BÀI 12: CHÚNG TA CÓ THỂ BIẾT THIÊN CHÚA KHÔNG?
Bạn thân mến, đến bài học này chúng ta đã học được nhiều điều về Thiên Chúa. Ngài siêu vượt trên chúng ta trong nhiều cách thức. Bạn có thể tự hỏi rằng: vậy chúng ta có thể trực tiếp nhận biết Thiên Chúa hay không?
Tất cả những loài thụ tạo có trí năng (như con người) không chỉ có thể nhận biết những sự vật khác trong bản tính của chúng, mà còn có thể nhận biết được Thiên Chúa trong chính bản tính của Ngài. Thiên Chúa sáng tạo con người với một bản tính có thể nhận biết Đấng sáng tạo ra mình, thì chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cho chúng ta khả năng để thực hiện mục tiêu này. Việc hiểu biết sự thật này nơi Thiên Chúa rất quan trọng. Con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Cũng chính vì lý do này mà chúng ta được dựng nên. Đồng thời, điều này cũng lý giải tại sao tồn tại thẳm sâu trong tâm hồn chúng ta một khát vọng nhận biết Thiên Chúa.
Bây giờ bạn hãy nhớ lại tất cả những điều chúng ta đã học về Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn đơn thuần. Thiên Chúa tuyệt hảo và tốt lành… Bên cạnh đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa còn mong muốn chúng ta nhận biết Người. Thiên Chúa tạo dựng nơi con người một bản tính và cho phép chúng ta nhận biết Người.
Ở đây chúng ta tìm hiểu một vài thuật ngữ: “Trí năng” là năng lực nhận biết và suy nghĩ của con người. Các loài động vật thì không có trí năng. “Bản tính” là đặc tính tự nhiên, là yếu tốt điều hành các hoạt động của một thực thể. Đức Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại.
THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Với câu hỏi trí năng thụ tạo có nhận biết được yếu tính của Thiên Chúa không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Vì tất cả mọi vật có thể được nhận biết dựa theo mức độ hiện thể của nó, và Thiên Chúa là một hiện thể thuần tuý, không có sự pha trộn với tiềm thể, cho nên Thiên Chúa trong chính bản thân Ngài có thể được nhận biết một cách tột bậc. Nhưng điều gì nơi chính mình có thể được nhận biết một cách tột bậc, thì lại không thể được nhận biết bởi một trí năng đặc thù, do sự quá mức bởi đối tượng khả niệm, siêu vượt trên trí năng. Ví dụ mặt trời có thể được trông thấy một cách tột bậc, nhưng không thể được trông thấy bởi một con dơi, bởi vì mặt trời quá sáng… Hạnh phúc cuối cùng của con người nằm ở việc sử dụng chức năng cao nhất của mình, là hoạt động của trí năng, nếu chúng ta giả thiết rằng trí năng thụ tạo không bao giờ nhận biết được Thiên Chúa, thì hoặc là chúng ta không đạt được hạnh phúc thiên đàng, hoặc là hạnh phúc nơi thiên đàng phụ thuộc vào điều gì đó không phải Thiên Chúa; mà điều này thì đi ngược lại với niềm tin của chúng ta… Bên cạnh đó, nơi mỗi người chúng ta đều có một khát vọng tự nhiên được nhận biết nguyên nhân của bất cứ hiệu quả nào mà chúng ta nhìn thấy; và do đó, xuất hiện sự ngạc nhiên thích thú trong con người. Nhưng nếu trí năng của thụ tạo có lý tính không đại tới được nguyên nhân đệ nhất của vạn vật, thì ước vọng tự nhiên đó nơi con người trở nên vô nghĩa. (ST I, q.12, a.1)
SINH HOẠT THIẾU NHI
Bạn hãy cất giấu một điều gì đó bất ngờ, chẳng hạn một món quà, một túi kẹo hay một món đồ chơi. Sau đó bạn sẽ tạo ra những gợi ý để các bạn nhỏ tìm kiếm chúng. Ví dụ, mảnh giấy đầu tiên bạn viết “hãy tìm bên dưới cái gối”. Dưới cái gối bạn lại đặt một mảnh giấy khác “hãy nhìn lên tủ lạnh”… Và cuối cùng những gợi ý ấy sẽ dẫn người chơi đến chỗ mà cất món quà.
Bạn sẽ thấy thú vị khi thấy các bạn nhỏ sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sở dĩ các bạn nhỏ có thể tìm thấy món đồ bởi vì bạn đã tổ chức trò chơi để người chơi sử dụng trí năng của mình là khả năng suy nghĩ hiểu biết bao gồm: khả năng đọc hiểu, khả năng tưởng tượng… để lần mò theo những chỉ dẫn và tìm ra món quà được cất giấu.
