Phan Tấn Thành
MỤC II. SATAN TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC
MỤC III. SUY TƯ THẦN HỌC
—————
I. Sự sa ngã
A. Vì sao thiên thần có thể phạm tội?
B. Các thiên thần phạm tội gì?
C. Tội của Satan và của các thiên thần khác
II. Hình phạt
A. Bản chất hình phạt
B. Hình phạt vĩnh viễn?
—————-
Trong hai mục trước đây, chúng ta đã khảo sát những vấn đề được nêu lên trong Thánh Kinh và lịch sử thần học liên quan đến ma quỷ. Trong hai mục sắp tới, chúng ta sẽ cố gắng xếp đặt thành hệ thống những điểm liên quan đến bản tính và nguồn gốc của ma quỷ (Mục Ba) và những tác động của ma quỷ (Mục Bốn).
Trước khi vào đề, xin nhắc lại một lần nữa là “ma quỷ” theo nghĩa thần học ám chỉ những thiên thần chống lại vương quốc Thiên Chúa, không giống với quan niệm dân gian về “ma” hoặc “quỷ”[1]. Ngay cả các giáo phụ lắm khi cũng bàn về ma quỷ hiểu theo kiểu tín ngưỡng dân gian, chứ không theo nghĩa của Kinh thánh.
Trong mục này, chúng ta xét đến hai vấn đề: sự sa ngã và hình phạt. Như đã nói ở cuối mục trước, Kitô giáo không chấp nhận thuyết nhị nguyên (vũ trụ có hai nguyên ủy: thần Thiện hoặc Lành và thần Ác hoặc Dữ). Đức tin tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật, và những gì do Ngài làm ra đều tốt lành. Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần tốt lành. Ma quỷ là những thiên thần sa ngã. Lập tức một câu hỏi được nêu lên: vì sao các thiên thần sa ngã? Loài người chúng ta yếu đuối, mù quáng cho nên nhiều lần phạm tội vì u mê dại dột. Còn các thiên thần loài thiêng, thông minh sáng suốt, làm thế nào mà phạm tội được? Họ phạm tội gì? Đó là những câu hỏi đã làm chảy biết bao giấy mực trong lịch sử thần học, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là những giả thuyết mà thôi.
I. Sự sa ngã của các thiên thần
Trong bài trước, chúng ta thấy có những giáo phụ, vì tưởng lầm sách Henoch được linh hứng, cho nên đã chấp nhận lý do sa ngã của các thiên thần là tội dâm dục. Nói đúng ra, ý tưởng này cũng được gợi lên từ sách Sáng thế (6,2-4). Ngoài đoạn văn ấy, Kinh thánh có đoạn nào nói đến sự sa ngã của các thiên thần không?
Vài giáo phụ còn dựa trên nhiều đoạn văn khác đã được cắt nghĩa cách ám dụ, chẳng hạn như Isaia 14, 12-15, đoạn văn mà ngôn sứ Isaia chế nhạo sự sụp đổ của vua Babylon:
Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình minh, chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao? Này, kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ư? Chính ngươi đã tự nhủ: “Ta sẽ lên trời: ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa, ta sẽ ngự trên núi Hội ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao”. Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ, xuống tận đáy vực sâu.
Nhà vua được đặt tên là Lucifer (người mang ánh sáng, nghĩa là: ngôi sao mai, con của bình minh). Ngôn sứ Isaia so sánh những tham vọng của nhà vua trước đây với thực tại nhục nhã bây giờ. Trước đây, ông ta tưởng mình ngang hàng với thần linh, nhưng vì kiêu ngạo mà rơi xuống vực thẳm. Một đoạn văn tương tự trong Cựu ước là Edekiel 28,11-19, chế nhạo vua Tyrô tự cho mình là ngang hàng với thần linh[2]. Những nhân vật này được coi là ám chỉ thủ lãnh của ma quỷ, tự phong cho mình ngang hàng với Thiên Chúa và vì thế bị phạt xuống địa ngục.
Tân ước cũng có vài đoạn văn có thể được dùng làm nền tảng cho việc suy tư về sự sa ngã của ma quỷ cũng như hệ quả của việc phạm tội. Tin mừng Gioan 8,44 trích lại lời của Chúa Giêsu nói rằng “Ngay từ đầu, ma quỷ (diabolos) đã là tên sát nhân. Nó không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó” (xem thêm 1Ga 3,8). Còn thư thứ hai của thánh Phêrô (2Pr 2,4) cũng đả động đến hình phạt dành cho thiên thần sa ngã: “Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm, giữ họ để chờ cuộc phán xét”. Tư tưởng tương tự cũng gặp thấy trong thư của thánh Giuđa câu 6: “Những thiên thần đã không giữ địa vị của mình, nhưng rời bỏ nơi mình ở, thì Chúa dùng xiềng xích mà giam giữ họ đời đời trong nơi tốt tăm, để chờ phán xét trong Ngày lớn lao”.
