Ơn Linh Hứng Kinh Thánh

0
1467


Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.

Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm. Lời Thiên Chúa cũng đã thành chữ viết. Nhập Thể là sự kết hợp của tính Thiên Chúa với tính loài người. Kinh Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và cũng là của con người. Nhập Thể và Kinh Thánh, cả hai đều thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian, “nhiều lần, nhiều cách” như thư Hr 1,1 đã nói.

Ở đây ta tìm hiểu khía cạnh thiên linh của Kinh Thánh, tức là yếu tố làm cho một tác phẩm của con người cũng thực sự là tác phẩm của Thiên Chúa. Yếu tố ấy quen được gọi là ơn đoàn sủng linh hứng.

 
Phần một
SỰ KIỆN LINH HỨNG
 

Trước khi dẫn lời Kinh Thánh để chứng minh Kinh Thánh được linh hứng, cần chú ý : ta không dẫn Kinh Thánh với tính cách đó là Lời Thiên Chúa, nhưng với tính cách là tài liệu lịch sử. Vì nếu dẫn Kinh Thánh với tính cách là Lời Thiên Chúa thì hóa ra ta đi vào vòng luẩn quẩn :  giả thiết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa rồi lại dựa vào đó để chứng minh Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa. Vì thế, ta chỉ coi Kinh Thánh là tài liệu đáng tin cậy nhờ đó mà biết Đức Giêsu và các Tông Đồ, tức là những vị dạy điều phải tin phải sống, đã xác quyết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần linh hứng.

 
I. TRONG KINH THÁNH

1. Cựu Ước

Trong Cựu Ước, không có chỗ nào nói rõ toàn bộ hay một cuốn sách nào trong Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng. Chỉ thấy có những xác quyết đơn giản như : “Sách của Đức Chúa”, “Sách Thánh”, “Kinh Thánh”. Tuy nhiên, cũng có nhiều đoạn văn ám chỉ sự kiện linh hứng như  :

– Khi ông Môsê được lệnh Chúa truyền ghi lại cuộc chiến thắng quân Amaléc (Xh 17, 14) và tập sách Giao ước (Xh 24, 4 tt ; 34,27).

– Đặc biệt là trường hợp các ngôn sứ. Các ông được lệnh Chúa truyền chép lại hay đọc cho người khác chép những thị kiến… vd. ông Isaia được lệnh Đức Chúa truyền ghi lại tên tượng trưng của người con thứ hai của ông là Maher shalal khash baz (Is 8,1) và viết một lời sấm (30,8).  Ngoài ra, trong Is 34,16 còn nói đến một cuốn sách được gọi là ”Sách của Đức Chúa”. Không rõ là sách nào, có lẽ là một tập lời sấm.

– Khi ông Giêrêmia được Đức Chúa truyền viết những Lời Đức Chúa phán với ông vào một cuốn sách (Gr 30,2 ; x. 25,13 ; 45,1 ; 51,60). Nhưng điển hình nhất là trường hợp ch. 36. Ở đây, tác giả mô tả cụ thể việc soạn cuốn sách được linh hứng. Đức Chúa truyền cho ngôn sứ Giêrêmia chép vào một cuốn sách những Lời Đức Chúa đã phán với ông (c.2). Ông đọc cho thư ký (ông Barúc) viết những Lời của Đức Chúa (cc. 4.6). Ông Barúc đem tập đó đọc cho dân chúng trong Đền Thờ như là “Lời của Chúa” (c.8). Tập đó đến tay vua Xítkigia và bị vua đốt đi, nhưng Chúa truyền cho ngôn sứ Giêrêmia viết lại (c. 28) cùng với nhiều lời khác nữa (c.32).

– Khi ngôn sứ Khabacúc được lệnh viết các thị kiến của ông lên những tấm bảng đá (Kb 2,2).

– Ông Edras từ Babylone lưu đày trở về mang theo một cuốn Luật, ông đã đọc cho dân nghe (Er 7,1-26). Sau thời lưu đày, người Israel dần dà có thái độ kính tôn đặc biệt đối với một số sách. Đến thời anh em Macabê, những sách ấy đã được thu thập lại (2 Mcb 2, 13-15) và, lần đầu tiên trong văn chương Kinh Thánh, được gọi là ”các Sách Thánh”, là nguồn an ủi cho dân trong lúc ngặt nghèo, quí giá hơn cả sự liên minh với dân Sparthes (1 Mcb 12,9), là nơi thỉnh ý Thiên Chúa trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (1 Mcb 3,48), trước khi giao chiến (2  Mcb 8,23).

– Bài tựa sách Huấn ca trong bản dịch Hy lạp (quãng 130 trước CCT) chia các sách ấy thành ba nhóm : Luật, các Ngôn sứ và các tác phẩm. Đây là một lối chia cổ điển trong truyền thống Israel, vẫn còn cho đến nay. Người ta coi lời các ngôn sứ được ghi lại cũng có giá trị ngang hàng với lời các ngài giảng.

– Những từ ngữ, những kiểu nói cũng có sự tiến triển dần dần : ”Sách” (Xh 17,24), “các Sách” (Đn 9,2), “Sách Giao ước” (Xh 24,7 ; 2 V 23,2-21…), “Sách Luật” (Đnl 28,61 ; 30,10 ; 31,26), “Sách của Đức Chúa” (Is 34,15), ”Sách Luật của Thiên Chúa” (Gs 24,26), ta biblia (2 Mcb 2,13) ta biblia ta hagia (1 Mcb 12,9), hê hiera biblos (2 Mcb 8,23).

2. Truyền thống Israel

Theo hướng đi từ lời Đức Chúa phán đến Sách Thánh : trước khi có Sách Thánh, Thiên Chúa đã ban lời dạy dỗ dân Người rồi, vì đó việc ”Thiên Chúa nói với ông Ápraham, với ông Ixaác, với ông Giacóp” là một sự kiện măïc khải trước khi được ghi chép thành sách.

Người Israel coi việc những sự kiện măïc khải được ghi chép lại là một trong nhiều hoạt động của Thiên Chúa để giáo dục đức tin cho dân (pôlumêros kai pôlutropos Hr 1,1). Muốn hiểu thái độ của người Israel đối với Sách Thánh, cần phải đặt niềm tin của họ vào trong toàn bộ mặc khải : ban đầu là Lời Thiên Chúa nói với các Tổ phụ, sau đó với các ngôn sứ, cuối cùng những lời đó được ghi chép thành sách gọi là Sách Thánh.

Một số tác phẩm đã nói lên thái độ của người Israel đối với Sách Thánh, như :

– Mishna (Yadayim III 5c) : “Mọi sách thánh làm tay dơ bẩn” kiểu nói không có ý bảo Sách Thánh làm cho tay ra dơ bẩn, nhưng có ý nói đừng động đến vì nó có tính cách linh thánh (kôl kitbê haqqôdesh metammêim et-hayyadaim). Ngày Sabbat phải nghỉ việc nhưng nếu “các Sách Thánh” bị hỏa hoạn thì phải lo cứu chữa (Mishna, Sabbat XVI, 1).

– Thư của Pseudo-Aristée : làm chứng sự kiện : cộng đoàn Do-thái kiều ước ao có một bộ Ngũ Thư và các sách khác vẫn đọc ở Giêrusalem, nhưng bằng ngôn ngữ của mình (x. 2 Mcb 2,15 ; tựa sách Hc) ; làm chứng niềm tin : Thiên Chúa can thiệp trong việc ban tặng các Sách Thánh ; vua Ptolémée II nhìn nhận Ngũ Thư là theou logia (x 177).

– 4 Esdras (14, 23-27) cho biết Thiên Chúa đọc cho Esdras viết 40 ngày đêm 204 cuốn sách, nhưng chỉ có 60 cuốn được xuất bản.

– Fl. Josèphe khi nói về Ngũ Thư hay các sách Kinh Thánh nói chung, vẫn dùng kiểu nói hai hierai bibloi, ta hiera grammata.

– Philon dùng những kiểu nói : hiera grammata, hierai graphai, theoi chresmoi, theocresta logia, hieros logos, logos theios.
 
3. Tân Ước

Giáo Hội của Đức Giêsu và các Tông Đồ cũng đã chia sẻ quan niệm của người Israel về Sách Thánh.

– Người Israel coi Sách Thánh là nguồn mạch và là qui luật của chân lý. Vì thế thánh Phaolô phải dựa vào Kinh Thánh để giải thích cho người Israel ở Thêxalônica biết Đức Giêsu chịu đau khổ, rồi phục sinh và làm Đấng Kitô (Cv 17, 2-3). Những người Israel ở Bêrêa dùng Kinh Thánh để chứng thực lời giảng của thánh Phaolô là thực hay hư (Cv 17,11). Mọi tranh luận giữa người Israel phải dựa trên nền tảng là Sách Thánh (Cv 18,28). Tóm lại, có thể nói giữa hai thời Cựu Ước và Tân Ước không có dấu vết gì cho thấy có sự đánh giá Kinh Thánh khác nhau.

