MA QUỶ HỌC – MỤC IV. TÁC ĐỘNG CỦA MA QUỶ

0
2142

MA QUỶ HỌC 

Phan Tấn Thành

MỤC I. KINH THÁNH

MỤC II. SATAN TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC

MỤC III. SUY TƯ THẦN HỌC

—————–

Mục IV. TÁC ĐỘNG CỦA MA QUỶ

———————

I. Tác động của ma quỷ đối với nhau

A. Các đẳng cấp ma quỷ

B. Tổ chức dân chủ hay độc tài?

II. Tác động của ma quỷ đối với loài người

A. Những cuộc tấn công của ma quỷ nói chung

B. Những hành động thông thường: cám dỗ

C. Những hành động bất thường: quỷ ám

———————

Trong mục trước, chúng ta đã tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nguồn gốc và sự sa ngã của thiên thần cũng như hình phạt dành cho họ. Đó là câu chuyện liên quan đến bản tính của ma quỷ. Trong mục này, chúng ta sẽ nghiên cứu hành động của ma quỷ. Tuy nhiên, để có một cái nhìn quân bình, thiết tưởng cần phải trở về cấu trúc của bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquino. Vị “tiến sĩ thiên thần” đề cập đến ma quỷ trong khảo luận về các thiên thần (I pars, quaestiones 50-64; ma quỷ được bàn ở các quaestiones 63-64). Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản tính của ma quỷ, bởi vì ma quỷ được tạo dựng như là thiên thần với những đặc trưng của loài linh thiêng mà họ vẫn duy trì sau khi phạm tội, như đã nói trong mục trước. Kế đó, khi bàn về tác động của ma quỷ, thánh Tôma lồng trong mục Thiên Chúa điều hành vũ trụ (quaestiones 103-109), hoặc trực tiếp hoặc qua các thụ tạo khác, tựa như các thiên thần (q.106-114), các vật hữu chất (q.115-116), con người (q. 117-119). Cách riêng, tác động của thiên thần được nhìn trong tương quan giữa các thiên thần với nhau (q.106-107), giữa thiên thần với vật chất (q.110), giữa thiên thần với loài người (q.111-114). Cái nhìn toàn bộ này nhắc nhở chúng ta ta rằng mọi sự xảy ra trên đời đều nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa (chứ không phải ma quỷ muốn làm gì cũng được), và bên cạnh tác động của ma quỷ đối với con người (được đặt tên là “tấn công”: impugnatio, q.114), chúng ta đừng quên tác động của các thiên thần đối với con người (được đặt tên là “gìn giữ”: custodia, q.113)[1].

Dựa theo mô hình của thánh Tôma, khi bàn về tác động của ma quỷ, chúng tôi sẽ tìm hiểu hai khía cạnh: 1/ tác động của ma quỷ đối với nhau; 2/ tác động của ma quỷ đối với loài người. Thực ra, còn một khía cạnh nữa, đó là tác động của ma quỷ đối với thế giới vật chất, nhưng chúng tôi gom chung với tác động đối với loài người. Dù sao, chúng ta không được phép quên hai điều vừa mới nhắc ở đầu: 1/ Tất cả mọi hoạt động của ma quỷ đều ở dưới sự kiểm soát của Thiên Chúa, theo đó, như thánh Phaolô đã viết, “Ngài làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28); – 2/ Ma quỷ dù đã sa ngã nhưng vẫn giữ những đặc tính của thiên thần thuộc về loài thiêng liêng (spiritus purus), chứ không biến thành vật chất.

I. Tác động của ma quỷ đối với nhau

Trong lãnh vực này, thánh Tôma đặt ra hai câu hỏi: 1/ Có đẳng cấp gì giữa các ma quỷ không? 2/ Có ai làm tướng lãnh các ma quỷ không? Kẻ lãnh đạo nắm quyền theo quy chế pháp lý hay là dựa theo luật rừng (luật của kẻ mạnh)? Nên nhớ rằng các thiên thần sa ngã vì tội kiêu ngạo; như vậy thì làm thế nào mà họ chịu nhường nhịn tùng phục lẫn nhau?

A. Các đẳng cấp ma quỷ

Ma quỷ có đẳng cấp gì không? Để trả lời câu hỏi này cần phải trở lại khởi điểm: các thiên thần có đẳng cấp gì không? Dựa trên tiêu chuẩn nào? Sau khi phạm tội, ma quỷ còn tôn trọng đẳng cấp đó nữa không, hay là đã đảo chính, lật đổ mọi thứ trật tự giai cấp?