Ma quỷ nguyên là các thiên thần tốt lành, nhưng đã sa ngã phạm tội. Độc giả nào sốt ruột ắt phải hỏi: Tội gì mà kinh khủng vậy? Nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đê, cần phải giải quyết một vấn nạn quan trọng hơn nữa: làm thế nào mà các thiên thần có thể phạm tội được?
A. Các thiên thần và khả năng phạm tội
Con người chúng ta mang “tính xác thịt” yếu đuối, với những đam mê của cảm xúc làm lu mờ lý trí phán đoán, cho nên phạm tội là điều dễ hiểu. Nhưng các thiên thần “thiêng liêng sáng láng” thì làm thế nào mà phạm tội? Nhiều ý kiến đã được đưa ra. Chúng tôi đi theo sự hướng dẫn của thánh Tôma Aquino. Thiết tưởng không cần lặp lại rằng chỉ là ý kiến thần học, chứ không thuộc về đức tin.
Trước hết, thánh Tôma khẳng định rằng sự sa ngã của thiên thần xảy ra sau khi được tạo dựng, chứ không phải vừa khi được tạo dựng[3]. Quan điểm này trái ngược với một vài giáo phụ trước đó[4], bởi vì các ngài cho rằng các ma quỷ đã phạm tội ngay từ khi hiện hữu, dựa theo câu nói của Ga 8, 44 (“Ma quỷ ngay từ đầu đã là tên sát nhân”)[5]. Thánh Tôma lập luận rằng nếu các thiên thần đã trở thành ma quỷ ngay từ khi được dựng nên thì hóa ra Thiên Chúa tạo dựng các thần dữ hay sao?
Thứ đến, thiên thần có thể phạm tội bởi vì là loài thụ tạo (Sum. Theol., I pars, q.63, art.1). Thật vậy, cần có ân sủng siêu nhiên thì loài thụ tạo mới không có khả năng phạm tội. Tại sao vậy? Thưa rằng một hành vi luân lý được coi là tốt khi phù hợp với mục đích của nó. Thế nhưng, đối với loài thụ tạo, mục đích của hành vi là do Thiên Chúa ấn định, chứ không do thụ tạo đặt ra. Nói cách khác, duy một mình Thiên Chúa mới không thể phạm tội, bởi vì chính Ngài ấn định quy tắc hành động cho tất cả mọi vật. Tác giả đưa ra một thí dụ để minh họa. Một bác thợ mộc muốn làm một cái bàn. Giả như chính ông đã ra lệnh làm cái bàn, và có thể điều khiển tay mình theo ý muốn, thì cái bàn chắc chắn là đúng (tốt). Nhưng nếu ông đóng bàn theo lệnh của một người khác (tạm gọi là “ông chủ”) thì cái bàn ấy có thể đúng hay sai, tùy theo nó phù hợp hay không với ý định của ông chủ.
Tuy rằng lý luận vừa rồi đúng cho các thụ tạo nói chung (nhất là con người), nhưng không thể áp dụng cho các thiên thần. Đối với loài người, một hành vi bị xét là xấu xa khi không đạt đến mục đích. Điều này giả thiết một tiến trình gồm nhiều chặng: dự tính hành động, suy nghĩ đắn đo, bắt tay vào việc, kết thúc. Nói theo ngôn ngữ triết học, đó là một tiến trình từ tiềm năng đến hiện thể (de potentia ad actum). Tuy nhiên, các thiên thần luôn ở trong hiện thể, cho nên không phải trải qua những đắn đo do dự như chúng ta. Các ngài không bị lầm lẫn khi phán đoán như chúng ta; các ngài luôn bị thu hút bởi điều thiện tuyệt đối (là chính Thiên Chúa). Như vậy làm thế nào mà các thiên thần phạm tội được?
Để trả lời cho vấn nạn, thánh Tôma chấp nhận các thiên thần luôn ở trong hiện thể, và luôn hướng về Thiên Chúa là cứu cánh tự nhiên của mình. Tuy nhiên, sự lưỡng lự và lựa chọn được đặt ra khi đối diện giữa điều tốt tự nhiên và điều tốt siêu nhiên. Có những thiên thần thì dừng lại ở bình diện tự nhiên, và khước từ tiến lên bình diện siêu nhiên mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Khả năng sa ngã nằm ở chỗ đó! (Q. de malo, q. 16, a. 3). Thánh Tôma còn dùng nguyên tắc này để giải thích bản chất tội của các thiên thần như sẽ thấy dưới đây.
B. Các thiên thần phạm tội gì?
Câu hỏi về khả năng phạm tội của các thiên thần là hoàn toàn lý thuyết (các thiên thần có thể nào không phạm tội không?). Trên thực tế, thì một số thiên thần đã sa ngã. Vì thế câu hỏi được đặt lên là: các thiên thần đã tội gì vậy?
