SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 28

0
143

28. CON SỐ CÁC MỐI PHÚC

Một vài người cho rằng hạnh phúc nằm ở ba điều: đời sống khoái lạc, đời sống hoạt động, và đời sống chiêm niệm. Vì thế Chúa đã đặt ra một vài mối phúc để hủy bỏ ngăn trở của hạnh phúc khoái lạc.

I

Đời sống khoái lạc cốt ở hai điều:

1. Thứ nhất, sự phong phú của cải bên ngoài, hoặc là sự giàu có, hoặc là các danh vọng. Nhờ nhân đức, con người tránh khỏi các sự ấy bằng cách chỉ sử dụng chúng cách điều độ; nhưng nhờ ân huệ, con người tránh khỏi các điều ấy cách tuyệt hảo hơn đến nỗi hoàn toàn khinh dể chúng. Do đó mối thứ nhất: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”; điều này có thể hiều về khinh dể sự giàu có, hoặc với sự khinh dể các danh vọng chức quyền nhờ đức khiêm nhường.

2/ Thứ hai, đời sống khoái lạc cũng cốt tại đi theo các đam mê của mình, các đam mê của nộ dục hoặc các đam mê của tham dục. Nhân đức giữ chúng ta khỏi đi theo các đam mê nộ dục bằng cách khiến chúng ta theo qui tắc của trí năng mà không để mình bị chúng lôi cuốn. Còn ân huệ đạt được hiệu quả này một cách hoàn hảo, vì làm cho con người hoàn toàn chế ngự chúng, từ đó có mối phúc thứ hai: “Phúc thay ai hiền lành”.

Nhân đức giữ chúng ta lại không đi theo các đam mê tham dục bằng cách sử dụng chúng cách có chừng mực. Nhưng ân huệ giữ chúng ta lại không theo các đam mê tham dục bằng cách hoàn toàn từ bỏ chúng tất cả; và hơn nữa, nếu cần thiết, chúng ta chấp nhận sự tang tóc. Do đó mối phúc thứ ba: “Phúc thay ai sầu khổ”

II

 Về đời sống hoạt động chủ yếu cốt tại các sự giúp đỡ chúng ta làm cho người khác, hoặc bằng nghĩa vụ hoặc bằng lòng hảo tâm tự ý. Về điểm thứ nhất, nhân đức sắp đặt chúng ta không từ chối trả lại cho kẻ khác điều chúng ta mắc nợ họ, điều này thuộc về nhân đức công bình. Nhưng ân huệ xúi giục chúng ta làm việc đó một cách có cảm tình hơn, ngõ hầu chúng ta hoàn thành các công việc công bình với sự ước muốn tâm thành hơn kẻ đói và khát hăng hái ước muốn ăn uống. Do đó có mối phúc thứ bốn: “Phúc thay ai đói khát sự công chính”.

Còn về các vật tự ý ban tặng, thì nhân đức làm chúng ta được hoàn bị bằng cách ban tặng cho những kẻ mà lý trí ra lệnh phải cho, chẳng hạn như các bạn hữu, các người thân thiết với chúng ta. Điều này thuộc về đức độ lượng. Còn ân huệ Chúa Thánh Thần thì, do lòng tôn kính đối với Thiên Chúa, nhìn đến sự thiếu thốn của những tha nhân khiến ta ban tặng hoàn toàn không công. Do đó có lời ghi chép: “Khi người dọn bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời bạn hữu anh em… nhưng hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què đui…” (Lc 14,12-13), điều này là riêng của lòng thương xót. Do đó có mối phúc thứ năm: “Phúc thay ai xót thương người”.

III

Còn các điều thuộc về đời sống chiêm niệm thì hoặc đó là chính hạnh phúc cuối cùng, hoặc đó là khởi đầu của hạnh phúc cuối cùng: vì thế người ta không đặt chúng vào các mối phúc như là công đức nhưng như là phần thưởng. Người ta đặt các hiệu quả của đời sống chiêm niệm, nhờ đó con người được chuẩn bị vào đời sống chiêm niệm. Mà hiệu quả của đời sống hoạt động đối với các nhân đức và các ân huệ mà do đó con người được làm hoàn hảo trong chính mình, đó là sự trong sạch tâm hồn làm cho linh hồn không bị làm ô uế bởi các đam mê. Do đó có mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch

Còn về phần các nhân đức và các ân huệ mà do đó người ta trở nên hoàn hảo đối với kẻ khác, thì hiệu quả của đời sống hoạt động là sự bình an, theo lời ghi chép: “Công việc của nhân đức công bình là sự bình an” (Is 32,17). Và do đó có mối phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình”.

 (Summa Theol. I-II, q. 69, a. 3)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here