Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Giáng Sinh 29

0
200

MÙA GIÁNG SINH

Theo lịch phụng vụ hiện hành, mùa Giáng sinh là mùa ngắn nhất, bởi vì chỉ kéo dài không đến ba tuần lễ (bắt đầu từ lễ Giáng Sinh và kết thúc với lễ Chúa Giêsu lãnh phép rửa); tiếp theo là mùa Thường niên. Tuy nhiên, trước cuộc cải tổ của công đồng Vaticanô II, cách tổ chức niên lịch phụng vụ khác hẳn:  Mùa Giáng sinh kéo dài cho đến lễ Hiển linh, và được tiếp nối với các Chúa nhật “sau lễ Hiển Linh” kết thúc với Mùa Chay.

Dù sao, các bài suy niệm sau đây không đi sát với các lễ của mùa phụng vụ nhưng hướng theo chủ đề khác. Mùa Vọng chú trọng đến mầu nhiệm Nhập thể. Mùa Giáng sinh tập trung vào việc Chúa Giêsu ra đời, cuộc đời ẩn dật và công khai của Người, để khi vào Mùa Chay thì chuyển sang cuộc Khổ nạn của Người.

Sau đây là mục lục các đề tài trong mùa Giáng sinh

  1. Ngay từ lúc Giáng sinh, Đức Giêsu đã tỏ lòng nhân hậu nhằm phục vụ chúng ta
  2. Đức Kitô được sinh ra với thân xác chịu đau khổ và chiu chết
  3. Thánh Gioan tác giả Tin mừng
  4. Bốn ích lợi trong cuộc giáng sinh của Đức Kitô
  5. Việc sinh ra của linh hồn thống hối
  6. Những hoàn cảnh của việc Chúa Giêsu sinh ra
  7. Việc làm con Thiên Chúa
  8. Lễ Cắt bì
  9. Việc đặt tên Giêsu
  10. Những ích lợi của thánh danh Gieêu
  11. Đức trinh khiết của Mẹ Maria
  12. Hoa trái của Đức trinh nữ Maria
  13. Lễ Hiển linh
  14. Thứ tự của việc Đức Kitô tỏ mình
  15. Các hiền sĩ là mẫu gương đáng bắt chước
  16. Các lễ phẩm của các hiền sĩ
  17. Đức Giêsu bị thất lạc và tìm thấy, tức là việc tìm kiếm Thiên Chúa
  18. Chúa Giêsu trọ ở đâu
  19. Những cuộc kết hôn thiêng liêng
  20. Sự can thiệp của Đức Maria tại Cana
  21. Rượu ngon
  22. Thánh Danh Chúa Giêsu
  23. Ba thứ rượu
  24. Đức Giêsu sống giữa loài người
  25. Chúa Giêsu chọn cuộc đời hoạt động
  26. Đức Kitô không nên sống khắc khổ
  27. Đức Kitô cần sống đời thanh bần
  28. Đức Kitô, khi sống trên đời này, đã tuân giữ Lề Luật
  29. Đức khiêm tốn và vâng phục của Đức Giêsu
  30. Việc kết hôn của Mẹ Maria
  31. Ân sủng vô hạn của Đức Kitô
  32. Cuộc trở lại của thánh Phaolô tông đồ
  33. Chức tư tế của Đức Kitô
  34. Tóm lược giáo huấn của Đức Kitô
  35. Cái giếng mát dịu
  36. Nghĩa vụ của chúng ta đối với Ngôi Lời Thiên Chúa
  37. Cần phải tuân giữ Lời Chúa
  38. Ích lợi của việc suy gẫm các mầu nhiệm Đức Kitô
  39. Chúa Giêsu đứng ở cửa và gõ
  40. Lễ Thanh tẩy Đức trinh nữ Maria
  41. Lễ tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ
  42. Chúng ta tiến dâng bản thân cho Thiên Chúa như thế nào
  43. Đền thờ Thiên Chúa
  44. Chúng ta phải đi theo Chúa Giesu
  45. Cái ách của Chúa Kitô
  46. Cây nho và cành nho
  47. Việc học hỏi đức khôn ngoan, nhất là Đức Khôn ngoan nhập thể
  48. Lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ-đức
  49. Tình trạng những người tội lỗi
  50. Đừng trì hoãn việc hoán cải
  51. Việc gắn bó với Đức Kitô
  52. Tình yêu của Đức Kitô đối với các môn đệ
  53. Làm thế nào ở lại trong Đức Giêsu
  54. Sống trong Đức Kitô
  55. Về sự bình an và chiến thắng nhờ Đức Giêsu
  56. Cửa hẹp
  57. Từ bỏ của cải trần thế

———————————-

Ngày 25 tháng 12

NGAY TỪ LÚC GIÁNG SINH,
ĐỨC GIÊSU ĐÃ TỎ LÒNG NHÂN HẬU
NHẰM PHỤC VỤ CHÚNG TA

I

Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại” (Tt 3,4).

