NHỮNG LỜI CẦU KHẨN CHÚA THÁNH THẦN TRONG SÁCH LỄ ROMA

0
667

(Trích: Phan Tấn Thành, Lời với Thiên Chúa, tập II, trang 267-283)

Nhằm chuẩn bị lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các lời nguyện nhập lễ trong VII Phục sinh trình bày những điểm căn bản về vai trò của Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội cũng như của mỗi tín hữu. Đây là một nguồn hữu ích để học hỏi giáo lý về Thánh Thần và nhất là khẩn nài  ơn Ngài trợ lực.

Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa ban sức mạnh Thánh Thần cho chúng con, để chúng con hằng nhận ra thánh ý và sống sao cho đẹp lòng Chúa suốt đời. Chúng con cầu xin…

 Lời nguyện xin Chúa Cha ban sức mạnh của Thánh Thần. Thánh Thần được nhìn như là “sức mạnh” (hoặc quyền năng: virtus), dựa trên các đoạn văn Cv 10,38; Lc 24,49. Sách Tông đồ công vụ trình bày việc Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ như gió mạnh (Cv 2,2) để trao sứ vụ giống như khi Ngài đáp xuống trên Đức Kitô ở sông Giođan.

Hội Thánh cũng xin được sức mạnh Thánh Thần (x. Rm 15,3), ngõ hầu có khả năng thi hành ý Chúa (x. Ed 36,27; Gr 31,31-34), và sống đẹp lòng Chúa, như những chứng nhân của tình yêu.

Thứ Ba sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin Chúa cử Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng con, để Người biến đổi chúng con thành đền thờ vinh quang của Người. Chúng con cầu xin…

Tư tưởng chính của lời nguyện hôm nay là “đền thờ Chúa Thánh Thần” dựa trên các đoạn văn Tân ước chẳng hạn: “Thân thể anh em là đền thờ của Chúa. Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong anh em hay sao?” (x. 1 Cr 6,19 ; Ga 14,17)

Tân ước nhiều lần nói đến Thánh Thần cư ngự trong chúng ta (Rm 8,9-11), biến đổi chúng ta thành đền thờ sống động (x. Ed 37,27; Lv 26,12; Ep 2,21-22), bởi vì chúng ta là những viên đá sống động (Rm 5,5; 8,15; Gl 4,6; 1 Pr 2,4-5) của Hội Thánh, trong đó vinh quang Thánh Thần ngự trị. Đn 3,5 ca lên: “Chúc tụng Thiên Chúa trong thánh điện vinh quang của Ngài” (x. Is 6,1tt; Ed 1-2). Không chỉ mỗi tín hữu được thánh hóa để trở nên đền thờ Thánh Thần, nhưng toàn thể Hội Thánh cũng trở nên đền thờ, nghĩa là dấu chỉ sự thánh thiện của Thiên Chúa (2 Cr 6,16-17).

Thứ Tư sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, Chúa đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh; xin cho cộng đoàn tín hữu chúng con đem hết nhiệt tình phụng sự Chúa và luôn luôn hiệp nhất cùng nhau. Chúng con cầu xin…

 Lời nguyện này nói đến tác động của Thánh Linh trong Hội Thánh, được hiểu như đoàn dân được quy tụ nhân danh Đức Kitô. Duy Thánh Linh mới có thể tập hợp những con cái bị phân tán (x. Mt 23,37). Thánh Linh quy tụ các tín hữu để họ hội họp nhau nhân danh Đức Kitô (x. Mt 18,20), và làm cho Đức Kitô hiện diện. Tin mừng Gioan đã giải thích ý nghĩa của cái chết của Đức Giêsu là để quy tụ nhân loại nên một (Ga 11,51-52). Thần học ngày nay coi Thánh Linh như là nguyên ủy của sự thông hiệp trong Hội Thánh, hợp nhất trong đa dạng, cũng như Ngài là nguyên ủy của sự hiệp thông giữa sự khác biệt của Tam vị (2 Cr 13,13).

Lời nguyện xin Thánh Linh ban cho Hội Thánh được hợp nhất giữa những khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, giống như vào thuở ban đầu, Hội Thánh sống “một lòng một ý” tuy thuộc về nhiều sắc tộc khác nhau.