– Đức Giêsu chia sẻ suy nghĩ của đồng bào Israel của Người về Sách Thánh. Người sử dụng Kinh Thánh trong sinh hoạt phượng tự của dân tộc, không loại trừ một phần nào : Luật : Mc 7,10 (x. Lv 20,9) các Ngôn sứ : Mc 4,12 (x. Is 6,9 tt) ; Mc 7,6 (x. Is 29,13) ; Mt 11,4-5 (x. Is 42,18) ; Mt 21,44 (x. Đn 2,34.44.45) ; Mt 9,13 (x. Hs 6,6) Mc 13,12 (x. Mk 7,6). Các tác phẩm, đặc biệt là các Thánh vịnh Mt 21,16 (Tv 8,2) ; Mc 151,34 (Tv 23,2) ; Mt 5,8 (Tv 24,4) ; Mc 14,26 (Tv 115-118). Người coi lời Sách Thánh có một thế giá đặc biệt (x. Mt 21,13) có giá trị cao nhất chấm dứt mọi tranh luận (x. Mt 4, 4-10), là nguồn mạch chân lý (Mt 22,29 // Mc 12, 24-27). Hơn thế nữa, Người còn coi Sách Thánh là những lời ngôn sứ nói về Người (Ga 5,39) ; Người có sứ mạng hoàn tất lời Sách Thánh (Mt 1,22 ; 13,48) ; và nếu Người không bộc lộ thì người ta không thể hiểu biết ý nghĩa sâu sắc nhiệm mầu của Sách Thánh (Lc 24, 27.32.45 ; Ga 2,22 ; x. Ga 10,35).

– Các Tông Đồ kế thừa quan niệm chung đó theo gương Đức Giêsu, các ngài đồng hóa Sách Thánh Cựu Ước với Lời Thiên Chúa (Mt 29,31 ; x. Mc 12,26). Thánh Phaolô coi các sách Cựu Ước là Lời Chúa Nhập Thể, Thiên Chúa ủi an ta nhờ các sách đó (Rm 15,4-5) ; nhân cách hóa Sách Thánh ; “Sách Thánh nói” cũng có nghĩa là ”Thiên Chúa nói”… Các ngài gọi bộ sách là ”Sách” (hê graphê, dịch sát là ”tài liệu viết” : Gl 3,8-22 ; 1 Pr 2,6 ; 2 Pr 1,20), ”các Sách”, ”các Sách Thánh” (hai graphai, Mt 21,42 ; 22,29 ; Rm 15,4 ; hagiai graphai, Rm 1,2).
Nhưng có hai đoạn văn đặc biệt nói lên nguồn gốc thiên linh của Sách Thánh, đó là : 2 Tm 3,15-16 và 2 Pr 1,20-21.

– Trong 2 Tm 3,15-16, thánh Phaolô nói với ông Timôthê : ”Từ bé anh đã biết các Sách Thánh (hiera grammata), là những sách có phương dạy khôn anh để được ơn cứu độ nhờ bởi tin vào Đức Giêsu Kitô. Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng (pasa grâphê theopneustos) và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, cải thiện và đào tạo trong đường công chính”.

“Kinh Thánh tất cả” (hoặc ”mỗi sách Kinh Thánh” là các Sách Cựu Ước đã nói tới ở c.15.

“Theopneustos” (trong cả Kinh Thánh chỉ gặp ở chỗ này) là một động tính từ ghép bởi danh từ theos : “Thiên Chúa, thần minh” và động từ pneuô : “thở, thổi (gió thổi, thổi kèn), gợi hứng cho” cũng như những động tính từ khác có -tos ở cuối, theopneustos có thể có nghĩa :

– chủ động : (“thở ra Thiên Chúa”) nghĩa là tiết phát ra các thiên linh gợi ra những ý nghĩ về Thiên Chúa.

– thụ động (“do Thiên Chúa thổi”), trong các bản văn Hy lạp có trước Kitô giáo, từ này luôn có nghĩa thụ động. Ngoài ra theo văn mạch chỗ này và văn mạch các quan niệm Tân Ước nói trên, theo các bản dịch cổ, các Giáo phụ Hy lạp và hầu hết các nhà chú giải hiện nay, thì từ theopneustos hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là “được Thiên Chúa thổi, gợi hứng cho, được thần hứng”.

– 2 Pr 1,20-21 cũng nói đến nguồn gốc thiên linh của Kinh Thánh, nhưng còn nhắc thêm về vai trò của con người nữa. Trong đoạn này, tác giả nói rằng giáo huấn về ngày Quang lâm của Chúa Kitô không phải là chuyện hoang đường. Vì uy linh của Thiên Chúa đã xuất hiện khi Chúa biến hình (c.16) ; hơn nữa giáo huấn này còn dựa trên những lời sấm Cựu Ước (c.19) ; tác giả viết tiếp, “Trước tiên, anh em hãy biết rằng : không lời ngôn sứ nào trong Kinh Thánh, người ta lại được quyền giải thích theo ý kiến riêng. Vì không bao giờ lời ngôn sứ đã do ý muốn người phàm đem ra ; nhưng là có những người được Thánh Thần dun dủi, phêrômênoi, đã dựa quyền Thiên Chúa mà nói lên”.

“Lời ngôn sứ” theo văn mạch, là toàn thể Cựu Ước hoặc các Sách ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là những lời nói về Chúa Kitô.

“phêrôâmênoi” là ”được đưa đi” (trong Cv 27,15-17, động từ này được dùng để chỉ con tàu được/bị gió hay dòng nước đưa đi). Như vậy ở đây có ý nói đến yếu tố nhân loại, nhưng yếu tố này hoàn toàn tùy thuộc quyền năng Thiên Chúa.

Ngay từ thời các Tông Đồ, Giáo Hội đã nhìn nhận Cựu Ước là những tài liệu có uy tín của Thiên Chúa, được Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả viết ra. Tất cả các đoạn văn vừa kể trên đều nói về ơn linh hứng của các sách Cựu Ước ; còn về ơn linh hứng của các sách Tân Ước thì không thấy bản văn nào nói rõ, trực tiếp. Chỉ có một số chỗ nói cách gián tiếp.

– Trong 1 Tm 5,18, tác giả dùng công thức “Kinh Thánh nói”, để trưng dẫn một câu trong Đnl 25,4 và một lời của Đức Giêsu trong Lc 10,7 : “Làm thợ thì đáng lãnh công”. Như vậy khi đó có lẽ Tin Mừng Lc (hay một tác phẩm tiền Luca) đã được coi như Sách Thánh ? Hay cũng có thể hiểu là ở Lc 10,7, Đức Giêsu dẫn một câu tục ngữ quen thuộc và tác giả 1 Tm cũng dẫn câu ấy sau Đnl 25,4 vì có nghĩa giống nhau chứ không hẳn ông coi đó là Kinh Thánh.

– 2 Pr 3,15-16 đặt các thư thánh Phaolô ngang hàng với các sách Kinh Thánh. Rất có thể lúc đó các thư thánh Phaolô đã được kể vào thư mục Sách Thánh ? Và như vậy, ngoài Cựu Ước ra, Giáo Hội đã có một số các tác phẩm riêng, cũng mang tính cách linh thiêng như các sách Cựu Ước.

– Khải Huyền (1,1-3 ; 22,7.10.18-19) cho mình có nguồn gốc từ Thiên Chúa nên có thế giá như lời Thiên Chúa. Những lời đe dọa ai thêm bớt vào sách ấy có ý cho thấy sách này cũng có thế giá ngang với các tác phẩm của các ngôn sứ trong Cựu Ước.

– Theo Ga 20,30-31 tác giả sách Tin Mừng Ga (hoặc đồ đệ của ông) ý thức rằng lời mình viết ra có giá trị đem lại đức tin và ơn cứu độ.

II. TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHỤ

Giáo hội tin Cựu Ước và Tân Ước là các sách được Thiên Chúa linh hứng, nên có tính cách linh thánh. Niềm tin ấy đã khởi đi từ đầu truyền thống các Giáo phụ. Ở đây ta chỉ nêu tóm tắt một vài vị làm điển hình :

– Các Giáo phụ cổ kính nhất (thế kỷ II) dùng những kiểu nói : “Sách Thánh”, “Kinh Thánh”… và gọi Kinh Thánh là “oracula Dei”. Các ngài bảo Kinh Thánh đã được Chúa Thánh Thần “đọc chính tả” ; Chúa Thánh Thần sử dụng các soạn giả thánh như là “những dụng cụ” (cây bút, cây đàn) trong tay Người (x. Didakhê 14,3 ; th. Clêmentê Roma, Justinô, Théophilô Antiôkhia, Irênê…).

– Các Giáo phụ thế kỷ III và IV coi Chúa Thánh Thần là “tác giả” Kinh Thánh và quả quyết rằng cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đã được Người linh hứng. Thánh Augustinô coi đó là một tín thư từ trời. Thánh Giêrônimô cho rằng mọi văn sĩ thánh là dụng cụ của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô Cả đi xa hơn, quả quyết tác giả Sách Thánh là Chúa Thánh Thần, nhưng lại ít lưu ý đến tác giả loài người.

