Khái Lược Về Sách Gióp

1
13462


Gioakim Nguyễn Văn Thăng

I – LỜI MỞ

Trong 46 cuốn sách của Bộ Kinh Thánh Cựu Ước, sách Gióp là một trong 7 sách thuộc loại sách không ngoan, minh triết (Sapientiales) hay giáo huấn (Didatici). Đây phải kể là thành công lớn nhất trong loại văn giáo huấn của Cựu Ước, một kiệt tác trong văn chương thế giới, một tiếng kêu lâm li thống thiết về thân phận con người mà “đời là bể khổ”.

Qua tác phẩm của mình tác giả đã vẽ lên một nhân vật tiêu biểu về sự kiên vững trong đức tin để giúp ta suy nghĩ về sự đau khổ trong cuộc đời. Ông Gióp, một người ngoại giáo lắm của, nhiều con và chỉ biết ăn ngay ở lành với một lòng kính sợ Thiên Chúa. Thế mà thật trớ trêu thay, bỗng dưng Thiên Chúa lại cho phép Satan hành hạ ông không nương tay để thử lòng trung kiên của ông. Bao nhiêu tài sản của ông bỗng chốc tan biến hết, các con ông cũng theo nhau chết dần vì tai bay vạ gió (1,13-19), bản thân ông lại bị mắc chứng bị lở loét toàn thân thật đau đớn khốn cực(2,7). Nhưng có lẽ đau khổ nhất là trong tình cảnh bi đát như vậy thì chính vợ ông cùng các bạn thân cuả ông không ngớt lời lên án rúc rỉa ông(2,9). Dẫu vậy, ông vẫn kiên trì chịu đựng tất cả vì ông tin rằng mọi sự đều do Thiên Chúa gửi tới.

“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi.

Xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,21).

Và ông luôn luôn sẵng sàng đón nhận dù cái sướng hay cái khổ: “chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (2,10b).

Nhưng với sức chịu dựng có hạn của con người, ông Gióp đã thốt lên những lời ai oán, tiêu biểu cho tiếng kêu của tất cả những ai đau khổ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chất vấn lại ông, nhờ đó ông đã nhận ra rằng mình không thể thăm dò được cái ý định của Thiên chúa và chỉ nên im lặng trước nhan Ngài. Cuối cùng ông được minh oan và được an ủi; ông được bù cả về sức khoẻ, tài sản, gia đình và danh dự.

II. CHỦ ĐỀ

Thực ra, trong sách Gióp, vấn đề lý thuyết mà tác giả muốn nêu ra là điều mà nhiều tác phẩm cổ xưa, um cũng đã nói tới. Đó là vấn đề người lành  phải chịu khổ cực trên đời. Truyền thống trong xã hội  Irael cho tới đây vẫn tin rằng Thiên Chúa  thưởng phạt tội ngay ở đời này. Tất cả những điều bất hạnh , chẳng kể vè thể chất hay tâm hồn, đều do tội mà ra. Thế nhưng, truyện ông Gióp mạnh mẽ nói lên rằng nguyên tắc cổ truyền đó không đúng trong mọi trường hợp, do đó không được gán mọi cái rủi ro và bệnh tật cho một lý do duy nhất là tội lỗi mà thôi.

Tác giả muốn đưa, người đọc đến một kết luận do chính Thiên Chúa phán dạy: đường lối và ý định của Đấng Quan Phòng thì huyền nhiệm, vì thế con người chẳng nên phiêu lưu trong những ức đoán liều lĩnh mà trách cứ người đau khổ. Trong phần mở đầu, tác giả đã nói rõ là Thiên Chúa để cho Xatan hành hạ ông Gióp, hầu làm sáng giá đức độ của ông. Chính sự trung kiên của ông khi nhẫn nại chịu đựng cũng đã bác bỏ luận  điệu cho rằng ông đau khổ là tại tội lỗi của ông. Viễn ảnh một cuộc sống sau cái chết, lúc mà những khổ đau trên đời được đền bù bằng hạnh phúc và phần thưởng đời đời, chưa, um được tác giả sách Gióp nghĩ tới. Phải đợi tới thế kỷ thứ II trước công nguyên chúng ta mới tìm thấy nơi sách Khôn Ngoan một sự tiết lộ hoàn toàn(Khôn ngoan 3,1 tt).