Cần tách rời hai vấn đề: một là tội nguyên thủy của thiên thần; hai là tội của các thiên thần khác. Trước hết, chúng ta tìm hiểu tội tiên khởi của thiên thần. Dĩ nhiên, khi đi tìm lời giải thích cho vấn đề, các giáo phụ dựa trên Kinh thánh; thế nhưng, Kinh thánh không có câu trả lời rõ ràng, và vì thế phải tìm cách đưa ra những giả thuyết. Trong tiến trình này, các giáo phụ không chỉ dựa vào lý trí thuần túy, nhưng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của các truyền thống văn hóa đương thời, và đặc biệt các tác phẩm Do thái giáo, vào thời mà sổ quy thư Kinh thánh chưa xác định, và dễ lẫn lộn giữa chính thư và ngụy thư. Cách riêng các sử gia cho thấy có vài tác phẩm ngụy thư Do thái viết vào hai thế kỷ trước Công nguyên đã tác dụng đến tư tưởng của các giáo phụ. Ngoài sách Henoch đã được nói trước đây, cần phải kể đến cuốn sách Cuộc đời của ông Ađam và bà Eva, một tác phẩm sau này cũng ảnh hưởng đến sách Coran của Islam nữa. Lát nữa, chúng ta sẽ trở lại với cuốn sách này.
Trong những giải thích về nguồn gốc tội của thiên thần đầu tiên, chúng ta có thể tóm lại ba nhóm chính; trong mỗi nhóm lại có những ý kiến khác nhau. Ba học thuyết chính là: dâm dục, ganh tị, kiêu ngạo.
1/ Tội dâm dục
Trên đây, chúng tôi đã nói đến nguồn gốc giả thuyết này, dựa theo sách Henoch giải thích đoạn St 6,2-4[6]. Một cơ sở khác cho lý thuyết này là 1Cr 11,10. Thánh Phaolô khuyên các phụ nữ hãy đội khăn che đầu “như dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần”. Phải chăng câu văn này cũng phảng phất tư tưởng ấy? Dù sao, các giáo phụ đã sớm bỏ giả thuyết này, không chỉ bởi vì sách Henoch là một ngụy thư, nhưng còn vì dựa trên lời của Chúa Giêsu: “Khi người ta từ cõi chết sống lại thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống các thiên thần trên trời” (Mc 12,23). Nói cách khác, nếu các thiên thần không có thân xác giới tính thì làm gì có chuyện phạm tội dâm dục?
2/ Tội ganh tị
Cơ sở cho giả thuyết này là đoạn sách Khôn ngoan 2,24: “Vì sự ganh tị của quỷ, cái chết đã đi vào thế giới”. Ganh tị thế nào, ganh tị điều gì? Câu trả lời được tìm thấy nơi một tác giả vô danh của Cuộc đời ông Ađam và bà Eva cho rằng ma quỷ ganh tị với con người vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa[7]. Sách kể lại rằng, sau khi dựng nên con người vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa buộc các thiên thần phải phục tùng ông Ađam. Thiên thần Micael vâng lời lập tức, nhưng thiên thần Samael phản đối. Sau một hồi tranh luận, Thiên Chúa đã đuổi Samael khỏi thiên đàng, và tống xuống đất. Hắn đi cám dỗ bà Eva, và tiếp tục quấy phá loài người. Lưu truyền này cũng gây ảnh hưởng đến Sách Coran (Kinh thánh của Islam), nơi mà ta thấy quỷ Iblis từ chối suy phục ông Ađam[8].
Thánh Bênađô cũng theo lập trường đó khi viết rằng ma quỷ phản đối Thiên Chúa bởi vì Ngài đã dựng nên con người ngang hàng với mình[9]. Có tác giả khác (chẳng hạn như cha Francisco Suarez S.J.) cho rằng ma quỷ chống lại mầu nhiệm Nhập thể, bởi vì Đức Kitô đã kết hợp với bản tính con người thuộc hạng thấp hơn thiên thần[10]. Tuy nhiên, thuyết này khó đứng vững bởi vì mầu nhiệm Nhập thể chỉ được tỏ lộ sau khi ông Ađam phạm tội, còn sự sa ngã của Satan đã xảy ra trước khi loài người xuất hiện!
3/ Tội kiêu ngạo
Dần dần ý kiến các nhà thần học nghiêng về tội kiêu ngạo như là căn nguyên sự sa ngã của thiên thần[11]. Ý tưởng này có thể dựa trên cơ sở của đoạn văn 1 Tm 3,6, khi thánh Tông đồ căn dặn các ứng viên lên hàng giám quản “không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ”. Tư tưởng này được củng cố bởi những đoạn văn khác, chẳng hạn như Hc 10,15 (“Rễ của các dân tộc, Đức Chúa đã nhổ đi, và đã trồng những kẻ hạ mình xuống thay chúng”), Lc 10,18 (“Satan như một tia chớp từ trời sa xuống”); hoặc Is 14,12 tt[12] và Ed 28,27 (đã được trưng dẫn ở đầu mục này, khi đề cập đến vua Babylonia – được ví như Lucifer – và vua Tyrô).
Ý kiến giải thích sự kiêu ngạo như là lý do sa ngã của các thiên thần đã trở thành phổ thông kể từ thánh Augustinô[13]. Từ đó về sau, hầu hết các giáo phụ và thần học đều chủ trương rằng các thiên thần sa ngã vì tội kiêu ngạo. Tuy nhiên, đến khi đi sâu vào chi tiết, (nghĩa là: kiêu ngạo vì lý do gì), thì các tác giả không còn nhất trí với nhau nữa.
– Thiên thần tiên khởi muốn ngang hàng với Thiên Chúa, và đã lôi kéo một số thiên thần đi theo (T. Bênađô).
– Lucifer, thủ lãnh các thiên thần, muốn duy trì các đặc ân của mình và bắt các thiên thần khác phải theo mình (Honorius Autun). Thế rồi một vài thiên thần, thấy vẻ rạng rỡ của Lucifer, thì tưởng lầm là Thiên Chúa, cho nên đã đi theo hắn (Albertô Cả, Bonaventura).
– Lucifer muốn Ngôi Lời Thiên Chúa kết hợp với bản tính thiên thần, thay vì kết hợp với bản tính con người (Suarez).
– Satan muốn đạt đến hạnh phúc siêu nhiên bằng khả năng của mình, thay vì dựa vào ơn Chúa (T. Tôma).
Thiết nghĩ quan điểm của thánh Tôma hợp lý hơn cả. Chúng ta hãy nghe ngài lý giải (chủ yếu trong sách Summa Theologiae, I pars, q. 63, art. 3).
Dĩ nhiên ma quỷ đã phạm tội vì ước ao trở nên giống như Thiên Chúa. Nhưng điều này có thể hiểu theo hai cách: một là thực sự ngang bằng; hai là giống cách nào đó. Chắc chắn là thiên thần không thể ước ao theo kiểu thứ nhất, bởi trí khôn của họ biết rằng đây là điểu phí lý, cách riêng bởi vì hành vi xấu xa của họ đã không được chuẩn bị bởi một tập quán hoặc đam mê giống như chúng ta khiến cho sự hiểu biết trở nên mù quáng đến nỗi lựa chọn một điều không thể thực hiện nổi. Giả như điều ấy có thể thực hiện đi nữa, điều ấy vẫn trái ngược với ước muốn tự nhiên. Thực vậy, mỗi vật đều có khuynh hướng bảo tồn bản tính của mình; sự bảo tồn ấy sẽ không được duy trì nếu bị biến đổi ra bản tính khác. Vì thế không có vật gì ở cấp độ dưới lại ước ao thủ đắc bản tính thuộc cấp độ cao hơn. Chẳng hạn như con lừa không ước ao trở thành con ngựa; bởi vì nếu nó được biến đổi thành bản tính ở cấp độ cao hơn thì nó sẽ không còn là lừa nữa. Nhưng về điểm này chúng ta dễ bị đánh lừa bởi óc tưởng tượng của mình, đó khi người ta ước mong đạt được một bản tính nào cao hơn, xét theo vài ưu phẩm vốn có thể tăng trưởng mà không làm mất đi chủ thể, thì người ta nghĩ rằng mình có thể ước ao một cấp độ cao hơn mà chỉ có thể đạt được bằng sự hủy bỏ bản tính của mình. Thiên Chúa cao hơn thiên thần không chỉ về những ưu phẩm thứ yếu nhưng là một cấp độ cao hơn xét về bản tính. Vì thế không đời nào một thiên thần lại ước ao ngang bằng với Thiên Chúa, mà thậm chí ngay cả muốn ngang hàng một thiên thần ở cấp độ cao hơn mình.
Nói cách khác, ma quỷ thông minh chứ không u mê như chúng ta! Chúng ta dễ bị óc tưởng tượng lừa gạt và mong được nắm lấy vài ưu phẩm của Thiên Chúa (như là toàn năng, bất tử, vv), nhưng lại hiểu theo lối nhìn của các vật thụ tạo. Thế nhưng nơi Thiên Chúa, các ưu phẩm và bản tính đều như nhau, và không thể nào thủ đắc ưu phẩm mà không nắm được bản tính. Ma quỷ dư biết điều đó, cho nên hắn đâu có muốn làm mất bản tính của mình. Vì vậy hắn không dốt đến độ muốn trở thành Thiên Chúa (muốn“làm” Thiên Chúa), nhưng mà chỉ muốn “giống” Chúa một cách nào thôi.
Tuy nhiên, có hai cách thức trong việc nên giống Thiên Chúa. (1) Một là nên giống với một vài sự hoàn hảo mà ta được mời gọi (chẳng hạn như: khôn ngoan, tốt lành). Điều này chẳng có gì đáng trách, bởi vì con người cũng được kêu gọi nên giống Thiên Chúa, tức là ơn gọi “thiên hóa” divinisatio theo ngôn ngữ của các giáo phụ Đông phương, dựa theo lời Kinh thánh (2Pr 1,4: được thông dự vào bản tính Thiên Chúa). (2) Hai là nên giống với những sự hoàn hảo mà thụ tạo không được phép tham dự, chẳng hạn như mong được nắm giữ quyền năng tạo thành vũ trụ (đây là một công việc thuần túy riêng biệt của Thiên Chúa). Trường hợp này là sai lạc. Tội của ma quỷ nằm ở chỗ đó: hắn mong được hoàn toàn tự lập khỏi Thiên Chúa trong việc đạt tới hạnh phúc siêu nhiên mà Thiên Chúa đã dự định. Giả như hắn chỉ mong được hạnh phúc tự nhiên hợp với bản tính của mình thì không có gì đáng trách. Đàng này hắn mong đạt được hạnh phúc siêu nhiên mà không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Hắn muốn đặt cứu cánh tối hậu cho chính mình, chứ không đi theo cứu cánh mà Thiên Chúa muốn dành cho hắn. Nói cách khác, hắn khước từ ân sủng của Thiên Chúa. Từ chỗ khước từ Thiên Chúa làm cứu cánh cho mình, hắn tự đặt mình làm thống trị tất cả các loài thụ tạo khác.
Chúng ta có thể so sánh phần nào sự sa ngã của thiên thần với sự sa ngã của nguyên tổ nhân loại. Họ đã được dựng nên “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” (St 1,26). Nhưng thay vì đón nhận điều này như một hồng ân, thì họ đã nghe lời dụ dỗ của ma quỷ và muốn dành quyền quyết định điều tốt điều xấu giống như Thiên Chúa (St 3,5). Họ tự coi mình theo bản tính ngang hàng với Thiên Chúa, chứ không đón nhận như là hồng ân.
C. Tội của Satan và của các thiên thần khác
Phần lớn các tác giả không phân biệt giữa tội của Satan và tội của các thiên thần khác, nghĩa là tất cả các ma quỷ đều phạm tội giống nhau. Tuy nhiên, thánh Grêgoriô Cả đã phân biệt tội của thủ lãnh và các thiên thần khác (Moralia XXXII, 23-24). Điều này giả thiết rằng có đẳng cấp giữa các thiên thần, chứ không phải tất cả đều bình đẳng với nhau[14]. Mặt khác, đừng quên rằng dưới phương diện ngữ học, Satan (hay Lucifer) ở số ít (nghĩa là chỉ có một), còn daemones thì ở số nhiều.
Thánh Tôma Aquino phân biệt tội của Satan và tội của các thiên thần khác, và lý giải như thế này. Cần phân biệt hai khía cạnh trong tội: khuynh hướng (pronitas) phạm tội và lý do (motivum) phạm tội. Dưới khía cạnh thứ nhất, các thiên thần cấp cao ít có khuynh hướng phạm tội hơn các thiên thần cấp dưới bởi vì bản tính của họ hướng về Thiên Chúa nhiều hơn; vì thế không lạ gì mà nhiều giáo phụ cho rằng chỉ các thiên thần cấp dưới mới phạm tội. Nhưng xét dưới khía cạnh thứ hai, lý do phạm tội, thì các thiên thần cấp cao có nhiều cơ hội phạm tội hơn, xét vì tội của các thiên thần là tội kiêu ngạo, và ai càng ở cao thì càng dễ kiêu ngạo hơn (Sum.Theol., I pars, q.63, art.7).
Sách Khải huyền viết rằng: “Đuôi con mãng xà quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất” (12,4). Có lẽ các ngôi sao này ám chỉ các tín hữu đã không kháng cự nổi các cuộc bách hại; tuy nhiên truyền thống đã giải thích là Satan đã lôi cuốn rất nhiều thiên thần phạm tội. Sự lôi cuốn này không hiểu theo nghĩa là ép buộc, nhưng hiểu như là làm gương xấu. Các thiên thần khác cũng theo gương ấy mà từ chối ân sủng mời gọi lên hạnh phúc siêu nhiên.
II. Hình phạt
Chúng ta sẽ tìm hiểu hai điểm: 1/ bản chất hình phạt; 2/ thời gian hình phạt.
A. Bản chất hình phạt
Dựa theo tư tưởng của tác giả mạo danh Đionisiô Areopagita, thánh Tôma chấp nhận rằng sau khi phạm tội, ma quỷ không mất những ân huệ vốn kèm theo bản tính. Nói cách khác, ma quỷ vẫn duy trì những đặc tính thuộc về bản tính thiên thần. Như vậy, họ bị mất mát gì không? Truyền thống đã chẳng nói rằng trí tuệ của ma quỷ trở thành tối tăm đó sao? Còn về ý chí thì sao?
Trước hết, chúng ta xét đến khía cạnh tri thức. Bàn về sự hiểu biết của ma quỷ, thánh Tôma phân biệt ba loại hiểu biết chân lý (Sum. Theol., I Pars, q.64, art.1): hiểu biết tự nhiên; hiểu biết siêu nhiên theo lý thuyết; hiểu biết siêu nhiên theo tâm tình.
1/ Thứ nhất, sự hiểu biết tự nhiên. Sự hiểu biết này vẫn tồn tại sau khi phạm tội: ma quỷ biết chính mình, biết mình là thụ tạo, và do đó biết Thiên Chúa. Tiếc rằng sự hiểu biết này không dẫn đến việc ca tụng Thiên Chúa. Vì thế, thánh Augustino đặt tên là “kiến thức đêm đen” (cognitio nocturna), nghĩa là chỉ biết sự vật trong chính nó, chứ không biết vạn vật trong chính Thiên Chúa (điều được đặt tên là “kiến thức ban sáng”, cognitio matutina).
2/ Thứ hai, sự hiểu biết siêu nhiên theo lý thuyết nhờ mặc khải. Từ khi hiện hữu, ma quỷ đã nhận được vài mặc khải của Thiên Chúa và những điều này vẫn còn tồn tại sau khi sa ngã. Tuy nhiên, những sự hiểu biết ấy vẫn còn ở tình trạng “lữ hành”, nghĩa là được Thiên Chúa ban như là lời mời gọi tiến đến hạnh phúc siêu nhiên (và họ khước từ). Mặt khác, sau khi phạm tội, ma quỷ có thể học được một vài chân lý siêu nhiên hoặc do các thiên thần khác truyền thụ hoặc là nhờ kinh nghiệm. Hẳn là họ biết được mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Kitô nhờ chứng kiến các sự kiện, và họ đã tin, như thánh Giacôbê đã viết: “Họ tin và run sợ” (Gc 2,19). Nhưng đức tin ấy không dẫn đến tình yêu và tôn thờ.
3/ Thứ ba, sự hiểu biết siêu nhiên theo tâm tình, nghĩa là sự hiểu biết dẫn đến việc yêu mến kết hiệp . Các ma quỷ không có thứ hiểu biết này bởi vì họ không có đức mến. Vì thế mà họ cũng không nhận được ơn cao minh (sapientia). Theo nghĩa này, có thể nói được trí tuệ của ma quỷ trở nên u mê sau khi phạm tội.
Đó là những hiệu quả của sự sa ngã xét về phía hiểu biết. Còn nếu xét về phía ý chí thì phải nói rằng họ cố chấp trong quyết định của mình. Điều này đưa ta đến vấn đề hình phạt vĩnh viễn.
B. Hình phạt vĩnh viễn
Sau khi phạm tội đầu tiên, ý chí của ma quỷ luôn cố chấp trong sự dữ, nghĩa là cắm chặt vào sự lựa chọn ngang trái của mình chứ không rút lại. Vì thế hình phạt dành cho tội lỗi cũng sẽ không chấm dứt. Không thể có ơn cứu độ dành cho ma quỷ! Về vấn đề này, dựa trên lời Kinh thánh (Mt 25, 41: “Hãy vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó”), Giáo hội đã phi bác học thuyết “vũ trụ hoàn nguyên” (apocatastasis)[15], gán cho ông Origène, theo đó, lửa chỉ có tính cách thanh luyện tạm thời, cho đến ngày tận thế khi toàn thể vạn vật sẽ được phục hồi trong Đức Kitô[16]. Thêm vào đó, thánh Tôma còn thêm một luận cứ như sau: nếu như ý chí của các thiên thần có thể thay đổi được sau một lần lựa chọn, thì hạnh phúc của họ chưa được chân chính, bởi khi luôn có nguy cơ mất mát; điều này không phù hợp với bản chất của hạnh phúc.
Thật ra luận cứ vừa rồi chỉ lặp lại tư tưởng của thánh Augustinô mà thôi. Các nhà thần học Kinh viện đưa ra hai lý do khác, một ngoại tại và một nội tại. (1) Lý do ngoại tại là Thiên Chúa không còn ban ân sủng để hoán cải nữa. Thời kỳ lựa chọn đã qua rồi! Nói như thế có phải là Chúa cứng nhắc không? Không phải như vậy! Thiên Chúa xử sự với mỗi vật theo bản tính của chúng. Để hiểu điều này, ta cần nại đến lý do nội tại như sau. (2) Có sự khác biệt giữa trí tuệ thiên thần và trí tuệ con người. Trí tuệ con người mang tính cách suy diễn, phải lý luận vòng vo rồi mới đi tới kết luận chắc chắn. Một cách tương tự như vậy, ý chí tự do của con người luôn luôn có thể thay đổi đối tượng, bởi vì nó lệ thuộc vào sự hiểu biết suy diễn của lý trí. Hôm nay tôi có phán đoán về sự vật khác với hôm qua (có thể bởi vì tôi đã hiểu biết thêm, hoặc vì đầu óc tôi sáng suốt hơn), vì thế tôi có thể thay đổi ý định. Các thiên thần thì khác. Trí tuệ của họ có tính trực giác (chứ không suy diễn), họ biết tất cả mọi vật cùng một lúc (chứ không tiệm tiến); vì thế ý muốn cũng cắm chặt vào đối tượng ngay lập tức, và không còn thay đổi nữa. Vì thế, sự lựa chọn của các thiên thần (chấp nhận hay khước từ hạnh phúc siêu nhiên) mang tính cách cố định, chung quyết. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo (số 393) chấp nhận lập luận ấy khi viết rằng: “Sở dĩ tội của các thiên thần không thể tha được là tại vì sự lựa chọn của họ không thể nào rút lại được, chứ không tại vì khiếm khuyết của Thiên Chúa từ bi, như thánh Gioan Đamasco nói: các thiên thần không thể hối hận sau khi sa ngã, cũng tựa con người không thể hối hận sau khi đã chết”.
Chắc chắn là nhiều câu hỏi vẫn còn đặt lên chung quanh hình phạt dành cho ma quỷ được mô tả trong Thánh kinh[17]. Đối với loài người có thân xác, có giác quan, thì không có gì khó hiểu khi diễn tả các hình phạt trong địa ngục như là đau khổ, nóng bức, ray rứt, vv. Nhưng đối với các loài thần thiêng không có thân xác, thì làm thế nào mà “nhốt” ở trong ngục được? Lấy hình cụ nào mà trừng phạt? Họ đâu có giác quan để cảm thấy bức xúc, bực bội?
Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong mục tới, khi bàn về tác động của ma quỷ trong thế giới. Dù sao, cần nhắc lại rằng những suy luận ở đây chỉ là giả thuyết. Chúng ta mò mẫm tìm hiểu lý do của việc các thiên thần sa ngã. Cuối cùng, phải chấp nhận rằng đây là một mầu nhiệm, “mầu nhiệm của sự gian ác” (mysterium iniquitatis) theo lời thánh Phaolô tông đồ (2Tx 2,7)[18].
————————–
[1] Một thí dụ về từ ngữ hàm hồ. Trong tiếng Anh, “ma” là ghost (hoặc phantom, spirit, soul), “quỷ” là devil, demon; đó là hai khái niệm khác nhau.
[2] Nên biết là đoạn văn Ed 28,14 theo bản dịch LXX “Ngươi là một Kêrubim giương ra” đã trở thành cơ sở cho một vài giáo phụ giải thích là Satan trước đây vốn là một Kêrubim.
[3] Một câu hỏi khác được nêu lên mà không ai trả lời nổi: Thiên Chúa dựng nên các thiên thần lúc nào? Kinh thánh không nói gì hết. Vì thế nảy ra hai giả thuyết: một bên cho rằng các thiên thần được tạo dựng trước khi trời đất được dựng nên; bên kia cho rằng họ được dựng nên cùng lúc với trời đất, hay nói cụ thể hơn, lúc Thiên Chúa dựng nên ánh sáng.
[4] Chẳng hạn như thánh Augustinô, Chú giải sách Sáng thế (Lib.XI Super Genesis ad Litteram,13-26) và Thành đô Thiên Chúa (De Civitate Dei, lib.XI, 13-14). Tuy nhiên, ở nhiều đoạn văn khác, thánh Augustinô đi theo lập trường chung là các thiên thần được dựng nên tốt lành, rồi sau đó mới phạm tội.
[5] Đoạn văn này được thánh Augustinô giải thích tội có nghĩa là tách rời khỏi chân lý tức là Chúa Kitô (Tract. Io. Ev. XLII, 11); “ngay từ đầu” có nghĩa là ngay từ lúc tạo dựng con người, bởi vì con rắn đã cám dỗ nguyên tổ phạm tội (De Civ. Dei XV, 23).
[6] Xc Các giáo phụ: Giustinô, Apol. II, 4[5],3; Athenágoras, Legatio, 24,5; Ireneô, Adv. Haer. IV, 36,4; Clêmentê Alexandría, Strom. III, 59,2; V, 10,2; Tertulianô, De Cultu Feminarum, I, 2,1-4; I, 4,1; Ciprianô, De habitu virginum, 14; Ensebiô, De praeparatione evangélica V, 4; Ambrosiô, De Virg. I, 52s; De Noe et arca, 4.
[7] Vita Adae et Evae XII–XVI, ed. Wilhelm Meyer, Munich, 1879.
[8] Sura 32; xc. Sura 7, 10-12; 15, 28-35; 17, 63; 18, 48; 20, 115 e 38, 71-85.
[9] In Cantica Canticorum, XVII, 5-6.
[10] Xc. F. Suarez, Tractatus de Angelis, lib. VII, ch. 13, 880–91; Joannes a S. Thoma, Cursus theologicus, disp. 43, a. 3.
