Hướng dẫn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ về việc đào tạo thường xuyên linh mục

0
425

Thời sự Thần học, Số 103 (tháng 2/2024), tr. 65-122

Tháng 6 năm 2023, HĐGM Hoa Kỳ đã ra Hướng dẫn về việc đào tạo thường xuyên linh mục. Tài liệu dài 313 số được chia thành 6 chương và 4 phụ lục. HD đã nêu lên các nền tảng về Thánh Kinh và Thần học của việc đào tạo thường xuyên linh mục, ý nghĩa của tiến trình đào tạo này và các phương thế để thi hành.

Ở chương đầu tiên, HD cho thấy thế nào là một đời sống linh mục đúng nghĩa, qua việc mô tả diện mạo của chức linh mục thánh thiện và lành mạnh, cùng với những thách đố của việc sống đời linh mục hôm nay. Trong chương hai, HD giới thiệu tổng quát ý nghĩa và các phương thế của việc đào tạo thường xuyên, cũng như việc đào tạo thường xuyên trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời linh mục.

Bốn chiều kích đào tạo được HD trình bày bao gồm: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Đó cũng là chủ đề của 4 chương tiếp theo. Trong mỗi chương, HD chỉ ra các điểm nhấn của mỗi chiều kích, cũng như các phương thế để thực hiện việc đào tạo đó.

Trong bài tóm tắt và giới thiệu này, chúng tôi muốn tập trung vào những cách thức để thực hiện việc đào tạo thường xuyên mà HD nêu lên. Vì thế, chúng tôi sẽ lượt bỏ những phần lý thuyết cũng như các trích dẫn. Độc giả có thể tham khảo toàn văn bằng nguyên bản tiếng Anh để tìm thấy những gì không được đề cập tới trong bài này.

Người giới thiệu: Tu sĩ Gioan Nguyễn Long Quân

Nguồn: https://www.usccb.org/resources/guide-ongoing-formation

Nội dung

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

A. Đào tạo là tiến trình diễn ra trong suốt cuộc đời (64-69)

B. Các phương thế giúp cho việc đào tạo thường xuyên (70-86)

C. Đào tạo thường xuyên trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời (87-103)

1. Đầu đời linh mục (89-92)

2. Những chuyển đổi (93-97)

3. Trung đời linh mục (98-99)

4. Giáo sĩ có thâm niên và “về hưu” (100-103)

II. CÁC CHIỀU KÍCH CỦA VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

A. Chiều kích nhân bản (104-144)

1. Các dấu hiệu của chiều kích nhân bản (107-132)

a) Trưởng thành về mặt nhân bản (107-110)

b) Thống nhất đời sống (111-113)

c) Khả năng làm cha (114)

d) Đời sống khiết tịnh lành mạnh (115-120)

e) Khả năng sống tình bạn (121-127)

f) Tiết độ (128-132)

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo nhân bản (133-144)

a) Phương thế cá nhân (133-137)

b) Phương thế huynh đệ (138-142)

c) Phương thế giám mục (143-144)

B. Chiều kích thiêng liêng (145-179)

1. Các dấu hiệu của chiều kích thiêng liêng (150-160)

a) Nhận thức về tình yêu Thiên Chúa (151-151)

b) Kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô (152)

c) Theo đuổi sự thánh thiện (153-156)

d) Trung thành với Giáo hội (157-160)

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo thiêng liêng (161-179)

a) Phương thế cá nhân (161-172)

b) Phương thế huynh đệ (173-175)

c) Phương thế giám mục (176-179)

C. Chiều kích tri thức (180-205)

1. Các dấu hiệu của chiều kích tri thức (190-195)

a) Khả năng về huấn giáo và thần học (190-191)

b) Dấn thân vào thế giới (192-193)

c) Khao khát lớn lên về mặt tri thức (194-195)

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo tri thức (196-205)

a) Phương thế cá nhân (196-200)

b) Phương thế huynh đệ (201-202)

c) Phương thế giám mục (203-205)

D. Chiều kích mục vụ (206-238)

1. Các dấu hiệu của chiều kích mục vụ (210-223)

a) Tự do để thi hành thừa tác vụ (210-213)

b) Phận vị làm con thiêng liêng (214)

c) Dành ưu tiên cho ơn cứu độ các linh hồn (215-219)

d) Trái tim rộng mở cho tất cả (220-223)

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo mục vụ (224-238)

a) Phương thế cá nhân (224-229)

b) Phương thế huynh đệ (230-232)

c) Phương thế giám mục (233-238)

i) Thừa tác vụ linh mục (234-236)

ii) Hoạt động tông đồ giáo xứ (237)

iii) Quản trị (238)

Viết tắt

PO: Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis)

GL: Bộ Giáo luật 1983

PDV: Tông huấn về đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay (Pastores dabo vobis)

DMLP: Chỉ nam hướng dẫn cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục (Directory for the Ministry and the Life of Priests)

HD: Hướng dẫn về việc đào tạo thường xuyên linh mục của HĐGM Hoa Kỳ.

——————-

 

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

A. Đào tạo là một tiến trình diễn ra suốt đời

HD khẳng định, việc đào tạo là một tiến trình diễn ra suốt đời. Thật vậy, nhiều linh mục đã bắt đầu tiến trình đào tạo linh mục từ thời thơ ấu, trong một gia đình nguyên vẹn, đạo hạnh và đầy tình thương. Tất nhiên, cũng có những người không được trải qua một gia đình lý tưởng như vậy, thậm chí họ phải chịu đựng những ảnh hưởng kéo dài trong suốt cuộc đời họ vì những vết thương gia đình. Thế nhưng, nhìn chung, gia đình là nơi tạo động lực đầu tiên cho sự trưởng thành ban đầu của mỗi linh mục, và ơn gọi của họ cũng đã được nuôi dưỡng và lớn lên từ đó.

Khi bước vào tuổi thiếu niên, người ta bắt đầu khám ra ra tính cách, tài năng, điểm mạnh và điểm yếu của mình. Rồi theo dòng thời gian, họ sẽ đứng giữa các lựa chọn: tiếp tục việc học hay khởi nghiệp; họ cũng dần xây dựng nhiều tình bạn mới cho mình. Động lực để tiến lên phía trước là một phần của sự tăng trưởng mạnh mẽ nơi mỗi chúng ta. Động lực này cũng đúng đối với đời linh mục.

Khi bước vào chủng viện, chúng ta được đào tạo về các chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Cuối cùng, các tiến chức được thụ phong. Thế nhưng, sự thụ phong không phải là mục đích cuối cùng của tiến trình đào tạo thường xuyên linh mục, bởi lẽ việc đào tạo này vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt cuộc đời linh mục.

Tại sao phải đào tạo cả đời? Bởi vì đợi sống nội tâm không bao giờ đứng yên: hoặc tiến lên phía trước hoặc thụt lùi. Đời linh mục cũng là một thực tại năng động như thế. Do đó, việc đào tạo thường xuyên sẽ giúp các linh mục không ngừng tăng trưởng trong đời sống và sứ vụ. Nó đảm bảo rằng những thay đổi trong cuộc đời linh mục, vốn là điều không thể tránh khỏi, được định hướng tốt và góp phần vào sự phát triển liên tục của họ với tư cách vừa là con người, vừa là linh mục.

Việc đào tạo thường xuyên tiếp tục công việc đã khởi sự trong những năm sống trong chủng viện của các linh mục. Việc này không chỉ là chuyện đào tạo thêm, tức là để giúp linh mục đương đầu với những thay đổi trong cuộc sống mình theo thời gian, mà còn bù đắp những thiếu sót và hạn chế của việc đào tạo trong chủng viện.

B. Các phương thế giúp cho việc đào tạo thường xuyên

1. Phương thế cá nhân

Phương thế đào tạo cá nhân là các thực hành và thái độ cá nhân thúc đẩy việc đào tạo thường xuyên, bởi vì linh mục là người chịu trách nhiệm chính và chủ yếu về sự đào tạo thường xuyên của mình. Các phương thế cá nhân, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, có thể để đưa linh mục trở lại với tình yêu ban đầu đã gợi hứng cho ơn gọi của ngài.

Điểm xuất phát của phương thế này là sự đầu tư của chính linh mục vào công việc này. Nếu không có nỗ lực riêng của mỗi người thì ngay cả các nguồn lực tốt nhất trên thế giới cũng không thể mang lại cho linh mục nhiều hiệu quả tốt đẹp. Các ngài có trách nhiệm đặt việc đào tạo lên hàng đầu bằng cách dành thời gian, sự tập trung và năng lượng cho nó.

2. Phương thế huynh đệ

Đời sống của mỗi linh mục gắn liền mật thiết với đời sống của các anh em linh mục khác. Tình bạn được hình thành trong chủng viện và sau khi thụ phong, vốn phản ánh mối liên kết tự nhiên của tình bằng hữu, sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của mỗi người. Thật vậy, các linh mục dễ dàng hỗ trợ nhau trong đời sống và sứ vụ vì họ được hợp nhất bởi đức tin chung, quan điểm sống, quyết tâm thực hành nhân đức, và sứ mạng trong thế giới.

Dù không phải mọi linh mục trong hàng linh mục đều có tình bạn sâu sắc với nhau, nhưng họ phải luôn ý thức rằng, họ được mời gọi kết thân với anh em mình qua việc thể hiện tinh thần huynh đệ tử tế, chào đón và cởi mở. Điều này đúng với các linh mục ở mọi lứa tuổi và mọi viễn tượng. Tất cả các linh mục đều chia sẻ tình huynh đệ đặc biệt trong Chúa Kitô và phải liên hệ với nhau theo căn tính gia đình này. Tuy nhiên, tình huynh đệ linh mục chắc chắn có những hạn chế. Vì thế, các ngài được mời gọi nỗ lực hình thành và duy trì các mối quan hệ này.

Có nhiều mô hình được đề nghị để xây dựng tình huynh đệ linh mục: 1/ các nhóm nhỏ, chẳng hạn theo mô hình Jesus Caritas; 2/ các nhóm thảo luận thần học hay sách vở; 3/ các hiệp hội linh mục. Ngoài ra, HD cũng đề ra những mô hình mới cho đời sống chung của các linh mục. Chẳng hạn, ở những khu vực có các giáo xứ được phục vụ bởi các linh mục đơn thân (tức là mỗi giáo xứ chỉ có một linh mục), thì các ngài có thể sống cùng nhau trong một nhà xứ và vui hưởng những lợi ích của một đời sống chung mà không làm giảm đi sự phục vụ đối với các giáo xứ của ngài.[1] Cũng có trường hợp giám mục giáo phận cho phép một số linh mục sống chung theo một quy luật chính thức nào đó, trong khi vẫn cùng nhau phục vụ nhiều công việc tông đồ khác nhau do giáo phận giao phó. Hơn nữa, các linh mục trong cùng khu vực có thể sắp xếp một ngày nghỉ mỗi tuần để quy tụ với nhau, cùng cầu nguyện và giải trí.

3. Phương thế giám mục

Một trong những nhiệm vụ chính của giám mục giáo phận là chăm sóc các linh mục của mình, chẳng hạn về thu nhập đủ sống và chăm sóc y tế phù hợp. Sự chăm sóc ở đây không dừng lại ở những thứ bề ngoài như nhớ đến các linh mục trong những dịp kỷ niệm của họ, viếng thăm khi họ đau ốm, cử hành tang lễ và ca ngợi họ khi họ qua đời; nhưng cần vượt qua hơn qua việc muốn cho họ những gì giám mục muốn cho chính mình, đó là được tăng trưởng trong mọi chiều kích đào tạo, và luôn cố gắng đê trở thành một Kitô hữu đích thực hơn, một người tốt hơn và một linh mục thánh thiện hơn.

Các phương thế giám mục trong việc đào tạo được tìm thấy nơi chính vị giám mục giáo phận, khi ngài trực tiếp khuyến khích các linh mục đón nhận việc đào tạo thường xuyên và làm gương cho họ. Ngài tổ chức các cuộc gặp gỡ, tĩnh tâm và đào tạo dành cho các linh mục bất cứ khi nào có thể, đồng thời cùng tham gia với họ. Các phương thế giám mục cũng bao gồm những nỗ lực của giáo phận như triệu tập linh mục, các cuộc tĩnh tâm, các ngày hồi tâm, các ngày học hỏi, cũng như các chương trình cố vấn và nhiều cách khác nữa.

Ngoài ba nguồn chính của sự đào tạo thường xuyên được đề cập trên đây, các tổ chức cấp khu vực và quốc gia cũng như vô số nỗ lực ở cấp cơ sở cũng giúp ích rất nhiều cho sự đào tạo thường xuyên dành cho các linh mục. Chúng ta cũng có thể nói đến những hữu ích mà Internet mang lại, bao gồm các nền tảng về kỹ thuật số và học tập online.

C. Đào tạo thường xuyên trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời

1. Đầu đời linh mục

Trong những năm đầu tiên sau khi thụ phong, các bài học ở chủng viện cần được tiếp thu một cách mới mẻ và áp dụng vào kinh nghiệm thực tế của đời sống cũng như thừa tác vụ linh mục. Ngài sẽ cần những khoảng thời gian nghỉ ngơi, cầu nguyện và tĩnh tâm cách đều đặn để có thể thích ứng cuộc sống mới dưới ánh sáng siêu nhiên. Sự đào tạo về mặt tri thức và mục vụ cho một linh mục trẻ phải bao gồm việc xem xét các khoản giáo luật và bản văn phụng vụ liên quan đến việc ban phát các bí tích và đời sống giáo xứ, cũng như các năng quyền, quy tắc và chỉ dẫn do giám mục giáo phận ban hành.

Một người cố vấn hay một vị linh hứng khôn ngoan là vô cùng quan trọng đối với các linh mục trẻ. Các vị này sẽ giúp các linh mục trẻ biết điều hướng các mối tương quan cá nhân và trong giáo xứ, nhất là những sự tương quan với người khác giới.

Phẩn thật cẩn thận trong việc chọn lựa vị mục tử mà một linh mục vừa thụ phong sẽ được gửi tới, vì trước hết vị mục tử này phải đáp ứng yêu cầu hướng dẫn các linh mục trẻ đi trên con đường đúng đắn.[2] Vị này là mẫu gương linh mục và bạn hữu, quan tâm đến người linh mục em của mình, có khả năng đưa ra những đề nghị và sửa lỗi cách dịu hiền. Mặt khác, nhiều linh mục trẻ cũng mong muốn có được mối tương quan khăng khít hơn với giám mục giáo phận của mình. Vì thế, việc giám mục giáo phận có thể tiếp xúc với các linh mục mới thụ phong để chia sẻ những niềm vui và khó khăn với họ, cũng như quan tâm đến phúc lợi của họ, sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc đời của họ.

