Tìm Hiểu Các Ngụy Thư

0
6637


Linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái

Giáo sư Thánh Kinh Đại Chủng Viện Thánh Quý, cần Thơ

 

DẪN NHẬP

I. NGỤY THƯ LÀ GÌ?

Nguyên ngữ hy lạp “Apochrypha“có nghĩa là “những điều được che dấu”.

– Trước hết nó chỉ những quyển sách bí mật của các giáo phái trong đó chứa đựng những mặc khải dành riêng cho tín đồ của giáo phái mình. Những sách theo nghĩa này luôn bị Giáo Hội cấm đọc vì chúng chứa đựng những giáo thuyết sai lạc, không hợp với đức tin và giáo huấn của Đức Kitô.

– Nhưng chữ đó cũng chỉ những quyển sách không được Giáo Hội nhìn nhận là có tính linh ứng và do đó không được cho vào trong bảng liệt kê những Sách Thánh. Theo nghĩa này, có nhiều quyển hàm chứa những giáo thuyết rất lành mạnh, do đó nhiều Giáo phụ đã sử dụng riêng tư, mặc dù không được đọc cách công khai trong những cuộc hội họp của các kitô hữu.

Chúng ta sẽ tìm hiểu các Tin Mừng ngụy thư loại thứ hai.

II. TẠI SAO CÓ NHỮNG NGỤY THƯ?

Thế kỷ thứ II là thời gian xuất hiện nhiều quyển ngụy thư nhất, vì 3 lý do sau đây: bắt bớ, tổ chức và bùng nổ.

1. Bắt bớ

Ngay từ buổi ban đầu, kitô giáo đã gặp nhiều chống đối, chính Đấng sáng lập ra nó là Đức Giêsu Kitô cũng đã từng bị giết chết kia mà. Các Kitô hữu tôn kính thánh Têphanô như vị thánh tử đạo tiên khởi (vào năm 36 hoặc 37 công nguyên : Cv 07,54-60), nghĩa là người đầu tiên của một dòng người rất dài. Sách Công vụ tông đồ còn ghi cái chết của Giacôbê con ông Giêbêđê tự là Giacôbê Tiền (Cv 12,01-02). Truyền thống cũng nhất trí rằng Phêrô và Phaolô bị giết tại Rôma dưới thời Néron vào năm 64 hoặc 67. Mười vị trong số 12 tông đồ (trừ Gioan và Giuđa) đã tử đạo trong những cuộc bắt bớ.

Thái độ thù nghịch Kitô giáo của các nhà cầm quyền cứ tiếp tục gia tăng vào cuối thế kỷ I và trong thế kỷ II. Hầu như tất cả các hoàng đế Rôma cuối thế kỷ I và trong thế kỷ II đều bắt đạo hoặc nếu có để cho đạo Kitô hoạt động thì chỉ là miễn cưỡng mà thôi : (Domitien (81-96), Trajan (98-117), Hadrien 117-138), Antonia (138-161), Marc Aurèle (161-180) và Comode (180-192). Chỉ có triều đại ngắn ngủi của Nerva là không bắt đạo.

Sự thù nghịch này không phải chỉ biểu lộ bằng việc bắt giết. Bên cạnh những vụ bắt giết còn có nhiều hình thức quấy nhiễu và những vụ chống báng do các nhà trí thức gây ra ; muốn bảo vệ đạo đa thần, họ đã gọi kitô giáo và hầu hết các tôn giáo phương đông đều là những trò dị đoan tai hại không đáng tồn tại. Celse, một người đồng thời với Marc Aurèle, là người nổi tiếng nhất trong bọn họ.

Bối cảnh thù nghịch ngấm ngầm hoặc công khai ấy đã thúc đẩy phát sinh cả một nền văn chương Kitô giáo: các kitô hữu viết để tự biện hộ cho mình. Thánh Justinô, tử đạo tại Rôma khoảng năm 165, đã viết ít ra 2 bài Biện giáo để phi bác những lời cáo buộc Giáo hội, chưa kể đến quyển Đối thoại với Tryphon trong đó có những bài biện giáo cùng đề tài nhưng là để trả lời cho một người Do thái. Cũng có nhiều bài tường thuật tử đạo, chẳng hạn Cuộc tử đạo của Polycarpo, Giám mục thành Smyrne ở Tiểu Á, bị tra khảo chết khoảng trước sau năm 170. Nhưng con đường tử đạo đã được mở ra ngay từ đầu thế kỷ II, dưới triều Trajan, bởi thánh Ignaxiô Giám mục thành Antiokia : bị tuyên án cho thú dữ phanh thây, Ngài đã mang xiềng tới Rôma và gửi những bức thư cho các cộng đoàn Kitô trong các thành mà ngài phải đi qua để báo cho họ biết vinh dự mà ngài sắp lãnh nhận. Những bức thư của Ignaxiô thành Antiokia là chứng từ về ý nghĩa của việc tử đạo.

2. Tổ chức

Chẳng những là thời kỳ bắt bớ, thế kỷ II còn là thời kỳ sắp xếp trật tự trong khi chờ đợi những nội quy chỉ sẽ có trong những thế kỷ sau. Khi đã trưởng thành thì bất cứ tôn giáo nào cũng cần được tổ chức. Trước kia, thánh Phaolô khi viết thư cho tín hữu Côrintô và Philipphê trong những năm 55-60 cũng đã dàn xếp một số vấn đề thực tế liên quan đến nếp sống của những cộng đoàn, và đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Những bức thư viết cho Titô và Timôtêô cũng chứa đựng mối quan tâm tổ chức các cộng đoàn.

Nhiều tác phẩm kitô giáo thế kỷ II cũng nhằm trả lời cho mối quan tâm đó. Một trong những sách đó mang tựa đề đầy đủ là Những chỉ dẫn của các tông đồ, nhưng thường được gọi bằng tựa đề hy lạp nói tắt : sách Didachè. Sách này được viết vào cuối thế kỷ I hoặc đầu thế kỷ II, nó là một thứ chỉ nam cho nếp sống các cộng đoàn, cách riêng là những công thức cử hành phép rửa tội và phép Thánh thể. Các nhà nghiên cứu lịch sử phụng vụ thường tham chiếu quyển này.

Cùng thời kỳ đó, nhưng dưới một hình thức một bức thư, cũng có Thư của Clément thành Rôma gửi tín hữu Côrintô. Nó giống như 2 bức thư của thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn này. Tác giả là vị Giáo hoàng thứ ba sau thánh Phêrô, viết cho các Kitô hữu ở Côrintô để dàn xếp những xung đột nội bộ mà ngài đã nghe biết. Đây không chỉ là một bức thư viết theo hoàn cảnh, mà còn là một quyển sách nói về tổ chức.

3. Bùng nổ

Ta đừng đơn giản tưởng rằng thế kỷ I là thời kỳ ổn định, hoà thuận và thống nhất, còn thế kỷ II là thời kỳ xáo trộn xung đột và chia rẽ. Những điều ta biết về các cộng đoàn kitô thời các tông đồ đã cho thấy cũng có nhiều căng thẳng và bất đồng ý kiến. Cơn khủng hoảng ở Giáo đoàn Côlossê ít lâu trước khi họ nhận được một bức thư của thánh Phaolô trong những năm 60-65 đã bắt nguồn từ cái mà ta phải gọi là một lạc thuyết.

Tuy nhiên bất đồng xảy ra nhiều nhất là trong thế kỷ II. Nhiều phong trào đã có từ những năm 80-90 khi ấy kết tinh lại thành những nhóm kình chống các giáo đoàn khác. Các nhóm kình chống nhau đã viết sách để biện hộ cho nhóm mình và công kích các nhóm khác.

Chẳng hạn những cộng đoàn kitô gốc Do thái. Họ sớm bị cô lập. Israel đã mất trung tâm của mình vào năm 70 khi thành Giêrusalem bị các đạo quân của tướng Titus chiếm. Vài thập niên sau, vào năm 135, hoàng đế Hadrien hạ lệnh trấn áp một cuộc nổi loạn thứ hai và sửa tên xứ Do thái thành Palestine.

Cũng như những người do thái tản lạc, các kitô hữu Do thái cố gắng duy trì những truyền thống của họ đang bị đe doạ. Nhằm mục đích ấy họ đã viết những tác phẩm cùng loại với các sách Tin Mừng và, để có thế giá, họ gán tác quyền cho những nhân vật chính từng rao giảng Tin mừng cho Israel như Phêrô Giáo hoàng đầu tiên và Giacôbê Giám mục đầu tiên của giáo đoàn Giêrusalem.

Lối mượn danh như thế có thể làm ta ngạc nhiên. Nhưng thời xưa có một quan niệm hoàn toàn khác với chúng ta ngày nay về tác quyền. Khi một người nào đó viết một tác phẩm mượn tên một tiền bối nổi danh thì đó là làm vinh dự cho bậc tiền bối ấy chứ không phải là mạo danh. Lối mượn tên tác giả (pseudépigraphie) là thông dụng thời ấy.

Lan rộng hơn những kitô hữu do thái, trào lưu ngộ đạo cũng viết nhiều sách. “Phái ngộ đạo” là những phong trào có rất nhiều trong thế kỷ II, họ cố gắng làm một sự tổng hợp giữa kitô giáo, triết lý hy lạp và những thuyết huyền bí phương đông. Những nhóm này khác nhau về tư tưởng và tổ chức nhưng cùng chung ước vọng đạt tới ơn cứu rỗi bằng con đường hiểu biết (tiếng hy lạp là gnôsis. Chữ Hán gọi là Ngộ) điều này đi ngược với điều Phaolô quả quyết là : Người ta chỉ được cứu rỗi trong Đức Giêsu mà thôi.

Sách vở của thuyết ngộ đạo rất nhiều, những quyển xưa nhất có từ đầu thế kỷ II. Chúng gồm nhiều sách Tin Mừng trong đó một vài quyển mượn tên các tông đồ, và nhiều quyển bàn về những đề tài khác nhau. Chúng ta biết chúng nhiều hơn những sách của các kitô hữu do thái, nhất là từ năm 1945 là năm người ta đã tìm được ở Nag Hamadi miền Thượng Ai Cập cả một thư viện của phái này với 80 tác phẩm.

Thế kỷ II cũng có nhiều lạc thuyết khác nữa, chẳng hạn thuyết Marcion mang tên một tư tế gốc ở Pont thuộc mạn Nam Biển Đen rao giảng tại Rôma khoảng năm 150. Marcion chủ trương có sự đối nghịch giữa Thiên Chúa của Cựu ước với Thiên Chúa của Tân ước. Để biện hộ những chủ trương của mình, ông đã lọc lựa các sách Kitô giáo mà ông biết để chỉ chọn lại 10 bức thư của Phaolô và một phần Tin Mừng Luca. Theo ông, chỉ 11 tác phẩm này mới là giáo thuyết đích thức của kitô hữu.

Khoảng 20 năm sau, xuất hiện ở Tiểu Á một loại thuyết khác, đó là thuyết Montan được lập bởi Montan là người trước khi trở lại đã là một tư tế của một thần linh ngoại được tôn kính ở phương đông, có lẽ là thần Cybèle. Ông tự cho mình là Chúa Thánh Thần nhập thể và loan báo sắp tới tận thế.

Không thể kết thúc hoàn cảnh Giáo hội thế kỷ II với những sách được viết ra thời đó mà không nhắc lại một tên đã được nói ở trước, đó là Tatien, một người rao giảng ở Syrie. Để giúp tín hữu mình hiểu biết về Đức Giêsu Nadaret, ông đã tổng hợp 4 sách Tin Mừng lại thành một và gọi nó là Diatessaron. Và dĩ nhiên, cùng thời với tiếng nói của những người ở bên lề Giáo hội, giáo hội cũng lên tiếng biện hộ cho mình. Chúng ta đã có dịp nói tới Irênê, Giám mục thành Lyon xứ Gaule là người đã viết quyển “chống lạc thuyết” trong những năm cuối thế kỷ II, và theo ngài, chỉ có 4 sách Tin Mừng là xứng đáng mang tên Tin Mừng đích thực.