Tuy nhiên không phải các ngài hoàn toàn bỏ qua vai trò của soạn giả thánh. Truyền thống vẫn coi các soạn giả thánh cũng là tác giả của Sách Thánh : Thiên Chúa là tác giả chính, con người cũng chịu trách nhiệm về tư tưởng, thể văn, cách sắp đặt… Thánh Cyrillô Giêrusalem khen thánh Phaolô đặt câu hay, thánh Gioan viết diễn từ giỏi…

– Người ta còn nhiều lần gặp – dưới nhiều hình thức – những quả quyết của Giáo phụ về tính tuyệt đối không sai lầm của Kinh Thánh. Nhưng có hai điểm chính cần ghi nhớ trong cái nhìn của các Giáo phụ về Sách Thánh

1. Soạn giả thánh là dụng cụ của Thiên Chúa

Kinh Tin Kính công đồng Constantinople (381) nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần : “Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy”. Các Giáo phụ nói : chính Thiên Chúa nói ra và gợi lên, đã đọc cho các soạn giả viết những điều cần phải truyền lại cho ta. Các vị cũng ví các soạn giả như cây bút của Thiên Chúa, như cây đàn mà Chúa Thánh Thần là miếng phím gảy đàn. Những hình ảnh ấy đề cao vai trò chính yếu của Chúa Thánh Thần trong việc soạn Kinh Thánh, nhưng cũng có thể đưa đến quan niệm quá máy móc về ơn linh hứng và hạ giá vai trò của con người (gần như một dụng cụ vô tri vô giác). Ta sẽ nói về vấn đề này khi nói về bản chất của ơn linh hứng.

2. Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh

Kiểu nói “Thiên Chúa là tác giả của Sách Thánh” được dùng trước tiên trong cuộc tranh luận chống thuyết nhị nguyên của Manikê (thế kỷ III, cho rằng vũ trụ bị hai nguyên lý, một tốt, một xấu chi phối), để nhấn mạnh rằng Cựu Ước cũng như Tân Ước đều được Thiên Chúa linh hứng.

III. TRONG HUẤN QUYỀN CỦA GIÁO HỘI

Tiếp nối truyền thống Giáo phụ là một chuỗi những tuyên bố chính thức của Giáo Hội nhằm xác định, triển khai nội dung của truyền thống.

– Cho tới thế kỷ V, Giáo Hội vẫn dành nhiều nỗ lực để làm sao xác định nội dung và ý nghĩa của Lời Thiên Chúa trước những khó khăn do các lạc giáo nêu lên, đồng thời trả lời những lạc thuyết của Manikê và Marcion (thế kỷ II, phân biệt Tạo Hóa trong Cựu Ước với Thiên Chúa tốt lành trong Tân Ước). Giáo Hội nhấn mạnh duy mình Thiên Chúa là tác giả cả Cựu lẫn Tân Ước đồng thời thiết lập danh mục các tác phẩm được coi là Sách Thánh.

– Từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII, Giáo Hội không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng sở dĩ các sách đó được gọi là Sách Thánh là vì có Thiên Chúa là tác giả.

– Công đồng Florence (1441) viết : “Giáo Hội tuyên xưng rằng, cũng một Thiên Chúa duy nhất là tác giả của Cựu ước và Tân Ước… vì các thánh của Cựu Ước và Tân Ước đã nói ra do ơn của cũng một Thánh Thần linh hứng” (EB 47 ; Dz 1334).

– Công đồng Trentô (1546) và Vaticanô I đã nhắc lại giáo huấn trên. Nhưng Vaticanô I chỉ xác định cách tiêu cực về ơn linh hứng, nghĩa là chỉ tuyên bố linh hứng không phải là thế này, không phải là thế kia…chứ không nói là thế nào.

– Đến thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII (18.11.1893) mới có một định nghĩa tích cực về ơn linh hứng. Sau đó các thông điệp Spiritus Paraclitus của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV và Divino afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII triển khai thêm một số khía cạnh.

– Sau cùng là Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II. Trong chương III, số 11 có nói đến sự kiện Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng và, do đó, có thế giá của Thiên Chúa. Hiến chế cũng nhắc rằng Kinh Thánh chứa đựng “thực tại được Thiên Chúa linh hứng” (Divinitus revelata, quae in Sacra Scriptura litteris continentur et prostant, Spirito Sancto afflante consignata sunt) và đề cao tự do của con người được Thiên Chúa chọn làm dụng cụ soạn thảo Sách Thánh (In sacris vero libris conficiendis Deus homines elegit, quos facultatibus ac viribus suis utentes adhibuit).

IV. TRONG TỔ CHỨC PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI

Giữa việc tôn kính Sách Thánh và mầu nhiệm Thánh Thể xem chừng không có khác biệt. Cần có tư tưởng về “hai cuộc Nhập Thể” để thấy rằng Kinh Thánh và Thánh Thể là hai dạng thức biểu lộ sự hiện diện của Chúa Kitô. Người Kitô hữu lo tìm Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng linh hồn thế nào, thì cũng ân cần tìm lương thực cho tâm hồn nơi Sách Thánh thế ấy.

Lời Thiên Chúa và Bí Tích là hai hình thức cử hành việc phụng tự. Vì đó có thể đọc Kinh Thánh thay vì cử hành Thánh Thể khi, vì một vài lý do nào đó, không thể cử hành Thánh Thể được.

Thái độ cung kính đối với Sách Thánh khi cử hành phụng vụ nói lên niềm xác tín Sách Thánh là Lời Thiên Chúa (lex orandi lex credendi). Người ta long trọng rước cuốn sách lên bàn thờ, tung hô trước và sau khi đọc Tin Mừng, xông hương sách Tin Mừng, hôn kính sách Tin Mừng…. Tất cả cho thấy thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa làm người, hiện diện qua Lời của Người.

Trong các Công đồng, sách Tin Mừng luôn được dành cho một địa vị danh dự. Truyền thống đó bắt đầu từ Công đồng Êphêxô (431) và vẫn còn được duy trì cho tới Công đồng Vaticanô II.

 

Phần hai

BẢN CHẤT ƠN LINH HỨNG

Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh, còn con người là dụng cụ Thiên Chúa dùng. Nhưng hai yếu tố thiên linh và nhân loại ấy liên hệ với nhau như thế nào ? Nói khác đi, Thiên Chúa tác động nơi soạn giả thánh như thế nào ?

I. XÁC ĐỊNH MỘT SỐ KHÁI NIỆM

1. Linh hứng và măïc khải

 Mạc khải (revelatio : mở bức màn che), theo công đồng Vaticanô I, là việc Thiên Chúa tỏ cho biết giáo lý đức tin (doctrina fidei, Dz 3011 ; 3020), tức là các chân lý đức tin. Còn theo Công đồng Vaticanô II, thì măïc khải là Thiên Chúa tỏ cho ta biết chính Người là Đấng Sáng Tạo và là Đấng Cứu Độ, qua những kỳ quan của thiên nhiên, nhất là qua các biến cố của lịch sử cứu độ và những lời giải thích các biến cố đó (của các ngôn sứ, các Tông Đồ, đặc biệt qua Chúa Kitô là sự viên mãn của măïc khải (x. Dei Verbum, số 2,4,6).

Linh hứng là ơn Chúa Thánh Thần tác động để soạn giả thánh chép Sách Thánh. Xét về phía soạn giả, những điều ông biết và viết ra có thể là do măïc khải mới (măïc khải siêu nhiên, cũng có thể là những măïc khải đã được tỏ bày qua người khác), và cũng có thể là do những kiến thức tự nhiên đã có sẵn. Xét về phía kết quả, cuốn sách viết ra bao giờ cũng là măïc khải cho chúng ta, vì nhờ đó chúng ta biết được Thiên Chúa và mầu nhiệm của Người. Linh hứng là ghi lại măïc khải với sự bảo đảm của Thiên Chúa.

Giữa măïc khải với linh hứng không có sự đối chọi nhau nhưng là hoạt động hài hòa. Khó nói măïc khải và linh hứng bên nào trước bên nào sau xét theo thứ tự thời gian. Thiên Chúa tỏ mình ra trong thiên nhiên, trong lịch sử, cho tâm trí con người và qua người trung gian. Người nâng con người trung gian lên, ban tràn đầy Thánh Thần để họ sống, cảm nghĩ và diễn tả bằng lời nói và chữ viết chân lý phát sinh từ sự gặp gỡ giữa người ấy với Thiên Chúa.

2. Linh hứng và đoàn sủng

Đoàn sủng (hay đặc sủng, kharisma) là ơn đặc biệt Chúa Thánh Thần ban cho một số người, nhất là những người có trách nhiệm trong cộng đoàn để phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn, để xây dựng cộng đoàn (x. 1 Cr 12,4-11.28-30 ; Rm 12,6-8 ; Ep 4,11).