Như vậy, giám mục giáo phận và những vị chịu trách nhiệm đào tạo thường xuyên cần đặc biệt chú ý đến sự tăng trưởng của các linh mục mới được thụ phong. Về phần mình, các linh mục trẻ cần nghiêm túc hoàn thành bổn phận trong việc tìm kiếm các phương thế giúp cho sự đào tạo thường xuyên bản thân họ được diễn ra tốt đẹp.

2. Những chuyển đổi

Sau khi vượt qua những thách đố trong những năm đầu tiên trong tư cách là linh mục, các linh mục bắt đầu gặp phải những sự thuyên chuyển như rời khỏi giáo xứ đầu tiên của mình. Cam kết sống độc thân là điều được đặc biệt quan tâm đối với một linh mục trẻ phải rời xa giáo dân và những gia đình mà mình đã yêu thương phục vụ. Trong nhiệm vụ mới, ngài có thể thấy cô đơn và choáng ngợp. Các phương thế cá nhân và huynh đệ sẽ rất cần thiết cho ngài trong những thời điểm đó.

Một sự chuyển đổi khác đó là về các mối tương quan. Trong những năm đầu và giữa của chức linh mục, mối tương quan với các anh em linh mục thường có nhiều thay đổi. Thông thường, các linh mục cần giảm bớt một số mối quan hệ bạn bè trong chủng viện để tập trung thời gian và sức lực vào một số tương quan dễ quản lý hơn. Các tình bạn mới cũng bắt đầu bén rễ. Đây chính là những chuyển tiếp quan trọng cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ phù hợp.

Ngày nay, nhiều linh mục đảm nhận các trách nhiệm mục tử chỉ vài năm sau khi thụ phong. Trong khi cố gắng trở thành những mục tử tốt lành cho những người mà họ phục vụ, họ cần phải học thêm những kỹ năng mới về lãnh đạo, quản trị nhà thờ, và trách nhiệm tài chính, cũng như thiết lập những mối liên hệ quan trọng với giáo phận. Vì thế, họ cần có những vị mục tử–cố vấn dày dạn kinh nghiệm để hướng dẫn họ.

Các chức vụ khác mà các linh mục có thể đảm nhận bao gồm: tuyên úy bệnh viện hoặc trường học, giám đốc ơn gọi, làm việc trong các phân khoa của chủng viện, hoặc các vị trí trong tòa giám mục. Những vị này trải qua những thách đố thông thường của một sự thay đổi trong cuộc sống, đồng thời họ cũng cần được đào tạo đặc biệt cho các trách vụ mới của họ.

Cuối cùng, những sự chuyển đổi cũng bao gồm những thay đổi thông thường, nhưng vẫn còn khó thích nghi, xảy ra trong đời sống của mỗi con người. Chẳng hạn, khi các linh mục chứng kiến cái chết của cha mẹ, họ rất dễ mắc phải những khó khăn tâm lý. Vì thế họ cần thêm sự hỗ trợ và hướng dẫn từ bạn bè và những người cố vấn.

3. Trung đời linh mục

Khi bước vào tuổi trung niên, các linh mục cũng dễ rơi vào “khủng hoảng tuổi trung niên” (midlife crisis) khiến họ phải xem xét lại hướng đi cuộc đời và những cam kết mà họ đã thực hiện. Chẳng hạn, những người đã lập gia đình có thể bị cám dỗ đặt câu hỏi về sự lựa chọn người bạn đời, về gia đình hay sự nghiệp của họ. Các linh mục cũng có những cám dỗ như thế. Những lúc ấy, các ngài được mời gọi đáp trả bằng lòng dũng cảm, cái nhìn siêu nhiên và bền chí cách vui tươi. Mặt khác, sự hỗ trợ từ người khác, như lời khuyên của các linh mục lớn tuổi, sẽ giúp các linh mục ở độ tuổi này thoát khỏi cuộc khủng hoảng cách bình an.

Ở tuổi trung niên, các linh mục cũng cần chú ý hơn đến sức khỏe thế chất của mình. Cần nỗ lực để giữ vóc dáng cân đối và khỏe mình thông qua các chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập thể dục, giữ các thói quen lành mạnh, ngủ đủ giấc và chăm sóc y tế phù hợp. Sự đào tạo thường xuyên giúp các linh mục dự đoán, quản lý và ứng phó thích hợp với những thay đổi tự nhiên này.

4. Giáo sĩ có thâm niên và “về hưu”

Một giai đoạn đời sống đôi khi bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về việc đào tạo thường xuyên là giai đoạn của các giáo sĩ có thâm niên. Việc bước sang nhóm tuổi lớn hơn cũng là một sự thay đổi cuộc sống quan trọng như bất kỳ sự thay đổi nào khác.

Một số vị tiếp tục sống trong nhà xứ hoặc theo các hình thức khác của đời sống chung của linh mục; những vị khác chọn sống một mình. Nhiều linh mục cuối cùng cần phải chuyển đến viện dưỡng lão (ALF). Tuy nhiên, các linh mục không “nghỉ hưu”, ngay cả khi được yêu cầu từ chức vì tuổi tác.[3] Bởi vì địa vị mới của các ngài chỉ là một sự thay đổi trong thừa tác vụ mục tử. Các ngài có nhiều thời gian hơn để dâng thánh lễ và cầu nguyện hàng ngày, có cơ hội để đào sâu hơn ý nghĩa của sự chiêm niệm trong đời linh mục, tái khám phá và thưởng thức các kho tàng đạo lý, nhất là có thời gian để linh hướng và giải tội cách chuyên môn hơn. Kinh nghiệm và sự khôn ngoan của các ngài là kho báu đối với các linh mục trẻ. Các giáo phận được mời gọi kín múc nguồn tài sản thiêng liêng này.

Ngoài ra, các linh mục có thâm niên vẫn rất hữu ích qua việc dâng Thánh lễ, giúp các linh mục tĩnh tâm, dành thời gian trò chuyện với các linh mục, hay tham gia vào chính việc đào tạo thường xuyên của họ. Bằng nhiều cách, các giáo sĩ có thâm niên có thể là nguồn sinh lực to lớn cho toàn thể linh mục đoàn, nếu các ngài sẵn sàng đảm nhận vai trò mới.

II. CÁC CHIỀU KÍCH CỦA VIỆC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN

HD này đề cập đến từng chiều kích của việc đào tạo (từ chương ba đến chương sáu), bắt đầu bằng một số dấu hiệu khách quan trong đời sống của một linh mục. Sau khi tóm tắt những dấu hiệu này, mỗi chương sẽ xem xét các phương pháp cụ thể để việc đào tạo thường xuyên có thể hữu ích cho các linh mục. Có ba phương thế đào tạo cho mỗi chiều kích: cá nhân, huynh đệ và giám mục. Khi sử dụng các phương thế này, các linh mục luôn ý thức rằng đó là những cơ hội để họ được Thánh Linh đồng hành, Đấng là nhà đào tạo chính yếu của họ.

Bốn chiều kích của việc đào tạo thường xuyên linh mục gồm: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Mỗi chiều kích đều quan trọng và nhìn chung chúng có mối quan hệ hỗ tương. Nếu bốn người chèo thuyền đang chèo trên một chiếc thuyền, thì mỗi người phải chèo với lực bằng nhau, nếu không chiếc thuyền sẽ tiến rất chậm. Cũng vậy, nếu chỉ tập trung tiếp tục phát triển phần thiêng liêng mà bỏ qua sự tăng trưởng về mặt mục vụ thì linh mục có nguy cơ trở thành những ẩn sĩ thiêng liêng hay những người cha vắng mặt. Nếu tập trung vào công việc mục vụ mà bỏ qua việc theo đuổi tri thức thì việc giảng dạy của linh mục có thể trở nên nông cạn và cũ kỹ. Nếu tập trung vào nghiên cứu học thuật mà bỏ qua nhu cầu trưởng thành hơn về mặt nhân bản thì linh mục có thể trở nên lập dị và khó chịu. Mỗi linh mục đều muốn điều chỉnh kế hoạch đào tạo thường xuyên của mình để đáp ứng các nhu cầu của chính mình, giải quyết những điểm yếu và xây dựng những điểm mạnh, mà không bao giờ đánh mất con người trọn vẹn của mình.

A. CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN

Bốn chiều kích của việc đào tạo linh mục – nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ – tuy khác biệt nhưng nối kết chặt chẽ với nhau. Chúng có thể được so sánh với các yếu tố của Thập giá Chúa. Chiều kích tâm linh, được thể hiện bằng thanh dọc của Thập giá, kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa. Chiều kích tri thức, được thể hiện bằng thanh ngang, đưa chúng ta vào tâm trí của Chúa Kitô. Chiều kích mục vụ, được thể hiện bằng Thân Mình Chúa, đào luyện chúng ta để phục vụ Đức Giêsu nơi người thân cận của mình. Và chiều kích nhân bản, theo hình ảnh này, là mảnh đất nơi Thập giá được dựng lên. Mảnh đất đó là chủ đề của chương này.

Chúng ta biết rằng, ân sủng kiện toàn và bao hàm tự nhiên, và ân sủng của chức linh mục cũng không ngoại lệ.[4] Đất trồng ân sủng càng tốt thì hoa trái càng dồi dào. Tuy nhiên, nhân tính của chúng ta không chỉ là bối cảnh trong đó chức linh mục của chúng ta tăng trưởng. Nó cũng phản ánh nhân tính được chia sẻ bởi Đức Giêsu, vị Tư Tế Thượng Phẩm của chúng ta. Phát triển bản tính con người của chúng ta đến mức tối đa, là chúng ta đang rập mình một cách chặt chẽ hơn theo nhân tính hoàn hảo của Chúa.

1. Các dấu hiệu của chiều kích nhân bản

a) Trưởng thành về mặt nhân bản

Trưởng thành, nghĩa là sự trọn vẹn hay phát triển toàn diện, là mục tiêu bao trùm của mọi hoạt động đào tạo con người. Trưởng thành về mặt nhân bản ám chỉ một cuộc sống đang tiến tới một mức độ viên mãn nhất định, được đặc trưng bởi những thói quen dẫn đến sự tăng trưởng cách thịnh vượng và liên tục của con người. Một lương tâm được đào luyện tốt sẽ hướng một người trưởng thành đến điều thiện hảo đích thực của mình; một ý chí được kiện cường bởi ân sủng và những thói quen tốt có khả năng theo đuổi điều thiện hảo đó. Những trở ngại về mặt tâm lý và cảm xúc vốn cản trợ việc luyện tập nhân đức đều được nhận ra và giải quyết. Người trưởng thành là người kiên định và có khả năng vượt qua giông bão cuộc đời, khiêm tốn tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.

Một khía cạnh quan trọng của sự trưởng thành là trưởng thành về mặt tình cảm, hay cảm xúc.  Một người trưởng thành về mặt tình cảm sẽ có được sự hài hòa giữa lý trí và những đam mê (passions). Cảm xúc không bị bỏ qua hoặc kìm nén. Chúng cũng không được trao quyền tự do. Đúng hơn, chúng được nhìn nhận và xem xét. Chúng được tích hợp vào một căn tính lớn hơn vốn có thể đánh giá sự phù hợp của những cảm xúc cụ thể vào những thời điểm cụ thể và phản hồi tương ứng. Nói cách khác, các đam mê nằm dưới thẩm quyền của lý trí. Lý trí kiểm soát sức mạnh của chúng và hướng chúng đến điều thiện hảo thực sự của chúng.

Chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự trưởng thành nơi một linh mục. Công việc mục vụ đòi hỏi sự ổn định của tâm trí và con tim, điều giúp nhận biết một cá nhân có trưởng thành hay chưa. Hơn nữa, linh mục cần có đủ khả năng phục hồi để giải quyết những khó khăn của chính mình trong khi cũng chia sẻ những khó khăn của người khác ở một mức độ nào đó.

Ngoài ra, sự trưởng thành về mặt cảm xúc là một thành tố không thể thiếu trong việc sống độc thân linh mục. Sự trưởng thành như vậy tượng trưng cho một mệnh lệnh của bản thân để giúp cho việc tự nguyện sống đời độc thân linh mục trở nên khả dĩ: “có thể từ bỏ bất cứ điều gì đe dọa đến việc sống độc thân, cảnh giác cả về thể xác lẫn tinh thần, và có khả năng quý trọng và tôn trọng trong các mối quan hệ giữa nam và nữ.”[5] Sự trưởng thành về mặt cảm xúc nơi một linh mục có nghĩa là khả năng yêu thương của ngài được quy hướng về điều thiện hảo đích thực trong đời sống và tác vụ của ngài. Nghĩa là ngài có thể cống hiến bản thân cách trọn vẹn và vui tươi cho đoàn dân mà ngài phục vụ.

b) Thống nhất đời sống

Linh mục cần sống một cuộc đời thống nhất để không có sự phân mãnh hay chia rẽ. Sự thống nhất ấy làm cho ngài vẫn là chính mình dù có phải đương đầu với rất nhiều công việc mục vụ, không giả tạo trước đoàn dân, không trở nên hai mặt hay che dấu danh tính. Để làm được điều đó, ngài cần tích hợp các chiều kích khác nhau của việc đào tạo vào cuộc đời mình.

Điều quan trọng là linh mục phải luôn gắn bó với Đức Giêsu, Đấng mời gọi ngài tham gia vào công việc của đức ái mục vụ của Người. Nói cách khác, linh mục cần tiếp cận mọi hoạt động và bận tâm của mình trong tinh thần đức ái mục vụ của Chúa Kitô. Vì gắn kết mật thiết với Chúa như thế, trọng tâm đời sống ngài phải là việc cầu nguyện hàng ngày để gặp gỡ Chúa. Ngài cũng cần có được sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi, nhưng đừng để mình rơi vào tính hời hợt của chủ nghĩa thế tục.

Linh mục là người của công chúng, cho nên ngài cần hết sức minh bạch trong đời sống, biết chấp nhận mình là ai và luôn sống phù hợp với căn tính của mình. Sự thống nhất trong đời sống phát xuất từ lòng biết ơn vì ngài đã được chính Đức Giêsu kêu gọi.

c) Khả năng làm cha

Vai trò làm cha thiêng liêng của linh mục không chỉ là một ẩn dụ cho thừa tác vụ của ngài, nhưng còn là việc ngài chia sẻ Địa vị làm Cha của Thiên Chúa. Ngài thật sự là một người cha, qua việc cử hành các bí tích cho đoàn dân, hướng dẫn họ trên con đường chân lý và cứu độ, nhất là trong việc giảng thuyết, dạy dỗ và cả sự hy sinh cá nhân của ngài. HD nêu lên một số điểm để các linh mục có thể lượng giá vai trò làm cha thiêng liêng của mình đối với đoàn dân được giao phó cho ngài.