III. TÁC GIẢ VÀ THỜI KỲ SÁNG TÁC

Thật khó khẳng định ai là tác giả của sách Gióp và sách được sáng tác vào thời điểm nào. Bởi vì không ai tìm thấy vết tích nào có liên quan tới hoàn cảnh lịch sử sáng tác. Nhân vật chính của tác phẩm là một tù trưởng Edom và câu chuyện đã xảy ra bên xứ Edom. Nhưng chắc chắn tác giả phải là một người Do thái Palestin vì ông rất thông thạo luật Môsê (G 24,2-11 = Xh 22,21-26…). Hơn nữa ông còn là một nhà trí thức quen đọc các tác phẩm không ngoan Aicập, và có kiến thức rất sâu rộng đối với những người sống ở thời bấy giờ. Nói chung các nhà chuyên môn đều cho rằng tác phẩm có sau thời lưu đày, vì lối diễn tả và nhất là vì đây là nền văn chương khôn ngoan nhưng chưa có sự thống nhất về thời gian chính xác. Có lẽ khoảng thế kỷ thứ 5.

Từ xa xưa, Đạo Giavê vốn là quốc giáo của Do thái mang tính chất cộng đồng rất mạnh mẽ. Lòng đạo đức cá nhân không bị loại bỏ, nhưng thực tế nó cũng không được đặt lên hàng đầu trong những sinh hoạt bên ngoài. Trong sách Gióp, tính chất cộng đồng, nòi giống dân tộc đã giảm bớt hẳn đi. Trước đó, Giêrêmia, người đầu tiên dám đề cập tới trường hợp của chính cá nhân ông. Rồi dần dần sự bi quan ngày càng gia tăng trong các tác phẩm dưới thời Cựu Ước đã làm người ta suy nghĩ nhiều hơn về đời sống con người. Tác giả sách Gióp đã không ngần ngại đặt thẳng vấn đề về sự quan phòng của Thiên Chúa, về vận mệnh con người và về nghĩa lý của thế giới… Điều đó cho thấy sự khủng hoảng tư tưởng ở đây chính là khủng hoảng của nền triết lý cổ truyền. Sách Gióp tố cáo sự bế tắc mà sự khôn ngoan cổ truyền đã gặp phải. Hình ảnh người lành đau khổ có thể do ảnh hưởng Giêrêmia, cũng như của những lời than vãn và nguyền rủa của Ngôn sứ này. Có lẽ sách Gióp ra đời thời Batư, lúc mà ảnh hưởng của Khácgai và Dacaria đã phai nhạt và Nơkhemia chưa tới.

Có lẽ bản văn xuôi của tác phẩm đã có trước. Êdêkiel đã nói tới nhân vật Gióp cùng với Nôe và Đaniel (một người xứ Phêlixi), như kiểu mẫu về hiền nhân (Êdêkiel 14,14-21). Như vậy chuyện Gióp đã có thể được lưu hành lâu năm bằng truyền khẩu trước khi được viết ra.

IV. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG TÓM LƯỢC

Sách Gióp được kết cấu thành Ba phần chính: Mở đầu, thân sách và kết sách với nội dung tóm lược từng phần như sau:

A- Mở đầu: Chương 1-2

Phần này được viết bằng văn xuôi, trình bày khung cảnh của vấn đề: ông Gióp là người rất đạo hạnh. Tuy giàu có, đông con ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, cuộc sống đang rất hạnh phúc bỗng dưng Thiên chúa cho phép Satan hành hạ để thử thách ông; nhân đức quả là vô vị lợi, trước thái độ của người vô tội, ông vẫn trung kiên đối với Thiên Chúa. Lúc đó ba người bạn của ông là Êliphat, Bindat, và Xopha nhập cuộc.