III. NHỮNG TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN

Đến hậu bán thế kỷ II, có nhiều chứng từ đề cao 4 sách Tin Mừng trong rất nhiều tài liệu viết về Đức Giêsu. Gần đồng thời với quyển Chống lạc thuyết của Irênê có một tài liệu tiếng Latinh, được tìm thấy ở Milan vào thế kỷ XVIII do một linh mục uyên bác người Ý tên là Ludovicô Muratori (1672-1750), trong đó có chứa bảng liệt kê những tác phẩm Kitô giáo được Giáo hội Rôma công nhận là sách thánh khoảng năm 180. Tài liệu này được gọi là Thư quy Muratori, trong đó được xếp trước sách Công vụ tông đồ và các thư của Phaolô là 4 sách Tin Mừng mà 2 quyển sau là của Luca và của Gioan. Như vậy rõ ràng là các Kitô hữu ở Rôma và ở Lyon đều nhất trí với nhau; vào cuối thế kỷ II, hai giáo đoàn ấy đều có cùng 4 sách Tin Mừng như nhau.

Các sách thánh ấy được chọn lựa theo những tiêu chuẩn nào? Ta không thể trả lời câu hỏi này nếu tách biệt nó khỏi cách thức mà người ta dùng để chọn lựa những sách khác của bộ Tân ước (Công vụ Tông đồ, các thư Phaolô.v.v… tất cả là 27 quyển). Xem xét kỹ bảng liệt kê đầy đủ những sách trên thì ta sẽ thấy rằng những tiêu chuẩn dễ dàng không phải là những tiêu chuẩn mà người ta đã theo.

Người ta không theo tiêu chuẩn thời điểm biên soạn. Quyển Didachè và Thư của Clément thành Rôma gửi tín hữu Côrintô (không được xếp vào thành phần Tân ước) có lẽ được soạn trong cùng những năm với Tin Mừng Gioan và hơn nữa chúng được soạn trước thư thứ hai của Phêrô (nhưng không phải Phêrô là tác giả, đây là một tác phẩm mượn danh) đã được soạn khoảng trước năm 125. Vậy mà Tin Mừng Gioan và thư thứ hai của Phêrô lại được xếp vào số 27 sách Tân ước.

Cũng không theo tiêu chuẩn tên tác giả tức là ưu tiên chọn những sách nào được đặt dưới uy tín của một tông đồ. Tân ước có 2 bức thư được gán cho Phêrô, nhưng Tin Mừng theo thánh Phêrô lại bị coi là ngụy thư. Hơn nữa, Marcô, Luca và Phaolô lại chiếm được một chỗ danh dự trong các sách thánh kitô giáo, dù không phải là những vị thuộc nhóm 12 tông đồ.

Có lẽ tiêu chuẩn duy nhất đã được theo là quyển ấy có được Giáo hội sử dụng hay không. Trong khối lượng rất lớn các sách kitô giáo được viết ra, một số quyển đã được coi là mẫu mực cho đức tin của các cộng đoàn và một số khác không được. Đó là chưa kể nhiều quyển khác nữa bị coi là lạc thuyết. Cũng như Marcion đã chọn lựa kỹ những sách nào có thể biện minh cho các lập trường của ông, thì cũng thế, các cộng đoàn Kitô đã dần dà lập ra một bảng liệt kê những sách mà họ sử dụng trong phụng vụ, trong suy tư thần học và trong công tác giáo huấn. Dần dần đã có được một sự nhất trí chung trong toàn Giáo hội, ít ra về danh sách những quyển sách chính và như thế là Giáo hội dần dần đi đến một quy luật chung, một Thư quy (Canon) các sách thánh Kitô giáo.

Nhưng cũng còn một ít lưỡng lự sau thế kỷ II. Chẳng hạn Thư quy Muratori (được giáo đoàn Rôma chọn) đã coi quyển Khải Huyền của Phêrô là sách thánh, nhưng về sau thì đã loại nó ra ; một số giáo đoàn ở Syrie cho mãi tới thế kỷ III cũng vẫn nhìn nhận quyển Tin Mừng theo thánh Phêrô. Mặc dù còn vài chi tiết lưỡng lự như vừa kể, nhưng ta cũng có thể nói rằng từ cuối thế kỷ II phần chủ yếu của Thư quy các sách thánh kitô giáo đã được cố định.

IV. NHỮNG TIN MỪNG NGỤY THƯ

Những sách nào bị coi là không xứng đáng ở trong thành phần Tân ước thì cuối cùng cũng bị loại ra vì nhiều lý do. Những quyển như Didachè và Thư của Clément thành Rôma gởi tín hữu Côrintô tuy không có gì ngược với tư tưởng chung của Giáo hội, nhưng không được coi là có cùng uy tín so với các thư của Phaolô, Giacôbê và Phêrô. Thánh Ignace thành Antioche và thánh Justinô bị coi là thuộc thế hệ hậu lai và tư tưởng của các vị này rõ ràng khác với tư tưởng của thời các tông đồ. Quyển Tin Mừng theo thánh Phêrô hẳn nhiên là một tác phẩm mượn danh với nội dung quá khích vì mô tả nhiều hiện tượng vũ trụ phi thường nên đã bị nhiều cộng đoàn thế kỷ II nghi ngờ. Về phần những tác phẩm rõ ràng lạc thuyết, cách riêng những quyển xuất phát từ phái ngộ đạo, thì dĩ nhiên bị Giáo hội phi bác. Đó là những quyển đầu tiên bị gọi là “ngụy thư” (Apocryphes: bí mật, bị che giấu) vì lý do chúng chủ trương giúp người ta đạt đến ơn cứu rỗi bằng một sự hiểu biết có tính cách bí mật lạ lùng mà người bình dân không thể nào đạt tới. Nhưng từ từ ý nghĩa của chữ “ngụy thư” được mở rộng thêm ; thánh Jérôme (347-420) dùng chữ này để chỉ những quyển sách được gán cách giả tạo cho những vị đồng thời với Đức Giêsu và không nằm trong thư quy thánh kinh. Có 2 Tin Mừng ngụy thư, nhiều công vụ ngụy thư (của Anrê, Gioan, Phaolô, Phêrô, Philatô.v.v…) nhiều khải huyền ngụy thư (nhất là của Phêrô).

Rất nhiều sách ngụy thư đã bị mất hoàn toàn, người ta chỉ còn biết tựa đề của chúng do những văn sĩ kitô giáo thời xưa có viết về chúng. Một số còn giữ lại được vài đoạn nhờ những đoạn này được tác giả của các sách khác trích dẫn. Thỉnh thoảng khoa khảo cổ cũng tìm được trọn vẹn hoặc một phần của một quyển ngụy thư trước đó được người ta biết tựa đề hoặc ngay cả những quyển người ta chưa hề biết. Nhất là tại Ai cập ; ngoài những khám phá tại Nag Hamadi mà ta đã nói (1945), còn có những khám phá ở Oxynhynchos vào cuối thế kỷ XIX.

Trình bày đầy đủ về những Tin Mừng ngụy thư thì phải viết rất dài. Ở đây chỉ xin ghi nhận rằng chúng giúp chúng ta hiểu được những tâm thức tín ngưỡng trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Có thể sắp xếp chúng vào 3 nhóm sẽ được trình bày dưới đây, trong mỗi nhóm sẽ kể ra những sách ngụy thư chính và trích dẫn một vài đoạn giúp ta hiểu được nội dung của chúng.

1. Những Tin mừng của các Kitô hữu Do thái

Các cộng đoàn kitô hữu do thái bị chính quyền Rôma bạc đãi sau nhiều lần người do thái nổi dậy trong thế kỷ I và II. Họ đã thu thập các truyền thống của họ trong những sách tin mừng mà ngày nay không còn, các sách ấy được soạn giữa các năm 100 và 150 công nguyên. Ngày nay ta chỉ còn giữ lại được những tựa đề hoặc một vài đoạn nhỏ. Chẳng hạn như Tin Mừng của người Hipri (hoặc của người Nazaret), Tin Mừng của người Ai cập, Tin Mừng của người Ebion (do tiếng Hipri, ebion nghĩa là “người nghèo” ; quyển này còn có tựa đề khác là Tin Mừng của 12 tông đồ).

Gần cận với những môi trường kitô hữu do thái nhưng không phải phát sinh trực tiếp từ những môi trường ấy, cũng có một quyển Tin Mừng thánh Phêrô được soạn khoảng năm 130. Một đoạn quan trọng của quyển này đã được tìm thấy ở Akhmim, miền thượng Ai cập, thuật về cuộc thụ nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Đoạn này mô tả việc Phục sinh, trong khi các Tin Mừng hợp quy chỉ thuật những chuyện xảy ra sau đó như những cuộc đến thăm ngôi mộ trống, những lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho các môn đệ.

2. Những Tin Mừng của phái Ngộ đạo

Những khám phá ở Nag Hamadi giúp ta biết được nhiều Tin Mừng sinh ra trong những môi trường của phái ngộ đạo. Phần lớn thuộc hậu bán thế kỷ II: Tin Mừng của Sự thật, Tin Mừng của Philipphê, Tin Mừng theo Tôma. Quyển chót này được chú ý đặc biệt. Nó tự hào là toàn bộ những mạc khải bí mật của Đức Kitô cho tông đồ Tôma. Nó là sưu tập 10 lời nói được đặt vào miệng Đức Giêsu. Nhiều lời trong đó cũng được ghi trong các Tin Mừng Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Và cũng phải nhìn nhận rằng cả một phần trong quyển này dựa vào những truyền thống rất xưa; và cũng có cả những lời rất có thể là do chính Đức Giêsu nói nhưng không được ghi trong các Tin Mừng khác.

3. Những Tin Mừng giả tưởng

Ngoài những Tin Mừng ngụy thư được soạn trong những môi trường rõ rệt như phái ngộ đạo và những kitô hữu do thái, cũng còn rất nhiều Tin Mừng chẳng nhằm điều gì khác hơn là lấp đầy những chỗ trống mà các sách thánh xưa đã để lại, hầu thoả mãn óc tò mò của quần chúng.

Hẳn là ngoài 3 năm Đức Giêsu rao giảng cũng còn nhiều sự việc khác xảy ra quanh việc Ngài sinh ra và việc Ngài ở giữa các tiến sĩ lúc 12 tuổi (Lc.02,41-52), nhưng chúng ta không biết gì hơn về quãng đời của Ngài ở Nazaret; 30 năm bỏ trống, cũng là nhiều ! Óc tưởng tượng đã gặp được một mảnh đất trống và mau mắn chiếm lấy ngay. Cũng như trong thế kỷ XX của chúng ta nhiều người say mê những chuyện huyền bí phương Đông nên đã xuất hiện nhiều câu chuyện về Đức Giêsu đã từng lưu ngụ tại Iran, Ấn độ, Tây Tạng và tất cả những nơi nào mà người ta nghĩ có thể ở để luyện tập những phương pháp thần bí hầu đạt tới sự hiểu biết cao vời và làm được những phép lạ. Tâm trạng này thời đó cũng là nguồn gốc của nhiều Tin Mừng ngụy thư mà đa số được soạn từ thế kỷ II đến thế kỷ IV công nguyên, chủ yếu viết về thời thơ ấu và thời niên thiếu của Đức Giêsu.

Chính nhờ những quyển này mà chúng ta được biết danh tánh của song thân Đức Maria là Anna và Gioakim; con bò và con lừa ở hang đá; tên của các đạo sĩ là Melchior, Balthasar và Gaspard; chưa kể rất nhiều giai thoại về sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu biểu lộ ngay từ lúc còn nằm trong nôi!

Trong một mớ lộn xộn như thế thật khó phân biệt phần nào là của những truyền thống cổ và phần nào là của óc tưởng tượng. Nhưng có thể đánh giá tổng quát rằng nền tảng lịch sử của những câu chuyện ấy rất là hạn hẹp. Sau đây là tựa đề của một số quyển mà thời điểm soạn tác có thể coi là khá chắc chắn ; Tiền Tin Mừng của Giacôbê (cuối thế kỷ II), Tin Mừng của Giuse (thế kỷ IV). Tin Mừng của Tôma-giả (thế kỷ VI). Những quyển ấy tất cả đều được soạn muộn nên không được nhắc tới trong Thư quy các sách thánh Kitô giáo.

Bảng liệt kê trên chưa đầy đủ vì chỉ mới kể ra những quyển Tin Mừng ngụy thư xưa nhất mà ngày nay chúng ta được biết. Rất có thể sau này lại có những khám phá khảo cổ mới, với tầm mức quan trọng như những khám phá ở Nag Hamadi, cho phép ta nắm được những quyển mà nay ta chưa biết. Vả lại việc soạn những Tin Mừng giả tưởng vẫn còn tiếp tục sau thế kỷ II tức là thời điểm soạn những quyển cuối cùng được kể ở trên. Nói như vậy có phải là quá đáng chăng?