Nguồn mạch và nguyên lý thống nhất mọi đoàn sủng là Chúa Thánh Thần. Nhưng cách biểu lộ thì đa dạng, mỗi người tùy theo đoàn sủng được ban cho mình mà phục vụ, ví được như mỗi chi thể theo cách thức của mình mà phục vụ lợi ích của toàn thân thể. Có những đoàn sủng như : làm tông đồ, thày dạy, làm ngôn sứ, làm người coi sóc giáo đoàn, biên soạn Sách Thánh (đoàn sủng linh hứng) cũng là một đặc sủng (vì viết sách để gieo đức tin và củng cố đức tin của cộng đoàn). Mỗi người có thể được một hay nhiều đoàn sủng, vd : tông đồ và linh hứng, ngôn sứ và linh hứng, hoặc chỉ ơn linh hứng mà thôi. Như vậy linh hứng cũng là một đoàn sủng Chúa Thánh Thần ban để phục vụ cộng đoàn Giáo Hội.

II. NHỮNG QUAN NIỆM THIẾU SÓT VỀ ƠN LINH HỨNG

1. Quá nhấn mạnh về phía soạn giả.

a. Chấp thuận sau khi viết (approbation subséquente)

Đây là chủ trương của L. Leys (1554-1624), một tu sĩ Dòng Tên người Hòa Lan. Ông cho rằng : ”Nếu có cuốn sách nào (có lẽ là trường hợp của 2 Mcb) được viết ra hoàn toàn do sức loài người, không có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, nhưng sau đó Chúa Thánh Thần công nhận là không có chút gì sai lầm, thì sách đó trở thành sách thánh”. Tiếp đó,  S. Bonfrère (1573-1642) cũng thuộc Dòng Tên, người Bỉ, chấp nhận lối giải thích trên và gọi đó là linh hứng tiếp sau (inspiration subséquente).

Sixto Senense, một người Israel đã tòng giáo, năm 1575 xác quyết rằng ơn linh hứng Kinh Thánh hệ tại việc Giáo Hội nhận sách này sách kia vào trong Thư qui. Đức cha D. Von Haneberg, Dòng Biển Đức († 1876) cũng theo chủ trương này.

b. Trợ giúp từ bên ngoài (assistance externe)

Đây là chủ trương nhằm dung hòa hai thái cực, một muốn qui tất cả về Thiên Chúa đến độ không chú ý đến trách nhiệm của con người, một nhấn mạnh đến công việc của con người đến độ làm phương hại vai trò của Thiên Chúa. Đây là chủ trương của S. Bonfrère, J. Jahn (1816) : Thiên Chúa trợ giúp từ bên ngoài giúp cho soạn giả thánh khỏi sai lầm, người ta còn gọi đây là ơn linh hứng đồng phụ (inspiration concomitance), nghĩa là Thiên Chúa chỉ phụ lực với soạn giả thánh cách tiêu cực mà thôi.

Ngoài ra còn một số cách giải thích của những người ngoài Công giáo hơn kém tương tự những chủ trương trên đây, thí dụ cho rằng Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh với một lý do đơn giản là vì Người muốn như thế. W. Lotz (Tin Lành) quan niệm ơn linh hứng là một sự thúc đẩy tinh thần : Thiên Chúa lựa chọn con người mà Người muốn sử dụng để thực hiện chương trình của Người. Rồi Người chuẩn bị, thúc đẩy, truyền lệnh viết. Trong trường hợp này, Thiên Chúa chỉ đóng vai trò khởi xướng việc soạn thảo Sách Thánh. Có thể gọi đây là ơn linh hứng đi trước (inspiration antécédente).

Một số không ít tác giả thời mới giản lược ơn linh hứng Kinh Thánh vào thi hứng.

Công đồng Vaticanô I đã bác bỏ hai chủ trương chấp thuận sau khi viết và trợ giúp bên ngoài (EB 77 ; Dz 3006).

2. Quá nhấn mạnh về phía Thiên Chúa

a. Xưa kia một số Giáo phụ nói : Thiên Chúa sử dụng soạn giả thánh như nhạc sĩ sử dụng cây đàn. Nhưng ta đừng hiểu quá sát kiểu nói đó. Bởi vì chính các Giáo phụ cũng nhìn nhận rằng soạn giả vẫn còn tự do sử dụng khả năng của mình.

b. Một số ý kiến ví soạn giả thánh như một dụng cụ vô tri (cây bút, máy chữ) trong tay Thiên Chúa. Như thế soạn giả thánh hoàn toàn thụ động và có thể ví với một viên thư ký không hơn không kém.

c. Nếu hiểu kiểu nói : Thiên Chúa ”đọc chính tả” (dictée verbale) theo nghĩa soạn giả thánh hoàn toàn thụ động, chỉ nghe và sao chép lại cách trung thực, thì quả đã giảm thiểu vai trò của tác giả loài người. Nhưng nếu hiểu động từ dictare theo nghĩa của La tinh cổ xưa, tức là một ông lớn gợi ý, đôi khi gợi cả lời lẽ của một bài diễn văn cho người thư ký. Rồi người thư ký theo đó mà viết, thì phần nào có thể chấp nhận được. Ta sẽ đề cập đến vấn đề “linh hứng ngôn từ” (inspiration verbale) sau.

III. TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA NƠI SOẠN GIẢ THÁNH

Bỏ qua những quan niệm thiếu sót về ơn linh hứng, ta thử nghĩ coi thế nào là quan niệm tương đối khả dĩ (vì dù sao linh hứng Kinh Thánh vẫn còn là cái gì huyền nhiệm) về ơn linh hứng. Thiên Chúa đã tác động trên soạn giả thánh tới mức nào, để soạn giả thánh viết ra tác phẩm mà cả Thiên Chúa lẫn con người cùng là tác giả. Một số văn kiện của Giáo Hội giúp hướng dẫn việc tìm hiểu.

1. Công đồng Vaticanô I

”Giáo hội coi những sách này là thánh và thuộc Thư qui (pro sacris et canonicis habet) không phải bởi vì những sách này, sau khi đã được soạn ra do một mình công phu của con người, đã được quyền bính của Giáo Hội công nhận. Cũng không phải chỉ vì những sách đó chứa đựng măïc khải không sai lầm. Nhưng bởi vì những sách đó đã được chép ra nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng, nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó” (EB 77 ; Dz 3006). Ở đây Công đồng bác bỏ hai chủ trương : chấp thuận sau khi viết và trợ giúp bên ngoài như đã nói ở trên.

2. Thông điệp Providentissimus Deus (18.11.1893)

Đức giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp này, viết về tác động của Chúa Thánh Thần như sau : ”Bằng một sức mạnh siêu nhiên, Người (Thiên Chúa) đã khơi động và thúc đẩy các soạn giả viết. Trong khi các vị viết, Người giúp các vị suy tưởng đúng, muốn viết lại cách trung thành và diễn tả cách thích hợp bằng chân lý không sai lầm (apte infaillibiti veritate exprimerunt) tất cả những gì Người truyền cho các vị viết và chỉ những điều đó thôi. Nếu không có như thế thì Người không phải là tác giả của tất cả Kinh Thánh” (EB 125 ; Dz 3293). Đây là bản văn rất quan trọng, vẫn được coi là một định nghĩa ơn linh hứng, bởi vì đoạn văn mô tả tác động cụ thể của ơn linh hứng nơi soạn giả khi ông đang làm việc : Thánh Thần hoạt động cùng với soạn giả con người. Người có sáng kiến, nhưng soạn giả thánh không thụ động, trái lại vẫn làm việc và cộng tác bằng trí tuệ, ý muốn và khả năng hành động.

3. Thông điệp Divino afflante Spiritu (30.9.1943)

Đây là thông điệp của Đức giáo hoàng Piô XII, được coi là hiến chương mới của khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội công giáo, và đã có ảnh hưởng rất lớn. Về vấn đề linh hứng, thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của soạn giả : “Khi chép Sách Thánh, soạn giả thánh là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, một dụng cụ sống và có lý trí”, do đó, “khi được Thiên Chúa tác động, vẫn còn sử dụng những khả năng và sức lực của mình. Thế nên từ cuốn sách do công lao soạn giả làm ra, ai nấy có thể nhận thấy dễ dàng tính cách riêng và những nét đặc thù của mỗi soạn giả” (EB 556).

4. Công đồng Vaticanô II

Hiến chế Mặc Khải, Dei Verbum, sử dụng lại Vaticanô I và hai thông điệp vừa kể trên, đã viết : “Những điều Thiên Chúa măïc khải và Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi chép do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Spiritu Sancto afflante). Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, do niềm tin bắt nguồn từ thời các thánh Tông Đồ, coi là Sách Thánh và thuộc Thư qui toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn, vì lý do là các sách đó đã được chép nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng (Spiritu Sancto inspirante) nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó.

Trong việc soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng những khả năng và sức lực của mình, để nhờ chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra với tư cách là những tác giả thực sự, tất cả những gì Người muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (số 11).

Trong đoạn văn trên, Công đồng nhấn mạnh : Thiên Chúa là tác giả và con người cũng là tác giả của Sách Thánh.

5. Một cố gắng giải đáp : lý thuyết về nguyên nhân tác thành dụng cụ (cause efficiente instrumentale)

Thiên Chúa và con người thực sự cùng là tác giả của Sách Thánh. Nhưng phải giải thích thế nào ? Có lẽ hình ảnh tốt nhất tượng trưng sự hợp tác đó là hình ảnh của dụng cụ : Người thợ và dụng cụ liên kết mật thiết với nhau để làm nên một công trình. Không thể thiếu bên nào nhưng người thợ vẫn là người thợ, dụng cụ vẫn là dụng cụ.

