linh hướng, Mẹ cho thấy ơn gọi sống cho người nghèo trở thành quy luật của mình: “dọn nhà đến ở giữa dân nghèo, sống với họ, trở nên một với họ, ăn mặc ngủ nghỉ với họ”. Danh xưng của hội dòng “Thừa sai bác ái” do mẹ thánh lập muốn nói lên một đặc điểm khác của linh đạo: coi việc yêu thương người nghèo như là một sứ vụ truyền giáo: đưa Thiên Chúa đến với người nghèo, coi tình yêu dành cho họ như là trọng tâm của chứng tá. Xem ra Mẹ Têrêsa đã trực giác ra rằng cảnh bất công và sự đau khổ của người vô tội là điều làm che khuất Thiên Chúa hơn cả, ra như gây ra cái chết của Thiên Chúa dưới một hình thức mới, cho nên duy tình yêu dành cho các nạn nhân của bất công mới có thể làm sáng tỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới.

            Như vậy, kể cả ngày nay, những hình thức huyền bí Kitô giáo vẫn xuất hiện vào thời buổi xem ra bất lợi hơn cả. “Thiên Chúa đương đại với tất cả mọi thời đại” đã tỏ mình qua những hoàn cảnh của mọi thời, và hiện diện nơi tâm hồn con người, đã gợi lên nơi họ những sự đáp trả phản ánh sự Hiện diện ấy cùng với những hoàn cảnh mà họ sống với Ngài.

Kết luận

Những đặc trưng của huyền bí Kitô giáo

Trải qua lịch sử, huyền bí Kitô giáo đã mang nhiều hình thức khác nhau, tùy vào những bối cảnh văn hóa, xã hội. Thử hỏi: đàng sau những sự hình thức khác biệt, có thể tìm thấy những đặc điểm chung, cách riêng khi đối chiếu với huyền bí của các tôn giáo khác trên thế giới hay không?

Xin thưa rằng đặc trưng của huyền bí Kitô giáo cần được nhìn dưới khía cạnh khách thể (đối tượng), chứ còn nếu chỉ nhìn dưới khía cạnh chủ thể (cảm nghiệm) thì khó nhận thấy những nét độc đáo. Thiết tưởng có thể vạch ra bốn điểm sau đây. 1/ Quy chiếu về Mầu nhiệm. 2/ Trung tâm là Đức Kitô. 3/ Chiều kích Hội thánh. 4/ Đời sống luân lý

1/ Huyền bí và mầu nhiệm

Tân ước không sử dụng từ mysticus (huyền bí) mà chỉ nói đến mysterion (mầu nhiệm), đặc biệt là trong các thư của thánh Phaolô. Mãi đến thế kỷ III, các giáo phụ mới sử dụng tính từ mysticus đi kèm một danh từ có liên quan đến “mầu nhiệm”, chẳng hạn việc giải thích Kinh thánh (khám phá ý nghĩa thâm sâu đàng sau nghĩa văn tự), hoặc cử hành các bí tích (đặc biệt là bí tích Thánh Thể).

Mặt khác, khi đề cập đến mầu nhiệm, thánh Phaolô không ám chỉ những chuyện bí ẩn cao siêu, nhưng áp dụng cách đặc biệt cho kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Kế hoạch này có một đối tượng cụ thể. Chúa Cha, Đấng Tạo dựng trời đất và cũng hiện diện trong con tim của mỗi người, đã muốn lôi kéo tất cả mọi người đến với mình để chia sẻ hạnh phuc tuyệt đối. Ngài muốn thực hiện kế hoạch qua Đức Giêsu Kitô, Người Con được trao ban cho nhân loại hầu làm cho họ trở thành con cái Chúa, nhờ Thánh Linh được đổ trên chúng ta. Nhờ Đức Ktiô mà chúng ta có thể đến cùng Chúa Cha trong Thánh Linh.

Từ chân lý nền tảng này nảy ra hai hệ luận trong cách thức người Kitô hữu diễn tả cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa: một là huyền bí và đức tin; hai là đức tin và Kinh thánh.

a) Huyền bí và đức tin

Đối với Kỉtô hữu, đức tin là hình thức duy nhất để đi vào tương quan với Mầu nhiệm Thiên Chúa. Cảm nghiệm huyền bí không phải là một con đương tách rời khỏi cảm nghiệm đức tin. Các nhà thần học đều nhất trí nhấn mạnh đến điều này. Cha Henri de Lubac viết: “Cảm nghiệm huyền bí nằm trong logic của đức tin […], là một hoa trái của đức tin. Nó không phải là sự tìm hiểu sâu xa về bản ngã, nhưng là đào sâu đức tin. Nó không phải là một lối trốn thoát vào nội tâm, nhưng nó nằm ngay trong Kitô giáo. Nói rằng Mầu nhiệm là nguyên ủy và cứu cánh, điều hợp huyền bí, thì tức là muốn nói rằng đời sống huyền bí không nhắm tới một thứ cảm nghiệm nào được mong ước như là cứu cánh, nhưng là một cảm nghiệm của sự phát triển đời sống Kitô giáo, đi vào tương quan với Mầu nhiệm qua đức tin, đức cậy và đức mến”[14].

