SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN HAI – BÀI 1: BẢN TÍNH SIÊU VIỆT CỦA THIÊN CHÚA

0
318

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – PHẦN THỨ HAI

CHỦ ĐỀ I: THIÊN CHÚA

BÀI 1: BẢN TÍNH SIÊU VIỆT CỦA THIÊN CHÚA

  1. Thiên Chúa không bị giới hạn vào thời gian. Ngài là Đấng hằng cửu nghĩa là Ngài không có khởi đầu cũng chẳng có kết thúc, Ngài không bị chi phối bởi những biến chuyển của quá khứ hoặc tương lai. Nơi Ngài, chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì mới được thêm vào. Vì thế Ngài đã phán với Môsê: “Ta là Đấng hằng hữu”. Thật vậy, sự hiện hữu của Ngài không thuộc về quá khứ hay tương lai, nhưng luôn luôn là hiện tại.
  2. Ngài cao cả vượt xa tất cả mọi thụ tạo, bởi vì Ngài là Đấng vô biên. Một vật này trổi vượt hơn vật khác khi sự lớn lao của nó có thể đo lường theo một tỉ lệ nào đó. Thí dụ số 6 thì lớn hơn số 2 gấp 3 lần. Nhưng Thiên Chúa cao cả vượt xa các thụ tạo muôn ngàn trùng. Vì thế, Ngài được gọi là vô biên, bởi vì không thể dùng một thụ tạo nào để đo lường. Do đó, Thánh Vịnh (144,3) có câu: “Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu”. Ngôn sứ Baruch (3,25) cũng nói: Thiên Chúa mênh mông, không có biên cương; Người cao cả vô biên.
  3. Thiên Chúa vượt trên mọi sự biến đổi vì Ngài là bất biến. Thiên Chúa bất biến vì nơi Ngài chẳng có sự thay đổi nào cả, như thánh Giacôbê nói: “Nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1, 17).
  4. Quyền năng Thiên Chúa vượt trên mọi sự vì Ngài là Đấng toàn năng, làm được mọi sự. Do đó, Đức Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Thiên Chúa toàn năng” (St 17,1).
  5. Ngài vượt quá lý trí và tầm hiểu biết của con người, vì chúng ta không thể hiểu nổi. Chúng ta hiểu biết một điều khi chúng ta đi sâu vào nó và biết tường tận những gì có thể biết được. Nhưng không thụ tạo nào có thể hiểu biết Thiên Chúa đến mức đó; vì thế không thụ tạo nào có thể hiểu biết Thiên Chúa cách tường tận. Do đó, ông Gióp nói (11,7): “Liệu anh có dò nổi mầu nhiệm cao sâu của Thiên Chúa, liệu anh có nhận thức Đấng Toàn Năng tuyệt hảo dường nào?” Và ngôn sứ Giêrêmia (32,18-19) đã phải thốt lên: “Thiên Chúa vĩ đại và uy hùng, danh Ngài là Đức Chúa các đạo binh. Ý định Ngài cao cả, quyền năng Ngài mạnh mẽ để thực hiện những kỳ công. Ngài là Đấng để mắt theo dõi mọi đường lối của con cái loài người, để ban cho ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm”.
  6. Sau cùng, Thiên Chúa vượt quá mọi lời lẽ ngôn từ, và không có cách nào diễn tả được sự cao cả Ngài, và không ai có thể ca ngợi xứng với danh dự của Ngài. Do đó, sách Huấn ca (43,33) khuyên nhủ: “Anh em hãy hết sức ca tụng và tôn vinh Đức Chúa, nhưng Người vẫn còn hơn thế nhiều. Để tôn vinh Người, anh em hãy dốc toàn lực. Đừng sờn lòng nản chí, dù anh em chẳng đi tới cùng”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here