Thánh Tôma phân biệt hai loại nguyên nhân : nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ :

a. Nguyên nhân chính hoạt động do năng lực bản thể mình. vd: lửa đốt nhờ sức nóng. Nguyên nhân chính lại chia thành :

– Nguyên nhân đệ nhất : không những hoạt động do sức riêng, mà đang khi hoạt động lại không lệ thuộc vào bất cứ nguyên nhân nào khác. Duy Thiên Chúa là nguyên nhân theo nghĩa này và là nguồn mạch sự hữu của mọi vật.

– Nguyên nhân đệ nhị : hoạt động do sức riêng, nhưng đang khi hoạt động phải lệ thuộc vào nguyên nhân đệ nhất. Nguyên nhân này không tạo ra sự hữu của các vật mà chỉ tạo ra vật này vật kia.

b. Nguyên nhân dụng cụ :

– Đặc nét thứ nhất và phân biệt nguyên nhân dụng cụ với nguyên nhân chính là : không thể tự mình hoạt động nhưng cần được nguyên nhân chính lay động mới làm ra một kết quả phù hợp với hình thức và mục đích của nó ; vd : cái cưa với hình thức cưa, để cưa. Nhưng cũng cần nhớ là nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ dầu là hai nhưng hợp lại thành một nguyên lý hoạt động duy nhất.

– Dụng cụ tùy thuộc nguyên nhân chính, nhưng không phải cách thụ động hay như cơ hội để nguyên nhân chính hoạt động, trái lại tự bản chất nó đã có một tiềm năng sẵn sàng để hoạt động khi được thúc đẩy.

– Dụng cụ không những được lay động mà còn được nâng cao để phát sinh một hiệu quả theo năng lực tự nhiên của nó, có người gọi đây là tác động dụng cụ do nguyên nhân chính thông cho, vd: cái cưa làm nên cái bàn.

– Dụng cụ cũng ảnh hưởng đến nguyên nhân chính, vì nguyên nhân chính phải thích ứng với bản chất và đặc tính của dụng cụ.

– Hai nguyên nhân hợp tác với nhau mật thiết đến độ thiếu một bên thì không thể sinh ra hiệu quả được. Hiệu quả cách nào đó thuộc về nguyên nhân dụng cụ xét theo phạm vi hiện hữu.

Đây là một ví dụ giúp hiểu những mệnh đề trên : cái bút được chế tạo với hình thức thích hợp để viết. Bản thân nó không viết được những dòng chữ mà cần phải có người nào đó cầm và viết. Hơn nữa khả năng tự nhiên của nó chỉ có thể vạch được những đường nét mà thôi. Nhưng khi được một người nào đó sử dụng, thì nó được nâng cao vượt khả năng tự nhiên của cây viết. Vậy, không thể nói nét chữ là thuộc về cây viết, còn nội dung truyền đạt là của người viết. Thực tế, hai yếu tố ấy hòa lẫn với nhau (một từ phải biểu thị một nội dung) nên những ký hiệu có ý nghĩa cũng là hiệu quả của cái bút.

6. Áp dụng vào soạn giả thánh

Theo dòng truyền thống của Kitô giáo, thánh Tôma vẫn so sánh soạn giả thánh như một ”dụng cụ” trong tay Thiên Chúa. Nhưng đừng hiểu kiểu nói ấy theo nghĩa đen, mà phải hiểu theo cách loại suy và co dãn, bởi vì đây là trường hợp đặc biệt : soạn giả thánh là một con người, một dụng cụ có nhân vị chứ không như bất cứ một dụng cụ vật chất nào khác. Đức giáo hoàng Piô XII viết : soạn giả thánh là ”dụng cụ của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là hữu thể sống và có lý trí”. Vậy áp dụng những điều vừa nói trên về nguyên nhân dụng cụ vào trường hợp của soạn giả thánh, ta thấy :

– Vì hoạt động của dụng cụ xét như dụng cụ là một với tác động của nguyên nhân chính, nên Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh.

– Nguyên nhân chính và nguyên nhân dụng cụ hợp thành một nguyên lý hoạt động duy nhất, lệ thuộc lẫn nhau, hiệu quả là của chung cả hai : một bên vì đã lay động, một bên vì được lay động. Đây không phải là hai nguyên nhân kế cận nhau để mỗi nguyên nhân sinh hậu quả riêng. Do đó Thiên Chúa và con người đều là tác giả của Kinh Thánh. Thiên Chúa là nguyên nhân chính, tác giả con người là nguyên nhân dụng cụ.

– Hiệu quả phát sinh do sự hợp tác của hai nguyên nhân trên thuộc về phạm vi hiện hữu của nguyên nhân chính ; vậy nên Kinh Thánh có tính siêu nhiên, khác với mọi sách khác.

– Nhưng cũng là sản phẩm của con người vì soạn giả thánh, dù được Thiên Chúa lay động như một dụng cụ thực sự, vẫn hành động theo thể thức riêng của con người : các khả năng tự nhiên không bị ngưng, không bị hủy. Soạn giả thánh phải vận dụng mọi khả năng như tác giả của bất cứ cuốn sách nào phải làm.

– Hoạt động của nguyên nhân chính mang vết tích của dụng cụ nên cũng phải chia sẻ những thiếu sót, bất toàn của dụng cụ. Vì đó mà có những nét đặc biệt, khéo léo, vụng về nơi mỗi soạn giả trong cách hành văn. Đó là điều người đọc nhận thấy dễ dàng.

– Là một nhân vị, nên soạn giả thánh là một dụng cụ thuộc một loại riêng (sui generis) chứ không như bất cứ dụng cụ nào khác. Đây là dụng cụ có lý trí và tự do. Thiên Chúa, nguyên nhân chính, lay động dụng cụ này theo bản tính của nó : lay động trí tuệ, ý thức và các quan năng thực hành.

Tóm lại, “Thiên Chúa có thể dùng ơn của Người để đánh động từ bên trong, để họ không sai lầm mà vẫn hoàn toàn duy trì được bản chất của họ là tự do” (ST I-II, q.109 a.6 ad 1um ; q.111 a.2 ad 2um).

Nơi soạn giả thánh, tất cả mọi tài năng của con người có thể dùng vào việc viết sách, sẽ trở thành dụng cụ Thiên Chúa dùng để viết Sách Thánh. Điều đó thực hiện nhờ đoàn sủng linh hứng. Nhưng :

– Có cần chuẩn bị kiến thức về tâm lý, văn hóa, tôn giáo ? Có những kiến thức thuộc phạm vi tự nhiên như lịch sử, phong tục, địa dư ; có những kiến thức thuộc lãnh vực tôn giáo do giáo dục hay do nghiên cứu và có thể do măïc khải siêu nhiên Thiên Chúa đã tỏ qua người khác. Tất cả đều thuộc về phần chuẩn bị cho soạn giả thánh trước khi đón nhận ơn linh hứng để viết sách.

– Có cần chuẩn bị về luân lý ? Nếu xét tuyệt đối và theo lý thuyết thì không cần soạn giả thánh phải có sự thánh thiện cao, vì ông là dụng cụ trong tay Thiên Chúa rồi. Vả lại linh hứng là một đoàn sủng, để phục vụ lợi ích của cộng đoàn chứ không phải thuần túy cho cá nhân người được đoàn sủng. Trong Kinh Thánh có trường hợp Balaam (Ds 22 – 24) tuyên sấm không phải là thánh, nhưng chỉ nhân danh Thiên Chúa. Thực tế thì các soạn giả thánh đều là những người có lòng tin sâu sắc, có tâm tình mộ đạo cao, nhiều vị là tông đồ, ngôn sứ, môn đệ…

– Có ý thức mình được linh hứng ? Soạn giả thánh có thể sử dụng măïc khải cách gián tiếp tức là những măïc khải Thiên Chúa tỏ qua người khác. Ơn linh hứng thuần túy không đòi buộc phải có măïc khải trực tiếp. Vì thế, soạn giả thánh có thể không ý thức mình được Thiên Chúa linh hứng, vd. tác giả 2 Mcb. Ông chỉ có ý tóm lược sách của Giason Kyrênê (2,23) ; Sách các Vua vẫn hay nhắc đến các nguồn tài liệu được tham khảo ; thánh Luca với sách Tin Mừng và sách Công vụ… Nhưng không vì thế mà các soạn giả thánh hoàn toàn không ý thức về các việc mình làm. Các vị biết mình viết sách là để phục vụ Thiên Chúa. Các ngài cảm thấy mình có bổn phận phải viết để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội, cảm thấy đó là một cách phục vụ Giáo Hội (Is 30,8 ; x. 8,16-18 ; 34,16 ; 1 Cr 7,1 tt).
Sau nữa, vì là đoàn sủng để viết Sách Thánh, nên ơn linh hứng không tồn tại mãi mà chỉ hiện hữu khi soạn giả thánh viết sách mà thôi.
 