Thứ Năm sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi lòng chúng con, giúp chúng con ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa như những người con thảo. Chúng con cầu xin…

 Lời nguyện hôm nay chỉ xin Chúa Cha tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, chứ không nói rõ ơn gì. Điểm nhấn ở chỗ “tuôn đổ” (infusio), nghĩa là đổ tràn ngập (x. Cv 2,18.33; Tt 3,6; Gl 3,1-2; Dc 12,10), tựa như một cơn mưa to lớn (x. Is 32,15).

Lời nguyện ước mong các ơn Chúa Thánh Linh sẽ thực hiện ba điều: 1/ biến đổi trái tim, theo như tư tưởng của Ed 36,26-27 (đặt trái tim bằng thịt thay thế trái tim bằng đá); 2/ giúp cho sống đẹp lòng Chúa (dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô khi đối chiếu giữa những hoa trái của Thánh Linh với những việc làm của xác thịt ở Gl 5,16-25); 3/ sống như những người con thảo (Thánh Linh giúp chúng ta sống hiếu thảo với Thiên Chúa như là con cái với cha, chứ không như nô lệ: Gl 4,6-7).

Thứ Sáu sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tôn vinh Ðức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng con, xin cũng làm cho chúng con thêm lòng tin kính để phụng sự Chúa tận tình. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện mở đầu với việc nhắc lại hồng ân trọng đại của mầu nhiệm Phục sinh, đó là Đức Kitô được “tôn vinh” (glorificatio: x. Cv 3,13), được trao chìa khóa nước trời (Kh 1,18), đã chiến thắng sự chết (1 Cr 15,54-57). Tin mừng thánh Gioan cũng gắn liền việc Đức Kitô bị treo lên thập giá với việc tôn vinh (Ga 8,28; 12,33; x. 17,1-4). Đồng thời mầu nhiệm Phục sinh cũng có nghĩa là sự “chiếu sáng” (illuminatio) của Thánh Linh, Đấng được cử đến để kiện toàn công trình mạc khải của Đức Kitô, giúp cho các môn đệ hiểu thấu chân lý (Ga 16,14; 15,26; 1 Ga 5,6).

Trong phần khẩn cầu, Hội Thánh xin hai điều: một là tăng thêm đức tin (augmentum fidei), hai là tiến triển trong lòng tận tình phụng sự (devotio).

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh

Ngày thứ bảy hôm nay có hai bài lễ: một bài lễ ban sáng tiếp tục tuần thứ VII Phục sinh, và bài lễ ban chiều là Vọng lễ Hiện xuống.

Trong bài lễ buổi sáng, lời nguyện nhập lễ không nhắc đến Chúa Thánh Thần như là trong suốt tuần qua, mà chỉ đề cập đến đề tài Phục sinh. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần lại nhắc đến trong lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ. Dĩ nhiên, tất cả ba lời nguyện của lễ Vọng đều hướng đến biến cố Ngũ Tuần.

Thánh Lễ ban sáng

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho chúng con được hoan hỷ sống trọn mùa Phục Sinh này; xin Chúa cũng ban ơn giúp chúng con biết ăn ở thế nào để chứng tỏ Ðức Kitô đã đổi mới chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Động lực của lời nguyện này là kết thúc Mùa Phục sinh. Mùa Phục sinh kéo dài từ lễ Phục sinh cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, tức là 50 ngày. Tuy nhiên, trong các sách thế kỷ đầu, người ta không nói đến “mùa Phục sinh” (tempus paschale) nhưng chỉ có một lễ Phục sinh (paschalia festa) kéo dài suốt 50 ngày.

Lời nguyện bày tỏ niềm hân hoan vì đã sống trọn mùa Phục sinh. Tuy nhiên, dù mùa phụng vụ qua đi, nhưng khi bước phần khẩn nài, Giáo hội cầu xin cho tinh thần của mầu nhiệm này được duy trì suốt đời, qua nếp sống của con người mới mà Chúa Phục sinh đã mang lại (Cl 3,1-4).