B- Thân sách (ch 3-42): Những cuộc đối thoại bằng văn vần

1- Giữa ông Gióp với ba người bạn (ch 3-31)

Trước tình cảnh hãi hùng của ông Gióp, ba người bạn của  ông đã sửng sốt. Họ cho  rằng ông đã phạm tội đối với Thiên Chúa, ông bị như vậy là do những tị kín trước đây của ông. Vì thế, họ khuyên ông ăn năn hối lỗi mà trở về cùng Thiên Chúa…Máy người này dựa vào lập trường của truyền thống, đặt cán cấn cân giữa đức hạnh với huân công và tội lỗi với đau khổ ở trên đời. Theo họ ”có ai vô tội mà phải tiêu vong (4,7), có người công chính nào lại bị huỷ diệt!” hay phải chăng Thiên Chúa bẻ quặt công minh ? Đấng Toàn Năng uốn cong chính trực (8,3).

a- Những lời than vãn của ông Gióp (ch 3)

Trước những đau khổ của cuộc đời, ông Gióp không chấp nhận cuộc sống trên trần gian là một ơn  lành. Ông đã thắc mắc về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nguyền rủa ngày sing  của mình, ông chán ngán cuộc sống Thiên Chúa ban cho ông, coi nó như xa lạ với vận mệnh đích thực của ông. Ông không nguyển rủa Thiên Chúa nhưng ý muốn của ông không còn gắn với ý của Thiên Chúa nữa. Ông đòi Thiên Chúa lý giải cho ông, chứ không muốn chấp nhận cả điều lành điều dữ từ Thiên Chúa. Ông không chế nhưng mong được chết sau khi đã thấy cuộc đời không còn ý nghĩa quan phòng gì cả. Vì ông không tìm được đâu là ý định của Thiên Chúa trong cuộc sống đau khổ, ông chỉ dựa trên những cảm nhận tức thời và tiêu cực.

b- Cuộc tranh luận thứ nhất (ch 4-14)

Theo các ông Eliphát, Bildat và Sopha, đau khổ là hậu quả tất yếu của tội lỗi đã phạm trước, Thiên Chúa công minh và hiểu biết nên Người trừng phạt tội lỗi. Dưới con mắt của chính mình, Gióp có thể là công chính, nhưng thực ra dưới mắt Thiên Chúa thì không:

– Các chất vấn của Eliphát (4-5).

– Bildat (ch 8)

– Sopha (ch 11).

– Còn theo ông Gióp, ông chỉ biết quả quyết rằng không phải như vậy, ông tin rằng mình thật sự vô tội : Các câu trả lời của ông Gióp (ch. 6-7; 9-10; 12-14).

c- Cuộc tranh luận thứ hai (ch 15-21)

Các bạn của ông Gióp đứng trên lý thuyết mà áp dụng khắt khe hơn đối với ông. Theo họ, ông Gióp người đã không trung thnàh với Chúa và trà đạp quyền lợi của tha nhân giờ đây bị Thiên Chúa sưả trị là công minh lắm (ch 15. 18. 20).

Đối lại ông Gióp lại càng bám chặt lấy kinh nghiệm bản thân. Nhưng mỗi lần “quờ quạng là ông lại đụng phải mầu nhiệm một Thiên Chúa chí công” mà lại làm khổ người vô tội! Trong đêm tối đặc xịt đó, ông đã nói lên lòng tin sắt đá ở Thiên Chúa (ch 16-17; 19; 21).

d- Cuộc tranh luận thứ ba (ch 22-31)

Eliphát, Bildat và Sopha tiếp tục lý luận. Tư tưởng của họ không có gì tiến bộ hơn các phần trên. Rút cuộc ông Gióp vẫn giữ vững lập trường rằng mình vô tội. (Eliphat – ch 22; Bidat – ch 25-26; Sopha ch 27,12-23). Ông Gióp trả lời (ch 23-24,18-24; 26,14; 27,1-12).

e- Bài thơ ca ngợi sự khôn ngoan (ch 28) và lời bào chữa cuối cùng của ông Gióp (ch 29-31)

2- Ông Elihu nhập cuộc và thuyết pháp (ch 32-37)

Elehu tượng trưng cho thế hệ tân tiến, ông ra mặt trách ba người kia là không biết bênh vực sự công minh của Thiên Chúa trước những thái độ tự kiêu của Gióp. Ông nói thao thao bất tuyệt, đại ý thêm một tư tưởng mới vào cuộc tranh luận: Đau khổ là để thanh lọc nhân đức, để thử xem lòng trung kiên của người lành.