[11] Thực ra, sự phân biệt giữa ganh tị và kiêu ngạo không phải lúc nào cũng rõ rệt. N. Adkin, Pride or Envy? Some Notes on the Reason the Fathers Give for the Devil’s Fall, in Augustiniana, 34 (1984), pp. 348-351.
[12] Is 14,12-14: “Hỡi tinh tú rạng ngời, con của bình minh, chẳng lẽ ngươi đã từ trời sa xuống rồi sao? Này kẻ chế ngự các dân tộc, ngươi đã bị hạ xuống đất rồi ử? Chính ngươi đã tự nhủ: Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi Hội ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao”.
[13] Pietro Cantoni, Appunti per una teología del «primo peccato», in: “Sacra Doctrina” 39 (1, 1994), pp. 25-50. Trước thánh Augustinô đã có những giáo phụ chủ trương tội kiêu ngạo như là lý do của sự sa ngã các thiên thần (kèm theo những lý do khác nữa), chẳng hạn như Athenágoras, Legatio 24,4.Thánh Augustinô bàn về vấn đề này trong các tác phẩm De libero arbitrio, De Genesi ad litteram XI, De civitate Dei, lib.XI,
[14] Khái niệm phẩm trật các thiên thần đã có từ lâu trong đạo Do thái. Trong cuộc tranh luận với nhóm Phariseeu, Chúa Giêsu đã vặn lại lập luận của họ, cho rằng Người đã lấy quyền của Beendebul tướng quỷ để trừ quỷ (Mc 3,23-26 và song song). Trong bối cảnh này, có giáo phụ đặt Satan vào hàng tổng lãnh thiên thần (Ambrosiô, Expos. Ev. Lc. IV, 67; Augustínô, De Gen. III, 10), có người cho Satan ở vị trí cao nhất trong các thiên thần (Taxianô, Oratio ad Graecos 7,5; Grêgoriô Cả, Moralia IV, 16; Hom, Ev. XXXIV, 7), hoặc thuộc hàng Kerubim (Athanasiô, Epistola I ad Serapionem, 26) dựa theo sự chú giải đoạn Edekiel (28,12.14), xc. Orígenes, Contra Celsum VI, 44. Người ta cũng giải thích đoạn văn Kh 12,4 theo nghĩa ấy: sau khi Satan sa ngã, hắn đã lôi cuốn một đám thuộc hạ đi theo.
[15] Công nghị Constantinopolis năm 543 (Denz-Sch 409; 411).
[16] Thuật ngữ “hoàn nguyên” hay cũng có thể dịch là “phục hồi vạn vật” (apokatastasis, restoration), tự nó có nghĩa là trở về với lúc ban đầu. Danh từ này được sử dụng trong Cv 3,21. Theo Origène (De principiis, I, VI, 1), vào tận thế, sẽ diễn ra sự cứu chuộc phổ quát và tất cả muôn vật sẽ được phục hồi trong sự sung mãn của Thiên Chúa. Vì thế Satan cũng như các hình phạt hỏa ngục chỉ có tính cách thanh luyện chứ không vĩnh viễn. Ơn cứu độ phổ quát sẽ không được hoàn tất nếu còn một thụ tạo bị loại trừ. Origène dựa lập luận của mình trên đoạn văn 1Cr 15, 28: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người, ngõ hầu Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”. Nên biết là quan điểm của Origène cũng nhận được sự ủng hộ của thánh Grêgorio Nyssa (Oratio catechetica, 26,2t).
[17] Xem các đoạn: Lc 10,18 : “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời rơi xuống”. Mt 25,41: “Quân khốn kiếp kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó”. Kh 12,9: “Con Mãng xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó”. Kh 20, 1-2: “Tôi thấy một thiên thần từ trời xuống, tay cầm chìa khóa vực thẳm và một dây xích lớn. Người bắt lấy Con Mãng Xà, tức là Con Rắn xưa, cũng là ma quỷ hay Satan, và xích nó lại một ngàn năm”. Kh 20,10: “Ma quỷ, tên mê hoặc chúng, bị quăng vào hồ lửa và diêm sinh, ở đó đã có Con Thú và tên ngôn sứ giả; và chúng sẽ bị làm khổ ngày đêm đời đời kiếp kiếp”.
[18] ĐTC Gioan Phaolô II đã giải thích thuật ngữ này trong tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (ngày 2-12-1984), số 14-18. Xem: Phan Tấn Thành, Bí tích Hòa giải. Những tài liệu hỗ trợ cho cha giải tội, NXB Phương Đông TPHCM 2014, trang 185-205. Cũng cần thêm rằng, sau khi đã dành một chương để tìm hiểu mysterium iniquitatis, Đức thành cha tiếp tục bàn đến mysterium pietatis (xc. 1 Tm 3,16) trong chương kế tiếp (số 19-22),