  1. Người cha tốt là người biết hy sinh, rộng lượng. Linh mục có cống hiến bản thân cho người khác không, hay chủ yếu sống cho chính mình?
  2. Kỷ luật và trách nhiệm là những điều cần thiết đối với một người cha. Liệu linh mục có đáng tin cậy, có giữ được kế hoạch và có mặt đúng giờ, có cống hiến bản thân cho nhiệm vụ trước mắt không?
  3. Người cha đặc biệt cần có lòng khiêm nhường khi thực thi quyền làm cha. Như tất cả những người cha là Kitô hữu, linh mục muốn sử dụng quyền hạn của mình cách nhẫn nại để có thể thực sự thúc đẩy sự tăng trưởng của những người được giao phó cho ngài. Người cha cần vui với người vui, khóc với người khóc. Sự đồng cảm với đoàn dân ngài phục vụ thường mở ra cho ngài những cuộc gặp gỡ rất sâu sắc.
  4. Sự chân thành là một đức tính quan trọng đối với một người cha. Linh mục có phải là người giữ lời, cởi mở, chân thành và minh bạch với vị linh hướng của ngài, với bạn bè và với Thiên Chúa không?
  5. Người cha tốt là người kiên nhẫn và tốt bụng. Linh mục có hiền lành với các linh hồn được giao phó cho ngài không? Liệu ngài có thể vừa mềm mỏng, vừa mạnh mẽ như những người cha tốt nhất? Là một người cha thiêng liêng, ngài có phải là người động viên, biết nâng đỡ và khuyên nhủ một cách đồng cảm để hướng đoàn dân tới một lối sống cao cả hơn không?
  6. Một người cha cần có lòng dũng cảm để bảo vệ gia đình mình. Linh mục phải là một mục tử tốt, chứ không phải một tên lính đánh thuê bỏ chạy khi mới thấy dấu hiệu đầu tiên của sói rừng. Liệu linh mục có thể đảm nhận trách nhiệm này? Liệu ngài có trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng không? Liệu ngài có thể dạy sự thật ngay cả khi đoàn dân của ngài thấy khó nghe không? Liệu ngài có sẵn sàng chấp nhận bị từ chối hay bị gạt sang một bên vì làm điều đó không?
  7. Cuối cùng, người cha tốt là người tận tụy. Linh mục có thể kiên trì trong ơn gọi của mình không? Ngài có thể vượt thắng những thời điểm khó khăn không? Ngài có tận tụy để trở thành một linh mục tốt hơn không?

d) Đời sống khiết tịnh lành mạnh

Khả năng sống tốt đức khiết tịnh là điểm quan trọng trong sự đào tạo về mặt nhân bản đối với linh mục. Về cơ bản, khiết tịnh mang ý nghĩa tích cực vì giúp linh mục biết tự chủ để yêu thương một cách trưởng thành. Mặc dù sống độc thân nhưng linh mục vẫn là một hữu thể có tính dục, và sự khiết tịnh đảm bảo rằng tình yêu của ngài được hướng dẫn một cách tốt đẹp.

Thân xác con người không phải là điều xấu xa, vì nhờ nó mà chúng ta có thể tương tác, giao tiếp và yêu thương. Nếu Thiên Chúa không muốn chúng ta yêu mến Người và tha nhân trong tư cách là những hữu thể có tính dục, thì Người đã biến chúng ta thành các thiên thần. Tính dục là tốt, nhưng vì Tội Nguyên Tổ, các đam mê của chúng ta nhất là những thôi thúc tính dục đã không còn chịu tuân phục lý trí. Trong bối cảnh này, đức khiết tịnh tôi luyện và điều khiển các xung năng tính dục sao cho lành mạnh. Khiết tịnh không phải là nhân đức quan trọng nhất, nhưng nó là điều kiện không thể thiếu để nên thành. Chúng ta không thể tiến bộ trong đời sống tâm linh nếu không có nó.

Khiết tịnh là sự rèn luyện trong tự do: vừa tự do để hiệp thông đích thực với người khác, vừa tự do để thoát khỏi xích xiềng tội lỗi. Đức khiết tịnh giống như lồng ngực bảo vệ trái tim. Nó cũng là cách để tôn vinh Thiên Chúa và bày tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu Người.

Đức khiết tịnh đặc biệt quan trọng đối với những ai được kêu gọi sống đời độc thân tông đồ. Một cuộc sống như vậy không chỉ có ý nghĩa là từ bỏ quan hệ tình dục, nhưng còn có một mục đích siêu nhiên: độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19,12). Đó là một cách yêu thương vốn mở rộng trái tim cho tất cả mọi người và là một cách thức riêng biệt để sống tình phụ tử thiêng liêng. Đời sống độc thân có một khả năng đặc biệt là nuôi dưỡng một trái tim không chia sẻ để phụng sự Chúa và vì ích lợi của dân Người (x. 1 Cr 7,32-33).

e) Khả năng sống tình bạn

Khả năng tạo dựng và duy trì các mối quan hệ bạn hữu là dấu hiệu quan trọng của một đời sống nhân bản lành mạnh. Chính Đức Giêsu cũng cho thấy tầm quan trọng của tình bạn qua tình yêu mà Người dành cho các người bạn của Người: anh Ladarô, cô Martha và cô Maria, cũng như các Tông đồ của Người. Ngài nhấn mạnh vào đêm trước khi chịu chết: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Tình bạn tự nó là điều tốt, là một hình thức hiệp thông giữa con người với nhau và là mẫu mực về tình yêu thương người thân cận mà Đức Giêsu đã xác định là đặc tính then chốt của đời sống Kitô hữu. Tình bạn còn là trường đức ái, là nguồn an ủi trong những lúc khó khăn, là sự khích lệ lòng dũng cảm qua việc bạn bè cùng nhau vượt qua thử thách. Các linh mục mong muốn có tình bạn vững chắc để giúp họ sống tốt ơn gọi của mình và tín thác vào Chúa trong mọi cuộc gặp gỡ.

Có nhiều mối quan hệ bạn hữu. Đầu tiên là những mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em, họ hàng và những người bạn thời thơ ấu. Ở tuổi trưởng thành, các linh mục có thêm bạn bè, nam lẫn nữ, và sẽ tiếp tục phát triển và trưởng thành sau khi ngài thụ phong. Linh mục có thể tận dụng những mhững mối quan hệ bạn hữu tốt đẹp này để tìm kiếm sự sẻ chia trong mức độ phù hợp.

Ngoài ra, tình bạn với đoàn dân mà ngài phục vụ, trong giới hạn thích hợp, cũng có thể là nguồn an vui lành mạnh và giúp linh mục có thể tăng trưởng. Một linh mục lành mạnh sẽ có tình bạn đầy tôn trọng đối với giáo dân của mình, và cho phép họ đào tạo mình thành một người và một thừa tác viên tốt hơn.

Trên hết, tình bạn với các anh em linh mục giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống các linh mục. Công đồng Vatican II dạy rằng mỗi linh mục được hiệp nhất trong mối dây đặc biệt của đức ái, thừa tác vụ và tình huynh đệ mang tính tông đồ với các vị khác trong chức linh mục này. Mối liên kết này đã được thể hiện từ xa xưa trong phụng vụ, khi các linh mục hiện diện trong lễ truyền chức để cùng đặt tay với vị giám mục chủ phong trên các tiến chức, và với tấm lòng hiệp nhất, đồng tế trong Thánh lễ. Do đó, mỗi linh mục đều hiệp nhất với các linh mục khác trong mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác cách hoàn toàn. Bằng cách này, họ biểu lộ sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn.

Vì thế, các linh mục hãy cố gắng trở nên bạn hữu của nhau, tìm kiếm điểm chung bất chấp những khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm hay quan điểm cá nhân. Ngoài mối dây tình bạn rộng lớn hơn giữa các linh mục, còn có những mối quan hệ thân thiết hơn mà các linh mục có thể chia sẻ niềm vui lẫn khó khăn của mình. Tình bạn tốt nhất thường là kết quả của sự lựa chọn có ý thức của hai cá nhân để cùng xây dựng nó. Sẽ có những người dễ dàng thiết lập các mối quan hệ này hơn người khác, nhưng tất cả đều có thể được học hỏi. Những điểm sau đây có thể giúp các linh mục thiết lập tương quan với nhau: tìm kiếm lợi ích chung, cởi mở trong những cuộc trò chuyện có chiều sâu, và trên hết là dành thời gian để thiết lập và duy trì tình bạn. Aristote nói rằng, cần 15 pounds muối để có được một người bạn tốt[6], tức là bạn bè phải cùng nhau ăn uống để tiêu hết lượng muối đó.

Tình bạn sâu sắc và chân thành là nơi chúng ta có thể thực sự là chính chình, nơi chúng ta được chấp nhận như chúng ta là. Những tình bạn như thế sẽ là nguồn sức mạnh lớn nhất của linh mục, ngoài mối tương quan giữa ngài với Thiên Chúa. Vì thế, cần thúc đẩy những điều kiện để tình bạn chân chính có thể phát triển thịnh vượng.

f) Tiết độ

Điểm cuối cùng của việc đào tạo nhân bản là biết từ chối những ham muốn thái quá của bản tính con người. Đức tiết độ giúp chúng ta kiểm soát được dục vọng (concupiscence) và đạt được sự tự do lớn hơn trong cuộc sống. Không chỉ giúp phát triển con người cách bền vững, đức tiết độ còn là một cách khổ chế thể xác và là chứng tá quan trọng giữa một nền văn hóa buông thả ngày nay. Đó cũng là dấu hiệu của sự đáng tin cậy trong việc rao giảng Tin Mừng.

Trước hết, các linh mục cần tiết chế trong việc sử dụng đồ ăn thức uống, thuốc lá, rồi đến những thứ khác mà các ngài có thể sử dụng và thèm muốn cách quá mức. Tiết độ trong việc ăn uống, nhất là nơi những quốc gia giàu có về lương thực thực phẩm, giúp các linh mục gần gũi với người nghèo hơn. Còn việc hạn chế rượu bia và thuốc lá hữu ích cho cả cá nhân lẫn hoạt động tông đồ. Đối với cá nhân, nó giúp linh mục sống thọ hơn, năng động hơn và hạnh phúc hơn. Đối với hoạt động tông đồ, nó giúp linh mục không rơi vào nghiện ngập vốn là trở ngại cho thừa tác vụ của ngài, như đã xảy ra quá nhiều trường hợp trong lịch sử.

Một lĩnh vực khác cần có sự tiết độ đó là việc sử dụng hợp lý các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và các thiết bị cá nhân. Sự tiết độ có nghĩa là các linh mục đừng trở nên nô lệ chúng. Những cách thức để linh mục có thể tiết chế trong lĩnh vực này: hạn chế việc sử dụng hàng ngày một số nguồn nội dung nhất định, cài đặt phần mềm giải trình hoạt động, không mang theo thiết bị kỹ thuật số tại nhà xứ, không biến không gian sống của mình thành một khu vực tự do sử dụng kỹ thuật số, kiểm soát những trang mạng và nguồn tin tức mà mình có liên quan, nhất là phải tránh những trang mạng và nguồn tin tức vô trách nhiệm, kích động và gian trá.

Cách thế sau cùng để thực hành sự tiết độ liên quan tới lòng ham muốn của cải vật chất. Linh mục cần sống giản dị vì đó là chứng tá hữu hình của các giá trị Tin mừng. Linh mục không phủ nhận sự tốt lành của Đấng Tạo hóa và sự tốt lành của của cải vật chất, nhưng việc sống đơn giản giúp ngài rao giảng hữu hiệu hơn qua chính đời sống mình, chứ không phải chỉ là những lời nói suông. Lối sống này được thể hiện cụ thể qua việc lựa chọn phương thế di chuyển, điện thoại, máy tính, thói quen ăn uống, các kỳ nghỉ và những sở thích.[7]

Các linh mục cũng được mời gọi đóng thuế thập phân thu nhập của mình, quảng đại đóng góp cho giáo xứ và các tổ chức bác ái xã hội. Khi thực hiện các giao dịch lớn, linh mục cần thận trọng, tham khảo ý kiến người khác khi cần thiết và lựa chọn những thứ có thể sử dụng lâu dài. Cũng cần phải lên kế hoạch cẩn thận cho những chi phí phát sinh về sau, như hóa đơn y tế, để giáo phận không phải mang gánh nặng tài chính quá mức. Trên hết, lối sống giản dị của linh mục không chỉ là cái nghèo ở bề ngoài, nhưng quan trọng hơn, nó phải dẫn tới cái nghèo bên trong. Những thứ xung quanh và tài sản của một linh mục có thể rất giản dị, nhưng nếu nội tâm ngài không tách rời khỏi tài sản thì ngài vẫn chưa sống nhân đức tiết độ.

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo nhân bản

a) Phương thế cá nhân

Các linh mục cần xây dựng các đức tính của một người làm cha như trách nhiệm, kiên nhẫn, khiêm nhường, nhờ ân sủng Thiên Chúa và nỗ lực cá nhân của mỗi người. Không có đường tắt để làm tăng trưởng các nhân đức. Việc xây dựng tình bạn hữu cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và sự chủ động cá nhân. Cũng thế, để có được thói quen sống tiết độ, linh mục cần biết hãm mình ép xác mỗi ngày trong việc sử dụng đồ ăn, thức uống, Internet và tài sản.

Vì tầm quan trọng của đức khiết tịnh, linh mục phải theo đuổi nhân đức này với quyết tâm đặc biệt. Quá tin tưởng vào bản thân, thiếu cầu nguyện, thiếu đánh giá về tính dễ bị tổn thương của mình, cô đơn, thích sự thoải mái, ngã lòng trước những cám dỗ và những giới hạn không thích hợp trong tình bạn,… có thể gây ra những trở ngại.[8] Việc linh hướng có thể giúp linh mục xác định và vượt qua những trở ngại này.

Các phương thế giúp xây dựng đức khiết định bao gồm cả về tự nhiên lẫn siêu nhiên. 1/ Các phương thế tự nhiên gồm: canh giữ các giác quan, trí tưởng tượng và trí nhớ; phát triển tình bạn tốt lành; xây dựng một nếp sống ngăn nắp và cân bằng; thường xuyên tiếp xúc với vẻ đẹp của thiên nhiên và nghệ thuật. 2/ Các phương thế siêu nhiên gồm: thường xuyên cầu nguyện và xưng tội, khổ chế hàng ngày, chân thành với các anh em linh mục thân thiết và với vị linh hướng, có lòng sùng kính con thảo đối với Đức Maria và thánh Giuse. Tiến bộ trong đức khiết tịnh là nỗ lực suốt đời. Đừng quên, có vô số linh mục đã sống ơn gọi của mình một cách trọn vẹn và bình an, qua đó chứng tỏ rằng, đức khiết tịnh có thể mang lại một cuộc đời vui tươi và lành mạnh.