3- Thiên Chúa can thiệp (ch 38-42,6)

Thiên Chúa ngắt lời ông Elihu đêr giải thích cho Gióp; đúng hơn Chúa không trả lời mà chỉ nói con người không được xét đoán việc Người quan phòng, con người không hiểu được ý định mầu nhiệm của Người. Quyền năng và sự thông biết của Thiên Chúa hiện hiện trong linh tính các sinh vật cũng như trong các kỳ công của thiên nhiên. Vậy con người không còn gì hơn là chấp nhận những lý đoàn huyền diệu của Chúa và phó thác mình cho việc Chúa quan phòng.

a. Diễn từ thứ nhất (ch 38-39)

Gióp bày tỏ lòng phục tùng (ch 40,1-5)

b. Diễn từ thứ hai (ch 40,6-41,34)

Gióp hối cải (ch 42,1-6)

C. Phần kết sách (ch 42,7-17): Bằng văn xuôi

Kể lại việc ba người bạn của Gióp bị Thiên Chúa khiển trách là đã không biết lý luận đúng về Người; Người truyền cho họ dâng lễ đền tội. Ông Gióp thì đượcThiên Chúa phục hồi gấp đôi về gia đình, tài sản, con cái…

V- CẤU TRÚC SÁNG TÁC

Chưa có sự đồng ý về tính thuần nhất của sách Gióp trên phương diện văn học giữa các bình luận gia. Họ phân ra bốn đơn vị biệt lập trước khi được phối hợp thành sách như hiện nay: Phần mở đầu và kết thúc, các cuộc tranh luận giữa Gióp và ba người bạn, cuộc đối thoại của Elihu, sự can thiệp của Thiên Chúa.

Có lẽ sự giải thích như vậy chưa hẳn là đúng. Có một giả thiết dễ chấp nhận hơn là: Đầu tiên có một cốt chuyện bình dân bằng văn xuôi kể về trường hợp ông Gióp. Đó là nguồn nảy sinh tư tưởng cho một thi sĩ có ý tưởng trình bầy bằng thơ đối thoại nhưng lý lẽ cổ truyền về lý do gây đau khổ ở đời, đồng thời cũng có ý cho thấy những lý lẽ đó không vững chắc, mà còn thiếu căn bản thực sự trong trường hợp như ông Gióp. Sau này, những nhà biên tập khác đã viết thêm vào đó phần thuyết phát của Elihu để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Vì thế, chúng ta thấy ông này xuất hiện bất thần, giọng văn nói rất khác và có nhiều kiểu nói Aram. Phần của Thiên Chúa cũng như chương 28 đã được thêm vào như vậy, mục đích để bổ túc cho nguyên tác phẩm đầy đủ hơn về tư tưởng.

VI- THỂ VĂN

Sách Gióp thuộc loại giáo huấn được viết theo hình thức thi ca và trình bày theo hình thức đối thoại xoay quanh một luận đề: Thưởng phạt công minh.

Riêng về phần Thiên Chúa phán dạy gợi cho thấy hình thức văn chương cổ điển miền Cận Đông gọi là Onomasticom, nghĩa là khoa nghiên cứu riêng, kể tên các sự vật có đặc tính giống như thế, chẳng hạn vũ trụ học, khí hậu học, hoặc các hiện tượng thiên nhiên. Điều này chứng tỏ con người cố gắng hết mình để hiểu biết vũ trụ. Tác giả sách Gióp đặt Thiên Chúa giữ vai trò thầy dạy khôn ngoan. Ông thầy đặt ra những câu hỏi trao đổi với ông Gióp để thử xem ông Gióp hiểu biết đến đâu về những kỳ diệu của vũ trụ. Đây là một kiểu mẫu dạy thuật ngữ thuộc truyền thống khôn ngoan. Sử dụng thiên nhiên như phương tiện giáo huấn cũng là nét đặc trưng của truyền thống khôn ngoan.