Dưới đây ta theo kiểu nói của thông điệp Providentissimus Deus để nói rõ hoạt động của ơn linh hứng trên soạn giả thánh.

a. Trong trí tuệ : Thiên Chúa soi sáng

Để trình bày chân lý như Thiên Chúa muốn, trước tiên cần phải có một quan niệm cho đúng. Ơn linh hứng sẽ giúp trí tuệ soạn giả thánh nhận thức đúng. Một trong những yếu tố góp phần tích cực để hiểu tác động của ơn linh hứng đối với trí tuệ của soạn giả thánh là cách phân biệt phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành cùng vai trò của nó.

(1). Phán đoán trừu tượng là việc tác giả nhận biết chân lý cần phải thông tri cho người khác. Phán đoán trừu tượng đóng vai trò chủ yếu khi nói về ngôn sứ. Bởi vì Thiên Chúa trực tiếp chiếu giãi ánh sáng vào trí tuệ của vị ngôn sứ, giúp ông hiểu được măïc khải vượt quá tầm trí hiểu của con người. Còn đối với soạn giả thánh, vì kiến thức có thể tìm được cách tự nhiên hoặc qua những măïc khải Thiên Chúa đã tỏ ra cho các vị khác, nên không cần Thiên Chúa phải trực tiếp cung cấp cho, chỉ cần Người ban một ánh sáng siêu nhiên mới (thuộc ơn linh hứng) để nhận thức lại những điều đã thu lượm cách này cách khác.

(2). Phán đoán thực hành là tìm những phương tiện để thông tri cho người khác chân lý mình đã nhận thức. Soạn giả thánh phải nỗ lực để sắp đặt những điều mình đã biết thành sách vở. Tất cả diễn tiến này : từ tư tưởng, từ ngữ đến văn loại… đều diễn ra dưới ánh sáng siêu nhiên của ơn linh hứng. Đây cũng là điểm khác với ngôn sứ : Thiên Chúa soi sáng cho ngôn sứ nội dung mặc khải, còn ngôn sứ tự mình tìm cách nói ra ; còn linh hứng thì ảnh hưởng đến cả phán đoán thực hành, Thiên Chúa soi cho soạn giả thánh biết phải viết ra thế nào.

Quan hệ hỗ tương giữa hai phán đoán trên có nhiều cấp độ. Có khi phán đoán trừu tượng đi trước, phán đoán thực hành đi sau. Đây là trường hợp ta chiêm ngưỡng một chân lý, sau đó thấy nên tỏ cho người khác biết. Có khi phán đoán thực hành lại đi trước, đây là trường hợp ta muốn gây một hiệu quả nào đó đối với công chúng, vì đó ta nghĩ nên soạn một diễn từ, viết một cuốn sách, làm một bài thơ… và lúc bấy giờ ta mới suy nghĩ về những tư tưởng sẽ được triển khai trong cuốn sách.

Trong trường hợp soạn giả thánh, phán đoán thực hành có một vai trò rất lớn. Chắc chắn soạn giả muốn dạy dỗ, soi sáng cho độc giả một chân lý nào đó, nhưng trước tiên ông tìm cách để làm cho họ cảm kích và xúc động. Ông muốn thuyết phục bằng cảm quan hơn là bằng sức mạnh của lý luận. Vì vậy có thể phán đoán thực hành sẽ điều khiển và chế giảm biểu lộ của phán đoán trừu tượng, có khi còn bỏ qua nữa. Đó là trường hợp ông cảm thấy cần phải khẳng định tới mức độ nào hoặc chỉ viết cái gì đó để trang trí, vui cười chứ không nhằm dạy một chân lý nào. Đó cũng là trường hợp khi soạn giả thánh trích dẫn người khác mà không suy nghĩ lại.

Ơn linh hứng tác động vào trí tuệ, trên cả hai phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành, giúp cho soạn giả nhận thức chân lý Thiên Chúa muốn thông ban và biết nên viết điều gì và viết cách nào. Ánh sáng linh hứng đó có tính cách nội tại, để lời viết ra thực sự là của con người, và cũng là Lời của Thiên Chúa nhờ ánh sáng đó, bởi vì nếu là ngoại tại thì việc làm của soạn giả thánh không còn tính cách tự do nữa mà là bị cưỡng bách.

b. Trong ý chí : Thiên Chúa thúc đẩy

Ơn Thiên Chúa thúc đẩy soạn giả thánh để chỉ muốn viết những gì Thiên Chúa muốn. Vấn đề là sự hài hòa giữa ý muốn của Thiên Chúa với ý muốn của con người như thế nào. Nếu soạn giả thánh là một dụng cụ có lý trí và tự do, thì Thiên Chúa cũng phải sử dụng dụng cụ đó theo bản tính của nó là có tự do. Vì đó ơn linh hứng phải tác động trên ý chí vì đây là quan năng làm cho con người hành động như con người tức là có tự do.

Ơn siêu nhiên đó không chỉ là một sức mạnh hoạt động ngoài ý chí như truyền lệnh, khuyến khích (ta hay gặp thấy trong Kinh Thánh), vì như vậy mới chỉ tạo được một ảnh hưởng luân lý thôi. Ơn linh hứng đó phải  tác động trực tiếp trên ý chí của soạn giả thánh, cách thực sự, tác động trên cơ năng mà vẫn duy trì được tự do của soạn giả thánh và phải có tính cách siêu nhiên (ơn thánh) để lời soạn giả loài người viết ra là Lời Thiên Chúa.

Phân biệt tác động của ý muốn Thiên Chúa trên ý muốn của con người mà vẫn duy trì được tự do của con người là chuyện khó và dễ gây ra hiểu lầm. Ở đây nữa, ta lại thấy tính cách huyền nhiệm trong việc Thiên Chúa linh hứng cho soạn giả. Cuối cùng phải nhận rằng Thiên Chúa không muốn hủy bỏ tự do là điều quí giá Người đã ban cho loài người. Khi thúc đẩy soạn giả viết, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của soạn giả. “Ý muốn của Thiên Chúa rất hữu hiệu, nên không phải chỉ những điều Người muốn đều thể hiện mà ngay cả cách thể hiện thế nào cũng theo ý Người” (ST I, q.19 a.8 c ad 2 et 3).

c. Trong hành động : Thiên Chúa giúp đỡ

Ý chí không những quyết định những gì trí tuệ thấy cần phải viết, nhưng còn vận dụng mọi cơ năng để thực hiện quyết định đó nữa. Vậy ơn linh hứng cũng tác động trên cả những cơ năng thực hành nữa. Khi thực hiện ý định viết, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ các khả năng hành động như trí tưởng tượng, trí nhớ, tâm tình, khiếu viết văn và cả những hoạt động thân thể nữa. Vì Sách Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và của con người, nên cũng phải qui những tác động của con người về cho Người, nghĩa là Người ban ơn linh hứng siêu nhiên trợ giúp.

Có cần một ơn riêng, trực tiếp không ?

(1). Một số cho rằng không cần, vì các cơ năng thừa hành trực tiếp lệ thuộc trí tuệ và ý chí nên ơn linh hứng đã ban cho hai cơ năng trên cũng ảnh hưởng đến cả các cơ năng thừa hành.

(2). Một số khác cho rằng cần, vì thực hành có phạm vi khác với hoạt động của trí tuệ và ý chí. Dĩ nhiên không có nghĩa là làm cho văn chương hay hơn, nhưng để làm cho công việc trở thành của Thiên Chúa. Ý kiến này dựa vào lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV : “Thiên Chúa ban cho soạn giả thánh một sự trợ giúp đặc biệt và liên tục cho tới khi hoàn tất tác phẩm” (EB 461) và lời Đức giáo hoàng Piô XII được trích dẫn trong Dei Verbum, số 11.

Dầu sao cũng phải nhận là Thiên Chúa can thiệp vào mọi giai đoạn trong công tác soạn thảo một cuốn Sách Thánh : giúp soạn giả thánh nhận thức đúng, muốn viết cách trung thành điều Thiên Chúa muốn và vận dụng mọi khả năng để hoàn tất tác phẩm. Việc soạn sách thánh gọi được là một hành vi ”thiên nhân” (action théandrique). Cha P. Benoit viết : “Kinh Thánh có thể giống bất cứ sách nào khác của con người, ta thấy điều đó khi học hỏi cách cụ thể. Đồng thời Kinh Thánh cũng là một cuốn sách của Thiên Chúa đúng nghĩa, khác với mọi sách khác. Thật vậy, chính Thiên Chúa là nguồn gốc trực tiếp của toàn bộ Sách Thánh. Con người cũng là tác giả Sách Thánh. Nhưng mỗi bên có thứ bậc của mình : Thiên Chúa là tác giả chính, con người là dụng cụ trung thành của Người” (Introduction à la Bible I, Robert – Feuillet, p. 24). Hoặc có thể áp dụng một định lý của thần học công giáo cho ơn linh hứng Kinh Thánh : “Ơn sủng không hủy bỏ, nhưng hoàn thiện tự nhiên” (Gratia non tollat, sed perficit naturam).

 

Phần ba
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN HỆ

 

Từ ý niệm về ơn linh hứng, nảy sinh một số vấn đề liên hệ đến những khía cạnh khác nhau.

