Chúa Nhật 12 – Năm B – Thường Niên

0
266

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IG 38,1.8-11

1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, ĐỨC CHÚA lên tiếng trả lời ông Gióp như sau:

8 Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,

9 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân?

10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;

11 rồi Ta phán: “Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa,
đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”

2/ Bài đọc II2 Cr 5,14-17

14 Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.

3/ Phúc Âm: Mc 4,35-41

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền trên sóng gió.

Con người đã tiến bộ rất nhanh vế các nghành hàng không (máy bay, phi thuyền, vệ tinh nhân tạo), hàng hải (tàu ngầm, chiến hạm, thương thuyền, du thuyền), đường bộ (xe hơi, điện tử …); nhưng khi phải đương đầu với núi lửa, động đất, bão táp, hay sóng gió: con người phải bó tay đầu hàng. Dù con người biết sáng chế ra những dụng cụ để biết trước khi nào các thiên tai xảy ra và cường độ mạnh thế nào; nhưng con người vẫn không tìm ra cách ngăn cản để những thiên tai đừng xảy ra.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng uy quyền của Thiên Chúa trên gió bão và biển cả. Trong Bài Đọc I, ông Gióp trăn trở với câu hỏi tại sao người lành như ông phải chịu đau khổ, nên đã muốn có được câu trả lời từ Thiên Chúa. Để trả lời ông, Thiên Chúa muốn ông suy nghĩ về uy quyền Thiên Chúa trên gió bão và biển cả. Đây mới chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng uy quyền về sự quan phòng của Thiên Chúa mà trí óc con người không sao hiêu được. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta một điều vĩ đại con người không thể hiểu được là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Kitô. Tình yêu này có sức biến đổi con người thành những tạo vật mới để có thể đáp ứng những đòi hỏi của Thiên Chúa mà sức riêng con người không thể đáp ứng. Trong Phúc Âm, Các môn đệ kinh ngạc đến độ sững sờ, vì họ không thể nào ngờ chỉ một lời truyền của Chúa Giêsu mà trận cuồng phong dữ dội của biển cả phải im lặng như tờ. Chúa Giêsu nhắc nhở cho họ biết: họ cần có một đức tin vững mạnh trong những cơn phong ba bão táp như vậy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Con người không nên thử thách sự quan phòng của Thiên Chúa.

1.1/ Ông Gióp không hiểu tại sao người lành phải đau khổ: Sách Gióp được viết vào khoảng thế kỷ 2-3 BC. Trong khoảng thời gian này, con người vẫn chưa có ý niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau như chúng ta hiện giờ. Vì thế, tất cả những gì con người mong ước tập trung vào hạnh phúc đời này: giàu có, sống lâu, khỏe mạnh, con đàn cháu đống … Ông Gióp là một người công chính, biết kính sợ Thiên Chúa và luôn ăn ngay ở lành; thế mà Satan, được phép của Thiên Chúa, lấy đi hết những gì ông sở hữu: giàu có, sức khỏe, các con cháu. Mục đích của Satan là để chứng minh cho Thiên Chúa biết ông Gióp kính sợ Thiên Chúa là vì Ngài che chở và chúc phúc cho ông; trong khi Thiên Chúa nghĩ ngược lại, ông Gióp kính mến Ngài thật tình, và đây là cơ hội để thử đức tin của ông. Phần ông Gióp, ông hoàn toàn không biết ý định của Thiên Chúa và Satan. Giống như người đương thời, ông không thể hiểu nổi tại sao người lành phải đau khổ và tại sao cần thử luyện đức tin. Các bạn ông cố gắng thuyết phục ông lý do ông phải đau khổ là tại tội lỗi của ông hay tội của tổ tiên, cha mẹ, và những người trong gia đình. Ông Gióp từ chối lý luận này vì ông xét thấy mình không có tội chi cả, và ông ước ao nhận được câu trả lời xác đáng từ Thiên Chúa.

1.2/ Thiên Chúa trả lời ông Gióp: Một ví dụ Thiên Chúa đưa ra để giúp ông Gióp phải suy nghĩ là uy quyền của Ngài trên biển cả và bão táp, mà con người hằng sợ hãi và đầu hàng. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài định liệu những điều sau đây cho biển cả:

(1) Định lượng nước vừa đủ cho biển cả sông ngòi: Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu?” Nếu lượng nước dâng cao quá, nó sẽ gây thiệt hại kinh khủng cho con người. Lụt Hồng Thủy là một ví dụ điển hình. Tác giả Thánh Vịnh 33:7 suy gẫm về điều này đã phải thốt lên: “Nước trời cao Chúa định cho có chốn. Người đem biển cả trữ vào kho.”

(2) Định bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau: ”Khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân?” Trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, nắng mưa phải điều hòa. Khi trời nắng quá, đất đai sẽ khô cằn không thể trồng cấy và mang lại của ăn cho con người, hậu quả là dân chúng sẽ bị đói khát. Khi trời mưa nhiều quá hay lạnh quá, sẽ gây ngập lụt và phá hủy mùa màng, hậu quả là dân chúng cũng sẽ bị đói khát và chết chóc.

(3) Vạch ranh giới cho biển cả: ”Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: “Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!”” Khi dạo chơi ngoài bãi biển, chúng ta phải ngạc nhiên vì ranh giới của biển. Mặc dù thủy triều lên xuống khác nhau, nhưng những đợt sóng ngoài khơi vào cũng chỉ trong giời hạn của nó. Khi những đợt sóng dâng quá giới hạn, chúng sẽ gây thiệt hại ghê gớm cho con người.

