SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – TỪ LỄ BA NGÔI ĐẾN LỄ THÁNH TÂM 3

0
133

Bài 3: TỘI CHỐNG LẠI CHÚA CHA, CHÚA CON VÀ THÁNH LINH

I

Tội chống lại Chúa Cha là tội yếu đuối; chống lại Chúa Con là tội dốt nát; chống lại Thánh Linh là tội ác ý. Nói cách khác, ta chống lại Chúa Cha khi không dâng cho Ngài điều thuộc về Ngài tức là quyền năng; chống lại Chúa Con khi chúng ta không biết đến sự khôn ngoan là ưu phẩm của Ngài; chống lại Thánh Linh khi làm tổn thương lòng nhân lành là ưu phẩm của Ngài.

Ta có thể phạm tội bằng ba cách: vì dốt nát, vì đam mê hoặc vì chủ tâm.

Vì dốt nát, khi ta không biết điều mà giả như biết nó thì ta sẽ không phạm tội; trong trường hợp này sự dốt nát là nguyên nhân của tội; đó là tội chống lại Chúa Con. Vì đam mê, khi nó phủ lấp phán đoán của lý trí. Như vậy là phạm tội vì yếu đuối và chống lại Chúa Cha. Vì tự tình, đó là sau khi suy xét, ta chọn lựa phạm tội, không phải bởi vì thua chước cám dỗ, nhưng tại vì trái tim đã sa đọa, và lấy làm thích thú khi phạm tôi. Đó là tội ác ý, chống lại Thánh Linh

(II Dist., q. 43. a. 1)

II

Riêng về tội chống lại Thánh Linh, người ta kể ra sáu loại, tùy theo ta đẩy lui hoặc khinh thường, điều có thể ngăn cản phạm tội. Những động lực để không phạm tội có thể xét theo ý nghĩ về sự phán xét của Thiên Chúa, hoặc khi nhớ đến các ân huệ của Ngài, hoặc khi suy xét về chính tội[1].

1° Con người có thể quay lưng không phạm tội khi nghĩ đến sự phán xét của Thiên Chúa, và niềm hy vọng khi nghĩ đến lòng lân tuất, sẽ tha thứ tội lỗi và ban thưởng việc lành. Tất cả những điều vừa nói sẽ bị mất do tội thất vọng; con người còn được gìn giữ khỏi phạm tội do sự sợ hãi phát sinh từ ý tưởng Thiên Chúa Đấng công minh sẽ trừng phạt tội lỗi; điều này sẽ bị mất do tội tự phụ, khi cho rằng mình có thể lên trời mà không cần lập công trạng, hoặc có thể được tha thứ mà không cần thống hối.

2° Những ân huệ của Thiên Chúa mà sự tưởng nhớ có thể gìn giữ ta khỏi phạm tội là: hiểu biết chân lý, đối lại là sự chống đối chân lý, tựa như khi ta bôi nhọ chân lý mà mình đã học biết để dễ phạm tội hơn. Ngoài ra, còn sự trợ giúp của ân sủng, mà đối nghịch lại là sự ghen tương vì ân sủng của người anh em, khi mà không những ta đố kỵ về cá nhân của người anh em mà còn ghen tương về sự tiến triển của ân sủng nơi họ.

3°  Về phía tội lỗi, có hai điều giúp cho con người tránh khỏi tội lỗi. Một là sự rối loạn và xấu xa của hành vi, khiến cho ta mỗi khi nghĩ tới nó thì thống hối về tội đã phạm. Đối lại là tính ngoan cố, hàm ngụ quyết tâm sẽ không thống hối. Hai là khi nhận ra sự hão huyền và ngắn ngủi của điều mà ta tìm kiếm trong tội lỗi, như thánh Phaolô (Rm 6,21) đã nói: Anh em đã rút được hoa trái nào từ điều mà anh em ngày nay phải hổ thẹn? Việc suy xét này thường giúp cho ý chí không cố chấp trong tội lỗi; đối lại là sự cố chấp khi con người khẳng định sự dốc quyết phạm tội.

(Summa Theol. II-II, q. 14, a. 2)

[1] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đề cập đến điểm này ở số 1864.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here