So Sánh Hai Biến Cố Giao Ước Trung Tâm Trong Cựu Ước Và Tân Ước

0
1310


Học Viện Đaminh

 

DẪN NHẬP

Trong lịch sử cứu độ, chúng ta bắt gặp hai biến cố lớn nói lên tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Hai biến cố xuất hiện trong hai khoảng thời gian khác nhau, nhưng đều thể hiện được một nội dung: Thiên Chúa giải cứu con người khỏi vòng nô lệ. Hai biến cố mà chúng ta đang nói đến, đó là biến cố Xuất Hành trong Cựu Ước, Thiên Chúa giải cứu dân Itraen ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập; biến cố còn lại nói đến việc Thiên Chúa dùng chính Con Một của Người giải cứu nhân loại khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết, đó chính là biến cố Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh. Với hai biến cố quan trọng này, chúng ta sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người một cách tiệm tiến, đi từ một dân tộc đến toàn thể nhân loại, từ  việc dùng một người phàm đến chỗ dùng chính Con Một của Thiên Chúa. Để có thể so sánh hai biến cố này, chúng ta cùng lược qua những khái niệm từ ngữ được hiểu theo quan niệm của Kitô giáo. Kế đến, chúng ta cùng nhìn lại các sự kiện đã diễn ra trong từng biến cố, để có thể thấy rõ diễn tiến của từng biến cố. Sau cùng, chúng ta cùng đọc ra ý nghĩa của từng biến cố, để thấy được mối tương quan của hai biến cố này trong hành trình Thiên Chúa cứu độ dân người.

I. KHÁI NIỆM TỪ NGỮ

1. Xuất Hành

Danh từ Hy Lạp exodos có nghĩa là lối “ra” và từ đó chỉ “động tác đi ra, khởi hành”. Thánh Kinh dùng chữ đó đặc biệt để chỉ việc dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, hoặc theo một nghĩa rộng hơn để chỉ cuộc hành trình dài đằng đẵng suốt 40 năm đưa họ từ Ai Cập vào Đất Hứa qua hoang địa (xac 3,7-10) mà sách Ngũ Thư có thuật lại các giai đoạn khác nhau. Trong tâm tưởng Do Thái và Kitô Giáo, biến cố trên đây trở thành khuôn mẫu và bảo chứng cho mọi cuộc giải phóng do Thiên Chúa thực hiện để nâng đỡ dân Ngài.

2. Phục Sinh

Theo Thánh Kinh, toàn thể con người với thân phận hiện tại đều rơi vào quyền lực thần chết : linh hồn sẽ  bị giam trong shêol, còn thân xác sẽ thối rữa trong mồ. Nhưng đó chỉ là tình trạng tạm thời vì nhờ hồng ân Thiên Chúa con người sẽ sống lại như trở dậy từ lòng đất nên họ đã an nghỉ, thức dậy từ giấc ngủ mà họ đã thiếp đi. Được hình thành ngay trong cựu ước, ý niệm này đã trở nên trung tâm điểm của đức tin và niềm hy vọng Kitô Giáo từ khi chính Đức Kitô sống lại với tư cách là trưởng tử trong những kẻ chết.

II. NHỮNG SỰ KIỆN CỦA HAI BIẾN CỐ

1. Biến Cố Xuất Hành

Biến cố xuất hành là một biến cố trọng đại đối người Do Thái, đánh dấu một thời ký mới trong hành trình lịch sử của dân tộc này. Đối với họ, đây là dấu chỉ lớn nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện để chứng tỏ tình thương là sự tín trung của Người dành cho họ. Thế nhưng, không phải trong tích tắc mà Người đã thực hiện xong ngay biến cố này, nhưng đòi hỏi dân Ítraen phải trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn phải giữ được trung thành thì biến cố này mới đi đến kết quả sau cùng. Chúng ta cùng tìm hiểu một vài sự kiện chính mà dân Do Thái đã phải trải qua trong biến cố này.

