Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 38

0
277

Ngay 4 tháng 1

SỰ TRINH KHIẾT CỦA ĐỨC MARIA

I

Chúng ta phải xác tín mà không do dự rằng Thân mẫu Đức Kitô vẫn trinh khiết khi sinh hạ Người;  bởi vì ngôn sứ không chỉ nói: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai” mà còn thêm vào “và sẽ hạ sinh một người con trai”. Điều này thật là phù hợp vì ba lý do sau:

1/ Đầu tiên, xét đến bản tính của Người được sinh ra, tức là Lời của Thiên Chúa. Đối với chúng ta, lời không bị vấy bản không chỉ được cưu mang trong tâm trí mà còn phát ra khỏi tâm trí. Vì thế, để cho thấy rằng Thân Thể Người là Thân Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, thì việc Người được sinh ra bởi một trinh nữ vẹn tuyền là điều hợp lý. Trong tuyên bố của Công Đồng Êphêsô mà chúng ta đã đọc: “Người phụ nữ sinh hạ một xác phàm thì không còn là trinh nữ. Nhưng khi người phụ nữ sinh hạ Lời Thiên Chúa thành xác phàm, thì đã được giữ gìn trinh khiết, ngõ hầu bày tỏ Người thực sự là Lời Của Chúa. Vì như lời của chúng ta đâu làm vấy bẩn đầu óc? Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng hữu chấp nhận hạ mình được sinh ra cũng không phá hủy sự trinh khiết của mẹ mình.”

2/ Lý do phù hợp thứ hai được rút từ mục tiêu của việc Đức Kitô Nhập Thể. Thật vậy, Người đến để xóa bỏ sự hư hỏng của chúng ta. Vì thế, thật là không hợp lý khi sinh ra, Người lại làm hư hỏng sự trinh khiết của Mẹ Người. Thánh Augustinô đã nói trong một bài giảng lễ Giáng Sinh: “Đấng đến để chữa lành sự hư hỏng thì không thể nào làm hư hỏng sự trong trắng do sự sinh hạ của mình.”

3/ Thứ ba, thật là phù hợp khi Đấng dạy chúng ta phải tôn kính cha mẹ đã không làm giảm sự tôn kính thân mẫu của mình khi được sinh ra.

Người vừa muốn chứng tỏ thân xác của mình thực sự là con người, nhưng đồng thời Người cũng muốn biểu lộ thiên tính của mình. Vì thế Đức Kitô đã kết hợp nhiều điều cao vời với những điều bé mọn. Để cho thấy rằng, thân xác của Người là thật, Người đã được sinh ra bởi một người phụ nữ; nhưng để cho thấy thiên tính của Người, Người đã được sinh ra bởi một trinh nữ. Thánh Ambrôsiô viết: “Duy chỉ cách thức sinh hạ như vậy mới phù hợp với Thiên Chúa. Và vì vậy, Đức Trinh Nữ đã không cảm thấy đau đớn khi sinh hạ Đấng Cứu Chuộc. Vì việc đau đớn khi sinh con là do việc cung lòng mở ra để em bé ra đời. Thánh Bênađô đã  viết “Đức Kitô sinh ra không làm tổn hại đến cung lòng được thánh hóa của người mẹ. Cung lòng ấy là cửa đã được thánh hóa.” Vì thế, việc sinh hạ sẽ không đau đớn mà là niềm vui lớn nhất bởi vì việc Thiên Chúa được sinh vào trần thế, trở thành một con người. Điều này dựa theo sách Isaia: “Trái đất tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò.” (Is 35,2).

II

Đức Maria vẫn trinh khiết sau khi sinh Đức Kitô.

Ngôn sứ Edêkiel đã viết (44,42): “Cửa này sẽ đóng; người ta sẽ không mở và không ai được đi qua cửa này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, đã tiến vào qua cửa ấy.”

Chú giải về những lời trên, thánh Augustinô đã nói trong bài giảng về sự truyền tin cho Đức Maria như sau: “Cánh cửa trong nhà của Thiên Chúa đã đóng có nghĩa là gì nếu không phải là việc Đức Maria luôn được nguyên tuyền? Những lời ‘không một người nào có thể đi qua cửa đó’ có nghĩa là gì nếu không phải ông Giuse không ăn ở với Đức Maria? Và việc ‘chỉ một mình Thiên Chúa đi vào và đi ra qua cửa ấy’ nghĩa là gì, nếu không phải là việc Thánh Linh làm cho Đức Maria mang thai, và Chúa Tể của các Thiên Thần được sinh ra bởi Mẹ? Và việc ‘cửa sẽ đóng lại mãi mãi’ nghĩa là gì nếu không phải là việc Đức Maria trinh khiết trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh?

Ai nói ngược lại là sai lầm phạm đến sự hoàn hảo của Đức Kitô. Về Thiên tính, Người là Con Một của Chúa Cha, hoàn hảo trong mọi sự; vì thế Đức Kitô cũng phải là con duy nhất của Mẹ mình, là hoa trái  hoàn hảo nhất của Mẹ.

(ST III, q. 28, a. 2 và 3)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here