1/ Phẩm trật thiên thần

Kitô giáo chấp nhận quan niệm “phẩm trật các thiên thần” (De hierarchia angelica) vốn đã được đề cập trong đạo Do thái. Nhưng lấy tiêu chuẩn gì để phân biệt các cấp bậc?

Theo Đionisiô Areopagita (một đan sĩ Syria thế kỷ V) tác giả cuốn sách “Phẩm trật trên trời” (De hierarchia caelesti),  các thiên sứ được phân làm 3 đẳng, mỗi đẳng gồm ba cấp. Dĩ nhiên là đẳng cao nhất thì ở gần Thiên Chúa hơn cả, được tham dự vào sự hoàn thiện của Thiên Chúa (sự hoàn thiện được nhìn dưới khía cạnh thông hiểu), rồi từ đó chuyền đạt cho các đẳng ở dưới. Chín phẩm thiên sứ được liệt kê như sau: Sêraphim, Kêrubim, Bệ thần (throni); Quản thần (dominationes), Dũng lực (virtutes), Quyền thần (potestates); Lãnh thần (principatus), Tổng sứ thần (archangeli), Sứ thần (angeli). Ý tưởng này được thánh Grêgoriô Cả du nhập (Homeliae in Evangelia, 34, 7) và quảng bá bên Tây phương. Thánh Tôma cũng chấp nhận học thuyết này và giải thích sâu rộng hơn.

Trước hết, cần lưu ý đến từ ngữ. Hierarchia trong nguyên ngữ Hy-lạp không chỉ có nghĩa là đẳng cấp mà con hàm ngụ ý tưởng “nguyên ủy thánh” (hieros: thánh; arkhe: nguyên ủy; tương đương với tiếng Latinh sacrum principium), nghĩa là không chỉ hàm ngụ một trật tự lớp lang, mà còn nhắm đến Thiên Chúa. Vì thế, theo nghĩa chặt, chỉ có một “phẩm trật” (nguyên ủy thánh) mà thôi, tức là trật tự bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Hiểu theo nghĩa rộng, có thể nghĩ đến nhiều thứ phẩm trật khác dựa theo những nguyên ủy mà Thiên Chúa đã ấn định trong vũ trụ.

Đối với các thiên thần, hệ thống phẩm trật nhắm đến mục đích tối hậu là sự thiên hóa (theosis), nghĩa là hạnh phúc siêu nhiên mà Thiên Chúa mời gọi tất cả các thụ tạo thiêng liêng. Các đẳng trật thiên thần dựa theo những cấp độ khác nhau của ánh sáng họ nhận được để hiểu biết Thiên Chúa và các kế hoạch của Ngài.

2/ Phẩm trật ma quỷ

Nếu mục đích của phẩm trật các thiên thần là Thiên Chúa, thì sau khi đã sa ngã, các thiên thần còn duy trì được phẩm trật nữa không? Thoạt tiên, khi nghĩ đến nguồn gốc sự sa ngã của các thiên thần là tội nổi lọan chống lại Thiên Chúa, thì ta dễ mường tượng rằng họ cũng nổi loạn ngay trong nội bộ nữa. Tuy nhiên, Theo thánh Grêgoriô Cả (Moralia in Iob, XXXIII, 31), giữa các ma quỷ vẫn duy trì một trật tự nào đó: các ma quỷ không phải là nhóm hỗn loạn, vô tổ chức!

Thánh Tôma giải thích như sau: tội lỗi không hủy diệt hoàn toàn bản tính tự nhiên (Sum.Th., I, q.109, a.1). Thật vậy, các đẳng cấp của các thiên thần có thể xét hoặc theo bình diện tự nhiên hoặc theo bình diện siêu nhiên. Dưới bình diện tự nhiên, các cấp bậc khác nhau giả thiết một thứ tự cao thấp, phản ánh sự khác biệt đa dạng trong cùng một mục tiêu. Sự khác biệt giữa các thiên thần hệ ở chỗ hiểu biết và yêu mến  mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Trật tự này vẫn còn được duy trì nơi ma quỷ, tuy dù bị sứt mẻ. Trên bình diện siêu nhiên, các đẳng cấp thiên thần dựa trên ơn thánh mà Thiên Chúa ban để hiểu biết và yêu mến ngài hơn. Thiên Chúa ban ân sủng tùy theo cấp độ có sẵn trong bình diện tự nhiên. Dĩ nhiên là ma quỷ không nhận được ân sủng siêu nhiên này bởi vì họ đã khước từ lời mời gọi.