1.1. Lễ Vượt qua trong biến cố Xuất Hành

Mùa xuân trọng đại đối với người Do Thái là mùa xuân mà Thiên Chúa quan phòng can thiệp liên tục để giải phóng họ khỏi ách Ai Cập. Trong những lần can thiệp đó, tại họa thứ mười là hiển hách nhất: tiêu diệt các con đầu lòng Ai Cập. Trước khi tai họa này xảy đến, con cái  Ít-ra-en được chỉ thị ăn lễ vượt qua được diễn tiễn như: ăn thịt chiên nướng với bánh không men, thắt lưng, đi dép, cầm gậy. Nhưng cần thiết hơn cả là người Itraen được tiên báo, họ phải lấy máu chiên bôi lên cửa nhà mình, để không bị tai hoạ của Thiên Chúa giáng xuống trên đầu. Chỉ với sự kiện này thôi thì dân Itraen đã nhớ mãi tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Hơn thế nữa, điều quan trọng của lễ Vượt qua là trùng hợp với việc giải phóng người Itraen khỏi Ai Cập. Cho đến bây giờ, người DoThái vẫn còn mừng lễ này hằng năm để kỷ niệm việc dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai- cập.

1.2. Đi qua Biển Đỏ

Với tai họa sau cùng, vua Ai-cập phải nhượng bộ và cho dân đi về xứ Ca-na-an, tức là Đất hứa. Thế nhưng vì sự nuối tiếc sau đó, nhà vua đã cho kỵ binh dùng xe ngựa đuổi theo. Dân Ít-ra-en bị kẹt: phía sau là quân đội Ai-cập, phía trước là Biển Sậy, có lẽ là một nhánh của Biển Đỏ. Họ sợ và kêu trách Môsê, nhưng ông đã tin chắc vào quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho gió thổi mạnh, đẩy nước biển lùi xa và dân Ít-ra-en  đi qua được lòng biển khô cạn. Đến sáng, quân Ai-cập đuổi theo qua lối đó, nhưng nước biển ập lại nên binh mã bị xô ngã và cuốn đi.

Sách Xuất Hành kể lại việc đi qua Biển Đỏ bằng thể văn anh hùng ca để đề cao quyền năng của Thiên Chúa và sức mạnh của lòng tin.  Bài ca đặt trên miệng Môsê và toàn dân sau khi được cứu thoát, cũng có một cảm hứng hùng hồn để ca tụng quyền năng Giavê giúp đỡ che chở dân. Trong suốt Cựu ước, sự kiện đi qua Biển Đỏ được coi như một chứng tích xán lạn trong việc quan phòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và là một bảo đảm cho mọi ơn cứu thoát về sau.

1.3. Đi trong sa mạc

Qua biển đỏ, dân Ít-ra-en đi về hướng núi Xi-nai. Theo một truyền thống cổ trong Ki-tô giáo, đó là một vùng núi đá hiểm trở, giữa có xen vào những thung lũng sâu, những khe núi chật hẹp khô cằn, đôi khi có một mạch nước. Trên đường đi, dân đói nên lẩm bẩm kêu trách. Thiên Chúa ban cho họ chim cút và nhất là man-na. Tại vùng Xi-nai có một thứ bọ ăn nhựa một thứ cây rồi tiết ra một chất đông lại thành những hạt nhỏ có vị ngọt. Kinh thánh lấy đó để nhắc bảo dân phải tín nhiệm phó thác vào sự săn sóc che chở của Chúa mỗi ngày.

1.4. Đi về đất hứa

Sau khi dân ở núi Xi-nai chừng một năm, Mô-sê lại đưa dân lên đường qua sa mạc về đất Ca-na-an, đất Gia-vê đã hứa cho tổ phụ họ. Cuộc hành trình đáng lẽ không lâu quá ít tháng, lại đã kéo dài gần bốn mươi năm. Cuộc hành tình này có hai ý nghĩa: một mặt dân đã thiếu lòng tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa nên đã phạm tội lẩm bẩm kêu trách; mặt khác Chúa vẫn thương xót, Ngài tha thứ và săn sóc dân . Ta nói qua về hai chặng đường chính trong cuộc hành trình:

1.4.1. Từ núi Xi-nai đến Ca-đê

Từ núi Xi-nai, dân đi thẳng lên phía Bắc theo lối gần nhất về xứ  Ca-na-an. Đến Ca-đê, Mô-sê cho người vào do thám xứ đó. Sau bốn mươi ngày họ trở về đem theo hoa trái địa phương và nói rằng đất đó rất phì nhiêu, nhưng họ cũng cho biết là dân xứ ấy rất mạnh. Dân lại nổi loạn kêu trách Mô-sê. Do tội này, Thiên Chúa kết án tất cả những người từ hai mươi tuổi trở lên sẽ phải sống và bỏ xác trong sa mạc, chỉ con cái họ mới  được vào Đất Hứa. Vì thế, dân Ít-ra-en phải sống đến gần bốn mươi năm ở vùng Ca-đê, phía nam xứ  Ca-na-an.