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần là Ðấng đem lại ơn tha tội ngự xuống lòng chúng con, để Người chuẩn bị chúng con cử hành lễ tế này. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện này mang hình thức một kinh khẩn nài (epiclesis), xin Chúa Cha cử Thánh Linh xuống tâm hồn các tín hữu để chuẩn bị cử hành xứng đáng lễ tế này. Tác động của Thánh Linh được mô tả như là “mang lại ơn tha tội”, được nói đến nhiều lần trong Tân ước (x. Cv 2,38-39; 13,38; Mt 26,28). Trong bối cảnh chuẩn bị dâng lễ, Hội Thánh xin Thánh Linh thanh luyện và đổi mới tâm hồn, ngõ hầu chúng ta tiếp xúc mầu nhiệm thánh với tâm hồn trong trắng và với đức tin sống động.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã đưa chúng con từ giao ước cũ bước vào giao ước mới; xin đừng để chúng con ra hư hỏng vì tội lỗi, nhưng xin thương cử Chúa Thánh Thần đến biến đổi hồn xác chúng con. Chúng con cầu xin…

Đối với người Do thái, lễ Ngũ Tuần tưởng nhớ việc ban hành giao ước trên núi Sinai. Đối với các Kitô hữu, lễ Ngũ tuần tưởng nhớ việc Thánh Linh được ban cho Hội Thánh, tượng trưng cho giao ước mới mà ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo (Gr 31,33), một giao ước không viết trên bia đá nhưng được khắc trong tâm khảm con người. Giao ước đã được thiết lập trong máu Đức Kitô. Thánh Linh được cử đến để giúp chúng ta giữ luật mới trong tinh thần yêu mến con thảo chứ không như nô lệ.

Lời nguyện hiệp lễ mang hình thức một kinh khẩn nài (epiclesis), xin Chúa Cha cử Thánh Linh đến với Giáo hội, để giúp cho các tín hữu thực sự trở nên những con người mới, sống tinh thần của giao ước mới, giao ước của tình yêu.

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Thánh lễ vọng

Thánh lễ này cử hành chiều thứ Bảy, trước hoặc sau kinh Chiều I Chúa Nhật Hiện Xuống

Lời nguyện nhập lễ

Sách Lễ đề nghị hai mẫu thức.

I. Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn chúng con dành trọn năm mươi ngày để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Xin tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần. Ðể các dân tộc trên thế giới, tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Trong phần động lực, chúng ta gặp thấy hai thuật ngữ chuyên môn để ám chỉ ngày lễ hôm nay.

– Thứ nhất là “mầu nhiệm Vượt qua”. Nguyên bản Latinh paschale sacramentum, có thể hiều là “mầu nhiệm” nhưng cũng có hiểu là “bí tích”, nghĩa là một dấu chỉ hữu hình nhằm thông chuyển ơn thánh vô hình. Việc cử hành hôm nay được liên kết với cuộc Phục sinh của Đức Kitô nhưng cũng có thể bao gồm cả cuộc tử nạn nữa (bí tích Vượt qua). Lễ Phục sinh được gọi là bí tích vì mang lại cho ta ân sủng, tức là sự thánh hóa.

– Thứ hai là con số “Năm mươi”. Con số 50 không mang nhiều biểu tượng như là số 40. Trong Cựu ước, lễ 50 được cử hành hàng năm, đúng bảy tuần sau khi gặt (Lv 23,15-22; Ds 28,26-31). Như vậy đây là một lễ của văn hóa nông nghiệp, nhằm tạ ơn Thiên Chúa vì hoa màu ruộng đất. Lễ này cũng được lễ “Các Tuần” (x.Tb 2,1; 2Mc 12,31-32). Về sau, lễ Ngũ tuần được cử hành 50 ngày sau lễ Vượt qua, để tưởng niệm việc công bố giao ước trên núi Sinai. Ngoài ra còn có lễ Năm thứ 50 được gọi là năm toàn xá (Lv 25,10)..

Dù sao, điều quan trọng mà lời nguyện muốn nêu bật là hiện tượng được thuật lại ở sách Tông đồ công vụ, chương 2 câu 1-11. Vào lễ Ngũ tuần của dân Do thái, Thánh Linh đã đáp xuống trên các môn đệ dưới hình lưỡi lửa, và họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác. Trong tiếng Latinh lingua (cũng như langue trong tiếng Pháp) vừa có nghĩa là lưỡi vừa có nghĩa là ngôn ngữ. Các môn đệ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau để loan báo Tin mừng và chúc tụng danh Chúa. Theo các giáo phụ, đây là hiện tượng trái ngược với tháp Babel. Hồi đó, các ngôn ngữ khác biệt gây ra sự bất đồng, khiến cho loài người không thể hiểu nhau (St 11,1-9). Còn bây giờ thì khác, các ngôn ngữ khác biệt là dấu chỉ của sự phong phú đa dạng trong việc rao giảng Lời Chúa và tuyên dương những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện.

Từ đó, trong phần khẩn cầu, Hội Thánh xin Chúa Cha tiếp tục thực hiện phép lạ ấy, ngõ hầu muôn dân nước sẽ hợp nhất với nhau trong đức tin và đức mến, giữa sự đa dạng của các ngôn ngữ và văn hóa.

II. Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho ánh huy hoàng rực rỡ của Chúa là chính Ðức Kitô, giãi sáng trên chúng con. Và xin ban sức mạnh của Thánh Thần làm cho tâm hồn con cái Chúa, đã được tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, ngày càng thêm bền vững trung kiên. Chúng con cầu xin…

Mẫu thức trên đây nhắc đến biến cố Ngũ Tuần. Mẫu thức thứ hai chú trọng đến bí tích Thánh Tẩy. Nên biết là trong quá khứ, các dự tòng lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh. Tuy nhiên, nếu ai bị ngăn trở vào dịp ấy thì có thể lãnh các bí tích trong buổi cử hành Vọng lễ Ngũ tuần. Lời nguyện này gồm hai lời khẩn cầu.

Thứ nhất là xin cho ánh huy hoàng của Đức Kitô giãi sáng trên chúng con. Đề tài ánh sáng của Dức Kitô được phụng vụ nhắc đến nhiều lần trong năm phụng vụ, chẳng hạn vào dịp lễ Giáng sinh, dựa trên trình thuật Tin mừng Luca (2,9) và tự ngôn Tin mừng Gioan (Ga 1,4-9), lễ Chúa hiển dung dựa theo các trình thuật Tin mừng (Mt 17,1-8; Mc 9,2-8); Lc 9,28-36). Ý tưởng đó cũng được nhắc đến trong lễ Ngũ tuần, cách riêng đối với các tin hữu nhận các bí tích khai tâm.

Ý nguyện thứ hai nhắc đến Thánh Linh, không chỉ bởi vì hôm nay là lễ Hiện xuống mà còn vì bí tích thêm sức nữa. Bản dịch tiếng Việt chỉ nói là “xin ban sức mạnh Thánh Thần làm cho tâm hồn…thêm bền vững trung kiên”. Nguyên bản Latinh nói rõ là “Sancti Spiritus illustratione confirmat: xin cho ánh sáng của Thánh Linh đến củng cố các tâm hồn”. Bí tích Thêm sức củng cố tâm hồn những người đã được rửa tội. Cách riêng, Hội Thánh xin ánh sáng Thánh Linh để giúp cho tín hữu đào sâu thêm nội dung đức tin cũng như cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa qua dòng lịch sử.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cử Thánh Thần đến thánh hoá những của lễ chúng con dâng. Và nhờ những của lễ này, xin cho Giáo Hội sống trọn tình yêu mến hầu trở nên dấu hiệu cho muôn dân nhận biết ơn cứu độ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện tiến lễ khẩn nài ba điều. Thứ nhất, xin cử Thánh Linh đến thánh hóa các lễ vật dâng tiến. Ý tưởng này tương tự như lời khẩn nài (Epiclesis) trong các kinh nguyện Tạ ơn. Thứ hai là xin cho Hội Thánh sống trọn tình yêu mến. Chúng ta dễ liên tưởng đến quang cảnh trong nhà Tiệc Ly, khi các môn đệ đồng tâm nhất trí cầu nguyện cùng với Đức Maria. Thứ ba, xin cho Hội Thánh trở nên bí tích cứu độ cho muôn dân. Công đồng Vaticanô II so sánh Hội Thánh với “bí tích cứu độ” (LG 48), tức là dấu chỉ và công cụ của ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, như xưa Chúa đã ban cho các Tông Ðồ Chúa những ơn kỳ diệu của Thánh Thần, giờ đây, nhờ thần lương chúng con vừa lãnh nhận, xin cho lòng chúng con cũng cháy lửa yêu mến của Thánh Thần. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện hiệp lễ tóm lại các ý nguyện đã được nói trong các lời nguyện trên đây. Sau khi đã ôn lại những kỳ công Chúa đã thực hiện trong lễ Ngũ tuần đầu tiên của Kitô giáo, thì bây giờ xin Chúa cũng tiếp tục cho biến cố ấy được tái diễn, đặc biệt là lửa yêu mến của Đấng phát xuất từ tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Thánh lễ chính ngày

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin…

Phần động lực của lời nguyện đương nhiên là biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, được trình bày như là “thánh hóa Hội Thánh”. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Việt đã bỏ sót vài từ ngữ tiếp theo, đó là “giữa mọi dân nước” (in omni gente et natione sanctificas), làm nêu bật chiều kích phổ quát của Hội Thánh. Trước đây, “dân Thiên Chúa” chỉ giới hạn vào một dân tộc Israel; còn ngày nay, Dân mới được mở rộng ra cho tất cả các dân tộc. Chiều kích phổ quát này cũng được nhắm tới khi đề cập đến sứ vụ rao giảng Tin mừng. Hội Thánh được thánh hóa và trở thành dụng cụ chuyển thông ơn thánh cho nhân loại.

Phần khẩn cầu nói đến hai chân lý quan trọng.

Thứ nhất, lời nguyện nhắc nhở rằng chúng ta không chỉ tưởng niệm biến cố xảy ra cách đây hai ngàn năm ở Giêrusalem, nhưng chúng ta cử hành “hôm nay”, như là một thực tại đương thời. Hội Thánh Chúa tiếp tục công trình đã bắt đầu vào lúc khai nguyên.

Thứ hai, xin đổ ơn Chúa Thánh Thần trên khắp cùng thế giới. Trong quá khứ, mỗi lần nói đến các ơn Chúa Thánh Thần, người ta thường nghĩ đến bảy ơn được gợi lên ở đoạn Is 11,1-3 (cao minh và thâm hiểu, minh luận và dũng mạnh, minh luận và kính sợ, hiếu thảo). Ngày nay, thần học có khuynh hưởng mở rộng thêm danh mục các ân huệ ấy, đặc biệt khi nghĩ đến các đoàn sủng (charisma) thiên hình vạn trạng. Mặt khác, lời nguyện nhắm đến các nhu cầu của Hội Thánh và nhân loại (trên khắp cùng thế giới) chứ không nghĩ đến các cá nhân tín hữu. Dù sao, thần học từ thời Trung cổ (thánh Tôma Aquinô) đã nói đến hai thứ ân sủng: một đàng là các ơn thánh hóa tâm hồn (gratum faciens), cách riêng nhờ bảy nhân đức và bảy ân huệ vừa nói; đàng khác là các ơn nhằm đến nhu cầu của cộng đoàn (gratia gratis data).

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà cử Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con tới chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện này mang hình thức giống như một kinh khẩn nài (epiclesis): xin Chúa Cha cử Thánh Thần xuống trên Hội Thánh.

Phần động lực dựa trên lời hứa của Đức Giêsu, được thánh Gioan ghi lại trong bài giảng từ biệt: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21); “Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến” (Ga 16,13).

Phần khẩn cầu xin hai điều: Thứ nhất là xin Thánh Linh đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ. Thứ hai là hướng dẫn chúng ta đến chân lý vẹn toàn. Điều thứ nhất giới hạn vào lãnh vực phụng tự. Điều thứ hai thì rộng hơn, bao gồm tất cả những gì Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại.