B. Tổ chức dân chủ hay độc tài?

Giữa các ma quỷ có đẳng cấp. Đẳng cấp ở đây không dựa theo “chiến công” lập được, nhưng gắn liền với kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, theo đó, có một thứ tự lớp lang giữa các thụ tạo. Các cấp bậc vẫn còn được duy trì sau khi các thiên thần sa ngã. Chúng ta hãy đi thêm một bước nữa: ngoài các đẳng cấp vốn có từ khi được tạo dựng, các ma quỷ có ai lãnh đạo không? Tại sao Satan được coi là “tướng quỷ”? Satan nắm quyền do một cuộc bầu cử tự do, hay là do một vụ cướp chính quyền?

Khỏi nói ai cũng đoán được, trong lịch sử thần học, nhiều giả thuyết đã được đề ra. Từ thánh Grêgoriô Cả, người ta coi Satan hay Lucifer là thủ lãnh của các ma quỷ. Thánh Tôma đưa ra bốn lý do để giải thích nền tảng vai trò “lãnh đạo” (praelatus) của Satan: 1/ dựa trên bản tính; 2/ hình phạt; 3/ sự lựa chọn của ma quỷ; 4/ kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa (xc. Summa Theologia, I, q.109, a.2):

1/ Lý do thứ nhất dựa trên bản tính tự nhiên. Trật tự cao thấp giữa các thiên thần dựa trên bản tính đã có từ khi được tạo dựng.

2/ Lý do thứ hai là hình phạt của tội lỗi. Các thiên thần đã nghe theo lời xúi giục của Satan mà phạm tội, thì cũng chịu lệ thuộc hắn như là hình phạt. Satan không được vinh dự khi chỉ huy các ma quỷ; trái lại, đó là hình khổ vì trước đây hắn đã là nguyên nhân cho sự sa ngã của các thiên thần khác.

3/ Lý do thứ ba là sự lựa chọn của các ma quỷ. Mặc dù ma quỷ đã sa ngã vì tội bất phục tùng Thiên Chúa, và hậu quả đương nhiên là chẳng ai chịu phục tùng ai hết, nhưng  họ buộc phải liên kết với nhau để chống lại một kẻ thù chung. Ở đây, kẻ thù chung không phải là Thiên Chúa, nhưng là loài người: ma quỷ lập kế bày mưu để làm hại loài người. Chúng ta có thể so sánh với các băng đảng trộm cướp: họ hợp nhất với nhau để thi hành một mưu đồ xấu. Đây là một sự liên minh thực dụng chứ chẳng phải do tình nghĩa, với nguy cơ là sẽ quay ra tiêu diệt lẫn nhau, nếu tính toán không sòng phẳng. Nhưng con người có thể thanh toán và giết nhau, chứ các thiên thần thì không lo sợ bị tiêu diệt!

4/ Lý do thứ bốn là chương trình của Đấng Quan phòng. Thiên Chúa là Đấng an bài mọi sự và muốn có một trật tự ngay trong hàng ngũ các ma quỷ.  Như sẽ thấy trong đoạn tiếp theo, Thiên Chúa cho phép ma quỷ tác động trên thế giới và loài người nhằm thực hiện một kế hoạch  rộng lớn hơn; và ngài cũng ấn định cho các ma quỷ có một thủ lãnh để hoàn thành chương trình quan phòng.

II. Tác động của ma quỷ đối với loài người

Sau khi tìm hiểu tác động của Satan đối với các quỷ khác, thánh Tôma xét đến tác động của Satan đối với thế giới vật chất và cách riêng đối với loài người.  Chúng ta sẽ lần lượt bàn bàn đến ba vấn đề: 1/ Những cuộc tấn công của ma quỷ nói chung. 2/ Những hành động thông thường như là sự cám dỗ. 3/ Những hành động bất thường như là “quỷ ám”.

A. Những cuộc tấn công của ma quỷ nói chung

Kinh thánh đã kể lại rất nhiều cuộc tấn công của ma quỷ nhắm đến loài người. Đây là một thực tại không thể chối cãi. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo xác nhận điều ấy:

Số 394. Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là “tên sát nhân … ngay từ đầu” (Ga 8,44), nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi trệch ra khỏi sứ vụ Người đã lãnh nhận nơi Chúa Cha. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ” (l Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa.