1.4.2. Từ Ca-đê đến bờ sông Gio-đan

Sau thời gian sống ở Ca-đê, Mô-sê lại đưa dân về Đất Hứa nhưng không phải vào từ phía Nam mà từ phía Đông. Họ phải đi vòng xuống phía Đông Nam để tránh dân Ê-đôm, rồi từ đó đi ngược lên phía Bắc. Ít-ra-en đánh chiếm được một vùng phía Đông sông Gio-đan, rồi xuống đóng trại ở đồng bằng Mô-áp, nghĩa là thung lũng ở phía Đông sông Gio-đan, phía Bắc Biển Chết.

Người xứ Mô-áp mời Ba-la-am, một phù thủy ở phương xa, đến để nguyền rủa Ít-ra-en.  Nhưng thay vì nguyền rủa, Ba-la-am lại chúc phúc cho Ít-ra-en, vì Thiên Chúa ở giữa dân Ngài và là nguồn phúc lành cho dân. Ba-la-am lại còn tiên báo Đa-vít và dòng dõi vua chúa của ông: “Tôi trông thấy nó, nhưng không phải cho bây giờ, tôi ngó thấy nó, nhưng không phải gần đây; một tinh tú mọc lên từ Gia-cóp, một vương trượng dấy lên từ Ít-ra-en”.

Đến đây nhiệm vụ của Mô-sê sắp chấm dứt. Ông đã dẫn dân từ Ai-cập đến ngưỡng của Đất Hứa. Giờ đây ông chia cho một số chi tộc phần đất đã chiếm được ở phía Đông sông Gio-đan. Ông qui định lại luật pháp cho dân (sách Đệ Nhị Luật được coi như chép lại những lời của ông về việc này), và truyền lại cho Giô-suê quyền lãnh đạo dân.

Từ đồng bằng Mô-áp, Mô sê lên đỉnh núi Nê-bô ở phía Đông Bắc Biển Chết và từ đó đưa mắt nhìn sang Đất hứa, nơi ông đã ngưỡng vọng từ lâu, nhưng lại không được vào. Rồi ông từ trần, “và từ đấy không bao giờ Ít-ra-en có một vị ngôn sứ như Mô-sê, mà Gia-vê quen biết mặt đối mặt” (Đnl 34).

2. Thương Khó Và Phục Sinh

Để có biến cố trọng đại này, hẳn nhiên phải khởi đi từ việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chấp nhận thân phận của con người. Tuy nhiên, cao điểm của biến cố này khởi đi từ việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem như một vị quân vương, nhưng không phải để cai trị mà là vị quân vương của hoà bình. Và từ đó, Người phải trải qua nhiều sự kiện, để rồi hoàn tất bằng việc Người trỗi dậy từ trong cõi chết. Chúng ta cùng tìm hiểu những nét chính trong biến cố này.

2.1.Thương Khó

Trình thuật thương khó của Chúa Giêsu được bắt đầu bằng việc Người lên Giêrusalem và thanh tẩy đền thờ, và kết thúc bằng việc Người bị treo trên Thập giá như một tên tử tội (Mt 21-27). Những điểm nổi bật trong trình thuật thương khó của Chúa Giêsu mà chúng ta có thể thấy là:

2.1.1. Đức Giêsu trong bữa tiệc cuối cùng

Trong thời gian lễ vượt qua, Chúa Giêsu dùng những lời nói và hành động để thay đổi dần dần ý nghĩa ngày lễ. Như thế, chúng ta có lễ Vượt qua của Người Con duy nhất, Người ở lại trong cung thánh đền thờ, vì Người biết đó là nhà của Cha Người.