Chúa Kitô đã bày tỏ sự tốt lành của Thiên Chúa khi thông truyền thiên tính của Người cho chúng ta, và Người biểu lộ lòng thương xót khi mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta. Vì thế, thánh Bênađô nói rằng: “Quyền năng của Thiên Chúa bày tỏ trong công trình sáng tạo vạn vật, sự khôn ngoan được bày tỏ trong việc cai quản vạn vật, còn lòng nhân hậu của Người được biểu lộ cách đặc biệt qua việc Người đã mặc lấy thân xác của chúng ta”.

Những lời tiếp theo trong thư gửi ông Titô là bằng chứng của lòng thương xót, đó là, Đức Kitô đã cứu độ chúng ta, không phải do bởi những việc công chính chúng ta làm, nhưng nhờ lòng thương xót của Người (Tt 3,5). Thánh Bênađô đã thốt lên: “Còn bằng chứng nào rõ rệt về lòng thương xót của Thiên Chúa hơn việc mang vào mình nỗi thống khổ của chúng ta? Còn bằng chứng nào đầy lòng nhân ái hơn là việc Ngôi Lời trở thành cỏ rơm vì chúng ta?” Vì thế, Hội Thánh hát rằng: “Muôn lạy Đức Kitô, Đấng Cứu nhân độ thế, là Con Một Chúa Cha” Và ngôn sứ Isaia đã nói: “Còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở” (Is 63,16).

II

Về ích lợi của việc Giáng sinh, ngôn sứ Isaia đã nói: “Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta” (Is 9,6), nghĩa là vì có ích cho chúng ta. Có bốn điều ích lợi từ cuộc giáng sinh của Đức Kitô mà chúng ta có thể suy ra từ bốn đức tính đặc biệt của các thơ nhi và càng nổi bật hơn nữa nơi Hài Nhi Giêsu, đó là: trong trắng, khiêm nhu, dễ thương và hiền từ.

1/ Chúng ta tìm thấy nơi Người sự trong trắng rạng ngời nhất, bởi vì Người là ánh sáng chói lọi vĩnh cửu, là tấm gương không tì vết của sự uy nghiêm của Thiên Chúa (x. Kn 7,26). Sự trong trắng này được biểu lộ nơi việc được thụ thai và sinh ra trinh khiết. Sự nguyên tuyền không thể sinh ra sự tì ố. Vì thế, ông Alcuinô nhận xét rằng, “Đấng Tạo dựng nên tất cả loài người, để có thể trở thành con người và cứu độ con người, đã tuyển chọn cho mình một người mẹ xứng đáng và và đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, Người muốn Mẹ phải là một Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và từ Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội đã sinh ra Hài Nhi Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng sẽ thanh tẩy tội lỗi của toàn thể nhân loại.”

2/ Nơi Hài nhi này, chúng ta tìm thấy đức khiêm nhường tột đỉnh, vì chính Người là Thiên Chúa “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Như Thánh Bênađô đã nói, Người đã bày tỏ đức khiêm nhường này, khi được sinh ra trong chuồng bò, quấn tã và được đặt nằm trong máng cỏ.

3/ Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta tìm thấy sự đáng yêu lớn lao nhất. Người đẹp nhất trong số các con cái của loài người sinh ra và kể cả trong các thiên thần. Vẻ đáng yêu này là kết quả của sự kết hợp giữa thiên tính với nhân tính. Vì thế, thánh Bênađô đã nói: “Hãy nhìn ngắm quang cảnh trìu mến của con người là Đấng tác tạo con người”.

4/ Nơi Hài Nhi Giêsu, chúng ta tìm thấy đức hiền từ cực độ,  bởi vì “Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2,13). Vì vậy, thánh Bênađô đã nói, “Chúa Kitô là một hài nhi và dễ chiều chuộng. Ai chẳng biết rằng một đứa trẻ dễ tha thứ? Nếu chúng ta không có tội nặng thì chúng ta có thể được hòa giải dễ dàng. Tôi nói dễ dàng, nhưng không phải là không thống hối.” Vì thế, cũng như lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ vượt quá mọi hy vọng, thì chúng ta cũng có thể hy vọng vào sự biểu lộ tương tự lòng thương xót của Chúa khi xét xử .

(Về nhân tính của Chúa Kitô)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here