Số 395. Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu Satan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài trong Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách gián tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28)

Tiếp theo thánh Phaolô (Ep 6,10-17), truyền thống tâm linh Kito giáo đã quan niệm đời sống đạo như là một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ. Trong mục II, chúng tôi đã nhắc đến đạo lý của các sư phụ trên sa mạc về các tà kiến (logismoi) làm nên hành trình tu đức của đan sĩ. Mặt khác, từ trong Cựu ước, chúng ta đã gặp thấy giáo lý về hai con đường (chẳng hạn như thánh vịnh số 1) mà người tín hữu phải chọn lựa và quyết định trên con đường đi theo Chúa. Nhưng một vài giáo phụ còn tiến xa hơn khi đưa một con quỷ đứng chào hàng trên lộ trình ấy. Truyền thống này đã có từ phái Qumran của đạo Do thái,  được giáo phụ Hermas lấy lại (Mandata VI ) và Origène khai triển. Theo quan điểm ấy, người tín hữu phải lựa chọn giữa hai thiên thần: thiên thần lành giục chúng ta làm điều tốt, còn thiên thần dữ thì xúi chúng ta làm điều xấu. Từ đó, vấn đề “phân định thần khí” (x. 1Cr 12,10; 1 Ga 4,1) được đặt ra và được khai triển trong các tác phẩm thần học tâm linh[2].

Trên thực tế, quyền năng của ma quỷ trên thế giới mạnh tới đâu? Phải chăng vì là loài thần thiêng cho nên chúng muốn làm mưa làm gió gì cũng được? Thánh Tôma đã đưa ra những suy tư sau đây nhằm giúp chúng ta trả lời cho các câu hỏi ấy (Sum. Theol. I, q.110-114).

1/ Thiên thần dù sa ngã nhưng vẫn không mất những khả năng theo bản tính. Họ thuộc loài thần thiêng, không bị giới hạn vào thời gian và không gian. Chúng ta khó tưởng tượng được khả năng của họ như thế nào!

2/ Theo thánh Tôma, (thiên thần và) ma quỷ có thể tác động trên một vật thể, do đó có thể tác động trên thân thể của con người, cũng như những chức năng của sự sống thực vật và giác quan của con người. Tuy nhiên, (thiên thần và) ma quỷ không thể tác động trực tiếp trên những chức năng trí tuệ (lý trí và ý chí) của con người, mặc dù có thể tác động cách gián tiếp, chẳng hạn như bằng cách gợi lên những hình ảnh, những cảm xúc giác quan. Thánh Tôma cũng thêm rằng ma quỷ không có khả năng “đọc” những bí mật trong con tim con người (những ý tưởng của lý trí, những quyết định của ý chí) bởi vì duy chỉ Thiên Chúa mới dò xét tâm can của con người (xc. Gr 17,10), nhưng họ có thể dễ dàng suy đoán qua những dấu hiệu bên ngoài[3].

3/ Dù sao đi nữa, tác động của ma quỷ có những giới hạn vì ba lý do: a) do bản tính của ma quỷ; b) do điều kiện bản thân; c) do ý định của Thiên Chúa.

a) Giới hạn do bản tính của ma quỷ

Vì là thụ tạo, ma quỷ chịu giới hạn về bản tính và hoạt động. Ma quỷ không thể làm điều gì vượt quá khả năng của một thụ tạo. Vì thế ma quỷ không thể làm “phép lạ” hiểu theo nghĩa chặt, tức là sự việc siêu nhiên dành riêng cho Thiên Chúa.

b) Giới hạn do điều kiện bản thân

Trên đây, chúng ta đã nói đến đẳng cấp giữa các ma quỷ. Dĩ nhiên, ma quỷ không thể thực hiện được một việc vượt quá khả năng của mình. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế thì chẳng ai trong loài người chúng ta biết được giới hạn ấy ra sao.

c) Giới hạn do ý muốn của Thiên Chúa

Thiên Chúa cho phép ma quỷ quấy rối con người theo một chương trình khôn ngoan và nhân lành của Ngài, như chúng ta thấy một thí dụ nơi ông Gióp (G 1,12). Dù sao, Kinh thánh cho ta biết rằng Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta sức mạnh để kháng cự ma quỷ (1Cr 10,13). Thánh Augustino cho biết rằng nếu ma quỷ được tự do tung hoành, ắt là không còn sinh linh nào sống sót trên địa cầu (De Trinitate lib. III, c.9). Nhưng (may thay) chúng không được phép làm chuyện ấy!