Người ta không dừng viết lại Tin mừng theo cách của họ, dưới đủ thứ hình thức, trong đó có cả tiểu thuyết. Đã có những “Tin Mừng thứ 5” trong những nền văn chương có liên hệ ít nhiều tới kitô giáo, sự kiện này cũng bình thường thôi. Nét hấp dẫn của nhân vật Giêsu vẫn luôn gợi hứng cho các chuyện giả tưởng. Tuy cách chung giá trị của chúng giúp ta biết về Đức Giêsu rất yếu kém, nhưng giá trị văn chương của chúng có thể lớn; và chúng luôn luôn là một thứ chứng từ hữu ích cho biết người ta đã nhìn Đức Giêsu thế nào qua dòng lịch sử.

***

PHẦN I

ĐỨC MARIA TRONG CÁC NGỤY THƯ

***

– CHƯƠNG I –

NHỮNG QUYỂN NGỤY THƯ VIẾT VỀ ĐỨC MARIA

 

I. TIN MỪNG THEO THÁNH GIACÔBÊ GIẢ

1. Sách này được viết vào đầu thế kỷ II của công nguyên, chính xác là khoảng giữa các năm 130-140.

– Tựa đề của thủ bản hy lạp là “Tường thuật của Giacôbê về việc sinh hạ Thánh Mẫu của Thiên Chúa” (The narrative of James on the birth of the holy Mother of God)

– Nội dung: sách gồm 25 chương, không chỉ kể chuyện Đức Maria được sinh ra mà còn nói về thời niên thiếu, việc hôn nhân của Người, và chuyện Người sinh ra Đức Giêsu. Do nội dung như thế nên quyển này còn được gọi là “Cuộc đời Đức Bà” (Life of our Lady)

2. Đến thế kỷ 16, khi học giả người Pháp William Postel dịch sang chữ Latin, ông đã đặt thêm cho nó một tựa đề phụ là “Protevangelium của Giacôbê”. Chữ “Protevangelium” có nghĩa là quyển sách đi trước quyển Tin Mừng. Ý của William Postel muốn coi quyển này như một quyển tiền ngôn của quyển Tin Mừng theo Thánh Luca, bởi vì Tin Mừng theo Thánh Luca bắt đầu với việc Đức Giêsu sinh ra. Ta có thể dịch là Tiền-Tin Mừng theo Giacôbê.

3. Tác giả là ai thì không ai biết, có lẽ là một kitô hữu gốc do thái. Nhưng nó được gán tác quyền cho Thánh Giacôbê Tông đồ. Thực ra đây chỉ là mượn tên của một nhân vật có uy tín để mong tác phẩm được coi trọng. Chính vì thế mà các nhà nghiên cứu còn gọi quyển này là “Tin Mừng theo Thánh Giacôbê giả” (pseudo-James)

II. TIN MỪNG THEO THÁNH MATTHÊU GIẢ

1. Khoảng thế kỷ 6, xuất hiện thêm một quyển sách khác viết bằng chữ latin : “Sách viết về việc sinh ra Đức Thánh Maria và về thời thơ ấu của Đấng Cứu Thế” (Book on the birth of the Blessed Mary and of Saviour’s infancy)

2. Đầu sách là một bức thư giới thiệu quyển này là một “phụ chương” của Tin Mừng theo Thánh Matthêu.

3. Sách gồm 20 chương. Nội dung chỉ là sắp xếp lại và tô điểm thêm những gì đã có trong quyển “Tin Mừng theo Thánh Giacôbê giả”.

4. Tuy vậy, sách này cũng giúp chúng ta đánh giá sự phát triển niềm tin về Đức Maria của các kitô hữu trong thời gian giữa các thế kỷ 2 và 4.

* Lưu ý: Trong các phần sau đây, chúng ta sẽ nhất trí chọn kiểu viết tắt cho 2 quyển này : Tin Mừng theo Giacôbê giả sẽ được viết tắt là Prot.; còn Tin Mừng theo Matthêu giả sẽ được viết tắt là Ps-Mt

III. ĐÁNH GIÁ HAI QUYỂN SÁCH TRÊN

1. Thể loại của chúng là Midrash Haggadah

– Haggadah là một chuyện kể nhằm mục đích giáo dục tôn giáo. Loại chuyện kể này dựa trên một số sự thực lịch sử, tuy nhiên vì mục đích giáo dục cho nên những dữ kiện lịch sử ấy được tô vẽ thêm. Cái khó cho những nhà nghiên cứu là làm sao phân biệt chi tiết nào là thực và chi tiết nào được tô vẽ thêm.

– Midrash cũng là một chuyện kể nhưng dựa trên Sách Thánh và nhằm mục đích là cho thấy điều được nói trong sách Thánh đã được thực hiện.

2. Như thế, hai quyển ngụy thư chúng ta đang đề cập là những chuyện kể dựa trên Sách Thánh nhằm cho thấy chương trình của Thiên Chúa được nói trong Sách Thánh đã được hoàn thành nơi Đức Maria.

3. Thực ra, theo chương trình của Thiên Chúa thì Đức Maria có một phần quan trọng trong công trình cứu độ. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đời Đức Maria phải là thực hiện từng chi tiết và từng chữ của những lời tiên tri trong Cựu Ước. Sai lầm của tác giả hai quyển sách này là : (1) giải thích một cách ngây thơ những lời tiên tri Cựu Ước ; (2) dùng trí tưởng tượng để thêu dệt thêm nhiều chi tiết nhằm cho thấy Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn những lời tiên tri ấy theo cách giải thích của họ. Chính vì thế mà tuy hai quyển này có dựa trên Sách Thánh nhưng không đủ uy tín để có thể làm cơ sở cho đức tin kitô giáo.

4. Tuy nhiên khi đọc hai quyển này, chúng ta cũng có thể biết được về niềm tin của các kitô hữu đầu tiên nơi Đức Maria như thế nào. Vào thế kỷ thứ hai, nhiều người bắt đầu phủ nhận việc Đức Kitô được sinh ra bởi một cuộc thụ thai đồng trinh. Hai quyển sách này phản ảnh việc các kitô hữu chống lại lạc thuyết ấy, cho nên một trong những ý tưởng lớn của hai quyển này là nhắc đi nhắc lại sự đồng trinh của Đức Maria.

***

– CHƯƠNG II –

ĐỨC MARIA ĐƯỢC SINH RA CÁCH LẠ LÙNG

 

I. SỰ SON SẺ CỦA ÔNG GIOAKIM VÀ BÀ ANNA

Chỉ có hai quyển Tin Mừng Mt và Lc có viết về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Dù vậy hai quyển này không nói gì về ông bà bên ngoại của Ngài. Hai bảng gia phả chỉ liệt kê dòng họ bên nội của Ngài (Mt 1,16 và Lc 3,23).

Để bổ khuyết điều này, quyển Giacôbê-giả cho ta vài chi tiết : Cha mẹ của Đức Maria tên là Gioakim và Anna. Tác giả cho hay ông biết được tên của hai vị – và nhiều sự kiện khác nữa về hai nhân vật này – nhờ đọc “trong những chuyện về 12 chi tộc Israel”. Thực ra “những chuyện” này chỉ là những chuyện truyền khẩu hoặc được viết ra trong truyền thống chứ không phải trong những quyển Cựu Ước chính thư.

– Ông Gioakim là một người vừa giàu vừa sùng đạo. “Ông đã dâng cúng cho Đền thờ gấp đôi phần quy định, ông nói : Phần dư mà tôi dâng cúng là để cho mọi người ; tôi dâng nó để đền bù những tội lỗi của tôi” (Prot 1,1). Tuy nhiên Gioakim chưa được coi là một vị thánh, nhưng chỉ là một người “công chính”. Chữ này chỉ một người nhân đức được Thiên Chúa thưởng công bằng những phúc lành và cụ thể là cho sống sung túc.

– Thế nhưng hai ông bà lại không có con. Mà chính vì họ không có con nên họ bị láng giềng hồ nghi không biết họ có thực sự là công chính hay không. Một hôm khi ông Gioakim lên Đền thờ định dâng lễ vật thì ông bị từ chối : “Ông không có quyền dâng lễ vật trước, bởi vì ông không sinh con cái cho dân Israel” (Prot 1,2). Ông buồn vô hạn. Nhưng rồi “ông nhớ lại chuyện tổ phụ Abraham và Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ này một đứa con trai là Isaac như thế nào trong tuổi già” (Prot 1,3). Thế là ông từ giã vợ, đi vào sa mạc để ăn chay và cầu nguyện, với hy vọng nài xin Thiên Chúa thương đến ông.

– Bà Anna cũng than khóc thảm thiết : “Tôi sẽ khóc than cảnh goá bụa của tôi. Tôi sẽ khóc than cảnh son sẻ của tôi” (Prot 1,3). Thật chẳng có gì bất hạnh cho một người Israel bằng việc không có con, bởi vì Thiên Chúa đã hứa cho dòng dõi Israel đông như sao trời cát biển kia mà. Bởi thế bà Anna rất sầu thảm. Ngay cả đứa tớ gái của bà cũng chế nhạo bà. Khi đó, bà cũng nhớ tới chuyện bà Sara vợ của tổ phụ Abraham. Bà cầu nguyện : “Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng tôi, xin hãy chúc phúc cho tôi, xin nghe tiếng tôi cũng như Ngài đã chúc phúc cho bà Sara xưa và ban cho bà một đứa con trai là Isaac” (Prot 4,1)

– “Và này một thiên sứ của Thiên Chúa hiện ra với bà và nói : Anna, Anna, Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện của Bà : Bà sẽ thụ thai và cưu mang, và đứa con mà bà sinh ra sẽ được nói tới trong toàn thế giới” (Prot 4,1). Bà Anna vui mừng khôn tả, và ngay lập tức bà thề hứa dâng đứa con tương lai ấy cho Thiên Chúa : “Vì Đức Chúa hằng sống, nếu tôi sinh ra một đứa con dù trai hay gái tôi cũng sẽ dâng nó cho Ngài trọn đời nó” (Prot 4,1)

II. GIOAKIM VÀ ANNA ĐƯỢC THANH MINH

– Đang lúc bà Anna vui mừng như thế thì có hai thiên sứ đến bảo bà rằng chồng bà sẽ sớm trở về : “Này đây Gioakim chồng bà đang trở về nhà với đàn vật, vì một thiên sứ của Đức Chúa đã hiện ra nói với ông rằng : Gioakim, Gioakim, Đức Chúa đã nghe lời ông cầu nguyện. Hãy lên đường về nhà vì vợ ông đã thụ thai” (Prot 4,2). Gioakim lập tức về nhà : “Và này Gioakim về nhà cùng với đoàn vật, Anna đứng trước ngõ. Khi bà thấy ông bà chạy tới bá vào cổ ông và nói : bây giờ tôi biết rằng Đức Chúa là Thiên Chúa đã ban phúc tràn trề cho tôi, vì tôi đã là một goá phụ nhưng từ nay tôi không là thế nữa ; tôi đã là người không con nhưng tôi sẽ thụ thai” (Prot 4,4)

– Tin Mừng ngụy thư Matthêu (từ nay được viết tắt là Ps-Mt) mô tả một cảnh không xảy ra ở nhà hai ông bà mà ngay trước cổng thành Giêrusalem có sự chứng kiến của nhiều người : “Và khi 30 ngày đã trôi qua, Gioakim (cùng các mục tử và đoàn vật) đang về gần tới nhà thì thiên sứ của Đức Chúa hiện ra cho bà Anna đang đứng cầu nguyện, và nói : Hãy đi đến cổng gọi là Cổng Vàng (Golden Gate) và đón chồng bà đang trên đường về, vì hôm nay ông sẽ về với bà. Bà liền vội vàng ra đi cùng với các đầy tớ, vừa đi vừa cầu nguyện. Bà đứng rất lâu trước cổng để chờ ông. Khi Bà đã cảm thấy mệt vì chờ lâu, bà ngước mắt lên và thấy Gioakim ở đàng xa, đang cùng đoàn vật đi tới. Bà chạy tới bám vào cổ ông và tạ ơn Thiên Chúa… Và mọi người láng giềng thân thích đều mừng vui, đến nỗi toàn thể đất Israel đều chúc mừng họ” (Ps-Mt 3,5)

III. MARIA, ĐỨA CON NHỜ PHÉP LẠ

“Những tháng của bà đã hoàn thành, và đến tháng thứ chín thì Anna thụ thai. Và bà hỏi bà đỡ: Tôi sẽ sinh trai hay gái? Bà đỡ nói con gái. Và bà Anna nói : linh hồn tôi ngợi khen ngày này. Rồi bà nằm xuống. Khi ngày tháng đã mãn, bà Anna thanh tẩy mình và cho con bú và gọi tên nó là Maria” (Prot 5,2)

Nhận xét

Có nhiều điểm song song giữa những chuyện trên với những chuyện kể về những cuộc sinh con lạ lùng trong Thánh Kinh. Bất cứ khi nào Thiên Chúa trao cho ai một sứ mạng đặc biệt thì Thánh Kinh đều nhấn mạnh đến việc người đó được sinh ra cách lạ lùng.