Phúc âm Nhất Lãm mô tả bữa ăn sau cùng của Chúa Giêsu như là bữa ăn Vượt qua: bữa tiệc được tổ chức trong khuôn thành Giêrusalem, nhưng đó là bữa ăn của lễ vượt qua mới. Chúa Giêsu liên kết việc lập phép Thánh thể vào lễ nghi làm phép bánh và rượu; khi cho ăn thịt mình và uống máu mình, Người diễn tả cái chết của mình như là hy lễ vượt qua mà chính Người là con chiên mới. Và như vậy, “bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thiết lập sẽ là lễ tưởng niệm hy tế của Người. Người hội nhập các tông đồ vào trong lễ hiến dâng của Người và yêu cầu họ lưu truyền hy lễ này mãi mãi” (GLHTCG, 661).

2.1.2. Chúa Giêsu bị đóng đinh

Đây là giờ phút cao điểm trong trình thuật thương khó của Chúa Giêsu. Hình ảnh này đã được tiên báo trước trong biến cố Xuất Hành, khi mà ông Môsê cho treo con rắn đồng trong sa mạc, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên đó thì được sống. Chúa Giêsu bị treo trên thập giá để từ đây, nếu ai tin vào Người thì được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta cũng có thể nói, “Chúa Giêsu chịu chết vừa là hy tế Vượt qua hoàn tất việc cứu độ chung cuộc loài người, vừa là hy tế của giao ước mới cho con người hiệp thông lại với Thiên Chúa” (GLHTCG, 613).

2.2. Phục Sinh

Biến cố Phục sinh của Đức Kitô là nền tảng của Kitô giáo: “Nếu Đức Kitô không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” và “những người an nghỉ… cũng tiêu vong” (1 Cr 15,14.17). Hơn nữa, “biến cố phục sinh được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý trung tâm, được truyền thống lưu truyền như chân lý căn bản, được các văn kiện Tân ước xác lập, được rao giảng như phần chủ yếu của mầu nhiệm vượt qua và thập giá” (GLHTCG, 638). Vậy đâu là những lời chứng cho biến cố này ? Chúng ta có thể lược qua một vài sự kiện để có thể thấy được niềm tin của chúng ta là có cơ sở chắc chắn.

2.2.1.Những trình thuật về ngôi mộ trống

Đoạn trình thuật về ngôi mồ trống đáng để chúng ta lưu ý tới. Sự kiện này đều được ghi lại trong bốn Tin mừng. Cả bốn Tin mừng đều kể lại kinh nghiệm của các phụ nữ tại mồ của Đức Giêsu vào sáng ngày phục sinh. Các bà đã chứng kiến một cảnh tượng: xác Thầy không còn trong mồ, chỉ còn lại những dây băng được xếp ngăn nắp (Mt 28, 6; Mc 16, 6; Lc 24, 6; Ga 20, 2). Trong bài giảng ngày Hiện xuống (Cv 2, 27-32), tông đồ Phêrô đã ám chỉ đến sự kiện ngôi mồ trống; còn với tông đồ Phaolô thì điều đó được nhắc đến trong câu 1Cr 15,4 – “mai táng, rồi sống lại”. “Tự nó, sự kiện này không phải là bằng chứng trực tiếp. Việc thân xác Chúa Giêsu không còn trong mồ có thể được giải thích cách khác. Dầu vậy, mọi người vẫn coi ngôi mộ trống là dấu chỉ chủ yếu. Việc phát hiện ngôi mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận sự kiện Chúa sống lại” (GLHTCG, 640).

2.2.2.Những trình thuật về các cuộc hiện ra

Các bài trình thuật này phát xuất từ hai truyền thống lâu đời: Truyền thống các cuộc hiện ra ở Giêrusalem, và truyền thống các cuộc hiện ra ở Galilê. Theo Mác-cô, Thiên thần bảo các phụ nữ hãy đi nói với các môn đệ và đặc biệt là với Phêrô là phải đi Galilê: họ sẽ được nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh ở đó (Mc 16,7). Đối với Luca, Giêrusalem là một trung tâm quan trọng trong thần học của ông về lịch sử cứu độ. Trong bài trình thuật của Gioan, sự liên kết trở thành chặt chẽ hơn: Đức Giêsu phục sinh hiện ra với Maria Mađalêna ngay bên mồ (Ga 20,14-17). Sau đó, Chúa hiện ra cho các Tông đồ hai lần tại Giêrusalem (Ga 20,19-29). Người cũng hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, và sai hai ông về báo lại cho các tông đồ. Cuối cùng Người hiện ra với các ông tại Galilê, bên hồ Tibêria (21,1-23). Trong 1Cr 15, thánh Phaolô kể ra sáu lần Chúa Giêsu hiện ra: trước tiên là với Phêrô và cuối cùng là với chính Phaolô. Và như vậy, “tất cả những gì đã xảy ra trong dịp lễ Vượt qua đó thôi thúc các tông đồ, đặc biệt là Phêrô, ra sức xây dựng một kỷ nguyên mới đã bắt đầu từ sáng ngày phục sinh. Với tư cách là chứng nhân của Đấng phục sinh, họ là những viên đá của nền móng Hội Thánh Người” (GLHTCG, 642).