B. Những hành động thông thường của ma quỷ đối với loài người: sự cám dỗ

Nhiều tác giả đã phân biệt các cuộc tấn công của ma quỷ thành hai loại: thông thường (ordinaria) và bất thường (extraordinaria).

Thông thường được hiểu như là thường xuyên, khi ma quỷ xúi giục ta phạm tội. Điều này diễn ra bên trong con người chúng ta, và được đặt tên là “cám dỗ” (tentatio).

Bất thường được hiểu như là ngoại lệ, ít khi xảy ra, và xuất hiện bên ngoài. Người ta phân biệt ba hình thức: quấy rối nơi chốn (infestatio localis), quấy rối thân thể (infestatio personalis), chiếm hữu (possessio diabolica, trong tiếng Việt thường gọi là quỷ ám)[4].

Trước hết chúng ta tìm hiểu hành động thông thường, quen gọi là cám dỗ. Đề tài này được bàn trong tất cả các sách thần học về đời sống tâm linh[5], cho nên ở đây chúng tôi chỉ nhắc lại vào khái niệm tổng quát.

Thứ nhất, một nhận xét về từ ngữ. Trong tiếng Việt, theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na), “cám dỗ” gốc bởi “cảm dụ”: dụ là rủ rê; cảm là làm cho động lòng, cảm dụ là làm cho họ rung động trong lòng mà rủ rê họ theo mình. Trong tiếng Latinh, “tentare” có nhiều nghĩa: thử thách, thử luyện, trắc nghiệm, dụ dỗ[6]. Vì thế không lạ gì mà nhiều lần Kinh thánh nói đến việc Thiên Chúa “tentare” con người (thí dụ 1 Cr 10,13), nghĩa là thử thách xem con người có theo Chúa hết lòng hay không (dĩ nhiên là không thể nói  rằng Thiên Chúa “cám dỗ” con người!). Như vậy, tentare trong tiếng Latinh không nhất thiết mang nghĩa xấu; đang khi “cám dỗ” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là dụ dỗ phạm tội.

Thứ hai, chúng ta hiểu cám dỗ như là xúi giục làm điều xấu, và chúng ta sẽ phân tích vai trò của ma quỷ trong lãnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội quy gán tất cả các cơn cám dỗ cho ma quỷ! Thật vậy, nguồn gốc của các cơn cám dỗ nhiều khi là chính bản thân chúng ta, những phán đoán lệch lạc của đầu óc chúng ta, tính khí, giáo dục, môi trường, vv. Chính thánh Phaolô đã thú nhận như thế trong thư gửi Roma chương 7, câu 19-20: “Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại làm”. Tư tưởng này đã được thi sĩ Ovidio phát biểu  nửa thế kỷ trước đó (“video meliora proboque, deteriora sequor”, Metamorphoses, lib.VII,19). Thánh Giacobê cũng cảnh giác: “Mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1,14), “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?” (4,1). Xem thêm Mt 15,19; Mc 7,21-23.

Thứ ba, Kinh thánh gọi ma quỷ là “tên cám dỗ” (Mt 4,3; 1Tx 3,5). Hành động này được coi như “chuyên nghiệp”, và các tín hữu được nhắc nhở nhiều lần về điều ấy. Chẳng hạn như lời sau đây của thánh Phêrô được đọc vào giờ Kinh Tối ngày thứ ba: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mối cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9). Trong giờ Kinh Tối ngày thứ tư thì chúng ta được thánh Phaolo nhắc nhở: “Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng (Ep 4,26-27). Cũng trong cùng lá thư gửi Epheso thánh nhân có viết: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Ngài. Hãy mang toàn bộ binh giáp và vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,10-11).

Thứ bốn, tại sao ma quỷ cám dỗ con người? Hẳn là tại vì nó ghen ghét Thiên Chúa và con người, mà muốn cho con người xa cách Thiên Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa cho phép điều này xảy ra ngõ hầu con người có cơ hội thực hành các nhân đức, củng cố lòng trung thành với Thiên Chúa, và nhờ đó tiến bộ trong hành trình thiêng liêng.

