Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 2

0
710

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 2.

THÁNH ĐA MINH VÀ NHỮNG NHÀ GIẢNG THUYẾT TIÊN KHỞI

 Khi các Giám mục Công đồng Vaticanô II thúc đẩy thành viên các dòng tu hãy trở về tinh thần của các vị lập dòng,1 thì các ngài tin rằng đặc tính và vận mệnh rất nhiều hội dòng đã được phác họa qua tư cách và giáo huấn của các vị khởi xướng những tổ chức đến nay tồn tại cả hàng thế kỷ. Thật ra trong niềm xác tín này có một phần đúng và có một phần huyền thoại. Tuy nhiên, những thế hệ hậu bối cũng có khuynh hướng đi ngược trở về đặc tính và những hoàn cảnh của vị sáng lập như là Bênêđictô, Phanxicô, và Đa Minh, được coi như hạt mầm làm nảy nở đoàn sủng các dòng tu mà các vị sáng lập nên. Hậu quả là đôi khi việc nhìn lại lịch sử có thể khiến cho chúng ta lúng túng, nếu không muốn nói là vỡ mộng, khi mà chúng ta không biết khám phá những hạt mầm trong hiện tại đang khi quay về những khuôn mặt của các vị đáng kính trong quá khứ. Cũng như bất cứ tổ chức hữu cơ nào, truyền thống linh đạo của các dòng tu có sự triển nở, thành công cũng như thất bại. Dù vậy, thỉnh thoảng vẫn cần phải ngoảnh nhìn lại quá khứ, ít là để bảo đảm rằng hiện tại không phản bội nguồn gốc nhưng là kiện toàn nó.

KINH SĨ VÙNG CASTILLE

Cậu Đa Minh sinh khoảng năm 1170 tại làng Caleruega thuộc miền trung nước Tây Ban Nha. Thân sinh là ông Felix và bà Juana (hoặc Joanna) thuộc giới quý tộc.2 Sự sinh trưởng và thời thơ ấu của cậu Đa Minh đã được những người viết tiểu sử thời sau ghi nhận thêm vào những dấu lạ vốn được gán cho các vị thánh tương lai, tuy nhiên điều khá rõ rệt rằng từ lúc còn nhỏ, cậu Đa Minh nhận được nhiều đức tính tâm linh sâu đậm.3

Con đường tiến thân trong Giáo hội được bắt đầu bởi việc được giáo dục bởi một người cậu làm linh mục, rồi kế đó được gửi đến đại học Palencia cho đến năm 1194. Trở về Osma, nơi có nhà thờ chánh tòa giáo phận, Đa Minh được thụ phong linh mục và trở thành kinh sĩ tại đây dưới sự cai quản của Đức cha Martin de Bazan, một vị giám mục có khuynh hướng cải tổ hàng giáo sĩ. Bề trên kinh sĩ đoàn là Diego de Acabes, một con người khôn ngoan và giàu nghị lực. Không bao lâu, cha Diego kế vị làm Giám mục, lúc đó, cha Đa Minh đang giữ chức phó bề trên kinh sĩ đoàn. Giữa hai người này có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là lòng hăng say phục vụ người nghèo và người mê muội.

Năm 1203 Đức cha Diego được vua Anphongsô VIII cử đi một sứ vụ ngoại giao đến Đan Mạch, và ngài chọn cha Đa Minh làm người đồng hành. Khi đi về hướng bắc, họ đi qua vùng Midi miền nam nước Pháp, nơi mà những người Albigeois theo lạc giáo Cathares và phong trào Vaudois, và các lạc giáo khác đang tìm cách thu hút các tín đồ Kitô giáo. Vào thời điểm Đức cha Diego và cha Đa Minh trở về từ Đan Mạch năm 1205, Đức Giáo hoàng Innôcentê III phát động một chiến dịch giảng thuyết dưới sự điều động của một vài Viện phụ Dòng Xitô nhằm chống lại những người dị giáo. Trên đường trở về Osma, hai nhà truyền giáo Tây Ban Nha, vốn đã nuôi dưỡng ý định đi truyền giáo ở miền biên cương Kitô giáo, gặp gỡ những sứ giả Tòa thánh đang ở trong tâm trạng hoang mang.

Các đan sĩ này không thu hút cảm tình của những người Albigeois giản dị và khắc khổ, và đánh giá sự thánh thiện qua lòng đơn sơ và nghèo khó giống như các thánh tông đồ. Các sứ giả Tòa thánh đến xin ý kiến Đức cha Diego. Không những ngài nói với họ rằng, sự giàu có và phô trương của đoàn tùy tùng đã làm suy yếu lời giảng của minh, mà Đức cha còn nêu gương qua việc từ bỏ ngựa xe, y phục lộng lẫy và đoàn tùy tùng. Không lâu sau, Đức cha Diego và cha Đa Minh đã trở thành những người lãnh đạo sứ vụ giảng thuyết.

Khoảng cuối năm 1206, hai vị người Tây Ban Nha đã thành công trong việc thiết lập một đan viện dành cho những phụ nữ hoán cải đặt tại Prouille, gần Fanjeaux là trung tâm của dị giáo. Dựa theo khuôn mẫu của “các nhà tông đồ” của phái Albigeois, nữ đan viện này cung cấp một cơ sở hoạt động cũng như chỗ trú ẩn cho những phụ nữ này không nơi nương tựa.4

Cuối năm ấy, Đức cha Diego trở về Osma, giao việc đảm đương sứ vụ cho Đa Minh Nhưng trong một vài tháng, vị Giám mục này đã trở lại và cùng với cha Đa Minh tham gia cuộc tranh luận trong hai tuần lễ với nhóm lãnh đạo Albigeois tại Montpellier. Mặc dù thành công trong cuộc tranh luận, nhưng sứ vụ đã sụp đổ do cái chết của một vị và sự ra đi của vị thứ hai trong số ba vị sứ giả Tòa Thánh lỗi lạc thuộc Dòng Xitô. Kế đến, cuối tháng 12, chính Đức cha Diego qua đời tại Osma. Sau cùng, đầu năm 1208, vị sứ giả Tòa Thánh thứ ba là Pierre Castelnau bị ám sát. Sứ vụ giảng thuyết đã sớm được thay thế bằng cuộc Thập tự chinh có vũ trang.

Cha Đa Minh tiếp tục công tác giảng thuyết, và dù đã trở thành một người bạn của vị lãnh đạo Thập tự chinh là bá tước Simon de Montfort, nhưng cha đã tự ý rút khỏi cuộc chinh phục quân sự tại vùng Midi.5 Tuy vậy, việc giảng thuyết của cha không được thành công lắm. Dường như cha chỉ nhận được hai cuộc hoán cải trong suốt sáu năm hoạt động, trong đó một người tên là Roger Pons lại quay trở về lạc giáo năm 1215.