2.2.3.Cuộc lên trời của Đức Giêsu

Trong phần cuối Tin mừng Maccô, việc lên trời được nhắc tới ngay sau khi Đức Giêsu  phục sinh hiện ra với các Tông Đồ trong phòng tiệc ly: “Vậy sau khi đã nói xong với họ, Chúa Giêsu được đưa về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19). Theo Tin mừng Gioan thì việc lên trời xảy ra sáng ngày phục sinh. Khi hiện ra với Maria Mađalêna, Đức Giêsu nói: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17). Tin mừng của Luca chỉ dẫn rõ thời gian và nơi chốn của việc lên trời, xảy ra vào buổi chiều ngày sống lại, sau khi Đức Giêsu hiện ra với các Tông đồ trong phòng tiệc ly: “Sau đó Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì người rời khỏi các ông và được đưa lên trời (Lc 24,50-51). Trong sách Công vụ Tông đồ thì biến cố lên trời lại xảy ra 40 ngày sau khi sống lại (Cv1, 2-3): “Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông và có đám mây tiếp đón Người, che khuất mắt các ông. Và đang khi các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời ? Đức Giêsu, Đấng vừa được siêu thăng xa cách các ông, cũng sẽ ngự đến như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 9-11).

III. Ý NGHĨA CỦA HAI BIẾN CỐ

Trong lịch sử cứu độ, việc đọc ra ý nghĩa của từng biến cố có thể được coi là một việc quan trọng nhất. Chúng ta không nhắm đến những trình thuật trong Kinh thánh có đúng với thực tế của lịch sử hay không, nhưng điều chúng ta phải quan tâm là, qua những sự kiện, Thiên Chúa muốn nói với dân người điều gì. Trong phần này, xin được nêu lên những ý nghĩa của từng biến cố, có thể còn thiếu xót, nhưng cũng muốn đóng góp một cái nhìn cho hai biến cố này.

1. Biến Cố Xuất Hành Trong Cựu Ước

Dân Israel bị áp bức quá đỗi nên họ đã kêu khóc lên Thiên Chúa để xin Người cứu giúp họ. Thiên Chúa xót thương và nghe tiếng khóc than của họ. Chính Người tỏ bày ra với họ bằng cách dẫn đưa họ thoát khỏi ách nô lệ của người Ai cập. Thiên Chúa đã bày tỏ bằng một Thiên Chúa tình yêu và tự do. Người đã đi vào lịch sử của dân Người là giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Pharaô và đưa họ ra khỏi Ai cập.

Đây là biến cố xuất hành đầu tiên nhằm mở đường cho cuộc xuất hành mới của Đức Kitô bằng cái chết và phục sinh trong thời tân ước. Đây cũng là ý nghĩa sâu rộng nhất của Thiên Chúa mặc khải cho con người. Chính nhờ ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và loài người mà con người được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách thống trị và nô lệ của Ai cập. Mặc dù đã gặp phải bao thử thách, trở ngại của vua Pharaô, nhưng Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng và sự bao dung đối với con người. Nhờ bàn tay của ông Môsê mà Thiên Chúa đã giáng xuống người Ai cập đủ thứ tai ương để có thể giải thoát dân. Nhưng phải đến tai ương thứ mười, đó là giết chết các con đầu lòng Ai cập (Xh 11,5), thì Thiên Chúa mới thực hiện được lời hứa của mình. Biến cố “Vượt qua” của Thiên Chúa như để lại dấu ấn mai sau cho con cháu tưởng nhớ: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai cập, từ loài người cho đến loài vật, và sẽ trị tội chư thần Ai cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các người sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày này: đó là luật quy định cho đến muôn đời. (Xh 12, 12-14). Bằng cách tỏ bày quyền năng một cách lạ lùng như thế, Thiên Chúa đã cứu dân Israel thoát khỏi một đế quốc hùng mạnh nhất thời đó. Hơn nữa, trên hành trình đi về đất hứa, Ngài còn đưa họ qua Biển Đỏ, nuôi sống họ trên sa mạc (bánh Manna, chim cút, nước từ tảng đá). Không những đó là những dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa – “Các ngươi thấy… Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với ta” (Xh 19,4) – mà còn bằng chứng Người muốn cứu độ Israel: “Các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta” (Xh, 19,5). Qua những biến cố đó, chứng tỏ Thiên Chúa luôn luôn đồng hành và sẵn sàng cứu giúp họ.