Karl Rahner cũng nói rất rõ ràng về điểm này: “Cảm nghiệm huyền bí không thể lấy danh nghĩa của một ân huệ đặc biệt mà gạt bỏ đức tin và cảm nghiệm về Thần khí Thiên Chúa gắn với đức tin. Trái lại, huyền bí chỉ có thể diễn ra trong khung cảnh thông thường của ân sủng và đức tin”[15].

Tại sao đức tin là cội nguồn của cảm nghiệm huyền bí? Lý do là vì cội rễ gợi lên cảm nghiệm ấy là, như đã nói trên, Thiên Chúa Cha Đấng tạo nên muôn vật và hiện diện ở trong tâm hồn của con người. Sự Hiện diện đó, nhờ ánh sáng của Kinh thánh, cho con người biết điều kiện của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, được gọi trở nên con cái Thiên Chúa và thông phần vào bản tính của Ngài.

Tuy nhiên chúng ta lẫn lộn đức tin với sự khẳng định một vài chân lý trừu tượng. Để đức tin có thể trở thành cội nguồn của sự “khám phá huyền bí”, cần phải có một sự “hoán cải tầm nhìn”, thanh lọc con mắt của linh hôn (T. Augustinô), hoặc “sự hoán cải con tim” (T. Bênađô). Theo thánh Bênađô, đức tin hệ ở việc hoán cải con tim (Fidem, hoc est cordis ad Deum conversionem), đi từ con tim “phân tán, chia rẽ”, đến con tim đơn giản và thống nhất, là điều kiện tất yếu để chiêm ngưỡng Đấng là Một và Đơn nhất cực độ, theo như chân phúc thứ sáu: “Phúc cho những ai có con tim trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Chúa” (Mt 5,8); ở đây “con tìm” ám chỉ “trung tâm của linh hồn và của con người”, và sự thanh sạch có nghĩa là “sự đơn sơ hay ngay thẳng của toàn thể con người[16].

Việc liên kết cảm nghiệm huyền bí với một thực tại khách thể (Mầu nhiệm) rất quan trọng để hiểu được huyền bí Kitô giáo trong việc hiểu biết Thiên Chúa. Sự hiểu biết của đức tin không phải chỉ là một khẳng định lý thuyết về Thiên Chúa hoặc là những chân lý trừu tượng về Ngài. Sự khác biệt giữa cảm nghiệm “thông thưởng” của đức tin, với cảm nghiệm “huyền bí” của đức tin nằm ở chỗ là cảm nghiệm “thông thường” chỉ dừng lại ở các khái niệm trừu tượng của nội dung đức tin, còn cảm nghiệm “huyền bí”, nhờ việc đào sâu và chiếu soi của ánh sáng đức tin, thì dựa trên sự thông hiệp với Đấng vượt lên trên mọi ý niệm. Cảm nghiệm huyền bí không vượt lên bình diện đức tin mà chỉ vượt qua bình diện của những khái niệm để tiến tới một tương quan liên vị với Thiên Chúa. Vì thế ta không nên đối chọi giữa “đức tin tín lý” và “đức tin huyền bí””, bởi vì đức tin “tín lý” hoặc đã là cảm nghiệm về Thiên Chúa hiện diện hoặc chẳng phải là đức tin thật sự; còn đức tin “huyền bí” là cảm nghiệm cũng một Thực tại ấy (Mầu nhiệm Thiên Chúa) nằm ở đàng sau các công thức khái niệm. Vấn đề gai góc nằm ở chỗ muốn biết xem: làm thế nào mà một cảm nghiệm vượt lên trên các hình ảnh, các ý niệm, các lý luận lại có khả năng kết hợp với một thực tại vô hình tượng, “hư vô”, “tia sáng tối tăm” “mây mù” … mà vẫn mang danh là Kitô giáo, xét vì đức tin Kitô giáo gắn với một nội dung xác định, Thiên Chúa Tạo hóa đã mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng ban Thần khí cho chúng ta.