I. NHỮNG AI ĐƯỢC ƠN LINH HỨNG ?

Ta hãy cứ cho ông Môsê là tác giả Ngũ Thư, vua Đavít soạn tập Thánh vịnh, sách Isaia là của ngôn sứ Isaia, sách Giêrêmia là của ngôn sứ Giêrêmia… Khoa phê bình ngày nay cho thấy việc soạn sách thời xưa không phải là chuyện đơn giản. Một cuốn sách, trước khi có hình thức cố định như hiện nay trong Kinh Thánh, thường đã trải qua nhiều giai đoạn, có khi kéo dài nhiều thế kỷ (đối với các sách Cựu Ước). Ngoài ra còn có phần đóng góp của nhiều người khác, dĩ nhiên không chối phần đóng góp quan trọng là của tác giả mang tên cuốn sách.

Không thể bảo Chúa Thánh Thần chỉ can thiệp trong giai đoạn cuối cùng của công việc soạn thảo. Nhưng đúng ra, tất cả những ai đã có một vai trò sáng tạo trong các giai đoạn hình thành cuốn sách thì đều được ơn linh hứng, bất luận đó là ai, thời nào, cách xa nhau bao nhiêu năm…

– Thư ký chép nguyên văn lời người khác nói (Amanuensis) như khi ngôn sứ đọc cho các đồ đệ chép các lời sấm (Giêrêmia), vị tông đồ đọc cho người khác viết (thánh Phaolô, Rm 16,22).

– Soạn giả (Redactor) sử dụng các chất liệu sẵn có để soạn thảo Ngũ Thư hay sách Tin Mừng (vd. thánh Luca 1, 1-4), đã dùng các văn liệu có sẵn, thêm bớt, sửa đổi cho hợp với mục đích của mình ; người soạn ra và người sửa lại một Thánh vịnh (nhưng nếu sửa cả ý chính thì không còn là soạn giả nữa mà là tác giả thực sự, vd. các tác giả Sách Thánh đối với các chuyện cổ Babylone) ; các nhà làm luật thích nghi luật Môsê cho hoàn cảnh thời mình ; người thêm bớt một vài chữ, câu hay đoạn trong một cuốn sách ; các thư ký nếu không phải chỉ chép y nguyên như được đọc cho, nhưng có đóng góp vào bản văn.

– Còn về tác giả của những tài liệu được sử dụng lại trong Sách Thánh,  cần phân biệt : nếu tài liệu chỉ đóng góp cách vật chất, vì đã được soạn giả thánh sửa lại tận gốc (vd. những chuyện thần thoại và anh hùng ca trong St 1 – 11) thì tác giả tài liệu không được linh hứng. Còn nếu tài liệu được đưa vào Kinh Thánh toàn vẹn hay một phần (vd. truyền thống Giavít hay Ngũ Thư), thì tác giả được linh hứng.  Ngoài ra, những người sao chép lại thuần túy thì không có ơn linh hứng.

II. NHỮNG GÌ ĐƯỢC LINH HỨNG ?

Ta đã nói những ai được linh hứng và tâm lý người được linh hứng, còn hiệu quả, tức là chính Kinh Thánh thì sao ? Dĩ nhiên, tất cả các sách trong Kinh Thánh đều đã được linh hứng (đây là vấn đề Thư qui sẽ bàn sau), thế nhưng trước đây một số nhà thần học muốn giải quyết những khó khăn liên hệ đến vấn đề ”Kinh Thánh không sai lầm”, đã muốn giới hạn phạm vi linh hứng vào những gì liên quan đến đức tin và luân lý, hoặc những giáo huấn có tính cách thiêng liêng mới được linh hứng, còn ngoài ra là do tài nghệ riêng của soạn giả thánh :

– D. Erasme (1466-1538) : có thể Chúa Thánh Thần cho phép soạn giả thánh không rõ ràng trong một số điều ít quan trọng, đặc biệt là khi tác giả sách Tin Mừng trưng dẫn Cựu Ước thuộc lòng (Mt 2,23).

– E. Holden (1596-1662) : chỉ nhận có linh hứng trong những điều thuần túy đạo lý hay có liên hệ thiết yếu tới đạo lý.

– A. Rohling († 1931) : giới hạn ơn linh hứng vào những điều thuộc đức tin và phong hóa và điều có liên quan thiết yếu với đức tin và phong hóa.

– F. Lenormant († 1883): những gì thuộc đức tin và phong hóa, tức là những gì siêu nhiên trong Kinh Thánh thì được linh hứng, những gì khác thì không.

– J. E. Newman (1801-1890) : những gì đã nói ”phớt qua” (obiter dicta) nghĩa là không quan trọng thì không có ơn linh hứng, vd. Tb 11,9 ; Gđt 1,5 ; 2 Tm 4,13. Còn quyết định chỗ nào gọi là nói ”phớt qua”, thì người cho đó là thuộc quyền của Giáo Hội, cá nhân không có quyền đó.

– S. di Bartolo : chỉ những gì có tính cách đạo mới được linh hứng, ngoài ra thì không và chỉ do tài năng của soạn giả thánh.

– J. Semeria : những gì cần thiết để đạt mục đích Sách Thánh thì có ơn linh hứng.

Nhưng những suy nghĩ trên trái với những điểm sau :

(1). Đức Giêsu và các tác giả Tân Ước khi sử dụng Cựu Ước như thế giá tuyệt đối để biện minh, đã không hề có ý phân biệt như trên (Mt 5,18). Đáng chú ý nhất là 2 Tm 3,16 ta đã nói ở trên, pasa graphê theopneustos phải hiểu là : bất cứ nơi nào trong Sách Thánh đều có ơn linh hứng.

(2). Các Giáo phụ cũng không hề phân biệt chính phụ, đạo đời, mà coi tất cả là Lời Thiên Chúa, lời Chúa Thánh Thần, rồi tìm cách giải thích ý nghĩa sâu xa, bác bỏ chủ trương cho rằng Sách Thánh sai lầm hoặc mâu thuẫn, cả trong những điều nhỏ mọn. Sở dĩ như thế vì các ngài cho rằng tất cả Sách Thánh đã được linh hứng.

(3). Huấn quyền Giáo Hội không cho phép giới hạn phạm vi ơn linh hứng. Đức Lêô XIII, trong thông điệp Providentissimus Deus, nhắc lại tư tưởng của Công đồng Trentô và Vaticanô I, coi là sai lầm chủ trương cho rằng chỉ có một phần trong Kinh Thánh hay những gì liên quan đến đức tin và luân lý mới được linh hứng (EB 124 ; Dz 3291-3292). Người viết : “Tất cả và toàn thể các sách (libri omnes et integri) mà Giáo Hội nhận là Sách Thánh và thuộc Thư qui cùng với mọi phần trong sách đó đều đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần (EB 109 ; Dz 1950 tt). Đức giáo hoàng Bênêđictô XV trong thông điệp Spiritus Paraclitus (EB 454 ; Dz 3652) và Đức giáo hoàng Piô XII trong Divino afflante Spiritu (EB 538) cũng lấy lại lời Đức giáo hoàng Lêô XIII. Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Dei Verbum số 11 cũng dựa vào 2 Tm 3,16-17 để quả quyết về ơn linh hứng toàn diện.

(4). Nếu chấp nhận rằng Thiên Chúa sử dụng soạn giả thánh là nguyên nhân dụng cụ để viết Sách Thánh, thì phải nhận là tất cả cuốn sách chứ không phải một phần cuốn sách được Thiên Chúa ban ơn thúc đẩy để tác giả viết ra. Nếu kết quả là của nguyên nhân chính lẫn nguyên nhân dụng cụ thì không thể qui riêng cho bên nào một phần nào riêng.

Kết luận : tất cả những gì chứa đựng trong Sách Thánh đều được linh hứng bất luận nội dung đó có tính chất tôn giáo hay không, dài hay ngắn !

III. CÁC LỜI LẼ CÓ ĐƯỢC LINH HỨNG KHÔNG ?

Hồi thế kỷ XIX, Hồng y Franzelin chủ trương rằng Thiên Chúa chỉ linh hứng nội dung tư tưởng (mô thể) của Kinh Thánh, còn hình thức tức lời lẽ, cách diễn tả (chất thể) thì không chịu ảnh hưởng của ơn linh hứng và hoàn toàn do soạn giả. Đức hồng y cho rằng vấn đề chủ yếu là chân lý cứu độ, còn cách trình bày, lời lẽ, từ ngữ có thể khác nhau. Trong Kinh Thánh thực sự có nhiều lối hành văn khác nhau, biểu lộ cá tính khác nhau của các soạn giả. Ngoài ra còn có những chỗ vụng về, sai văn phạm trong khi hành văn. Vậy chẳng lẽ lại qui cho Thiên Chúa những thiếu sót đó ? Chính các soạn giả cũng cho người đọc thấy mình tốn công tìm kiếm, mong được độc giả thông cảm nếu mình viết không được hoàn hảo lắm (x. 2 Mcb 2,27 ; Lc 1,1-4). Đó có phải là dấu hiệu cho thấy từ ngữ, câu văn không được ơn linh hứng ? Trước những vấn nạn như thế, đề nghị của Hồng y Franzelin thật hấp dẫn và thực tế đã lôi cuốn nhiều người.