– Chẳng hạn Isaac được sinh ra khi Abraham đã già (St 18,10-15)

– Càng giống hơn nữa là sự sinh ra Samuel (1Sm 1,10-11.20) và Gioan Tẩy giả (Lc 1,6-7.13-58)

Bài học

Thực ra, tác giả quyển Tin Mừng Giacôbê giả chẳng sáng tác gì mới, mà chỉ mượn lại những chuyện trong Thánh Kinh (ta đã thấy 3 chuyện) để cho chuyện kể của ông cũng được xếp vào hạng “cuộc sinh ra của những vị thánh”. Đây là một thể loại đã có sẵn.

Những chuyện kể loại này, cả trong Thánh Kinh lẫn trong các ngụy thư, đều không có ý tường thuật đúng những dữ kiện lịch sử, nhưng nhằm đưa ra những bài học.

Trong câu chuyện của Tin Mừng Giacôbê-giả, tác giả muốn nói 3 điều:

– Sự thánh thiện của cha mẹ Đức Maria

– Sự can thiệp của Thiên Chúa quan phòng trong việc cho họ sinh con

– Một vận mạng đặc biệt chờ đón đứa con ấy.

Vào thế kỷ thứ hai công nguyên, kitô hữu đã sùng kính Đức Maria cách đặc biệt. Tác giả quyển ngụy thư này muốn cho thấy rằng lòng sùng kính này là đương nhiên, bởi vì Đức maria đã được Thiên Chúa đặc biệt quan tâm đến ngay trước khi Người được thụ thai. Nói cách khác, Người đã được tiền định để trở thành Mẹ của Đấng Messia.

***

– CHƯƠNG III –

THỜI NIÊN THIẾU CỦA ĐỨC MARIA

 

I. TUỔI THƠ

– Trẻ Maria biết đi rất sớm : “Khi được 6 tháng, mẹ của Người nâng Người lên để xem Người có thể đứng được không. Người đã đi được 7 bước và đi trở về lòng mẹ” (Prot 6,1)

– Người còn tỏ cho thấy rất ham thích trò chuyện với Thiên Chúa. Bởi thế bà Anna đã đặt một bàn thờ ngay trong phòng ngủ của trẻ Maria để Người có thể cầu nguyện cùng với các trẻ gái khác.

II. ĐƯỢC DÂN TRONG ĐỀN THỜ

Khi Người được 3 tuổi, Người rời gia đình và được cha mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa trong Đền thờ, nơi mà Người ở lại để phục vụ Thiên Chúa trong khoảng thời gian còn lại của đời Người. Đây chính là thực hiện lời khấn hứa của bà Anna khi được thụ thai. Có nhiều thiếu nữ đồng trinh khác cũng đưa tiễn. Người không hề ngoái lại đàng sau nhìn cha mẹ, nhưng cứ thẳng tiến, mắt đăm đăm nhìn về những ngọn nến mà đoàn rước cầm trong tay (cảnh tượng này cũng giống dụ ngôn các trinh nữ khôn ngoan cần đèn tiến vào phòng cưới để chung vui với Chàng rể trong Mt 25,1-13). Tin Mừng ngụy thư Matthêu kể rằng “Maria chạy lên 15 bậc thềm của Bàn thờ mà không hề ngoái lại nhìn cha mẹ như các trẻ nhỏ khác sẽ làm” (Ps-Mt 4,1). Sau đó “Các tư tế nắm lấy tay đứa trẻ dẫn lên và chức phúc với những lời như sau : Đức Chúa đã làm rạng danh con giữa mọi thế hệ, và trong những ngày sau này Đức Chúa sẽ biểu lộ ơn Ngài cứu chuộc con cái Israel” (Prot 7,2). Rồi các tư tế “đặt Người ngồi trên bậc thềm thứ ba của bàn thờ. Và ân sủng Đức Chúa đến trên Người, và Người nhảy múa trên đôi chân của mình” (Prot 7,3) (Giống cảnh vua Đavít nhảy múa trước Hòm Bia, trong 2 V 6,5.21). Sau đó “Cha mẹ Người rời Đền thờ trở về nhà, vừa ngạc nhiên vừa ca tụng Thiên Chúa vì đứa trẻ đã không nhìn lại đàng sau. Và Maria trú ngụ trong Đền thờ” (Prot 8,1) (Chi tiết này giống chuyện trẻ Samuel được dâng trong Đền thờ Silô, 1 V 2,11.26)

III. ĐỜI TẬN HIẾN

– “Maria ở trong Đền thờ của Đức Chúa, như chim bồ câu, và Người nhận thức ăn từ tay một Thiên sứ” (Prot 8,1)

– “Maria hoàn toàn dâng hiến bản thân mình cho việc ca tụng Thiên Chúa, đến nỗi không ai coi Người là một đứa trẻ, mà là một người lớn : Người cầu nguyện lâu giờ như thể Người đã được 30 tuổi” (Ps-Mt 6,1). Suốt ngày, Người toàn lo cầu nguyện, chỉ trừ khi thêu thùa. Ngay cả khi thiên sứ mang thức ăn đến, Người vẫn không ngừng cầu nguyện. “Chẳng có ai tỏ ra chăm chú cầu nguyện hơn Người, siêng năng học lề luật Chúa hơn Người, khiêm nhường hơn Người, say sưa hát Thánh vịnh Đavít hơn Người, sống đức ái, đức khiết tịnh và mọi nhân đức khác hoàn hảo hơn Người ; Người vững mạnh, không thể lay chuyển, kiên trì và mỗi ngày một tiến thêm trên con đường hoàn thiện” (Ps-Mt 6,2)

* Nhằm phác hoạ một bức tranh tuyệt vời về đời tận hiến của Đức Maria, tác giả Giả-Mt đã phạm một sai lầm nghiêm trọng về thời gian tính: Thực ra mãi đến thế kỷ IV thì trong Giáo Hội mới có định chế về cuộc sống cộng đoàn của các nữ tu trong các nhà Dòng. Sở dĩ tác giả mô tả cuộc sống của Đức Maria như một nữ tu trong Đền thờ là vì ông muốn lấy Đức Maria làm gương mẫu cho các nữ tu thuộc thời ông.

* Ngoài ra còn một vấn đề phải đặt ra nữa: Phải chăng thói quen thời đó cho phép một thiếu nữ dâng mình vào Đền thờ và sống chung với các tư tế ? Về vấn đề này, phong tục do thái có câu trả lời dứt khoát : chỉ có các thanh thiếu niên nam mới được phép như thế mà thôi. Thánh Kinh có kể một trường hợp của trẻ Samuel (1 V 1-2). Vậy có lẽ tác giả đã dựa vào truyện Samuel này. Cũng có thể tác giả đã dựa vào chuyện Thánh Gia dâng Đức Giêsu trong Đền thờ được ghi trong Lc 2,37.

* Dù sao, ta cũng thấy được ngụ ý của tác giả: ngay từ lúc còn rất nhỏ, Đức Maria đã quen sống gần gũi thân thiết với Thiên Chúa.

IV. KHẤN ĐỒNG TRINH

Ngụy thư Mt-giả viết rằng khi Maria lên 12 tuổi, hội đồng tư tế đã họp lại và có thắc mắc như sau: “Này đây Maria đã được 12 tuổi trong đền thánh của Đức Chúa. Chúng ta sẽ phải làm gì cho nàng kẻo nàng làm ô uế đền thánh của Thiên Chúa” (Ps-Mt 8,2). Lo lắng của các tư tế cũng hợp lý, vì theo luật do thái, những thiếu nữ đến tuổi dậy thì mà ở trong đền thờ thì sẽ làm cho đền thờ bị ô uế (x. Lv 15,25-30).

Vị Thượng Tế nhiều lần muốn cưới Maria cho con trai mình, “Nhưng Maria không chịu, nàng nói: Không thể có chuyện con biết đến người nam”. Bà con của Maria cố gắng thuyết phục rằng “Thiên Chúa có thể được thờ phượng trong các con cái và được tôn vinh trong dòng dõi của mình”. Nhưng Maria đáp: “Thiên Chúa được thờ phượng trước hết trong đức khiết tịnh” (Ps-Mt 7,1). Maria còn cho biết “Con đã quyết định trong lòng con rằng con sẽ không hề biết đến người nam” (Ps-Mt 7,2). Lời này tiết lộ cho thấy Maria đã khấn giữ mình đồng trinh.

* Vấn nạn:

Thực ra việc một thiếu nữ khấn đồng trinh là điều khó tìm được bằng chứng trong Lề luật do thái và trong tục lệ lịch sử. Theo truyền thống do thái thì vừa khi một cô gái tới tuổi dậy thì thì người ta lo gả chồng sớm cho nàng. Lý do là họ luôn nhớ lời Thiên Chúa hứa sẽ làm cho dân tộc họ thành đông đúc ; đặc biệt Thiên Chúa còn hứa sẽ cho Đấng Messia sinh ra trong dòng dõi họ. Chính vì thế, mọi thiếu nữ Israel đều muốn có chồng và sinh con để nay ra họ sẽ được diễm phúc sinh ra Đấng Messia.

Tuy nhiên đến thời Chúa Giêsu thì có một vài phong trào đề cao nếp sống đồng trinh, chẳng hạn nhóm Essêni. Các sử gia như Pline, Flavius Joseph và Philon thành Alexandria đã ghi nhận hiện tượng ấy. Riêng Philon thành Alexandria có viết rằng: “Những người Esseni đã cho thấy rất nhiều chỉ dấu về tình yêu đối với Thiên Chúa, chẳng hạn việc thực hành sống khiết tịnh suốt đời, một cách liên lỉ và không bao giờ vi phạm”. Cũng sử gia này cho biết có một nhóm khác vào thời đó “đã thực hành sự tiết chế, không phải vì bị bó buộc như các nữ tư tế hy lạp, mà hoàn toàn tự do, bởi lòng yêu mến Đức Khôn Ngoan” (Philon, The Contemplative Life, số 68). Như thế nếp sống độc thân vốn bị khinh chê ngày xưa nhưng từ thời đó lại được coi là cao trọng hơn nếp sống hôn nhân.

Vậy biết đâu Đức Maria cũng là một trong số những người nuôi lý tưởng khiết tịnh ấy. Một điều khá thú vị là các sách Tin Mừng thích trình bày Đức Maria ở bên cạnh những kẻ độc thân như Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông đồ.

* Ý kiến các nhà thần học:

– Tiếp theo Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô cũng đã suy nghĩ nhiều về trường hợp Đức maria. Thánh Augustinô dựa vào câu Người nói với Thiên thần và lý luận rằng: “Chắc chắn Người đã không trả lời như thế nếu trước đó Người đã không khấn hứa với Thiên Chúa là sẽ giữ mình đồng trinh”

– Nhiều nhà thần học ngày nay lập luận rằng: Thiên Chúa muốn Đức Maria là một con người tuyệt hảo. Mà đức đồng trinh là một phần quan trọng trong sự tuyệt hảo. Vì thế nếu phủ nhận sự đồng trinh của Đức Maria tức là tước mất đi một phần của sự tuyệt hảo của Người.

* Ý kiến dung hòa:

Thánh Luca viết rằng khi thiên sứ đến truyền tin cho Đức Maria thì Người là một thiếu nữ đồng trinh đã được đính hôn với Giuse (Lc 1,27). Như thế khi đó Người còn đồng trinh. Thánh Matthêu thì trích dẫn Is 7,14 theo bản 70 rằng: “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai”. Như thế khi Đức Maria thụ thai và sinh con thì Người vẫn còn đồng trinh. Vấn đề là trước đó, Đức Maria đã có ý định giữ mình đồng trinh không (một điều hiếm có trong các thiếu nữ do thái thời đó).