Để trả lời cho câu hỏi ấy, nên lưu ý rằng “huyền bí đêm tối” là một chủ đề Kinh thánh gắn liền với “đám mây Xuất hành”, với “đêm tối sách Diễm ca”, với Thiên Chúa là “không ai có thể trông thấy mà sống được”. Mặt khác, “Thiên Chúa vô hình vô dạng” mà các nhà huyền bí Kitô giáo gặp gỡ thì không phải là Nguyên lý phiếm thần, nhưng là Thiên Chúa chủ vị của Kitô giáo, Đấng mà Kinh thánh nói rằng Ngài là Đấng siêu việt, vượt lên trên mọi cách thức diễn dạt của con người.

b) Huyền bí quy chiếu về Kinh thánh

Hệ quả thứ hai của sự tùy thuộc huyền bí Kitô giáo vào sự Hiện diện của Mầu nhiệm là sự cần thiết quy chiếu về Lời Chúa và Kinh thánh, tức là những “chỗ” mà Mầu nhiệm tỏ mình cho linh hồn cũng đã linh hứng cho các bản văn. Một bản văn của Origène đã nói rõ sự cần thiết của việc quy chiếu này cũng như những công hiệu của nó:

“Giữa Kinh thánh và linh hồn có một sự tương đồng. Cả hai đều là đền thờ nơi Chúa ngự, là vườn diệu quang nơi mà Ngài đi dạo. Cả hai đều là mạch nước hằng sống và cùng một nước hằng sống. Một bên là Logos ngự như là Lời, bên kia Người ngự như là lý trí. Vì thế cả hai đều gói ghém cũng một mầu nhiệm. Vì cảm nghiệm của bên này đã được dàn xếp để hòa hợp với đạo lý của bên kia, bởi vì bên này được chuẩn bị để diễn tả bên kia. Điều mà trong Kinh thánh chúng ta gọi là nghĩa thần khí, thì trong linh hồn chúng ta gọi là hình ảnh Thiên Chúa […] Linh hồn và Kinh thánh, nhờ sự tham chiếu biểu tượng hỗ tương, soi sáng lẫn cho nhau, vì thế sẽ là một sự mất mát lớn lao nếu chúng ta bỏ rơi việc tìm hiểu bên này hoặc bên kia. Đó là hai cuốn sách mà ta phải đọc và chú giải bên này nhờ bên kia. Nếu tôi cần đến Kinh thánh để hiểu mình, thì tôi cũng hiểu Kinh thánh khi tôi đọc trong chính mình. […] Càng đào sâu thêm ý nghĩa Kinh thánh càng giúp tôi thâm nhập vào ý nghĩa sâu xa của chính tôi; bởi vì Kinh thánh thường là dấu chỉ biểu lộ linh hồn tôi. Tuy vậy, sự đối lại thì cũng đúng. Bên này phản chiếu bên kia. Mỗi khi tôi trung thành với Thần khí trong việc giải thích Kinh thánh, thì việc giải thích của tôi phần nào có giá trị. Mỗi khi tôi mở lại cái giếng nước của tôi đã bị quân Philitinh đóng lại, thì đồng thời tôi cũng mở cái giếng của Kinh thánh. Nước vọt ra từ giếng này cũng tương ứng với giếng sẽ vọt ra từ giếng kia”.[17]

Mối tương quan giữa cảm nghiệm gợi lên từ Kinh thánh với việc đọc Kinh thánh đã được thánh Gioan Thánh Giá nêu bật trong tự ngôn vào hợp tuyển các bài thơ của mình: “Vì thế, để nói đôi chút về đêm tối này, tôi sẽ không dựa trên cảm nghiệm hoặc học hỏi bởi vì cả hai đều có thể sai lầm và lừa gạt. Tuy không bỏ qua ích lợi của hai điều ấy, nhưng mà, nhờ ơn Chúa, tôi sẽ nói về Kinh thánh, ít là trong những điểm quan trọng và khó hiểu – bởi vì chúng ta sẽ không bị sai lầm khi để cho Kinh thánh hướng dẫn, xét vì Thánh Linh đang nói Kinh thánh”[18].

Sự soi sáng hỗ tương giữa cảm nghiệm do Kinh thánh gợi lên và việc đọc Kinh thánh do cảm nghiệm cá nhân còn được soi sáng qua việc tham chiếu các mẫu gương của Kinh thánh:  Môsê, Êlia, Giêrêmia, Gióp, vân vân, như là những mẫu gương của cảm nghiệm mà họ mô tả. Những hình ảnh ấy của Kinh thánh cũng được quy chiếu thường xuyên khi các nhà huyền bí miêu tả cảm nghiệm của mình.

2/ Huyền bí và quy chiếu về Đức Giêsu Kitô

Hạt nhân của huyền bí Kitô giáo là sự quy chiếu về Đức Kitô: mối tương quan của các nhà huyền bí với Thiên Chúa gặp thấy nơi Đức Kitô như là tận điểm và đối tượng của mình. Tất cả các nhà huyền bí Kitô giáo đều có thể áp dụng cho mình điều mà Albert Schweitzer nói về huyền bí của Phaolô: Thánh Phaolô không quan niệm tình nghĩa tử với Thiên Chúa như là một tương quan huyền bí trực tiếp với Thiên Chúa, nhưng như là một tương quan gián tiếp, được thực hiện qua sự kết hiệp huyền bí với Đức Kitô. Nơi thánh Phaolô không có một huyền bí với Thiên Chúa (Gottesmystik) mà chỉ có một huyền bí với Đức Kitô (Christusmystik) nhờ đó mà con người đi vào tương quan với Thiên Chúa. Kể cả các nhà huyền bí theo phái tân-Platon, khi diễn tả việc chiêm ngắm Thiên Chúa loại bỏ hết mọi ý niệm hoặc hình thái, thì vẫn quy chiếu về Đức Kitô: họ ý thức rằng việc nâng cao lên mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện nhờ việc “ở trong Đức Kitô” là Đấng mà Thánh Linh đã ban cho chúng ta. Chẳng hạn, về Meister Eckhart, người ta đã viết rằng: “đạo lý về Ngôi Lời sinh ra trong một linh hồn nào đã từ bỏ tất cả là trung tâm và chìa khóa soi sáng tất cả huyền bí của Eckhart […]. Cốt yếu của học thuyết của cha là sự đồng hóa với Đức Kitô Trung gian, là đầu của thân thể mà các tín hữu là chi thể, tức là, nói theo ngôn ngữ hiện đại, đạo lý về nhiệm thể”[19].  Chúng ta cũng gặp thấy những khẳng định như vậy nơi các môn đệ của cha. Chẳng hạn như Henri Suso đã viết rằng “tất cả các linh mục có học thức đều biết rằng hữu thể không hình thái cũng là hữu thể không danh tính; vì thế trong cuốn sách Các danh xưng của Thiên Chúa (De divinis nominibus), ông Điônisiô Thiên Chúa là phi-hữu-thể hay vô-hữu thì phải hiểu về mối tương quan đối với tất cả mọi yếu tính hoặc hữu thể mà chúng ta có thể gán cho Ngài theo cách thức thụ tạo”; dù vậy cha đã khẳng định dứt khoát như sau: “nếu con muốn chiêm ngưỡng Ta trong Thiên tính nguyên thủy, thì con hãy học hiểu biết Ta và yêu mến Ta trong nhân tính đau khổ của ta, bởi vì đó là con đường ngắn nhất để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu”. Đối với Gioan Taulero cũng vậy, Đức Kitô là trung tâm của tất cả mọi ngôn từ huyền bí. Chúng tôi xin trưng dẫn một đoạn văn tiêu biểu: “Có người nói rằng: nếu chúng ta tập trung vào tâm nguyện thì hình ảnh của Chúa Cứu thế sẽ biến mất. Không phải như vậy. Bạn hãy xuống tới đáy của linh hồn, nơi mà ân sủng sinh ra thật sự. Nhờ ơn của Người, cuộc đời và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu sẽ hiện-thực-hóa trong bạn, đánh thức những tâm tình yêu mến một cách đơn sơ, giống như một cái thoáng nhìn. Ra như người ta bày ra trước mặt tôi, không phải là vô số các chi tiết, nhưng như là một cái nhìn tổng thể, giống như tôi nhìn các bạn đây”[20].

3/ Huyền bí và chiều kích Hội thánh

Người ta thường tố cáo huyền bí nói chung và huyền bí Kitô giáo nói riêng là chỉ tập trung vào cá nhân, bởi vì nhấn mạnh đến đời sống nội tâm, cảm nghiệm về Thiên Chúa. Nhưng cuộc đời và các tác phẩm của các nhà huyền bí cho thấy cảm nghiệm huyền bí của ho không cắt đứt khỏi chiều kích Giáo hội, là một yếu tố cấu thành đời sống Kitô giáo. Chiều kích này dựa trên bản chất Giáo hội của đức tin: đức tin và sự kết hợp với Thiên Chúa diễn ra trong Đức Kitô. Đức tin giúp chúng ta thông dự vào sự chết và phục sinh của Đức Kitô, trở nên thành phần của Nhiệm Thể của Người nhờ ân huệ của Thánh Linh.

Việc tháp nhập vào Nhiệm Thể Đức Kitô mở rộng cảm nghiệm huyền bí đến việc quan tâm chăm sóc những người khác, mang lại cho họ động lực loan báo Tin mừng, muốn chỉa sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác, và kể cả định hướng ơn gọi lên đường phục vụ tha nhân. Khi nghiên cứu các học thuyết huyền bí thời Trung cổ, A. Lauth nhận thấy rằng lòng yêu mến dạt dào đối với Thiên Chúa đã trở thành động lực cho các công cuộc truyền giáo. Điều này cho thấy rằng việc kết hiệp với Thiên Chúa, tình yêu tinh ròng đối với Ngài, đã mang lại những giá trí lớn lao cho nhân loại. [21]