Điều quan trọng nhất là cuộc vượt qua đã trở thành lễ tưởng niệm cuộc xuất hành, một biến cố trọng đại trong lịch sử, nhắc lại việc Thiên Chúa đã trừng phạt người Ai cập và đã dung thứ những người trung thành với Ngài (Xh 12,26). Đồng thời, ý nghĩa Vượt qua này cũng mang một ý nghĩa sâu sắc là thử thách dân tôc Israel. Cuộc sống trên sa mạc là cơ hội rèn luyện sống tự do. Đây là giai đoạn giáo dục từng bước có thuận lợi mà cũng có đối kháng (x. Ds 14). Thiên Chúa đã dùng những hình phạt để nhắm họ đến cộng đoàn chứ không phải cá nhân: từ đây nẩy sinh một thế hệ mới, đó là lý do kéo dài thời gian lưu lạc trong sa mạc 40 năm. Từ biến cố vượt qua đầy ý nghĩa này, hàng năm dân tộc Israel hiện tại hoá sự giải phóng trong cuộc xuất hành bằng nhiều nghi lễ vượt qua khác như: lễ Vượt qua mùa xuân, lễ Vượt qua và Bánh Không Men…

Sự thật là tình thương giải thoát của Thiên Chúa được minh chứng rõ ràng và mạnh mẽ theo phương cách kỳ diệu khi Người sai chính con một là Đức Giêsu Kitô đến để thực hiện hành động lòng vị tha và hy sinh tính mạng bằng cái chết trên thập giá vì nhân loại để cứu độ con người và khỏi chết đời đời. Thật vậy, biến cố Vươt qua sau cùng của Đức Giêsu mang một ý nghĩa lớn lao cho con người là Vượt qua sự chết, chiến thắng kẻ thù là ma quỷ để vinh quang Phục sinh

Thiên Chúa đã hành động chống lại đau khổ và bất công. Người đã dùng quyền năng và sức mạnh của mình để giải thoát dân Người khỏi sự đau khổ. Như dân riêng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ tự do và công chính, đặc biệt là những người nghèo và đói rách ở trong xã hội chúng ta. Chúng ta được mời gọi để sống một cuộc đời giản dị, không tìm kiếm sự xa hoa mà xa lìa tình yêu của Thiên Chúa. Nếu chúng ta được ban nhiều của cải thì chúng ta cũng phải có bổn phận chia sẻ cho những ai túng nghèo. Đây là việc làm bác ái hướng về một xã hội tốt đẹp hơn mà nơi đó người nghèo đói luôn bị đẩy ra lề xã hội.

2. Biến Cố Thương Khó Và Phục Sinh Của Chúa Giêsu

Với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta dễ dàng nhận ra những ý nghĩa gắn liền với biến cố này như sau:

2.1. Thương khó

Cái chết của Chúa Giêsu làm một cuộc giải phóng. Cuộc giải phóng này đụng tới tất cả các yếu tố tha hóa đang tác động trong con người và trên thế giới. Cái chết của Ngài còn tạo nên một trật tự mới cho các sự vật sắp sửa dậy men và bộc lộ. Giải phóng toàn diện khỏi tất cả hình thức tha hóa đã thành thể chế. Giải phóng khỏi đau khổ, hận thù, chết chóc và chủ nghĩa thờ luật lệ đến độ phạm tội chống lại Thiên Chúa. Cái chết của Chúa Giêsu đã đổ máu đào ra để rửa sạch các tội lỗi do con người đã tạo nên mà cụ thể là máu của Aben xưa kia đã đổ xuống đất làm dơ đất.