Giáo Hội không chính thức lên tiếng về vấn đề này, nhưng căn cứ vào các văn kiện của các Đức giáo hoàng thì việc Thiên Chúa linh hứng cả từ ngữ cho soạn giả là điều tất nhiên. Vì ơn linh hứng ảnh hưởng đến hết mọi tác động trong việc soạn thảo cuốn sách. Thiên Chúa và con người hợp tác chặt chẽ cả về mặt nội dung lẫn mặt hình thức. Cả khi soạn giả chọn từ ngữ, lời lẽ để diễn tả, ông cũng được ơn linh hứng hướng dẫn và thúc đẩy : đó gọi là linh hứng ngôn từ (inspiration verbale). “Thiên Chúa viết nhờ soạn giả thánh hay Người cùng viết với soạn giả thánh, vì thế khi các ngài viết, Thiên Chúa ban ơn để các ngài biểu lộ đúng ý cho tới khi hoàn tất tác phẩm” (Đức giáo hoàng Lêô XIII và Bênêđictô XV)”. “Nhà chú giải phải hết sức thận trọng và hết lòng cung kính cả với những điều lặt vặt nhất phát xuất từ ngòi bút của soạn giả thánh” (Đức giáo hoàng Piô XII). Một lý do tâm lý không cho phép chối bỏ việc linh hứng ngôn từ : ngôn ngữ và tư tưởng đồng hành với nhau, một từ biểu lộ một hay nhiều ý tưởng, màu sắc tình cảm. Sự hài hòa giữa hai yếu tố đó là điều tự nhiên. Nếu không có linh hứng ngôn từ, e rằng sẽ có sự cưỡng bức, có tình trạng “hồn Trương Ba da hàng thịt” trong tâm lý soạn giả, vì từ ngữ một đàng, ý một nẻo. Do đó không những ý tưởng mà cả từ ngữ cũng chịu ảnh hưởng của ơn linh hứng.

Tuy nhiên cần hiểu đúng mức cách nói : “linh hứng ngôn từ”. Đừng hiểu theo nghĩa tuyệt đối như thể soạn giả thánh là cây bút vô tri được Thiên Chúa sử dụng hay như một thư ký viết lại máy móc từng chữ Thiên Chúa đọc cho, hoặc như giáo phụ Origène cho rằng : khi viết, soạn giả thánh ở trong trạng thái xuất thần, không còn làm chủ được mình nữa, chỉ còn là một dụng cụ thụ động. Trái lại, phải hiểu kiểu nói trên cách ôn hòa : một đàng soạn giả là dụng cụ được sử dụng và nâng cao (instrumentum elevatum), và là dụng cụ cả khi lựa chọn các từ ngữ, lời lẽ sao cho hợp với điều Thiên Chúa muốn nói. Đàng khác lại là dụng cụ có lý trí, với những khả năng riêng của mình và sử dụng các khả năng đó để soạn tác phẩm (có thể so sánh Mc và Lc để thấy rõ điều này).

IV. CÁC BẢN DỊCH CÓ ĐƯỢC LINH HỨNG KHÔNG ?

Chỉ có nguyên bản Kinh Thánh được linh hứng, còn tác phẩm dịch thì không. Nguyên bản là bản văn do tác giả hay soạn giả viết ra bằng ngôn ngữ của mình (Hipri, Aram, Hy lạp), chứ không phải các bản dịch về sau (Hy lạp, về các sách cả trong Cựu Ước, bộ La ngữ, mọi thứ tiếng khác).

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra cách đặc biệt cho bản LXX, tức là bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hylạp, được thực hiện thế kỷ III và II trước CN. Một số người chủ trương bản LXX được linh hứng vì :

1. Bản này không chỉ dịch bản Hípri, nhưng nhiều chỗ còn đi xa hơn nguyên văn xét về tư tưởng và thần học (x. Is 7,14).

Tân Ước thường dẫn Cựu Ước theo bản LXX. Đặc biệt những chỗ Tân Ước dẫn Cựu Ước theo ý nghĩa chỉ có trong bản LXX, ví dụ Is 7,14 theo bản Hípri là ”thiếu nữ (hoặc thiếu phụ) đang mang thai” ; Mt 1,23 dẫn theo bản LXX : ”Trinh nữ sẽ thụ thai” để nói rằng đoạn văn này tiên báo việc Đức Maria sinh con mà vẫn đồng trinh.

Tv 16 (15), 10 theo bản Hípri là : “Chúa sẽ không để kẻ hiếu nghĩa với Người phải thấy cái hố (= mồ chôn) ; Cv 2,25-31 và 13,34-37 dẫn theo bản LXX : “Chúa sẽ không để Đấng Thánh của Người phải thấy sự hư nát” để áp dụng vào việc Chúa Kitô phục sinh.

2. Trong những thế kỷ đầu, Giáo Hội không nghi ngờ gì về tính cách linh hứng của bản LXX, ngày nay Giáo Hội Hy lạp vẫn nghĩ thế.

Vấn nạn lớn nhất đối với tính cách linh hứng của bản LXX là bản này có nhiều chỗ dịch thiếu, hoặc dịch sai vì đọc sai hay không hiểu tiếng Hípri. Tóm lại vấn đề chưa ngã ngũ, còn đang trong vòng tranh luận.

+ Có người cho rằng ơn linh hứng ảnh hưởng đến các ý tưởng hơn là từ ngữ nên khi chuyển dịch sang các tiếng khác cách trung thành thì các ý tưởng vẫn giữ được tính linh hứng của chúng. Nói khác đi, bản dịch chỉ được linh hứng vì  các ý tưởng được chuyển dịch đúng, tức là đã có trước nơi nguyên bản.

V. ƠN LINH HỨNG TẬP THỂ ?

Soạn giả thánh là phần tử của một cộng đoàn. Con người ông và những điều ông viết rất thường phản ánh những ưu tư, những bận tâm của cộng đoàn ông đang sống. Vậy phải chăng có ơn linh hứng cho tập thể ?

Những ưu tư và bận tâm trong cộng đoàn Israel là những gì có liên hệ đến lịch sử cứu độ : đó là những điều Thiên Chúa muốn và dùng để giáo huấn dân ; đó là những điều thuộc chương trình của Chúa Quan Phòng. Nhưng cần phân biệt vấn đề đó trong mặc khải và trong linh hứng. Nội dung măïc khải không phát xuất từ cộng đoàn mà từ Thiên Chúa qua trung gian những người được Thiên Chúa chọn. Đôi khi ta thấy mặc khải được trình bày để giải quyết những vấn nạn của dân chúng là vì Thiên Chúa dùng hoàn cảnh lịch sử để làm chín mùi những vấn đề Người ban măïc khải để giải đáp.

Soạn giả thánh – cũng thuộc kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa – nhiều khi khởi xuất việc biên soạn một tác phẩm khởi đi từ những nhu cầu thực tế của cộng đoàn, thậm chí có trường hợp những yêu cầu đó đóng vai trò tích cực là đàng khác. Thí dụ trường hợp của thánh Phaolô đối với thư 1 Cr (7,1 tt), các tác phẩm có một nội dung giáo lý : Tin Mừng hoặc những phần giảng giải trong Đnl, diễn từ trong sách Công vụ… Như vậy không thể tách soạn giả thánh ra khỏi môi trường là cộng đoàn, dĩ nhiên đây là cộng đoàn được Chúa Thánh Thần tuyển chọn và hướng dẫn. Tuy nhiên cách soạn giả thánh thực hiện nhiệm vụ có một cái gì đặc biệt : Thiên Chúa dùng soạn giả thánh để ghi lại những măïc khải, những hoàn cảnh thực tế Người muốn nói cho con người. Tư tưởng tôn giáo của ông không nhất thiết phải phù hợp với tư tưởng của môi trường chung quanh, thí dụ sách Nơkhemia, sách Giona, sách các ngôn sứ… Sách Nơkhemia cho thấy toàn dân Giuđa vui mừng khi Ninivê bị tàn phá ; sách Giona lại là một phản ứng đối với ý niệm phân biệt chủng tộc, các ngôn sứ thường viết những lời cảnh cáo lối sống xấu xa của dân.

Như vậy không thể có ơn linh hứng cho tập thể để viết sách, bởi vì không thể có chuyện nhiều người cùng viết cuốn sách một lúc. Chỉ có thể do nhiều người góp công, mỗi người được linh hứng tùy mức độ và phạm vi của mình chứ không thể cho mọi người cùng một lúc. Đàng khác, không phải lúc nào soạn giả thánh cũng theo tâm tưởng của môi trường chung quanh, rõ ràng có nhiều khi đi ngược lại là đàng khác.

Do đó, nếu có nói đến một thứ tập thể trong vấn đề linh hứng. có lẽ nên giới hạn vấn đề và cho rằng soạn giả thánh đã được nuôi dưỡng nhờ đức tin của cộng đoàn. Còn việc khách quan hóa đức tin ấy, tức là viết Sách Thánh, là do ơn linh hứng Thiên Chúa ban riêng cho từng soạn giả.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP.