Chúa Nhật 25 – Năm C – Thường Niên

0
542

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IAm 8,4-7

4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. 5 Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. 6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”

7 ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

2/ Bài đọc II1 Tm 2,1-8

1 Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, 2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.

3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, 6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.
Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối- nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý.

8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

3/ Phúc ÂmLc 16,1-13

1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông.

2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!

3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! 5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.

7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. 9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu nguyện cho mọi người biết quản lý tốt các ơn lành Chúa ban.

Tiền của có sức mạnh làm mọi người ở mọi nơi và mọi thời mờ mắt, đến nỗi họ không còn biết nhận ra đâu là đích điểm của cuộc đời, đâu là thứ tự ưu tiên trong cuộc đời, và đâu là điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh. Hiểu biết giá trị tạm thời của tiền của, hình phạt phải chịu cho những người đối xử bất công với tha nhân, và cách quản lý tiền của cách đúng đắn, sẽ giúp mọi người dùng tiền của theo sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

Các bài đọc hôm nay tập trung trong bài học quan quan trọng là con người phải biết nhận ra giá trị tạm thời của tiền của và biết quản lý nó cách đúng đắn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cảnh cáo tất cả những ai tôn thờ tiền bạc và đối xử bất công với dân nghèo. Nếu họ không sửa đổi, Thiên Chúa sẽ trả cho họ theo như từng việc họ làm. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu nên cầu nguyện cho vua chúa và các nhà lãnh đạo, để họ biết dùng những ơn lành Thiên Chúa ban mà mưu cầu an bình và mang lại lợi ích cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể câu truyện về cách hành xử khôn ngoan của một người quản gia bất lương, với mục đích khuyên các môn đệ biết dùng đúng những của cải đời này để đạt tới Nước Trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu tội nhân không hoán cải, họ sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương xứng.

1.1/ Ngôn sứ Amos tố cáo hai tội chính con cái Israel đã xúc phạm đến Đức Chúa.

(1) Bất kính trong khi thờ phượng: Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn của họ chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabbath chóng qua để họ làm chuyện đó. Họ tin Thiên Chúa bằng môi miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến họ phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân. Điều này chứng minh họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm. Họ không kể chi đến việc tuân giữ Luật “mến Chúa, yêu người” của Ngài.

(2) Lỗi đức công bằng: Họ sáng chế ra những cách để làm giàu và đối xử bất công với những người nghèo hèn khốn khổ như:

– Buôn bán điêu ngoa: Họ “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.” Cái đấu có thể làm nhỏ lại bằng cách bóp méo, quả cân có thể nặng thêm bằng cách hàn thêm chì dưới đáy, cán cân cũng có thể làm lệch bằng cách sửa lại vị trí thăng bằng. Nói tóm, họ có cả trăm cách để thu nhập của cải về cho họ mà không cần để ý đến tình trạng bi đát của người mua là mẹ góa con côi hay kẻ nghèo khổ cơ bần.

– Coi trọng tiền bạc hơn nhân phẩm: Họ dùng “tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ.” Truyền thống Do-thái có thói quen người mượn nợ phải trao đôi dép của mình cho chủ nợ; khi con nợ không có tiền chuộc, đôi dép sẽ là bằng chứng. Chủ nợ có thể xiết nợ bằng cách tịch thu tài sản hay bắt con nợ phải làm nô lệ cho họ.

– Lường gạt: Để lường gạt người mua, họ có thể để trong thùng chứa những lúa gạo tốt bên trên trên, trong khi bên dưới toàn lúa nát gạo mục.

Cả hai tội trên đều xúc phạm đến Thiên Chúa vì những gì họ làm cho tha nhân là họ làm cho chính Ngài.

1.2/ Hình phạt tương xứng: Tất cả những ý nghĩ và việc làm của họ, tuy có thể lừa bịp người đời; nhưng không thể đánh lừa được Thiên Chúa. Tiên tri Amos tuyên bố: Nếu họ không biết hối cải, Thiên Chúa sẽ luận phạt mọi tội lỗi của họ. Ngài sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ.

2/ Bài đọc II: Hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người.

2.1/ Mọi người đều cần lời cầu nguyện.

Bất công xã hội xảy ra ở mọi nơi và mọi thời vì lòng tham không đáy của con người, những người lãnh đạo thường lạm dụng quyền hành để vơ vét tài sản của dân nghèo. Khi bị đối xử bất công, người nghèo dễ có khuynh hướng dâng lời cầu nguyện xin Thiên Chúa tiêu diệt lũ cường hào ác bá đó. Chỉ trích, ghen ghét và tìm cách trả thù tuy dễ làm, nhưng không phải là cách thức để xây dựng xã hội; vì hết quyền lực chính trị này sẽ đến quyền lực chính trị khác, nhiều khi còn tệ hại hơn. Vì thế, cách tốt hơn là nỗ lực cầu nguyện để xin Thiên Chúa tha thứ và thay đổi tâm lòng mọi người lãnh đạo để có một xã hội an cư lạc nghiệp, đạo đức và xứng nhân phẩm.