Nhưng hạt mầm của một sáng kiến đang chín muồi trong tâm trí của Đa Minh. Trước đó, Đức cha Diego nhận thấy rất rõ ràng, hy vọng duy nhất để thành công về phía những nhà giảng thuyết là phải thắng vượt lên sự giản dị Tin mừng và sự tận tụy của những người dị giáo bằng một lối sống hoàn toàn mới. Cha Đa Minh đã tìm được một người bạn và cũng là đồng minh mới là Đức Giám mục Fulk của Toulouse. Năm 1214, Đức cha Fulk giao cho Đa Minh coi sóc một giáo xứ ở Fanjeaux. Cùng năm đó, vị tân sứ giả Tòa Thánh là Peter Benevento chỉ định Đa Minh làm vị đứng đầu sứ vụ giảng thuyết đặt trụ sở chính tại Toulouse. Vào mùa hè năm 1215, Đa Minh đã thu thập những anh em tiên khởi. Năm 1216, Đa Minh cùng với Đức cha Fulk đến Rôma để khởi đầu công cuộc tiến hành việc xác nhận thực thể sẽ trở thành Dòng Anh em Giảng Thuyết đầu tiên, một cộng đoàn gồm các anh (chị) em dấn thân cho đời sống tông đồ, khó nghèo triệt để, giản dị, học hành và nhiệt tâm truyền giảng.

Sau khi Đức Giáo hoàng Innôcentê III băng hà năm 1216, người kế vị ngài là Đức Giáo hoàng Hônôriô III ban bố một loạt các sắc lệnh thành lập nhóm các tông đồ giảng thuyết ở Toulouse. Nhưng cha Đa Minh tiếp tục nuôi dưỡng viễn tượng một Dòng tu mang tầm kích toàn cầu, dĩ nhiên là không tránh được những chống đối bên trong và bên ngoài nhóm này.6 Bản thân cha Đa Minh chỉ sống thêm 5 năm nữa, và qua đời tại Bologna vào ngày 06 tháng 8 năm 1221, do kiệt lực và bệnh tật vì những cuộc đi lại liên miên, giảng thuyết, cộng thêm những yếu cầu của việc hướng dẫn và đào tạo các cộng đoàn non trẻ gồm các nam tu sĩ và nữ đan sĩ.

Tiến trình phong thánh của Đa Minh đã khởi sự ngay sau đó. Dù ban đầu bị các anh em phản đối, vì họ lo ngại sẽ lơ là sứ vụ mà cha Đa Minh trao lại, tuy nhiên tiến trình này đã gặt hái tiến triển. Nhiều nhân chứng đệ trình lời chứng liên quan đến sự thánh thiện và các phép lạ trong cuộc đời Đa Minh, mà đỉnh cao là sự việc người bạn cũ của Đa Minh tại Giáo triều là Đức Hồng y Hugolino, là vị bảo trợ Dòng và nay trở thành Giáo hoàng Grêgôriô IX, đã chính thức ghi tên cha Đa Minh vào sổ bộ các thánh ngày 3 tháng 7 năm 1234.7 Đến lúc đó, Dòng đã lan rộng đến khắp mọi quốc gia ở châu Âu, và danh tiếng của thánh Đa Minh đã lan rộng trong mọi tầng lớp dân chúng, thậm chí đã trở thành đề tài trong những bản ballad của người hát rong.

THÁNH ĐA MINH VÀ LINH ĐẠO ĐA MINH

Xét về dung mạo, thánh Đa Minh vốn điển trai, mặc dù sau này những bức chân dung về thánh Đa Minh có màu tóc và mắt đen, có thể nguyên do tổ tiên là người Gothic. Cũng giống như thánh Inhatiô Loyola, người đồng hương sau này là, có lẽ mắt ngài màu xanh. Theo lời kể của chị Cecilia, một trong số các nữ tu nhớ rõ về thánh Đa Minh,

Cha có chiều cao trung bình: dáng người gầy, dung mạo đẹp trai và sắc mặt hồng hào, mái tóc và bộ râu màu vàng hoe pha lẫn chút đỏ, đôi mắt đẹp. Từ vầng trán và đôi mắt của ngài toát ra vẻ rạng rỡ khiến tất cả mọi người đều phải mến mộ và kính trọng. Thánh Đa Minh luôn tỏ lộ niềm vui và tươi cười, trừ khi xúc động vì thương cảm trước nỗi khốn khổ của người chung quanh. Bàn tay ngài dài và đẹp cùng với giọng nói quý phái đầy nội lực và vang xa. Đặc biệt là thánh Đa Minh không hói và mang lấy phần đầu cạo trọc của giới tu sĩ, điểm một vài sợi tóc bạc.8

Chúng ta biết rất ít về đời sống “nội tâm” của thánh Đa Minh qua những lời tâm sự, bởi lẽ hiếm khi ngài nói về bản thân mình. Những người đương thời như chị Cecilia nhớ về thánh Đa Minh là con người vui tính và giàu nghị lực. Một bữa nọ, ngài biết sẽ bị một số người Albigeois nhắm ám sát (thật ra vào năm 1208 họ đã giết cha Pierre Castelnau sứ giả của Tòa Thánh, và vào năm 1252 họ cũng ám sát cha Phêrô Vêrôna, vị tử đạo tiên khởi của dòng Đa Minh). Thay vì lẩn trốn, cha Đa Minh còn đi qua vùng đất nguy hiểm, vừa đi vừa hát, theo như một trong kẻ mưu sát về sau đã làm chứng,.

Theo những trình thuật khác, thánh Đa Minh thích ca hát và ngài thường hát (và lớn tiếng) trên các chuyến hành trình qua Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Thánh Đa Minh không phải là mẫu người kìm nén cảm xúc, các nhân chứng ở vụ án phong thánh kể rằng ngài gây tiếng ồn lúc cầu nguyện, vào những năm cuối cuộc đời ngài làm cho anh em thức giấc vì những tiếng than khóc từ nhà nguyện. Một hệ quả mang đôi chút nét khôi hài lã ghi chú ở chương đầu tiên trong sách tục lệ của Dòng năm 1220, nhắn nhủ các vị Giám sư hãy chỉ dẫn những anh em tập sinh biết cầu nguyện cách thinh lặng.9

Cha Đa Minh rất thường rơi nước mắt trước cảnh ngộ những Kitô hữu chính thống, những người dị giáo và ngoại giáo, nói chung những người xem ra là những con chiên lạc đang lao đao kiếm tìm một vị mục tử tốt. Cả đời ngài ước mong trở thành nhà truyền giáo cho bộ lạc man di hung hãn ở miền Đông Bắc châu Âu, nhưng hoài bão đã bi cắt đứt bởi cái chết xảy ra vào lúc năm mươi tuổi.

Ngay từ khi còn là một kinh sĩ trẻ tuổi tại Osma, cha Đa Minh đã dấn thân sống đời khắc khổ và bình dị, và suốt đời cha đã tránh những tiện nghi khi có thể và áp dụng nhiều thực hành khổ chế gắn liền với cuộc cải cách do hai Đức cha Diego và Martin de Bazan đề xướng. Thánh Đa Minh thường ăn chay và hoàn toàn kiêng thịt. Ban đêm, một mình trong nhà nguyện, chính ngài đánh tội thay cho “những kẻ tội lỗi đáng thương.” Hoàn toàn dấn thân cho sự nghèo khó Tin mừng, thánh Đa Minh chỉ duy có một bộ áo dòng, từ chối mang theo tiền bạc và không để ai khác xách giày cho minh.10

Dù từ hồi còn trẻ thánh Đa Minh nổi danh yêu thích sách vở và học hành, nhưng ngài không phải là một học giả. Một trong số chuyện kể về những năm tháng đời sinh viên của thánh Đa Minh khi ở Palencia, liên quan đến một quyết định khó khăn mà ngài đã làm là đem bán những cuốn sách yêu quý (và đắt tiền) để mua bánh cho người nghèo trong một nạn đói, như lời chứng của anh Stêphanô, giám tỉnh Lombardia, thuật lại lời thánh Đa Minh: “Tôi không muốn học hành trên những tấm da chết trong khi những người sống đang chết vì đói”. Anh kể lại những lời ấy trong thủ tục điều tra phong thánh, và cho biết đã nghe câu chuyện từ “những người đáng tin cậy” trước cả khi anh gặp thánh Đa Minh. Anh Stêphanô cũng cho biết là nhiều thầy trò khác đã noi gương thánh Đa Minh.11

Việc học hành giữ một chỗ quan trọng đối với thánh Đa Minh, nhất là trong những ngày đầu của các anh em giảng thuyết tại nhà thờ thánh Romain ở Toulouse, khi ngài nhờ một nhà thần học người Anh tên là Alexander Stavensby đến giảng dạy Kinh Thánh cho những sinh viên mới. Vì không thể mời các giáo sư từ Paris, vào năm 1217, cha Đa Minh đã gửi những anh em mới Dòng Giảng Thuyết đến Paris để dược đào tạo. Chưa đầy một năm sau, ngài bắt đầu cho xây dựng một ngôi nhà ở Bologna, trung tâm trường đại học lớn thứ hai ở châu Âu.12

Đối với thánh Đa Minh và các môn sinh, học hành là một phương tiện nhắm đến một mục đích. Mục đích chính luôn là việc thuyết giảng. Tuy nhiên thánh Đa Minh tin chắc rằng việc giảng thuyết tốt đòi hỏi sự hiểu biết. Vì vậy, những ngôi nhà đầu tiên của Dòng mới thường được lập cạnh các trung tâm học thuật, thông thường là các trường đại học lớn.13 Đến năm 1221, các tu sĩ Đa Minh đã đến Oxford. Một thế hệ sau, khi những ý tưởng hấp dẫn về thần học thần bí của Dionysius thâm nhập vào Paris, Cologne và những nơi khác, cùng với những việc du nhập các học thuyết mới mẻ táo bạo khác, không lạ gì mà các Anh em Giảng Thuyết đã được xếp vào hàng những sinh viên chuyên chăm nhất.

LINH ĐẠO ĐA MINH TIÊN KHỞI

Raymond Martin tuyên bố rằng: “Thánh Đa Minh là một nhà thần bí, ‘ngang với những nhà thần bí vĩ đại’; nhờ tổ chức pháp luật khôn khéo, ngài đã đặt nền móng vững chắc cho một tổ chức trong đó đời sống thần bí đã được thực hành và phát triển suốt nhiều thế kỷ.”14 Quan điểm này không có gì tương phản với nhận xét sau đây của cha Simon Tugwell:

Các anh em Đa Minh tiên khởi không bận tâm lo cho mình hoặc cho người khác điều mà về sau được gọi là “đời sống nội tâm.” Hẳn nhiên, trong số các anh em ấy có những người cầu nguyện phi thường, nhưng lời cầu nguyện của họ đơn giản, sốt sắng và phần lớn là khẩn nài. Nhưng không thấy đả động gì đến phương pháp “tâm nguyện”, như chúng ta thấy ở các thế kỷ sau đó, hoặc cũng chẳng có dấu vết gì về học thuyết tiến triển thần bí kèm theo việc cầu nguyện đơn giản này. Khi những anh em Đa Minh thuộc thế kỷ XIII chú giải về sự nâng linh hồn lên Chúa, thì đó là những lập luận lý trí thuộc về lãnh vực thần học suy lý (speculaive theology) hơn là thuộc thần học thần bí (mystical theology) sẽ trở nên thông dụng sau này.15

Chắc hẳn có thể nói rằng, linh đạo dòng Đa Minh, trong tất cả các nhánh của gia đình, phản ánh tinh thần và ý định của thánh Đa Minh, mặc dầu có lẽ một vài chi tiết chưa được ngài nghĩ đến nhưng chỉ được phát triển về sau . Nhất là cha Đa Minh là một con người cầu nguyện, đã sử dụng hết mọi phương tiện học hành để giảng thuyết, dạy học, và thậm chí để trợ giúp về vật chất cho những người đang truy tầm khám phá chân lý nằm trong Tin mừng Đức Kitô. Đó là tinh thần mà cha đã truyền lại cho hậu bối.

NHỮNG VỊ KẾ THỪA THÁNH ĐA MINH

Đừng kể cá nhân của vị tổ phụ và các tổng tu nghị đầu tiên, linh đạo tiên khởi của Dòng Đa Minh được thành hình do nhiều yếu tố khác nữa: những tư tưởng mới, những cuộc tranh luận tại các đại học, khung cảnh tại các thành thị nơi anh em thi hành sứ vụ. Dù sao, trong số các yếu tố quyết địng, không thể nào bỏ qua các nhà lãnh đạo uy tín như Chân phước Giorđanô Saxônia, Tổng quyền kế vị thánh Đa Minh, anh Reginalđô de Orléans, hồng y Hughes de St Cher, và nổi bật nhất là chân phước Humbertô de Rômans, người kế vị thứ năm của thánh Đa Minh làm Tổng quyền, là một học giả uyên thâm và thầy của các vị như Tôma Aquinô, Eckhart, và Albertô Lauingen.

Tổng quyền Dòng Giảng thuyết

Cha Humbertô lãnh đạo Dòng từ năm 1254 đến 1263, và đẻ lại dấu ấn sâu sắc đến Dòng nhờ tài năng và những quyết định sáng suốt cũng như những bài giảng và những tác phẩm được viết kể cả sau khi đã mãn nhiệm. Dẫn dắt Dòng trong những năm khó khăn nhất của lịch sử lúc ban đầu, tài tổ chức và mục vụ nhạy bén của Humbertô đã để lại ảnh hưởng đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống Đa Minh, đặc biệt là phụng vụ và đào tạo. Cha đã ủng hộ việc sát nhập các chị em vào Dòng, khuyến khích việc học hỏi các ngôn ngữ, cách riêng là tiếng Ả-rập, nhắm đến sứ vụ truyền giáo của các tu sĩ nhiệt thành dấn thân ở mạn Đông ngày càng gia tăng. Dù sao, di sản bền vững nhất của cha là việc nhấn mạnh đến sứ vụ giảng thuyết và mối quan tâm ưu tiên của cha là việc huấn luyện tâm linh cho các nhà giảng thuyết trẻ tuổi.

Humbertô sinh khoảng năm 1200 tại Romans gần Valence, miền nam nước Pháp, khởi đầu sự nghiệp học vấn tại Đại học Paris. Sau khi tốt nghiệp ngành triết học, Humbertô tiếp tục theo học giáo luật và thần học. Cuối năm 1224, ngài gia nhập Dòng tại Paris, sau khi đã từng nghĩ đến việc đi tu sĩ dòng Chartreux. Trong vòng hai năm, Humbertô đã đứng lớp dạy thần học tại Lyon. Tại đây, cha được bầu làm bề trên tu viện vào 1237, và sau một năm, cha được cử làm Giám tỉnh Roma. Năm 1244 hoặc 1245, Humbertô được bầu làm Giám tỉnh Pháp. Năm 1254, cha đắc cử vào chức vụ lãnh đạo Dòng tại Tổng hội diễn ra tại Buda theo lời mời gọi của Vua Bela IV nước Hungary.16

Trong thời kỳ cha Humbertô giữ chức tổng quyền, năm 1254 các giáo sư triều tại Đại học Paris phát động cuộc công kích nghiêm trọng nhất nhằm chống đối Dòng hành khất. Tôma Aquinô là tâm điểm cho nhiều cuộc tranh luận, và cha Humbertô đã làm việc kiên trì và đã thành công trong việc bảo vệ các đặc ân của anh em Đa Minh cũng như anh em Phanxicô trước mặt Tòa thánh.

Năm 1263 tại Tổng hội ở London, cha từ chức Tổng quyền, có lẽ vì lý do sức khỏe. Cha cũng khước từ đề nghị làm Thượng Phụ Giêrusalem, và trở về Lyon, nơi cha dành mười bốn năm cuối đời chủ yếu cho việc viết sách. Cha qua đời ngày 14 tháng 7 năm 1277. Một năm sau đó, tên của Humbertô chính thức được ghi trong Tử đạo thư của Dòng[1]. Theo như Bernard Gui đã viết vào đầu thế kỷ sau[2], cha Humbertô là người “khôn ngoan, cẩn trọng, thông thái, hơn tất cả mọi người cùng thế hệ, luôn đầy ân sủng Chúa.” Mặc dù nổi tiếng thánh thiện và được tôn kính trong Dòng như chân phước, nhưng cha chưa hề được tuyên phong chân phước.

Những tác phẩm

Cha Humbertô đã đóng góp một số lượng phong phú các tác phẩm cho Dòng và Giáo hội. Một trong những dự án trong cương vị Tổng quyền là tổ chức và san định các sách phụng vụ. Cha cũng đã thu thập thông tin về những tháng năm khởi sự của Dòng, kế đến là cuộc đời thánh Đa Minh và các tu sĩ Đa Minh tiên khởi. Cha đã viết Bức thư về việc tuân giữ kỷ luật (Epistola de observantia regulari), Quyển Chú giải Tu luật thánh Augustinô, và một lá thư đề cập đến các vấn đề khác phát sinh từ hiến pháp Dòng Đa Minh.

Cha Humbertô được coi như một người đã viết những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất về việc giảng thuyết trong thế kỷ XIII với ba cuốn sách: thứ nhất là De dono timoris (Về ơn kinh sợ) mở đầu của một cuốn sách chưa hoàn thành về bảy ơn Chúa Thánh Thần; thứ hai là một cẩm nang các bài giảng cho những nhà giảng thuyết thời Thập tự chinh; và thứ ba, một chỉ dẫn tuyệt tác De eruditione praedicatorum (Về việc đào tạo các nhà giảng thuyết), tóm tắt những phác thảo hay mẫu các bài giảng cho thành phần dân chúng, hoàn cảnh và dịp lễ khác nhau, từ các cuộc hành hương, tang lễ cho đến các ngày lễ lớn.

Sau cùng, nhằm chuẩn bị cho Công đồng Lyon (1274), có lẽ là theo yêu cầu của vị kế nhiệm, cha Humbertô biên soạn bộ sách Opus Tripartitum, bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến một cuộc Thập tự chinh mới, sự hiệp nhất giữa các Giáo hội Đông phương và Tây phương, các tương quan giữa những người Hy Lạp và người La Tinh, và các vấn đề khác liên quan đến việc cải tổ Giáo hội La Tinh.

Linh đạo

Mặc dù cha Humbertô ít được nhắc đến trong số những người đóng góp đầu tiên cho linh đạo Dòng, nhưng Raymond Martin nhận định rằng: “cha Humbertô đã thêm vào những tác phẩm tâm linh quan trọng nhất, với nội dung đơn sơ mà người nào ít học cũng hiểu được. Là một nhà hùng biện xuất sắc, đặc biệt Humbertô được phú bẩm đầu óc thực tế, sử dụng ngôn ngữ trong sáng và giản dị, kèm theo nhiều giai thoại và gương sáng, Humbertô được xếp vào những bậc thầy hàng đầu về tu đức của dòng.”17

Trong số những lời khuyên dành cho những anh em Đa Minh trẻ nhiệt huyết, người ta đọc thấy lời khôn ngoan này:

Các anh em cần được hướng dẫn là đừng ước mong được thấy thị kiến hoặc làm phép lạ, bởi vì những điều ấy chẳng sinh ơn ích cho ơn cứu độ, và đôi khi chúng ta bị chúng gạt gẫm; nhưng tốt hơn cả là anh em nên hăng hái thi hành việc lành bởi vì ơn cứu độ nằm ở chỗ đó. Các anh em cũng cần đừng buồn rầu nếu mình không được hưởng những an ủi thiêng liêng mà những người khác đã nhận lãnh; nhưng anh em nên biết rằng thinh thoảng Chúa Cha nhân từ vì lý do nào đó đã giữ lại các sự an ủi ấy. Lại nữa, anh em cần được dạy rằng nếu họ không được ơn thống hối hoặc lòng sốt sắng, thì anh em đừng nghĩ là mình không ở trong tình trạng ân sủng bao lâu anh em vẫn giữ ý chí ngay lành, bởi vì đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa ưa thích.18

Nhà lãnh đạo của những nhà lãnh đạo

Lượng định việc đóng góp đa dạng của cha Humbertô, William Hinnebusch viết:

Humbertô Romans là một trong những anh em xuất sắc mà Dòng Đa Minh đã sản sinh; bên cạnh đó, tương tự như Giorđanô Saxônia, Humbertô cũng là một trong những anh em làm việc tích cực nhất để nhào nặn đặc tính Dòng. Là một nhà giảng thuyết thiên phú và nhà quản trị tài ba từng giữ nhiều chức vụ trong Dòng, cha được sự tín nhiệm của nhiều Giáo hoàng, Hồng y, và của vua Louis IX nước Pháp.19

Trong công tác đào tạo các anh em Đa Minh trẻ cũng như trong việc bênh vực cho giáo sư của Dòng, cha Humbertô đã hỗ trợ, và đáp lại, cha đã nhận được hỗ trợ của hai người trong số những ánh sao sáng trong hàng ngũ anh em Đa Minh, đó là Tôma Aquinô và vị thầy xuất sắc của Tôma cũng như của các sao sáng của thời ấy, đó là Albertô, người duy nhất được được vinh danh là “Cả”.

Albertô Cả

Dấu ấn của Albertô đối với đời sống trí thức và tinh thần của Dòng thật là sâu đậm và không thể xóa nhòa. Là một nhà thông thái đáng kính, cha nổi danh là một khoa học gia, triết gia, thần học gia, văn sĩ tâm linh, cổ võ đại kết, nhà ngoại giao và là vị thánh, thậm chí lúc sinh thời chính thánh nhân được biết với danh xưng Magnus, nghĩa là “Cả” (hoặc “vĩ đại”). Dưới sự điều động của tổng quyền Humbertô, cha Albertô đã hợp tác vào việc soạn thảo chương trình học vấn cho tất cả các sinh viên Đa Minh, hướng dẫn việc nghiên cứu Aristotle, và khảo cứu chuyên sâu triết học Tân Platon[3] và trường phái thần bí.

Một cuộc đời phi thường

Sinh khoảng năm 1200 tại Lauingen bên sông Danube, Albertô khởi đầu theo các ngành khoa học tự nhiên tại Đại học Padua.20 Được cha Giorđanô Saxônia lôi cuốn vào Dòng năm 1223, Albertô được gửi đến Bologna để học bổ túc, sau đó đến Paris và trở thành Giáo sư Thần học tại đây.

Lúc ấy các tác phẩm của Aristote mới được du nhập vào đại học này, và gặp phải sự chống đối của nhiều giáo sư cũng như các vị lãnh đạo Giáo hội. Tuy nhiên,, Albertô nhanh chóng nhận thấy giá trị của chúng và bắt đầu những loạt bài chú giải về các cuốn sách quan trọng của Aristote. Đồng thời cha cũng hết sức quan tâm đến các tác phẩm phái Tân Platon của thời hậu cổ điển, bao gồm cả các tác phẩm Kitô giáo của Dionysius mới được chuyển dịch sang tiếng La Tinh.

Như một ngọn đèn sáng tại Đại học Paris, Albertô đã theo dõi và hướng dẫn sinh viên Tôma, một thiên tài đang chớm nở. Năm 1248, khi được Dòng ủy thác việc mở một trung tâm học vấn (Studium generale) ở Cologne, cha Albertô đã đem anh đi theo để nghiên cứu chuyên sâu tại đây. Sau đó, cha Albertô được bầu làm Giám tỉnh Đức, và năm 1260 ngài nhận làm Giám mục Ratisbon bất chấp những lời can ngăn tha thiết của cha Humbertô. Một năm sau đó, Đức Cha Albertô từ chức và trở lại với công việc giảng dạy và viết sách. Số lượng tác phẩm của ngài rât phong phú, tuy vậy ngài vẫn không thể thực hiện được một điều ước mơ đó biên soạn một cuốn Summa Theologiae (Tổng luận Thần học). Dù đã quá 70 tuổi, ngài vẫn làm việc hăng say, và ngài đã đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ mọi quyền giảng dạy của những tu sĩ hành khất tại Đại học Paris cũng như bảo vệ giáo lý chính thống của Tôma, người môn sinh xuất sắc của mình.

Vào cuối hành trình cuộc đời, Albertô đã đào tạo hai thế hệ các giáo sư và văn sĩ nữa, bao gồm nhà giảng thuyết lẫn văn sĩ thần bí vĩ đại nhất của thế kỷ XIV là Eckhart Hochheim. Sau một cuộc đời dài và phong phú, ngài từ trần tại Cologne năm 1280.

Những tác phẩm của Albertô

Trong số các tác phẩm đồ sộ của Albertô, có một bộ chú giải súc tích về quyển De divinis nominibus (Danh Thiên Chúa) của tác giả ẩn danh “Dionysius Areopagite”, mà thần học thần bí gây ảnh hưởng lâu dài đến thời Trung Cổ và xa hơn nữa.21 Albertô không phải là tu sĩ Đa Minh đầu tiên trích dẫn Dionysius. Bartôlomêô Breganza, được thánh Đa Minh nhận vào dòng, về sau trở thành giáo sư thần học phủ Giáo hoàng và thụ phong Giám mục, đã viết hai tác phẩm về những đề tài của Dionysius. Nhưng vì là học giả duy nhất thuộc thế kỷ XIII chú giải toàn bộ tác phẩm Dionysius, cha Albertô là trở thành nguyên nhân chính khiến cho tác giả này trở thành một nguồn tài liệu thần học quan trọng vào thời kỳ hạ Trung Cổ.

Là một khoa học gia và triết gia trứ danh, các tác phẩm thần học và tâm linh của Albertô đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển phong trào thần bí Đức vốn nở rộ trong giới Béguines[4] và các nữ tu theo truyền thống của Hildegard Bingen và Mechthild Magdeburg cùng thời với Albertô. (Chị Mechthild có nhiều mối quan hệ với tu sĩ Đa Minh. Bào huynh Baldwin là tu sĩ của Dòng, và Henry Halle, một học trò của Albertô, là vị linh mục giải tội và người biên tập cuốn sách nổi tiếng của chị The Flowing Light of the Godhead: Ánh sáng tràn trề của Thiên Chúa).

Linh đạo thánh Albertô

Cha Tôma Cantimpré, một môn đệ của Albertô và là người viết tiểu sử của nhiều vị thánh, (gồm cả người thầy của) mình, đã mô tả cha Viện trưởng Albertô sốt sắng cầu nguyện cả ngày lẫn đêm, hằng ngày đọc tất cả 150 Thánh vịnh. Khi ra làm chứng cho vụ án phong thánh của Toma Aquinô, cha William Tocco đã nhắc đến Albertô như thế này “vị tôn sư tuyệt vời ấy đồng thời chuyển trao cho các sinh viên vừa sự khôn ngoan tri thức lẫn mẫu gương qua đời sống thánh thiện.”22

Cha Hinnebusch viết rằng:

Các tác phẩm của Albertô biểu lộ nhân cách và nét thần bí chân chính nơi thánh nhân. Nơi các tác phẩm ấy, Albertô đan xen chuẩn xác cả về đạo lý tâm linh lẫn việc suy lý thần học, đặc biệt trong cuốn Summa Theologiae [chưa hoàn thành] cũng như những khảo luận về Kinh Thánh và về Pseudo-Dionysius. Như Grabmann chỉ cho thấy, đọc Lời mở đầu Summa của Albertô cũng đủ để khám phá khuynh hướng cá nhân của thánh nhân đối với trường phái thần bí. Nhiều đoạn trích trong những tác phẩm chú giải của Albertô trình bày các quan điểm, tỏ rõ những tư tưởng phó thác cho Thiên Chúa, đồng thời biểu lộ tình yêu của ngài đối với Đấng Cứu Thế và Đức Mẹ Đồng Trinh.23

Học thuyết

Các tác phẩm Albertô đã không thu hút được sự chú ý tương xứng, kể cả trong cuộc hồi sinh việc nghiên cứu Kinh viện vào hồi thế kỷ trước. Có nhiều nguyên nhân giải thích sự kiện này: một đàng là sự sáng chói của Tôma Aquinô, người môn đệ tuyệt vời nhất của Albertô; đàng khác là sự phổ biến các tác phẩm thần bí của Eckhart, Suso và Tauler; và thậm chí gần đây, các tác phẩm của Dietrich Freiberg và các sinh viên khác của trường phái Albertô xem ra hấp dẫn các học giả hơn. Mặc dù Albertô là người tiên phong trong việc du nhập Aristotle vào khung trời tư tưởng Kitô giáo, nhưng thánh nhân lại tỏ ra nhiều thiện cảm đói với các nguồn mạch Tân Platon, hơn là nhiều học giả Công giáo (và Tin Lành) .

Một khi đã đi theo thần học thần bí của Giáo hội cổ thời, nhất là của Dionysius, Albertô chấp nhận phép biện chứng các phương pháp khẳng định và phủ định trong lối tiếp cận để hiểu biết về Thiên Chúa, như chúng ta sẽ thấy sau:

Những đường lối phủ định của thần học bắt đầu bằng cách lấy điều gì rõ ràng đối với chúng ta và giác quan có thể cảm nhận được, rồi phủ nhận nó ở nơi Thiên Chúa. Bằng con đường này, thần học tách rời mọi vật ra khỏi Thiên Chúa, như thế trí tuệ của chúng ta ở trong tình trạng mơ hồ, bởi vì những gì chúng ta biết được thì đã bị loại bỏ, và rồi chúng ta không thể nói được nó là gì.. Đối lại, những con đường lối khẳng định của thần học thì đưa điều ẩn kin nơi Thiên Chúa ra bên ngoài, bằng cách cho thấy những gì rõ rệt với chúng ta thì đều bắt nguồn từ một nguyên nhân siêu việt. Chẳng hạn, khi nói Thiên Chúa là “tốt lành”, điều này có nghĩa rằng Thiên Chúa là Đấng mà từ Ngài mọi sự tốt lành của thụ tạo được phát sinh, và khi nói Thiên Chúa là “Cha”, điều này có nghĩa rằng Thiên Chúa là Đấng mà “từ đó tất cả mọi tình phụ tử trên trời và dưới đất đều được định danh.”24

Đi theo Dionysius, Albertô cho rằng sự hiểu biết về Thiên Chúa theo phương pháp khẳng định là điều có thể làm, nhưng mà tối tăm. Còn khi biết Thiên Chúa không là gì thì cái biết này chắc chắn hơn:

Khi khẳng định những điều thuộc về Thiên Chúa thì chỉ là cách tương đối, nghĩa là xét vì ngài là nguyên nhân, còn khi chúng ta phủ định những điều ấy cho Thiên Chúa thì là cách tuyệt đối, nghĩa là xét đến chính trong bản thân của Ngài. Và không có gì mâu thuẫn giữa một khẳng định tương đối với một phủ định tuyệt đối. Không có gì mâu thuẫn khi nói rằng một ai đó răng trắng chứ không phải màu trắng.25

Những luận đề bén nhọn hơn ở nơi Tôma thì đã được gặp thấy nơi Albertô rồi. Cha Hinnebusch nhận xét:

Albertô là nhà thần học đầu tiên giải thích làm thế nào những ơn cao minh và ơn thông hiểu kiện toàn những phẩm tính của đức tin, và chúng là những quan năng của việc Thiên Chúa can thiệp trực tiếp trong hành vi chiêm niệm. Đức cao minh phú bẩm, một thứ hiểu biết tâm tình về Thiên Chúa, được gây ra bởi đức mến trong tâm hồn cũng như làm tăng cường đức mến. Việc chiêm niệm thì gián tiếp; khi nhìn ngắm nhữn hình ảnh trừu tượng, tâm trí phải loại bỏ những phẩm tính hữu hạn vốn bất toàn nơi chúng để vươn tới cái vô hạn, tuy nhiên nó chỉ biết rằng Thiên Chúa hiện hữu (Quia est) chứ không biết Thiên Chúa là thế nào (Quid est). Việc chiêm niệm vẫn luôn là một tri thức “lờ mờ” về Thiên Chúa; qua đó, linh hồn nhìn thấy Thiên Chúa theo nghĩa là nó được nâng cao lên trên loài thụ tạo, nhưng nói vẫn chưa nhìn thấy Thiên Chúa trong chính Ngài.26

 Dõi theo Albertô

Trong các đồ đệ của Albertô, Tôma và Eckhart trở nên hai ngọn đèn sáng rực của Dòng và thậm chỉ của phần lớn châu Âu vào thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV, nhưng đó không phải là những ngôi sao đơn độc. Trong số các sinh viên sáng giá khác của Albertô còn có Gioan và Gerald Korngin Stemgassen, Dietrich Freiberg, Ulrich Englebert ở Strassburg, Berthold Moosburg, và Henry Halle.27 Các tác giả Ulrich, Dietrich và Berthold, cũng như Eckhart sau đó, được biết đến vì họ đã đẩy mạnh thêm lòng say mê của Albertô đối với trường phái Tân Platon và với thần học tâm linh. Trong lãnh vực này, Dietrich trổi vượt hơn cả, như Hinnebusch nhận định:

Dietrich đã gây ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà thần bí Đức, đặc biệt là Berthold Moosburg, Tôn sư Eckhart, và John Tauler.” Albertô đã minh chứng rằng trường phái Tân Platon Kitô giáo có thể dung hòa được với thuyết độc thần, với đạo lý sáng tạo từ hư không, và với đạo lý Giáo hội về ân sủng. Vào thời đại khi mà mối nguy cơ của thuyết phiếm thần và sự phủ nhận về vận mệnh siêu nhiên của con người đang trở nên nghiêm trọng, thì đó quả là một đóng góp nổi bật.28

Dĩ nhiên, danh tiếng Albertô còn vươn xa hơn nữa trong một số tác phẩm mạo danh, dựa trên các tác phẩm gán cho ngài, từ các chú giải về thuật giả kim và tri thức về thực vật cho đến luận đề thần bí On Cleaving to God (De Adhaerendo Deo: về sự gắn bó với Thiên Chúa). Những tác phẩm này có thể ra đời từ nhóm các học trò của Albertô.

Bậc thầy thần bí

Dẫu đôi khi Albertô nhầm lẫn các tác phẩm của Tân Platon với các bản chú giải của trường phái triết học Aristotle, nhưng về cơ bản, thánh nhân có thể cân bằng những cực đoan của thuyết bất khả tri Kitô giáo[5] gắn liền với tên tuổi của Alan de Lille, Amalric de Bene, Gilbert Poitiers, và những tác giả triệt để khác, nhờ lối tiếp cận khẳng định, , gắn liền với các tác phẩm chân chính của Aristotle được tái khám phá thông qua việc tiếp cận các bản chú giải tiếng Ả-rập trong suốt thế kỷ XII và XIII. Chung quanh Albertô, một trường phái triết học, thần học và thần bí được phát triển, bổ túc và đối khi cạnh tranh với với trường phái Paris. Trong những thập kỷ kế tiếp, các trường phái trên sẽ mang đến một số nhà giảng thuyết và nhà thần bí vĩ đại nhất cho nước Đức và thế giới thời Trung Cổ, và kèm theo những cuộc bút chiến và khủng hoảng liên quan đến các ngài. Hầu hết đều chịu ảnh hưởng của học thuyết về sự hiểu biết u minh về Thiên Chúa bởi trường phái thần bí của anh em Đa Minh người Đức, được kế thừa từ thánh Albertô.

————-

[1] Tử đạo thư (Martyrologium): sách ghi tên các thánh tử đạo và các thánh khác được kính mỗi ngày trong lịch phụng vụ.

[2] Bernard Gui (1261-1331), tu sĩ dòng Đa Minh và giám mục, đã để lại nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử của Giáo hội và lịch sử Dòng.

[3] Triết học Tân Platon (neoplatonic philosophy): ám chỉ nhiều luồng triết học khác nhau, nhưng quy tụ chung quanh Plotinus (thế kỷ III sau CN) ở Alexandria. Họ cho rằng vạn vật phát xuất từ một nguyên ủy (Nhất), rồi từ đó sinh ra các cấp bậc khác nhau, và cuối cùng lại trở về với nguyên ủy.

[4] Beguines: tên đặt cho một phong trào đạo đức phát tiển ở Bắc Âu từ thế kỷ XIII-XVI, quy tụ những phụ nữ, tuy không có lời khấn tu trì, nhưng cam kết bắt chước Chúa Giêsu qua việc tình nguyện sống khó nghèo tình nguyện, giúp đỡ người bệnh tật và dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện.

[5] Thuyết bất khả tri (agnosticism) cho rằng chúng ta không thể biết gì về Thiên Chúa hết.

