Chủ Nhật 12 – Năm A – Thường Niên

0
532

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Gr 20,10-13

10 Con nghe biết bao người vu cáo:
“Kìa, lão “Tứ phía kinh hoàng! hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”

11 Nhưng ĐỨC CHÚA hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.

12 Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.

13 Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA, hãy ngợi khen ĐỨC CHÚA,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

2/ Bài đọc II: Rm 5,12-15

12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.

13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.

14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.

15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.

3/ Phúc Âm: Mt 10,26-33

26 “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.

27 Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28 “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.

29 Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.

30 Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.

31 Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32 “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

33 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

——————————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đừng sợ! Uy quyền của Thiên Chúa thắng vượt mọi quyền hành của thế gian.

Con người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ khổ cực, sợ đau đớn, sợ mất mát, sợ tù đày, sợ hậu quả của tội, và nhất là sợ chết; vì chết sẽ lấy đi tất cả những gì con người có. Nhưng Thiên Chúa đòi con người không được sợ hãi, vì sợ hãi làm cho con người không dám sống theo sự thật để làm chứng cho Thiên Chúa, sợ hãi làm con người không dám sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa mà chỉ bằng lòng với tiêu chuẩn của thế gian, và sợ hãi làm con người trở thành nô lệ cho xác thịt, cho thế gian và cho ma quỉ. Để thắng vượt sợ hãi, con người cần một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa và uy quyền của Ngài; đồng thời con người cũng cần biết nấc thang giá trị của những gì con người sở hữu.

Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những lý do tại sao chẳng có gì phải sợ hãi. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuy có sợ hãi vì địch thù vây quanh tứ phía; nhưng ông đã thắng vượt được nhờ niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Ông tin Thiên Chúa sẽ cứu ông khỏi mọi gian truân và sẽ làm cho các địch thù của ông phải bẽ mặt hổ ngươi. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma đừng sợ ngay cả tội lỗi, vì Đức Kitô đã vô hiệu hóa hậu quả của tội nhờ máu của Người đổ ra trên Thập Giá. Hơn nữa, máu của người còn có sức thánh hóa và ban muôn vàn ân sủng cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ đừng sợ hãi bất cứ điều gì, vì Ngài đã chiến thắng tất cả. Các môn đệ phải vững tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa để dám làm chứng cho sự thật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I:Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

1.1/ Jeremiah bị tư tế Pashhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa, Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pashhur, con ông Immer, là Tổng Quản Đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của ngôn sứ Jeremiah đặt cho tư tế Pashhur; sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).

Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pashhur và của toàn dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pashhur, chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!”

Tất vả những gì ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm đều ứng nghiệm: Judah rơi vào tay quân thù Babylon vào năm 587 BC. Tất cả của cải quí giá của Đền Thờ và của Thành đều bị tịch thu mang về Babylon. Tất cả vua quan và tư tế đều bị lưu đày sang Babylon, dĩ nhiên có cả Pashhur, và ông đã chết trong nơi lưu đày.

1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức mạnh của Thiên Chúa. Ngôn sứ tin tưởng và cầu nguyện: “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”

Ngôn sứ biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”

2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết.

2.1/ Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi: Một thắc mắc thường được nhiều người nêu lên: Tại sao Thiên Chúa lại trừng phạt tất cả con người vì tội bất tuân của Adam? Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này bằng cách so sánh Adam với Đức Kitô, Ngài lý luận như sau: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội… Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” Đức Kitô được so sánh như một Adam mới. Ngài đến để giải phá tất cả những hậu quả của tội do Adam cũ gây nên.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Adam phạm tội, mà tất cả mọi người đều phạm tội. Thánh Phaolô nói: “Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Adam đến thời Moses, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm. Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới.” Ai cũng biết phải có Lề Luật thì mới có tội. Thế mà Lề Luật chỉ có từ thời Moses, khi Đức Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới. Tại sao thánh Phaolô qui tội cho con người khi Lề Luật chưa được ban hành? Có lẽ thánh Phaolô muốn ám chỉ đến Luật Tự Nhiên, như ngài đã từng đề cập đến trong Roman 1:20-21.