4/ Huyền bí và chiều kích luân lý

            Khi đề cập đến huyền bí của thánh Phaolô, Albert Schweitzer đã ghi nhận một mối nguy cơ cho huyền bí là chỉ lấy sự kết hiệp với Thiên Chúa như là mục tiêu của cuộc đời đến nỗi chẳng quan tâm chi đến chuyện thế sự nữa. Đối với thánh Phaolô, với đặc trưng là “huyền bí ở trong Đức Kitô”, thì huyền bí liên quan chặt chẽ với luân lý, bởi vì nó bao hàm môt hình thức luân lý, một hướng hành động bắt nguồn từ việc Đức Kitô tác động trong người tín hữu. Vì thế, luân lý của thánh Phaolô chính là huyền bí ở trong Đức Kitô, nhìn dưới khía cạnh hành động. Điều này đã được khai triển trong suốt dòng truyền thống huyền bí Kitô giáo. Chẳng hạn như thánh Grêgôriô Nyssa đã viết: “chiêm ngưỡng Thiên Chúa là đi theo Chúa”[22]. Việc đi theo Chúa được diễn tả ra đời sống cụ thể. Khi biết rằng Thiên Chúa tỏ hiện nơi khuôn mặt và cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể, thì đức tin đáp trả lại bao hàm việc lắng nghe lời Chúa, tuân hành ý Chúa được biểu lộ qua lời ấy, dõi theo những bước đi của Người. Nói tóm lại. cảm nghiệm Kitô giáo hệ tại sự kết hợp trở nên giống như Đức Kitô, bắt nguồn từ đời sống hướng Chúa, được biểu lộ qua việc hòa hợp với ý Chúa, và cụ thể hơn, qua việc yêu mến tha nhân như biểu lộ và thể hiện lòng mến Chúa [23].

Phụ lục

Tính đa dạng của huyền bí Kitô giáo

            Trong phần kết luận trên đây, nhìn dưới khía cạnh khách thể, tác giả đã vạch ra những yếu tố đồng nhất của huyền bí Kitô giáo. Tuy nhiên, dưới khía cạnh ngôn ngữ diễn tả, chúng ta có thể nói đến tính đa dạng của huyền bí Kitô giáo; từ đó, các học giả đã đề ra nhiều tiêu chuẩn phân loại. Chúng tôi xin trình bày vắn tắt một vài lược đồ sau đây, dựa theo Antonio Lezaun[24].

            1/ Juan Martin Velasco

            Sau khi đối chiếu hiện tượng huyền bí nơi các tôn giáo, tác giả phân biệt các loại như thế này[25]:

  1. a) Những cảm nghiệm huyền bí thiên nhiên hoặc vũ trụ: trong khung cảnh thiên nhiên hoặc thẩm mỹ.
  2. b) Những cảm nghiệm huyền bí về Ngã: như một chủ thể siêu nghiệm
  3. c) Những cảm nghiệm huyền bí về Tuyệt đối, về Thần linh, hay một chủ thể hữu vị.
  4. d) Những cảm nghiệm huyền bí về trống rỗng, đêm tối, hư vô.

              2/ Giovanni Moioli[26]

              Theo tác giả, trong lịch sử Kitô giáo, ta có thể nhận ra những mô hình sau đây.