——————

Chú thích 

Chương 2:
THÁNH ĐA MINH VÀ NHỮNG NHÀ GIẢNG THUYẾT TIÊN KHỞI

  1. Perfectae Caritatis, số 2
  2. Suốt nhiều thế kỷ, người ta đã chấp nhận rằng thân phụ thánh Đa Minh là thuộc dòng dõi Guzman. Thế nhưng vào năm 1937, R. F. Bennett ghi nhận : “Truyền thống vốn coi thánh Đa Minh thuộc gia đình quý tộc Guzman nhưng các học giả chưa bao giờ quan tâm đến vấn nạn do cha Bremond đã nêu lên (De Guzmana stirpe s. Dominici, Romae 1740) (R. F. Bennett, The Early Dominicans: Studies in Thirteenth-Century Dominican History, Cambridge: The University Press, 1937, 20). Hinnebusch cũng chấp nhận lai lịch này về thân phụ của Thánh Đa Minh với dòng họ Guzman và Aza (Hinnebusch 1966, I, 15-17). Simon Tugwell và Guy Bedouelle tỏ ra khá thận trọng và dè dặt.
  3. Hinnebusch nhận xét: “Gia đình này đã sản sinh ra các giáo sĩ và thánh nhân. Hai vị bào huynh là Antôn và Mannes đã làm linh mục. Chính Mannes và hai cháu trai của Thánh Đa Minh cũng ra nhập Dòng của người. Bà mẹ Gioanna và Mannes được phong chân phước còn Antôn, người rất nhiệt thành và nhân hậu, cũng được nâng lên bậc đáng kính (Hinnebusch 1966, I, 15). Tên của bào huynh Thánh Đa Minh cũng được viết (xem ra đúng hơn) là Mames.
  4. Lester Little ( tr. 155) viết rằng: “Các tài liệu về gia thế thánh Đa Minh hầu như không có; Người được biết đến nhiều hơn qua các hoạt động được ghi lại bởi tổ chức mà người đã lập. Năm 1206, tại Prouille, một địa điểm kiên cố gần Fanjeaux, phía tây Carcassonne và phía đông nam Toulouse, một nhóm thừa sai đã thành lập một nhà dòng cho các phụ nữ trở lại từ lạc giáo Cathare. Giám mục Fulk của Toulouse là người đã tài trợ chính Mùa xuân năm 1207, giám mục Berengar của Narbonne đã trao cho cơ sở Notre- Dame de Prouille được quyền sở hữu một ngôi thánh đường ở Limoux gần đó. Đây là tặng dữ tài sản đầu tiên dành Prouille như một cơ sở tôn giáo theo thói tục thời ấy, mở đầu cho nhiều đặc ân khác. Bá tước Simon Montfort cũng là một “mạnh thường quân” của Notre-Dame de Prouille. Cộng đoàn ở Prouille trở thành nơi tiếp sức cho sứ vụ giảng thuyết, dựa theo mô hình các trạm xá của phái Cathar, thường do các phụ nữ điều hành, dành những người trọn lành phục hồi sức khỏe hoặc nghỉ ngơi sau những gian lao vất vả khi thi hành sứ vụ giảng thuyết lưu động để rồi lại ra đi tiếp tục con đường của mình. Mặc dù các vị giảng thuyết vẫn tiếp tục khất thực, nhưng tại Prouille họ tìm được một thứ bảo hiểm nào đó.”
  5. Theo nhận định của Henry B. Lea, một sử gia có uy tín về Tòa giáo pháp (Inquisitio) và là người không thân thiện lắm với Giáo hội Công giáo, thì việc thánh Đa Minh tham gia cuộc Thập tự chinh “không có bất kỳ căn cứ lịch sử nào hết”. Xem Bennett 1937, 21, note 2.
  6. Sự phát triển của Dòng Giảng thuyết trong vài năm sau đó được ghi lại rất phong phú trong các sách về cuộc đời thánh Đa Minh và lịch sử của Dòng thời tiên khởi,. Đứng đầu là tác phẩm của M.-H. Vicaire; các công trình của Tugwell, Bedouelle, Hinnebusch, Little, Bennett, và Jarrett cũng mang lại nhiều đóng góp giá trị từ những viễn cảnh khác nhau.
  7. Hầu hết những ghi chép sớm nhất về cuộc đời, sự thánh thiện và các phép lạ của thánh Đa Minh có thể tìm thấy nơi quyển Early Dominicans. Selected Writings, được biên tập với phần dẫn nhập của Simon Tugwell O.P (New York: Paulist Press, 1982). Xem thêm Vladimir Koudelka O.P, Dominic, do Simon Tugwell phiên dịch (London: Darton, Longman and Todd, 1997).
  8. Trích Hyacinth Petitot O.P, ‘Saint Dominic – His Physical And Moral Physiognomy”, trong Townsend 1934, 1.
  9. Simon Tugwell O.P, Saint Dominic (Strasbourg: Editions du Signe, 1995), 47.
  10. Mặc dù theo cái nhìn thời nay, những hình thức hãm mình của thánh Đa Minh bị coi là thái quá nhưng những việc ấy không có gì khác thường ở thế kỷ XIII và cũng được phái Cathar ưa chuộng. Dủ là bạn hay là đối thủ, họ đều nhìn nhận cung cách đạo đức của thánh Đa Minh. Những hình thức cầu nguyện đặc trưng này đã sơm được ghi lại thành bản văn thân thương, Chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh (The Nine Ways of Prayer of St Dominic), Tugwell 1982, 94-103.
  11. Tugwell 1982, 79.
  12. Tugwell 1982, 25.
  13. “…Chính thánh Đa Minh khởi xướng chính sách tìm kiếm những thành viên mới, đặc biệt trong giới đại học và đẩy mạnh việc học hành trong Hiến pháp soạn năm 1220, nếu không muốn nói là năm 1216 (Prim. Const. I, 13: Các tập sinh được dặn dò rằng họ “lúc nào cũng cần phải tập trung vào việc học hành, luôn luôn đọc và suy tư về điều gì đó, ngày cũng như đêm, trong nhà cũng như ngoài đường”; II, 29: nói rõ rằng nếu muốn, các sinh viên có thể thức khuya để học hành). Trên thực tế, lý tưởng nhất là việc học tập và cầu nguyện hòa hợp nhau để hình thành nên một đời sống hướng về Chúa và về những lời nói cũng như việc làm của Người (Xem thêm William of Tocco, Life of St Thomas Aquinas 30.)” (Tugwell, 1982, 107, số 27).
  14. Raymond Martin O.P, The Historical Development of Dominican Spiri­tuality, Townsend 1934, 39-40.
  15. Tugwell 1982, “Introduction”, 3-4.
  16. Về giới thiệu khái quát về sự nghiệp của Humbert như là tu sĩ Đa Minh và tuyển tập các bài viết của cha, xem Tugwell 1988, 31-34.
  17. Martin, Townsend 1934, 41.
  18. Dịch do Benedict Ashley, Ashley 1990, 42-43.
  19. Hinnebusch 1973, 288-289.
  20. Những nguồn tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của thánh Albertô: xem Tugwell 1988; Sr Mary Albert O.P, Albert the Great (River Forest, IL: Spirituality Today phần phụ lục, Autumn, 1987 (phiên bản lần 2 của Albert the Great, Oxford: Blackwell Publications, 1948)); James Weisheipl O.P (biên tập), Albertus Magnus and the Sciences, Commemorative Essays (Toronto: Pontifical Institute of Medieval Studies, 1980); H. Wilms O.P, Albert the Great (London: Burns, Oates and Washbourne, 1933); và Francis A. Catania, “Albert the Great”, Encyclopedia of Philosophy (New York; Macmillan and The Free Press, 1967), I, 64-66.
  21. Đăng trong sách của Simon Tugwell về các tác phẩm chọn lọc của thánh Albertô và thánh Tôma, 1988.
  22. Trích Hinnebusch 1965, 115.
  23. Hinnebusch 1973, 298.
  24. Tugwell 1988, 138-9. Câu trích dẫn là Ep 3,15.
  25. Sđd., 153.
  26. Hinnebusch 1973, 299. Quan điểm của thánh Albertô về sự hiểu biết của của con người về Thiên Chúa, xem Tugwell 1988, 40-95, 134-198.
  27. Những tác giả nổi bật về linh đạo trong thời kỳ này không chỉ là những học trò của trực tiếp của thánh Albertô nhưng còn có những hậu bối của họ, chẳng hạn như Eckhart trẻ, John Franko, Henry Egwint, Giselher Statheim, Henry de Calstris, Venturino Bergamo, và Dalmatius Monerio
  28. Hinnebusch 1973, 300.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here