Thánh Phaolô xác quyết đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa. Ngài muốn cho mọi người nhận ra chân lý để được cứu độ, và không muốn cho bất cứ một ai phải hư mất. Lời khẩn nguyện của các tín hữu kèm với các hy sinh có sức mạnh để xin Thiên Chúa biến đổi lòng mọi người, cứu vãn các trật tự trong xã hội, và đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

2.2/ Hãy cầu nguyện với tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

Phaolô ý thức rất rõ về tội lỗi và yếu đuối của con người, vì chính ông đã hưởng được lòng Chúa yêu thương khi ông còn là tội nhân trên đường đi Damascus. Ông đã từng hãnh diện về truyền thống Do-thái và khinh thường Dân Ngoại, ông đã từng nghĩ con người có thể tự cứu mình bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật; nhưng cuộc gặp gỡ Đức Kitô trên đường đã đảo lộn tất cả. Đức Kitô đã tỏ cho ông biết con người được cứu độ là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá cứu chuộc cho mọi người, và Ngài không muốn một ai phải hư đi. Con người sống bằng ơn thánh của Thiên Chúa ban qua Cuộc Thương Khó của Đức Kitô như Ngài đã ban cho ông, chứ không bằng sức riêng của con người.

Có kinh nghiệm như thế, ông được sai đi để loan báo về sự thật này. Ông xác tín về sứ vụ rao giảng sự thật của ông, và ông khuyên mọi người: “Vậy tôi ước mong những người đàn ông (mọi người) hãy cầu nguyện ở mọi nơi, giơ tay thánh thiện lên trời, không giận hờn, không xung khắc.”

3/ Phúc Âm: Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Trước khi phân tích dụ ngôn này, chúng ta cần lưu ý một điều: Khi xử dụng dụ ngôn, tác giả chỉ muốn nêu bật một điều chính, và không bao giờ có ý làm thỏa mãn tất cả mọi điều; vì sẽ rất khó để thực hiện. Điểm Chúa Giêsu muốn nêu bật trong dụ ngôn này là cách hành xử của viên quản lý khi anh biết anh sẽ mất việc.

3.1/ Cách hành xử của người quản gia bất lương: Ngay từ đầu, trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản gia này có thể rất khôn lanh, nhưng không trung tín; vì anh bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Ông là người quản gia khôn lanh, ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để thu phục nhân tâm.

Câu 8 có thể gây hiểu lầm, chúng ta cần phân biệt: Câu 8a là lời của ông chủ tên đầy tớ. Ông nhận ra sự khôn lanh của tên quản lý đã qua mặt ông để làm lợi cho nó cách hợp pháp. Ông chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương, chứ không khen tư cách của người quản lý, ông gọi hắn là bất lương từ đầu. Câu 8b là lời của Chúa Giêsu. Ngài không khen tên quản lý bất lương, nhưng nhận ra cách hành xử khôn lanh của anh ta khi đối xử với đồng loại.

Cụm từ “tiền của bất chính” trong câu 9 có thể gây sự hiểu lầm: Chúa có cho phép lấy của người khác để mua bạn bè không? Đó là tội lỗi đức công bằng; và nếu đã lấy, phải trả lại cho chủ của nó. Điều Chúa muốn nói ở đây là của cải Thiên Chúa ban là cho mọi người cùng hưởng; thay vì tiêu xài nó cách xa hoa phung phí, hãy biết dùng nó cho người nghèo hay những nơi cần thiết để “khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Câu này cũng phù hợp với lời khuyên của Hội Thánh cho các tội nhân: Nếu không thể trả lại cho chủ, phải dùng nó để giúp đỡ người nghèo, chứ không được dùng nó cho mình.

3.2/ Phải biết quản lý khôn ngoan những gì Thiên Chúa trao ban.

Các câu 10-13 là những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, và có thể tự đứng một mình; nhưng Lucas đặt ở đây vì nó liên quan đến việc quản lý. Chúng ta có thể phân tích từng câu:

(1) Quản lý đòi hỏi kinh nghiệm. Chủ nhân thường thử người quản lý trước khi trao cho anh nhiều của cải hơn. Nếu anh không trung thành trong việc nhỏ, không ai tin cậy để trao cho anh việc lớn hơn.

(2) Quản lý của cải thiêng liêng quan trọng hơn của cải vật chất: Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế, ai đã bất trung trong việc xử dụng của cải vật chất, Thiên Chúa sẽ không bao giờ trao cho họ những của cải chân thật; chẳng hạn, việc coi sóc các linh hồn và phân phát ơn thánh qua các bí tích.

(3) Phần thưởng chỉ dành cho người quản lý trung tín: Một người được lãnh nhận phần thưởng là do việc chứng minh lòng trung thành của mình với chủ. Chẳng chủ nào thưởng công cho quản lý bất lương.

(4) Quản lý không thể phục vụ hai chủ: Không giống như thời đại ngày nay, người nô lệ hay gia nhân thời xưa chỉ có thể phục vụ một chủ mà thôi. Cho dẫu ngày nay con người có thể làm tôi hai chủ, mức độ trung thành với hai chủ không bằng nhau: hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.

Cũng vậy trong việc phục vụ Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” Rất nhiều người suy nghĩ ngược lại với Chúa Giêsu: họ nghĩ họ có cách để phục vụ cả hai một lúc. Một ví dụ điển hình là người Pharisêu: “Họ vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giêsu.” Cũng có những người vì ham hố kiếm tiền, nên đã không còn thời giờ cho Thiên Chúa, ngay cả việc đi tham dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tiền của chỉ là phương tiện sinh sống trong trần gian. Chúng ta đừng bao giờ để tiền của làm chủ cuộc đời mình, và nhất là để nó thay thế Thiên Chúa.

– Lòng ham muốn tiền của dễ đưa tới những đối xử bất công với người nghèo. Chúng ta phải cẩn thận vì Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta về tất cả những bất công này.

– Cách tốt nhất để có công bằng xã hội là cầu xin Thiên Chúa soi sáng và đổi lòng những nhà lãnh đạo để họ biết cách quản lý đúng tất cả những ơn lành được trao ban.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-25-thng-nienc/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here