Nào chúng ta cùng thảo luận với những câu hỏi sau nhé.
1. Chuyện gì xảy ra nếu như sau tất cả những chỉ dẫn mà món quà lại không tồn tại? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến trò chơi?
2. Chuyện gì xảy ra nếu những chỉ dẫn không thể giúp người chơi khám phá ra phần thưởng? Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến trò chơi?
Bạn có thể nghĩ thêm nhiều câu hỏi khác để thảo luận cùng các bạn thiếu nhi, cố gắng liên kết trò sinh hoạt này với nội dung bài học của chúng ta. Bạn có thể gợi ý cho các em thiếu nhi rằng Thiên Chúa vẫn đang “viết những gợi ý” cho chúng ta. Bằng việc sử dụng khả năng của lý trí chúng ta có thể nhận biết được Thiên Chúa.
PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI
Hoạt động này hy vọng sẽ mang lại niềm vui, nhưng cũng có thể cũng gây ra một chút bực bội đấy nhé! Bạn hãy làm vài chục quả bóng nước nhỏ. Tiếp theo hãy xếp những người tham gia đứng xa khoảng 3 đến 5 mét. Tiếp đến, bạn hãy tung nhẹ những quả bóng nước về phía người chơi, để người chơi bắt lấy những quả bóng ấy. Nhưng người chơi không được dùng tay để bắt.
Nào bây chúng ta cùng thảo luận để xem trò chơi thú vị này liên quan thế nào đến bài học về sự nhận biết Thiên Chúa. Bạn có thể tham khảo gợi ý sau đây. Vì không thể dùng tay bắt hoặc đỡ những quả bóng nước, chúng ta sẽ cảm thấy bất lực và khó chịu. Trò chơi vì vậy cũng thật sự không mang lại nhiều ý nghĩa. Nhưng điều ý nghĩa mà trò chơi này mang lại là giúp chúng ta hiểu ra rằng Thiên Chúa sẽ trao cho chúng ta những khả năng “như cánh tay” để chúng ta có thể đón nhận những “gợi ý” từ Thiên Chúa và nhận ra Người. Thật tuyệt vời!
Nào giờ bạn hãy nghĩ thêm những trò chơi tương tự để làm sáng tỏ hơn nội dung bài học của chúng ta nhé.
NGẪM NGHĨ
Bạn có thể đã nghe nói đến hai anh em đến từ Mỹ tên là Orville và Wilbur Wright. Họ đã được nhiều người biết đến bởi phát minh của mình là việc chế tạo ra chiếc máy bay và là người lái chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới. Chuyến bay lịch sử diễn ra gần Kitty Hawk, Bắc Carolina vào ngày 17 tháng 12 năm 1903 và đã thành công tốt đẹp. Họ đã gặt hái được thành tựu sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, làm việc và thử nghiệm. Trước khi bước vào ngành hàng không, hai anh em nhà Wilbur Wright đã làm việc với thiết bị in ấn, trong một cửa hàng xe đạp. Họ có kinh nghiệm về động cơ và những loại máy móc khác. Họ biết rằng thành công của họ phụ thuộc vào việc xây dựng một chiếc máy bay có cánh, động cơ quạt, hệ thống trục cân bằng, nhờ đó mà phi công có thể ngồi điều khiển chiếc máy bay.
Bạn đang tự hỏi hai anh em nhà Wright có liên quan gì đến bài học của chúng ta về việc nhận biết Thiên Chúa? Đúng vậy, như bạn đã biết anh em nhà Wright đã dồn hết tâm huyết tập trung vào một mục đích cụ thể là sáng chế ra chiếc máy bay có thể được điều khiển và bay lượn bởi một phi công ngồi trên đó. Tương tự như vậy, bạn và tôi cũng được Thiên Chúa tạo dựng với một mục đích cụ thể và có một đích điểm cuối cùng tồn tại trong tâm trí. Mục đích ấy của chúng ta là được biết Thiên Chúa, được kết hiệp với Thiên Chúa mãi mãi trong Nước Trời. Việc chúng ta có thể đạt đến được mục đích của mình hay không, phụ thuộc vào chính sự tập trung và nỗ lực của chúng ta ở hiện tại.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng. Chúa dựng nên con như một hữu thể có lý trí để con có khả năng nhận biết, khao khát, và sống với Người đến muôn đời nơi thiên quốc. Amen.