Thứ năm, cho dù cơn cám đỗ có mạnh mẽ mấy đi nữa, nó được xếp vào hạng “thông thường” (hay “thường xuyên”), vì diễn ra bên trong con người chứ không lộ liễu ra bên ngoài, khác với những hành động “bất thường” mà  chúng ta sẽ bàn dưới đây. Dù vậy, các học giả lưu ý rằng những cơn cám dỗ không hẳn mang tính cách hoàn toàn kín đáo cá nhân; chúng có thể bộc lộ “cách âm thầm” qua những trào lưu văn hóa, những chủ nghĩa chính trị kích động con người chống lại luật Thiên Chúa, hoặc tạo ra những ngẫu tượng thay thế Thiên Chúa trong xã hội. Trên thực tế, sách Tóm lược giáo huấn xã hội đã dành hai số 117-118 để giải thích khái niệm “tội xã hội” hay “cơ cấu tội lỗi”. Tội xã hội là gì? Đức thánh cha Gioan Phaolô II giải thích trong tông huấn “Hoà giải và Sám hối” (02/12/1984), số 16, như sau:

1/ Bất cứ tội cá nhân nào cũng có ảnh hưởng xã hội do một sự liên đới huyền nhiệm và thực tiễn giữa loài người. Đây là bộ mặt trái của tình liên đới nhân loại: bất cứ việc tốt việc xấu nào cũng ảnh hưởng đến xã hội: “Một con sâu làm rầu nồi canh”.

2/ Ta có thể hiểu “tội xã hội” ám chỉ cách riêng đến những tội xúc phạm trực tiếp đến tha nhân, xét như các cá nhân hoặc xét như các cộng đồng.

– Được gọi là tội “xã hội” khi vi phạm đức công bình trong những tương quan giữa cá nhân với các nhân, giữa cá nhân với cộng đoàn, hoặc giữa cộng đoàn với cá nhân.

– Cũng gọi là tội “xã hội”, những tội xúc phạm đến những quyền lợi con người: quyền sống, gồm cả quyền thai nhi sắp ra đời; quyền toàn vẹn thân thể; quyền tự do, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng; quyền tôn trọng phẩm giá và danh dự.

– Cũng gọi là tội “xã hội” những tội chống lại công ích và những đòi buộc của nó liên quan đến toàn thể những những quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân.

– Tội “xã hội” cũng ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau, gây ra những bất ổn xã hội, chẳng hạn như: cuộc đấu tranh giai cấp, những cuộc đối đầu giữa các khối quốc gia.

3/ Những tội cá nhân nuôi dưỡng các “cơ cấu tội lỗi” (structures de péché). Những cơ cấu tội lỗi được nảy sinh và nuôi dưỡng bởi các tội cá nhân. Những cơ cấu này gây ra những tình huống khó mà dẹp bỏ, và trở thành nguồn gốc cho những tội khác và chi phối các ứng xử của con người. Chúng làm trì trệ tiến trình phát triển của các dân tộc. Vào thời nay, cần nhắc đến hai cơ cấu tội lỗi là: a) ham muốn lợi nhuận bằng bất cứ giá nào; b) tham quyền, muốn áp đặt ý riêng của mình trên những người khác, bằng bất cứ giá nào.[7]

C. Những hành động bất thường

Hình thức hoạt động thứ hai của ma quỷ được gom vào loại “bất thường” (hoặc “khác thường”) vì hai lý do. Thứ nhất, bởi vì cách thức “phát hiện” có thể nhận ra bằng giác quan (tai nghe, mắt thấy), gây ra ấn tượng bên ngoài, và người ta có thể quan sát, phân tích, chẩn đoán. Thứ hai, bởi vì nó mang tích khác thường, họa hiếm. Thiên Chúa quan phòng vạn vật theo trật tự thông thường, và họa huần Ngài mới cho phép xảy ra những hiện tượng kỳ lạ vì một mục tiêu nào đó.

Các tác giả đề nghị nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các hiện tượng này. Trên đây, chúng tôi đã nói đến lối phân chia đơn giản của linh mục Corrado Balducci thành ba loại: a) quấy rối nơi chốn, b) quấy rối thân thể, c) chiếm hữu. Trong dẫn nhập vào Nghi thức trừ tà của Hội đồng giám mục Italia, chúng ta đọc thấy một danh mục dài hơn, với 6 loại, có lẽ dựa theo cha Gabriele Amorth[8]:

– Hành hạ thân thể, như chúng ta đọc thấy trong cuộc đời các vị thánh Phaolô Thánh giá, Piô Pietralcina.

