Chủ Nhật II – Năm A – Mùa Vọng

0
634

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 11,1-10

1 Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.

2 Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.

3 Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4 nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. 5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò.

8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. 10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

2/ Bài đọc IIRm 15,4-9

4 Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy. 5 Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi. 6 Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 7 Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. 8 Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. 9 Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa.

3/ Phúc ÂmMt 3,1-12

1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: 2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” 3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. 5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. 6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? 8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. 9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

——————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết cách chuẩn bị sẽ giúp con người đạt được kết quả mong muốn.

Con người lo lắng, sợ hãi, và bất an, vì phải đương đầu với bao nhiêu gian tà, chiến tranh, chia ly, và chết chóc. Con người mong ước được biết sự thật, hiệp nhất, và bình an. Thiên Chúa hứa sẽ ban cho con người một Đấng Thiên Sai để dạy cho con người biết sự thật và cai trị họ trong công bằng và yêu thương.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những quà tặng mà Đấng Thiên Sai sẽ mang tới cho con người. Trong Bài Đọc I, Thánh Thần của Thiên Chúa xuống trên Đấng Thiên Sai. Ngài có đầy đủ mọi ơn cần thiết để cai trị dân chúng cách khôn ngoan và xét xử dân chúng trong công bình. Trong Bài Đọc II, Đấng Thiên Sai sẽ xóa đi tất cả mọi dị biệt ngăn cách và ban cho con người được hiệp nhất và bình an. Trong Phúc Âm, để đón nhận Đấng Thiên Sai, con người cần thật lòng ăn năn xám hối và chuẩn bị tâm hồn. Đấng Thiên Sai sẽ làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần và lửa để tha tội và thánh hóa con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.

1.1/ Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai: Để hiểu lời tiên-tri hôm nay, một người cần trở về hoàn cảnh lịch sử thời của tiên-tri Isaiah sống. Các vua của Judah đã dần dần suy xụp, vì họ đã bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang và đối xử rất bất công với dân chúng. Hậu quả là toàn nước bị quân đội Bablon phá đổ tan tành vào năm 587 BC, vua quan cũng như dân chúng bị lưu đày và không biết sẽ có ngày trở lại. Chính trong bối cảnh lịch sử này, Thiên Chúa đã sai tiên-tri Isaiah tới để khơi nguồn hy vọng cho dân. Ba điều chính Thiên Chúa hứa với dân trong trình thuật hôm nay.

(1) Nhà Judah sẽ không mất ngôi vua: Như lời Thiên Chúa hứa cùng David, giòng dõi ông sẽ làm vua cai trị đến muôn đời. Sống trong nơi lưu đày, làm sao có vua để cai trị? Nhưng Thiên Chúa hứa: “Từ gốc tổ Jesse, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.” Mầm non mọc lên từ gốc tổ Jesse chính là Đức Kitô, thuộc giòng tộc Jesse, cha của vua David.

(2) Đặc trưng của Đấng Thiên Sai: Tuy sinh ra như một con người; nhưng Ngài lại có uy quyền của Thiên Chúa, vì “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và thông hiểu, thần khí mưu lược và mạnh mẽ, thần khí hiểu biết và đạo đức, thần khí kính sợ Đức Chúa.”

Bản Do-thái MT có hai lần “kính sợ Thiên Chúa;” trong khi Bản Hy-lạp LXX và Latin Vulgate thay thế “ơn đạo đức” cho một lần “kính sợ Đức Chúa.” Đấng Thiên Sai được xức dầu với bảy ơn Chúa Thánh Thần và Ngài thông ban 7 ơn này cho con người qua bí-tích Thêm Sức.

(3) Đấng Thiên Sai sẽ xét xử dân chúng trong công bình và chính trực: Biết cách xét xử đúng đắn và trung tín là hai đặc tính cần thiết của một vị anh quân; vì thế, Ngài sẽ có “đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.” Vì thấu hiểu những gì bên trong con người, nên “Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.”

