Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 33

0
173

Ngày 30 tháng 12

NHỮNG HOÀN CẢNH ĐỨC KITÔ GIÁNG SINH

I

Đức Kitô đã muốn ra đời tại Belem, vì hai lý do.

Thứ nhất, bởi vì “Người được sinh ra … từ dòng dõi vua Đavid theo thể xác” như thánh Phaolô viết trong thư Rôma (Rm 1,3), và bởi vì theo sách các Vua (2 V 23,1), một lời hứa đặc biệt được dành cho vua Đavid. Vua Đavid sinh tại Belem, cho nên Đức Kitô cũng muốn sinh tại nơi ấy, để chứng tỏ lời hứa với tổ tiên đã được hoàn tất. Tác giả Tin Mừng đã chỉ ra điều này khi nói: “Ông Giuse đến thành vua Đavid là Belem, bởi vì ông thuộc về nhà và gia đình vua Đaviđ (Lc 2,4).

Thứ hai, bởi vì như Đức Giáo Hoàng Grêgôriô nói: “Belem được có nghĩa là ‘nhà bánh’.” (Hom.8 in evang), và chính Đức Kitô đã nói “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống” (Ga 6,41.51)

Cũng như vua Đavid sinh ra tại Belem, nhưng đã chọn Giêrusalem để thiết lập Vương quyền của  mình và xây dựng đền thờ Thiên Chúa, nhờ đó Giêrusalem vừa là thành phố hoàng gia và tư tế. Thế nhưng, chức tư tế và vương đế của Đức Kitô được hoàn tất đặc biệt là trong Cuộc Thương Khó của Người. Vì thế, có lý do để Người chọn Belem làm nơi sinh hạ và Giêrusalem làm nơi diễn ra Cuộc Thương Khó..

Ngoài ra, qua việc này, Người đã chẳng muốn làm bẽ mặt những con người kiêu ngạo, tự hào vì được sinh ra trong những thành phố vĩ đại, và tìm kiếm danh vọng nơi đó đấy ư? Ngược lại, Đức Kitô đã có ý định được sinh ra trong một thành phố nhỏ bé và chịu sỉ nhục trong một thành phố vĩ đại.

II

Hơn nữa, Đức Kitô đã ra đời vào một thời điểm thích hợp. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình xuống làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật” (Gl 4,4). Đây là sự khác biệt giữa Đức Kitô và chúng ta là những con người được sinh ra chịu lệ thuộc vào giới hạn của thời gian; còn Đức Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng làm chủ thời gian, đã chọn thời điểm để sinh ra cũng như Người đã chọn một người mẹ và một nơi sinh hạ. Thế nhưng, “Mọi điều đến từ Thiên Chúa đều được sắp đặt theo trật tự”, vì vậy, dễ suy luận rằng Đức Kitô được sinh ra vào một thời điểm đã được sắp xếp.

Đức Kitô đã đến để đem chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ và được hưởng tự do. Tất cả đều mang ý nghĩa biểu tượng: Người nhận lấy bản tính phải chết của chúng ta để đưa chúng ta vào sự sống. Một cách tương tự như vậy, như thánh Bêđa đã nói: “Người đã hạ mình nhập thể vào lúc mà khi vừa chào đời, Người đã bị chi phối bởi cuộc kiểm tra dân số của hoàng đế Cêsarê, và vì thế Người tự mình đặt mình làm nô lệ để giải thoát chúng ta.”

Hơn nữa, vào thời ấy, toàn thế giới nằm dưới sự cai trị của một hoàng đế, và được hưởng thái bình thịnh trị. Vì thế, đó là thời điểm thích hợp cho sự sinh hạ của Đức Kitô bởi vì “Người là hòa bình của chúng ta, Người làm cho tất cả mọi người nên một” (Ep 2,14).

Một lý do xứng hợp khác nữa. Đức Kitô nên được sinh ra vào thởi điểm toàn thế giới được cai trị bởi một thủ lãnh, bởi vì “Người đã đến để quy tụ những ai thuộc về người, quy tụ con cái Thiên Chúa lại với nhau thành một” (Ga 11,52), nhờ vậy, “sẽ chỉ còn một đàn chiên và một Mục Tử” (Ga 10,16).

Đức Kitô đã muốn được sinh ra vào thời mà một vua ngoại quốc cai trị miền Giuđê, để ứng nghiệm lời tiên báo của ông Giacóp được sách Sáng thế thuật lại: “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa khỏi đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến” (St 49,10). Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích: “Bao lâu dân Do Thái bị cai trị bởi những vị vua Do Thái, dù tội lỗi đi nữa, thì các ngôn sứ được gửi đến để sửa chữa họ. Nhưng đến Luật của Chúa bị đặt dưới quyền lực của một ông vua độc ác thì Đức Kitô được sinh ra; bởi vì căn bệnh nặng và vô phương cứu chữa thì cần một vị lương y lành nghề hơn.”

Đức Kitô muốn được sinh ra khi ánh sáng ban ngày bắt đầu tăng lên, để cho thấy rằng Người đến để cho con người có thể đến gần ánh sáng thiên linh, như Tin Mừng Luca đã nói: “Người sẽ  soi sáng tất cả những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần”.

Đồng thời, Người đã chọn sinh ra trong mùa đông rét buốc, để Người có thể bắt đầu chịu đau khổ với chúng ta nơi thân xác.

(ST III, q. 35, a. 7 và 8)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here