Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Vọng 12

0
629

MÙA VỌNG

Ngày 8 tháng 12

LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Đức Maria tuyệt đối không mắc phải bất cứ tội lỗi nào.

1. Trong chính lúc được thụ thai. Thật là chính đáng khi đức tin dạy rằng, Đấng hạ sinh “Con Một yêu dấu của Chúa Cha, tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1,14) đã nhận được ân sủng lớn lao hơn những người khác. Vì vậy, đã có lời chép rằng: “Sứ thần chào trinh nữ: ‘Kính chào bà Đấng đầy ân sủng’” (Lc 1,28). Thế nhưng, chúng ta biết rằng đặc ân thánh hóa ở trong lòng Mẹ cũng được ban cho một số người khác nữa, chẳng hạn như ông Giêrêmia, đã được Chúa nói: “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1,5), hay trường hợp của ông Gioan Tẩy giả: “Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần” (Lc 1,15). Vì thế thật là hợp lý khi tin rằng Đức Maria cũng đã được thánh hóa trước khi sinh ra.

Tuy nhiên việc thánh hóa này không được diễn ra trước khi linh hồn được ban, nhưng là vào chính lúc linh hồn được ban cho Đức Maria. Cựu ước, như thánh Phaolô đã nói, là hình ảnh tiên trưng của Tân Ước (1 Cr 10,11), nói đến sự thánh hiến nhà tạm của Thiên Chúa (Tv 45,5) là biểu tượng của việc thánh hiến một nhà tạm khác là Thân mẫu của Thiên Chúa, như đã nói trong thánh vịnh (Tv 45 và 18). Thế nhưng, như sách Xuất Hành cho biết, sau khi ông Môsê hoàn thành công việc dựng Nhà Tạm theo lệnh Thiên Chúa thì “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn đầy Nhà Tạm” (Xh 40,34). Do vậy, Đức Trinh Nữ chỉ được thánh hóa khi đã hoàn tất toàn thân, cả hồn và xác, nghĩa là cùng một lúc.

2. Trong suốt cả đời, Đức Maria không vướng mắc tội lỗi. Lý do như thế này: Khi Thiên Chúa nhắm trao cho người nào một chức vụ, thì Ngài chuẩn bị và phú ban những ân huệ đặc biệt thích ứng với nhiệm vụ ấy, như thư Corintô đã viết: “Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới” (2 Cr 3,6). Thế nhưng, Đức Trinh Nữ đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Vì vậy, không thể nghi ngờ rằng nhờ ân sủng, Thiên Chúa đã làm cho Người trở nên xứng đáng với vinh dự ấy. Chúng ta biết được điều này nhờ vào những lời của sứ thần nói với Mẹ: “Bà đã được đẹp lòng Thiên Chúa; này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,30). Nhưng giả như đã một lần mắc tội, hẳn là Người không xứng đáng với chức phận là Mẹ Thiên Chúa. Thứ nhất, bởi vì nếu vinh quang của cha mẹ thường tỏa sáng trên con cái như sách Châm ngôn đã nói “Cha mẹ là vinh dự của con cái ” (Cn 17,6), thì điều ngược lại cũng đúng: điều sỉ nhục nơi người mẹ cũng làm ô nhục con mình. Thứ hai, Đức Trinh nữ có mối tương quan thân tình đặc biệt Đức Kitô là con mình, thế nhưng theo thánh Phaolô (2 Cr 6,15), “Làm thế náo Đức Kitô lại chung đụng với Bêlia được?” (2 Cr 6,15) Thứ ba, Con Thiên Chúa – Đấng Cao minh thần linh, đã cư ngụ nơi Mẹ cách đặc biệt không chỉ trong linh hồn mà còn trong lòng dạ của Mẹ. Thế mà, như sách Khôn Ngoan đã viết: “Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ.” (Kn 1,4)

Vì thế, chúng ta phải tuyên xưng rằng Đức Trinh Nữ không vướng mắc bất cứ tội lỗi nào, kể cả tội trọng hay tội nhẹ. Như vậy, những lời được viết trong sách Diễm Ca đã được ứng nghiệm nơi Mẹ: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ.” (Dc 4,7)

(ST III, q. 27, a. 1-2 và 4)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here