2/ Bài đọc II: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới.

2.1/ Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô: Trong lãnh vực tình yêu, sự quan phòng của Thiên Chúa còn cao vời bao la hơn nữa. Đức Kitô nói về tình yêu Thiên Chúa như sau: ”Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người” (Jn 3:16). Con người không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa thương con người đến nỗi ban Người Con Một để chết thay cho con người. Tại sao một Thiên Chúa uy quyền không dùng sức mạnh vinh quang, lại chọn con đường qua Thập Giá để cứu độ con người?

Khi con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, họ muốn làm mọi cách để đáp trả tình yêu này, ngay cả chấp nhận cái chết, như Phaolô kinh nghiệm: ”Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết.” Phaolô ý thức rõ ràng, con người phải chết cho tội để sống cho Thiên Chúa. Khi dìm mình trong Nước Rửa Tội, con người muốn lột bỏ con người cũ cùng với mọi xấu xa tội lỗi; để khi trồi lên khỏi mặt nước, con người mặc lấy con người mới là Đức Kitô, với đầy đủ nhân đức và tình yêu. Vì thế, con người có sức mạnh để sống như Ngài: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.” Nếu con người chung phần trong sự đau khổ với Đức Kitô, con người cũng được chung phần với sự sống và vinh quang của Ngài.

2.2/ Tình yêu của Đức Kitô có sức mạnh biến đổi con người thành tạo vật mới: Kinh nghiệm của thánh Phaolô về sự thay đổi đột ngột khi con người sở hữu Đức Kitô, đã thúc đẩy Ngài viết lên những lời sau: ”Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa.”

– Thánh Phaolô đã từng biết Đức Kitô theo quan điểm của loài người: một người xúi giục dân chúng vi phạm Lề Luật và đi ngược lại với truyền thống của tổ tiên. Đó là lý do tại sao ông nhiệt thành bắt bớ các tín hữu để trừng phạt và bỏ tù.

– Khi nhận được mặc khải bởi Đức Kitô trên đường đi Damascus, ông trở thành một tạo vật mới và làm những hành động hoàn toàn ngược lại. Từ giờ đó, ông trở thành một người hăng say rao giảng Đức Kitô cho mọi người, mặc dù phải chịu đựng bắt bớ và gian khổ trăm chiều.

Phaolô xác tín: ”Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” Khi con người thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô, họ trở thành người rao truyền tình yêu Thiên Chúa, và đối xử với tha nhân như những con cái của Thiên Chúa, và như những người anh/chị/em của Đức Kitô.

3/ Phúc Âm: Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?

3.1/ Khi con người phải đương đầu với cuồng phong bão táp của biển cả: Phản ứng đầu tiên là con người sợ hãi vì nó đe dọa mạng sống con người. Trong quá khứ, nhiều dân chài đã thờ các thần sông, thần biển, để hộ phù họ khỏi sóng gió bão táp khi ra khơi đánh cá.

(1) Phản ứng của các môn đệ: Khi một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Trái với phản ứng sợ hãi của các tông-đồ, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các tông-đồ không thể nào ngờ sóng gió to lớn như thế mà Chúa Giêsu có thể an giấc ngủ được, nên các ông đánh thức Ngài dậy. Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển chỉ với hai câu ngắn ngủi: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.

 Các tông đồ còn đang ngạc nhiên thì Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các ông phải có lòng tin để dẹp bỏ các nghi ngờ; khi một người có lòng tin tưởng, họ sẽ không còn sợ hãi. Các ông đang có Thiên Chúa uy quyền ở với mình, còn lo chi nữa? Nhưng các ông vẫn chưa hoàn toàn tin vào Ngài, nên các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

3.2/ Khi con người phải đương đầu với sợ hãi, sóng gió, và lo âu của biển đời: Rất nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như chiếc thuyền lênh đênh trên biển cả, và sóng gió bão táp như những nghịch cảnh mà con người phải đương đầu với như: chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói khát, chia ly, bắt bớ, hiểu lầm. Làm sao con người có sức mạnh để đương đầu với những phong ba bão táp của biển đời?

Trước tiên chúng ta cần có một thái độ tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì Ngài đã từng căn dặn các môn đệ: “Can đảm lên, đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian.” Không có một quyền lực nào của ma quỉ hay của thế gian có thể chiến thắng nổi quyền lực của Thiên Chúa. Thứ đến, chúng ta phải trông cậy hoàn toàn vào sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Ngài biết tất cả những gì chúng ta đang quan tâm, lo lắng; và như người Cha, Ngài sẽ lo liệu và ban những ơn cần thiết cho chúng ta, cho gia đình, và cho những người chúng ta cầu nguyện cho. Chỉ có một điều chúng ta cần làm là kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương tha nhân như yêu chính mình. Phần còn lại, Chúa sẽ lo liệu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa có uy quyền trên mọi quyền lực của ma quỉ và thế gian; vì thế, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự quan phòng thương yêu của Ngài.

– Đức Kitô là sự khác biệt trong cuộc đời. Nếu chúng ta mặc lấy Đức Kitô, Ngài sẽ biến đổi chúng ta thành tạo vật hoàn toàn mới, có khả năng làm những điều quá giới hạn con người.

– Khi phải đương đầu với phong ba bão táp của biển cả cũng như biển đời, chúng ta cần có một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa và một niềm cậy trông không lay chuyển nơi tình yêu của  Ngài.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-12-thng-nien/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here