1.2/ Hiệu quả là toàn dân sẽ được hưởng cảnh thái bình: Kể từ khi phạm tội trong Vườn Địa Đàng, con người càng ngày càng xa cách Thiên Chúa, tha nhân, và các tạo vật của Ngài. Lời tiên-tri của Isaiah có ý muốn nói: Khi triều đại của Đấng Thiên Sai đến, Ngài sẽ đưa vũ trụ trở về tình trạng nguyên thủy tốt lành trong Vườn Địa Đàng, khi con người chưa phạm tội, lúc đó dã thú ở chung và tùng phục con người. Tiên tri Isaiah diễn tả: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”

Khi con người hiểu biết mọi sự thật của Thiên Chúa, con người sẽ không còn theo đuổi chiến tranh, và Sion cũng như mọi nơi được hưởng hòa bình: “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” Lời tiên-tri Isaiah không chỉ mang lợi ích cho người Do-thái, mà còn lan tràn ra cho hết mọi dân tộc. Tất cả các quốc gia sẽ tìm kiếm để học hỏi sự thật của Thiên Chúa: “Đến ngày đó, cội rễ Jesse sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là nguồn mạch của hiệp nhất.

2.1/ Mọi lời đã chép trong Kinh Thánh để dạy dỗ chúng ta: Nguy cơ chia rẽ luôn hiện diện với con người ở mọi nơi, mọi thời, vì bất đồng ý kiến, lợi nhuận vật chất, ham hố quyền hành, và hãnh diện cá nhân hay dân tộc. Lịch sử con người và Giáo Hội là một bằng chứng hùng hồn cho sự hiện diện của chia rẽ. Để đề phóng và hàn gắn các chia rẽ, thánh Phaolô khuyên các tín hữu nên đọc Kinh Thánh: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên trì, và khích lệ chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.”

Trước tiên, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng vào Thiên Chúa, vì Ngài là Chủ Tể trời đất và điều khiển muôn loài; không ai có thể làm hại nếu chúng ta sống theo sự thật và giữ vững niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, và kẻ gian ác chắc chắn phải đền tội. Thứ đến, Lời Chúa giúp chúng ta kiên trì vượt qua mọi đau khổ, vì chúng ta biết đau khổ gian nan rèn luyện nhân đức. Nói cách khác, đau khổ không thể thiếu trong cuộc đời, vì đau khổ giúp chúng ta chứng tỏ niềm tin yêu của chúng ta vào Thiên Chúa. Sau cùng, Lời Chúa luôn an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, vì nó nhắc nhở chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Vì thế, thánh Phaolô cầu nguyện cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên trì và khích lệ, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Giêsu Kitô đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

2.2/ Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em: Vì luôn có một hố sâu chia cách giữa người Do-thái và các Dân Ngoại: Người Do-thái không tin Thiên Chúa muốn cho Dân Ngoại được cứu độ, và Dân Ngoại luận tội người Do-thái đã giết Đức Kitô; thánh Phaolô phải cắt nghĩa cho cả hai bên biết họ được cứu độ là hoàn toàn do Thiên Chúa, chứ không do sự xứng đáng lãnh nhận hay công trạng của họ.

(1) Đối với người Do-thái: Đức Kitô đến để phục vụ người Do-thái là vì Thiên Chúa trung thành với lời đã hứa với các tổ phụ của họ.

(2) Đối với các Dân Ngoại: Đức Kitô đến để kêu gọi các Dân Ngoại là vì tình thương Thiên Chúa dành cho họ. Và ngài kết luận: ”Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa.”

3/ Phúc Âm: Phải sửa soạn và dọn đường mới có thể đón nhận Đấng Thiên Sai.

Không phải ai cũng có thể đón nhận Đấng Thiên Sai. Nếu ai muốn đón nhận Ngài, họ phải thanh tẩy tâm hồn sạch mọi tội lỗi và dọn đường cho thẳng, như lời của Gioan kêu gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Và: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.”