– Chiếm hữu (possessio diabolica, quen gọi là “quỷ ám”): ma quỷ xâm nhập thập thân thể, bắt buộc nó phải nói năng hay hành động theo như nó muốn. Nạn nhân không thể cưỡng lại được, và do đó cũng không chịu trách nhiệm. Nên biết là ma quỷ chỉ chiếm hữu thân xác, chứ không thể chiếm ngự linh hồn.

– Quấy rối (vexatio): gây ra những bệnh tật thể lý (tựa như người phụ nữ bị còng lưng, hoặc người câm điếc được sách Tin mừng nói đến). Trường hợp này nhẹ hơn là sự “chiếm hữu”.

– Ám ảnh (obsessio): nạn nhân bị khống chế bởi những ý tưởng kinh dị, đâm ra thất vọng chán nản, muốn quyên sinh.

– Xâm nhập (infestatio) vào đồ vật (nhà cửa, cây cối) hoặc động vật.

– Thần phục (subjectio): chính nạn nhân tự ý thần phục ma quỷ để đạt được cái gì đó (qua hợp đồng).

Chúng tôi xin giới hạn vào những khái niệm căn bản do cha Balducci cung cấp.

1/ Quấy rối nơi chốn (infestatio localis).

Ma quỷ quấy rối bằng những hiện tượng xáo trộn tại một địa điểm, một cây cối,  một đồ vật, một con vật nào dó, nhưng chung quy là nhắm gây rối cho con người (chẳng hạn bằng tiếng ồn, chuyển động). Ta có thể nghĩ đến cảnh tượng đám quỷ nhập vào bầy heo ở Gerasa (xc. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39).

2/ Quấy rối thân thể (infestatio personalis).

Loại vừa nói diễn ra bên ngoài con người. Còn loại thứ hai thì ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Điều đáng nói là có khi chính các thánh cũng bị ma quỷ hành hạ. Đây không chỉ là những cơn cám dỗ dữ dội, mà đôi khi thân xác bị hất tung khỏi giường, hoặc đè bẹp xuống đất. Thực ra con số này không nhiều lắm. Thời xưa, thánh Athanasiô đã thuật lại nhiều hiện tượng tương tự trong hạnh tích thánh Antôn. Vào thời Trung cổ và Cận đại, chúng ta nghe thuật những chuyện như vậy trong cuộc đời thánh Catarina Siena (1347-1380), Phanxicô Xavier (1506- 1552), Têresa Avila (1515-1582), María Magda­lena de’ Pazzi (1566-1607), Gioan Vianney (1786-1859), Gioan Bosco (1815-1888),  Gemma Galgani (1878-1903).

3/ Chiếm hữu (possessio diabolica)

Trong tiếng Việt, hiện tượng này quen được dịch là “quỷ ám” (hay “quỷ nhập”). Tuy nhiên, thiết tưởng nếu muốn dịch sát nguyên ngữ possessio thì nên gọi là “chiếm hữu”, khác với obsessio (ám ảnh). Sự ám ảnh có thể là một hiện tượng tâm lý, luôn bị ảnh hưởng bởi một hình ảnh hay ý tưởng nào đó. Còn trong trường hợp đang bàn, thì ma quỷ chiếm hữu thân thể một người nào đó đến nỗi đương sự không còn làm chủ các hành vi của mình.

Chúng ta nhận thấy có một cấp độ trong ba loại vừa kể: cấp thứ nhất thì ma quỷ tác động nơi những vật bên ngoài con người; cấp thứ hai thì ở trên thân thể con người, nhưng không chạm đến đời sống tâm lý; cấp thứ ba ra như đè bẹp cả ý chí và tự do của con người. Dù sao, đây là một sự phân biệt trên lý thuyết, chứ đi vào thực tế thì khó xác định thuộc cấp nào bởi vì chúng thường trà trộn lẫn nhau, nhất là giữa cấp hai và cấp ba.