Câu trả lời có thể chấp nhận là: Đức maria đã có ý định sống đồng trinh. Tuy nhiên Người có khấn hứa điều ấy (một cách chính thức công khai hay chỉ riêng tư với Chúa) hay không thì chúng ta không được biết. Đến khi theo thông lệ phải gả cho một người khác thì Đức Maria đã tìm được một người có cùng lý tưởng với mình là Thánh Giuse. Và khi thiên sứ đến truyền tin, Đức Maria đã bày tỏ lý tưởng ấy cho thiên sứ. Khi được thiên sứ cho biết là Người sẽ mang thai và sinh con bởi phép Chúa Thánh Thần, thì Đức Maria vui sướng vâng lời. Nhờ đó Người suốt đời vẫn đồng trinh.

***

– CHƯƠNG IV-

ĐỜI HÔN NHÂN

 

I. GIUSE, NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHỌN

Tin Mừng Luca viết Maria là một trinh nữ “đã được đính hôn cho một người tên là Giuse thuộc nhà Đavít” (Lc 1,27). Động từ ở thể thụ động. Ta có thể hiểu động từ “được đính hôn” này là bởi cha mẹ hai bên, nhưng cũng có thể hiểu động từ ở thì thụ động ấy chỉ về chính Thiên Chúa. Các Tin Mừng ngụy thư muốn hiểu theo nghĩa thứ hai.

Khi Vị Thượng Tế đang cầu nguyện để xin ơn soi sáng phải chọn ai làm chồng Maria, thì ông được trả lời rằng : “Dacaria, Dacaria, hãy đi triệu tập tất cả những người đàn ông goá vợ trong dân và bảo họ mỗi người mang đến một cây gậy. Chính Đức Chúa sẽ chỉ cho biết người nào sẽ làm chồng nàng” (Prot 8,3)

Thế là những người đàn ông goá vợ tụ họp lại, trong số đó có Giuse. Vị Thượng Tế gom hết các cây gậy của họ mang đến trước nhan Thiên Chúa trong gian Cực Thánh, sau đó trao lại cho các ông. “Giuse là người cuối cùng nhận lại cây gậy của mình. Và kìa một con chim bồ câu bay xuống và đậu trên đầu Giuse. và Vị Thượng Tế nói : Số mạng đã định cho anh rước lấy Người trinh nữ của Đức Chúa” (Prot 9,1)

II. NGƯỜI BẢO VÊ ĐỨC MARIA

Tiếp theo chuyện Cây gậy, Ngụy thư Matthêu viết : Khi ấy Giuse từ chối, rằng “Tôi là một người già và có con cái rồi. Sao Ngài lại trao cô trinh nữ trẻ này cho tôi ?”  Rồi Giuse nói tiếp : “Nhưng tôi không dám cãi ý Thiên Chúa. Vậy tôi sẽ làm người bảo vệ cho trinh nữ này cho đến khi nào Thiên Chúa cho biết ai trong số các con trai của tôi sẽ cưới nàng làm vợ” (Ps-Mt 8,4)

* Tiểu truyện trên đây cho ta biết thêm rằng người được Thiên Chúa chọn để bảo vệ Đức Maria không chỉ là một đàn ông goá vợ mà còn là một ông già và đã có con cái nữa. Nghĩa là người ấy vừa không lo tới chuyện lập gia đình vừa không còn ham sinh con nữa.

Còn Prot (9,3) thì thêm lời Giuse nói với Maria về dự định của mình : “Này, tôi đã đón nhận nàng từ Đền thờ của Đức Chúa. Bây giờ tôi sẽ để nàng ở trong nhà của tôi và tôi sẽ ra đi lập những nhà khác. Thỉnh thoảng tôi sẽ quay lại. Chính Đức Chúa sẽ coi sóc nàng”. Thế là Đức Maria một mình ở nhà của Giuse. Các tư tế vẫn bảo hộ Người, họ giao cho Người lo dệt một bức trướng quý giá cho Đền thờ. Như vậy là Maria tiếp tục cuộc đời tận hiến phụng sự Thiên Chúa như lúc còn ở trong Đền thờ.

III. BIẾN CỐ TRUYỀN TIN

Một hôm, “Maria lấy chiếc vò đi xách nước thì bỗng nghe một tiếng nói  ‘Xin chào người đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Người’. Người nhìn bên phải bên trái tìm xem tiếng ấy phát ra từ đâu. Rồi run sợ, Người quay về nhà cầm lấy tấm vải rồi ngồi xuống kéo chỉ. Này đây thiên sứ của Đức Chúa đứng trước mặt Người và nói “Maria, đừng sợ, vì Người đã được Đức Chúa sủng ái hơn mọi sự tất cả. Chính do Lời Ngài mà Người sẽ thụ thai. Maria tự hỏi trong lòng “Phải chăng mình sẽ thụ thai con Thiên Chúa hằng sống và sẽ sinh con theo cách thông thường của mọi người nữ ?” Nhưng thiên sứ đáp : “Không phải thế, hỡi maria. Uy quyền Đức Chúa sẽ bao phủ Người, vì thế Đấng Thánh mà Người sinh ra sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ đặt tên cho Ngài là Giêsu bởi vì Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội” Và Maria thưa : “Này tôi là nữ tỳ của Đức Chúa, xin cứ thực hiện nơi tôi theo lời ngài nói” (Prot 11,1-3)

* Câu chuyện được diễn ra ban đầu bên bờ giếng và sau đó trong nhà. Ngụy thư đã lấy cảnh bên bờ giếng vì đây là khung cảnh của những cuộc gặp gỡ đầy ơn phúc trong Cựu Ước và cả Tân Ước , chẳng hạn : cuộc gặp gỡ giữa người đầy tớ của Isaac với Rebecca (St 24,15-16), hay cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một phụ nữ Samaria (Ga 4)

***

– CHƯƠNG V-

CUỘC KHỦNG HOẢNG

 

Sau khi Đức Maria đi thăm bà Êlisabét trở về thì Giuse thấy Người đã có thai. Cảm giác đầu tiên của Ngài là buồn và tự trách mình đã không chu toàn nhiệm vụ bảo vệ Đức Maria : “Tôi còn mặt mũi nào mà nhìn Đức Chúa được nữa ? Tôi đã đón nhận nàng từ Đền thờ Đức Chúa khi nàng còn là một trinh nữ, nhưng tôi đã không gìn giữ cho nàng được trong trắng” (Prot 13,1). Sau đó ngài trách kẻ nào đã làm chuyện tội lỗi ấy : “Ai đã lừa dối ta ? Ai đã phạm một tội tầy trời ngay trong nhà ta mà làm ô uế người trinh nữ này ?” (Prot 13,1). “Rồi Giuse gọi Maria và nói : Ôi nàng ơi, nàng đã được Thiên Chúa chăm sóc. Nhưng nàng đã làm gì thế ? Nàng đã được nuôi dưỡng ở nơi cực thánh, nhưng sao nàng lại hạ thấp linh hồn mình vậy ?… Maria chỉ biết khóc và nói : Tôi vẫn trong sạch, tôi không hề biết người nam nào cả. Còn tại sao có điều này trong bụng tôi thì, thề có Đức Chúa hằng sống, tôi không biết gì cả” (Prot 13,2-3).

Thánh Giuse rất bối rối. Ngài tự nhủ: “Nếu ta che dấu tội của nàng thì tôi lỗi luật cách nặng nề. Nhưng nếu ta nói ra cho con cái Israel biết thì ta sợ kẻo đứa con trong bụng này là hạt giống của một thiên sứ nào chăng và như thế thì tôi có tội làm đổ máu người vô tội” (Prot 14,1)

* Sở dĩ ngụy thư cho Giuse có ý tưởng đứa con trong bụng Maria là hạt giống của một thiên sứ là vì đã có những chuyện tương tự trong văn chương bình dân do thái và cả trong Cựu Ước về việc các thiên sứ làm cho con người thụ thai, chẳng hạn St 6,1-4.

Thế là Giuse vẫn giữ kín chuyện này. Nhưng một hôm, có một người được vị Thượng Tế sai đến thăm Maria và thấy Người có thai, “Anh vội chạy về báo cho Vị Thượng Tế rằng : Giuse, người mà ngài giao nhiệm vụ coi sóc Maria, đã phạm tội nặng nề. Vị Thượng Tế hỏi sự việc thế nào, anh đáp : Giuse đã làm ô uế người trinh nữ mà ông rước từ Đền thờ về, ông ta đã lén lút ăn ở với nàng mà không công bố cho con cái Israel hay” (Prot 15,2)

Các tư tế họp lại ngay và ra lệnh bắt cả Giuse và Maria, đồng thời triệu tập tất cả con cái Israel lại. Khi các tư tế thẩm vấn hai người, cả hai đều không thừa nhận tội lỗi của Maria. Thế là người ta tiến hành cuộc “thử thách bằng nước”. Đây là một hình thức để cho chính Thiên Chúa xét xử xem được sự có tội hay không. Sách Dân số (Ds 5,11-22) quy định rằng nghi phạm phải uống một thứ nước được trộn với bụi lấy từ dưới nền nhà tạm. Nếu nghi phạm mà có tội thật thì sau khi uống vào sẽ phát sinh hậu quả. Còn nếu vô tội thì sẽ bình an.

“Vị tư tế múc nước bảo Giuse uống rồi bảo Giuse đi vào vùng đồi núi. Sau đó Giuse trở về vẫn bình an vô sự. Vị tư tế cũng bảo Maria uống rồi vào vùng đồi núi. Maria cũng trở về bình an vô sự. Toàn dân kinh ngạc vì không thấy có tội gì được tỏ ra nơi hai người. và vị Tư tế tuyên bố : Nếu Thiên Chúa không tỏ lộ tội của các ngươi thì ta cũng không kết án các ngươi” (Prot 16,2)

Ngụy Tin Mừng Mt-giả còn viết thêm rằng nhân dịp này Đức Maria công khai tiết lộ lời khấn đồng trinh của mình. Sách viết như sau : khi ấy Maria tuyên bố : “Thề có Đức Chúa hằng sống là Đấng tôi đang đứng trước mặt Ngài : Tôi đã không hề biết đến người nam và sẽ không bao giờ biết đến người nam, vì từ lúc còn thơ ấu tôi đã có một quyết định. Từ thuở thơ ấu tôi đã khấn với Đức Chúa là sẽ giữ mình trinh khiết và chỉ sống cho Ngài mà thôi” (Ps-Mt 12,4)

***

– CHƯƠNG VI –

SINH HẠ ĐỨC GIÊSU

 

Tin Mừng Luca (Lc 2,3-7) chỉ cho biết là Đức Maria đã sinh Đức Giêsu ở Bêlem, không phải trong nhà trọ mà ở một nơi có máng cỏ. Còn nhiều chi tiết khác chưa được xác định.

Ngụy thư muốn bổ túc những thiếu sót đó:

– Thánh Giuse đem Đức maria và cả các con riêng của Ngài đi theo. Dọc đường Ngài bối rối không biết phải khai như thế nào: “Tôi sẽ khai các con của tôi. Nhưng đối với cô bé này (hiểu là Maria) tôi phải khai thế nào đây? Khai là vợ tôi chăng? Xấu hổ quá! Hay khai là con gái của tôi? Thế nhưng con cái Israel đều biết nàng không phải là con gái của tôi. Thôi cứ chờ tới ngày đó (tức là ngày khai sinh), ý Chúa sẽ chỉ cho biết phải khai thế nào” (Prot 17,1)

– Đang lúc đi đường, Maria biết đã tới giờ sinh con. Thánh Giuse tìm được một hang đá. Ngài để Đức Maria và các con của Ngài ở lại đấy, rồi Ngài vội chạy đi tìm một bà đỡ. Chúa quan phòng xếp đặt cho Ngài tìm ngay được một bà đỡ do thái tên là Zelomi. Bà này hỏi người sắp sinh con là ai. Thánh Giuse không biết trả lời thế nào nên nói “Là người đã đính hôn với tôi”. Bà ngạc nhiên nói “Sao thế. Bà ấy không phải là vợ ông sao?” Giuse giải thích: “Nàng là Maria, kẻ đã được nuôi dưỡng trong Đền thờ Đức Chúa. Do một cuộc rút thăm, nàng được giao cho tôi nhưng không phải là vợ tôi. Nàng đã thụ thai bởi Thánh Thần”. Bà đỡ vẫn thắc mắc: “Thật vậy sao? Một trinh nữ mà sinh con được à?” Rồi Thánh Giuse dẫn bà Zelomi đến hang đá. Họ đã chứng kiến một hiện tượng lạ lùng: có một đám mây bao phủ cả hốc đá. Đối với người do thái thì hình ảnh đám mây là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài. Vì thế Zelomi biết là có Thiên Chúa hiện diện nơi đây. Khi Bà được dẫn tới gần Đức Maria thì đám mây tan loãng dần, để hiện ra một đứa trẻ sơ sinh đang nằm bú trong lòng Đức Maria. Bà đỡ kêu lên “Đây là một ngày trọng đại đối với tôi, vì tôi đã được thấy một dấu lạ” (Prot 19,2)

* Mục đích của các chi tiết trên là cho thấy tính cách siêu nhiên của cuộc sinh ra, đồng thời cũng muốn nói rằng Đức Giêsu trực tiếp từ trời sinh xuống chứ không phải từ trong lòng Đức Maria mà ra.