Việc tự nhận thức và chân thành của linh mục với vị linh hướng, hoặc với một người bạn đáng tin cậy, sẽ giúp xác định những điều mà linh mục cần xây dựng và phát triển trong đời sống mình, nhất là những điểm liên quan tới sự trưởng thành nhân bản. Những nỗi sợ hãi, điểm mù và thói quen xấu có thể cản trở ý chí của linh mục, và đó là những điều cần được xem xét để cầu nguyện và gặp vị linh hướng. Những khoảng trống trong sự trưởng thành, đặc biệt là trưởng thành về mặt tình cảm, cần được giải quyết một cách dứt khoát và có phương pháp, để linh mục có thể tiếp cận thừa tác vụ mục tử với những cảm xúc được quản lý tốt.

HD cũng nhấn mạnh đến vai trò của các nhà trị liệu tâm lý tuân theo giáo huấn về con người của Giáo hội Công giáo, hoặc chí ít là hiểu được quan điểm về con người của Giáo hội Công giáo. Các vị này sẽ hỗ trợ các linh mục vượt qua những vết thương tâm lý. Vì thế, các linh mục đừng ngần ngại tận dụng những nguồn trợ lực này khi cần thiết.

b) Phương thế huynh đệ

Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Mỗi người chúng ta đều biết tình huynh đệ linh mục quan trọng như thế nào trong đời sống chúng ta. Tình huynh đệ đó không chỉ là tài sản quý giá mà còn là nguồn lực to lớn để canh tân chức linh mục và khơi lên những ơn gọi mới.”[9] Tình huynh đệ này trước hết được tìm thấy trong tình bạn đích thực. Bằng cách dành thời gian cho nhau, tìm hiểu nhau và chia sẻ với nhau những hồng ân cũng như những nỗ lực của thừa tác vụ linh mục, các linh mục có thể trở thành nguồn sức mạnh to lớn cho nhau và là phương thế tuyệt vời cho sự phát triển con người.

Tình bạn đích thực giữa các linh mục mang lại món quà vô giá về sự sửa lỗi huynh đệ, một nguồn cội quan trọng cho sự tự nhận thức và tinh thần trách nhiệm. Sự cần thiết phải sửa chữa như vậy đã trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh các vụ bê bối lạm dụng tính dục của các giáo sĩ trong những thập kỷ qua. Mỗi linh mục cần khiêm tốn đón nhận sự sửa lỗi huynh đệ và chính mỗi người cũng có trách nhiệm sửa lỗi huynh đệ cho người khác. Trong những trường hợp liên quan đến mối đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe và sự an toàn, nếu linh mục được sửa lỗi không thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề của mình, thì vị linh mục sửa lỗi có nghĩa vụ phải báo cho thẩm quyền cao hơn. Hành động này không phải là sự phản bội tình bạn, nhưng để thể hiện tình yêu thương huynh đệ đích thực.

Đời sống nơi nhà xứ cũng là một phương thế huynh đệ quan trọng để phát triển việc đào tạo nhân bản. Mọi thành viên trong nhà xứ, nhất là cha xứ, có trách nhiệm đảm bảo đây là ngôi nhà Kitô giáo đích thực, nơi mà mỗi thành viên đều cảm thấy thoải mái, và là nơi họ tận hưởng những khoảng thời gian được chia sẻ với nhau, cầu nguyện chung và dùng bữa chung. Một nhà xứ như vậy thường trở thành trung tâm của tình huynh đệ linh mục, đồng thời là phương thế hữu hiệu để phát triển nhiều nhân đức nhân bản như kiên nhẫn, hiếu khách, quảng đại, khiêm nhường, chân thành, kỷ luật cá nhân và tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra, tách biệt rõ ràng giữa văn phòng và không gian cá nhân cũng có thể giúp cho đời sống nơi nhà xứ được lành mạnh.

c) Phương thế giám mục

Với tư cách là những người cha thiêng liêng, giám mục giáo phận có thể thúc đẩy sự tăng trưởng về mặt nhân bản cho các linh mục bằng nhiều cách: làm gương, khởi xướng và khuyến khích tình huynh đệ linh mục thông qua chứng tá cá nhân về tình bạn của ngài, và bằng cách khuyến khích các nhóm huynh đệ vốn có thể hỗ trợ rất nhiều điều cho các linh mục. Giám mục giáo phận, khi bổ nhiệm các linh mục về sống chung trong nhà xứ, cần lưu ý không chỉ đến năng lực làm việc mà còn cả khả năng chung sống của họ nữa.

Ngoài ra, giám mục giáo phận có thể tổ chức các buổi học hỏi và hội nghị để đề cập đến các yếu tố đào tạo nhân bản như: trưởng thành về mặt tình cảm, tiết chế trong việc sử dụng Internet, hồng ân sống độc thân, cổ võ tình bạn cách tốt hơn, việc sử dụng phần mềm giải trình hoạt động, thông tin về hỗ trợ y tế và lối sống lành mạnh, cũng như các dịch vụ tham vấn hữu ích từ các nhà tâm lý học Công giáo. Mặt khác, giám mục giáo phận có thể thúc đẩy việc đào tạo nhân bản cho các linh mục bằng cách tạo ra các nguồn lực như thế cho họ, đặc biệt là các dịch vụ tham vấn tâm lý.

B. CHIỀU KÍCH THIÊNG LIÊNG

Đức Giêsu muốn nơi các linh mục không chỉ là sự phục vụ mà còn tình bạn hữu của họ nữa, khi Người gọi họ là “bạn hữu” (Ga 15,15-16). Tức là Người muốn trái tim của các linh mục.

Người xưa thường nói, một người bạn đích thực là một “cái tôi khác” (another self). Ở đây, các linh mục được mời gọi trở thành “cái tôi khác” của Đức Giêsu, tức là một Kitô khác (alter Christus), đối với đoàn dân mà họ phục vụ.

Tình bạn hữu của linh mục đối với Đức Giêsu có nền tảng là Bí tích Rửa tội. Thánh Augustinô nói: “Cho anh chị em, tôi là giám mục; nhưng cùng với anh chị em, xét cho cùng, tôi là một Kitô hữu. ‘Giám mục’ là tên gọi của một chức vụ được đảm nhận, còn ‘Kitô hữu’ là tên gọi của ân sủng.”[10] Việc đào tạo thiêng liêng có sứ mạng lôi kéo các linh mục ngày càng bước vào mối tương quan cá nhân với Chúa cách sâu sắc hơn. Đó vừa là quyền lợi của mọi Kitô hữu, vừa là mong muốn đặc biệt của Đức Giêsu nơi mọi linh mục.

Cần lưu ý rằng, Đức Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu và sau đó sai họ “hãy đi và sinh hoa trái, hoa trái tồn tại” (Ga 15,16). Như vậy, tình bạn hữu của các linh mục với Chúa Kitô sẽ tìm thấy sự viên mãn nơi sự sinh sản thiêng liêng. Bởi vì các linh mục thực hiện vai trò làm cha của mình theo trật tự ân sủng, vì thế việc đào tạo về mặt thiêng liêng có một tầm quan trọng đặc biệt. Các linh mục nuôi dưỡng mối tương quan với Chúa không chỉ để bản thân được tăng trưởng trong sự thánh thiện, mà còn vì lợi ích của thừa tác vụ linh mục. Hoa trái của hoạt động tông đồ sẽ tỉ lệ thuận với chiều sâu đời sống nội tâm của họ.

1. Các dấu hiệu của chiều kích thiêng liêng

a) Nhận thức về tình yêu Thiên Chúa

Trong đời sống đức tin, sẽ đến lúc chúng ta không còn là trẻ thơ nữa, và chúng ta bắt đầu nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Do đó, dấu hiệu quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mặt thiêng liêng của linh mục là sự nhận thức về tình yêu Thiên Chúa. Sự trưởng thành của linh mục về mặt đời sống nội tâm xoay quanh niềm xác tín vững chắc rằng, họ là đối tượng được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt, cá vị và yêu thương. Nhờ việc đón nhận mối tương quan này với Chúa Cha, linh mục nhận ra căn tính của mình là “con trong Người Con”. Căn tính này khơi lên sứ mạng của ngài trong cuộc sống, đời sống làm môn đệ của ngài, sứ vụ tông đồ của ngài đối với người khác, và cuối cùng là sứ mạng linh mục trong vai trò là người cha thiêng liêng.

b) Kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô

Điều quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng nội tâm của linh mục là sự kết hiệp với Chúa Kitô trong hy tế của Người trên Thập giá. Khi thực hiện những nỗ lực và hy sinh của chính mình như là cơ hội để thông phần, dù chỉ một chút, vào cuộc thương khó của Chúa, các linh mục đang kín múc ân huệ từ nguồn cội thẳm sâu nơi ơn gọi linh mục của mình. Do đó, kết hiệp với cuộc thương khó của Chúa Kitô là nền tảng của một lối sống khổ hạnh Kitô giáo đích thực, là dấu ấn quan trọng về chiều sâu thiêng liêng nơi người môn đệ và linh mục Kitô giáo.

c) Theo đuổi sự thánh thiện

Một dấu hiệu quan trọng của việc đào tạo thiêng liêng là quyết tâm lớn lên trong sự thánh thiện, đón nhận “tính mới mẻ của đời sống” được hứa trong Tin mừng. Nơi linh mục, sự tăng trưởng thực sự trong sự thánh thiện luôn tạo ra đức ái mục vụ lớn lao hơn. Linh mục không thể trao tặng món quà nào lớn lao hơn cho đoàn dân ngài ngoài quyết tâm lớn lên trong sự thánh thiện. Sự thánh thiện là hoa trái của ân sủng cũng như của những nỗ lực cá nhân cách tự do và quảng đại.

Đời sống thánh thiện được tạo nên từ nhiều yếu tố. Chẳng hạn, nó giả định đức tin theo trật tự đúng đắn và lòng trung thực về mặt lý trí. Nó cũng bao gồm sự toàn vẹn về mặt luân lý và lòng trung thành với luật Thiên Chúa. Nó được nâng đỡ bởi các bí tích, đời sống cầu nguyện và sự hiện diện của Thiên Chúa, kể cả lòng yêu mến sự thinh lặng và cô tịch. Nó dựa vào và nuôi dưỡng một nhãn quan siêu nhiên, nhìn cuộc sống, thế giới và các mối quan hệ của một người qua lăng kính đức tin, nghĩa là từ góc độ vĩnh cửu.

Sự thánh thiện của một linh mục ảnh hưởng rất lớn đến việc ngài mời gọi các linh hồn đến với Chúa Kitô. Sự thánh thiện của ngài cũng sẽ nổi bật nhờ nỗ lực đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời sống ngài, thay vì những sở thích và cái tôi cá nhân. Các mục tử của Chúa Kitô cũng không bao giờ được phép tự ái (self-love), vì nếu làm như thế, họ sẽ chăn dắt đàn chiên không phải của Chúa Kitô mà là của chính họ.

d) Trung thành với Giáo hội

Sự vâng phục trong đời linh mục đòi hỏi nhiều điều hơn là chỉ tuân theo ý muốn bề trên. Lòng vâng phục được xây dựng dựa trên sự tin tưởng rằng, kế hoạch của Thiên Chúa thì luôn tốt hơn kế hoạch của linh mục. Đặc biệt đối với linh mục, lòng vâng phục phát sinh từ hy tế Thánh Thể, trong đó ngài kết hiệp hiến tế của bản thân với hiến tế hoàn hảo của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha. Linh mục tự nguyện dâng lên Thiên Chúa các kế hoạch và ưu tiên của mình vì Tin mừng, đồng thời hướng ý muốn của mình đến việc trung thành vâng phục thẩm quyền hợp pháp trong Giáo hội, để có thể trở thành khí cụ hữu hiệu hơn cho thiện ích của các linh hồn.

Linh mục của Chúa Kitô, cũng là hiền thê của Giáo hội, được mời gọi một cách độc nhất vô nhị yêu mến và tôn trọng Giáo hội theo cách thức phu thê. Một linh mục làm suy yếu thẩm quyền Giáo hội bởi sự bất tuân hoặc bất trung sẽ phạm phải sự bất công nghiêm trọng đối với đoàn dân được giao phó cho ngài và đầu độc chính nguồn mạch của chức linh mục ngài. Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Lòng trung thành với Chúa Kitô không bao giờ có thể tách rời khỏi lòng trung thành với Giáo hội của Người.”[11] Vì vậy, lòng trung thành với Giáo hội là dấu hiệu thứ ba của việc đào tạo thiêng liêng.

Linh mục trưởng thành là người biết chú ý đến thái độ của mình đối với Giáo hội – không phải như Giáo hội ở trong vinh quang, không phải như ngài mong muốn bây giờ, cũng không phải như ngài tưởng tượng trước đây, nhưng như Giáo hội đang ở đây, lúc này. Ngài cần yêu mến Giáo hội như người mẹ và thầy dạy, đồng thời biết đón nhận các giáo huấn của Giáo hội với lòng biết ơn và khiêm nhường. Ngài sẽ truyền đạt một cách trung thực đức tin Công giáo cho đoàn dân cách toàn diện, chính xác và xác tín. Ngài cần chu toàn các quy tắc phụng vụ và các quy tắc khác mà không cần phải đặt dấu ấn riêng của mình lên chúng.[12] Ngài cần có lòng thảo hiếu và kính trọng Đức Giáo hoàng cũng như vị giám mục giáo phận của ngài và Tập đoàn Giám mục. Ngài cần yêu thương tất cả các chi thể của Giáo hội, cả những người ở trần gian lẫn những người ở trong vinh quang hay trong luyện ngục. Ngài cần nuôi dưỡng trong mình lòng yêu mến rất mực Đức Maria và các thánh, các thiên thần và các linh hồn đã khuất đang được chuẩn bị cho cuộc sống mới trong vinh quang.

Trong thời đại hỗn loạn và rạn nứt ngày nay, linh mục phải cố gắng trở thành tác nhân của sự hiệp nhất trong Giáo hội với mong muốn chân thành thúc đẩy những mối dây bác ái và sự hiểu biết giữa những người Công giáo. Một linh mục trưởng thành về mặt thiêng liêng sẽ cố gắng vượt lên trên sự ồn ào của các hệ tư tưởng cạnh tranh và các trang mạng gây căng thẳng, để luôn tập trung vào những gì quan trọng. Ngài không né tránh việc vạch trần tội lỗi, lỗi lầm hoặc sự thối nát, nhưng ngài cũng không thấy thích thú một cách bệnh hoạn khi làm như vậy. Ngài cần thực sự mong muốn điều tốt lành cho mọi người, bất kể quá khứ của họ, và là người đón nhận cách nồng ấm và yêu thương tất cả những ai đang kiếm tìm Chúa Kitô. Ngài cố gắng noi gương vị Mục tử Nhân lành, Đấng không ngại đi tìm kiếm con chiên lạc dù nó có đi xa đến đâu.