  1. Huyền bí bản thể: Trong thế kỷ XIII và XIV trường phái sông Rhin đã phát triển một loại “huyền bí bản thể”, theo đó, sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa là cảm nghiệm đồng nhất giữa thụ tạo và Hữu thể nguyên thủy; một sự kết hiệp giả thiết sự thông dự của con người vào thực tại Thiên Chúa, mà hầu như không còn sự khác biệt gì nữa. Sự hợp nhất diễn ra nơi yếu tính của con người là hình ảnh Thiên Chúa (nơi tia sáng, chóp đinh, hay nơi trung tâm của linh hồn). Con người được thông phần – hiệp nhất với yếu tính Thiên Chúa (cội nguồn của ba ngôi vị). Quan niệm này đã gây ra nhiều vấn nạn trong Giáo hội, cách riêng bởi vì giảm nhẻ sự trung gian của Đức Kiô.
  2. Huyền bí kết duyên. Quan niệm này dựa trên một nền tảng Kinh thánh, tức là giao ước, được diễn tả qua biểu tượng hôn nhân. Sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa được nhìn như là thái độ suy phục của người vợ với người chồng, sẵn sàng đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mình bằng một sự dâng hiến trọn vẹn. Việc đáp trả này được lồng trong kế hoạch của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu được thực hiện nơi Đức Kitô. Lịch sử được thành hình qua việc Người trao ban tình thương và sự thiên hóa cho con người tội lỗi, để cho nó trở nên giống Thiên Chúa. Dưới viễn ảnh này, sự hiệp thông huyền bí không hệ tại trở nên một với Thiên Chúa, nhưng kết hợp với Ngài, đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng việc biến đổi và canh tân con người. Quan niệm này được gặp thấy cách riêng nơi các nhà huyền bí Tây-ban-nha thế kỷ XVI, và cũng được đặt tên là “huyền bí đan tu”.
  3. Huyền bí nhân bản: phát triển đặc biệt hồi thế kỷ XVII. Thiên Chúa nghiêng mình xuống con người để cứu độ con người. Con người ước mong hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng cần phải thanh luyện ước mong đó; vì thế cần thực hành sự khổ chế. Thế nhưng bởi vì con người không đáp trả xứng đáng với Thiên Chúa cứu độ, cho nên nảy ra nơi con người tâm tình thống hối. Một khi đã đạt tới sự hiệp thông, con người cảm thấy thỏa thích. Quan điểm huyền bí này đôi khi bị chỉ trích là không được tinh tuyền.
  4. Huyền bí vắng mặt. Theo một vài tác giả, quan điểm này phản ứng lại quan điểm vừa trình bày trên đây, coi Thiên Chúa là Đấng thỏa mãn ước vọng của con người. Đối lại, quan điểm đang bàn nhấn mạnh đến Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt. Con người phải hướng đến Ngài với tình yêu tinh tuyền, hoàn toàn vô vị lợi, vâng phục tuyệt đối. Đặc trưng của khuynh hướng này là cảm nghiệm về sự vắng mặt của Thiên Chúa, sự thanh luyện ước mong đến mức hoàn toàn phó thác cho ý Chúa. Bức icôn khuôn mẫu là Đức Giêsu trên thập giá đã kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?”. Trong thế kỷ XX, Hans Urs von Baltasar cũng gần với viễn tượng này, tuy với một điểm nhấn nhiều hơn về Đức Kitô: người môn đệ tham dự vào cái chết độc đáo của Thầy mình, nghĩa là cái chết bằng cách vác lên mình những tội lỗi của nhân loại, những tội lỗi gây ra sự xa rời Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giovanni Moioli lưu ý rằng tâm tình này khác với thánh Gioan Thánh giá, bởi vì vị này không coi đêm tối thụ động của tinh thần như là chóp đỉnh của hành trình huyền bí mà chỉ là giai đoan chuyển tiếp; cảm nghiệm cuối cùng là sự hiện diện âu yếm, cảm nghiệm đạt tới sự hiệp thông biến đổi, tuy dù vẫn còn chờ đợi sự sung mãn vĩnh viễn ở trên trời.

3/ Federico Ruiz Salvador[27]

Sau khi điểm qua các sự phân loại khác, tác giả cho rằng vào thời nay, sự phân chỉa ích lợi hơn cả là: huyền bí chiêm niệm và huyền bí hoạt động.

a) Huyền bí chiêm niệm: Huyền bí thiên về chiêm niệm được biểu lộ qua sự cầu nguyện với những cấp độ của nó. Trong bối cảnh này, “huyền bí” tương đương với chiêm niệm thiên phú. Thực vậy, trải qua thời gian lâu dài, các từ ngữ “huyền bí” và “chiêm niệm” được coi như đồng nghĩa, bởi vì phần lớn các nhà huyền bí được gặp thấy nơi các người chiêm niệm. Đó là khuôn mẫu huyền bí gặp thấy nơi nhiều tác giả. Thánh Têrêsa Giêsu đã mô tả nó rất tỉ mỉ. Cảm nghiệm huyền bí được diễn tả qua các khái niệm giao ước, hiệp thông đức tin và tình yêu, ý thức âu yếm.

b) Huyền bí hoạt động. Vào thời nay, nhiều tác phẩm thần học tâm linh nói tới huyền bí của “đời sống hoạt động”. Đúng ra, người ta không nói đến “huyền bí hoạt động” nhưng là “huyền bí trong hoạt động”. Những nhà huyền bí hoạt động ít khi kể lại những suy tư cá nhân về điểm này, và người ta thường sử dụng ngôn ngữ của huyền bí chiêm niệm và thay đổi môi trường. Nhà huyền bí hoạt động cũng sống cuộc gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong lúc hoạt động: họ đồng hóa mình với những chương trình của Thiên Chúa, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa qua hoạt động bác ái và tông đồ, nhìn thấy Thiên Chúa nơi những người mà mình phục vụ, vv. Họ cũng trải qua những sự thanh luyện và kết hiệp giống như hành trình huyền bí chiêm niệm. Mặt khác, thánh Antôn Maria Claret lưu ý rằng thánh Têrêsa Giêsu cũng là một khuôn mẫu của huyền bí hoạt động, theo nghĩa là mẹ đã sống cuộc gặp gỡ Thiên Chúa giữa những công việc và di chuyển.

Dù sao, chúng ta nên thận trọng khi đối chiếu giữa “huyền bí chiêm niệm” và “huyền bí hoạt động”. Đó chỉ là hai môi trường sinh sống, chứ không phải là hai hình thức song song. Không thể có một thứ “huyền bí thuần túy hoạt động” thay thế “huyền bí chiêm niệm”. Để có được một huyền bí hoạt động, cần phải nhận được ơn của Chúa nhờ một sự gặp gỡ, để rồi từ đó ta tìm cách đáp trả bằng đời sống và hoạt động.