Hiện tượng ma quỷ chiếm hữu một người được Tân ước nhắc tới nhiều lần, hoặc một cách tổng quát (xc. Mt 4,24; 8,16; Mc 1,32-34; 1,39; 6,12-13; Le 4,40-41; 6,17-18; 7,21; 10,17), hoặc một con người cụ thể, như là người câm  (xc. Mt 9,32-33), một người câm khác trở nên đầu để cho cuộc tranh luận giữa Đức Giesu và nhóm Pharisêu (Mt 12,22-32; Mc 3,20-30; Le 11,14-26), bà Maria Mađalena (người được trừ bảy quỷ: Mc 16,9; xc. Lc 8,2). Ngoài ra Tin mừng cũng kể lại khá chi tiết bốn trường hợp trừ quỷ: ở Capharnaum (xc. Mc 1,21-28; Le 4,31-37); ở Ghêrasa (xc. Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26- 29); con gái của một phụ nữ Cananaea (xc. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30); một đứa bé mắc bệnh động kinh (xc. Mt 17,14-20; Mc 9,13-28; Lc 9,37-43).

Ngoài ra, sách Tin mừng cũng cho biết là Chúa Giesu cũng trao quyền trừ quỷ cho các tông đồ và các môn đệ (xc. Mt 10,1-8; Mc 3,14-15; 6,7; Lc 9,1; 10,17-20), và cũng hứa ban quyền ấy cho những ai tin vào Người (xc. Mc 16,17).  Sách Tông đồ công vụ đã kể lại những trường hợp trừ quỷ vào thời Giáo hội sơ khai (xc. Cv 5,14-16; 8,5-8; 16,16-18; 19,11-16).

Vào thời cận đại, không thiếu những học giả nghi ngờ về tính lịch sử của các trình thuật ấy: Phải chăng thực sự là trường hợp quỷ chiếm hữu, hay là chỉ là bệnh động kinh hay bệnh tâm thần? Phải chăng trong não trạng dân gian thời xưa, chuyện gì không giải thích được thì cứ quy gán cho thần thánh quỷ ma?  Đó là những vấn nạn khiến cho Giáo hội thận trọng khi chẩn đoán những tình trạng quỷ ám như sẽ thấy trong mục tới.

Đó là những vấn nạn thuộc lãnh vực khoa học. Bên cạnh đó không thiếu những câu hỏi thuộc lãnh vực đức tin, chẳng hạn như: tại sao Chúa để cho ma quỷ quấy rối con người như vậy? Tại sao Thiên Chúa không ra tay cản ngăn?

Thật không dễ gì tìm câu trả lời. Tuy nhiên, như đã nói ngay ở đầu mục này, tất cả những điều này đều ở trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, và nếu Ngài đã để cho ma quỷ tác động trên thế giới thì chính Ngài cũng đã ban cho Giáo hội quyền năng để khử trừ nó, như sẽ thấy trong mục tới.

———————

[1] Nên biết là “thiên thần bản mệnh” (có khi cũng được gọi là dịch là “thiên thần hộ thủ”, hoặc “thiên thần giữ mình”) trong tiếng Latinh là angelus custos (trông nom, bảo vệ). Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 336.

[2] Nói đúng ra, các tác giả không chỉ phân biệt giữa “thần khí tốt” và “thần khí xấu”, mà còn giữa “thần khí của Chúa” – “thần khí xấu” – “thần khí con người”. Xc. Phan Tấn Thành, Thần học về đời sống tâm linh Kito giáo, (Đời sống tâm linh tập III), NXB Phương Đông 2015, trang 370-372.

[3] Xc. Summa theol., I, q.111, a.1-4.

[4] Xc. Corrado Balducci, El diablo existe y se puede reconocerlo, Paulinas, Bogotá 1990, p.156-158. Tuy nhiên tác giả nhìn nhận rằng nhiều học giả còn đưa ra những cách phân loại khác, như sẽ nói sau khi bước sang các hành động bất thường.

[5] Xc. Phan Tấn Thành, Thần học về đời sống tâm linh, đã dẫn, trang 362-372. Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương (Đời sống tâm linh tập V), NXB Phương Đông, 2017, trang 270-271. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 2846-2854.

[6] Từ ngữ này cũng được dùng trong đời sống hằng ngày hoặc trong các cuộc nghiên cứu khoa học: thử nghiệm (thử đi thử lại một công thức toán học hay vật lý), trắc nghiệm khả năng của một ứng viên, vv.

[7] Xem thêm: Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30/07/1987) số 36-37.

[8]  G. AMORTH , Nuovi racconti di un esorcista, ed. Dehoniane, Roma 1992, p.60-63.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here