2.2/ Ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô: Giáo Hội gọi tội của Adam quả là cần thiết, là tội hồng phúc trong bài ca Exsultet của đêm Vọng Phục Sinh, vì nhờ tội đó mà chúng ta có Đức Kitô đến để ở với con người. Ngài không chỉ chuộc tội, nhưng còn mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa, và nhờ công cuộc cứu độ của Người mà chúng ta được lãnh nhận hết ân sủng này đến ân sủng khác.

Vì Đức Kitô đã đổ máu ra chuộc tội, chúng ta không sợ hãi hậu quả của tội nữa, vì từ nay chúng ta đã có cách khử trừ tội lỗi bằng cách chạy đến với bí-tích Giao Hòa. Chúng ta cũng không còn sợ ngay cả cái chết là hậu quả của tội; vì nếu tội được xóa bỏ, hình phạt do tội gây nên cũng được xóa bỏ. Chúng ta có hy vọng được sống đời đời với Đức Kitô trên thiên đàng.

3/ Phúc Âm: Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

3.1/ Ba thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô: Để trở thành môn đệ trung thành của Đức Kitô, một người phải có ba thái độ sau:

(1) Sẵn sàng chấp nhận gian khổ: “Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Người môn đệ Đức Kitô chắc chắn sẽ bị người đời bắt bớ, vì họ đã từng bắt bớ và giết Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ Ngài phải nhớ rõ điều này: “Trò không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đầy tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beel-zebul, huống chi là người nhà.”

Trong khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp những người phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người môn đệ nói những điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn chứng: người môn đệ nói phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang khi khán giả ngồi dưới đã từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu cha mẹ đang khi khán giả gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải sinh con cái cho nhiều đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.

(2) Không được sợ hãi người đời: Nếu người môn đệ sợ làm người đời mất lòng, sợ bị phê bình hay bị chống đối, người môn đệ sẽ không dám nói sự thật mà ông được kêu gọi để rao giảng; ngược lại, ông sẽ tìm cách nói những gì mà khán giả thích, cho dẫu những điều này không phải là những gì Chúa dạy. Đó là lý do Chúa Giêsu răn dạy các môn đệ: “Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.”

Khi làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng như trường hợp của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự thật, vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh quang, và cho linh hồn các ngài được sống đời đời.

(3) Phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Để dạy các môn đệ điều này, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: Thứ nhất, chim sẻ: Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” Thứ hai, tóc trên đầu: Ngài nói: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” Tóc trên đầu con người quá nhiều và rụng xuống hàng ngày. Nếu một sợi tóc vô nghĩa rơi xuống hàng ngày như vậy còn được Thiên Chúa quan tâm tới, huống hồ là số phận của những người môn đệ Chúa.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử thách niềm tin yêu của con người dành cho Ngài. Nếu con người sợ hãi và trốn tránh đau khổ, con người không chứng minh niềm tin yêu của họ dành cho Ngài.

3.2/ Phần thưởng cho những môn đệ sống trung thành và làm chứng cho sự thật: Chúa Giêsu nói rõ ràng với các môn đệ: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”   Ngược lại, “Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” Người nào sợ hãi không dám tuyên xưng danh Thầy mình, không dám nói những sự thật Thầy dạy, người ấy không phải là môn đệ Đức Kitô. Trong Ngày Chung Thẩm, Đức Kitô cũng không nhận những người như thế trước mặt Cha của Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải tập luyện để đừng sợ hãi bất cứ một điều gì trong cuộc đời vì Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả. Gian khổ và bắt bớ chắc chắn sẽ đến, nhưng chúng chỉ là cơ hội cho chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, và giúp chúng ta tập luyện nhân đức.

– Khi không còn sợ hãi bất cứ điều gì, chúng ta mới bắt đầu sống và sống tròn đầy, vì chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa; lúc đó, ma quỉ và thế gian phải sợ chúng ta.

– Mỗi người chúng ta đều có bổn phận phải chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy vượt qua mọi sợ hãi để sống theo sự thật và làm chứng cho Ngài.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/chu-nhat-12-thuong-niena/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here