4/ Charles André Bernard[28]

Sự phân chia thành ba loại sau đây không mang tính cách loại trừ, nhưng chỉ muốn nêu bật những điểm nhấn:

a) Huyền bí nội tâm: Đây là hình thức được biết nhiều nhất và được đề cập kể cả nơi các tôn giáo khác. Đặc trưng của nó là nhân bản và tâm lý. Khởi điểm là con người đi tìm sự kết hiệp với Đấng Tuyệt đối. Đối tượng tìm kiếm chưa có chân dung rõ rệt. Đó là một mầu nhiệm ẩn kín, được hình dung dưới nhiều biểu tượng mà mẫu sống chung là Tình yêu.

Hình thức này mang nhiều dạng trải qua lịch sử. Có thứ hình thức suy lý: Thực tại tuyệt đối được diễn tả như là Cái Hữu, Cái Nhất, Cái Đẹp, chẳng hạn như huyền bí của Grêgôriô Nyssa, Dionisio, Eckhart, etc. Một hình thức khác nhấn mạnh đến tương quan liên vị với Thiên Chúa của giao ước và tinh yêu, mang tên là huyền bí “kết duyên”, chẳng hạn như thánh Bênađô và Têrêsa Giêsu. Một hình thức nữa mang tính cách biểu tượng, dựa theo những biểu tượng của thiên nhiên và phụng vụ, như ta gặp thấy nơi thánh Phanxicô Assisi và Giáo hội Đông Phương.

b) Huyền bí đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đây là một điểm độc đáo, không có nơi các tôn giáo khác. Nhà huyền bí đặt Chúa Kitô làm trung tâm và tìm cách trở nên giống Người, dựa trên thực tại đã nhận lãnh trong bí tích rửa tội và các bí tích khác. Mục tiêu không phải là họa lại một khía cạnh đặc thù nào của Đức Kitô, như là nhằm đạt tới sự hiểu biết huyền bí của Chúa Cha qua việc đào sâu vào mầu nhiệm Dức Giêsu, sống kết hợp với Người, qua việc diễn tả một vài khía cạnh nào đó của Chúa Cứu thế.

Trong lịch sử, hình thức này mang nhiều dạng khác nhau. Các vị tử đạo diễn tả Đức Kitô trong cuộc khổ nạn và cái chết, nhờ đó mà tham dự vào vinh quang của Người. Sống Tin mừng triệt để là một hình thức họa lại nếp sống của Đức Kitô (chẳng hạn thánh Phanxicô Assisi). Kết hiệp tâm tình tìm cách thông dự vào sự đau khổ của Đức Kitô (cạnh sườn bị đâm thâu, chịu đánh đòn, chịu đóng đinh trên thập giá) cùng với những tâm tình của Chúa Cứu độ. Thông dự Thánh Thể, sống kết hiệp với Thiên Chúa nhờ kết hiệp với Chúa hiện diện và tác động trong bí tích Thánh Thể. Thông dự tư tế, kết hiệp với Đức Kitô Tư tế, dựa trên chức tư tế tác vụ hoặc chức tư tế phổ quát của mọi tín hữu (Chiều hướng này được phát triển nơi trường phái Bérulle bên Pháp).

c) Huyền bí tông đồ. Nhà huyền bí tìm cách tham gia vào hoạt động lịch sử của Thiên Chúa Tạo dựng và Cứu độ, và nhờ đó mà kết hợp với Ngài. Nhà huyền bí hoạt động cảm thấy mình là công cụ nhờ đó Chúa Giêsu dùng để tiếp tục công trình giải phóng và cứu chuộc. Thái độ căn bản đòi hỏi nơi nhà huyền bí hoạt động là sự sẵn sàng triệt để của đức vâng lời để đi vào kế hoạch kín nhiệm của Thiên Chúa. Quả vậy Thiên Chúa là Đấng bí ẩn, không chỉ do bản tính của Ngài mà cả trong hoạt động của Ngài trong thế giới.

Chúng ta không có nhiều biên khảo về cảm nghiệm huyền bí tông đồ. Nhưng đó là huyền bí mà nhiều vị thánh đã sống, chẳng hạn như thánh Inhaxiô  Loyola, thánh Vinh sơn Phaolô, thánh Têrêsa Calcutta. Nên lưu ý là hình thức này có thể kết nạp với hình thức thứ hai nói trên đây, bởi vì hoạt động tông đồ cũng là một hình thức thông dự vào hoạt động của Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.[29].

———–

Thư mục

Thomas Merton, A course in Christian mysticism (ed. By edited by Jon M. Sweeney), Liturgical Press, Collegeville Minnesota 2017.

Bernard McGinn, The Presence of God. A History of Western Christian Mysticism. Crossroad, New York

Vol. 1 (1991), The Foundations of Mysticism: Origins to the FifthCentury, 494 pages.

Vol. 2 (1994), The Growth of Mysticism: From Gregory the Great to the Twelfth Century, 630 pages.

Vol. 3 (1998), The Flowering of Mysticism: Men and Women in the New Mysticism, 1200-1350, 536 pages.

Vol.4 (2005), The Harvest of Mysticism in Medieval Germany (1300-1500), 738 pages.

Vol.5 (2013), The Varieties of Vernacular Mysticism (1350-1550), 864 pages.

Vol.6/1 (2017), Mysticism in the Reformation (1500-1650), 350 pages.

Vol.6/2 (2017), Mysticism in the Golden Age of Spain (1500-1650), 500 pages.

Vol.6/3 (2020), The Persistence of Mysticism in Catholic Europe: France, Italy, and Germany 1500-1675. 500 pages.

Vol.7 (2021),The Crisis of Mysticism: Quietism in Seventeenth-Century Spain, Italy, and France. 400 pages.

——————–

 

[1]      Tư tưởng được quảng bá rộng rãi nhất có lẽ là của A. Comte-Sponville trong tác phẩm, L’esprit de l’athéisme. Introduction à une spiritualité sans Dieu. Albin Michel, Paris, 2006.

[2]      Tôi đã trình bày đề tài này trong bài viết “Đêm tôi vô thần và đêm tối đức tin” trong: Teresa de Lisieux, profeta de Dios, doctora de la Iglesia. Actas del Congreso, Universidad Pontificia de Salamanca, 1999, pp. 606-621.

[3]     Lịch sử một linh hồn . Phần thứ ba (quen gọi là Thủ bản C), Obras completas, Monte Carmelo, Burgos, 1980, pp. 246-248.

[4]      Sígueme, Salamanca, 31986.

[5]     Resistencia y sumisión, Sígueme, Salamanca, 1983, pp. 217-218; 227-230; 238-239; 251-254.

[6]      Mother Teresa: Come, Be My Light, Brian Kolodiejchuk ed., New York, 2007.

[7]      Về ý nghĩa của thuật ngữ “chịu đựng Thiên Chúa”, xin mạn phép trưng dẫn bài viết của tôi: “Los caminos de la experiencia: aprender a padecer a Dios”, trong: Instituto Superior de Pastoral, ¿Dónde está Dios: Itinerarios y lugares de encuentro, Verbo Divino, Estella, 1998, pp. 37-90.

[8]     Dichos, 178.

[9]      E. Schillebeeckx, “ Jesús como el interrogante humano sobre Dios: mística, ética y política”, in: Jesús en nuestra cultura, Sígueme, Salmanca, 1987, pp. 63-105, 93.

[10]      Sígueme, Salamanca, 1984. Xem thêm: Espiritualidad de la liberación. Escritos esenciales, Sal Terrae, Santander, 2012. – Chú thích của người dịch. Về lịch sử thần học giải phóng, xem bài viết của Carlo Molari “Thần học giải phóng: lịch sử và phát triển”, trong Thời sự thần học số 94 (tháng 11 năm 2012), trang 15-51.

[11]    “Un lenguaje sobre Dios”, in: Concilium, 191 (1984), p. 55

[12] Hablar de Dios desde el sufrimiento del inocente Sígueme, Salamanca, 1986.

[13] Ibid., p. 171.

[14]   Préface a A. Ravier (éd.), La mystique et les mystiques DDB, Paris, 1964, p.2

[15]     “Mystische Erfahrung und mystische Theologie”, en Schriften zur Theologie, XII, Benziger, Zürich, 1975, p.432.

[16]      Cf. Ysabel de Andía, « Les yeux de l’âme », en Mystique d’Orient et d’Occident, Abbaye de Bellefontaine, 1994.

[17]    Cit. en H. de Lubac, Histoire et Esprit, Cerf, Paris, 1950, pp. 347-348.

[18]    Prólogo a Subida, 2

[19]    Jeanne Ancelet-Hustache, Maître Eckhart et la mystique rhénane, Seuil, Paris, 1956, p. 57.

[20] T.H. Martin, Introducción a Tauler. Obras, Madrid 1984, p.54-55.

[21] “Mystik II”, in: TRE XXXIII, p. 570

[22] Vida de Moisés, II, 252.

[23]    Nhiều chứng từ trong P. Agasse y M. Sales, art. cit., pp. 1980-1984.

[24] San José de Calasanz, místico en la acción, Ediciones Calazancias, Madrid Roma 2017, p.26-32.

[25]  El fenómeno místico, pag. 96.

[26]  Nuevo diccionario de espiritualidad, pagg. 934-936.

[27]  Caminos del Espíritu, pp. 468-470.

[28]  Introducción a la teología espiritual, pagg. 159-163.

[29]  Charles A. Bernard, Introducción a la teología espiritual, pag. 162.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here