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo thiêng liêng

a) Phương thế cá nhân

Các phương thế giúp cho việc đào tạo thiêng liêng là những hành vi và thói quen giúp linh mục lớn lên trong sự thánh thiện, ngõ hầu các linh hồn được giao phó cho ngài có thể được lôi kéo đến với Chúa Kitô. Ngài được khuyên tránh xa những dịp tội để khỏi rơi vào tình trạng vô luân, nhưng biết tìm kiếm những cơ hội ân sủng để có thể yêu mến Chúa nhiều hơn. Phương thế cá nhân của sự đào tạo thiêng liêng là những cơ hội ân sủng vốn lôi kéo linh mục vào trong mối tương quan sâu sắc hơn với Chúa.

Phương thế quan trọng nhất là cử hành Thánh lễ hàng ngày.[13] Khi cử hành Thánh lễ mỗi ngày, chính linh mục được nuôi dưỡng bởi nguồn ân sủng, đồng thời ngài cũng dâng lên Thiên Chúa mọi hoa trái phát xuất từ việc làm của ngài trong chức linh mục. Thánh lễ là nguồn mạch và tột đỉnh của chức linh mục. Thánh Gioan Vianney khẳng định mạnh mẽ: “Lý do khiến các linh mục tắc trách trong đời sống cá nhân là vì họ không dâng Hiến tế một cách chu đáo và sùng kính”.[14] Nếu một linh mục muốn lớn lên trong đời sống nội tâm, ngài không thể tìm thấy cách nào tốt hơn để bắt đầu hơn là dâng Thánh lễ với tình yêu lớn lao hơn.

Liên kết mật thiết với Thánh lễ và phát xuất từ Thánh lễ là hai phương thế cá nhân quan trọng khác giúp tăng trưởng về mặt tâm linh. Trước hết là Các Giờ Kinh Phụng Vụ, mà qua đó linh mục dâng lời cầu nguyện của Giáo hội và tham gia vào việc không ngừng ca ngợi Thiên Chúa qua muôn thế hệ.[15] Dành nhiều thời gian và sự chú ý hơn để đọc Kinh Phụng Vụ, cả những lúc ngài cảm thấy khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình theo lời nói, là một cách thức khác, sẵn có trong tay, để giúp linh mục có thể lớn lên về chiều sâu thiêng liêng.

Thứ đến, Chầu Thánh Thể cũng là yếu tố không thể thiếu cho sự tăng trưởng thiêng liêng. Khơi dậy tình yêu dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể là con đường giúp cho sự tăng trưởng thiêng liêng được canh tân.

Các việc thực hành đạo đức cá nhân giúp làm phong phú đời sống thiêng liêng linh mục có tầm quan trọng nhất định. Trước hết là thói quen cầu nguyện riêng, đặc biệt là cầu nguyện trong tâm trí hay nguyện ngắm (meditation). Linh mục được nhắc nhở phải cố dành thời gian và bảo vệ thời gian riêng tư với Chúa một cách có chủ ý. Trách nhiệm lớn lao và khối lượng lớn công việc phải hoàn thành không miễn trừ cho ngài khỏi việc cầu nguyện cá nhân hàng ngày với Chúa. Thánh Phanxicô de Sales nhấn mạnh, các linh mục phải nguyện ngắm 30 phút mỗi ngày, “trừ khi chúng ta bận rộn thì chúng ta phải cần một giờ”.[16]

Nhiều người nhận thấy việc thực hành lectio divina cũng mang lại sự trợ giúp to lớn. Đọc Kinh Thánh một cách chậm rãi và tôn kính, lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần, đáp lại trong tình yêu và nghỉ ngơi trong chiêm niệm – lectio divina là một cách thức lâu đời để nghe và thưa chuyện với Thiên Chúa. Một cách tiếp cận bổ sung cho việc cầu nguyện trong tâm trí là tập trung vào từng hành vi trong bốn hành động cầu nguyện: tôn thờ (adoration), ái hối (contrition), tạ ơn (thanksgiving) và nài xin (supplication) (viết tắt: ACTS). Khi sử dụng khuôn mẫu này, linh mục có thể nói với Chúa bằng những lời yêu thương của mình: tôn thờ và ca ngợi Người, bày tỏ lòng ăn năn tội vì yêu mến Người, tạ ơn Chúa Kitô vì những phúc lành trong cuộc đời ngài và nài xin Chúa ban những nhu cầu cần thiết cho sứ vụ linh mục của ngài, của đoàn dân được giao phó cho ngài, và của toàn thế giới.

Ngoài việc cầu nguyện trong tâm trí, các linh mục có thể thực hành việc đọc sách thiêng thiêng. Việc đọc kỹ các tác phẩm thiêng liêng giúp linh mục tiếp xúc với Truyền thống đạo lý và thần bí vĩ đại của Giáo hội, rèn luyện tâm trí và nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của mình. Các linh mục được khuyến khích đọc các tác phẩm kinh điển lâu đời, như các tác phẩm của các vị thánh, nhất là của các vị Tiến sĩ Hội thánh và các Giáo phụ.

Lòng đạo đức bình dân cũng rất hữu ích cho đời sống nội tâm của linh mục. Đặc biệt quan trọng là lòng sùng kính đối với Lòng Thương Xót Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng như lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria bao gồm Kinh Mân Côi và phong trào Tận hiến Hoàn toàn cho Đức Maria do thánh Louis de Montfort khởi xướng.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, vai trò của thánh Giuse đã trở nên nổi bật hơn trong đời sống Giáo hội cũng như trong đời sống của các linh mục. Thánh Giuse – rất gần gũi với Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Thánh của Người, trong tư cách là người bảo vệ Đức Giêsu và Bà Maria – có nhiều điều để dạy cho các linh mục được kêu gọi, giống như ngài, làm cha theo trật tự ân sủng. Ngài là một người bạn vĩ đại, người chuyển cầu và hướng dẫn linh mục trong thừa tác vụ. Do đó, các linh mục được mời gọi có lòng sùng kính và gắn bó với thánh Giuse. Ngoài ra, các linh mục cũng cần có lòng tôn kính các vị thánh, các vị bảo trợ trên thiên đàng và các thiên thần, nhất là vị thiên thần hộ thủ của mỗi người.

Việc thực hành đời sống cầu nguyện riêng và lòng sùng kính các thánh không bị giới hạn vào những lúc được ấn định, nhưng phải diễn ra trong suốt cuộc đời vị linh mục. Có thể nói, thời gian dành cho việc cầu nguyện là nguồn hơi ấm làm tăng nhiệt độ thiêng liêng suốt cả ngày, giúp linh mục sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa một cách thường xuyên hơn. Thói quen này được củng cố bằng việc thực hiện các lời nguyện ngắn trong ngày, rước lễ thiêng liêng, từ bỏ bản thân và làm những việc hy sinh bé nhỏ để thể hiện một cách cụ thể tình yêu của linh mục dành cho Thiên Chúa. Ngoài ra, khuyến khích giáo dân thực hiện các việc đạo đức bình dân, cùng tham gia với họ, cũng là cách làm cho đời sống thiêng liêng của linh mục được thêm phong phú.

Các phương thế cá nhân khác giúp tăng trưởng đời sống thiêng liêng bao gồm: đều đặn học hỏi Kinh Thánh, kiểm thảo lương tâm mỗi ngày, tĩnh tâm hàng năm,[17] xưng tội đều đặn,[18] nhất quán trong việc linh hướng, và những giai đoạn chuyên sâu hơn của sự đào tạo thiêng liêng như những ngày hồi tâm, những buổi hội thảo thiêng liêng và “những ngày sa mạc” cá nhân, tức là những ngày dành riêng để ở một mình và yên tĩnh bên Thiên Chúa.

Tất cả các phương tiện cá nhân giúp tăng trưởng đời sống thiêng liêng sẽ giúp cho trái tim của các linh mục trở nên gần gũi hơn với trái tim của Chúa Giêsu Kitô và đạt đến đỉnh cao là đức ái mục vụ.

b) Phương thế huynh đệ

Mặc dù trách nhiệm chính trong việc đào tạo thiêng liêng đặt trên vai mỗi linh mục, nhưng các nỗ lực cá nhân của họ có thể được nâng cao đáng kể nhờ sự hỗ trợ huynh đệ từ anh em linh mục. Tình bạn, lấy Chúa Kitô làm trung tâm, với các linh mục khác là điều quan trọng nhất. Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazienzenô là những người bạn mà tình cảm yêu mến lẫn nhau và sự “cạnh tranh” thánh thiện giữa họ đã thúc đẩy cả hai đạt tới những đỉnh cao của sự thánh thiện hơn bao giờ hết. Đó là khuôn mẫu cho tình bạn linh mục hôm nay.

Ngay cả đối với tình bạn ở những giai đoạn đầu, các linh mục có thể bắt đầu dành thời gian huynh đệ để cùng nhau cầu nguyện và đảm bảo rằng các chủ đề tâm linh, nếu không phải là nội dung riêng tư trong cuộc trò chuyện của họ, thì ít nhất không bị cấm. Các linh mục có thể giúp nhau tăng trưởng đời sống thiêng liêng bằng cách cùng nhau cầu nguyện lâu hơn. Ví dụ, các nhóm nhỏ linh mục có thể tổ chức một ngày cùng nhau cầu nguyện theo hàng tháng hoặc hàng quý, tại một đan viện, trung tâm tĩnh tâm hoặc một nơi cô tịch nào đó. Bằng cách chia sẻ lời cầu nguyện với nhau, các linh mục có thể khuyến khích nhau bền chí trong ơn gọi và giúp nhau đưa ra các đánh giá về mức độ trách nhiệm. Tương tự, các nhóm huynh đệ, như trong Huynh đoàn linh mục Jesus Caritas, cũng có thể giúp nhau tăng trưởng về mặt tâm linh thông qua việc trò chuyện thiêng liêng, những giờ cầu nguyện, và chia sẻ những ân sủng và những cuộc chiến đấu của nhau.

c) Phương thế giám mục

Các giám mục giáo phận cùng các nguồn lực của giáo phận có thể làm được nhiều điều để thúc đẩy việc đào tạo thiêng liêng cho các linh mục. Một cách quan trọng là tổ chức các cuộc tĩnh tâm và những ngày hồi tâm trong giáo phận. Cần lưu tâm đến việc mời những vị giảng phòng thích hợp nhằm lôi cuốn các linh mục tham dự. Đừng quên, Giáo luật đòi buộc các linh mục mỗi năm phải dành vài ngày để tĩnh tâm.[19] Vì thế, giám mục giáo phận có thể cân nhắc việc yêu cầu mỗi linh mục hàng năm phải xác định thời gian và địa điểm mà ngài dự định tĩnh tâm.

Một cách đều đặn hơn, giám mục giáo phận có thể chỉ định và giới thiệu các cha giải tội và linh hướng phù hợp cho các linh mục. Ngài có thể gửi đi đào tạo chính thức về linh hướng các linh mục địa phương đáng tin cậy, hoặc mời các linh mục từ các giáo phận khác hoặc dòng tu giúp đỡ. Linh hướng từ xa cũng có thể là một lựa chọn tốt. Giúp các linh mục tìm được những vị linh hướng tốt sẽ thúc đẩy việc đào tạo thường xuyên về mặt thiêng liêng của họ. Mặt khác, chứng tá cá nhân của vị giám mục giáo phận trong việc đi linh hướng cũng là một chứng tá vô giá, qua đó ngài khuyến khích các linh mục cũng hãy làm như vậy.

Ngoài ra, những ngày học hỏi và các cuộc hội họp linh mục luôn có thể bao gồm thời gian cầu nguyện, đồng tế Thánh lễ với giám mục, chầu Thánh Thể, hoặc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ chung. Những thực hành này giúp thiết lập một tinh thần cầu nguyện cho hàng linh mục.

Cuối cùng, để thúc đẩy thời gian cầu nguyện cho các linh mục, cá nhân hoặc theo nhóm, một số giáo phận đã xây dựng nhà cầu nguyện hay nhà tĩnh tâm. Một nơi ẩn náu như vậy có thể mang lại cho các linh mục không gian để nghỉ ngơi, cầu nguyện và tách khỏi các thiết bị điện tử, email, phương tiện truyền thông xã hội và những phiền nhiễu khác, để họ có thể tập trung một cách có chủ ý hơn vào mối tương gian của họ với Thiên Chúa – mục tiêu của việc đào tạo về mặt thiêng liêng.

C. CHIỀU KÍCH TRI THỨC

Thừa tác vụ của Đức Giêsu được thể hiện trong việc giảng dạy. Thậm chí có thể nói rằng, mục đích cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa, sau sự cứu chuộc, là để dạy nhân loại cách đón nhận Tin Mừng. Đức Giêsu giảng dạy bằng các bài giảng, dụ ngôn và hành động. Ngài giảng dạy ngay từ đầu cho đến khi được rước lên trời (x. Cv 1,1-2). Đức Giêsu luôn tham gia vào việc đào tạo tri thức cho các môn đệ.

Đào tạo tri thức là điều quan trọng đối với mọi Kitô hữu vì tâm trí giống như người chèo thuyền: chỉ cần một sự thay đổi nhỏ thì cũng có thể thay đổi toàn bộ hướng đi của cuộc đời.

Đào tạo tri thức lành mạnh góp phần bảo vệ tâm trí khỏi sự thống trị của những bốc đồng và trí tưởng tượng vô chừng mực. Thật vậy, nếu không có đạo lý, các Kitô hữu sẽ chỉ là những con người đa cảm.

Có lẽ tầm quan trọng nhất của việc đào tạo về mặt tri thức là giúp nuôi dưỡng tình yêu của linh mục dành cho Thiên Chúa. Không ai có thể yêu những điều mình chưa biết, và người yêu không bao giờ có thể biết đủ về người được yêu. Mối tương quan giữa linh mục với Thiên Chúa cũng không ngoại lệ. Linh mục học biết về Người cách trực tiếp qua Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội. Việc nghiên cứu này là công việc của cả ân sủng lẫn tự nhiên, đạt đến đỉnh điểm là sự hoán cải tâm hồn, một sự đổi mới thực sự của tâm trí.

Các linh mục cũng có thể học biết về Thiên Chúa cách gián tiếp qua bức canh toàn cảnh rộng lớn hơn của việc đào tạo tri thức. Theo một nghĩa nào đó, mọi lĩnh vực kiến thức của con người đều có thể mang lại cho họ những cái nhìn thoáng qua về Thiên Chúa. Còn với những ai biết rằng, không có gì nằm ngoài sự Quan phòng của Thiên Chúa, thì mọi điều họ học được đều trở thành cơ hội để tìm thấy Người theo những cách thức mới.

Lý trí hay trí tuệ (intellect) được tạo ra để nắm bắt thực tại và thâm nhập vào ý nghĩa của thực tại. Vì không có phần nào trong đời sống các linh mục nằm ngoài tầm ảnh hưởng của lý trí, nên việc đào tạo thường xuyên về mặt tri thức là sợi chỉ nối kết bốn chiều kích của việc đào tạo linh mục với nhau. Chẳng hạn, trong chiều kích nhân bản, học hành là một cách để các linh mục mở rộng tầm nhìn, kích thích sự sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê với những ý tưởng mới và khuyến khích các thói quen lành mạnh.