Các tông đồ lúc đầu đã chẳng thấy một ý nghĩa cứu độ nào nơi cái chết của Chúa Giêsu. Diễn từ của Phêrô trong sách công vụ nêu rõ tình hình đó: “Con người ấy, anh em đã bắt và đã dùng bàn tay những kẻ gian ác đóng đinh vào thập giá cho đến chết nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài phục sinh” (Cv 2, 23-36). Phải đợi đến khi Chúa Giêsu phục sinh, các ông mới hiểu rõ hơn cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là hai thời điểm của cùng một hành động cứu độ. Cái chết của Chúa Giêsu từ đó được giải thích như là sự tha tội cho chúng ta. Ý nghĩa toàn cục của đời sống và cái chết của Chúa Giêsu nằm ở chỗ Ngài đã chịu đựng tới cùng cuộc chiến cơ bản của cuộc đời con người. Ngài đã tiếp tục muốn hoàn thành ý nghĩa tuyệt đối của thế giới trước mặt Thiên Chúa, mặc dầu có sự thù ghét, sự hiểu lầm, sự phản bội và việc kết án tử hình.

Trong một bài thơ nổi tiếng của Bonhoeffer đã bộc lộ rất hay ý nghĩa sâu xa của cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu đối với đời sống Kitô hữu. Người đời đến với Chúa trong cảnh ngặt nghèo mà xin trợ giúp, xin hạnh phúc và xin bánh, xin cho được cứu khỏi bệnh tật, lỗi lầm và sự chết. Người đời đến với Chúa trong cảnh ngặt nghèo, gặp thấy Ngài nghèo đói, bị khinh chê, không nơi náu thân, không có bánh ăn. Gặp thấy Ngài ngập chìm trong biển tội, yếu đuối và sự chết, người Kitô hữu ở với Thiên Chúa trong nỗi thương khó. Thiên Chúa đến với mọi người trong cảnh ngặt nghèo, Thiên Chúa cho no thỏa về phần xác và phần hồn bằng bánh của Ngài. Vì Kitô hữu, Thiên Chúa chịu cái chết trên thập giá, và ơn thứ tha của Ngài là dành cho mọi người, cả Kitô hữu và lương dân.

2.2. Phục sinh

Phục sinh đã phục hồi danh dự cho Chúa Giêsu trước mắt thế giới. “Viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường” (Mc 12, 10). Trước mắt thế gian, cái chết của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài trở thành một con người bị Thiên Chúa bỏ rơi. Niềm tin mà các tông đồ đặt nơi Ngài đã tiêu tan. Nhưng nhờ sự phục sinh của Ngài, các tông đồ đã bạo dạn tuyên bố trước mặt người Do Thái : “Các ông đã bắt Ngài và đã đem Ngài đi giết chết… nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại từ trong kẻ chết “ (Cv 2,23).

Với Chúa Giêsu sống lại, nước Thiên Chúa đã bắt đầu. Lời khẳng định đó là xác quyết mạnh mẽ của Giáo Hội sơ khai (Mt 28,1-15; Mt 27,51-52). Sự sống lại của Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta: “Một khi được giương lên cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Đức Kitô được tôn phong là Chúa, là Con Thiên Chúa và là Thượng tế vĩnh cửu: “ Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” ( Cv 2, 36). Sự phục sinh của Chúa Kitô làm nảy sinh Hội Thánh: “ Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh” ( Ep 1, 22). Đấng Phục Sinh mang đến cho Israel ơn hối cải và tha tội: “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và tha tội” (Cv 5, 31). Đấng Phục Sinh giải thoát con người khỏi tội và ban ân sủng cho họ: “Đức Giêsu Kitô chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để ta được giải án tuyên công” ( Rm 4, 25). Đức Kitô thâu họp đoàn chiên  ở ngoài về cùng một ràn với Israel để thông chia cùng một đời sống trong yêu thương: “Tôi hy sinh tính mạng cho đoàn chiên… Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này, Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16). Sau khi phục sinh, mọi vạn vật phải quy phục dưới chân Đức Giêsu ( Ep 1, 19-23). Thân thể Đức Kitô phục sinh là đền thờ Giêrusalem mới: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây lại” (Ga 2, 20). Đức Kitô Phục Sinh đổi mới tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người, chính Người là giao điểm các mối tương quan để từ đây mọi người phải qua Ngài để được cứu độ: “Ngoài Người ra, không ai mang lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó  mà được cứu độ” ( Cv 4, 12). Đức Kitô Phục Sinh bộc lộ tính thiên sai của Ngài là có quyền trên các ơn sủng thiên hình vạn trạng của Thần Khí: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống” ( Cv 2, 33).