VII- MỤC ĐÍCH

Thời sách Gióp xuất hiện, quan niệm về thưởng phạt cá nhân ở đời sau nơi dân Israel chưa được minh bạch. Quan niệm về tình trạng con người sau khi chết còn rất mơ hồ. Cái chết đến bất chợt và có một lần, nên người ta không biến mất hoàn toàn. Sau khi chết người ta xuống âm phủ (Sheol) để sống buồn thảm. Trong nơi cư trú tối tăm này, tất cả mọi người đều như nhau, giàu hay nghèo, lương thiện hay bất lương. Do đó ý niệm về thưởng phạt hoàn toàn theo viễn tưởng của cuộc sống tại thế. Kẻ tội lỗi gánh chịu hậu quả việc làm bất chính của mình là đau khổ. Sách Gióp đã khai phá một con đường dẫn đưa người ta đi xa hơn quan niệm thưởng phạt đời này. Nhân vật Gióp là một kiểu mẫu cho những chịu thử thách đau khổ. Dù đớn đau trong tinh thần (con cái chết, vợ bỏ, bạn bè khinh chê), nơi thể xác (ghẻ nở, tanh hôi, mất hết của cải), ông Gióp vẫn mến yêu trung thành phụng thờ Thiên Chúa, không giám oán trách Thiên Chúa. Ông quả quyết mình vô tội, vì ông là người ngay thẳng, vẹn toàn, kính sợ Thiên Chúa. Có công chính như vậy ông mới chịu đựng nổi thử thách. Thiên Chúa tín nhiệm ông Gióp là kẻ phụng thờ Người, nên Người đã để cho Satan hành hạ ông. Cuối cùng, câu trả lời cho vấn nạn “Thiên Chúa có công bình không?” đã được giải đáp: Thiên Chúa hành động theo ý của Người, chớ không theo ý của phàm nhân.

VIII– Ý NGHĨA THẦN HỌC QUA SÁCH GIÓP

1- Với người đương thời

Sách Gióp phản chiếu đúng những ưu tư tín ngưỡng của giới trí thức thời ấy trong lãnh vực luân lý và tín lý. Sách đề ra những suy tư và tín ngữơng liên quan chung của con người với Thượng đế, mà không  đả động gì tới những liên hệ lịch sử giữa Israel với Giavê. ở đây các nhân vật không tượng trưng cho sự khôn ngoan đã từng được lưu truyền trong con cái Abraham, nhưng cho sự khôn ngoan của các dân tộc. Tuy nhiên các bạn của ông Gióp, và ngay cả chính ông, cũng lý luận trên những nguyên lý cổ truyền Do thái và theo một lương tri đã được giáo huấn  trong lòng Israel. Điều này chứng tỏ tác giả là người Do thái, và các ý tưởng Độc Thần giáo về Thiên Thần,  về cuộc tạo dựng vũ trụ, nhất là sự quả quyết có Thiên Chúa quan phòng cho mọi người, mọi dân tộc, cũng là Dothái.

a- Về Thiên Chúa

Mặc dù các nhân vật đối thoại không dùng tên “Giavê”, nhưng toàn chuyện phản ánh tư tưởng một Thiên Chúa tạo dựng và an bài, làm chủ tể mọi loài. Toàn thể tác phẩm bị chi phối bởi tư tưởng có một Thiên Chúa duy nhất (5,5; 9,10; 37,5; 12,13; 23,8-9).

b- Về Thiên Thần

Sách mở đầu với một triều đình thiên quốc gồm những con cái của Thiên Chúa (1,6; 28,7),  những nhân vật kỳ diệu kết thành hàng danh dự cho Thiên Chúa, là cố vấn và sứ giả của Người (5,1; 33,23-24). Các vị này không giống Thiên Chúa về bản tính, vì Người còn gặp những khuyết điểm nơi họ (4,17-19; 5,2; 15,14-16; 25,4-6). Trong số này một kẻ được mệnh danh là Satan – kẻ thù, kẻ đối nghịch vì không tin ở lòng thành của Gióp và chỉ tìm cách tố giác ông trước mặt Thiên Chúa. Hắn được giao sứ mệnh thử thách ông.