– Zelomi rời hang đá đi ra thì gặp một bà đỡ khác tên là Salomê. Bà liền kể : “Salomê, Salomê. Tôi có một chuyện chưa từng ai nghe muốn kể cho chị hay, đó là một trinh nữ vừa sinh con khác hẳn với tự nhiên”. Salomê đáp: “Chuyện này có thể thật sao ? Thề có Đức Chúa hằng sống, nếu tay tôi không được chạm tới để kiểm tra thì tôi không thể nào tin được một trinh nữ mà sinh con” (Prot 19,3) (* Câu này rất giống với điều kiện mà Tôma đặt ra ở Ga 20,24-19). Và Salomê đã lấy tay để kiểm tra Đức Maria. (* Thật là một sự xúc phạm đối với Đức Maria. Nhưng tác giả ngụy thư dám ghi chi tiết này, bởi vì ông muốn chứng minh Đức maria đồng trinh). Sau khi đã kiểm tra, Salomê hối hận nói: “Khốn thân tôi vì tôi đã không tin. Tôi đã dám thử thách Thiên Chúa hằng sống. Này đây tay tôi khô héo như bị lửa đốt và nó rời xa tôi” (Prot 20,1). Khi đó một thiên sứ hiện ra nói : “Salomê, Salomê, Đức Chúa đã nghe tiếng của bà. Bà hãy đưa cánh tay ra bồng ẵm hài nhi. Salomê làm theo và lập tức tay bà được khỏi” (Prot 20,3).

***

– CHƯƠNG VII –

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

 

Vào cuối thế kỷ V, trong số nhiều quyển ngụy thư, có một quyển được gán cho Giáo hoàng Gelasiô, mang tựa đề Transitus Sanctae Mariae, có thể tạm dịch là “Sự đi qua của Thánh Maria”. Quyển này viết về việc Đức maria qua đời, được mai táng và lên trời.

I. ĐỨC MARIA QUA ĐỜI VÀ ĐƯỢC MAI TÁNG

– “Vào năm thứ 22 sau khi Đức Giêsu Kitô chiến thắng sự chết và thăng thiên, Đức Maria vì quá nhớ con mình nên một ngày kia Người khóc. Một thiên sứ hiện đến và bảo : “Đây ta mang đến cho Người một cành lá cọ được hái từ chính Thiên đàng. Nó sẽ được mang đi trước quan tài của Người khi đến ngày thứ ba Người sẽ được cất khỏi thân xác, bởi vì Đức Chúa Con đang chờ đón Người cùng với các Bệ Thần, các Thiên sứ và các Quyền thần trên trời”. Đức Maria nói lại : “Xin cho các tông đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô được tụ họp chung quanh tôi”. Thiên sứ đáp : “Bởi quyền phép của Đức Giêsu Kitô, tất cả các tông đồ sẽ được đưa tới đây ngay hôm nay” (Trans. Mar. 3)

– Khi Thiên sứ biến đi, Đức Maria liền thay những y phục tốt nhất và đi đến Vườn Cây Dầu, tay cầm cành lá cọ. Người muốn tới tận nơi mà Con của Người trước đây đã tha thiết cầu nguyện để chiến thắng sự chết. Xong rồi Người trở về nhà và bắt đầu cơn hấp hối.

– “Thình lình, do lệnh của Thiên Chúa, tất cả các tông đồ đang rao giảng lời Chúa bỗng được cất lên đám mây và đưa về đặt xuống đất ngay trước cửa nhà Đức Maria đang ở. Khi chào hỏi nhau, họ hỏi : “Vì sao mà Đức Chúa quy tụ chúng ta lại đây vậy ?” (Trans, Mar. 5)

– Thánh Gioan là người được mang về trước tiên. Ông dẫn các bạn vào phòng Đức Maria và báo cho Người biết là Người sắp qua đời. Đức Maria cũng xác nhận điều đó. Người nói : “Đức Chúa đã mang các con về đây để an ủi Mẹ trong cơn âu sầu đang ụp xuống trên Mẹ. Mẹ xin các con hãy chờ cho tới giờ Đức Chúa đến và Mẹ sẽ rời khỏi thân xác này” (Trans. Mar. 6)

– Ba ngày trôi qua, “thình lình Đức Chúa đến cùng với một đoàn đông đảo các thiên sứ. Ngài nói với Đức Maria : “Hãy đến, hỡi viên ngọc quý giá nhất, hãy vào hưởng niềm vui của cuộc sống muôn đời” (Trans. Mar. 7)

– Đức Maria xin Đức Giêsu đừng để Người rơi vào tay Satan. Và Đức Giêsu hứa : “Khi Con bị treo trên thập giá, Thần Tối Tăm đã đến, nhưng hắn không thể tìm được dấu vết nào của công việc của hắn nơi Con cho nên hắn đã thua trận và bị chà đạp dưới chân. Phần Mẹ thì Mẹ phải gặp mặt hắn theo đúng luật chung của loài người khi sắp chết. Tuy nhiên hắn không thể làm hại Mẹ được vì hắn chẳng có quyền gì trên Mẹ, và Con sẽ ở với Mẹ để bảo vệ Mẹ” Khi Đức Chúa nói những lời đó thì Đức Maria gục đầu lên giường, tạ ơn Thiên Chúa và trao phó linh hồn”. Đức Kitô liền giao linh hồn Người cho tổng lãnh Thiên sứ Micae Đấng giữ cửa thiên đàng, và Chúa cũng bảo các tông đồ chuẩn bị lễ an táng. Một số trinh nữ lo tắm rửa xác Đức Mẹ. Và tác giả nhấn mạnh : “Khi họ cởi đồ Người ra thì thấy thân xác thánh thiện của Người được bảo vệ bằng một thứ ánh sáng chói ngời đến nỗi chỉ có Thiên Chúa mới có thể chạm tới được. Đúng là một thân thể hoàn toàn trong sạch và không thể nào bị ô nhiễm” (Trans. Mar. 10)

– Cuộc rước bắt đầu. Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội khiêng quan tài ; còn Thánh Gioan thì cầm cành lá cọ. Các tông đồ kia theo sau vừa đi vừa hát ca tụng Thiên Chúa. Dân thành Giêrusalem nối tiếp. Có cả một tư tế do thái, ông này trước đây đã phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu và sự đồng trinh của Đức Maria, bây giờ ông đã tin và có mặt trong đoàn rước. Các tông đồ đặt thi thể Đức Maria trong một huyệt đá mới và ngồi bên ngoài canh giữ như lệnh Chúa đã truyền. Lòng các ông vui mừng tin chắc Đức Kitô sẽ đến đưa Đức Mẹ lên trời.

II. ĐỨC MARIA LÊN TRỜI

Các tông đồ không phải chờ đợi lâu. Đức Chúa đã đến. Ngài hỏi các ông xem Ngài có thể làm gì để tôn vinh Đức mẹ cách đặc biệt xứng đáng nhất. Tất cả đồng thanh nói : “Thưa Chúa, Chúa đã chọn người nữ tì này làm nơi cư ngụ không tì vết cho Chúa… Chúng con thấy chẳng có gì xứng đáng hơn để tôn vinh Người bằng cách đưa Người lên trời chung hưởng niềm vui với Chúa” (Trans. Mar. 16) Chúa liền ra lệnh cho tổng lãnh Thiên Sứ Micae đón lấy linh hồn Đức Mẹ. Khi đó tảng đá lấp cửa mồ lăn ra và Chúa cho linh hồn và thân xác Đức Mẹ hợp lại với nhau (Trans. Mar. 16). Đức Maria liền trỗi dậy đến ôm Con mình, và Đức Giêsu ra lệnh đưa Người lên trời cả hồn lẫn xác. Sau đó các tông đồ lại được nâng lên khỏi mặt đất và được đưa trở về nơi các ông đang rao giảng. Các ông thuật lại những điều trọng đại Thiên Chúa đã làm, và hằng ca ngợi Đức Giêsu Kitô.

III. ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên bố tín điều Đức mẹ Hồn Xác Lên Trời : “Đức maria, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, vào cuối cuốc sống trần gian đã được đưa lên chốn vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác”.

Khi tuyên bố tín điều này, không phải Đức Giáo Hoàng dựa vào những chi tiết hoang đường của ngụy thư, nhưng ngài đã chuẩn nhận những dữ kiện Thánh Kinh và truyền thống sống động của Giáo Hội trải qua nhiều thế kỷ.

***

PHẦN II

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ ĐỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊSU

***

– CHƯƠNG I –

HANG ĐÁ, CON BÒ, CON LỪA

 

Tin Mừng thánh Luca (Lc 2,3-20) chỉ nói Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, không phải ở một quán trọ, mà ở một nơi có máng cỏ, sau đó có các mục tử đến thăm viếng.

Các Tin Mừng ngụy thư đã thêm nhiều chi tiết khác:

– “Khi họ (Giuse và Maria) đi được nửa cuộc hành trình thì Maria nói với ông : Hãy cho tôi xuống khỏi lưng lừa, bởi vì điều trong bụng tôi đang thúc hối ra đời. Ông đem Người xuống khỏi lưng lừa và nói : Phải cho nàng ở đâu để che dấu sự xấu hổ của nàng, vì nơi này vắng vẻ. Rồi ông tìm được một hang đá, và ông đã mang Người vào đó” (Prot 17,3—18,1)

* Xin lưu ý là ngụy thư đã đặt nơi giáng sinh là ngoài thành Bêlem, khoảng giữa cuộc hành trình. Nếu nhìn vào bản đồ, ta sẽ thấy giữa Giêrusalem và Bêlem có một con đường độc đạo xuyên qua sa mạc Giuđa, chạy dọc theo Biển Chết. Trong vùng sa mạc này có những núi đá nhô ra thung lũng sông Giođan. Đây là nơi có nhiều hang đá, mà một số trong các hang đá đó là nơi các tu sĩ Essêni sinh sống. Vậy tác giả đã nghĩ rằng Đức Giêsu được sinh ra tại một trong những hang đá đó.

* Phần Tin Mừng Luca thì ghi Đức Giêsu sinh ra trong thành Bêlem; không biết tại chỗ nào nhưng chỗ đó có một “máng cỏ”. “Máng cỏ” là thứ chứa cỏ cho súc vật ăn. Có thể là những nhà nghèo ở Bêlem cũng nuôi súc vật cho nên có máng cỏ. Như thế, từ một máng cỏ trong thành Bêlem, ngụy thư đã biến đổi thành một “hang đá” trong vùng sa mạc. Ngụy thư đổi như thế để hợp với một lời của Isaia nói về Đấng Messia trú ngụ tại một nơi “có luỹ đá làm nơi trú ẩn” (Is 33,16)

– Ngụy thư Mt-Giả còn viết thêm : “Đức Maria đặt Hài nhi vào trong máng cỏ. Và có con bò và con lừa thờ phượng Ngài” (Ps-Mt 14,1). Chi tiết hai con vật này cũng nhằm cho hợp với một lời khác của Isaia và của Khabacuc : “Con bò biết người tậu nó, và con lừa biết chuồng của chủ. Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường” (Is 1,3) ; “Ngài sẽ tỏ mình ra giữa hai con vật” (Kbc 3,2 bản hy lạp)

***

– CHƯƠNG II –

BA VUA

 

Tin Mừng Matthêu (Mt 2,1) cho biết khi Đức Giêsu sinh ra thì có các đạo sĩ từ phương Đông đến thờ phượng. Ngoài ra Mt không cho biết họ gồm bao nhiêu người, tên gì, giàu hay nghèo v.v. Các ngụy thư muốn bổ sung các chi tiết ấy.

