Bài 1. THÁNH LINH QUY HƯỚNG CHÚNG TA ĐẾN THIÊN CHÚA
I
Đặc trưng độc đáo nhất của tình bạn là trao đổi chuyện trò với người bạn. Việc chuyện trò của con người với Thiên Chúa được thể hiện qua sự chiêm ngắm, như thánh Tông đồ đã nói: Sự chuyện trò của chúng ta ở trên trời. Cũng như Thánh Linh giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa, cho nên chính Ngài giúp chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa, theo lời thánh Phaolô (2 Cr 3,18): Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.
II
Một đặc trưng nữa của tình bạn là cảm thấy hạnh phúc trước sự hiện diện của người bạn và vui thích vì những cử chỉ và hành động của người bạn, và tìm thấy nơi đó niềm an ủi trong mọi nỗi lo lắng. Vì thế, lúc buồn phiền, chúng ta chạy đến người bạn để tìm sự an ủi. Thế nhưng, xét vì Thánh Linh là Đấng biến chúng ta thành những bạn hữu của Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa ngự trong ta và ta ở trong Thiên Chúa, cho nên nhờ Thánh Linh mà chúng ta được hân hoan trong Thiên Chúa và được an ủi trong những thử thách và gian nan. Chính vì thế Chúa Kitô gọi Thánh Linh là Paraclitus, Đấng an ủi.
III
Cũng vậy, một đặc trưng của tình bạn là chiều theo những ước muốn của người bạn. Thế nhưng ý muốn của Thiên Chúa được biểu lộ nơi các mệnh lệnh của Ngài. Bởi thế yêu mến Thiên Chúa là thi hành các mệnh lệnh của Ngài. Vì Thánh Linh là Đấng làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa, cho nên Ngài cũng hướng chúng ta đến việc tuân giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa.
IV
Tuy nhiên, nên lưu ý là các con cái Thiên Chúa được Thánh Linh dẫn dắt như là những người con cái, nghĩa là những con người tự do chứ không phải là như những nô lệ. Người tự do là người hành động do ý mình; điều gì hành động trái nghịch với ý muốn thì không còn được làm một cách tự do nữa nhưng như là nô lệ. Thánh Linh hướng chúng ta đến việc thi hành cách tự nguyện, vì thế Ngài giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Các con cái được Thánh Linh hướng dẫn để hành động tự do, vì yêu mến chứ không vì sợ sệt như các nô lệ. Vì thế thánh Phaolô viết: “Anh em đã không nhận một tinh thần nô lệ để rơi vào sự sợ hãi; những anh em đã nhận được một tinh thần con cái thảo hiếu” (Rm 8,15)
(Summa contra gentiles, IV, 22)