3.1/ Được cứu độ bằng niềm tin chân thành, chứ không chỉ danh xưng: Bấy giờ, người ta từ Jerusalem và khắp miền Judah, cùng khắp vùng ven sông Jordan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Jordan.

(1) Niềm tin biểu tỏ bằng hoa quả bên ngoài: Khi thấy nhiều người thuộc phái Pharisees và phái Sadducees cũng đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” Chỉ dọn tâm hồn bằng hình thức bên ngoài, mà không chịu thanh tẩy tâm hồn bên trong, sẽ không tiếp nhận được Đấng Thiên Sai, vì Ngài thấu suốt tâm hồn con người và là Đấng rất mực thánh thiện.

(2) Danh xưng không giúp con người được cứu độ: Nhiều người Do-thái bị dụ dỗ để tin, họ có thể được cứu độ bằng bất cứ giá nào vì họ là con cái của tổ phụ Abraham. Gioan thẳng thắn đả phá niềm tin lầm lạc này: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Abraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” Tương tự như thế cho những người tín hữu nghĩ mình có thể được cứu độ mà không cần phải ăn năn xám hối hay sống ngay lành.

3.2/ Đấng Thiên Sai sẽ làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần và lửa: Gioan phân biệt hai phép rửa bằng nước và bằng Thánh Thần và lửa:

(1) Phép rửa của Gioan là phép rửa bằng nước để tỏ lòng ăn năn xám hối.

(2) Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.

– Phép rửa bằng Thánh Thần: Mặc dù truyền thống Do-thái chưa có sự cắt nghĩa rõ ràng về Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa như Công Giáo sau này; nhưng họ đã có một số những quan niệm về thần khí. Trong tiếng Do-thái, họ chỉ có một danh từ “ruah” dùng chung cho thần khí, gió, và hơi thở. Gió tượng trưng cho sức mạnh hay quyền lực; khi thần khí của Thiên Chúa vào trong con người, thần khí sẽ giúp họ làm những điều mà người thường không làm nổi. Hơi thở tượng trưng cho sự sống, khi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của con người, Ngài làm cho con người được sống. Thần khí của Thiên Chúa cũng bao gồm 7 ơn mà chúng ta gọi là 7 ơn của Thánh Thần như trong Bài Đọc I. Thần khí sẽ giúp con người nhận ra sự thật từ những sự gian tà và giúp cho con người biết kính sợ Thiên Chúa.

– Phép rửa bằng lửa: Gioan có lẽ dùng cách khác để giải nghĩa sự hiện diện của Thánh Thần bằng cách dùng biểu tượng của lửa. Có 3 công dụng chính của lửa: lửa dùng để soi sáng như Thánh Thần giúp con người nhận ra sự thật; lửa dùng để sưởi ấm như Thánh Thần sưởi ấm con người với tình yêu Thiên Chúa; sau cùng, lửa dùng để thanh luyện con người sạch mọi tội lỗi và làm cho con người xứng đáng với Thiên Chúa. Ngoài ra, một tác dụng khác của lửa là để đốt sạch những dơ bẩn của thế gian, như cũng được diễn tả trong trình thuật hôm nay: “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta khát vọng được Đấng Thiên Sai ngự đến, vì Ngài sẽ xóa tan mọi sợ hãi, sai lầm, và chia rẽ bất đồng. Ngài sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi và thánh hóa chúng ta bằng cách ban cho chúng ta 7 ơn của Thánh Thần qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.

– Để có thể đón nhận Đấng Thiên Sai, chúng ta cần thật lòng ăn năn xám hối và xưng thú mọi tội lỗi. Chỉ có những người thành tâm mới có thể đón nhận Ngài. Chúng ta hãy chuẩn bị và cầu xin để Ngài ngự đến trong tâm hồn chúng ta.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-ii-mua-vnga/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here