– Tin Mừng tiếng Armêni viết rằng có một thiên sứ được Thiên Chúa sai đến xứ Ba Tư báo tin cho các Nhà Chiêm Tinh hay là Vua dân do thái vừa sinh ra. Khi đó “có 3 anh em đều là vua và đồng thời là những nhà chiêm tinh. Người thứ nhất tên là Melchon (sau này người ta viết sai thành Melchior) trị vì xứ Ba Tư, người thứ hai tên Balthasar trị vì xứ Ấn độ, người thứ ba tên Gasper cai trị xứ Ả rập”. Họ nhìn lên bầu trời và khám phá có một vì sao sáng hơn các vì sao khác. Thế là họ tin rằng đó là dấu của vị vua mới sinh. Họ liền từ bỏ các thần mà họ đang thờ, từ bỏ quê hương, ngai vàng, để lên đường theo sự hướng dẫn của vì sao lạ ấy. Và họ đã đến nơi Đức Giêsu đang ở, dâng cho Ngài những lễ vật quý giá. Đáp lại, Đức Maria cũng tặng họ một tấm tã lót của Hài nhi.

– Khi họ trở về, toàn dân Ba Tư hân hoan đón mừng. Người ta đốt lên một đám lửa to. Các vị này lấy tấm tã lót quý giá ấy quăng vào lửa để cho dân chúng tôn thờ. Tấm tả không cháy nhưng biến thành màu đỏ, và khi ngọn lửa tàn dần thì tấm tả lại biến thành màu trắng, trắng hơn tất cả những thứ có màu trắng mà họ từng được thấy. Họ hô lên : “Quả thực, không nghi ngờ gì nữa, đây chính là thánh tích của Đấng là Chúa các chúa, bởi vì lửa thiêng cũng không đốt cháy nó được”. Thế là mọi người đều trở lại tôn thờ Thiên Chúa.

***

– CHƯƠNG III –

ÁNH SÁNG TỪ CUỘC SỐNG ẨN DẬT

 

I. TRỐN SANG AICẬP

Cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu bắt đầu bằng cuộc chạy trốn sang Ai Cập. Tin Mừng Mt chỉ cho biết là thánh gia đã trốn sang Ai cập để tránh cuộc tàn sát của vua Hêrôđê, nhưng không cho biết những diễn biến của cuộc hành trình sang Ai cập, cũng như địa điểm mà Thánh gia đã tạm trú bên xứ đó.

Khoa lịch sử và địa lý giúp ta biết thêm cuộc hành trình này là đi theo con đường xuyên qua sa mạc Negeb để đến vùng châu thổ sông Nil nằm ở phía Nam xứ Giuđa.

Các ngụy thư đã biến cuộc chạy trốn này thành một cuộc diễu hành chiến thắng. Chẳng hạn Tin Mừng tiếng Ả rập kể rằng các thần Ai cập phải ngã xuống và vỡ tan tành dưới chân Hài nhi Giêsu ; ngay cả Pharaô cũng nhận ra Ngài “Ngài chính là Thiên Chúa thật… Đôi chân bé thơ của Ngài đã dẫm lên đất Ai cập” (Tin Mừng Ả rập 10,2)

II. NHỮNG CHUYỆN THÚ VỊ

– Lúc Đức Giêsu được 7 tuổi, một hôm Ngài cùng các đứa trẻ khác chơi lấy đất sét nắn tượng. Đứa thì nắn con lừa, đứa thì nắn con bò, đứa khác con chim v.v. Đứa nào cũng khoe rằng tượng mình nắn là giống nhất. Trẻ Giêsu không nói gì cả. Ngài chìa tay ra thì từ bàn tay Ngài những con chim sẻ bay ra, lượn một vòng rồi bay trở lại đậu trên tay Ngài. Mấy đứa kia ngạc nhiên quá chạy về thuật chuyện cho cha mẹ chúng. Cha mẹ chúng nói rằng trẻ Giêsu là một phù thuỷ và cấm không cho con mình chơi với Ngài nữa.

– Một lần khác, Đức Giêsu vâng lời Mẹ đi ra giếng lấy nước. Nhưng Ngài đã cho nước vào thùng đầy quá nên vác không nổi, và chiếc thùng rơi xuống vỡ tan. Trẻ Giêsu bình tĩnh hốt nước vào vạt áo và mang về nhà. Đức Maria rất ngạc nhiên, nhưng “Người giữ kín trong lòng những điều đã xem thấy” (Tin Mừng Ả rập 45)

III. NHỮNG CHUYỆN KỲ CỤC

Nhiều khi được thúc đẩy bởi óc thích sự kỳ diệu, các ngụy thư đã bịa ra nhiều chuyện không thể chấp nhận được. Chẳng hạn một số chuyện sau đây:

– Có một chàng thanh niên đẹp trai được nhiều mụ phù thuỷ tranh giành nhau. Vì không mụ nào lấy được chàng nên họ tức quá và dùng phù phép biến chàng thành một con lừa. Cả gia đình chàng trai buồn rầu khóc lóc thảm thiết. Tình cờ Thánh gia đi ngang qua. Thân nhân chàng trai nài xin : “Ôi lạy Đức Bà Maria, xin thương xót các tôi tớ của Người. Con lừa này chính là con cái của chúng tôi đã bị những mụ phù thuỷ biến thành như vậy. Xin Người thương xót chúng tôi… Đức Maria động lòng thương, bồng Đức Giêsu đặt lên lưng con lừa, rồi nói với Đức Giêsu “Con ơi, con hãy dùng quyền phép toàn năng của con để biến con lừa này trở lại thành người có trí khôn như trước đi”. Lập tức, con lừa biến lại thành người” (Tin Mừng Ả rập, 2 và 3)

– Một ngày kia, trẻ Giêsu đến với một đám trẻ khác định chơi với chúng. Nhưng chúng không chịu chơi mà lại đi núp trong một lò bếp. Lúc đó cũng có mặt một số phụ nữ. Trẻ Giêsu hỏi các bà xem bọn trẻ trốn ở đâu. Các bà không nói. Ngài hỏi tiếp “Vậy ai đang ở trong cái bếp lò đó ?” Họ đáp “Đó là những con dê 3 tuổi”. Thế là Giêsu nổi giận biến những đứa kia thành những con dê thật. Mấy người đàn bà vừa sợ vừa bất mãn, nói “Người mục tử tốt thì không đến để huỷ diệt mà đến để cứu chữa mới phải chứ”.  Khi nghe thế, trẻ Giêsu hối hận vì mình đã cư xử không đúng, nên đã biến chúng lại thành người như trước. (Tin Mừng Ả rập 40, 1 và 2)

– Một lần khác vì muốn thắng những trẻ cùng chơi với mình, trẻ Giêsu đã làm cho đứa này thành điếc, đứa khác thành mù.

– Một lần khác nữa, có một đứa chạy đụng vào trẻ Giêsu khiến Ngài té xuống đất. Trẻ Giêsu liền nói : “Mày đã làm tao té, thì tao sẽ làm cho mày té và không bao giờ đứng lên được nữa”. Thế là đứa đó ngã ngay xuống đất và chết liền. (Tin Mừng ả rập, 48)

IV. TRẺ GIÊSU Ở GIỮA CÁC TIẾN SĨ

Tin Mừng Luca có kể chuyện lúc 12 tuổi Đức Giêsu đã ở lại đền thờ giữa các tiến sĩ luật “vừa nghe vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (Lc 2,46-47).

Ngụy thư chưa thoả mãn với những mô tả đơn giản như vậy nên thêu dệt thêm rằng trẻ Giêsu không chỉ nghe và hỏi mà còn dạy cho các tiến sĩ kia nữa:

– “Có một tiến sĩ hỏi trẻ Giêsu có học về y khoa không… Thế là Trẻ Giêsu liền nói một mạch về vật lý, siêu hình, những năng lực của cơ thể con người, con người có bao nhiêu khúc xương, bao nhiêu mạch máu, bao nhiêu dây thần kinh… linh hồn con người tác động lên thể xác thế nào v.v. đến nỗi một vị tiến sĩ phải tuyên bố : “Thưa Đức Chúa, kể từ bây giờ, con sẽ làm môn đệ và nô lệ cho Ngài” (Tin Mừng ả rập 48,4)

– Ở trường mà thánh Giuse và Đức Mẹ gửi trẻ Giêsu đến học, trẻ Giêsu không chịu học mẫu tự ABC. Ngược lại ông thầy giáo, là một Rabbi nổi tiếng của Giêrusalem, còn phải nhờ Ngài dạy lại và soi sáng thêm (Tin Mừng ả rập, 48,2) Sau đó ông dẫn trẻ Giêsu về giao lại cho cha mẹ và nói : “Ông Bà đã đem đến trường tôi một đứa trẻ có học vấn uyên thâm hơn tất cả các bậc thầy cộng lại. Con của ông bà không cần học gì thêm nữa” (Tin Mừng ả rập 48,3)

***

– CHƯƠNG IV –

CUỘC CHỊU NẠN, CHỊU CHẾT VÀ SỐNG LẠI

 

I. XỬ ÁN

Theo 4 quyển Tin Mừng chính thức thì Đức Giêsu bị xử trước hai loại toà án : Toà án tôn giáo là Thượng Hội Đồng, Toà án chính trị gồm toà của Hêrôđê và toà của Philatô. Trong các toà án này, chỉ có toà án Rôma dưới quyền của Philatô là có thẩm quyền kết án tử cho Đức Giêsu. Thực ra Philatô không có lý do để kết án Đức Giêsu, nhưng cuối cùng Ngài cũng bị giết do sự hèn nhát thiếu trách nhiệm của Philatô.

Tin Mừng ngụy thư Phêrô thì nhập chung tất cả thành một phiên xử và quy trách nhiệm cho các lãnh đạo tôn giáo do thái. Sau đây là một trích đoạn : “Chẳng có một người do thái nào rửa tay cả, Hêrôđê và các quan toà cũng thế. Vì họ không rửa tay nên Philatô bỏ ra khỏi toà án. Bấy giờ Hêrôđê hạ lệnh bắt Chúa Giêsu mà rằng : tất cả những gì Ta truyền cho các ngươi thì các ngươi phải làm” (Tin Mừng ngụy thư Phêrô 1,1-2)

* Trích đoạn trên có nhiều chi tiết đi ngược lịch sử : (1) Gom các phiên toà lại thành một ; (2) Án tử được tuyên phán do vua Hêrôđê. Nhưng ngụ ý của tác giả là muốn quy hết trách nhiệm cho các lãnh tụ do thái và phần nào muốn làm giảm nhẹ trách nhiệm của Philatô.

II. ĐÓNG ĐINH

Trong các Tin Mừng chính thức, các tác giả chú ý đến tác phong của Đức Giêsu hơn là những hiện tượng lạ lùng xảy ra khi đó. Tin Mừng Mt chỉ ghi nhận cách đơn giản : “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm khắp trái đất” (Mt 27,45)

Ngược lại, Ngụy Tin Mừng Phêrô rất chú ý mô tả những hiện tượng ấy: “Bấy giờ là giữa trưa, tối tăm bao phủ toàn cõi Giuđêa. Những người do thái hoang mang sợ hãi vì mặt trời sắp lặn mà Đức Giêsu vẫn còn sống, vì có lời chép rằng mặt trời sẽ không hạ xuống trên một tử tội” (Ngụy Tin Mừng Phêrô, các câu 15-16). * Ở đây tác giả mỉa mai người do thái chẳng hề áy náy vì giết người công chính mà chỉ lo vi phạm điều luật để xác một tử tội bị treo qua đêm.

Quyển ngụy thư này chỉ ghi lại một lời của Đức Giêsu trên Thập giá trước lúc tắt thở, là “Quyền lực của Ta ơi, quyền lực của Ta ơi, ngươi đã rời bỏ Ta” (Câu 19) * Ta thấy tác giả đã sửa đổi chi tiết “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi” (Mt 27,46 ; Mc 15,34) thành “Quyền lực của Ta ơi”. Tác giả không chấp nhận ý tưởng Thiên Chúa bỏ rơi Đức Giêsu nên đổi cho nhẹ hơn : khi đó Đức Giêsu cảm thấy đang mất dần sức sống.