c- Về con người

Sự sống và ánh sáng đã do Thiên Chúa mà có (3,4-5,20), thì Người cũng tạo nên bào thai trong lòng người mẹ. Do đó, tồn tại trong sự sống cũng nằm trong quyền năng của Người nữa (10,8-12), nghĩa là Thiên Chúa làm chủ cả sự chết. Gióp không hề nói tới tự vẫn, mặc dù ông cực lực nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình (3,1tt). Tuy nhiên, chết có thể là điều hay, vì nó chấm dứt mọi khổ đau trên đời (3,11-12; 6,8-9; 10,18-19). Chết là đi vào miền u tối để không bao giờ ra khỏi đó nữa (14,7.12; 18-22).

d- Thiên Chúa với con người

Vui, khổ, giàu, nghèo, bệnh tật hay khoẻ mạnh, mọi sự đều do Thiên Chúa (5,8; 52,18) Gióp chấp nhận tất cả với sự nhẫn nại của một tâm hồn “đông phương” như là do định mệnh vậy (1,21). Dầu sao, lòng sùng đạo sâu xa cũng làm cho ông thấy có bàn tay Thiên Chúa mọi chỗ trong cuộc sống.

Thiên Chúa theo dõi mọi hành vi cử chỉ…(7,12.17-20; 10,3-7.13-15; 13,25-27) để trả cho mỗi người theo như họ đáng (4,17-19; 15,14-16). Con người vốn là vật bất toàn, chẳng xứng đáng ra trước thiên nhan Chúa; ngay nơi các thiên thần mà Đấng toàn năng còn thấy tỳ ố nữa là (25,4-6). Sự công chính của Thiên Chúa là ý niệm căn bản điều hành mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Người là thẩm phám lo duy trì công bình chính trực (9,14-16; 10,13-15; 17,23), nên Người cân nhắc mọi hành vi của người ta cách công thẳng (31,6). Chính ông Gióp sau khi thổ lộ những lo âu thắc mắc về điểm này cũng nhìn nhận đó là điều chính yếu. Bởi thế ông cũng trông một ngày nào đó sẽ đưỡc phục hồi sức khoẻ và danh dự (19,23-27). Vì còn lệ thuộc vào Thiên Chúa trong sự sống (sinh ra và tồn tại), nên tiên vàn phải kính sợ Chúa (1,1.8; 2,3). Đáy mới thật là không ngoan (28,8). Nghĩa là phải dứt khoát xa lìa sự xấu vì nó vốn nghịch với Thiên Chúa. Tội dưới hình thức nào cũng vậy, làm cho người ta xa Thiên Chúa (8,13; 21,14-16). Tác giả lên án trộm cướp, ngoại tình, sát nhân, đàn áp người nghèo, tôn thờ tinh tú. Những tư tưởng này đều phản minh đạo lý các ngôn sứ và các Thánh vịnh. Như vậy, xã hội thời nào cũng vậy, chia làm hai : Một sống theo luật Thiên Chúa, một quên Người để chạy theo đam  mê của mình.

2- Với chúng ta

Sở dĩ khi chọn sách Gióp, con đã nhận thấy sách Gióp đề cập tới một vấn đề khá thực tiễn trong cuộc sống con người. Với thân phận của một loài thụ tạo, với những khiếm khuyết, giới hạn,yếu đuối, tội lỗi…Con người luôn bị đè nặng bởi những đau khổ do chính mình gây ra (có khi tự mình, có khi do dồng loại.). Với bản tính vốn tốt lành “nhân chi sơ, tính bản thiện” con người luôn khao khát, luôn tìm kiếm và cố gắng trở về với bản tính tốt đẹp lúc ban đầu của mình. Thế nhưng, con người luôn gặp phải những trở ngại, những rào cản, những ngăn cách. Trong thời đại văn minh hiện nay, khoa học như phát triển tới đỉnh cao. Những khám phá mới về vũ trụ, về con người, về thiên nhiên…đã làm cho nhiều người tưởng lầm rằng không có Chúa, hay thần thánh nào cả. Bên cạnh đó, những đau khổ, tội lỗi, bất công, chiến tranh, hận thù, chết chóc… vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ với chiều hướng gia tăng.

