SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – TỪ LỄ BA NGÔI ĐẾN LỄ THÁNH TÂM 1

0
82

Bài 1. HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA NƠI CON NGƯỜI

Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài (St 1,27).

I

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nhất là nhờ bản tính có trí tuệ của mình, nhờ đó con người có thể bắt chước Thiên Chúa. Thế nhưng bản chất có trí tuệ bắt chước Thiên Chúa ở chỗ Ngài hiểu biết và yêu mến mình. Từ đó, hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người có thể được nhìn từ ba khía cạnh:

1° Xét như là con người có khả năng tự nhiên để biết và mến Chúa; khả năng này gắn liền với bản tính con người có trí tuệ, và do đó hiện hữu trong tất cả mọi người.

2° Xét như là con người, hoặc bằng hành vi hoặc bằng tập quán, biết và mến Chúa, tuy còn bất toàn. Theo nghĩa này, hình ảnh được hiểu như hòa hợp với Thiên Chúa, và phát sinh do ân sủng.

3° Xét như là con người, qua một hành vi liên tục, biết và mến Chúa cách hoàn hảo; theo nghĩa này hình ảnh phát sinh từ việc giống Thiên Chúa trong vinh quang. Dựa trên câu thánh vịnh (4,7) Lạy Chúa, ánh sáng tôn nhan Ngài chiếu tỏa trên chúng con, sách Chú giải phân biệt ba cấp độ hình ảnh, đó là: sự tạo dựng; sự tái tạo dựng, sự giống như. Cấp thứ nhất ở trong tất cả mọi người; cấp thứ hai chỉ có nơi những người công chính, còn cấp thứ ba chỉ có nơi các phúc nhân.

(Summa Theol., I q. 93, a. 4)

II

Hình ảnh của Thiên Chúa ở trong ta nhất là khi ta biết và mến Chúa. Thụ tạo có trí năng thì giống Thiên Chúa xét vì nó có trí tuệ, cho nên giống Thiên Chúa hơn các loài thụ tạo khác và bao hàm các thụ tạo khác.

Khi nói đến việc giống Thiên Chúa, thì ta càng gần với Thiên Chúa khi ta hiểu biết Ngài trong hiện thực hơn là qua một kiến thức thông thường hoặc tiềm năng, bởi vì Thiên Chúa luôn ở trong hiện thực hiểu biết mình. Và khi chúng ta thực hiện hành vi trí tuệ, thì việc giống với Thiên Chúa diễn ra khi chúng ta hiểu biết chính Thiên Chúa, bởi vì một khi biết Thiên Chúa thì chúng ta biết tất cả mọi sự khác.

(Summa Contra Gentiles,lib. III, c. 23)

Như vậy, hình ảnh Thiên Chúa được hiểu trước hết về các hành vi, theo nghĩa là khi hiểu biết điều gì trong tư tưởng, thì nảy ra một lời nội tại, và kế đó phát sinh tình yêu. Kế đến, nó được hiểu theo các quan năng và các tập quán, xét vì các hành vi được hiện hữu cách tiềm thể trong các tập quán.

(Summa Theol., I pars, q. 93, a. 7)

III

Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người có thể bị xóa nhòa đến độ hầu như không tồn tại nữa, tựa như nơi những người không biết sử dụng lý trí, hoặc bị lu mờ và méo mó, tựa như nơi các tội nhân, hoặc trở nên trong sáng tựa như nơi các người công chính.

(Summa Theol, I pars, q. 93, a. 8, ad 3m)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here