Trong lãnh vực phụng tự, chúng ta có thể hiểu theo một nghĩa rộng, về phụng tự mới, trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,23-24), hoặc theo một nghĩa hẹp về hy tế của Đức Kitô: Người đã hiến mình như hiến lễ vô tì tích nhờ Thánh Linh (Hr 9,14), và Hội Thánh cũng được mời gọi dâng chính mình làm hy lễ thiêng liêng sống động (Rm 12,1-3; 8,26-27; Ep 5,18; 1 Pr 2,1-10; Kh 22,17-20).

Điều xin thứ hai muốn nói đến sứ mạng của Thánh Linh là dẫn Hội Thánh đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16,13), nghĩa là giúp chúng ta hiểu sâu hơn mạc khải của Đức Kitô.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Bản chất của lời tiền tụng là tạ ơn. Động lực của việc tạ ơn hẳn nhiên là lễ Ngũ tuần đang cử hành, tức là lễ Ngũ tuần, được mô tả qua nhiều khía cạnh khác nhau:

Trước hết, lễ này được đặt trong toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua: được hiểu theo nghĩa hẹp là bí tích Phục sinh; theo một nghĩa rộng, bao gồm cả cuộc Tử nạn nữa, bắt đầu từ Mùa Bốn Mươi (Mùa Chay).

Bản văn này được soạn để cảm tạ Thiên Chúa vì những người vừa lãnh các bí tích khai tâm trong dịp lễ này; đó là lý do nhắc đến “những người được nhận làm nghĩa tử” (x. Rm 8,14-17; Gl 4,4-7).

Tuy nhiên, khi lùi lại nguồn gốc xa hơn của lễ phụng vụ, lời tiền tụng nhắc đến biến cố xảy ra vào lúc khai sinh Hội Thánh (x. Cv 11,15), được đánh dấu bởi hai tác động của Thánh Linh. Thứ nhất là ơn ngôn ngữ (Cv 2,5-11), được hiểu như là mạc khải cho muôn dân sự hiểu biết về Thiên Chúa là Cha (x. Mt 11,27; Ga 14,26; 16,12-13), tương tự như việc mạc khải “Torah” trên núi Sinai xưa kia cho dân Israel (x. Xh 19-20). Tác động thứ hai của Thánh Linh là phục hồi lại sự hợp nhất của nhân loại đã bị phá vỡ do tội lỗi (x. St 11,l-11). Từ nay sự khác biệt về ngôn ngữ đã thắng vượt nhờ việc tuyên xưng đức tin duy nhất.

Biến cố Ngũ tuần được tái diễn “hôm nay” qua việc trao ban Thánh Thần, khiến cho trời đất đều tràn ngập niềm vui. Hội Thánh dưới trần thế hợp với triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã rộng ban cho Giáo Hội những hồng ân cao cả là Thần Khí và bánh bởi trời; xin bảo toàn ơn Chúa tặng ban, để Thần Khí Chúa luôn tác động mạnh mẽ trong đời sống chúng con, và bánh bởi trời ban sinh lực giúp cho người thế đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời nguyện này kết thúc Thánh lễ và cũng kết thúc mùa Phục sinh, vì thế ra như muốn tóm lại nòng cốt của các buổi cử hành để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Thực ra trong các bản văn phụng vụ hôm nay, Điệp ca Magnificat kinh chiều II cung cấp cho ta một tổng hợp súc tích hơn: “Hôm nay là ngày lễ Ngũ Tuần, Alleluia. Hôm nay Chúa Thánh Thần lấy hình lửa hiện xuống với môn đồ, ban cho họ những hồng ân đặc biệt, sai họ đi rao giảng, và sai họ làm chứng khắp trần gian; ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được ơn cứu độ. Alleluia”. Ta có thể coi đây như là động lực của lời nguyện.

Trong phần khẩn cầu, Hội Thánh xin ba điều, tương ứng với Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Thứ nhất, xin bảo toàn ơn Chúa ban tặng.

– Thứ hai, xin Thánh Linh trở nên sức mạnh cho chúng ta.

– Thứ ba, xin cho bí tích Thánh Thể tăng thêm ơn cứu độ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here