Trong chiều kích thiêng liêng, việc học hành làm tăng thêm sự hiểu biết của linh mục về Thiên Chúa và những sự vật thuộc về Người, nuôi dưỡng thói quen thần học theo nghĩa rộng nhất, nghĩa là nhìn mọi sự theo quan điểm siêu nhiên. Khi rèn luyện tâm trí để có thể tập trung, việc học hành thúc đẩy nội tâm cũng như sự tự chủ vốn cần thiết để sống kế hoạch cuộc sống cách đều đặn, bao gồm cả những thực hành tâm linh vốn là những cơ hội ân sủng. Bằng cách cung cấp chất liệu cho việc cầu nguyện và mở ra một không gian yên ắng và tĩnh lặng, việc học hành có thể góp phần mang lại một đời sống chiêm niệm hơn cho các linh mục.

Trong chiều kích mục vụ, việc học hành làm nảy sinh những ý tưởng mới cho việc giảng dạy và tư vấn của các linh mục. Việc học hành giúp họ học biết sự phong phú về đạo lý và Truyền thống thiêng liêng của đức tin Công giáo, đồng thời đem đến cho họ điều gì đó để họ có thể trao lại cho người khác. Nó cũng đảm bảo các linh mục sẽ luôn trung thành với ý định của Giáo hội. Dưới mức độ cá nhân hơn, việc học hành đều đặn mang lại sự cân bằng lành mạnh trước những thực tế mục vụ của thừa tác vụ linh mục, và giúp linh mục tích hợp những thực tế đó vào một tầm nhìn rộng lớn hơn, ngõ hầu có thể giữ cho thừa tác vụ hàng ngày của ngài luôn được mới mẻ và năng động.

Vì thế, việc đào tạo tri thức không chỉ dành cho các linh mục có hướng học tập cao hơn, mà là một chiều kích quan trọng đối với mọi linh mục, và nó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự trưởng thành cá nhân, đời sống nội tâm và thừa tác vụ tông đồ của họ.

1. Các dấu hiệu của chiều kích tri thức

a) Khả năng về huấn giáo và thần học

Dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất của việc đào tạo tri thức đối với một linh mục là sự hiểu biết sâu sắc về đức tin. Có hai đặc điểm chính nơi một linh mục được đào tạo tốt về mặt tri thức.

1/ Trước tiên là đặc điểm khách quan, tức là nội dung đào tạo về mặt đạo lý. Linh mục phải nắm vững các giáo huấn về đức tin, chủ yếu được rút ra từ việc đọc và suy niệm Kinh Thánh, đồng thời cũng phải được nuôi dưỡng bằng việc học hỏi các Giáo phụ, các Tiến sĩ Hội thánh và các vấn đề về lịch sử trong Truyền thống. Ngoài ra, để có thể đưa ra những câu trả lời thích đáng cho những vấn đề ngày nay, các linh mục phải học hỏi các tài liệu của huấn quyền Giáo hội, đặc biệt là của các Công đồng và các Giáo hoàng. Các linh mục cũng nên tham khảo ý kiến của các tác giả giỏi nhất và được công nhận trong lĩnh vực khoa học thần học. Họ phải am hiểu những giáo huấn được ghi rõ trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Mặt khác, họ phải có nhận thức về nền tảng thần học của những giáo huấn đó cũng như toàn bộ lịch sử thần học qua các thế hệ. Họ được mời gọi cố gắng đạt được sự chính xác và rõ ràng hơn trong việc nắm bắt các ý tưởng và khảo luận thần học.

2/ Thứ đến là đặc điểm chủ quan, tức là lòng trung thành của linh mục đối với giáo huấn Công giáo. Đồng thuận về mặt tri thức với các nhà giảng thuyết và thầy dạy chính thức của Giáo hội Công giáo thì không phải là sự thụ động, nô lệ hay rụt rè. Trái lại, đó là sự ứng dụng mạnh mẽ của lý trí, đặt nó phục vụ chân lý mặc khải. Trên thực tế, đó là hoạt động cao nhất của lý trí nhằm tôn vinh Đấng Tạo Hóa. Thông điệp Fides et ratio nhắc nhở chúng ta: “Sự đồng thuận của đức tin, liên quan tới lý trí và ý chí, không phá hủy nhưng hoàn thiện ý chí tự do của mỗi tín hữu, những người đón nhận cách sâu sắc những điều đã được mặc khải.”[20]

b) Dấn thân vào thế giới

Dấu hiệu thứ hai này rộng hơn dấu hiệu thứ nhất. Nếu dấu hiệu thứ nhất đề cập đến nội dung đức tin, thì dấu hiệu thứ hai đề cập đến nội dung học tập của con người. Linh mục được đào tạo tốt về mặt tri thức sẽ dấn thân vào thế giới đương đại với tất cả những khả thể và lỗi lầm của nó bằng sự bình tĩnh và đĩnh đạc của ngài. Ngài có một tình yêu lành mạnh đối với kiến thức trần thế, cả văn hóa lẫn khoa học, đồng thời nuôi dưỡng mối bận tâm tới các xu hướng xã hội, các vấn đề công cộng và niềm đam mê tri thức của riêng mình. Đây là một số cách giúp linh mục có thể đọc được “các dấu chỉ thời đại” và, như Công đồng Vaticanô II dạy, đương đầu với chúng dưới ánh sáng Tin Mừng.

Tầm nhìn tri thức rộng hơn cũng giúp linh mục diễn đạt rõ ràng đức tin Công giáo theo cách đẹp đẽ và hấp dẫn. Hơn nữa, ngài có thể bảo vệ chân lý của giáo huấn Công giáo vì ngài đã xem xét các luận chứng đối lập một cách nghiêm túc, thừa nhận nhiều người trong số những kẻ đối lập có mong muốn và thiện chí đi tìm chân lý. Ngài giả định không có ác ý hay phi lý nơi những kẻ phản đối giáo lý Công giáo. Việc ngài trình bày Tin mừng làm thỏa mãn những khao khát thẳm sâu nhất của đoàn dân ngài, vì chính ngài đã cảm nhận được những khao khát đó. Một tâm trí cởi mở trưởng thành như thế sẽ xóa bỏ những trở ngại về mặt tri thức của nhiều người đối với niềm tin Công giáo, đồng thời củng cố niềm tin của chính họ vào chân lý được Giáo hội giảng dạy. Đó cũng là cách nhiều nhà hộ giáo đã làm xuyên suốt lịch sử.

c) Khao khát lớn lên về mặt tri thức

Dấu hiệu thứ ba của chiều kích tri thức đó là sự đói khát (hunger) chân lý trong nội tâm, không phải như một sở thích riêng tư hay sự tò mò về mặt học thuật và phong cách riêng mà từ một sự khao khát thẳm sâu muốn biết nhiều hơn về Đấng yêu mến chúng ta. Dấu ấn này nhìn nhận rằng, sự đào tạo tri thức không có điểm dừng, không có đích điểm cố định. Nếu chỉ biết Giáo lý, am hiểu truyền thống thần học và thần bí của Giáo hội mà thôi thì chưa đủ; cần phải có lòng khao khát muốn được hiểu biết Thiên Chúa thêm nữa. Thật vậy, một người vô thần có thể thuộc lòng Kinh Thánh, Giáo lý và các bậc thầy thần học, nhưng vẫn không có lòng khao khát muốn biết thêm về Thiên Chúa yêu dấu của chúng ta.

Do đó, dấu hiệu cuối cùng này của việc đào tạo không phải là một mục tiêu tri thức, nhưng là hoa trái phát sinh từ một mối tương quan. Khi linh mục hiến thân trọn vẹn hơn cho Thiên Chúa, Chúa Cha sẽ gieo vào tâm trí ngài những hạt giống của sự khao khát muốn được biết Người cách sâu sắc hơn nữa. Khao khát này là dấu chỉ quý giá nhất của việc “được biến đổi nhờ sự canh tân” tâm trí, như lời thánh Phaolô. Khao khát này không đến từ nỗ lực của chúng ta, nhưng chúng ta chỉ có thể đón nhận trong tình yêu. Đó là phần thưởng của lòng trung tín và là món quà mà Thiên Chúa hứa ban cho mọi tín hữu khiêm nhường.

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo tri thức

a) Phương thế cá nhân

Phương thế quan trọng nhất giúp tăng trưởng về mặt tri thức thì rất thực tế: thiết lập thói quen học hành đều đặn. Thánh Phanxicô de Sales gọi việc học là “bí tích thứ tám” của đời linh mục.[21] Không gì có thể thay thế cho việc kiên trì đọc sách hàng ngày, dành ưu tiên cho việc này và đọc một cách có hiệu quả. Chắc chắn đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng giữa muôn ngàn công việc mục vụ. Tuy nhiên, dành 15 phút hoặc 20 phút mỗi ngày cho việc đọc sách cũng đủ để duy trì sự tăng trưởng về mặt tri thức. Cần lưu ý rằng, việc đọc sách không thể quá tầm thường đến độ không thể tiến bộ, cũng không quá tham vọng đến độ sớm nản lòng.

Với các linh mục, đối tượng hàng đầu của việc học hỏi là lĩnh vực thần học, giáo lý và hộ giáo. DMLP đề cập đến một số thể loại: “Vị trí đầu tiên trong số các tài liệu phải đọc là Kinh Thánh; tiếp đến là tác phẩm của các Giáo phụ, các Tiến sĩ Hội thánh, các Bậc thầy cổ điển và hiện đại về đời sống thiêng liêng hay tâm linh, và các tài liệu của Huấn quyền Giáo hội vốn là nguồn có thẩm quyền nhất và cập nhật nhất về việc đào tạo thường xuyên; các tác phẩm và tiểu sử của các vị thánh cũng sẽ rất hữu ích.”[22]

Mặc dù chủ đề học hành chính yếu của linh mục được rút ra từ nội dung đức tin, nhưng ngài cũng được mời gọi nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và khoa học. Các lĩnh vực này sẽ giúp ngài nắm bắt kịp thời những xu hướng quan trọng của thời đại, hữu ích cho ngài khi làm việc với các linh hồn, đồng thời cung cấp những minh họa và nội dung thích hợp cho bài giảng của ngài.

Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình đào tạo dành cho người lớn hoặc các lớp học hỏi Kinh Thánh cũng giúp linh mục–thầy dạy tăng trưởng đức tin của mình.

b) Phương thế huynh đệ

Như bất kỳ đức tính nào của con người, thói quen học hành cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gương mẫu và sự khích lệ của những người xung quanh. Những người bạn linh mục đề cao đời sống tri thức sẽ giúp các linh mục duy trì tốt thói quen học hành qua sự khích lệ, xác quyết và tinh thần trách nhiệm của họ. Điều này diễn ra thông qua các cuộc trò chuyện thường xuyên không chính thức khi những người bạn chia sẻ với nhau hoa trái từ việc học hỏi của mỗi người.

Một cách chính thức hơn, các linh mục có thể thiết lập các nhóm huynh đệ học hành để cùng nhau thảo luận về thần học hay về sách vở. Điều này rất hữu ích cho việc đào tạo thường xuyên linh mục về mặt tri thức. Các nhóm này, sau khi đã cùng nhau lựa chọn tài liệu để thảo luận, sẽ đưa ra nhiều hướng dẫn bổ ích cho các linh mục, những người có thể không chắc chắn về những gì họ đã đọc. Mặt khác, những nhóm như thế cũng sẽ tạo động lực cho các linh mục trong việc xây dựng thói quen học hành đều đặn, qua việc phân chia trách nhiệm cho nhau. Trên hết, các nhóm này giúp cho những người tham gia được thêm phong phú qua việc thúc đẩy họ cùng nhau thảo luận về những ý tưởng quan trọng, nhờ đó làm cho các linh mục thấy được giá trị của một đời sống tri thức lành mạnh.

c) Phương thế giám mục

Có nhiều cách để giám mục giáo phận có thể thúc đẩy việc đào tạo thường xuyên về mặt tri thức cho các linh mục. Trước hết, ngài có thể đưa ra lời chứng cá nhân về tầm quan trọng của việc học hành thường xuyên, công khai chia sẻ những thành quả từ việc nghiên cứu của chính mình. Các cuộc quy tụ linh mục và những ngày học hỏi là những cơ hội lý tưởng để ngài nói về thói quen học hành. Ngài có thể nói về những gì chính ngài đang nghiên cứu; biến nó thành các bài nói chuyện, bài giảng và các bài viết mục vụ; hoặc đơn giản là thảo luận về nó với các linh mục trong các chuyến thăm viếng giáo xứ.

Giám mục giáo phận cũng có thể đăng cai tổ chức những ngày học hỏi dành cho các linh mục, nhất là về chủ đề thần học trong một cách thế sâu sắc hơn. Những buổi hội thảo như vậy có thể trang trọng hơn với bài thuyết trình của một nhà thần học hoặc tác giả nổi tiếng, và dành thời gian cho phần thảo luận và hỏi đáp. Cũng có thể tổ chức đơn giản hơn bằng cách mời bất kỳ một giáo sĩ nào đang quan tâm thảo luận về một bài tạp chí thần học nào đó ngay trong bữa ăn hoặc trước một buổi họp mặt.

Giám mục cũng có thể cung cấp chất liệu cho việc đào tạo thường xuyên các linh mục. Giáo phận có thể khuyến khích việc tự nghiên cứu, chẳng hạn bằng cách hỗ trợ chi phí hàng năm cho việc học hành, như đặt mua các tài liệu thần học và các tạp chí học thuật. Giáo phận cũng có thể hợp tác với các tổ chức bên ngoài để thích ứng các tài liệu học hành phù hợp với đời sống linh mục, cho phép những ai quan tâm có thể đăng ký miễn phí. Cuối cùng, giám mục có thể gửi các linh mục đi học cao hơn về thần học hay các ngành học khác khi xét thấy cần thiết, nhờ đó giáo phận có thêm những vị chuyên môn để chia sẻ với linh mục đoàn và phục vụ Giáo hội rộng lớn hơn (như: chủng viện), như Công đồng Vaticanô II đã khuyến cáo.[23]

D. CHIỀU KÍCH MỤC VỤ

Mỗi lĩnh vực đào tạo thường xuyên linh mục đều quan trọng, nhưng chiều kích mục vụ giữ địa vị hàng đầu. Bởi lẽ, suy cho cùng, Đức Giêsu tự nhận mình là Mục tử Nhân lành (Good Shepherd, the Good Pastor) và hơn bất kỳ hình ảnh nào khác, hình ảnh này nói lên cuộc đời mục tử của Người. Đức Giêsu là mục tử chứ không phải kẻ làm thuê: Người hy sinh mạng sống vì đàn chiên, bảo vệ đàn chiên khỏi bầy sói, yêu mến và quan tâm đến đàn chiên, muốn điều tốt nhất cho đàn chiên, Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người.

Đức Giêsu là gương mẫu cho các linh mục, những người được mời gọi họa đời sống mình theo gương vị Mục tử Nhân lành. Theo ý nghĩa thật sự, linh mục phải nhập thể vào tình yêu của vị Mục tử Nhân lành giữa Dân Thiên Chúa. Linh mục cũng phải biết hy sinh mạng sống vì đàn chiên, bảo vệ chúng khỏi sói rừng, chăm sóc chúng bằng sự quan tâm yêu thương, đồng thời biết chiên và cũng được chiên biết tới. Theo lời của Công đồng Vaticanô II, khi các linh mục đảm nhận “vai trò của vị Mục tử Nhân lành, họ sẽ tìm thấy trong chính việc thực thi tình yêu mục vụ mối dây hoàn hảo của chức linh mục, một mối dây sẽ hợp nhất đời sống và hoạt động của họ.”[24]

Ba chiều kích đầu tiên của việc đào tạo – nhân bản, thiêng liêng và tri thức – hội tụ trong chiều kích mục vụ.[25] Bản tính con người của linh mục phải được đào tạo tốt để trở thành “cầu nối, chứ không phải trở ngại cho người khác trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô.”[26] Đời sống thiêng liêng của linh mục đảm bảo rằng, thừa tác vụ của ngài bắt nguồn từ sự hiệp nhất nội tâm sâu sắc với Đức Giêsu, Mục tử Nhân lành. Đời sống tri thức của linh mục đào luyện tâm trí ngài để nắm bắt các chân lý cứu độ của đức tin và trao truyền chúng một cách trung thành, nuôi dưỡng đoàn dân của ngài bằng sữa thiêng liêng tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó đoàn dân được lớn lên để hưởng ơn cứu độ (x. 1 Pr 2,2). Tất cả các chiều kích đào tạo này, vốn đạt đến đỉnh cao trong chiều kích mục vụ, hướng linh mục đến ơn cứu rỗi các linh hồn và đức ái mục vụ. Như thế, việc đào tạo thường xuyên theo chiều kích mục vụ không chỉ hữu ích cho chính linh mục, mà còn hữu ích cho đoàn dân được giao phó cho ngài nữa.

1. Các dấu hiệu của chiều kích mục vụ

a) Tự do để thi hành thừa tác vụ

Dấu hiệu đầu tiên của việc đào tạo mục vụ là không vướng mắc những rào cản nội tâm để thi hành thừa tác vụ linh mục. Về mặt nhân bản, những rào cản này có thể là: các hành vi cưỡng chế (compulsive), các mối quan hệ không lành mạnh, các xu hướng ái kỷ hay khuynh hướng thoát ly thực tại qua lối sống đề cao thú tiêu khiển và thờ ơ dửng dưng. Về mặt tinh thần cũng có những rào cản như: nội tâm hời hợt, quá dè dặt hay một kiểu hoạt động điên cuồng. Những rào cản về nhân bản và tinh thần này tiêu biểu cho những hình thức nô lệ vốn ngăn cản linh mục sống tự do và làm giảm hiệu quả mục vụ của ngài.

Tự do nội tâm cũng là điều kiện cần thiết cho sự độc thân lành mạnh, lòng vâng phục và đời sống đơn sơ. Về cơ bản, độc thân không phải là sự từ bỏ mà là một lựa chọn tích cực, một cách yêu thương mới và mạnh mẽ hơn. Để được tự do, linh mục phải phá bỏ những ràng buộc vốn bóp nghẹt đặc sủng sống đời độc thân.

Sự vâng phục ở đây không phải là tuân theo ý muốn của bề trên như một nô lệ tuân theo ông chủ. Trái lại, đó là sự đón nhận quyền bính hợp pháp cách khiêm nhường và trưởng thành. Sự vâng phục bao gồm sự vâng phục thực sự đối với giám mục giáo phận và sự trung thành với Đức Thánh Cha cùng các giáo huấn của Giáo hội. Ngoài ra, sự vâng phục cũng hàm ngụ tinh thần sẵn lòng phục vụ Giáo hội trong bất kỳ nhiệm vụ nào mà giám mục giáo phận yêu cầu, sẵn sàng học các ngôn ngữ khác trong khả năng, hay phát triển các kỹ năng mục vụ mới. Cuối cùng, sự giản dị của đời sống chỉ có thể bén rễ trong một trái tim thanh thoát khỏi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tiêu thụ và những tình cảm vô trật tự khác.  Việc loại bỏ tận gốc những thói xấu này là điều kiện tiên quyết để có được một cuộc sống giản dị và chuẩn bị cho thừa tác vụ linh mục một cách trọn vẹn hơn.

Do đó, dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành mục vụ đó là có tự do để sống như một con người vì người khác; sống khiết tịnh, khiêm nhường và giản dị; sống như một mục tử sẵn sàng bảo vệ đàn chiên của mình khỏi bầy sói và chăm sóc chúng bằng tình yêu đích thực và như Chúa Kitô yêu.

b) Phận vị làm con thiêng liêng

Dấu hiệu thứ hai của việc đào tạo mục vụ là sự nhiệt thành đón nhận ơn gọi đầu tiên của chúng ta: làm môn đệ Chúa Kitô. Để trở nên những người cha thiêng liêng tốt, các linh mục trước hết phải là những người con thiêng liêng tốt. Khi các linh mục quên mình là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, là môn đệ Chúa Kitô trước tất cả mọi điều khác, họ sẽ dễ sa vào những sai lầm của chủ nghĩa giáo sĩ trị. Hơn nữa, vì họ chia sẻ chức linh mục của chính Con Thiên Chúa, nên điều quan trọng nền tảng là họ phải ý thức sâu sắc mình là “những người con trong Người Con” đồng thời chia sẻ quan điểm cũng như ước muốn của Người Con ấy. Chỉ như thế, các linh mục mới có thể sẵn sàng thông truyền tình yêu của Chúa Kitô cho những người mà họ phục vụ, trong tư cách là những người cha thiêng liêng và những mục tử nhân lành.

c) Dành ưu tiên cho ơn cứu độ các linh hồn

Ước muốn ơn cứu độ cho các linh hồn là một trong những đặc điểm nổi bật của kẻ được kêu gọi trở thành linh mục, một phẩm chất cần thiết của đời sống nội tâm và tông đồ của linh mục. Vì thế, trái tim của vị linh mục phải chứa đựng sự quảng đại phục vụ tha nhân, nhiệt tâm tông đồ, và những phẩm chất của đức ái mục vụ như: kiên nhẫn, từ bi, thương xót, và ước muốn hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Ngài cần phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và quên mình, như thánh Phêrô đã dạy (x. 1 Pr 5,1-4).

Một linh mục như thế sẽ mong muốn hiểu được nội tâm của những người mà ngài phục vụ, và đồng hành với họ trên con đường nên thánh. Ngài không hài lòng với việc chỉ là người trông nom hay duy trì một tổ chức, nhưng ngài nỗ lực với tham vọng thánh thiện là gieo trồng đức tin vào trong tâm hồn của đoàn dân ngài một cách sâu hơn nữa, và loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa Kitô.

Vì phương tiện chính yếu để linh mục hoàn thành sứ mạng loan báo Tin mừng là thông qua các bí tích, nên một dấu hiệu quan trọng cho việc đào tạo mục vụ là lòng yêu mến cử hành các bí tích cách trung thành, tôn kính và rộng lượng, nhất là cử hành Thánh lễ và Bí tích Giao hòa. Ngoài các bí tích, linh mục còn phải cầu nguyện và chuyển cầu cho đoàn dân ngài phục vụ. Ngài đặc biệt mong muốn cổ võ ơn gọi linh mục, phó tế và đời sống thánh hiến, coi đó là cơ hội tràn đầy ân sủng để nhân lên những nỗ lực truyền bá Tin mừng của ngài.

Các linh mục phải biết giáo dân của mình. Sự gắn kết giữa linh mục với cộng đoàn của ngài sẽ nói lên hiệu quả rao giảng của ngài và định hình nên ngài. Thật vậy, có một mối quan hệ hỗ tương trong việc rao giảng của linh mục: tôi cho đi để nuôi sống cộng đoàn, và những gì tôi nhận lại từ cộng đoàn nuôi sống tôi. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục tử với đoàn dân của ngài. Chúng ta biết rằng, các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả họ lẫn các thừa tác viên được phong chức đều đau khổ vì bài giảng: giáo dân phải lắng nghe nó, còn các giáo sĩ phải giảng nó! Đây là trường hợp thật đáng buồn. Bài giảng thực sự có thể là một trải nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Lời Chúa, một cội nguồn không cạn của sự canh tân và lớn lên.”[27]

Khi giảng, linh mục tự tin truyền đạt trọn vẹn Tin mừng ban sự sống: đó là nhiệm vụ hàng đầu của linh mục.[28] Ngài cần cố gắng làm cho bài giảng của mình trở nên rõ ràng, thuyết phục, hấp dẫn, và ý thức rằng ngài đang truyền đạt sự thật về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nội dung giảng dạy của ngài phải trung thành với đạo lý Giáo hội, và tâm trí ngài phải được đào luyện để suy nghĩ cùng với Giáo hội (sentire cum ecclesia).[29] Khi truyền đạt chân lý cứu độ của Thiên Chúa, linh mục đồng cảm với viễn cảnh của đoàn dân ngài, chú ý tới những nhạy cảm về văn hóa nơi họ, để có thể nói với họ theo cách mà họ có thể dễ dàng đón nhận. Trong một xã hội xem ra ngày càng xa rời sự bình an của Chúa Kitô, lời rao giảng Tin mừng có thể gặp phải nhiều chống đối. Linh mục được mời gọi đương đầu với những thách đố này và hết lòng bảo vệ đàn chiên, như vị Mục tử Nhân lành đã nêu gương. Thật vậy, khi Đức Giêsu xưng mình là “cửa” cho chiên ra vào (Ga 10,7-9), Người đang đề cập đến một tập tục cổ xưa: người mục tử ngủ trong lỗ trống giữa các bức tường đá bảo vệ đàn chiên. Theo đúng nghĩa đen, mục tử là người bảo vệ đàn chiên bằng chính thân thể mình trong đêm tối. Đó là hình ảnh thích hợp của linh mục cho đến ngày nay.

d) Trái tim rộng mở cho tất cả

Dấu hiệu cuối cùng là hết sức cởi mở đối với các linh hồn khác. Linh mục phải là người sống cho người khác. Điều này được bộc lộ trong đời sống của ngài bằng nhiều cách. Trước hết là lòng nhiệt thành mục vụ: cởi mở và không bị cưỡng ép. Linh mục là người hiến thân cho sứ mạng loan báo Tin mừng, vì thế ngài cần cởi mở bản thân để đến với những người chưa biết Chúa Giêsu, hoặc với những người đã rời bỏ Giáo hội. Ngài không dừng lại ở việc chỉ đón tiếp những ai đến với giáo xứ, nhưng sẽ nỗ lực thu hút các linh hồn đến với Chúa.

Một linh mục như thế cũng sẽ quảng đại phục vụ người nghèo, người cao niên, cô đơn, bị bỏ rơi, bị chối từ và những người bên lề xã hội. Mối quan tâm sâu sắc của ngài đối với công bằng xã hội được thúc đẩy không chỉ bởi những nhu cầu trần thế mà trên hết là bởi những cùng đích siêu nhiên: ơn cứu rỗi các linh hồn.[30]

Với khối óc và con tim rộng mở, ngài sẽ dễ dàng tiếp cận với những người thuộc các nền văn hóa và lối nhìn khác nhau, những người có các quan điểm thần học và giáo hội khác nhau. Điều này đòi hỏi ngài phải cởi mở với các truyền thống văn hóa phổ biến và độc đáo của Công giáo. Ngài cũng cần đặc biệt quan tâm tới những sự bất công trong xã hội như: nạn phân biệt chủng tộc và những định kiến thâm căn cố đế khác. Ngài có thể làm việc trong các lĩnh vực mục vụ khác nhau, như: thanh thiếu niên, giới trẻ và cao niên; ngài không ngần ngại dấn thân vào các môi trường đa văn hóa. Ngài biết tạo ra sự hợp tác trong thừa tác vụ của mình, kề vai sát cánh với giáo dân, phó tế và tu sĩ một cách tôn trọng và biết ơn. Cuối cùng, ngài cũng tích cực tham gia vào cộng đồng rộng lớn hơn, bên ngoài giáo xứ và các hội đoàn trong giáo xứ của ngài, nắm bắt cơ hội để làm việc với các tổ chức đại kết, liên tôn và dân sự.

2. Các phương thế giúp cho việc đào tạo mục vụ

a) Phương thế cá nhân

Nền tảng mục vụ vững chắc nhất cho công việc của các linh mục là cuộc đời trong cương vị môn đệ Chúa Kitô và sự thánh thiện. Với tư cách là người môn đệ được phong chức để thi hành thừa tác vụ, linh mục phải hoàn toàn bước vào đời sống của đoàn dân và hiểu được những thách đố ngài phải đối mặt. Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37), Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, yêu thương người thân cận có nghĩa là đến gần người khác và biến những vấn đề của họ thành của mình. Việc tạo lập mối tương quan với người nghèo, di dân, người tị nạn và những người khác thông qua Hiệp hội Bác ái thánh Vinh sơn, các tổ chức Caritas Công giáo, Tổ chức Cứu trợ nhân đạo Công giáo (Catholic Relief Services) cũng sẽ giúp linh mục phát triển thường xuyên về mọi mặt.

Các linh mục được mời gọi thánh hóa công việc hàng ngày của mình bằng cách dâng lên cho Chúa, sửa đổi ý định của mình khi cần thiết để tôn vinh Chúa Cha nhiều hơn. Trên hết, ngài cần chú ý đến đời sống cầu nguyện và các việc thiêng liêng khác để nuôi dưỡng sự kết hiệp của ngài với Thiên Chúa, qua đó hoạt động mục vụ của ngài sinh hoa trái. Ngài có thể nỗ lực phát triển thói quen xét mình hàng ngày để nhận ra bàn tay Thiên Chúa hành động trong thừa tác vụ của mình và bày tỏ lòng biết ơn về ân sủng đó.

Mỗi ngày linh mục được mời gọi đến gần và hôn bàn thờ Thiên Chúa, nơi cử hành hy tế Đức Kitô. Việc làm này nhắc nhở linh mục rằng, ngài được mời gọi sống chính hy tế ấy trong cuộc đời mình với tư cách vừa là tư tế vừa là tế phẩm, trong sự hiệp nhất với vị Tư tế Thượng phẩm.