Trước những vấn đề phức tạp như vậy trong cuộc sống, những vấn nạn ngàn đời vẫn còn cần có lời giải đáp: Đâu là nguyên nhân của đau khổ? Tại sao những người ăn ngay, ở lành mà phải chịu đè nén, bất công, đau khổ? Liệu có một nền luân lý công bằng không? Liệu có một Đấng Thượng Đế công minh quyền phép không? Nếu có, tại sao Ngài lại cho phép bất công, đâu khổ, tội lỗi xảy ra?

Sách Gióp là một trong những câu trả lời cho các vấn nạn ngàn đời ấy. Tuy cách trả lời của sách Gióp chưa thoả mãn vì mạc khải chưa đầy đủ, nhưng cách thế sách Gióp đặt vấn đề là một khởi đầu cho mạc khải tiến triển dần dần, những mầu nhiệm về đau khổ của con người được hé mở cách tiệm tiến theo lịch sử. Để rồi sau đó vài thế kỷ, niềm tin về sự sống lại được tác giả 2 Macabê và Đaniel đề cập tới và làm rõ hơn (2 Mcb 7; 14,46; Đn12,1-3). Đặc biệt, câu trả lời thoả mãn rõ ràng hơn về đau khổ được chính Chúa Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa  Cha mang lại cho nhân loại bằng toàn thể cuộc sống nhập thể của Ngài: Sự khó nghèo, chịu bách hại, bị hiểu lầm, chịu đau khổ, nhục nhã mà đỉnh cao là cuộc thương khó, đổ máu trên Thập giá ở đồi Canvê để rồi Ngài lại phục sinh khải hoàn vượt qua đau khổ và thần chết mang lại ơn giải thoát khỏi kiếp sống “bể khổ”cho con người.

Sách Gióp tuy chưa làm thoả mãn về những vấn đề đau khổ của con người trong cuộc đời trần thế, tư tưởng của sách còn nhiều hạn chế… Nhưng cũng mang lại cho chúng ta một bài học quí giá nhờ tấm gương của ông Gióp, một con người đã sống bằng niềm tin. Vậy, tin vào một vị Thiên Chúa mà ta không biết các đường lối của Người, vẫn có thể đưa tới kiên nhẫn và bình an. Nhờ tấm gương đó mà mỗi chúng ta cũng biết kiên trung trong niềm tin tưởng, cậy trông và phó thác cuộc đời trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng Toàn năng và là Cha của chúng ta.

Mặc dù mạc khải về sự đau khổ đã được Chúa Giêsu tỏ rõ, nhưng vì bản tính con người chúng ta là yếu đuối và hay phản bội, bất trung. Trước những đau khô của cuộc đời, chúng ta dễ nản chí và đánh mất niềm tin. Qua tấm gương ông Gióp, chúng ta hãy vững tâm tin tưởng vào Chúa, mặc dù con mắt xác thịt chúng ta không thấy Ngài. Nhưng bằng lý trí và đặc biệt là nhờ con mắt đức tin, chúng ta chắc chắn rằng những đau khổ của cuộc đời này chỉ mau qua như cơn gió thoảng, nó chỉ như những thử thách để tôi luyện nhân đức chúng ta vì “vàng được thử trong lửa” hay như câu châm ngôn: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức” mà ơn Chúa thì luôn đủ cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải biết sẵn sàng chấp nhận những đau khổ của cuộc đời mà can đảm vượt qua chứ đừng vấp ngã, để rồi từ những cố gắng đó nhân đức của chúng ta như được tích luỹ thêm lên  mãi. Và khi ra trước toà Chúa, chúng ta không phải hổ thẹn nhưng được hân hoan bước vào Tiệc Cưới như những cô trinh nữ khôn ngoan, như Vị Tân Lang của tiệc cưới thiên thu.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here