VIỆC THƯỜNG HUẤN CÁC LINH MỤC TRONG CÁC VĂN KIỆN TÒA THÁNH

0
182

Phan Tấn Thành

Thời sự Thần học, Số 103 (tháng 2/2024), tr. 15-31

Nhập đề. Điểm qua các văn kiện về việc đào tạo linh mục từ công đồng Vaticanô II

I. Tông huấn Pastores dabo vobis (25-3-1992), đ. 80-91.

A. Bản chất và lý do

B. Những khía cạnh

C. Ý nghĩa sâu xa

D. Vài hoàn cảnh đặc biệt

E. Những người có trách nhiệm

II. Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục (ấn bản 2013), đ. 87-115.

A. Các nguyên tắc

B. Tổ chức và phương tiện

C. Những người có trách nhiệm

D. Các độ tuổi và hoàn cảnh đặc biệt

III. Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (ấn bản 2016), đ. 80-88.

A. Khái niệm

B. Các giai đoạn

C. Các phương tiện

Kết luận

———–

Nhập đề

Tiếp tục đường hướng đã được mở ra bởi công đồng Trentô (Sắc lệnh Cum adolescentium aetas ngày 15-7-1563), công đồng Vaticanô II đã dành sắc lệnh Optatam Totius để bàn về việc đào tạo linh mục (ngày 28-10-1965). Tuy nhiên, sắc lệnh này chỉ giới hạn vào việc đào tạo linh mục tại các chủng viện. Công đồng dành một văn kiện khác để bàn về tác vụ linh mục, đó là sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (ngày 7-12-1965).

Cũng nên biết là dựa theo cơ cấu của giáo triều vào thời họp công đồng Vaticanô II, việc đào tạo các chủng sinh thuộc thẩm quyền của Bộ Chủng viện và đại học (sau này đổi tên thành Bộ Giáo dục Công giáo); còn những gì liên quan đến đời sống linh mục thì thuộc thẩm quyền Bộ Giáo sĩ[1]. Không lạ gì, sau công đồng, chúng ta thấy có hai loại văn kiện bắt nguồn từ hai cơ quan khác nhau:

1/ Các văn kiện liên quan đến việc đào tạo linh mục được phát hành bởi Bộ các Chủng viện (Bộ Giáo dục Công giáo). Quan trọng nhất là “Chương trình đào tạo linh mục” (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis) được ban hành ngày 6-1-1970. Sau những kinh nghiệm thu thập được đó đây, cũng như để cập nhật sau khi bộ giáo luật được ban hành năm 1983, văn kiện  được sửa chữa và tái bản vào ngày 19-3-1985. Ngoài văn kiện “Chương trình đào tạo” tổng quát, Bộ các Chủng viện còn soạn những tài liệu hướng dẫn liên can đến một vài khía cạnh của công cuộc đào tạo, tỉ như: về tình cảm và đời sống độc thân (11-4-1974), tu đức (6-1-1980), triết học (11-4-1974), thần học (22-2-1976), phụng vụ (3-6-1979), thánh-mẫu-học (25-3-1988), các giáo phụ (10-11-1989), giáo luật (2-4-1975), học thuyết xã hội của Giáo hội (30-12-1988), các Giáo hội Đông phương (6-1-1987), mục vụ di dân (25-1-1986), truyền thông xã hội (19-3-1986). Tất cả các tài liệu này được Bộ Giáo dục một tập sách mang đề “Documenti (1969-1989). Formazione dei sacerdoti nel mondo d’oggi” xuất bản năm 1990, nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục thế giới bàn về việc đào tạo linh mục.

2/ Về đời sống linh mục, văn kiện quan trọng nhất là Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục do bộ Giáo sĩ phát hành ngày 31-3-1994. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên nhắc đến các “thư” mà Đức Gioan Phaolô II gửi các linh mục nhân ngày thứ năm tuần thánh (từ năm 1979 đến năm 2004).

3/ Một cuộc cải cách khá quan trọng đã được thực hiện do ĐTC Bênêđictô XVI. Qua tự sắc Ministrorum institutio (16-1-2013), việc đào tạo linh mục được chuyển giao cho Bộ giáo sĩ. Như vậy, từ nay, Bộ giáo sĩ là cơ quan chịu trách nhiệm về việc đào tạo linh mục ở cấp chủng viện cũng như sau khi mãn chủng viện, tức là đào tạo thường xuyên. Thực ra, quan niệm này đã thành hình từ Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis của ĐTC Gioan Phaolô II (ngày 25-3-1992). Dựa trên tư tưởng ấy mà Kim chỉ nam được soạn thảo vào năm 1994, và được cập nhật với ấn bản ngày 11-2-2013. Cũng dựa trên tông huấn đó mà bản văn về Chương trình đào tạo cũng được biên soạn lại và phát hành ngày 8-12-2016.

Trong bài này, sau khi điểm qua vài văn kiện của Giáo hội từ công đồng Vaticanô II để cập đến đào tạo thường xuyên các linh mục, chúng tôi sẽ dừng lại ở ba văn kiện quan trọng nhất, đó là: Tông huấn Pastores dabo vobis;  Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục; Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis.

1/ Công đồng Vaticanô II bàn đến việc đào tạo thường xuyên các linh mục trong ba văn kiện: Optatam Totius (OT) dành một số (22) để trình bày về việc bổ túc việc đào tạo sau khi đã mãn khóa học chủng viện; Presbyterorum Ordinis (PO) ở số 19, bàn về việc các linh mục trau giồi kiến thức; Christus Dominus (CD) đặt vấn đề ở số 16, khi đề cập đến nghĩa vụ của giám mục trong việc cai quản đoàn chiên. Tư tưởng không trùng nhau nhưng có một sự bổ túc. OT nêu lên sự cần thiết phải tiếp tục và bổ túc việc đào tạo linh mục xét vì những điều kiện của xã hội thời nay. PO nhấn mạnh đến sự chuẩn bị tác vụ kỹ lưỡng hơn và vì thế cần sử dụng các phương tiện thích ứng cho việc thi hành mục vụ. CD nhắc nhở trách nhiệm của các giám mục đối với đời sống và sứ vụ của các linh mục.

2/ Sau công đồng, ngày 4-11-1969, Bộ Giáo sĩ đã gửi đến các Hội đồng giám mục, bức thư luân lưu Inter ea, về việc đào tạo thường xuyên của các linh mục, đặc biệt là các linh mục trẻ, lưu ý đến ba khía cạnh: tâm linh, trí thức, mục vụ.

3/ Trong Ratio fundamentalis Institutionis sacerdotalis (do Bộ Giáo dục Công giáo ban hành năm 1970), chương cuối cùng (ch. XVII) nói đến sự cần thiết phải bổ túc việc đào tạo sau khi mãn khóa chủng viện.

4/ Bộ Giáo luật (1983) ở điều 273, nhắc đến việc huấn luyện như là nghĩa vụ và quyền lợi của giáo sĩ.

5/ Vào năm 1990 ĐTC Gioan Phaolô II đã triệu tập khóa họp Thượng hội đồng giám mục để về đề tài “Việc đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay”. Kết quả được đúc kết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis  được ban hành ngày 25-3-1992.

I. Tông huấn Pastores dabo vobis

Văn kiện gồm 6 chương: 1/ Tình hình hiện tại (đ. 5-10). 2/ Bản chất và sứ mạng của chức tư tế thừa tác (đ. 11-18). 3/ Đời sống tâm linh của linh mục (đ. 19-33). 4/ Mục vụ ơn gọi (đ. 34-41). 5/ Việc đào tạo các ứng sinh linh mục (đ. 42-69). 6/ Việc đào tạo thường xuyên của các linh mục (đ. 70-81).

 Như vậy, văn kiện đã dành riêng một chương việc thường huấn. Có thể nói được là đây là lần đầu tiên chúng ta gặp thấy một khảo luận hệ thống về thường huấn trong đời sống linh mục, với 6 tiết mục: 1/ Bản chất và lý do. 2/ Những khía cạnh. 3/ Nội dung. 4/ Vài hoàn cảnh đặc biệt. 5/ Những người có trách nhiệm. 6/ Những phương tiện.

A. Bản chất và lý do (đ. 70).

Tông huấn đưa ra nhiều lý do khác nhau của việc thường huấn linh mục, thuộc lãnh vực tự nhiên và thuộc lãnh vực thần học.

1/ Những lý do tự nhiên

a. Việc đào tạo thường xuyên là một đòi hỏi của sự tăng trưởng con người.

b. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải cải tiến để phục vụ đắc lực hơn.

2/ Những lý do thần học

a. Sự đòi hỏi của ơn gọi: người được Chúa kêu gọi cần phải trung thành với việc đáp trả ban đầu. Có thể nói đến “ơn gọi vào chức linh mục” (vocatio ad sacerdotium) và “ơn gọi trong chức linh mục” (vocatio in sacerdotio). Sự trung thành đối với tác vụ linh mục là một tiến trình hoán cải liên tục.

b. Nghĩa vụ đối với Dân Chúa: các giáo dân có quyền trông mong được tiếp xúc với những người mục tử xứng đáng. Các tín hữu có quyền được đón nhận Lời Chúa, các bí tích và việc phục vụ bác ái. Vì thế việc đào tạo thường xuyên là cần thiết để linh mục có thể đáp ứng cách thích ứng với quyền lợi của Dân Thiên Chúa. Đó cũng là một động tác tình yêu đối với những người mà linh mục được sai đến để phục vụ.

c. Động lực sâu xa hơn nữa của việc đào tạo thường xuyên là chính đức ái mục tử: mong muốn đáp trả lại hồng ân của Thiên Chúa và phục vụ các nhu cầu của đoàn chiên.

B. Những khía cạnh của việc thường huấn (đ.71-72)

Có sự liên tục giữa việc đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên về nội dung, đó là bốn chiều kích:

1/ Chiều kích nhân bản. Linh mục cần phải trau giồi tính nhạy bén nhân bản để nhờ đó có thể hiểu được những nhu cầu và đón nhận những lời kêu cứu, có thể trực giác những yêu càu không được phát biểu thành lời, có thể chia sẻ những mối hy vọng và những nỗi mong chờ, có đủ khả năng gặp gỡ từng người và đối thoại với mọi người. Linh mục lấy mẫu gương từ đức ái của vị Mục Tử Nhân lành, đã chia sẻ cuộc sống với con người, nếm cảm niềm vui và nỗi khổ, trở nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (xc. Hr 4,15).

2/ Chiều kích tâm linh, nghĩa là đời sống trong Thần khí, mặc lấy những tâm tình và thái độ của Đức Giêsu, Đầu và Mục tử, tìm cách sống cuộc gặp gỡ thật sự và cá vị với Đức Giêsu, một cuộc đối thoại tín thác với Chúa Cha và một kinh nghiệ thẳm sau về Chúa Thánh Thần.

3/ Chiều kich trí thức của việc đào tạo đòi hỏi phải được đeo đuổi và trau giồi suốt đời, cách riêng bằng việc hỏi và bằng việc cấp nhật hóa nghiêm chỉnh và cần cù về văn hóa. Cách riêng theo đuổi việc học thần học là điều tất yếu để linh mục có thể chu toàn một cách trung thành tác vụ Lời Chúa.

4/ Chiều kích mục vụ, cách riêng qua việc phát triển đức ái mục vụ của Đức Giêsu Kitô.

c. Ý nghĩa sâu xa của việc thường huấn (đ. 73-75)

Giúp cho linh mục luôn rập theo tinh thần và đường lối của Đức Giêsu Mục tử nhân lành, đặt sự hiện diện và hoạt động của linh mục trong Giáo hội xét như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

1/ Trong Giáo hội xét như là “mầu nhiệm”, việc đào tạo thường xuyên làm cho linh mục thật sự trở nên một tín hữu và ngày cảng trở thành tín hữu hơn, làm cho linh mục luôn nhận ra mình đúng như trong sự thật với đôi mắt của Đức Kitô.

2/ Trong Giáo hội xét như là “hiệp thông”, việc đào tạo thường xuyên giúp cho linh mục phát huy ý thức để nhận ra rằng thừa tác vụ của mình được phối trí để quy tụ gia đình của Thiên Chúa trong tình huynh đệ lấy đức ái làm sức sống, và dể dẫn dắt gia đình ấy đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Linh mục mục cần tăng trưởng trong ý thức về mối hiệp thông với Dân Thiên Chúa, với Giáo hội địa phương cũng như Giáo hội phổ quát. Mức

3/ Trong Giáo hội xét như là “sứ vụ”, việc đào tạo thường xuyên giúp linh mục ý thức về sự tham gia của mình vào sứ vụ cứu độ.

D. Vài hoàn cảnh đặc biệt (đ. 76-77)

Việc đào tạo thường xuyên phải luôn luôn theo dõi đời sống linh mục, vào mọi lứa tuổi và trong mọi điều kiện sinh sống, bất kể mức độ trách nhiệm trong Giáo hội. Đồng thời, cũng cần phải chú trọng đến những hoàn cảnh đặc biệt.

1/ Các linh mục trẻ, vào những năm đầu sau khi thụ phong.

2/ Các linh mục thuộc tuổi trung niên và cao niên

3/ Các linh mục, vì mệt mỏi hay bệnh tật, đang phải sống trong một tình trạng suy nhược thể chất và mệt mỏi tinh thần (đ. 76-77).

E. Những người có trách nhiệm với việc thường huấn (đ. 78-79).

Những người chịu trách nhiệm về việc đào tạo thường xuyên phải thuộc về Giáo hội “hiệp thông”. Như vậy chính toàn thể Giáo hội địa phương, dưới sự dẫn dắt của giám mục có trách nhiệm thôi thúc và thiết lập những thể loại dị biệt cho việc đào tạo thường xuyên của các linh mục. Trách nhiệm của Giáo hội địa phương phải được vận dụng cách cụ thể và đặc loại tùy theo những thành phần khác nhau làm nên Giáo hội ấy.

1/ Khởi đầu là chính các linh mục phải chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường ký của mình trong Giáo hội.

2/ Kế đó là trách nhiệm của giám mục và cùng với ngài, của linh mục đoàn.

3/ Các gia đình, cách riêng là gia đình của linh mục.

F. Những phương thế (đ. 80-81)

Tông huấn kể ra vài hình thức như sau:

– Các cuộc gặp gỡ với giám mục với linh mục đoàn, hoặc có tính cách phụng vụ, hoặc có tính cách mục vụ và văn hóa nhằm trao đổi nhận định về sinh hoạt mục vụ hoặc nhằm học hỏi một số vấn đề thần học đã được ấn định.

– Những buổi gặp gỡ thiêng liêng giữa các linh mục, như những cuộc cấm phòng, những ngày tĩnh tâm và tu đức, vv.

– Những buổi gặp gỡ để học hỏi và suy tư chung với nhau.

– Những hình thức sống chung giữa các linh mục với nhau.

– Các hiệp hội linh mục.

– Việc linh hướng.

Tông huấn Pastores dabo vobis đã chứa đựng những nét chính của công cuộc đào tạo thường xuyên, và sẽ được khai triển trong hai văn kiện tiếp theo đây.

II. Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục

Ấn bản đầu tiên được Bộ Giáo sĩ phát hành ngày 31-3-1994. Ấn bản thứ hai được phát hành ngày 11-2-2013, được bổ túc với huấn quyền gần đây của ĐTC Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI[2].

Trong ấn bản mới, nội dung gồm ba phần: 1) Căn tính linh mục (đ. 1-44). 2) Linh đạo linh mục (đ. 45-86). 3) Việc thường huấn (đ. 87-115). Chủ đề thường huấn được trình bày qua bốn tiết mục sau đây:

A. Các nguyên tắc (đ. 87-98)

1/ Nhu cầu của việc thường huấn ngày hôm nay (đ. 87)

Văn kiện lấy lại những nét chính của Pastores dabo vobis. Những lý do của việc thường huấn là: để đáp lại ơn gọi của Thiên Chúa; chuẩn bị thích đáng hơn cho công tác của mình; đáp lại quyền của các tín hữu. Mặt khác, văn kiện cũng khai triển nhiều khía cạnh mới, đó là:

2/ Dụng cụ thánh hóa: thường huấn là một dụng cụ thiết yếu để đạt tới cùng đích ơn gọi của mình, tức là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân (đ. 89).

3/ Việc thường huấn là một quyền lợi-nghĩa vụ của linh mục và lo tổ chức việc thường huấn là một quyền lợi-nghĩa vụ của Giáo hội (đ. 90).

4/ Việc huấn luyện phải thường xuyên (đ. 91).

5/ Việc huấn luyên phải đầy đủ: về nhân bản, tu đức, trí thức, mục vụ, có hệ thống và được cá vị hóa (đ. 92-98).

B. Việc tổ chức và các phương tiện (đ. 99-104)

1/ Các cuộc gặp gỡ giữa hàng linh mục;

2/ Năm mục vụ dành cho các tân linh mục;

3/ Thời kỳ nghỉ ngơi “sabat”;

4/ Ngôi nhà cho giáo sĩ;

5/ Các kỳ tĩnh tâm và linh thao.

C. Những người có trách nhiệm (đ. 105-110)

1/ Chính linh mục;

2/ Sự trợ giúp của anh em đồng nghiệp;

3/ Đức Giám mục;

4/ Huấn luyện các nhà đào tạo;

5/ Sự cộng tác giữa các giáo phận và các học viện.

D. Các độ tuổi và các hoàn cảnh đặc biệt (đ. 111-115).

Lấy lại tư tưởng của Pastores dabo vobis:

1/ Những năm đầu tiên của đời linh mục;

2/ Sau một số năm thi hành tác vụ;

3/ Các linh mục cao niên;

4/ Các linh mục ở những hoàn cảnh đặc biệt (suy yếu thể lý, mệt mỏi tinh thần, cô đơn).

III. Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (Quy chế căn bản về đào tạo linh mục).

Trong ấn bản lần đầu (ngày 6-1-1970, được cập nhật ngày 19-3-1985 sau khi ban hành Bộ giáo luật), chỉ có hai điều cuối cùng (đ. 100-101) dành cho việc “đào tạo sau chủng viện”. Ấn bản mới, được ban hành ngày 8-12-2016[3], bàn đến thường huấn trong chương Bốn (Đào tạo khởi đầu và Thường huấn), từ các điều 80-88. Tuy vẫn quy chiếu về Kim chỉ nam đời sống linh mục (đ. 87-115), nhưng văn kiện cũng đưa ra vài điểm mới liên quan đến các thời điểm và các phương thức thực hiện.

Dù sao, ngay từ phần dẫn nhập (số 3), văn kiện đã cung cấp cho chúng ta một chìa khóa để hiểu rõ hành trình đào tạo linh mục. Đây là một công cuộc đào tạo duy nhất với bốn nét đặc trưng: duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo.

1/ Duy nhất. Công cuộc đào tạo linh mục tiếp nối “hành trình đào tạo [duy nhất] của người môn đệ”. Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh tẩy, được nên hoàn thiện với các bí tích khai tâm Kitô giáo khác, được đón nhận như tâm điểm của đời sống lúc vào chủng viện, và được tiếp tục trong suốt cuộc đời. Đương nhiên là đào tạo khởi đầu ở chủng viện khác biệt với thường huấn, do có những thời hạn, phương thức và mục tiêu riêng biệt, nhưng đào tạo khởi đầu cùng với thường huấn làm nên một quá trình đào tạo tiệm tiến duy nhất được thực hiện trong cuộc đời người môn đệ linh mục; người môn đệ linh mục mãi vẫn luôn học theo Thầy và sẽ không bao giờ ngưng làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy.

2/ Toàn diện. Đào tạo khởi đầu và thường huấn phải được hiểu theo tầm nhìn toàn diện, chú trọng đến bốn chiều kích mà Pastores dabo vobis đã đề nghị: nhân bản, tâm linh, trí thức mục vụ.

3/ Cộng đoàn. Ơn gọi linh mục là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới, là con đường để tự thánh hóa và thánh hóa người khác, một con đường mà chúng ta không thể đi, theo kiểu cá nhân chủ nghĩa; ơn gọi này luôn có điểm quy chiếu là một phần dân Chúa cụ thể.

4/ Truyền giáo. Vì người môn đệ linh mục xuất thân từ cộng đoàn Kitô hữu để rồi trở lại phục vụ và dẫn dắt cộng đoàn với tư cách người mục tử, nên việc đào tạo tự bản chất đã có tính cách truyền giáo và nhắm mục đích tham dự vào sứ vụ duy nhất được Chúa Kitô ủy thác cho Giáo hội, nghĩa là công cuộc loan báo Tin mừng dưới mọi hình thức.

Nên ghi nhận là cũng ở số 3, khi trình bày lý tưởng của việc đào tạo, văn kiện sử dụng các thuật ngữ “đào tạo người môn đệ” (giai đoạn triết học), “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” là Thủ lãnh, Mục tử, Tôi tớ và Phu quân (giai đoạn thần học).

Về mối tương quan giữa đào tạo khởi đầu và đào tạo thường xuyên, số 55-56 viết như sau:

– Đào tạo khởi đầu tương ứng với giai đoạn trước khi lãnh chức linh mục, bắt đầu từ khi bước vào thời dự bị, vốn thực sự là một phần của giai đoạn này. Vì vậy, giai đoạn đào tạo khởi đầu phải có tất cả những đặc tính nhằm chuẩn bị cho chủng sinh sống đời linh mục. Điều này đòi hỏi một công việc kiên nhẫn và nghiêm ngặt đối với người đang mở lòng ra cho tác động của Chúa Thánh Thần. Mục tiêu là để đào luyện được một con tim linh mục.

– Thường huấn là một yêu cầu không thể thiếu trong đời sống và trong việc thi hành thừa tác vụ của mỗi linh mục. Thật vậy, thái độ nội tâm của linh mục phải là tư thế luôn luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, theo gương Chúa Kitô. Thái độ này hàm ý thái độ không ngừng hoán cải con tim, khả năng xem xét đời sống và các biến cố dưới ánh sáng của đức tin và nhất là dưới ánh sáng của đức ái mục tử, để có thể dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Hội Thánh, theo ý định của Thiên Chúa. Như thế, quả là sai lầm và hạ thấp giá trị nếu xem thường huấn như một sự “cập nhật” đơn thuần về văn hóa hay mục vụ cho tiến trình đào tạo khởi đầu tại chủng viện. Do đó, “thường huấn được chuẩn bị ngay từ thời gian ở đại chủng viện. Cần phải khơi dậy sự quan tâm và lòng khao khát của linh mục tương lai bằng cách chỉ cho họ thấy sự cần thiết, những lợi ích và tinh thần của thường huấn và bằng cách bảo đảm cho họ có được những điều kiện để thực thi thường huấn” (Pastores dabo vobis, 71).

Sau những khái niệm tổng quát về hành trình tổng quát, chúng ta hãy đi vào chi tiết của việc đào tạo thường xuyên. Thứ tự các đề mục có phần thay đổi sánh với Kim chỉ nam.

A. Khái niệm (đ. 80-82)

Cụm từ “thường huấn” diễn tả ý tưởng rằng người được gọi vào chức linh mục không bao giờ được thôi trải nghiệm mình là người môn đệ. Người linh mục không chỉ “học biết Chúa Kitô” nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, còn ở trong tiến trình nên đồng hình đồng dạng tiệm tiến và bền bỉ với Chúa Kitô nơi con người và hoạt động của mình. Điều này là một thách đố thường xuyên cho sự phát triển nội tâm của con người. Phải thường xuyên nuôi dưỡng “ngọn lửa” mang lại ánh sáng và nhiệt huyết dể thi hành tác vụ, vì biết rằng “đức ái mục tử là linh hồn và là mô thể cho việc thường huấn linh mục” (Pastores dabo vobis,  70).

Về những lý do của việc thường huấn, văn kiện lặp lại những điều đã nói trong Pastores dabo vobis, đó là: trung thành với tác vụ linh mục trong hành trình hoán cải liên tục; đáp ứng quyền lợi của các tín hữu được gặp các chủ chăn được đào tạo cách đầy đủ.

B. Các giai đoạn (83-85)

Xét về các thời điểm, văn kiện này trình bày một lối phân chia mới, trong ba số dài ngắn không đều nhau:

1/ Những năm liền ngay sau khi thụ phong (số 83). Linh mục trẻ cần được đồng hành, nhằm đạt đến cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa, cũng như tình huynh đệ với các bạn đồng nghiệp.

2/ Sau vài năm kinh nghiệm mục vụ, những thách đố mới liên quan đến thừa tác vụ và đời sống linh mục có thể lộ diện (số 84). So với các văn kiện trước đây, ta thấy có sự khai triển rộng hơn qua 6 điểm như sau:

a) kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân;

b) nguy cơ cảm thấy mình là công chức của điều linh thánh;

c) thách đố của nền văn hóa thời đại;

d) sức hấp dẫn của quyền lực và sự giàu có;

e) thách đố của đời sống độc thân (suy thoái về mặt tình cảm);

f) suy giảm nhiệt tâm tông đồ.

3/ Các linh mục cao niên và đau yếu (số 85).

C. Các phương tiện (86-88)

Xét về những phương thức của tình huynh đệ bí tích, một vài hình thức được đề nghị, rút từ những kinh nghiệm đã được thực hiện đó đây, cũng như dựa trên hai văn kiện đã trình bày trên đây:

a. gặp gỡ huynh đệ để cầu nguyện và chia sẻ;

b. linh hướng và xưng tội;

c. tĩnh tâm;

d. chia sẻ bữa ăn;

e. đời sống chung;

f. những hiệp hội linh mục.

Kết luận

Có thể nói được rằng về phía Tòa Thánh, các văn kiện bàn về việc đào tạo thường xuyên các linh mục mới được đề cập quy mô từ tông huấn Pastores dabo vobis (1992), và được kiện toàn trong Ratio fundamentalis (2016). Giữa hai văn kiện có sự tiến triển về tư tưởng tuy không đáng kể. Dù sao, các văn kiện này còn mang tính cách định hướng, bởi vì tại mỗi quốc gia. Hội đồng giám mục phải soạn ra chương trình đào tạo thích ứng cho địa phương của mình.

1. Chúng tôi chỉ muốn ghi nhận vài ý tưởng chung quanh khái niệm về đào tạo thường xuyên. Các văn kiện đã dùng nhiều ý tưởng để mô tả tiến trình, vừa rút từ Kinh thánh, vừa rút từ truyền thống tâm linh, chẳng hạn như:

– “Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, hoặc: “Mặc lấy những tâm tình của Đức Kitô, mục tử nhân hậu”. Đó là chưa kể lời của thánh Phaolô nhắn nhủ ông Timôtê: “Hãy làm khơi dậy ân huệ Thiên Chúa ở nơi anh” (x. 2 Tm 1,6).

– Con đường trở thành môn đệ (Ratio institutionis, số 3)

– Tiến trình hoán cải liên tục (Pastores dabo vobis, 70)

– Dụng cụ nên thánh (Kim chỉ nam, số 88-90)

2. Khi so sánh với các văn kiện của Tòa Thánh liên quan đến việc đào tạo các tu sĩ, ta thấy có vài điểm khác biệt quan trọng.

– Trách nhiệm đầu tiên của việc thường huấn thuộc về chính đương sự. Nhưng đương sự cần được cộng đoàn nâng đỡ. Đối với các linh mục giáo phận, cộng đoàn được hiểu về giáo phận, với những tác nhân chính là giám mục và linh mục đoàn. Đối với các dòng tu, cộng đoàn được hiểu là Dòng (hoặc tỉnh dòng), dưới sự hướng dẫn của bề trên liên hệ.

3. Phần lớn các linh mục thuộc hàng giáo sĩ giáo phận, và một khó khăn thường gặp phải là cảnh cô đơn. Vì thế, các văn kiện nhấn mạnh đến “tình huynh đệ linh mục” và tìm cách cổ võ những cuộc gặp gỡ giữa các linh mục với nhau. Đang khi đó, các tu sĩ sống trong cộng đoàn, và chính cộng đoàn là môi trường đầu tiên góp phần vào việc đào tạo thường xuyên.

Tiếc rằng nhiều khi các linh mục dòng tu không nhận ra điều ấy và vì thế họ cũng cần được đào tạo về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, như sẽ thấy trong bài viết về các văn kiện đời tu.

4. Trong phần kết luận bài tìm hiểu các văn kiện về đời tu (bài số 4), chúng tôi sẽ trở lại với những điều mới mẻ trong quan điểm của Giáo hội về “đào tạo thường xuyên”, đến nỗi đảo ngược thứ tự quan trọng so với “đào tạo khởi đầu”.

——————–

[1] Nên biết là trong những lãnh thổ thuộc quyền Bộ Các Giáo hội Đông phương và Bộ Truyền giáo (Loan báo Tin mừng), thì vấn đề đào tạo linh mục và đời sống giáo sĩ thuộc thẩm quyền của hai Bộ ấy.

[2] Bản dịch tiếng Việt: Ủy ban Giáo sĩ – Chủng sinh HĐGM VN, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục. (bản dịch của Đại chủng viện Huế), NXB Tôn giáo, Hà Nội 2014.

[3] Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh HĐGM Việt Nam, Đào tạo linh mục. Hồng ân ơn gọi linh mục, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2017.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here