III. SỐNG LẠI

Để có thêm bằng chứng là Đức Giêsu đã chết thật, ngụy Tin Mừng Phêrô ghi rằng khi Đức Giêsu được táng vào mồ thì có mặt cả các quan chức Rôma và các người do thái nữa. Chính tay các lãnh tụ do thái hợp sức với lính Rôma “lăn một tảng đá lớn chận ngay lối vào huyệt” (câu 32), sau đó để chắc chắn hơn nữa, họ còn đóng tới 7 con dấu lên cửa huyệt (câu 34)

– Trong khi các Tin Mừng chính thức chỉ nói về những việc xảy ra sau khi Đức Giêsu sống lại, thì đoạn Tin Mừng ngụy thư Phêrô sau đây mô tả chính lúc Đức Giêsu sống lại : “Hôm sau, vào lúc bắt đầu ngày sabbat, từ Giêrusalem và vùng phụ cận có một đám đông muốn đến xem ngôi mồ đóng kín. Trong đêm trước ngày chúa nhật, đang khi binh lính đổi phiên gác, hai người mới thế hai người cũ, thì có một tiếng lớn vang động trên trời. Và chúng thấy các tầng trời mở ra, và có hai người toả ngời ánh sáng từ trời xuống và đến gần ngôi mộ. Tảng đá đặt ở cửa mộ tự lăn ra một bên, và mồ mở ra, và hai thanh niên bước vào. Thấy cảnh ấy, quân lính đánh thức viên đại đội trưởng và những vị trưởng lão đang ở đó để cùng canh gác với chúng. Và khi chúng thuật lại cho họ nghe điều chúng đã thấy thì họ lại thấy ba người đi ra khỏi mồ ; hai trong số đó nâng người thứ ba, và có một cây thập giá đi theo các vị. Và đang khi đầu của hai vị đầu tiên chạm trời thì đầu của vị được các vị ấy dẫn vượt quá các tầng trời. Và người ta nghe một tiếng từ trời phán rằng : “Ngươi đã báo tin cho những người đang ngủ chưa ?” Và từ thập giá người ta nghe tiếng trả lời rằng : “Thưa rồi”. (Ngụy Tin Mừng Phêrô 34-42)

IV. XUỐNG ĐỊA NGỤC

Ngụy Tin Mừng Nicôđêmô ghi lại những chuyện kỳ thú sau đây:

– Sau ngày Phục sinh, có hai người chết đã trở lại trần gian. Những người do thái đã phỏng vấn họ về xem Đức Giêsu đã làm gì khi xuống địa ngục, thì họ đã kể lại rằng : Bỗng dưng có một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ họ. Khi đó tất cả mọi người, từ Ađam là cha của nhân loại, cho đến những người vừa mới chết, tất cả đều sống lại. Khi đó các tổ phụ và các ngôn sứ hân hoan tuyên bố rằng những lời tiên tri của họ nay đã được hoàn thành. Lúc đó Gioan Tẩy Giả nói : “Tôi đến đây để loan báo rằng chẳng bao lâu nữa, chính Con Thiên Chúa sẽ đến thăm viếng các người như một vì sao từ cao hiện xuống”. Khi đó Satan và ma quỷ trong Địa ngục kinh hoàng vì người mà chúng tưởng là đã bị chúng tiêu diệt nay vẫn sống. Còn những người công chính thì vui mừng hân hoan. Đang lúc mọi người còn xôn xao hỏi nhau thì bỗng nghe một tiếng “Hãy mở cao lên nữa đi hỡi các cửa ngàn thu, để Đức Vua vinh thắng tiến vào”. Vua Thánh Đavít lớn tiếng nói với lũ quỷ : “Ta đã chẳng nói với các ngươi khi Ta còn sống rằng Đức Chúa sẽ phá tan những cánh cửa bằng đồng bằng sắt hay sao ? Ngài là Chúa các Đạo Binh kia mà…”  Đavít còn đang nói thì Đức Giêsu bằng xướng bằng thịt tiến vào địa ngục, làm cho sự tối tăm bấy lâu nay trở thành sáng láng. Địa ngục đành thú nhận sự thua trận của nó : Ngài đã quẳng cái chết ra một bên trong mồ và vẫn còn sống mà đến đây. Này đây, Ngài tự do thoải mái giữa cõi chết và khiến các đạo binh của chúng tôi phải hoang mang. Ngài là ai mà có thể giải thoát những kẻ bị giam cầm vì nguyên tội và phục hồi họ lại tình trạng nguyên thuỷ thế ? Lúc đó Đức Giêsu mới cho biết Ngài là ai, rồi hạ lệnh trói Satan và thuộc hạ nó lại. Sau đó Ngài nói với những người công chính : “Hãy đến đây hỡi tất cả con cái của Ta, là những người được dựng nên theo hình ảnh Ta và giống như Ta”. Rồi tay phải Ngài nắm tay Ađam và bay ra khỏi Địa ngục, tất cả các thánh bay theo sau”

***

PHẦN III

GIÁ TRỊ CỦA CÁC NGỤY THƯ

 

I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

– Trong thế kỷ I, có những Tin Mừng ngụy thư của những nhóm Ébionites và Nazaréens.

– Từ thế kỷ II đến thế kỷ IV, các ngụy thư xuất hiện rất nhiều và thuộc nhiều loại ; các Công vụ của các tông đồ Phêrô, Gioan và Phaolô ; các thư của 12 tông đồ, các sách khải huyền của Phêrô và của Phaolô. Cũng trong thời gian này có sách viết về sự qua đời của Đức Maria, Tin Mừng Matthêu-giả, các Tin Mừng của người ả rập và người Armêni, các Tin Mừng thời thơ ấu.v.v…

– Giáo Hội thời sơ khai chưa có khả năng quyết định cách dứt khoát và tức thời xem những sách nào đáng tin để được gọi là Sách Thánh.

– Đến cuối thế kỷ I, có một ý kiến chung trong khắp đế quốc Rôma là những yếu tố chính trong sứ điệp của Đức Giêsu được hàm chứa trong 4 quyển Tin Mừng Mt, Mc, Lc và Ga.

– Khoảng năm 150, ý kiến chung này được phát biểu chính thức bởi thánh Irênê, người được coi là chiến sĩ bảo vệ truyền thống Giáo Hội chống lại lạc thuyết ngô đạo. Thánh Irênê viết rằng chỉ có một Tin Mừng duy nhất dưới bốn dạng thức, không ai được thêm hoặc bớt gì cả. Và Ngài kết luận : “Những ai muốn phá huỷ yếu tính của Tin Mừng này thì đó là kẻ khùng điên, không có lý trí và cực kỳ táo bạo” (Adversus Haereses 3,11,8).

Cùng một ý kiến với Thánh Irênê, thánh Justinô cũng cho biết là trong những cuộc lễ của các tín hữu người ta đọc lên công khai 4 quyển Tin Mừng.  (xem Apology I,65)

– Dần dần người ta cũng coi trọng các thư của Thánh Phaolô và một số loại hình khác nữa như Công vụ, Khải huyền v.v.v.

– Từ tiền bán thế kỷ II, người ta cũng bắt đầu lập danh sách những sách đáng được coi là sách thánh. Nhưng có danh sách thì nhận nhiều quyển quá, và ngược lại có danh sách nhận quá ít. Bản danh sách cổ nhất được gọi là danh sách Muratori (vì do học giả Muratori khám phá và công bố năm 1740). Danh sách Muratori rất quý vì do Giáo đoàn Rôma lập vào cuối thế kỷ II. Nó chứa hầu hết các sách trong bộ Tân Ước như ngày nay.

– Đến năm 397, Công đồng Carthage công bố danh sách chung cục. Từ đó trở đi, Giáo Hội không thêm bớt quyển nào nữa. Đến thế kỷ VI, một sắc lệnh được gán cho Đức Giáo Hoàng Gelasius liệt kê tất cả những sách mà Giáo Hội không công nhận và gọi là ngụy thư.

II. GIÁ TRỊ CỦA CÁC NGỤY THƯ

Mặc dù các sách bị gọi là ngụy thư không được dùng làm nền tảng cho đức tin, tuy nhiên chúng ta không nên tiên thiên cho rằng tất cả những gì viết trong đó đều sai lạc.

Nên phân biệt 4 loại ngụy thư

1/ Những sách do các lạc giáo viết và nội dung rõ ràng ngược với đức tin kitô giáo. Những sách này rất dễ nhận dạng, do chính tựa đề của chúng, chẳng hạn “Sách thánh của Thần Khí Vô hình Vĩ đại”.

2/ Những sách cũng do các lạc giáo viết nhưng núp bóng dưới tên những vị có thế giá, chẳng hạn các Tin Mừng được gán cho các tông đồ như Philípphê, Tôma v.v.v.

Hai loại vừa kể trên thì hoàn toàn lạc đạo.

3/ Những sách do kitô hữu viết, nội dung cũng đúng với đức tin nhưng chưa đủ bảo đảm về nguồn gốc tông đồ. Ngoài ra còn có những sách được viết với ý hướng kitô giáo nhưng trong nội dung thì có một vài xu hướng lạc giáo. Trong loại này có những quyển Tin Mừng của những kitô hữu theo khuynh hướng do thái hoá, công vụ của Phêrô và Phaolô, Gioan.

4/ Những sách không có gì sai hay ngược với đức tin, được viết với ý hướng tốt, nhưng cách diễn tả thì kém cỏi và thô thiển. Chẳng hạn các Tin Mừng của Đức Maria, những chuyện về việc Đức Mẹ lên trời, Đức Giêsu xuống địa ngục, khải huyền của Thánh Phêrô và Phaolô v.v.v..

Hai loại sau này cũng có một số giá trị.

a. Một cách biểu lộ của khẩu truyền

Giá trị đầu tiên là chúng cho chúng ta thấy một bức tranh về những thời đầu của Giáo Hội.

– Đức Giêsu không viết gì cả, Ngài chỉ nói. Người ta nhớ và truyền khẩu lại.

– Đến phiên các tông đồ cũng thế. Chỉ là truyền khẩu.

– Những giáo huấn tiếp tục được truyền khẩu bởi các thừa sai, các nhà giảng thuyết, các giáo lý viên.

– Trong số các truyền khẩu ấy, một số được ghi lại trong những sách chính thư và được công nhận là sách thánh. Còn một số khác tuy không ở trong các sách được công nhận là sách thánh, nhưng cũng có thể được coi là những ghi chú bên lề sách thánh.

Giáo Hội đã sử dụng một số chi tiết như thế của các ngụy thư, chẳng hạn từ quyển Proto-evangile và quyển Mt-giả, Giáo Hội sử dụng một số chi tiết về đời thơ ấu của Đức Maria, sự qua đời của Người và niềm tin rằng Đức Maria đã được lên trời cả hồn và xác ; từ những công vụ của Phêrô, Giáo Hội tin rằng Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã hoạt động và tử đạo tại Rôma ; sau cùng, những thị kiến về hoả ngục và thiên đàng trong các ngụy thư cũng giúp kitô hữu hiểu phần nào về việc phán xét và cuộc sống đời sau.

b. Giá trị văn chương và phụng vụ

Văn chương đã không ngần ngại mượn nhiều mẫu chuyện trong ngụy thư để nuôi dưỡng lòng sùng kính của các tín hữu: chuyện Đức Mẹ dâng mình vào đến thờ, chuyện hang đá với con bò và con lừa, chuyện ba vua…

Giáo Hội cũng thừa nhận một số chi tiết và sử dụng trong Phụng vụ. Chẳng hạn ngày 16 tháng 8 là lễ kính Thánh Gioakim, ngày 26 tháng 7 kính thánh Anna, ngày 8 tháng 9 kính Sinh nhật Đức Maria, và ngày 21 tháng 11 là lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ.

c. Giá trị mỹ thuật

Nhiều bức hoạ đã lấy hứng từ ngụy thư. Thí dụ cuộc gặp gỡ giữa Thánh Giuse và Đức Mẹ ở Cổng Vàng, cây gậy của Thánh Giuse, cảnh Thiên sứ truyền tin, cảnh Đức Mẹ qua đời…

 ***

Sách tham khảo

1. Michel Quesnel, L’histoire des Évangiles, Nxb Fides, 1987

2. Jacques Hervieux, The New Testament Apocrypha, Hawthorn Books publishers, New York 1960.