Các việc khổ chế cũng hữu ích cho đời sống và công việc mục vụ của linh mục. Các linh mục thánh thiện trong lịch sử đã minh chứng cho điều đó. Để những hy sinh cá nhân làm phong phú thêm công việc mục vụ, linh mục cần đề ra một số thực hành cụ thể. Đôi khi, và với sự chấp thuận của vị linh hướng, ngài có thể thực hành những việc khổ chế khắt khe hơn. Khi có một linh mục phàn nàn rằng nhiệt tâm tông đồ của ngài không mang lại kết quả, thánh Gioan Vianney đã đề nghị: “Cha đã dâng những lời cầu nguyện khiêm nhường lên Thiên Chúa, cha đã khóc, cha đã rên siết, cha đã thở dài. Liệu cha đã thêm các việc ăn chay, canh thức, ngủ trên sàn, và phạt xác chưa? Đừng nghĩ rằng cha đã làm mọi cách nếu chưa làm được tất cả những điều này.”[31]

Suy cho cùng, việc từ bỏ bản thân là một thành phần thiết yếu của cương vị môn đệ. Chính Đức Giêsu đã nhấn mạnh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Thật vậy, những sự tiết chế trong bữa ăn, kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật và những đau khổ khác, tử tế và kiên nhẫn với những buồn chán, vui vẻ từ bỏ những tiện nghi nhỏ nhặt, và đón nhận những thánh giá nhỏ khác – những thánh giá ngài tự nguyện lựa chọn và những thánh giá ngài gặp phải trong ngày – tất cả đều có thể là cơ hội để ngài gặp gỡ Chúa, dâng lên Người tình yêu của ngài và cầu bầu cho đoàn dân. Có lẽ việc hy sinh quan trọng nhất mà một linh mục có thể làm chỉ đơn giản là cầm cày lên và làm công việc của mình cách trung thành và không khoa trương, ngày này qua ngày khác.

Phương thế cá nhân sau cùng giúp linh mục tăng trưởng trong công việc mục vụ đó là đào tạo các kỹ năng thi hành tác vụ. Linh mục có thể tận dụng nhiều cơ hội để phát triển chuyên môn và điều chỉnh việc học hành của mình theo nhu cầu. Chẳng hạn, bằng các mở rộng kiến thức về các tác vụ khác nhau, ngài có thể làm tăng khả năng mục vụ cũng như kinh nghiệm của mình. Bằng cách phát triển các kỹ năng lãnh đạo tốt hơn, ngài có thể cải thiện việc điều hành giáo xứ. Bằng cách học hỏi các kỹ năng quản lý mới trong các lĩnh vực như: tài chính, quản trị nhân sự và tổ chức, ngài có thể trở thành một nhà quản lý và điều hành tài sản vật chất của Giáo hội một cách có năng lực hơn.

Ngoài ra, linh mục có thể tìm thấy rất nhiều sự hướng dẫn và đào tạo từ nhiều người mà ngài đang phục vụ, bao gồm cả các nhân viên giáo xứ, các hội đồng và ủy ban khác nhau, các tình nguyện viên và các tổ chức khác trong giáo xứ. Linh mục cũng có thể học hỏi chuyên môn của các cộng sự viên của giám mục giáo phận trong phủ giáo phận.

b) Phương thế huynh đệ

Anh em linh mục có thể giúp nhau tăng trưởng trong chiều kích mục vụ bằng nhiều cách. Các ngài có thể khuyến khích, xác nhận và buộc nhau phải chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng cá nhân trong sự thánh thiện cũng như lòng quảng đại và năng lực mục vụ. Những điều này có thể được thực hiện qua các cuộc trò chuyện về phương pháp mục vụ, việc chăm sóc các linh hồn, giảng thuyết, cũng như cách thức giải quyết các tình huống mục vụ khó.

Các mối quan hệ cố vấn (mentoring relationships) cũng có thể là phương thế mạnh mẽ giúp tăng trưởng trong chiều kích mục vụ của việc đào tạo. Việc tham khảo ý kiến cách huynh đệ với các linh mục dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các linh mục trẻ có cơ hội học hỏi được sự khôn ngoan và tránh được nhiều cạm bẫy. Các linh mục sẵn sàng đón nhận và đưa ra sự hỗ trợ như vậy đóng góp một cách có ý nghĩa cho sức khỏe tổng thể của hàng linh mục và thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các linh mục thuộc các nhóm tuổi khác nhau.

Cuối cùng, mỗi giáo phận đều có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ, và một số linh mục sẽ đặc biệt hữu ích trong những tác vụ đặc biệt. Khi một linh mục được giao một nhiệm vụ mới, thật hữu ích nếu ngài có thể đến thăm các linh mục đang hoạt động thành công công việc tương tự như vậy, và học hỏi từ họ. Ngoài ra, những người phục vụ trong các lĩnh vực giống nhau – như mục vụ trường học, công tác ở bệnh viện, tuyên úy quân đội hay nhà tù – có thể cân nhắc việc quy tụ định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và nói về những tình huống cụ thể mà họ gặp phải. Đây có thể là phương thế của việc đào tạo thường xuyên cho nhau, đồng thời là nguồn khích lệ và làm phát sinh những tình bạn mới.

c) Phương thế giám mục

Giám mục giáo phận và giáo phận có thể tổ chức những ngày học hỏi, hội thảo, hội nghị và các khóa chuyên đề trực tuyến dành cho các linh mục. Các chủ đề thích hợp cho việc đào tạo như vậy có thể được nhóm lại thành ba mục chính: thừa tác vụ linh mục, hoạt động tông đồ giáo xứ, và quản trị.

i) Thừa tác vụ linh mục

Cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, các linh mục đôi khi cần quay trở lại những điều cơ bản, ôn lại và cập nhật kiến thức về bổn phận hàng ngày. Chẳng hạn đào tạo về phụng vụ, nhất là việc cử hành Thánh lễ và các nghi thức khác. Đào tạo về Bí tích Sám hối và Hòa giải nhằm giúp các linh mục tìm kiếm những cách thức giúp hối nhân vượt qua tội quen phạm, hay nhắc nhở các linh mục về những hình phạt dành riêng khác nhau, năng quyền giải tội, và mối tương quan của họ với chính bí tích này. Tìm kiếm các phương pháp giúp cho kỹ năng diễn giảng được tốt hơn, nâng cao khả năng làm linh hướng, chuẩn bị cho các cặp đôi bước vào đời sống hôn nhân và thực hiện các bổn phận khác của linh mục.

Một số linh mục nhận thấy việc tạm thời ngưng mục vụ trực tiếp tại giáo xứ có thể mang lại hiệu quả phục hồi cao. Mặc dù sự gián đoạn như vậy có thể là sự hy sinh đối với các giáo phận đang thiếu linh mục, nhưng việc tạo cơ hội cho các linh mục làm giàu kỹ năng và kinh nghiệm mục vụ có thể là một cách tốt để mang lại sự phát triển cá nhân lâu dài và giúp các ngài khi trở lại mục vụ giáo xứ sẽ có động lực hơn. Những hoàn cảnh như thế bao gồm: làm tuyên úy một thời gian dài, nghỉ phép sa-bát, hoặc đăng ký các khóa học ngắn hạn về các chủ đề như đạo đức sinh học, phụng vụ, giáo luật hoặc mục vụ giải cứu (deliverance ministry). Ngoài ra, còn có các trường hợp khác như: hoạt động một cách trực tiếp và khắc nghiệt vì người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội, hay truyền giáo lâu năm trong hoặc ngoài nước.

Lĩnh vực tham vấn mục vụ cũng rất quan trọng. Một hội thảo cung cấp cái nhìn tổng quan về tâm lý học từ viễn tượng nhân học Công giáo là cần thiết và hữu ích cho các linh mục. Các ngài cần được cung cấp kiến thức để biết cách tiếp cận các vấn đề như trầm cảm, ngăn chặn sự tự tử, giải quyết các cuộc hôn nhân rối và tư vấn lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Các ngài cũng cần biết rõ khả năng của mình, để khi đối diện với những vấn đề nằm ngoài khả năng đó, các ngài có thể giới thiệu đến các dịch vụ chuyên môn phù hợp hơn. Trong lĩnh vực đạo đức y khoa vốn dĩ phức tạp, các buổi chuyên đề có thể giúp linh mục cập nhật những vấn đề về đạo đức sinh học, chẳng hạn những điều liên quan đến đoạn cuối của một cuộc đời.

ii) Hoạt động tông đồ giáo xứ

Các mục tử hiệu quả luôn tìm cách xây dựng hoạt động tông đồ giáo xứ của mình. Việc đào tạo thường xuyên có thể giúp các ngài tìm kiếm những phương pháp tốt nhất trong vai trò lãnh đạo giáo xứ. Theo nghĩa rộng, giáo xứ phải loan báo Tin mừng và trang bị cho giáo dân những gì cần thiết để họ có thể tiếp cận cả những người bên ngoài giáo xứ. Vì thế, các mục tử các buổi học hỏi về ơn gọi giáo dân và tiềm năng của họ trong công tác loan báo Tin mừng, các hội thảo về việc sử dụng phương tiện truyền thông và thiết bị kỹ thuật số, các hội thảo về huấn giáo và thách đố đức tin… Một số chủ đề mục vụ khác: hướng dẫn mục vụ thanh niên và giới trẻ, chuẩn bị các tân tòng và các ứng viên để được tiếp nhận vào Giáo hội; cổ vũ ơn gọi linh mục, phó tế và tu sĩ; tiếp cận những người không Công giáo; và làm việc với các nhóm đại kết.

iii) Quản trị

Các chủ đề học hỏi về chức năng và hành chính có thể hữu ích cho các mục tử và những người chuẩn bị trở thành mục tử. Trước hết là kỹ năng lãnh đạo vốn đặc biệt cần thiết đối với các linh mục quản lý trường học hay giáo xứ có đông đảo nhân viên. Thứ đến là chủ đề về sự cộng tác hiệp quả của linh mục với giáo dân trong việc điều hành giáo xứ. Các chủ đề đào tạo cụ thể hơn có thể là: lợi ích của hội đồng mục vụ và hội đồng tài chính, bổn phận và trách nhiệm phải giải trình về tài chánh, cách xử lý các vấn đề nhạy cảm về nhân sự, việc gìn giữ máy móc thiết bị. Cuối cùng và có lẽ cụ thể nhất, các buổi hội thảo về tổ chức cá sự và quản lý thời gian có thể đặc biệt hữu ích cho các linh mục trẻ và các mục tử mới, những người cảm thấy choáng ngợp trước quá nhiều yêu cầu về thời gian.

Kết luận

Đây là một tài liệu khá mới mẻ, thích ứng với những đòi hỏi của Giáo hội và xã hội hiện nay, đặc biệt là trong xã hội Hoa Kỳ. HD đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng và cách thức thực hiện việc đào thường xuyên các linh mục. Chắc chắn đây không phải là công việc dễ dàng, vì nó diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi linh mục. Mặc khác, mỗi người đều là một công trình vĩ đại của Thiên Chúa, vì thế sẽ là thách đố để các nhà đào tạo có thể tìm ra những quy chuẩn đào tạo chung, ít là trong một số khía cạnh nào đó. Mặt khác, sự khác biệt của mỗi nhân vị cũng hàm ngụ ý tưởng rằng, việc đào tạo thường xuyên cần làm sao để chính mỗi cá nhân khám phá ra bản thân họ trong tư cách vừa là Kitô hữu, vừa là linh mục hoặc sẽ trở thành linh mục, trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Và trong tiến trình dài hơi này, cả nhà đào tạo lẫn người thụ huấn đều cần khiêm tốn lắng nghe sự chỉ bảo của Thánh Linh, Đấng là chủ thể việc đào tạo của mỗi linh mục.

—————————–

[1] GL, số 280.

[2] X. DMLP, số 100.

[3] X. GL, số 538 §3.

[4] X. St. Thomas Aquinas, Summa Theologicae, I, q. 1, art. 8 ad 2.

[5] PDV, số 44.

[6] Trong Eudemian Ethics, 1238a1, Aristote nói theo nghĩa đen là “một đấu muối”, tức là một phần tư giạ, hay khoảng 15 pounds.

[7] GL, số 285 §1-2.

[8] GL, số 277 §2.

[9] Pope Benedict XVI, “Responses to the Questions Posed by the Bishops,” Meeting with the Bishops of the United States of America, National Shrine of the Immaculate Conception, Washington, DC, April 16, 2008, no. 3, www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2008/april/documents/hf_ben-xvi_ spe_20080416_response-bishops.html.

[10] St. Augustine, “Sermon 340—On the Anniversary of His Ordination,” in The Works of Saint Augustine: A Translation for the 21st Century, pt. 3, vol. 9, Sermons 306-340A on the Saints, ed. John E. Rotelle, trans. Edmund Hill (Hyde Park, NY: New City Press, 1994), 292.

[11] PO, số 14.

[12] X. GL, số 846 §1.

[13] X. GL, số 276 §2, 2°, 904, và 906.

[14] St. John Vianney, quoted in St. John XXIII, Sacerdotii Nostri Primordia (On St. John Vianney), August 1, 1959, no. 58, www.vatican.va/content/john-xxiii/en/encyclicals/documents/hf_j-xxiii_enc_19590801_sacerdotii. html.

[15] X. GL, số 276 §2, 3°.

[16] St. Francis de Sales, quoted in USCCB, United States Catholic Catechism for Adults (Washington, DC: USCCB, 2006), 463.

[17] X. GL, số 276 §2, 2° và 4°.

[18] X. GL, số 276 §2, 5°.

[19] X. GL, số 276 §2, 4°.

[20] St. John Paul II, Fides et Ratio (On the Relationship Between Faith and Reason), September 14, 1998, no. 75, www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/encyclicals/documents/hf_jp-ii_enc_14091998_fides-et-ratio.html.

[21] St. Francis de Sales, quoted in E. J. Lajeunie, Saint Francis de Sales: The Man, the Thinker, His Influence, vol. 2 (Bangalore, India: S. F. S. Publications, 1987), 36.

[22] DMLP, số 105.

[23] X. PO, số 19; GL, số 819.

[24] PO, số 14.

[25] X. PDV, số 57.

[26] PDV, số 43.

[27] Francis, Evangelii Gaudium (On the Proclamation of the Gospel in Today’s World), November 24, 2013, no. 135, www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_ evangelii-gaudium.html. See also USCCB Committee on Clergy, Consecrated Life, and Vocations, Preaching the Mystery of Faith: The Sunday Homily (Washington, DC: USCCB, 2012).

[28] X. PO, số 4.

[29] X. St. Ignatius of Loyola, The Spiritual Exercises of St. Ignatius Loyola, Spanish and English, with a Continuous Commentary, trans. Joseph Rickaby (New York, NY: Benziger Brothers, 1923).

[30] X. GL, số 222 §2 và 287 §1.

[31] St. John Vianney, quoted in St. John XXIII, Sacerdotii Nostri Primordia, no. 72.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here