IV. SO SÁNH ĐÔI NÉT VỀ HAI BIẾN CỐ

Với những gì trình bày ở trên, chúng ta đã có được một cái nhìn tổng quát về hai biến cố trọng đại này trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con cái Người. Hơn nữa, khi đọc qua các phần, chúng ta cũng đã có được một sự so sánh nào đó giữa các sự kiện và ý nghĩa của hai biến cố. Trong phần này, coi như là phần chính của đề tài, nhưng chỉ xin tóm lại những điểm ngắn gọn với những ý chính để dễ bề so sánh giữa hai biến cố.
 

  Cuộc Xuất Hành Trong Cựu Ước Thương khó – phục sinh của Chúa Giêsu
Sự kiện – Lễ vượt qua của dân – Lễ vượt qua của Chúa Giêsu
– Hình ảnh con rắn đồng treo lên trong sa mạc – Đức Giêsu Kitô bị chịu treo trên cây thập giá
– Cuộc vượt qua biển Đỏ và sa mạc – Cuộc vượt qua của Chúa Giêsu
– Về tới đất hứa – Mầu nhiệm phục sinh
Ý
nghĩa
– Giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai Cập – Giải thoát con người  khỏi tội lỗi và sự chết
– Thử thách lòng tin của dân Itraen vào Gia vê Thiên Chúa – Ai tin vào Con Thiên Chúa thì sẽ được cứu thoát
– Thiên Chúa dùng ông Môsê để cứu dân Itraen thoát khỏi sự thống trị của Pharaô – Thiên Chúa dùng chính Con Một của Người để cứu nhân loại.
– Thiên Chúa luôn đồng hành với dân – Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
– Giao ước cũ dành cho Ít-ra-en – Giao ước mới cho toàn thể nhân loại
– Ông Môsê là trung gian giữa dân Ít-ra-en với Thiên Chúa – Đức Giêsu là trung gian giữa nhân loại và Thiên Chúa.
– Nhờ máu chiên, các con đầu lòng Ít-ra-en được cứu – Thiên Chúa dùng chính máu của Con Một Ngài mà cứu thoát nhân loại
– Trao cho dân vương quốc là Giêrusalem cũ – Trao ban vương quốc vĩnh cửu là Giêrusalem mới trên trời
– Phục hồi danh dự cho dân Ít-ra-en trước mặt dân ngoại – Phục hồi danh dự cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người.


TẠM KẾT

Hai biến cố diễn ra trong hai thời điểm khác xa nhau về mặt thời gian. Thế nhưng, chúng ta có thể nhận ra rằng, trong lịch sử cứu độ, thì biến cố thứ nhất trong Cựu Ước chính là hình ảnh tiên báo về biến cố thứ hai sẽ xảy ra trong Tân Ước. Biến cố thứ nhất chỉ nói đến một dân tộc duy nhất được tuyển chọn trong Cựu Ước, nhưng chính là hình ảnh toàn thể nhân loại sẽ được sát nhập vào trong một nhiệm thể duy nhất là Hội thánh của thời Tân Ước. Nhân vật chính trong biến cố thứ nhất của thời Cựu Ước chỉ là một con người, nhưng lại chính là hình ảnh của Con Thiên Chúa trong thời Tân Ước. Cứ như vậy, chúng ta sẽ có được một cái nhìn tổng quát hơn về diễn tiến của lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện một cách tiệm tiến trong cuộc đời của mỗi người và của toàn thể nhân loại.

Cuối cùng và cũng là quan trọng hơn cả, mỗi người chúng ta có đọc ra được ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc đời, để kết hiệp với biến cố chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu hay không? Bởi lẽ, chỉ khi nào chúng ta liên kết cuộc đời của mình vào trong biến cố chịu chết và phục sinh của Chúa Giêsu, thì chúng ta mới có cơ may nhận ra lịch sự cứu độ của Thiên Chúa vẫn đang từng ngày được thực hiện trong cuộc đời của chúng ta.